Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Văn Lê - Một người bạn hiếm có, một nhà văn mà tôi ngưỡng mộ

Văn Lê - Một người bạn hiếm có,
một nhà văn mà tôi ngưỡng mộ

Vừa qua, kỷ niệm 100 ngày mất của nhà văn Văn Lê, nhà báo Vũ Hòa – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Văn hóa thông tin đã vội vàng từ Hà Nội bay vào TP.HCM thắp hương cho người bạn tâm giao, người đồng đội thân thiết từ thuở còn trên chiến trường. Nhà báo Vũ Hòa cũng có bài viết xúc động tham gia tập sách Dấu ấn người hiền Văn Lê, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà văn Văn Lê
Hơn 23 giờ đêm 6 tháng 9 năm 2020, tôi vừa chợp mắt thì chuông điện thoại reo vang. Lê Ngọc Bồng từ Thành phố Hồ Chí Minh điện ra thông báo Lê Chí Thụy (Văn Lê) vừa đột ngột qua đời. Lúc đó ở thành phố mang tên Bác hình như có mưa lớn. Tiếng tôi hỏi và tiếng Bồng trả lời qua điện thoại cứ chập chờn, ngắt quãng. Bồng xúc động nghẹn ngào và tôi thực sự choáng váng…
Cách đấy vài ngày, Văn Lê điện thoại trao đổi với tôi một số ý tưởng viết về Hậu cần nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. Anh cho biết đã tìm thấy tư liệu, cả những bức điện gốc của Trung ương và Bộ Quốc phòng gửi cho Quân ủy và Cục Hậu cần Miền. Giọng Văn Lê chân thành: “Nếu tôi không có thời gian viết, sẽ cung cấp  tài liệu này cho Lê Ngọc Bồng và Nguyễn Ngọc Mộc. Còn ý kiến bổ sung vào cuốn Cung trầm trong bản hùng ca viết về Thượng tướng Bùi Phùng, tôi đã đọc và có chuẩn bị. Anh Hòa nói với anh Bùi Vinh là có thể yên tâm. Chúng tôi đã nhận lời là sẽ thực hiện”. Vậy mà…
Ngay trong đêm, tôi điện cho Lê Văn Vọng, Ngô Huy Hồng và Bùi Quang Vinh cùng một số bạn bè thân thiết, đồng thời viết mấy dòng thông báo tin buồn lên trang phây búc của mình…
Đêm ấy, tôi không ngủ được. Hình ảnh Văn Lê cứ hiện về trong đầu óc nguyên vẹn và sống động. Từ Mậu Thân năm 1968, hai anh em cùng tập viết văn, làm thơ, rồi những ngày dự trại viết của tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng do anh Nguyễn Trọng Oánh phụ trách, biết bao buồn vui cùng nhau chia sẻ. Sau này, mỗi khi vào Nam, tôi và Văn Lê thường gặp nhau hàn huyên. Ở Văn Lê có một cái gì đó làm người tiếp xúc với anh luôn có cảm giác ấm áp và tin cậy. Càng gần anh cảm giác ấy càng được khẳng định.
Gần đây, mỗi lần vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi thường được Văn Lê mời ăn sáng ở quán cháo lòng, rồi tạt vào hàng cà phê gần nhà anh. Tháng 7 vừa rồi, tôi vào thăm bạn bè, thăm chiến trường xưa đến hơn 30 ngày, chúng tôi có dịp gặp nhau nhiều hơn. Ngày 2 tháng 7 cả tốp kéo nhau lên Lái Thiêu thăm người đồng đội Cao Đăng Hạnh. Chiều 24 tháng 7, nghĩa là cách đây chưa đầy hai tháng, khi tôi đang chuyện trò với Văn Lê thì nhận điện thoại của Thiếu tướng Bùi Quang Vinh (con trai Thượng tướng Bùi Phùng) đang ở Lộc Hiệp, Lộc Ninh. Vinh đề nghị tôi tổ chức buổi gặp gỡ các bạn viết ở Thành phố Hồ Chí Minh để trình bày chủ trương ra tập II Năm tháng không quên và muốn được đóng góp, bổ sung cho tập sách viết về Cục trưởng Bùi Phùng, trước khi tái bản nhân dịp 100 năm ngày sinh của cụ. Tôi trả lời Vinh rằng 9 giờ sáng mai tôi bay ra Hà Nội. Vé đã cầm trong tay.
Văn Lê vốn là người kiệm lời, nghe câu chuyện trao đổi giữa tôi và Bùi Quang Vinh, anh vỗ vai tôi và chậm rãi lên tiếng: “Chẳng cần phải hoãn đâu anh Hòa ạ. Ta tổ chức gặp ngay tối nay được không. Anh điện cho anh Vinh phóng xe về đây luôn. Tôi và Bồng sẽ liên hệ với Trần Văn Tuấn, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Ngọc Mộc, Minh Diện… địa điểm thì gặp tại nhà hàng Ớt Đỏ cũng gần đây thôi. Bùi Vinh rất vui với kế hoạch này của Văn Lê và anh phóng xe về ngay thành phố. Mười tám giờ chúng tôi gặp nhau tại căn phòng khá lịch sự của nhà hàng, Vinh bắt tay mọi người rồi vào đề luôn:
– Trước hết xin chuyển lời cám ơn của Ban Liên lạc tới các anh, những người đã tổ chức, động viên và trực tiếp đóng góp nhiều tác phẩm vào tập Năm tháng không quên. Cuốn sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành dày 600 trang, khổ 23×15,5 in 2.000 cuốn, đến nay đã phân phối hết. Nhìn chung dư luận đánh giá khá cao. Các anh ở Bộ Quốc phòng, ở Tổng cục Hậu cần, nhất là các địa phương khen dữ lắm. Hiện nay, theo nguyện vọng của bạn đọc và của anh em cựu chiến binh, chúng tôi chủ trương làm tập II, kinh phí cũng đã lo được một phần và muốn đề nghị các anh tiếp tục giúp đỡ.
Ngừng một lát, Vinh phát cho mỗi người một tập Cung trầm trong bản hùng ca phô tô và tiếp:
– Đây là tập sách của tác giả Nguyễn Tiến Hải viết về Thượng tướng Bùi Phùng. Sắp tới, chúng tôi muốn tái bản có bổ sung, sửa chữa, đề nghị các anh đọc, nghiên cứu và cho ý kiến…
Từ trái sang phải: Nghệ sĩ ưu tú Bùi Xuân Hanh, Văn Lê, Vũ Hòa, Lê Ngọc Bồng, Minh Diện, Nguyễn Ngọc Mộc và chủ nhà Cao Đăng Hạnh, trong chuyến thăm đồng đội năm xưa tại Lái Thiêu, Bình Dương ngày 2.7.2020.
Cuộc trao đổi thân tình, ấm cúng kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. Mọi người trao đi đổi lại. Văn Lê chăm chú lắng nghe, gần cuối buổi, anh mới nêu chính kiến của mình. Trước nay vẫn thế, phát biểu của Văn Lê thường là ý kiến trung tâm, được mọi người đánh giá cao và dễ nhất trí. Chúng tôi không ngờ Văn Lê có nhiều tư liệu về Hậu cần đến vậy. Anh nêu những vấn đề mấu chốt về nội dung mà tập một đã đạt được, anh đánh giá cao một số tác giả lần đầu cầm bút như: Nguyễn Đông Thành, Bùi Ngọc Trác, Phạm Cường Thịnh, Phạm Thanh Xuân… đồng thời cũng phân tích những hạn chế không đáng có của tập sách. Anh đề nghị tập II phải nêu bằng được vai trò của hậu cần nhân dân. Để có đủ lương thực, thuốc men, kể cả vũ khí đạn dược cung cấp cho bộ đội, khối lượng hậu cần tại chỗ có vị trí hết sức quan trọng. Văn Lê nêu những số liệu để chứng minh từ năm 1962, khi Phòng Hậu cần Miền được thành lập, đến năm 1964, có thêm 4 đoàn Hậu cần 81, 82, 83 và 84. Năm 1968 thành lập thêm 5 đoàn khu vực và Cục Hậu cần Miền ra đời. Mỗi năm qua đường bộ, đường biển từ hậu phương chuyển vào được bao nhiêu, khối lượng hàng hóa khai thác tại chỗ chiếm tỷ lệ thế nào. Quả thật Văn Lê có rất nhiều tư liệu quý và trí nhớ của anh quá tuyệt vời…
Từ mùa xuân 2017, thể theo yêu cầu và nguyện vọng của đông đảo cựu chiến binh – những cán bộ, chiến sĩ từng công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại ngành hậu cần quân giải phóng mặt trận B2 – Một chiến trường trọng điểm về chiến lược bao gồm các tỉnh cực Nam Trung Bộ (khu 6) miền Đông Nam Bộ đến mũi Cà Mau, Ban Liên lạc do đồng chí Ngô Huy Hồng – nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần làm trưởng ban đã phát động cuộc vận động viết kỷ niệm sâu sắc trong những năm chiến tranh của ngành hậu cần. Cuộc vận động kéo dài 12 tháng. Ban Liên lạc giao cho tôi và nhà văn Lê Văn Vọng (cả hai đều là phóng viên báo Hậu Cần năm xưa) chịu trách nhiệm đôn đốc, tập hợp bản thảo và biên tập. Chúng tôi đã làm việc với Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp giúp đỡ. Chủ tịch Trần Văn Tuấn (vốn là chiến sĩ đoàn Hậu cần 83) rất nhiệt tình.
Yêu cầu của tập sách là viết về người thật việc thật, ghi chép những kỉ niệm, những việc làm của đồng đội hoặc của chính bản thân mình, ca ngợi hành động anh hùng của  đơn vị mình. Tiêu chí người thật việc thật, nhưng không dừng lại những mẩu chuyện người tốt việc tốt mà yêu cầu nâng lên thành những bút ký, truyện ký giàu hàm lượng sáng tạo văn học với sức cảm hóa cao. Một cuộc gặp mặt thân mật những người viết được tổ chức tại Nhà khách Tổng cục hậu trên đường Cộng Hòa. Hầu hết các đại biểu có mặt đều đã từng lăn lộn trên những cung đường thồ, nơi kho tàng bến bãi, trạm khách giao liên hay đội điều trị dã chiến… giờ ở tuổi thất thập, ngồi trải lòng trên trang giấy, không màu mè tô vẽ, chẳng câu nệ ngắn dài, mọi sự thật gian khổ, ác liệt, hy sinh chết chóc, ốm đau bệnh tật, đói ăn khát uống và cả sự thật những giây phút yếu mềm… đều thấp thoáng hiện ra. Còn nhớ đấy, nhưng ghi ra giấy trắng mực đen, quả khó không kém gì cầm súng chiến đấu, vất vả hơn cảnh đẩy xe thồ vượt đèo leo dốc năm xưa. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhiều chi tiết đã bị thời gian phủ bụi. Sự thực không dễ bị lừa dối, nhưng  có thể bị lãng quên, có thể bị phôi phai, chìm khuất giữa cuộc sống xô bồ thực dụng hôm nay…
Ngoài những ý kiến đóng góp hết sức hữu ích tại buổi gặp mặt, Văn Lê còn gặp riêng tôi và Lê Văn Vọng. Anh trao đổi từng công việc cụ thể, thậm chí gặp tác giả nào và yêu cầu viết về đề tài gì. Vì sao Văn Lê có sự hiểu biết thấu đáo và tận tình đến thế. Đóng góp vào tập I Năm tháng không quên, Văn Lê không phải chỉ có 3 bài thơ. Có thể nói rằng bất cứ tác phẩm nào có mặt trong tập sách đều thấp thoáng công lao và bóng dáng của anh.
Ảnh chụp tối 24.7.2020 trong buổi gặp gỡ tại Nhà hàng Ớt Đỏ, quận Tân Bình. Từ trái  sang phải: Vũ Hòa, Minh Diện, Văn Lê, Nguyễn Ngọc Mộc, Lê Ngọc Bồng và Thiếu tướng Bùi Quang Vinh.
Đất nước thống nhất, tôi chuyển công tác ra Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) được phân công theo dõi mảng văn hóa văn nghệ cả nước. Mỗi lần vào Thành phố Hồ Chí Minh hay Văn Lê ra Hà Nội họp hành, chúng tôi lại có dịp hàn huyên. Xuất bản được tác phẩm nào, Văn Lê thường tìm cách gửi ra tặng tôi. Càng đọc tôi càng trân trọng tài năng của Văn Lê, tôi cũng thường giới thiệu tác phẩm của anh cho bạn bè quen thân. Nhiều người đọc cũng thừa nhận: Viết về chiến tranh và về lịch sử ở Việt Nam, cho đến nay chưa có ai vượt được Văn Lê. Dẫu bạn đọc không phải ai cũng tỏ tường cuộc sống cá nhân đầy thăng trầm với những nỗi truân chuyên vơi đầy, vinh nhục của Văn Lê. Anh chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí bất công, Văn Lê không nửa lời kêu ca phàn nàn. Với anh, lúc nào và ở đâu cũng thế, luôn còn nhiều việc lớn lao, ý nghĩa đang đợi mình ở phía trước và anh cứ âm thầm đọc, cứ lặng lẽ viết. Viết để trả nợ cho đồng đội, trả nợ cho cuộc đời…
Sớm hôm sau, tôi không hình dung cái tin đăng trên phây búc đêm qua lại được nhiều người chia sẻ đến vậy. Từ các nhà văn Xuân Mai (Vĩnh Phú), Ngô Quang Hưng (Hòa Bình), các nhà báo Lương Xuân Miễu (Thái Bình), Ninh Viết Tấn (Thanh Hóa), họa sĩ Trần Trung Thành (Hà Nội), Tiến sĩ Nguyễn Hùng Khu (Gò Công) đến các nhà hoạt động điện ảnh: Đạo diễn – Đại tá Lê Thi, nhà quay phim Đỗ Khánh Toàn, Nguyễn Văn Hiệp… tất cả đều bình luận, trả lời tôi. Ai cũng chia sẻ nỗi đau thương và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, đồng đội của Văn Lê, cầu mong cho linh hồn anh sớm được siêu thoát. Có người chưa hề biết Văn Lê như các đại tá: Nguyễn Đức Cam, Nguyễn Văn Dần, Nguyễn Văn Đến… nhưng họ quý mến và trân trọng tài năng của Văn Lê qua các tác phẩm được đọc như: Mùa hè giá buốt, Phượng hoàng, Nếu anh còn được sống, Vé trở về, Cống nhân,… Họ nhờ tôi chuyển lời chia buồn tới gia quyến Văn Lê và bày tỏ nỗi tiếc thương vô hạn một nghệ sĩ đa tài!
Tập II Năm tháng không quên sẽ không còn sự góp mặt của Văn Lê. Song những ý kiến của anh từ nội dung đến cách thể hiện sẽ được chúng tôi thực hiện một cách hiệu quả và tôi tin nó sẽ ra đời đúng thời gian và đạt chất lượng cao hơn.
Trong những ngày đau thương này, tôi đã đọc nhiều bài viết về Văn Lê trên các báo và trên những trang mạng. Quả thật tôi chưa tưởng tượng Văn Lê có ảnh hưởng lớn lao trong lòng bạn đọc và trong tâm hồn khán giả điện ảnh đến thế. Tôi đọc 3 bài thơ của Trần Mạnh Hảo, Lê Văn Vọng và Lê Ngọc Bồng – ba người bạn cùng thời với anh suốt những năm chống Mỹ. Đọc mà không cầm được nước mắt. Những câu thơ như được chắt ra từ máu thịt, từ nước mắt mồ hôi của suốt mấy chục năm cùng nhau chiến đấu và công tác. Trần Mạnh Hảo đọc Văn Lê mà cảm giác: “Mỗi trang viết, hình như bom vẫn dội/ Máu chảy hoài khi mở sách ra xem”. Lê Ngọc Bồng thì khẳng định “Mỗi con chữ, một linh hồn đồng đội/ Từng trang văn chất chứa những nỗi niềm”, còn Lê Văn Vọng thì bùi ngùi xúc động “Ngọn đèn bàn từ nay mồ côi, không người thắp/ Cũng từ nay, ai dìu đỡ những linh hồn”…
Có một số người cứ băn khoăn tại sao một nghệ sĩ tài năng, đức độ như Văn Lê lại chưa được nhận Giải thưởng Nhà nước, chưa đạt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân? Cách đây vài năm tôi có đặt vấn đề với một số cán bộ có trách nhiệm, nghe đâu Hội Nhà văn và Hội Điện ảnh đã gặp, đề nghị Văn Lê làm thủ tục, nhưng anh không hào hứng, nhiệt tình lắm. Âu đó cũng là tính cách của Văn Lê!
Trên đời này chẳng có phần thưởng nào cao quý hơn đối với người cầm bút là qua những sáng tác của mình, xác lập được vị trí xứng đáng và bền vững trong lòng đông đảo bạn đọc. Chẳng có danh hiệu nào vẻ vang và ý nghĩa hơn là sự trân trọng, tin yêu của khán giả đối với những tác phẩm của chính mình sáng tạo nên. Văn Lê có lẽ là người duy nhất cho đến lúc này đã xác lập được cả hai giá trị đó. Không phải bất cứ ai từng đạt Giải thưởng Nhà nước, thậm chí Giải thưởng Hồ Chí Minh, từng đạt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cũng xác lập được những giá trị như Lê Chí Thụy tức Văn Lê của chúng ta. Chợt nhớ câu nói mà Văn Lê đã đôi ba lần tâm sự: “Nhân dân mới là người công bằng nhất. Họ tin yêu ai, thờ cúng ai chẳng có sai bao giờ”. Văn Lê ơi! Xin vĩnh biệt bạn, một nhà văn mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, một người bạn hiếm có trong cuộc đời tôi. Hãy coi bài viết vội vàng này là nén tâm nhang của Vũ Hòa và đông đảo đồng đội, bạn bè ở phía Bắc đưa tiễn Văn Lê về nơi an nghỉ cuối cùng.
28/9/2020
Vũ Hòa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Và cô gái chơi vơi níu một linh hồn thất lạc Người thiếu nữ đi giữa đồng cỏ lau// Trên tay là đóa hoa bay ngược gió/ Những chiều vàng ươ...