Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Hư - thực trong "Những mùa nhớ" của Nguyễn Duy Chung

Hư - thực trong "Những mùa nhớ"
của Nguyễn Duy Chung

Nguyễn Duy Chung phụ trách mạng tin học của một ngân hàng lớn tại Hà Nội. Trai đất Cảng xịn nên trong phong cách cũng toát ra cái chất mộc mạc, phóng khoáng, lại thêm có chất thơ trong tâm hồn nữa nên nhìn và tiếp xúc là cảm nhận được con người có chiều sâu.
Học Bách khoa, làm thơ và làm lãnh đạo, tính anh thẳng thắn, quyết đoán nhưng không thiếu phần năng động, khôn khéo, linh hoạt. Ấy vậy mà chàng thơ này có nhiều yếu tố hư thực lắm. Đầu tiên là việc chàng phủ niềm yêu thương lên vợ và hồi ức về con đường tình yêu dẫn đến hôn nhân. Hãy đọc kỹ “15 năm”:
“Có chứng giám của hai nhà
Quan toà nhiều lắm
Một ngày họ gặp nhau
Quyết là phải xử
Vì là, tội ngày càng nặng ra”
(15 năm – Tr.49)
Những mùa nhớ – Tập thơ của Nguyễn Duy Chung
Ôi! Ông kỹ sư Bách Khoa kể chuyện thật hóm hỉnh. Hài hước cợt đùa, nhưng xem ra cuộc luận tội và định ra hình phạt của các quan toà là hai gia đình nội ngoại cũng theo đúng lộ trình và nghiêm ngặt ra trò. Thì đây, Hội đồng xét xử:
“Hình phạt đầu phải mang xe hoa
Rước nạn nhân về nhà
Đúng ngày 23/3
Tòa còn tuyên tội nặng
Tù mãi mãi không tha”
(15 năm – Tr.49)
Chàng ta cũng nhận ra vợ chàng là nạn nhân, chàng là thủ phạm nên đương nhiên phải bước vào đời sống hôn nhân với thái độ thành khẩn và quyết tâm sửa chữa tội lỗi. Thế mà thoắt đấy đã lại trở thành nghi phạm vì cái nỗi sống trong đời sống hôn nhân nhưng chưa toàn tâm với gia đình, còn lãng đãng với thơ ca, bạn hữu; đôi khi còn nhớ về kỷ niệm và người xưa (lát nữa chúng tôi sẽ có phân tích giải trình trước toà); có nguy cơ cảm nắng, phải gió ở đâu đó trên đường xê dịch, hái lượm cảm xúc để… làm thơ. Hội đồng xét xử, hai gia đình kết luận là “Tù mãi mãi không tha”, khác gì có tình tiết giảm nhẹ khiến chàng ta được đà lách luật:
“Tội vẫn ngày nặng ra
Thôi thì, đã vậy em à
Tội này, đời này anh chẳng cần tha”
(15 năm – Tr.49)
Ông kỹ sư tha hồ nằm trong nhà tù vợ, an yên mà hạnh phúc, với sự giám sát,vun đắp của rất nhiều thế lực. Thì cứ vậy mà ung dung tự tại, mà yên ổn làm thơ và chơi với thơ. Có gì đâu mà rộn!
Một loạt bài thơ siêu nịnh vợ, chắc để ghi điểm mà thoải mái nấn ná thời gian ngồi bù khú với bạn thơ như “Chạy quà 8/3”- Tr.51, “Điệp khúc”- Tr.54, “Phiên bản tình yêu”- Tr.55. Tôi chắc khi trêu đùa Chung, chàng sẽ cãi em đâu viết cho vợ đâu… nhưng đến “Mấy dòng cho vợ”- Tr.66 thì kỹ sư hết cãi bởi “giấu đầu hở đuôi” với rất nhiều câu yêu thương, tự thú rất chân tình:
“Hôm qua vợ tròn ba chín tuổi
Giật mình mới nghĩ, hoá mình điêu
Trước bảo cưới anh là không khổ
Nghĩ lại mà thương vợ nhiều nhiều”
Nguyễn Duy Chung là dân kỹ thuật, nên rất rõ ràng, thẳng thắn dám làm dám chịu khi thừa nhận mình điêu… Nhưng đến câu kết của bài thơ thì đã đạt đến nghệ thuật, anh điêu thật:
“Chẳng dám khoe quà sinh nhật vợ
Mấy câu tâm sự viết kiểu thơ
Bốn mươi nhưng vợ đừng lo nhé
Vợ mình vẫn đẹp, vẫn ngon ơ”
Tôi biết vợ hắn đẹp, là giảng viên đại học, còn tiếp tay cho mấy em dính líu đến hắn xin việc… nên hắn nịnh chưa thật lòng cũng hơi thừa, cái kiểu viết thơ lại bảo mấy câu tâm sự viết kiểu thơ, ý bảo tất cả bạn đọc: nếu có nịnh vợ thô, coi như tôi tâm sự thật lòng thôi, chất hư thực, khôn ngoan đã lây từ ai đấy nhỉ?
Đọc thêm “Một ngày hạnh phúc”– Tr.57, 58, 59 viết hộ Chip, đầy yêu thương. Ông kỹ sư nói giúp con:
“Mẹ tất bật mỗi sớm
Chăm cho em Tip ăn
Rồi cũng quáng cũng quàng
Đến trường cho kịp giảng”
“Mẹ tranh tranh thủ thủ
Chấm những tập bài thi”
“Mái ấm thật êm đềm
Ôi con yêu bố mẹ”
Ai chả biết tỏng ông suy bụng ta, ra bụng người… ông ta khôn ngoan nói gián tiếp rằng thì là mà dù có chứng này tật kia, say thơ, sành rượu đến mấy nhưng rất yêu và thương vợ con.
Những bài thơ về vợ con của Duy Chung phát tâm tự sự thật lòng, yêu thương chan chứa cất lời, yêu thì nói yêu thôi, không cần quá nhiều ngôn tình…
Còn nữa, ai chả biết chàng ta dân kỹ thuật thì thi đầu vào bằng toán, lý, hoá nhưng chưa thấy nhiều người gửi tình cảm qua dạng thức của các công thức hoá học:
“Bài tập Hoá ấy có quên đâu
Thế là mình lại mất nhau một đời
Cứ khuấy vào nhớ vậy thôi
Dung môi em mãi tan hoài niềm anh”
(Bài tập môn Hoá – Tr.74)
Và:
“Công thức là tình thương
Tính toán là hành động
Thời gian, một thoáng thôi
 
Biến số là tâm hồn
Hằng số là tường cao
Và đáp số…
Kịp đưa tay về phía
Một sinh linh… đang rơi”
(Bài tập Vật lý – Tr.75)
Và:
“bậc mấy
bậc mấy
vi phân thế nào để thấy
EM YÊU ANH!?”
(Vi phân tình yêu – Tr.73)
Thật tài tình, Duy Chung đưa vi phân, lý, hoá trộn vào yêu thương trong thơ, không cứng nhắc, gãy vụn, trung hoà… thế mới lạ.
Nhà thơ Nguyễn Duy Chung và các bạn thơ trong buổi ra mắt sách của nhóm Facebach
Thế nhưng tài năng, yêu thương vợ con không thể che lấp đi một vài rung động trước bến ga xưa con tầu cũ… Thế mới là nguyên cớ để những mùa nhớ dâng hương. Này thì:
“Em nhuộm vào chiều sân ga nhỏ
Ánh mắt…
mang mang màu đợi chờ”
“Tìm ánh mắt ngày xưa như đã hẹn
Mong bàn tay ấm lại bàn tay”
“Giờ thì thầm từng bước
Cứ quay về…
Em nhé…
Tôi nhớ em…
Dù con tàu ra Bắc hay vào Nam”
(Chuyện ở sân ga – Tr.9, 10)
Mặc dù tay ấy đã rất cáo cụ, rào dậu cẩn thận bằng trích dẫn rất rõ câu cuối “Hình ảnh đã có trong một bài hát”, tôi vẫn muốn hét lên: Ông tướng, chả liên quan! Ông đừng cho khói sương hư ảo, nhạc đệm bài về con tàu cho nỗi nhớ hẹn hò nơi xưa, còn thì thầm: Em cứ quay về…Em nhé…Tôi nhớ em. Người đọc tức thay cho vợ hắn. Em nào? Sao giàn thiên lý không lung lay nhỉ? Thì đấy, ga đấy, người đấy, con tàu đấy, hắn có giấu gì đâu? Tình xưa có gì đâu? Nếu có đã chả dại gì đưa vào thi tập, rõ ràng là tập thơ Những mùa nhớ thì phải đủ các cung bậc của nhớ chứ. Là nhớ vợ, nhớ con, nhớ bè bạn, nhớ bài hát con tàu, nhớ dáng người xưa còn gì… Ai còn thắc mắc, anh ta còn giơ cái biển mời gọi, tiếp thị thay cho hàng quán người ta “Cafe ở đây khó quên y như người yêu cũ” trên Phố Sách. Rõ là mượn hư hư thực thực để hắn thoải mái bày tỏ nỗi nhớ nắng gió “ngoài luồng” một cách công khai, vô tội:
“Nhấp cạn những ngọt bùi
tan vào mùa cũ
Café, café
những viên kẹo bị lỡ
đắng đến giọt cuối bây giờ”
(Cafe và người cũ – Tr.16)
Thật thú vị và đầy màu sắc, giỏi PR như người sành sỏi chiêu tiếp thị thị trường, nhưng rõ ràng là thơ, rất thơ đấy chứ. Có lẽ quán cafe đầu Phố Sách, trước đây là phố 19-12, còn có tên dân gian là chợ Âm phủ nên mua bản quyền bài thơ và in to tướng vào tường của quán, chắc chả thiếu các đôi chanh sả vơ vẩn, hào hứng giơ điện thoại chụp choẹt seo phi, giống như ngày xưa các nam thanh nữ tú hí húi ngồi chép thơ tình vào sổ tay.
Duy Chung vừa thận trọng, chính xác vừa khôn khéo, lại khá bản lĩnh khi làm loá mắt người đọc và người thân bằng series thơ yêu vợ, thương con trọn đời, nhưng chàng ta cũng lại đăng thơ và ảnh của người xưa trên tập Những mùa nhớ mà người nay cũng không vặn vẹo được gì… Nhắc lại với các bạn rằng: Duy Chung, chàng trai sinh ở Hải Phòng, học Bách khoa luôn tận tâm với bè bạn, chân thành thẳng thắn như những công tắc on – off rõ ràng… nhưng cũng lại rất lãng mạn, bay bổng với Những mùa nhớ. Duy Chung đích thực là một anh chàng “Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng”? [1].
Chú thích:
[1] Mượn ý thơ của Huy Cận.
Hà Nội, 23/10/2022
Đỗ Mạnh Hùng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...