Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Khi cái đẹp cứu vớt chúng ta

Khi cái đẹp cứu vớt chúng ta

Trong mọi nền văn hóa trên Trái đất, con người trang trí tài sản lẫn bản thân, và thưởng thức nghệ thuật thị giác. Chúng ta nhìn vào những cảnh quan rộng lớn và bầu trời đầy sao, hát và nhảy.
Tại sao? Câu trả lời có vẻ hiển nhiên: những điều này mang lại cho chúng ta niềm vui. Nhưng bằng cách nào? Và lợi ích của cái đẹp mang đến là gì, dù chắc chắn là nó không ăn được?
Niềm vui với cái đẹp
Chúng ta biết rằng thỏa mãn thị giác không chỉ là một bản năng thuần túy như ăn uống hay ham muốn tình dục. Khi chúng ta đã ăn đủ no, khoái cảm với đồ ăn sẽ giảm xuống. Và khi cơn cực khoái qua đi, tình dục trở nên thừa thãi.
Cả hai đều là những hành động có mục đích: Chúng ta ăn trước hết là để thỏa mãn cơn đói, và nhu cầu sinh lý thúc đẩy một cuộc giao phối. Con người còn nhiều thú vui khác, những thú vui không có mục đích. Ví dụ như khi chúng ta âu yếm nhau: không có sự tích tụ nội tiết tố, hay thiếu thốn sinh nào, thúc đẩy bạn đến gần nhau hơn.
Tương tự, niềm vui với cái đẹp cũng tập trung vào quá trình, chứ không phải đích đến. Hành động đi kèm với nó là chiêm ngưỡng. Bạn đang nhìn chăm chú vào một ngọn núi, hay một bầu trời đầy sao, và tự biết rằng trải nghiệm này là đáng giá, để tiếp tục thực hiện nó, nhưng việc chiêm ngưỡng không đem lại kết quả ngay lập tức.
Bạn có thể tiếp tục dán mắt nhìn vào ngọn núi, và bầu trời, dù không ai nói rằng điều đó tốt cho sức khỏe, hay mang lại tiền bạc. Bạn cứ thế nhìn, vì phía trước bạn là ngọn núi ấy, bầu trời ấy, và chỉ thế thôi.
Cái đẹp không phải là một tập hợp các đặc điểm dễ ưa, như là sự xinh xắn, mà là một sự thật hiển nhiên, tràn ngập tâm hồn, như Jacques Maritain đã bảo: “Cái đẹp là thứ mang lại niềm vui, không phải là niềm vui tạp nham, mà là niềm vui khi biết, nhưng không phải thứ niềm vui gắn với hành động hiểu biết, mà là từ đối tượng ta đã biết. Nếu một thứ gì đó nâng đỡ và mê hoặc Linh hồn bởi chính thực tế được ban phát cho trực giác của nó, thì hãy nắm lấy, nó thật đẹp”.
Nhưng dù đã được ngợi ca suốt chiều dài lịch sử loài người, có vẻ như mỹ học, thứ khuyến khích chúng ta chiêm ngưỡng thế giới này, không phù hợp lắm với quan điểm tiến hóa: quá lãng phí thời gian, lẫn sự cảnh giác, và cả năng lượng. Một kẻ lơ đễnh hay dừng lại ngắm nhìn sẽ không có nhận thức về những mối nguy hiểm đang bủa vây anh ta.
Và cái đẹp trong mắt động vật chỉ nên đơn giản là một sự hấp dẫn nhằm duy trì giống nòi, như Darwin viết: “Khi chúng ta nhìn thấy một chim đực cố gắng khoa trương những màu sắc duyên dáng và lộng lẫy của mình trước con cái, không còn nghi ngờ gì nữa, con cái sẽ ngưỡng mộ vẻ đẹp ấy với tư cách của một bạn tình tiềm năng”.
Khi chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi và thứ bậc xã hội là ưu tiên trong các chuỗi thức ăn, thì cái đẹp càng dễ bị vùi lấp hơn: nghệ thuật sẽ không được đa số khuyến khích theo đuổi, vì từ lâu nó bị đánh đồng với sự viển vông, phi thực tế, hoặc giả nếu có được đề cao, thì là để phô trương một điều gì đó, chứ không phải bản thân cái đẹp.
Một tay trọc phú cũng có thể dùng tranh Van Gogh để khiến đám đông phải co rúm trước hắn ta. Còn bản thân cái đẹp, với tất cả nghĩa nguyên thủy của từ này, không thể mài ra ăn được, vậy thì nó sẽ cứu rỗi điều gì đây?
Nghệ thuật hoàn toàn vô dụng
Câu trả lời có thể nằm trong phương thức nhận thức của chúng ta. Các thụ thể tri giác giúp chúng ta nhận biết thế giới này: Thị giác cho chúng ta những hình ảnh hai chiều, và thính giác đem đến âm thanh. Những hình ảnh và âm thanh này sẽ thay đổi liên tục tùy theo vị trí nhận thức và hoàn cảnh bên ngoài thay đổi. Tuy nhiên, nhận thức kỳ diệu của chúng ta vẫn mang đến cho ý thức một sự trình bày rõ ràng và mạch lạc về các vật thể rời rạc được sắp xếp trong không gian ba chiều.
Điều này diễn ra ngay cả trong các điều kiện tồi tệ, như trong bóng tối hoặc sương mù, hoặc khi ta chìm vào những âm thanh hỗn loạn của các bữa tiệc hay buổi hòa nhạc. Ngay cả khi các giác quan không thể tiếp nhận đầy đủ thông tin, thì khả năng phi thường của nhận thức vẫn giúp chúng ta xây dựng được một hình ảnh ổn định và mạch lạc về thế giới.
Để làm được điều này, hệ thống thị giác phải rất nhạy cảm với các mô hình và trật tự, để xây dựng một nhận thức về thế giới quanh mình. Và để nhận thức được thành thạo, chúng ta đều phải thực hành.
Nhà tâm lý học Daniel Berlyne đã phát hiện ra từ thập niên 1960 rằng trẻ sơ sinh đã bắt đầu quá trình này bằng cách nhìn chăm chú, và ngẩng cao đầu lắng nghe, để tiếp thu những mô hình cuộc sống đơn giản. Khi lớn lên, chúng thích thú với những hình ảnh ngày càng phức tạp hơn, bất đối xứng, hoặc có tính trừu tượng cao hơn.
Khi chúng ta đến tuổi trưởng thành, các mô hình mang lại cho chúng ta niềm vui ngày một phức tạp hơn. Lúc nhỏ, chúng ta có thể nhìn chằm chằm vào bàn cờ; và khi trưởng thành, chúng ta rung động bởi những cảnh quan bí ẩn xung quanh mình, hay một bầu trời đầy sao.
Khoa học lý giải điều này một cách hết sức logic: niềm vui thẩm mỹ giống như một trò chơi của tri giác, và nó có giá trị đơn giản vì nó phát triển mạnh mẽ kỹ năng nhận thức của chúng ta.
Vào năm 1998, nhà thần kinh học người Anh Semir Zeki đã định nghĩa về nghệ thuật (được xem như con đường phổ biến nhất dẫn đến cái đẹp) là “một sự tìm kiếm liên tục, không ngừng, thiết yếu và bền bỉ các đối tượng, bề mặt, diện mạo, và cảnh huống”. Con người sẽ không ngừng cố gắng nhận thức những điều phi thường, ngày một hỗn loạn hơn của thế giới này, bằng các hoạt động “nghệ thuật”, với cứu cánh là cái đẹp.
Về nghệ thuật, trong Lời tựa tiểu thuyết kinh điển “Bức tranh Dorian Gray”, Oscar Wilde từng viết thế này: “Lý do duy nhất để tạo ra một thứ vô dụng là vì ta ngưỡng mộ nó cùng cực. Toàn bộ nghệ thuật là vô dụng”.
Đa số không hiểu Oscar Wilde muốn nói gì. Vào năm 1891, Bernulf Clegg, một sinh viên của Đại học Oxford đã gửi thư đề nghị Oscar Wilde giải thích, và ông đã trả lời thế này:
“Nghệ thuật là vô dụng bởi mục đích của nó đơn giản là tạo ra một tâm trạng. Nó không có ý nghĩa hướng dẫn, hoặc ảnh hưởng đến hành động dưới bất kỳ hình thức nào. Nó là vô trùng tuyệt đối, và diễn giải khoái cảm của nó cũng là vô trùng. Nếu thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật lại phải theo sau một hành động dưới bất kỳ hình thức nào, thì hoặc đó chỉ là một tác phẩm hạ cấp, hoặc người xem không nhận ra được ấn tượng nghệ thuật hoàn chỉnh”.
“Một tác phẩm nghệ thuật vô dụng cũng như một bông hoa là vô dụng. Một bông hoa nở cho niềm vui của chính nó. Chúng ta thì có một khoảnh khắc sung sướng khi ngắm hoa nở. Đó là tất cả những gì cần nói về mối quan hệ của chúng ta với hoa. Tất nhiên con người có thể bán hoa, và vì vậy làm cho nó hữu ích đối với anh ta, nhưng điều này cũng chẳng liên quan gì đến hoa. Đấy không phải một phần bản chất của nó. Đấy là lạm dụng”.
Quan điểm này của Oscar Wilde trùng với Immanuel Kant, người cho rằng cái Đẹp không có một chức năng nào khác ngoài việc nó Đẹp, không cần giải thích, vô ngôn, và hoàn toàn tự nhiên. Nghệ sĩ chỉ tạo ra cái Đẹp từ những rung động mỹ học và cảm xúc của chính anh ta, những thứ “vô dụng”.
Nếu anh ta vì chiều lòng công chúng, hoặc vì một dụng ý nào đó, làm thay đổi tác phẩm của mình, thì cái anh ta tạo ra không còn là cái Đẹp nữa. Cũng như bông hoa không bao giờ chiều lòng người ngắm, và người ta ngắm nhìn nó đơn giản chỉ là vì nó là hoa thôi.
Vĩ thanh
Trải nghiệm cái đẹp là phải BIẾT, với một ý nghĩa đủ đầy, vượt khỏi chiều kích của những giác quan thông thường. Hãy thử nghĩ về điều này: nếu ta chưa từng biết đến mùi của một miếng bít-tết, thì ta sẽ không NHẬN RA được nó.
Ngửi không phải là cảm giác giúp chúng ta nhận ra một đối tượng. Nó chỉ có thể giúp ta NHỚ LẠI một đối tượng. Mùi của miếng bít-tết có thể gợi lại hình ảnh của miếng bít-tết, nhưng không đủ để ta hiểu được sự tồn tại của nó.
Trải nghiệm cái đẹp là một kinh nghiệm tách rời với các giác quan vị giác và khứu giác của chúng ta. Vì vậy, bạn rất hiếm khi nghe thấy: Ồ, miếng thịt này có vị đẹp quá. Giống như Oscar Wilde đã cắt nghĩa: khi bạn nhận ra một cây sồi là đẹp, đó không phải là vì bạn có một mối quan hệ không thể giải thích được với cây sồi, hay thần giao cách cảm gì.
Đơn giản vì bạn là một sinh vật đang thích thú với một thực tế bày ra trước mắt, không gì hơn. Khi bạn thấy người yêu của mình xinh đẹp, tức là trong đầu bạn không hẳn là một ý niệm rõ ràng rằng cô ấy đã giảm cân, hoặc trang điểm đẹp, hoặc chiếc váy rất hợp. Đơn giản là sự tồn tại tổng thể của cô ấy là cái ĐẸP, và bạn rung động. Một tần số vô ngôn.
Và vì thế, tạo hóa đã hun đúc nên những linh hồn kỳ lạ: Con người – với tư cách những kẻ yêu cái đẹp. Chỉ có con người là giống loài duy nhất sẽ dừng chân dưới một ngọn núi không phải vì anh ta có thể sử dụng nó, mà đơn giản là vì chính nó. Anh ta hái hoa, vì đơn giản đó là hoa. Anh ta yêu những cánh đồng, vì đơn giản đó là những cánh đồng. Anh ta nằm ngửa và nhìn chằm chằm vào những vì sao mà không vì một lý do nào cả và rồi những vì sao, bỗng tỏa sáng. Đấy gần như là một vũ trụ được tạo riêng cho anh ta. Một niềm hạnh phúc hoàn toàn cao quý, dù nó miễn phí.
Và có thể cứu rỗi tâm hồn chúng ta, khỏi chủ nghĩa tiêu dùng, những định giá nhân phẩm, những nấc thang địa vị, và tất cả những dung tục ngập tràn cuộc sống này. 
29/1/2020
Huyền Cầm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khu ổ chuột Những ngôi nhà dột nát… Những thân hình dặt dẹo… Những bóng đèn tù mù… Những con đường quanh co không lối thoát… Một góc H...