Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Khởi đầu mới - Nguyễn Phan Quế Mai

Khởi đầu mới
Nguyễn Phan Quế Mai

Người Bali không làm gì vào ngày Tết. Họ chỉ giữ tâm trí trong trẻo và yên bình, sẵn sàng cho một khởi đầu mới.
Gia đình tôi chuyển đến sống và làm việc tại Indonesia từ năm 2017. Và năm nay, tôi đón Tết cổ truyền Việt Nam ở đất nước này. Khi chúng tôi đến thăm đảo Bali, người dân ở đây nói với tôi rằng ngày quan trọng nhất vào dịp Tết của họ gọi là Nyepi – ngày hoàn toàn yên tĩnh. Quan niệm của người Bali về sự yên tĩnh vô cùng thú vị: họ tin rằng nếu cả hòn đảo yên ả, ma quỷ và sự xấu xa cho rằng không ai sống ở đó nữa, vì thế chúng sẽ bỏ đi.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai
Trong suốt 24 tiếng của ngày Nyepi, cả hòn đảo yên ắng, không có chuyến bay nào hạ cánh hoặc khởi hành. Tất cả các gia đình tắt đèn và thắp nến. Không có ô tô, xe máy hoặc người đi bộ ngoài đường. Tất cả các cửa hàng đóng cửa. Các khách sạn được yêu cầu phải kéo rèm che kín cửa sổ. Trong ngày Nyepi, người ta thiền, suy ngẫm, không sử dụng điện, không đốt lửa, không ra khỏi nhà, không tham gia các hoạt động giải trí. Sự yên tĩnh ấy giúp thanh tẩy con người và cả hòn đảo, để tất cả sẵn sàng cho một khởi đầu mới.
Indonesia là một trong nhiều quốc gia tôi từng sống và làm việc. Tết xa xứ đầu tiên, khi là cô sinh viên 19 tuổi giữa thành phố Melbourne sầm uất, tôi chỉ có thể trở về quê hương bằng ký ức. Tôi đã chắt chiu tiền học bổng định mua vé máy bay về Sài Gòn rồi đón xe đò về với cha mẹ ở Bạc Liêu, nhưng chương trình học dày đặc đã không cho phép. Thay vào đó, tôi cùng bạn bè, những du học sinh người Việt, chuẩn bị một bữa tiệc Tết thật thịnh soạn để thết đãi thầy cô và các bạn nước  khác. Chúng tôi đã săn lùng thực phẩm và gia vị từ các cửa hàng ở vùng Footscray, nơi có nhiều người Việt sinh sống, cách ký túc xá hơn một tiếng rưỡi đồng hồ bằng các phương tiện công cộng. Chúng tôi cùng nhau gói bánh chưng và nấu những món ăn truyền thống của cả hai miền Nam, Bắc. Đó là bữa tiệc ấm áp và đầy ắp tiếng cười. Nhưng nó không đủ hương vị Tết như tôi mong đợi: không có mùi hương trầm tỏa từ bàn thờ tổ tiên, mùi tà áo mới mà mẹ đã dành dụm cả năm để may cho tôi.
Tôi đã thương nhớ mùi Tết trong suốt 5 năm ở Australia, thời gian tôi vừa đi học vừa đi làm, không thể trở về quê hương đón mùa xuân mới cùng gia đình. Vào một ngày ba mươi Tết, tôi đến thăm cặp vợ chồng người Việt lớn tuổi có ba đứa con đang làm việc ở các tiểu bang khác nên không thể đón Tết ở nhà. Bên họ, tôi cảm thấy như được về bên cha mẹ – những người cũng đang phải một mình giữa mùa xuân mới bởi ba anh em tôi đều đi học xa.
Hôm đó, khi giao thừa sắp đến, hai bác bắt đầu kể với tôi về chuyến hành trình vượt biển của họ vào đầu những năm 80 trên một con thuyền nhỏ như chiếc lá giữa những con sóng cao ngút của đại dương. Họ kể cho tôi nghe về cái màu tím thẫm của nước biển – tím bởi đói khát và tuyệt vọng, đến nỗi cả chân trời và bầu trời cũng tím. Hai bác ước nguyện được về Việt Nam vào dịp Tết, được quỳ trước mộ tổ tiên.
Thời khắc giao thừa chạm ngõ ở quê hương, chúng tôi đã đứng cạnh nhau ở ban công, vai tựa vai, hướng về quê nhà tít tắp phía chân trời. Lúc đó, hơn bao giờ hết, tôi mới hiểu được rằng mỗi con người, nếu được chọn, không ai muốn bị bứt ra khỏi quê hương bản quán. Và tôi cũng tin rằng, mỗi người Việt tha hương đều mong ước được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn vào Tết cổ truyền.
Từ năm ấy, Tết trong tôi còn có cảm thương với những người Việt xa xứ. Tôi thương các bạn tôi phải đón Tết ở Bangladesh, ngay trong công sở, giữa tiếng nguyện cầu văng vẳng từ các nhà thờ Hồi giáo. Tôi thương những giọt nước mắt của kiều bào trong bữa tiệc mừng xuân do đại sứ quán Việt Nam tổ chức tại Philippines. Họ đã khóc khi một ca sĩ đến từ Việt Nam cất lên bài “Xuân này con không về”. Tôi thương bàn tay của các chàng trai cô gái ở những xứ sở mà tôi đã qua, những bàn tay chưa quen bếp núc song đều cùng làm giò chả, gói bánh chưng, bánh tét.
Càng đi, tôi càng thấy Tết không chỉ thiêng liêng mà là sợi dây nối chúng tôi với cội nguồn và cộng đồng mình. Tôi chạm vào sự dẻo dai của sợi dây ấy vào Tết Bính Thân năm 2016 khi vừa chân ướt chân ráo tới Brussels, thủ đô nước Bỉ. Quanh tôi là mùa đông vần vũ. Thật may, nơi xa quê hương ngàn dặm, tôi lại được trôi trong tiếng Việt trầm bổng, khi quây quần với những người bạn mới quen. Bàn tay chúng tôi ngượng nghịu gói ghém nhớ thương vào những chiếc bánh chưng vuông như cánh đồng xanh ngát của quê nhà.
Mỗi năm xa quê, ở những nơi cách Tổ quốc nhiều nghìn cây số, tôi được thấy những người cha ấp đôi tay khắc khổ của họ lên đôi tay mơn mởn của những đứa con, dạy cho chúng cách gấp lá dong, lá chuối để bánh chưng vuông và bánh tét tròn. Tết thơm mùi yêu thương khi tôi gặp những người mẹ quỳ xuống trước con mình, giúp chúng cài khuy áo dài, đôi mắt rạng rỡ tự hào. Và Tết có vị hạnh phúc khi tôi gặp những đứa trẻ bập bẹ nói những câu chúc Tết bằng tiếng Việt.
Giao thừa năm nay, học cách của người Bali, tôi cũng để tâm hồn mình lắng xuống trước mọi xô bồ, áp lực của cuộc sống. Tôi thanh tẩy mình khỏi mọi lo lắng, buồn phiền, giận hờn, tha thứ cho chính mình trước mọi lỗi lầm đã phạm phải. Và tôi như đứa trẻ, lại được sinh ra lần nữa. Dưới bầu trời lấp lánh sao đêm, tôi lắng nghe rộn rã của đất trời, hít hà hương thơm cỏ cây hoa lá đang hân hoan đâm chồi nảy lộc. Và tôi nguyện cầu bình an mãi mãi ngự trị trên Tổ quốc tôi và cả hành tinh này.
Nguyện cầu cho bình an, sức khỏe, hạnh phúc đến mọi nhà, mọi sinh linh dù chúng ta ở bất cứ nơi đâu. Dù ta đã đau buồn hay khó khăn thế nào, đã may mắn hay nỗ lực ra sao, tất cả đều xứng đáng có được một khởi đầu mới với cơ hội rộng mở như nhau. Nguyện cầu cho những nụ biếc của tình yêu, sự tử tế và lòng nhân ái giữa người và người nở bừng suốt năm Canh Tý.
26/1/2020
Nguyễn Phan Quế Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...