Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Làng Quang Dụ quê tôi

Làng Quang Dụ quê tôi

Thuở còn bé tẹo, vào những buổi chiều hè oi ả tôi vẫn thường bám theo ông nội râu tóc trắng như mây ra cạnh bờ tre gai bên bờ sông Lam ngồi hóng mát. Nằm gọn vào lòng ông nội, tôi lịm đi trong tiếng sáo diều dìu dặt cứ ngầy ngật trên thinh không. Trong mơ mòng, tôi vẫn nghe rõ từng lời ông tôi rủ rỉ: “Làng ta là Quang Dụ, thuộc tổng Thịnh Quả, phủ Đức Thọ, Hà Tĩnh. Xửa xưa thuộc về đất Nghệ An…”. Dẫu ông nội tôi đã khuất núi được hơn nửa thế kỷ, nhưng lời nói của Người thì vẫn đọng mãi trong tâm trí của đứa cháu yêu.
Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Sau trận lụt lịch sử hồi tháng 10 vừa rồi, tôi có dịp trở về thăm quê. Bạn bè cùng trang lứa với tôi, giờ đã ở vào tuổi “tri thiên mệnh”, chẳng còn mấy ai còn nhớ nổi tên làng mình. Kể cũng lạ, cái mảnh làng bé nhỏ nằm ở rẻo đất lụt lội bên bờ sông Lam mà có đủ cả Anh hùng quân đội, nhà văn, phi công, rồi tiến sĩ, nhà giáo, lại có thêm kiến trúc sư nữa. Sau nhiều năm tham gia các loại hội hè đồng hương từ huyện đến tỉnh, phát ngấy vì sự vô bổ và phù phiếm, từ đầu năm 2010 trở đi, tại Sài Gòn, chúng tôi bàn nhau nhóm họp hội làng. Ngoài các suất tráng đinh thì mời thêm con cháu, dâu rể… Đầu xuân, gặp nhau vui còn hơn cả tết, không khí thật sự ấm cúng. Cùng hát hò rôm rả, cùng ôn lại chuyện ngày xửa ngày xưa. Bạn bè chơi với nhau từ thuở tồng ngồng lặn hụp trên sông, giờ trên đầu đã hai thứ tóc mà gặp nhau tay bắt mặt mừng, vẫn cứ mày tao, bất kể người đối thoại là tướng tá, là “phó thường dân” hay quan chức Nhà nước cũng vậy. Được trải lòng với nhau thế mới sướng, chớ có ra oai với người làng mà dại. Có điều lạ là cả mấy chục con người mỗi khi hội ngộ vẫn chỉ quen nhắc đến tên hợp tác xã Trung Thành của thời chống Mỹ, chứ chả còn ai nhớ nổi tên làng làng Quang Dụ của tiền nhân khai mở tự xa xưa. Đành nhìn nhau cười trừ chớ biết trách ai bây giờ?
Cái rẻo đất làng tôi bao năm nay vẫn thoi thót lở bồi trồi trụt bên bờ sông Lam, nằm ngay dưới ngã ba Phủ. Đây là nơi hai dòng sông Lam và sông La gặp nhau trước khi xuôi về Hội Thống (Nghi Xuân), hòa mình với biển cả. Dòng Lam giang hiền hòa đúng như tên gọi của nó, nước óng xanh biêng biếc tựa như màu da trời. Hơn trăm năm trước, làng Quang Dụ quê tôi vốn nằm ở bên tả ngạn sông Lam, kề cận ngay dưới chân Rú Thành, còn gọi là núi Hùng Lĩnh, hay Triều Khẩu. Đầu thế kỷ XV, khi nhà Minh sang xâm lược và đô hộ nước ta, thấy địa thế hiểm yếu, quân giặc do viên tướng Trương Phụ cầm đầu bèn cho xây thành trên đỉnh núi Hùng Lĩnh. Thành được kiến trúc bằng đá xếp, giữa có ụ tròn và cao, tương truyền là nơi dựng cột cờ. Năm 1424, Lê Lợi cho nghĩa quân Lam Sơn tới bao vây và chiếm được thành. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, song dấu tích Lam Thành mãi vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Con dân làng tôi đi đâu trong vùng cũng lấy Rú Thành làm địa tiêu “định vị” để tìm về nơi chôn nhau cắt rốn.
Bấy giờ, các làng Quang Dụ, Hưng Phúc và Khánh Sơn đều thuộc xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Trên địa bàn xã có ngôi đền Chiêu Trưng thờ tướng quân Lê Khôi, nổi tiếng linh thiêng khắp vùng. Bên trong ngôi đền có bức tượng tương truyền được tạc bằng gỗ trầm cùng nhiều sắc phong của triều đình. Chẳng biết tự bao giờ, trong dân gian vẫn truyền tụng câu sấm ký: “Bao giờ thủy đáo Lam Thành. Cha con nhà Nguyễn tan tành, tả tơi”. Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng “sông kia bên lở bên bồi” vốn là chuyện rất đỗi thường tình. Chỉ biết rằng khi dòng Lam trở chứng bắt đầu sục ngoạm vào phần đất của Khánh Sơn với một tốc độ nhanh đến chóng mặt, nhiều gia đình không còn chỗ cắm dùi thì người dân buộc phải tính kế lâu dài. Họ bơi thuyền sang phía hữu ngạn, nơi có doi đất sa bồi ngờm ngợp nom như miếng tóp mỡ và gần như cả doi đất hãy còn hoang hóa. Nghĩa là ông trời lấy mất cái này nhưng lại mang đến cho con người cái khác. Người dân của hai làng Quang Dụ và Hưng Phúc bèn họp nhau quyết định dời sang định cư ở vùng đất mới nằm về hữu ngạn sông Lam, thuộc phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đầu tiên là bảy gia đình thuộc loại “to gan, lớn mật” của cánh họ Nguyễn nhà tôi xung phong đi trước. Các hộ này dỡ luôn nhà cửa, bốc “bản đạo” xếp lên thuyền sang bên kia sông lập thành một xóm nhỏ. Dần dà, nhiều gia đình lần lượt vượt sông, chùm nhúm nhau lập nên làng mới. Quang Dụ thôn ở phía trên, kế đến là Hưng Phúc. Tất cả đều nằm gọn trên bãi phù sa ngờm ngợp mướt mát ven sông Lam. Chỉ còn lại chừng vài chục hộ là nhất quyết không chịu rời, họ quyết bám giữ lấy mảnh đất của tổ tiên đến cùng. Vì vậy ngót hàng thế kỷ nay, người làng Quang Dụ vẫn bơi thuyền sang sông trồng màu, cấy hái và thu hoạch mùa vụ bình thường. Mối quan hệ huyết thống giữa người làng hai bên sông bao đời nay vẫn thắm thiết, không phân biệt địa giới hành chính.
Dưới thời thuộc địa nửa phong kiến, từ việc tế lễ, cho đến các cuộc hội hè, đình đám, người làng bên này cứ đến hẹn lại lên thuyền kéo nhau trở về chiêm bái quê cha đất tổ. Dường như sông nước chẳng bao giờ ngăn trở được bước chân của dân làng Quang Dụ. Không chỉ có đàn ông mà ngay cả đàn bà, con gái vậy, họ vẫn thường xuyên bơi thuyền qua lại như con thoi, ngoại trừ những khi bão tố hoặc lụt to, nước xiết thì đành chịu. Người làng tôi vốn khí khái, sống thẳng băng đến độ dễ bị mất lòng. Cũng chính vì lẽ đó mà giữa hai làng có chung gốc gác đã xảy ra một vụ kiện hi hữu về quyền lễ bái ngôi đền Chiêu Trưng, phải cậy đến cửa quan phủ nhờ phân xử. Theo lời cha tôi kể lại, để mỗi làng đều được hưởng ân sủng của thần linh, quan trên đành phán quyết: “Khánh Sơn khánh tượng. Quang Dụ, Hưng Phúc bao sắc”. Theo đó, ngôi đền cùng đồ thờ tự vẫn nguyên vị, hai làng Quang Dụ và Hưng Phúc được phép xây mỗi làng một ngôi đình mới, hằng năm các bô lão luân phiên nhau tổ chức rước sắc phong về đình làng để thờ. Cứ năm này Hưng Phúc rước xuống thì năm sau lại tới lượt Quang Dụ rước lên, lễ hội thiêng liêng và kính cẩn lắm.
Vốn quen chống chọi với thiên tai, bơi lội như rái cá, trai làng Quang Dụ phần đông nổi tiếng là “ương đầu, ngảng cổ”, không biết sợ là gì. Thời thuộc Pháp, các tráng đinh trong làng từng nhiều lần vác gậy tre và đòn càn vây đánh cho bọn Tây đoan bổ vía, khiến chúng phải ôm đầu máu mà chạy mỗi khi bọn này dám nghênh ngang về làng để lùng bắt những người nấu rượu. Mẹ kiếp, “rượu ta nấu, nó cho rượu lậu…”. Về sau, cả đám quan Tây lẫn quan ta cùng bọn sai nha, lý dịch đều “tim đập, chân run” mỗi khi có việc phải thân chinh về làng Quang Dụ.
Không biết câu sấm ký linh ứng tới mức nào, chỉ biết vào mùa thu năm Ất Dậu (1945), khi dòng Lam thè lưỡi chạm vào chân Rú Thành thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra, lật nhào ngai vàng của vua quan nhà Nguyễn, lập nên chế độ Cộng hòa dân chủ nhân dân. Người dân Quang Dụ hồ hởi đón chào cách mạng. Để tiện cho việc quản lý, chính quyền mới cho lập xã Tiền Tiến, thuộc huyện Đức Thọ, bao gồm sáu làng: Quang Dụ, Hưng Nghĩa, Nam Ngạn, Hưng Phúc, Vịnh Đại, Thuận Hòa. Đến năm 1946, theo quyết định của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Hà Tĩnh, xã Tiền Tiến được tách ra để lập nên hai xã mới. Ba làng Nam Ngạn, Hưng Nghĩa và Quang Dụ hợp thành xã Đức Quang. Tuy ở cùng một xã nhưng làng tôi từ giọng nói đến phong tục, tập quán khác hẳn với hai làng Nam Ngạn và Hưng Nghĩa. Mấy làng còn nhập lại thành xã Đức Vịnh. Đây là quê hương của nhà lý luận phê bình Hà Xuân Trường, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt đầu tiên.
Không lâu sau ngày hòa bình lập lại (1954), dưới chân Rú Thành mọc lên một cơ sở công nghiệp, đó là Nhà máy đường Sông Lam. Đây là công trình do nước bạn giúp xây dựng, và không biết từ đâu trong dân gian vẫn lan truyền tin đồn rằng bọn người nước ngoài đến đây cốt để lấy số vàng cha ông họ khi xưa đã chôn giấu! Chúng tôi lớn lên giữa biết bao chuyện hư thực và huyền thoại đan cài vào nhau. Khi tôi nhận biết xung quanh thì ấn tượng đầu tiên không thể nào quên là hằng đêm dãy đèn điện sáng như sao sa của nhà máy đường chiếu xuống dòng Lam và được mặt nước khúc xạ hắt sang làng tôi, khiến nhiều gia đình ở gần bờ sông như nhà tôi chả phải tốn một xu dầu đèn. Hằng ngày, người dân trong vùng đã quá quen thuộc với tiếng còi tầm ủ ù u… của nhà máy, và coi đó là chiếc đồng hồ báo giờ giấc cực kỳ chính xác. Khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Nhà máy đường Sông Lam trở thành một trong những mục tiêu oanh kích của không lực Hoa Kỳ. Được che chắn bởi Rú Thành cao nhất, nên muốn đánh phá hủy diệt nhà máy đường, bọn giặc lái Mỹ chỉ có duy nhất một phương cách là bay đến đầu làng tôi rồi bổ nhào cắt bom và phóng tên lửa hoặc rốc két. Vì lẽ đó, làng tôi trở thành cái túi đựng bom, đạn… Bao lần đi chăn trâu, tôi đứng tựa lưng dưới thành hào giao thông tận mắt chứng kiến từng quả bom đen trùi trũi rời cánh máy bay Mỹ vun vút lao xuống cắm thẳng vào nhà máy. Những chớp lửa kinh hoàng và tiếng nổ lộng óc nối nhau kéo dài tưởng chừng không bao dứt. Và tôi rùng mình chứng kiến khu nhà công nhân của nhà máy đường bị bom Mỹ chẻ đôi và sụp đổ hoàn toàn.
Sông Lam núi Hồng
Trong bài thơ Gửi sông La của nữ thi sĩ Hoàng Thị Minh Khanh được viết trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Lê Việt Hòa phổ nhạc) có câu: “Có phải sông từng tắm mát Nguyễn Đô Lương?” chính là nhắc đến một người con ưu tú của làng tôi. Thực ra, cả xã Đức Quang chỉ có độc làng Quang Dụ quê tôi nằm bên bờ sông Lam, hai làng Nam Ngạn và Hưng Nghĩa mới thực gắn với dòng La giang. Nhưng thôi, chuyện đó không có gì phải bàn cãi, ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến một người anh hùng. Nguyễn Đô Lương sinh năm 1929, ông là con trưởng của cụ Trọng Em, một lão nông tri điền. Theo ngôi thứ trong họ tộc thì tôi phải kêu ông Lương bằng chú. Năm 16 tuổi, ông Lương xung phong vào bộ đội Nam tiến, tham gia chiến đấu ở chiến trường Liên khu 5. Với chức trung đội trưởng trinh sát thuộc Trung đoàn 108 Đại đoàn 305, Nguyễn Đô Lương là người mưu trí và rất gan dạ, ông đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Tháng 5 năm 1953, trong chuyến dẫn một tổ đi điều nghiên lần cuối vị trí địch ở Hòn Bàng, thuộc tỉnh Quảng Nam, chẳng may cả tổ do ông Lương chỉ huy lọt vào ổ phục kích của địch. Trước khi bị sa vào tay giặc, ông còn kịp hô hoán để các đồng đội của mình chạy thoát. Bị địch bắt và dùng cực hình tra tấn hết sức dã man, Nguyễn Đô Lương vẫn cương quyết không hé nửa lời. Bọn giặc bèn trói ông vào cột rồi dùng dao khoét cả hai con mắt và sau đó bắn chết. Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Nguyễn Đô Lương được Đảng và Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông là niềm tự hào của cả làng tôi nói riêng và xã Đức Quang nói chung.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, làng Quang Dụ là một vùng quê trù phú, trên bến dưới thuyền tấp nập. Đất cánh bãi, thóc gạo ít nhưng hoa màu… thì rất sẵn, mùa nào thức ấy. Làng tôi có nghề trồng mía, kéo mật từ lâu đời. Những gia đình khấm khá đều có một cỗ che ép mía được tiện thủ công bằng gỗ dẻ hoặc gỗ trường thớ đỏ au khá tinh xảo. Hằng năm cứ vào cữ mạnh đông thì nhà nhà bắt đầu vào vụ thu hoạch mía và dựng che kéo mật. Đêm đến, những lò đường bập bùng ánh lửa, tiếng mõ che ngân dài không dứt, tạo nên một bản hòa tấu với giai điệu mượt mà, bất tận. Người cầm che ung dung tự tại ngồi đút mía và cất giọng ngâm Truyện Kiều rồi Chinh phụ ngâm hoặc Cung oán ngâm khúc. Nhờ vậy mà thuở trước nhiều người làng tuy không biết mặt chữ nhưng vẫn thuộc làu những áng thơ bất hủ ấy, thậm chí có người còn đọc ngược, thế mới đáng nể! Lũ trẻ nít chúng tôi sung sướng bu bám bên lò lửa vừa để sưởi ấm vừa mong được chén những củ khoai lang được vớt ra từ chảo mật mía màu bánh rán đương sôi ùng ục. Chao ơi là ngon, cứ gọi là tuyệt cú mèo, lịm cả người. Đường làng, ngõ xóm ngập trắng bã mía, cả không gian sực nức mùi mật mía thơm ngòn ngọt, cảm giác trên tóc và cả áo quần lúc nào cũng dấp dính. Đến bây giờ, mỗi khi hồi tưởng lại cảnh chặt mía và kéo mật, mẹ tôi dẫu đã ở vào tuổi ngoại bát tuần vẫn chưa hết rùng mình, Người bảo ấy là “nghề xát xương”, bởi công việc quá ư là nặng nhọc, dẫu có đồng ra đồng vào để tiêu pha quanh năm.
Đất làng tôi thuộc hạng “bờ xôi ruộng mật” vắt vẻo dọc triền sông, được thiên nhiên ưu đãi. Bởi vậy nên trong làng, vườn tược nhà nào cũng trồng các thứ cây ăn quả, thôi thì đủ từ cây lưu niên như mít, đến chanh, cam, bưởi, nhãn, quýt, hồng… Nhưng phổ biến nhất vẫn là giống chanh hoàng niên, quả to, vỏ mỏng, nước mọng và có mùi thơm rất đặc trưng, nó trở thành đặc sản của làng Quang Dụ. Thời hoàng kim, thương lái mò về thu mua tận gốc mang ra chợ Vinh và bán đi muôn nơi. Bao năm nay, dù định cư ở đâu thì tôi cũng mang theo bằng được một cây chanh lấy giống từ làng quê của mình. Bây giờ, sống ở Sài Gòn cũng vậy, trong mảnh vườn nhỏ của gia đình tôi vẫn có một gốc chanh hoàng niên cho trái ăn quanh năm.
Mỗi năm vài trận lụt, đất làng được bồi đắp bởi một lớp phù sa dày cả tấc, nên giống cây gì cũng cho quả ngọt lành, thơm thảo. Đáng kể nhất là mùa rau, thôi thì đủ loại, từ su hào, bắp cải, đến xà lách, rau diếp… Về nông sản có ngô nếp, khoai lang, các loại đậu đỗ và nhiều vô thiên lủng lạc. Mỗi vụ các hộ thu hoạch hàng tấn lạc sen, lạc cúc, đem phơi khô khén và đóng vào chum bịt kín để dành quanh năm. Lạc nhân với mật mía nấu thành kẹo lạc, một thứ quà quê dân dã nức tiếng xa gần.
Phía sau làng tôi, xế bên dưới nhà máy đường một đoạn có bến đò chợ Tràng chuyên đưa đón khách bộ hành từ Đức Thọ (Hà Tĩnh) sang địa phận huyện Hưng Nguyên và từ đây thẳng ra chợ Vinh. Đây là quãng rộng nhất của dòng Lam, dễ phải đến hàng cây số chớ không ít, bằng cớ là đứng ở bờ bên này của làng tôi nhìn sang bên bờ đối diện hút cả tầm mắt. Người yếu bóng vía bước lên đò rất dễ bị ngợp trước sự mênh mang của dòng sông. Vậy nhưng trên bến sông này, từ lúc tinh mơ đến khi chiều muộn bao giờ cũng dập dìu khách qua đò. Hai chiếc đò thường trực ở hai bên bờ, hễ chuyến này xuất bến thì chuyến kia cũng nhổ sào, và khách có thể chào nhau ngay giữa dòng sông. Trên đò, khách bộ hành được sắp xếp chỗ ngồi cân đối, người đi chợ về lủng liểng quang gánh, thúng mủng; những chiếc xe đạp được xếp gọn vào giữa. Từ lúc tôi nhận biết chung quanh đến tận sau này, chưa bao giờ tôi nghe nói đò ngang qua khúc sông Lam ở sau làng Quang Dụ bị chìm hay bị lật cả.
Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, dân số phát triển khá nhanh. Người mỗi ngày một sinh sôi, đất mỗi ngày một co lại. Dòng sông Lam thường nhật vẫn hiền hòa và thơ mộng, nhưng hễ cứ mùa lụt thì nó trở nên vô cùng đáng sợ. Mỗi trận lụt đi qua, dễ có đến hàng chục thước đất làng bị lở và nước cuốn phăng vào dòng chảy cực kỳ hung hãn. Đất chật người đông, buộc dân làng tôi lại thêm một phen buộc phải tính kế với ông trời. Sau những chuyến ngược ngàn tìm đất mới để an cư, năm 1962, vài chục hộ dân dắt díu nhau rời nơi chôn rau cắt rốn, theo kiểu “giãn dân” khai hoang. Nơi đến là vùng bán sơn địa của xã Đức Lĩnh, nay thuộc huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. Từ cột mốc đó cho đến năm 1968, có gần cả trăm hộ kéo lên đây lập nên một làng mới lấy tên là Quang Tân. Nhiều gia đình khác thì tản mác định cư ở nhiều nơi khác trong huyện, chủ yếu là tìm nơi cao ráo, tránh được nạn lụt lội truyền kiếp hằng năm. Bà con, họ mạc ly tán mỗi người một nẻo. Riêng cánh họ Nguyễn của tôi đã có đến sáu chi nhà thờ ở nhiều nơi khác nhau là vì vậy. Nhưng dù đi đến tận chân trời góc biển nào thì tôi vẫn không thể nào quên được quê cha đất tổ, nơi mẹ tảo tần làm ra hạt lúa củ khoai nuôi anh em tôi bao tháng ngày, nơi có nhà thờ họ tộc mà tôi từng vịn tường chập chững những bước đi đầu tiên.
Tuổi lên mười, tôi theo gia đình sơ tán lên xã Đức Lĩnh nhưng ký ức về ngôi làng tuổi thơ vẫn luôn cựa quậy trong tâm trí tôi và tôi đã kịp tái hiện nó trong 2 tập truyện dài Đất thiêng do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành vào năm 2003. Khi cầm bút, tôi chỉ muốn lưu giữ lại cho các con tôi chút hình bóng da diết của cố hương, đơn giản vậy thôi.
***
Cổ nhân có câu “mãnh hổ như hà”, ấy là nói về sự tàn phá kinh hoàng của thủy thần. Đứng trên bờ kè ngó sang bên phía tả ngạn, Rú Thành tự bao đời nay vẫn sừng sững như bức trường thành. Đây chính là địa tiêu tuyệt vời mà đi đâu cách xa vài chục cây số người làng tôi vẫn có thể phóng tầm nhìn xác định đúng quê hương mình. Dưới chân núi nham nhở, trầy trụa, Nhà máy đường Sông Lam oằn lưng hứng chịu bom đạn Mỹ thuở nào giờ chỉ còn dấu tích trong ký ức xa thẳm. Làng quê một thời sầm uất của tôi giờ chỉ còn lại vài chục nóc nhà, bạn bè thời chăn trâu cắt cỏ hầu như chẳng còn ai. Dẫu không còn bị xói lở nữa nhưng giờ đây ba phần tư đất làng Quang Dụ đã vĩnh viễn chìm lỉm dưới đáy dòng Lam. Cái nền nhà của cha mẹ tôi ngày trước giờ đã nằm sang hẳn bên phần đất của Nghệ An… Những hộ còn bám trụ cứ bị thủy thần dồn mãi đến tận cuối làng, lấn cả lên phần đất dành cho người thiên cổ! Giữa trưa, tôi lững thững một mình lội bộ dọc triền sông mong tìm lại chút gì đó hơi hướm của tuổi thơ và tôi thật sự không còn dám tin vào mắt mình nữa. Từng lớp phù sa khô nỏ cong tớn giòn rụm hệt như những chiếc bánh đa vừa mới quạt trên lò than ra, vỡ vụn dưới mỗi bước chân. Tiết lập đông, trời đã bắt đầu chuyển se se lạnh vậy mà lưng áo tôi cứ đầm đìa mồ hôi. Một cảm giác hoang hoải và trống trải đến nao lòng. Suốt cả một khúc sông dài tịnh không một bóng người, mỏi mắt kiếm tìm cũng chẳng bói đâu ra nổi một cánh buồm. Tất cả dường như chết lặng và biến mất tự bao giờ. Tiến thêm một đoạn, tôi bắt gặp một cô gái đương giặt chiếu dưới sông. Thấy tôi đứng ngó trân trân sang phía Rú Thành, cô gái ngửng lên nhoẻn cười và cất tiếng như chim hót:
– Chú ơi, chú ở mô đến rứa?
– Ơ, cái nhà o ni, lạ he! Tui là con dân của làng, tui nứt ra ở chính đất ni!
Nén một tiếng thở dài, bất chợt nhớ đến bài Đường thi “Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương, tôi đứng như chôn chân trước bến sông. Dòng nước vẫn lầm lì mải miết trôi xuôi, dường như không còn biết đến khái niệm thời gian. Ngày trước, từ sáng sớm cho đến tối mịt, trên bến sông này không lúc nào vắng người. Kẻ kín nước, người tắm táp, giặt giũ, trẻ con nô đùa váng cả mặt sông. Từng đàn trâu thung dung gặm cỏ, hễ bụng tròn căng thì chúng đủng đỉnh lội xuống sông đằm mình dưới nước, thở phì phà và ngúc ngoắc cặp sừng mốc thếch. Thuyền vạn chài rồi đò dọc xuôi ngược tấp nập. Những cánh bè nứa, mảng gỗ từ mạn Ngàn Sâu, Ngàn Phố xuôi về cứ như những con trăn khổng lồ uốn lượn giữa dòng sông và thường khi vẫn hay tấp vào bến đầu làng tôi để cánh thợ sơn tràng bán bớt lâm thổ sản kiếm thêm ít lưng vốn.
Hàng bao đời nay sống chung với lụt lội nên dân làng tôi ai ai cũng phải lo phòng bị sẵn sàng. Từ đầu hè, các bà nội tướng đã phải lo dự trữ dầu đèn, gạo củi, mắm muối, tương cà. Nhà nào cũng có khoang chạn khá cao, tựa như gác xép của người thành phố vậy. Lũ về thì tất cả già trẻ lớn bé rút hết cả lên chạn, ăn uống, ngủ nghỉ ở đó có khi hàng tuần lễ. Những gia đình khấm khá thì sắm thuyền gỗ ba ván (tam bản), thấp hơn một chút thì kiếm chiếc thuyền nan rộng rãi, được sơn phết bằng thứ hắc ín dẻo mết. Tất cả đều được kê cao, cất kỹ. Vậy nhưng vẫn chưa đủ, mỗi nhà còn phải mua lấy dăm bảy bó nứa dựng sẵn đầu hè.
Từ giữa thu, hễ thấy trời mưa mịt mùng thì ai nấy bắt đầu lo chằng níu nhà cửa cẩn thận. Hễ thấy nước bắt đầu dềnh lên thì đẵn thêm dăm cây chuối hột kết vào bè nứa. Trên bè có chỗ quây lại có mái che cho lợn, gà, vịt ở. Nước lụt dâng lên tới đâu thì bè nổi tới đó. Còn trâu bò thì hoặc là đưa lên đê La Giang gởi nhờ nhà bà con, hoặc dắt lên cồn đất đắp sẵn từ trước, cao gần ngang với mái nhà, trên đó có cả cây rơm chúng tha hồ mà nhá suốt ngày. Những ngày lụt, trong khi người lớn thì lo bạc cả mặt, thì lũ con nít chúng tôi lại phởn chí vì chả phải lo đến trường, lại được ăn no ngủ kỹ và nghịch nước thỏa thích, được bơi thuyền đến chỗ này chỗ nọ. Lạ một điều là vào mùa lụt lội, ăn gì cũng thấy ngon. Chỉ một loáng đã thấy ngon ngót dạ, lại muốn có món gì đó bỏ miệng nhóp nhép rồi. Cả một vệt làng quê chìm trong biển nước mênh mang, những ngọn tre vật vờ ngoi ngóp chống lại dòng nước xiết. Mỗi trận lụt đi qua chẳng khác gì một trận bom thời chiến tranh, để lại trên mặt đất cảnh tan hoang, xơ xác. Đường sá bị xói lở hư hại, cầu cống bị cuốn trôi…
Ông anh con bác cả tôi là người vẫn kiên gan bám trụ ở làng bảo, không nhớ hết là có bao nhiêu đoàn cứu trợ đã về làng. Tấm lòng của đồng bào cả nước, đã sưởi ấm bao cảnh đời nổi nênh giữa dòng nước bạc. Dân làng tôi cảm động xiết bao khi nhận được sự động viên, chia sẻ kịp thời. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhờ vậy mà bà con vùng lụt từng bước vượt qua được cơn hoạn nạn, đứng vững trong những ngày giáp hạt. Nước lụt rút, nhà nhà lo dọn dẹp gột rửa bùn đất, dặm sửa lại những nơi bị tàn phá. Nước rút tới đâu, bà con xới xáo đất để trồng màu ngay đến đó. Phù sa ngờm ngợp dày cả lớp nên chỉ cần vãi nắm hột giống là rau lên bời bời tốt như hóa. Vài hôm là đã có đĩa rau ghém trên mâm cơm rồi, mươi bữa là có thể nhổ rau cải gánh ra chợ bán. Rồi xu hào, cải bắp, cải củ, rau diếp, hành ngò, v.v… thi nhau óng ả xanh mướt mát. Ngô vụ đông, khoai lang, đậu đỗ, rồi bầu bí cứ đua chen rì rào trên cánh bãi ven sông.
Bất chấp giá lạnh, một mùa xuân rạo rực đang gần kề. Anh bạn Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Đức Quang vốn học cùng lớp với tôi thời phổ thông cấp 3 Trần Phú, vẫn sôi nổi như thuở nào. Liêm bảo tôi, năm nay ông thử rời phố thị ồn ã một chuyến xem nào, thu xếp một chuyến đưa cả nhà về quê ăn Tết được không? Quê mình dẫu nghèo đến mấy thì vẫn có đủ “thịt mỡ, dưa hành,…” để đãi nhà văn, yên tâm đi. Ông bà ta bao đời nay vẫn vậy, mình chẳng thể nào khác được. Tôi vâng.
4/11/2019
Nguyễn Minh Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...