Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Lương Xuân Nhị: Họa sĩ của màu xanh

Lương Xuân Nhị: Họa sĩ của màu xanh

Từng có tranh triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới, được các nhà sưu tầm nổi tiếng tìm mua, từng có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp tiến xa hơn nữa, nhưng họa sĩ Lương Xuân Nhị sớm lựa chọn cho mình một con đường: con đường cống hiến cho cách mạng, cho dân tộc. Và, nền mỹ thuật Việt Nam mãi lưu danh họa sĩ Lương Xuân Nhị, một tài năng, một tấm lòng yêu nước.
Họa sĩ Lương Xuân Nhị
Tên tuổi của họa sĩ Lương Xuân Nhị không chỉ “vang bóng” trong những câu chuyện về một thế hệ họa sĩ làm rạng danh cho nền mỹ thuật Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Nam Sơn, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Diệp Minh Châu… Tên ông cũng không chỉ được nhắc nhớ trong ngôi nhà 29 phố Cửa Nam (Hà Nội) với nhiều kỷ vật đang được con trai ông coi sóc. Cái tên Lương Xuân Nhị còn xuất hiện trên nhiều sàn đấu giá tranh quốc tế với những bức tranh mang hồn cốt Việt. Như hồi tháng 4 năm ngoái, tác phẩm “Xưởng thêu” (L’atelier de broderie) của ông gây được tiếng vang lớn khi nhà đấu giá Aguttes đưa lên sàn đấu giá tại Paris, Pháp. “Xưởng thêu” đạt mức giá 526.760 euro (13,7 tỉ đồng). Vài tháng sau, một bức tranh khác là “Làng Bắc Bộ” (Village du Haut Tonkin) vẽ năm 1939 – bức tranh sơn dầu lớn nhất của họa sĩ Lương Xuân Nhị (274 x 327cm) – cũng đã được gõ búa với giá 215 nghìn USD tại Nhà đấu giá nghệ thuật Aguttes, Paris, Pháp. Cùng với một hòa sắc xanh vàng dịu nhẹ rất đặc trưng phong cách vẽ của Lương Xuân Nhị, ánh sáng trong veo. Người xem có cảm giác như không khí mát lành thôn quê đang bao quanh. Và sau ngót 100 năm, những gì trong bức tranh này càng trở nên quý giá như một câu chuyện kể về một miền quê bất kỳ của xứ Bắc.
Hoạ sĩ Lương Xuân Nhị sinh ngày 10/4/1944 tại Hà Nội. Ông học cùng các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Lưu Văn Sìn, Hoàng Lập Ngôn ở Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, khóa 1932-1937. Trước Cách mạng tháng Tám ông là hoạ sĩ sáng tác tự do, thành viên sáng lập FARTA (1943). Sau Cách mạng tháng Tám ông là chủ tịch lâm thời khu phố Cửa Nam, Hà Nội (1945 – 1946); giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam năm 1946; Trong kháng chiến chống Pháp ông là Chủ tịch Hội Văn hóa kháng chiến tỉnh Hưng Yên (1947- 1948); Tổng thư ký Chi hội Văn nghệ Liên khu III (1949- 1951). Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc ông là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1956 – 1978). Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983 – 1989). Tác phẩm của ông được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng ở Paris (Pháp), New York (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản) và ở nhiều bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.
Trong quá trình công tác ông đã được phong hàm Phó Giáo sư; danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam; Huy chương Vì thế hệ trẻ; Huy chương Chiến sĩ Văn hóa; Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân.
Thiếu nữ bên hoa sen (sơn dầu, 1940).
Không chỉ là nhà giáo có nhiều công lao trong sự nghiệp đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam, Lương Xuân Nhị còn là một họa sĩ sáng tác nhiều tác phẩm lụa, sơn dầu về phong cảnh, con người lao động, thiếu nữ, với lối thể hiện mềm mại, tinh tế, màu sắc tươi tắn đậm phong cách phương Đông. Là một người giai của Hà Nội, họa sĩ Lương Xuân Nhị thích những phối sắc êm dịu phong phú của màu xanh ở chính trong thiên nhiên và đưa nó vào trong tranh phong cảnh nông thôn, đồi cọ, thậm chí cả trong tranh về thiếu nữ Hà thành.
Nét tài hoa của Lương Xuân Nhị tỏa sáng từ rất sớm. Ngay từ hồi học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ông đã bán được nhiều tranh cho các nhà sưu tầm. Khi đó, có người còn ví ông là “Levitan của Việt Nam”. Những bức tranh làng quê ông vẽ thật bình dị, có lũy tre xanh, giếng làng, cây đa bến nước. Cái màu xanh trải dài trong tranh ông được ví như những áng thơ phương Đông, quyến rũ kỳ lạ. Cũng vì thế các báo Pháp hồi ấy đã gọi ông là “họa sĩ của màu xanh”.
Không chỉ vậy, Lương Xuân Nhị còn được coi như họa sĩ của phái đẹp. Rất nhiều thiếu nữ Hà thành, những phu nhân đài các, những cô gái chân quê chất phác đã lưu lại vẻ đẹp thanh xuân của mình qua nét vẽ tài hoa của ông như bức “Thiếu phụ”, “Thiếu nữ”, “Thiếu nữ đan len”… Những người mẫu trong tranh thường là do ông chọn thuê, song cũng rất nhiều người tự tìm đến nhờ ông vẽ. Các bức tranh vẽ thiếu nữ của ông đều bán ngay khi chưa ráo mực. Đặc biệt, nét đẹp xưa của người con gái Hà Nội toát lên trong tranh của ông cái thần thái, phong cách mang dấu ấn của một thời không thể nào pha hòa, trộn lẫn. Bởi thế, thời bấy giờ người ta có câu “Phố Phái, gái Nhị” để chỉ sự đặc tả phụ nữ trong tranh Lương Xuân Nhị
Bên cạnh đó, họa sĩ Lương Xuân Nhị còn để lại dấu ấn của mình qua những bức tranh địch vận. Hai bức tranh địch vận “Vì sao, vì ai” và bức tranh “Noel – Noel” của họa sĩ Lương Xuân Nhị hiện đang được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong những bức tranh này, vẫn bắt gặp một Lương Xuân Nhị tinh tế khi ông vẽ mà như khơi gợi, vận động những tâm tư sâu lắng, thầm kín nhất của con người. Trong giới họa sĩ ở thời kỳ đó, không phải ai nào cũng được tham gia vẽ tranh địch vận. Đấy là sứ mệnh lịch sử trao cho họa sĩ Lương Xuân Nhị. Trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông, một mảng đóng góp, sự cống hiến thầm lặng ấy cũng có câu chuyện riêng của nó, điểm thêm để hoàn tất chân dung con người. Cả cuộc đời của ông chỉ biết cống hiến tất cả những gì tốt đẹp nhất ở tâm hồn mình, của xúc cảm sáng tạo cho sự phát triển chung của nền mỹ thuật Việt Nam.
Bức tranh “Làng Bắc bộ” (Village du Haut Tonkin).
Vì tài năng của mình, họa sĩ Lương Xuân Nhị được các giải thưởng về mỹ thuật từ rất sớm. Có thể kể đến giải vàng (năm 1936) và giải “Ngoại hạng” (năm 1937), do Hội Khuyến khích Mỹ thuật – Kỹ nghệ Đông dương trao tặng. Ngoài ra, trong 5 năm học tại trường, năm nào tranh của ông cũng được chọn tham dự triển lãm ở khắp nơi trên thế giới như Hong Kong, Paris, Mỹ, Batavia. Một quan chức người Pháp cũng từng mua 8 bức tranh của ông để mang về nước treo. Năm 1939, một nhà sưu tầm người Mỹ đã mua bức “Làng An-nam” sau đó bức này được chọn trưng bày ở một cuộc triển lãm tranh quốc tế ở Mỹ và được chọn in vào tuyển tập tranh đẹp nhất quốc tế lúc bấy giờ. Đây cũng được coi là bức tranh đầu tiên của Việt Nam được trưng bày ở Mỹ và đạt được thành tựu đáng nể.
Nổi tiếng ngay từ lúc còn rất trẻ nhưng chàng trai Hà thành Lương Xuân Nhị không quá vui mừng với những cơ hội đến với mình. Bằng việc cùng với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn… lập nên nhóm sáng tác Farta, Lương Xuân Nhị đã chính thức bài trừ lối vẽ theo Tây. Ông cho rằng: “Ta (họa sĩ Việt Nam) học theo Âu châu, cách vẽ, cách diễn tả hình khối, ánh sáng, màu sắc theo hiện thực trước mắt đã ăn sâu vào mình khi được đào tạo (ở Trường Mỹ thuật Đông Dương). Nghệ thuật phương Đông lại bỏ chi tiết, chỉ diễn tả hình sắc theo cách nhìn chủ quan của người họa sĩ. Nắm bắt thần thái của cảnh và người”. Đến năm 1944, sau khi nhóm FARTA tổ chức triển lãm lần thứ hai, lo sợ sự phản kháng của giới trí thức, nghệ sĩ Hà Nội, chính quyền Pháp đã ra lệnh mọi họa sĩ ở Hà Nội phải tham gia triển lãm do Pháp tổ chức. Tất nhiên, cương quyết bảo vệ quan điểm, lý tưởng của mình đến cùng, ông và cả nhóm luôn phản đối. Được giác ngộ cách mạng, Lương Xuân Nhị như nhìn thấy ánh sáng và con đường chính đạo mình phải đi suốt cuộc đời. Sau Cách mạng tháng Tám, ông đưa cả gia đình về Hưng Yên, tập trung cho việc đem tài năng, công sức của mình ra phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước.
Sau này, đứng trên vị trí giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam rồi trở thành Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ Lương Xuân Nhị vừa góp phần đào tạo nên những họa sĩ làng hội họa nước nhà vừa chuyển mình sang một giai đoạn sáng tác mới. Đó là mật ngọt chắt lọc, lắng đọng sau quá trình tham gia kháng chiến kiến quốc.
Những tác phẩm “Đồi cọ”, “Chợ hoa đào”, “Bên bờ giếng”, “Nhà Bác Hồ”, “Mùa đông”… của ông vẫn ở mảng đề tài quen thuộc như chợ quê, thiếu nữ, Hà Nội song đầy sức sống, đầy mới mẻ và hào hứng. Ông cũng gặt hái được nhiều giải thưởng khác như giải nhất năm 1968 của Hội Mỹ thuật Hà Nội, sau đó là giải B năm 1983, rồi lại giải nhì năm 1992. Năm 2001, Phó giáo sư – Nhà giáo Nhân dân vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học – nghệ thuật năm 2001. Ông mất ngày 25/5/2006 tại Hà Nội. 
25/7/2020
Vũ Gia Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...