Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Mây trắng Phiêng Ngàm

Mây trắng Phiêng Ngàm

Cơn mưa rừng dữ dội bất ngờ đổ ập xuống Sinh Long. Có lẽ từ đầu năm đến nay, đây là trận mưa lớn nhất và dai dẳng nhất. Những cánh rừng đại ngàn xanh cổ thụ, với những cây lim, cây nghiến vài người ôm không xuể, vòi vọi đâm lên trời, giờ đã không còn nhìn thấy nữa. Tất cả đã bị chìm lấp bởi cái màu trắng xoá của một trận mưa hiếm hoi sau bao ngày nắng hạn kéo dài.
Một vùng đất khát như choàng bừng tỉnh. Toàn bộ các con suối, con khe ở Sinh Long cuồn cuộn chảy, nom xa như những dải lụa trắng mà ai đó đang vắt ngang qua những triền núi tai mèo. Vậy là đã có nước để có thể bắt tay ngay vào sản xuất vụ mùa. Ở trên rẻo cao này, công việc gieo cấy lúa nước cũng không giống khung thời vụ như dưới miền xuôi, thường thì chậm hơn cả tháng trời do khí hậu lạnh và do một phần diện tích gieo cấy phải trông chờ vào nguồn nước tự nhiên. Người dân bản địa thì vui. Còn tôi lại thấy lo, một nỗi lo về cả đoạn đường lầy, trơn trượt. Lúc sáng, từ trung tâm xã Sinh Long, ngược lên bản Phiêng Ngàm, con đường nhỏ len lỏi, bám vào những vách đá gồ ghề, sắc nhọn đến khủng khiếp. Dõi mắt xuống dưới chân mình, những thung lũng bạt ngàn mây trắng cứ bám vào thăm thẳm một triền dốc đứng. Lúc chạm vào đất Phiêng Ngàm mới thấy yên tâm vì mình đã phải vật vã với một đoạn đường nhỏ như sợi chỉ để có thể ngồi bên bếp lửa uống chén rượu báng, một loại rượu được trưng chất từ cây rừng và trở thành thứ rượu đặc sản của người dân địa phương.
Nhà thơ Tạ Bá Hương ở Tuyên Quang
Cho thêm mấy thanh củi vào bếp, ngọn lửa bỗng chốc bùng lên, ông Hoàng Dùn Nần ở bản Phiêng Ngàm cứ ngồi trầm ngâm bên bếp lửa. Câu chuyện giữa tôi và ông già người Dao này nhiều lúc như lạc đi trong mưa gió bão bùng. Năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, ông Nần được xem là người có nhiều chữ nhất ở bản Phiêng Ngàm. Ông đã từng được đi học cái chữ của Bác Hồ, được tham gia làm cán bộ lãnh đạo, giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã mấy khoá liên tục. Giờ về nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tích cực tham gia lao động sản xuất cùng bà con dân bản để có thêm cái ăn, cái mặc hàng ngày.
Trong số mấy chục nóc nhà sống trong thung lũng Phiêng Ngàm, xem ra tất cả đều tin ông Hoàng Dùn Nần như tin vào những điều hiển nhiên trong cuộc sống. Mọi người thường bảo nhau làm lụng. Hạt ngô, hạt lúa, đến con lợn, con gà cũng từ bàn tay người mà mọc ra. Đám trẻ con, ngoài việc giúp đỡ bố mẹ, công việc chính của chúng là đến trường, đến lớp để học cái chữ thì cái đầu mới khôn ra được. Một khi cái đầu đã khôn lên thì bắp ngô trên nương, bông lúa dưới ruộng sẽ không còn bé nữa mà sẽ to lên, sẽ nhiều hạt hơn. Cuộc sống của người Dao và người Mông trên Phiêng Ngàm giờ đã tương đối ổn định, nhiều nhà đã mua sắm được xe máy, ti vi màu và nhiều dụng cụ khác phục vụ cho sinh họat và sản xuất.
Cơn mưa vẫn dữ dội bao trùm lên núi rừng vùng cao. Ông Hoàng Dùn Nần nhìn sang phía tôi, bảo:
– Mưa rừng thế này sẽ không tạnh ngay đâu. Thôi, hôm nay ở lại đây ăn với nhau một bữa cơm, uống với nhau vài chén rượu báng. Chả mấy khi lên đến đây mà. Con đường sẽ trơn đấy, không thể xuống núi được đâu. Ở lại, mai sẽ tính tiếp.
Đành vậy chứ tôi còn biết làm gì được nữa. Cả một đoạn đường chưa đầy mươi km từ trung tâm xã Sinh Long ngược lên, lúc không mưa còn khó đi, giờ mưa xuống chắc là trơn và nguy hiểm lắm. Nếu muốn xuống núi thì chỉ bằng cách là cuốc bộ. Ông Nần bảo, đường bây giờ còn tốt rồi đấy. Trước kia đường lên bản Phiêng Ngàm chỉ bé bằng nửa sải tay, nhưng từ khi được nhà nước đầu tư, hỗ trợ, cả một đoạn đường dài từ trung tâm xã ngược lên đây đã được mở rộng, nâng cấp. Tuy ô tô chưa lên được, nhưng xe máy vẫn còn đi tốt. Quả thật, lúc sáng bám vào dốc mà ngược Phiêng Ngàm, tôi thấy người dân ở đây xuống núi để đi sang xã khác, hay xuôi ra thị trấn Na Hang đều đi bằng xe máy. Mà xe máy thì đều giống nhau đến kỳ lạ. Toàn xe Uyn phân khối 110, với ưu điểm là gầm cao, máy khoẻ nên có thể đi lại trên đoạn đường này một cách dễ dàng. Có phương tiện kể cũng thuận tiện thật. Những buổi chợ phiên, các mặt hàng nông sản không còn dùng gùi để gùi nữa mà chỉ có việc đặt lên yên xe máy là phóng đi thôi. Ngược lại, toàn bộ mặt hàng nhu yếu phẩm hay cả những bao phân vô cơ mua tại các quầy hàng ngoài Yên Hoa lại theo xe mà ngược lên Phiêng Ngàm, kịp thời phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Trên cái bếp ám màu bồ hóng, nồi nước đã bắt đầu sôi ùng ục. Vừa thả những cánh chè búp móc câu vào ấm, ông Nần nói như dãi bày:
– Cuộc sống bây giờ sướng thật. Cái gì cũng có. Không như mười năm về trước, người Dao hay người Mông ở Sinh Long này có tiền trong túi, nhưng muốn mua cái gì cũng rất khó, phải chờ đến phiên chợ tận ngoài Đà Vị, Yên Hoa thì mới mua được. Giờ xe máy đi một tí thôi là mọi thứ đều có đầy đủ rồi.
Ngẫm thấy lời ông già người Dao Hoàng Dùn Nần nói là đúng. Khoảng mươi năm về trước, nếu ai đã từng đặt chân lên mảnh đất vùng cao này và bây giờ trở lại sẽ thấy một sự thay đổi đến kỳ lạ. Dạo ấy, Sinh Long còn là xã có số hộ gia đình thuộc diện nghèo chiếm tỉ lệ gần như một trăm phần trăm. Sống trên núi cao, đất rừng nhiều, nhưng lương thực lại thiếu do tập quán canh tác lạc hậu. Tình trạng du canh, du cư, thả rông gia súc diễn ra rất phổ biết. Có cắm được cây ngô xuống đất, dù mùa nào có thuận thời tiết đi chăng nữa thì vẫn không được thu hoạch nhiều, do gia súc phá hoại. Vậy là đồng bào phải chọn những mảnh nương xa dân cư, tập trung phát rừng để có chỗ mà bỏ hạt ngô xuống.
Biết bao cánh rừng quằn quại đau, chảy máu và nhanh chóng biến mất trước bàn tay của con người. Nhưng với cách thức làm nương xa nhà, mùa thu hoạch ngô cũng không mấy khả quan, do con cầy, con cáo trong núi cứ đêm đêm lại mò về phá hoại. Thêm vào đó là với lối canh tác chọc lỗ bỏ hạt, rồi phó mặc cho ngô bám rễ vào đất, vào đá mà tự lớn lên nên mùa thu hoạch nào, bắp ngô cũng chỉ bé bằng nửa cái chuôi dao. Hạt ngô, hạt lúa trở nên hiếm hoi hơn, chỉ có mây trắng trong các thung lũng đá vôi là nhiều vô kể. Nhưng mây lại không thể là nguồn thức ăn để nuôi sống con người. Vậy là đói. Cái đói triền miên ám ảnh cả một đời người Mông, người Dao Đỏ sống trên vùng núi non này mà không thể tìm ra lối thoát. Giờ mọi thứ đã thay đổi rồi. Sự thay đổi ấy còn thể hiện qua từng nếp nghĩ, cách làm, của một lối tư duy theo khoa học. Nghĩa là việc gieo trồng các loại cây nông nghiệp, đồng bào Dao Đỏ hay đồng bào dân tộc Mông ở góc rừng Phiêng Ngàm đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biết đầu tư thâm canh để làm sao mùa thu hoạch ngô, lúa, nhà nào cũng bội thu. Mỗi buổi xuống chợ phiên ngoài Đà Vị, Yên Hoa…khuôn mặt người càng rạng rỡ hơn.
– Người Mông, người Dao trên Phiêng Ngàm chúng tôi ở đây giờ không còn khổ bao nhiêu nữa.
– Vậy ngày xưa người Mông, người Dao Đỏ vất vả như thế nào?
Như hồi tưởng lại một quãng thời gian nhọc nhằn mà người Mông, người Dao đã phải gánh chịu, giọng ông Hoàng Dùn Nần như trầm đục hơn. Câu hỏi của tôi đã như mạch ngầm chảy vào trái tim của một ông già đã ngoài bảy mươi tuổi, đã từng bước qua biết bao nhiêu những nhọc nhằn, những biến cố vui buồn của cuộc sống. Và, câu chuyện của ông Nần đã bắt đầu chảy ra, có lúc dữ dội, song có lúc như tắc nghẹn bởi niềm xúc cảm trong một con người. Ông kể rằng, đồng bào dân tộc Mông từ xa xưa vốn thường chọn những dãy núi cao để dựng nhà, lập bản ; người Dao thì ở thấp hơn một chút. Cả hai tộc người này trước kia đều lựa chọn công việc phát rừng làm nương. Khi những mảnh nương đã bạc màu, những cánh rừng bị đốn chặt xong là lại kéo nhau đi chọn những dãy núi khác. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ bám riết lấy số phận của đồng bào và điều hiển nhiên xảy ra là bệnh tật, đói nghèo rình rập trong từng nóc nhà heo hắt nơi bóng núi đại ngàn. Dấu chân của đồng bào Mông, đồng bào Dao đã từng hằn in trên từng ngọn núi, trên từng ngả đường để đi tìm mảnh đất mới.
Nhớ lại chặng đường từ bản cũ, trước khi người Mông, người Dao Đỏ tìm về Phiêng Ngàm, năm ấy xảy ra dịch bệnh, nhưng không biết là bệnh gì. Nhiều người cho rằng, có thứ ma xấu đã đến để bắt người Mông, người Dao đi. Vậy là nhà nào cũng làm lễ cúng ma xấu, nhưng không khỏi. Người già trầm ngâm bên bếp lửa, tìm lối thoát cho cuộc sống hiện tại. Cũng phải đi thôi, ở đây chắc sẽ chết hết. Người  lớn dắt díu trẻ con, tay bồng tay bế và cứ bám theo lối mòn heo hút mà đi. Đến khi chạm vào một thung lũng rộng, khá bằng phẳng trên dãy núi cao, cả đoàn người mới dừng lại chặt cây rừng và dựng tạm những căn nhà để ở. Hàng ngày, người lớn thì tay cuốc, tay dao, mở rộng cái nương nơi đất mới, dành dụm ít hạt giống mang theo từ nơi ở cũ, để tra hạt. Cây ngô bén rễ nhanh chóng và mang trong mình một sức sống mãnh liệt. Vụ thu hoạch đầu tiên, nhà nào ở Phiêng Ngàm ngô cũng xếp đầy trên gác bếp, mang theo cả những nỗi niềm trên từng khuôn mặt người đã trải qua bao nhọc nhằn, vât vả. Nhưng đến vụ thu hoạch thứ hai, thứ ba, bắp ngô lại trở về bé bằng nửa cái chuôi dao. Nhiều người định bỏ đi để tìm đến vùng đất mới tiếp theo, nhưng vùng đất phía trước nó sẽ như thế nào thì chả ai hình dung ra được.
Trong lúc mấy chục con người đang chuẩn bị cho một hành trình ngược mãi lên núi cao, thì bỗng một ngày, có người cán bộ về bản, vận động đồng bào Mông, đồng bào Dao Đỏ ở Phiêng Ngàm cách thức làm ra bắp ngô to, để những nồi mèn mén đầy hơn, đủ cung cấp nguồn lương thực cho mấy chục con người. Cán bộ nói rằng, phải từ bỏ cuộc sống du canh, du cư, nghĩa là từ bỏ lối phát rừng làm nương, phải đoàn kết bên nhau ổn định cuộc sống ngay tại chỗ. Nhưng lúc đầu cũng có người cho rằng, nếu không đi tìm vùng đất mới thì ở lại làm cái gì nên ăn được? Người cán bộ nói: Đồng bào Kinh, Tày… và nhiều đồng bào khác họ có du canh, du cư đâu mà ngô, lúa vẫn đầy chật nhà; con lợn, con gà từng đàn táo tác quây kín cả mặt sân rộng. Cái nghèo của người Mông, người Dao ở Phiêng Ngàm ta là do cuộc sống du canh, du cư từ bao đời nay nên đã dẫn tới đói nghèo.
Nghe cán bộ của Đảng nói thế, người Mông, người Dao ở Phiêng Ngàm nghe ra và từ đấy họ bảo nhau không đi đâu nữa mà ở lại bám đất, bám nương để xây dựng cuộc sống mới. Từ đấy, các giống ngô lai đã được mang từ vùng xuôi lên, từng bước thay thế những giống ngô cũ có năng suất và sản lượng thấp, kết hợp đầu tư chăm sóc, phun thuốc phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng. Vụ gieo trồng năm đó, cây ngô lần đầu tiên đã được bón phân của Nhà nước. Thật kỳ lạ, khi thu hoạch, năng suất ngô ở Phiêng Ngàm đã đạt tới mức gần năm mươi tạ trên mỗi héc ta. Một điều hi hữu nữa cũng đã xảy ra. Đó là việc gieo trồng cây lúa nước. Ôi, từ hàng ngàn đời nay, đồng bào Mông chưa bao giờ làm lúa nước cả. Vậy là cán bộ lại phải giải thích, hướng dẫn các phương thức để làm ra hạt lúa. Có người lại nghĩ, cây lúa mà mọc dưới nước thế này thì làm sao mà sống được. Do đó, việc vận động đồng bào gieo trồng lúa nước, lúc đầu tưởng chừng sẽ khó như lúc phải vượt qua một vách đá dựng đứng. Mấy chục con người trên Phiêng Ngàm là mấy chục vách đá như vậy. Chẳng lẽ lại chịu bó tay sao? Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đúng đắn, điều trước mắt bây giờ là làm thế nào để đồng bào tin thì công việc gieo trồng lúa nước mới thu được kết quả như mong muốn.
Hàng ngày, người cán bộ đó vừa cùng ăn, cùng ở, vừa kết hợp vận động, tuyên truyền, tranh thủ sự ủng hộ của những người già trong bản. Khi cái đầu đã nghĩ thông thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Xem cán bộ nhiệt tình, kiên nhẫn qua một đêm trăng, hai đêm trăng… ba đêm trăng… và nhiều đêm trăng nữa… người già thấy vậy càng tin lắm, nên đã chấp nhận cho đám trai bản cầm cuốc tham gia công việc phá vỡ đất hoang. Công việc san ủi mặt bằng, đắp đất để tạo nên từng bờ vùng, bờ thửa đã hoàn thành, tất cả lại rủ nhau vào rừng chặt cây nứa, khoét lỗ làm máng lần để nắn dòng nước trong khe núi chảy vào ruộng, lấy nước canh tác. Cái tay của đám trai bản chỉ quen cầm con dao phát nương trỉa hạt, giờ cầm cày lại thấy lóng nga lóng ngóng thế nào ấy. Cố mãi mà đường cày không thể nào thẳng được. Nhưng mãi rồi cũng quen. Một vụ, đường cày chưa thẳng. Hai vụ, đường cày đã bắt đầu thẳng rồi. Ba vụ, thì đường cày đã thẳng tắp như kẻ chỉ. Công đoạn hướng dẫn đám trai bản cách thức cầm cày như vậy là xong, giờ lại đến lượt hướng dẫn các thiếu nữ việc cấy hái. Từng rảnh mạ non lần đầu tiên trượt ra từ đôi bàn tay con gái Mông, con gái bản Phiêng Ngàm mà cắm xuống đất. Chẳng mấy chốc, màu xanh của lúa non cứ trải rộng ra khắp cả một thung lũng rộng. Nhiều người thắc thỏm trông chờ vào điều mà chưa bao giờ có tiền lệ ở vùng đất trên non cao này.
Và, mùa thu hoạch đã đến. Những thửa ruộng nước hiện ra những gam màu vàng óng ả, trông thật thích mắt. Những bông lúa đan chặt vào nhau, chắc mẩy mà theo bước chân người kĩu kịt toả về các căn nhà, khiến cái bản heo hút này rộn ràng như một ngày hội lớn. Như vậy, cuộc cách mạng về cây lúa nước đã thành công, mở ra triển vọng mới cho đồng bào Mông, đồng bào Dao ở Phiêng Ngàm. Từ đó, những diện tích chủ động được nguồn nước đã được tận dụng để đưa vào gieo cấy hai vụ chính trong năm. Cho đến nay, cơ cấu mùa vụ ở đây đã được xác lập bằng hai loại cây trồng chính là cây ngô và cây lúa nước.
– Vậy cây nào là cây trồng chiếm nhiều diện tích nhất ở Phiêng Ngàm?
Ông Hoàng Dùn Nầm quả quyết với tôi rằng:
– Cây ngô vẫn là cây trồng chiếm nhiều diện tích nhất. Mà không phải chỉ có Phiêng Ngàm đâu, bản nào trong xã cũng trồng nhiều ngô như vậy.
Quả thật, dọc đường vào Phiêng Ngàm, màu xanh của ngô đang chuẩn bị đến mùa thu hoạch cứ lấn mãi ra cả đường đi. Một thung lũng ngô chạy hút tầm mắt. Ngô bò về đến tận góc bếp của từng hộ gia đình. Không có con số thống kê đầy đủ, nhưng ở Phiêng Ngàm, mỗi gia đình gieo trồng từ hai mươi đến ba mươi kilogam giống trong mỗi niên vụ sản xuất. Và, khi mùa thu hoạch đến, nhà ít cũng có từ ba đến năm tấn ngô hạt trở lên, nhà nhiều có tới cả chục tấn ngô hạt. Sản phẩm ngô hạt giờ đây không còn là nguồn lương thực của con người nữa mà đã trở thành hàng hoá, một phần cung cấp cho các tư thương, một phần dành để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Con lợn, con gà được ăn thứ ngô hạt nên béo núc ních, mang xuống chợ bán được rất nhiều tiền. Từ số tiền ấy người Mông, người Dao Đỏ ở Phiêng Ngàm lại quay trở lại phục vụ cho việc tái đầu tư sản xuất, mua sắm sách vở cho đám trẻ con đến trường học chữ.
Nhắc đến đây, tôi bất chợt nhớ đến lời của ông Bàn Xuân Triều, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang. Dịp ấy trên đường từ thị trấn Na Hang vào Sinh Long đã nói rằng, ở mảnh đất khó khăn này đã sinh ra hai người con đeo lon đại tá là Chúc Y Chiêu và Chúc Y Mềnh. Riêng với ông Bàn Xuân Triều cũng là người con được sinh và và lớn lên ở Sinh Long – một trong những miền đất được coi là khó khăn nhất của huyện vùng cao Na Hang. Ngẫm ra mới thấy nhiều điều thú vị. Giữa nơi chỉ có mây trắng bay, dù còn nghèo khó nhưng cái việc cho con đi học luôn được quan tâm đầu tư có ý thức. Khi đến Phiêng Ngàm, điều này đã đựơc chứng minh bằng số lượng người biết chữ chiếm tỉ lệ gần một trăm phần trăm, chỉ trừ một số ít những người già. Ngay trong bản Phiêng Ngàm đã có một người đang giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã và một người giữ chức Thường trực Đảng uỷ xã Sinh Long. Từ việc học đã mang lại cho đồng bào Mông, đồng bào Dao ở bản Phiêng Ngàm nói riêng và các bản khác của xã Sinh Long nói chung những thay đổi đáng kể trong nếp nghĩ, cách làm, trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước đẩy lùi đói nghèo và các hủ tục lạc hậu ra khỏi cộng đồng dân cư.
Một đêm ngủ lại với Phiêng Ngàm, tôi cứ thao thức một nỗi niềm khó tả. Ngoài trời, từng trận gió bập bùng, mang theo cái lạnh rất đặc trưng của vùng cao. Cơn mưa giờ đã bắt đầu ngớt. Bầu trời thăm thẳm những chùm sao nhấp nháy. Đâu đó, trong bóng núi đại ngàn, tiếng của người, tiếng của động cơ xe máy cứ âm âm va đập vào vách đá tai mèo, khiến miền quê sơn cước như choàng bừng tỉnh. Tôi cời rộng lòng bếp, để những ngọn lửa lại cháy bùng lên ấm áp. Ngồi nghĩ lại những lời ông già Hoàng Dùn Nần kể và liên tưởng đến bước chân săn chắc như cây lim, cây nghiến của người Mông, người Dao ở bản Phiêng Ngàm trong hành trình tìm đến vùng đất mới mà sinh con đẻ cái, lập bản, lập làng và xây dựng nên cuộc sống ấm no như bây giờ. Thì thực tế đã chứng minh rồi đó. Ngay trong buổi làm việc hôm trước với các anh lãnh đạo xã, từng con số ấn tượng về mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã được các anh ấy cung cấp khá đầy đủ. Rằng, trước năm một chín năm bảy, Sinh Long chỉ có một dân tộc sinh sống duy nhất là dân tộc Dao Đỏ. Khi có dấu chân của đồng bào Mông di cư từ Cao Bằng về, dân số đã tăng lên đáng kể, tạo tiền đề để lập ra xã mới vào cùng năm đó, với chín thôn bản. Một số bản như Trung Phìn, Khuẩy Phìn là xa nhất, cách trung tâm xã từ mười đến hai mươi cây số. Với diện tích tự nhiên trên mười một nghìn héc ta, chủ yếu là những dãy núi đá tai mèo bao bọc nên diện tích đất canh tác cây nông nghiệp chia bình quân đầu người đạt thấp.
Những bản làng với vài chục nóc nhà chọn các thung lũng bằng trên dãy núi, neo bám vào đấy mà làm ăn. Từng thẻo đất giờ đã có chủ, nên việc phát rừng làm nương không còn diễn ra nữa. Những diện tích đất lâm nghiệp, nơi không thể canh tác được cây ngô do độ dốc cao thì nay cũng đã đưa được cây chè San tuyết vào trồng theo dự án trồng rừng 661. Đây là giống chè địa phương, có ưu điểm là chất lượng tốt. Người ở huyện Na Hang từng có câu “Chè Sinh Long, mật ong Sơn Phú”, ý nói về chất lượng chè và chất lượng của sản phẩm mật ong của hai địa phương này đã trở nên nổi tiếng khắp trong và ngoài huyện từ lâu nay. Việc đưa cây chè vào trồng trên những diện tích đất lâm nghiệp là một hướng đi đúng đắn, mở ra triển vọng cho một loại cây công nghiệp trên mảnh đất còn nhiều khó khăn như Sinh Long. Một mặt, cây chè San tuyết dùng để phủ xanh đất trống đồi trọc, một mặt tạo ra hàng hoá có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của cơ chế thị trường. Đến nay, toàn xã đã trồng mới và duy trì trên gần một nghìn héc ta chè, trong đó có khoảng trên năm trăm héc ta đang cho thu hoạch. Bình quân mỗi hộ đồng bào nhận trồng, chăm sóc hơn một héc ta chè, được Dự án trồng rừng « Sáu sáu một » hỗ trợ toàn bộ giống, vật tư phân bón và quy trình chăm sóc, thu hái nguyên liệu. Điều đáng nói là, nơi non cao núi thẳm, ngỡ chỉ có những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn và những dòng sông mây bốn mùa bao phủ lại có thể hình thành nên một dây chuyền chế biến sản phẩm chè ngay tại chỗ.
Hôm cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm cơ sở sản xuất, chế biến chè San tuyết của Sinh Long, mọi người không khỏi ngạc nhiên. Một dây chuyền hiện đại, bao tiêu toàn bộ vùng nguyên liệu trên địa bàn xã Sinh Long và những xã khu C của huyện Nà Hang. Từ những cây chè mọc trên núi cao, khí hậu lạnh, bị bỏ hoang hoá nhiều năm nay, giờ đây đã được đóng gói, có lô gô hẳn hoi, được xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Như vậy, đồng bào Mông và đồng bào Dao tham gia trồng chè San tuyết đã bắt đầu tìm thấy hướng đi mới trong mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, tạo việc làm, nâng cao nguồn thu nhập. Điều quan trọng hơn cả là qua đó đã góp phần từng bước phá thế độc canh để xây dựng những mô hình kinh tế tổng hợp có quy mô và giá trị cao hơn.
Mấy ngày ở Sinh Long, mặc dù không đi hết được cả chín bản, nhưng tôi cũng đã kịp trèo núi để lên với Phiêng Ten, Phiêng Ngàm, Phiêng Thốc và Nặm Đường. Chỉ tiếc rằng, chưa lên được hai bản xa nhất là Trung Phìn và Khuổi Phìn, nơi có một trăm phần trăm là đồng bào dân tộc Mông đã định canh, định cư từ mấy chục năm nay, để có thể hiểu hơn về tình đất, tình người nơi sơn cước. Lúc xuôi về thành phố, tôi cứ ám ảnh mãi về những gì mà Sinh Long hôm nay đạt được trong việc xây dựng nông thôn mới. Chợt nhận ra một Sinh Long vạm vỡ, đầy sức sống đang dần hiện ra dưới bóng núi đại ngàn. Những bản làng ngói hoá vẫn bình yên thấp thoáng bên dòng mây trôi. Lại nhớ đến hôm ngồi với em Dấu, được nghe em hát Páo dung, câu hát như có lửa cứ ngân lên da diết đến cháy lòng, để giờ đây, khi dời xa mảnh đất này, tôi mang theo câu hát của em và mang theo cả cái màu mây trắng một bên trời xa lắc.
14/9/2023
Tạ Bá Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Café yêu

Café yêu Giới thiệu Nếu đã quen với những trang báo Hoa Học Trò thì cái tên Minh Nhật có lẽ không xa lạ gì với các bạn. Tuy còn khá trẻ nh...