Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Mùa mướp ra hoa

Mùa mướp ra hoa

Hình như Dì tư từng có chồng nhưng không con nên người đàn ông của dì đã bỏ đi theo một người đàn bà khác. Nó chưa thấy dì cười mặc dù cũng chẳng quát nạt ai bao giờ. Quanh năm quần đen áo nâu, dì cúi mặt đi về đôi phiên chợ huyện và dăm bận ra vào làng.
Nhà văn trẻ Nguyên Hậu
Nhà dì ở tận soi đất trống khu bãi hoang. Người làng kể ngày xưa nơi đó cũng đất đai trù phú lắm. Vậy mà gặp năm trời gió độc, dịch bệnh tràn lan nên người ta bỏ làng đi hết, giờ chỉ còn lại mấy ngôi mộ bỏ hoang và những nền chuồng bò ghè đá chẻ cũ kỹ. Giàn bí ngô và mướp trước hiên nhà dì hoa vàng đua nhau chiu chắt. Phía sau là bãi cát dì trồng khoai lang ruột đỏ. Tụi trẻ chăn bò thường lẻn vào đó trộm khoai, bọc đầy hai vạt áo để ra đồng làng vùi tro đốt rạ. Nói là trộm nhưng chẳng bao giờ thấy bóng người, cánh cửa liếp tre luôn khép hờ vắng lặng. Đôi khi cả bọn còn bắt gặp vô số khoai đào sẵn trên bãi (hình như dì bỏ quên). Chú Bản không ăn khoai vùi bao giờ nhưng lúc nào cũng hỏi đủ thứ, ví như lu nước nhà dì còn hay hết, và không quên dặn chớ đạp vào hàng cây hút mật của dì.
Cứ đến phiên chợ huyện, dì lại gánh đọt bí non với hoa mướp vàng xuống chợ. Hai quang thúng kĩu kịt làm cho dáng dì xiêu xiêu lọt chông chênh ở giữa. Ngoài 40 tuổi đời, cái xinh đẹp lặn hết vào trong, chỉ còn chút duyên ngầm của người đàn bà giữa đường đứt gánh. Chú Bản cũng xe thùng xe đẩy những ghế, đòn, thớt gỗ mang xuống chợ giao cho khách. Có hôm dùng dằng, chú vứt nguyên cả dây thớt gỗ xuống đất khi trông thấy tay chủ tiệm vàng xoắn lượn lờ chỗ gánh bí bầu dì tư. Cái hạng “mặt xanh mắt trắng” như hắn, thấy đàn bà con gái chỉ chăm chăm nhìn vào ngực thì chỉ đáng ép vào bãi rác cuối chợ.
Bấy giờ đã vào đầu mùa gặt. Không khí ngoài đồng rộn ràng bao nhiêu thì phía soi đất nhà dì vắng lặng bấy nhiêu. Kể từ hôm thằng Cọ bị lạc mất bò, mải mê đi kiếm rồi tạt vào nhà dì uống nước, trời tối muộn thì thấy dì xõa tóc trước hàng cây hút mật, tay lần tìm từng bông hoa li ti để hút mật mà gương mặt thất thần thì cái tin dì bị điên loan ra. Và nhiều câu chuyện thêu dệt từ những người tâm không lành rỗi việc ngày một nhiều. Họ đồn rằng dì sống bên những ngôi mộ hoang nên sinh thơ thẩn… Nó không tin và cũng chẳng thấy sợ. Hôm Xoan lén mẹ mang ra đồng một gói xôi nếp, nghe người khác bày, hai đứa lẻn vào hái mướp non để lùi tro nóng chấm muối ăn. Khi hái được quả thứ hai cho vào bọc áo, nó thoáng thấy đôi mắt dì nhìn thật hiền qua kẽ liếp cật tre rồi lập tức quay đi. Xoan kéo tay ù té chạy nhưng đôi chân nó lại thấy vướng vấp một cách lạ kỳ. Mãi sau này mẹ mới kể rằng vì dì thèm nghe tiếng trẻ con nên chẳng bao giờ la mắng đứa nào.
Chú Bản dõi theo dì một thời gian rồi tự nhiên bỏ làng đi mất. Đêm đó chú sang nhờ cha trông coi hộ vườn tược. Cha với chú Bản uống rượu thâu đêm và nói chuyện rất nhiều. Nó nằm trên tấm phản kê bên cạnh, lơ mơ nghe nói về dì tư. Nó còn chập chờn thấy hoa khoai trải đều bãi soi tím ngắt trước khi chìm vào giấc ngủ. Chú Bản đi một thời gian thì dì cũng bỏ hẳn thói quen đi chợ. Cuối mùa gặt đồng còn trơ khấc gốc rạ, những ụ rơm rủ rê bầy chim sẻ trở về ríu rít. Nhà dì không có những nọc rơm nhưng đàn chim sẻ cũng về nhiều vô kể. Chúng rúc trong những chiếc lá bí ngô khô xơ xác và ăn mấy bông hoa vàng run rẩy cuối mùa. Mướp nhiều treo lúc lỉu, hình như dì đã không hái chúng từ giữa mùa. Mướp khô gió về va vào nhau nghe khô khốc. Mẹ kể rằng dì là người từ nơi khác đến, tứ cố vô thân. Người đàn ông duy nhất neo đời dì lại đây cũng bỏ đi biền biệt. Dì vẫn còn đợi người ấy trở về khi không còn muốn rong ruổi nữa… Đêm nó mơ thấy còn mỗi dì thơ thẩn dưới trăng mà cả giàn mướp trước hiên nhà bay đi mất.
Chú Bản có thư về cho bố, mẹ bảo trẻ con không được nghe chuyện nên nó bị đẩy ra ngoài. Mấy hôm sau nó thấy mẹ thường xuyên vắng nhà. Nhân lúc đó, nó lén lấy thư chú Bản ra sau hè đọc. Chữ chú to tựa hạt đậu sắp nảy mầm nhưng nguệch ngoạc những nét cong. Phải khó khăn lắm nó mới dịch được hai chữ “anh Bính” rồi thoảng thêm một chữ “sắp” trước khi bị mẹ phát vào mông một cái rõ đau. Không hiểu sao nó vẫn đinh ninh thư nói về dì tư. Chú đi đã dăm bảy tháng trời nên chuối trong vườn chín vàng sém cạnh. Mẹ phải dùng câu liêm cắt nguyên cả buồng đem đi chợ bán. Riêng con Mực cũng chạy đi mất dạng. Con vật trung thành đó vốn dĩ không rời chú Bản nửa bước nên nó nghĩ cũng đi theo chú rồi. Sáng nào mẹ cũng sai nó mang cơm sang nhưng còn nguyên vẹn. Thi thoảng trong lúc lùa bò về nhà, nó thấy con Mực đi lại từ phía doi đất trống (?), nó dỗ ôm được một lúc rồi con Mực bỏ đi.
Tụi trẻ chăn bò cũng quen dần với ý nghĩ dì bị điên. Trời về chiều càng rét đậm. Hết bắt châu chấu với chuột đồng nướng ăn cũng chán, cả bọn lại chuyển hướng sang bãi khoai lang nhà dì. Thằng Cọ dường như cũng quên hẳn cái buổi chiều trước, nó quả quyết đám khoai đã rã tàn lá, chỉ còn dây nhợ chằng chịt và luống đất nứt bở tơi. Con Xoan là đứa nhút nhát nhất cũng xung phong trong đám đi đào. Và hình như không riêng gì nó mà cả bọn đều ngơ ngác tung cả vạt áo khoai moi được bỏ chạy về hướng làng khi nghe tiếng trẻ con rõ mồn một. Mãi đến lúc nó ngã chỏng gọng khi vấp phải chú Bản hồ hởi đi như chạy ngược chiều, cả bọn mới dừng lại thở. Mãi đến lúc đó và cả sau này, nó vẫn không hề biết là chú Bản đã đi những đâu, đã nhìn thấy người xưa của dì yên ấm thế nào và vĩnh viễn quên người đàn bà ở lại, để dì mới nhẹ lòng chấp nhận chú.
Đã đến lúc dì cần một gia đình chứ không đơn thuần là một đứa con. Nó ngoái lại hướng soi đất. Không biết có nhầm không khi trông thấy màu vàng chiu chắt. Lẽ nào mùa này mướp lại ra hoa.
27/11/2019
Nguyên Hậu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...