Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Ngành văn học ở một số đại học Mỹ: Yếu tố cá tính hóa và quốc tế hóa trong chiến lược xây dựng chương trình

Ngành văn học ở một số đại học Mỹ:
Yếu tố cá tính hóa và quốc tế hóa trong
chiến lược xây dựng chương trình

Trong xu thế nâng cao chất lượng giảng dạy đại học Việt Nam, cùng với mối quan tâm của xã hội hiện nay về thực tế dạy và học môn Văn các cấp, việc tham khảo các chương trình liên quan đến ngành học ngữ văn ở một số trường đại học nước ngoài là một hướng tiếp cận tương đối giá trị. Với tinh thần như vậy, chúng tôi chọn nước Mỹ, một trong những môi trường giáo dục hấp dẫn nhất thế giới để tìm hiểu phương thức xây dựng chương trình ngữ văn, chủ yếu là các vấn đề văn học, thuộc cấp độ đại học và sau đại học.
TS Lê Thị Thanh Tâm hiện giảng dạy Khoa Việt Nam học và tiếng Việt – Trường ĐHKHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội
Hệ thống đào tạo đại học tại Mỹ về cơ bản gồm hơn 3000 trường đại học với cấu trúc: college (tương đương một trường đại học 4 năm) và university (tương đương một viện đại học, bao gồm các college và trường sau đại học về các ngành). Ngoài ra còn có hệ đại học 2 năm và đại học cộng đồng. Thông thường không có phân khoa văn học nói chung (Literature) ở các trường đại học. Môn Văn học được giảng dạy ở các khoa cụ thể như sau:
– Văn học so sánh (Comparative Literature)
– Ngôn ngữ và văn học Đông Á (East Asian Language and Literature)
– Ngôn ngữ và văn minh Đông Á (East Asian language and civilization)
– Châu Á học (Asian studies)
– Đông Nam Á học (South Asian studies)
– Nhân học (Anthropology)
– Văn học Mỹ (American Literature)
– Văn học thế giới (World Literature)
– Văn học Trung Quốc (Chinese Literature)
– English (Tiếng Anh)
– Ngôn ngữ và văn học  Anh (English Language and  Literature)
– Văn học Latin (Latin Literature)
– Ngôn ngữ và văn học Anh – Mỹ (English and American Language and Literature)
v.v…
Trong khuôn khổ bài viết ngắn có tính chất tổng thuật, chúng tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh cá tính hóa và quốc tế hóa của một chương trình giảng dạy đại học và sau đại học.
Khảo sát hệ thống chương trình môn Văn của bốn trường đại học: Harvard, Yale, Stanford và Cornell, chúng tôi có một vài nhận xét như sau:
1. Về các phân khoa có liên quan đến văn học:
Việc phân chia văn học theo từng nhóm dân tộc, chủng tộc, lục địa, hay xem văn học là một trong những thuộc tính căn bản của các ngành khoa học xã hội và nhân văn như nhân học, châu Á học,… cho thấy hướng tiếp cận văn học từ tinh thần “thực chứng” và “địa văn hóa” khá rõ. Với cách tư duy này, văn học không phải là một cái gì trừu tượng mà trở thành nhân chứng của các biểu hiện văn hóa, của lịch sử. Nó góp phần cắt nghĩa sự tồn tại của con người từ nhiều phương diện nhân văn và xã hội mà nó gắn bó và chi phối. Do vậy, sinh viên tiếp cận văn học bao giờ cũng có nhu cầu nắm bắt viễn cảnh văn hóa, chính trị và xã hội rất sâu sắc trước khi phát biểu hay đề xuất một vấn đề văn học nào đó, kiểu như: những chủ đề truyền thống trong văn học, thơ Anh thời hậu chiến, Tình dục và sự nhạy cảm trong thế kỷ Ánh sáng, thời cổ điển của tiểu thuyết…
2. Nhìn chung, có ba mô hình chương trình phù hợp với ba hệ thống chính:
Một là Văn học so sánh; hai là các ngành ngôn ngữ và văn học cụ thể của từng khu vực, từng nước; ba là các môn học liên quan đến kỹ năng “viết sáng tạo”.
2.1. Về văn học so sánh, chúng tôi nhận thấy nội dung chương trình rất đa dạng và gợi mở. Đặc biệt, quan điểm tìm hiểu và đối chiếu các nền văn học, văn hóa châu Âu ở các trường đại học lớn của Mỹ rất đáng chú ý. Chẳng hạn như Đại học Harvard đặt trọng tâm ở văn học Đức (Nước Đức và người Hy Lạp, khoa chú giải văn bản cổ Đức, Huyền thoại Faust trong văn học, âm nhạc và văn chương Đức…) hơn là Pháp, Tây Ban Nha. Các môn học thường có sức gợi tái hiện lịch sử và các biến cố ảnh hưởng đến loài người như nạn tàn sát Do Thái, nạn tế thần, chứng trầm cảm, hiện thực Đông Âu thế kỷ 20, v.v…
Những môn học dành cho bậc sau đại học của phân khoa Văn học so sánh mang tính trừu tượng và triết học rõ rệt. Đồng thời chúng cũng cho thấy tính chất tự do tư duy cao độ ở bậc học này. Ví dụ như các học phần: Mỹ học và tự do; Văn học và chính trị, Quá khứ và hiện tại; Ký ức, lịch sử và văn xuôi, Chiến tranh ngôn ngữ, Lý thuyết tự sự, v.v… Tính chất tường thuật văn học sử không được chú trọng bằng khả năng triết học hóa các vấn đề văn học. Trong đó, văn học sử và lý luận văn học chỉ chiếm số tiết vừa phải, nhường chỗ cho việc phát triển các khả năng nhận thức văn học trong bối cảnh văn hóa từng khu vực và thế giới.
2.2. Về các ngành ngôn ngữ và văn học của một nước, nhóm quốc gia hay châu lục, chúng tôi nhận thấy các nhà biên soạn thường sắp xếp như sau:
Trong trường hợp nghiên cứu nền văn học của một nước (như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Triều Tiên…), các vấn đề chung được đặt ra là: lịch sử văn học dân tộc, các tác gia lớn, các tác phẩm lớn, vấn đề dịch thuật tác phẩm dân tộc ấy ra tiếng Mỹ. Ngoài chương trình “cứng” kiểu như vậy chiếm “diện tích” khá khiêm tốn, các môn học còn lại đa phần là những nét tiêu biểu nhất, là linh hồn và triển vọng của nền văn học được nghiên cứu. Vì thế, người học dễ dàng đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm nhất, dễ dàng “biểu tượng hóa” đối tượng tìm hiểu để đạt tới “đẳng cấp” hiểu biết về chúng. Ví dụ như nói về Trung Quốc, tổ chức biên soạn chương trình sẽ tập trung vào các chủ điểm mang tính đặc trưng như: sự lãng mạn bị ngăn cấm, những thước phim hiện đại, cách chép sử thời cổ của Trung Quốc, quan hệ giữa lịch sử và văn học, những vấn đề của văn hóa Trung Quốc cận đại, … Điều này có nghĩa là, khi tiếp xúc với văn học Trung Quốc, người ta hình dung hệ thống vấn đề của nó là những xung đột tự do và tinh thần lịch sử của một cường quốc châu Á. Hoặc khi nghiên cứu Văn học Nhật Bản, các giáo sư đã đề xuất hệ thống môn học như sau: Văn hóa kỳ diệu thời Edo, Văn học cung đình, Kịch Nô, Tình yêu và cái chết, Hình ảnh hài hước, v.v… Người học có thể tiếp cận ngay vào trọng tâm của nền văn học này, đó là cái đẹp và sự cô đơn. Việc thiết lập một “môi trường” học thuật chặt chẽ và tập trung như vậy chứng tỏ nhu cầu “cá tính hóa” nền văn học, “cá tính hóa” phẩm chất người dạy, cũng như “cá tính hóa” cách tiếp cận tri thức là có thật, quan trọng và căn bản. Mặt khác, đặt văn học Trung Quốc, Nhật Bản, hay Đức, Pháp, Tây Ban Nha …vào nhóm học phần của khu vực chung cho thấy khả năng tìm hiểu liên kết các vấn đề lịch sử, văn hóa châu lục rất hợp lý.
2.3. Về các môn liên quan đến kỹ thuật viết (gồm có viết phổ thông và viết sáng tạo), chúng tôi rất chú ý đến cách thiết kế môn học sao cho người học có thể tiếp xúc với cách viết “nâng cao”, “chuyên nghiệp” độc đáo, thể hiện ở cách đặt tên học phần rất “bắt mắt” như: Thơ ca chuyên nghiệp, văn xuôi chuyên nghiệp, viết ở ngôi thứ nhất… hoặc rất cụ thể như: kỹ năng viết về cộng đồng, viết trên phương tiện truyền thông, thẩm định văn chương, văn tường thuật… Đây cũng là kinh nghiệm giúp ngành Văn học Việt Nam ở bậc Đại học có thể mở rộng hướng đào tạo của mình trong nỗ lực phát huy tính thiết thực học đường.
3. Về ngôn ngữ và văn học Anh – Mỹ:
Chúng tôi muốn tách phần này ra khỏi mục 2.2. để phân tích kỹ hơn một chút. Vì nhìn chung, ngôn ngữ và văn học Anh – Mỹ ở trường đại học Mỹ là tương đương với ngành Ngữ văn của đại học Việt Nam.
Ngành học về ngôn ngữ và văn học Anh – Mỹ được xem là “khó nuốt” nhất đối với sinh viên Văn học, nhất là sinh viên du học (không phải người Mỹ hoặc thuộc các nước nói tiếng Anh). Qua tìm hiểu, chúng tôi có một số thu hoạch sau:
– Việc thiết kế môn học theo chủ đề văn chương là một cách làm khá cổ điển nhưng vẫn đạt hiệu quả cao. Vấn đề chủ đề, đề tài trong văn học của chuyên ngành Văn học Việt Nam thường được nhắc đến trong phần lý luận văn học (mục chủ đề, đề tài) và trong phần phân tích bình luận nội dung tác phẩm (viết về cái gì). Việc tách chủ đề văn học ra trong các phần như vậy của văn học Việt Nam thực ra rất dễ khiến sinh viên lướt qua những gợi ý của chủ đề từ phía xã hội, phía thực tế và xuất phát điểm văn học. Hướng hệ thống hóa các chủ đề văn học là mới ở Việt Nam, song phương thức này lại có triển vọng đặt văn học ở góc độ khác để lý giải, có đất cho cả người dạy lẫn người học.
– Phân môn về văn học nhưng lại khảo sát và phân tích cả Kinh Thánh bằng tiếng Anh. Chúng tôi nhấn mạnh việc tìm hiểu Kinh Thánh ở đây không phải chỉ được thực hiện theo cách của các ngành tôn giáo học hoặc thần học Thiên Chúa giáo. Kinh Thánh được hình dung là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học châu Âu. Tìm hiểu Kinh Thánh bằng tiếng Anh thực chất là nghiên cứu cả vấn đề dịch thuật (từ tiếng Hebrew cổ sang tiếng Anh), vấn đề biểu tượng, ẩn dụ trong văn học và tính chất “toàn cầu” của một hiện tượng văn học. Điều này đưa đến những gợi ý cho ngành văn học Việt Nam về khả năng phân tích tác phẩm tôn giáo và triết học lớn thời trung đại bằng chữ Hán và bản dịch tiếng Việt tốt nhất (tất nhiên là học trên cơ sở trích dẫn, phiên âm, dịch nghĩa), chẳng hạn như Luận ngữ (Nho giáo), Đạo đức Kinh và Nam Hoa Kinh (học thuyết Lão Trang) và Bát nhã tâm kinh (Phật giáo).
– Đặt vấn đề quan hệ văn học và điện ảnh, chương trình văn học Mỹ chứng tỏ tính năng động và năng lực mở rộng lĩnh vực nghiên cứu văn học từ các góc độ hiện đại nhất. Trên thực tế, hầu như phân khoa văn học của các trường đại học lớn ở Mỹ đều có ít nhiều các môn học nghiên cứu văn học từ điện ảnh. Các nhà biên soạn chương trình đã nhìn thấy chiều kích xã hội và nghệ thuật rất rộng mở của ngôn từ văn học; đẩy ngôn từ văn học lên một nấc thang khác: đó là ngôn từ điện ảnh. Cách làm này khiến cho sinh viên có đủ độ nhạy khám phá chất trừu tượng trong ngôn ngữ nói chung, trong hình ảnh và tư duy hình ảnh nói riêng, giúp họ phát hiện được sự gặp gỡ giữa ngôn ngữ trên trang sách và các tín hiệu mang giá trị ngôn ngữ của một số hệ thống tư duy nghệ thuật khác. Nhờ đó, văn học trở nên phong phú và huyền ảo hơn, còn điện ảnh trở nên sâu sắc và thấm thía hơn.
– Việc đề xuất các chủ điểm văn học Anh – Mỹ như: văn học các nhóm di dân và sắc tộc, các biểu hiện phản văn hóa năm 1960 và văn hóa Mỹ, chuyện kể về cuộc hợp nhất dân tộc, sáng tạo về cái chết, đồng tiền và văn học, sáng tạo về đại dương… là một cách tiếp cận nghiên cứu văn học giàu ấn tượng, giàu hàm lượng khoa học về lịch sử, nhân học, đồng thời bồi đắp thêm cá tính văn học cho cả người dạy lẫn người học. Đây là một trong những đặc trưng hấp dẫn nhất của giảng dạy văn học tại Mỹ. Người dạy không chỉ hướng dẫn kiến thức mà còn có cơ hội nói được điều mình tâm đắc nhất. Người học không chỉ tiếp nhận kiến thức mà còn có thể đối thoại với chính thầy mình về các khả năng tiềm ẩn của vấn đề đặt ra. Kiểu đặt tên môn học và mô hình xây dựng chương trình theo phẩm chất cụ thể có tính thực chứng của văn học như trên cũng là một kinh nghiệm rất đáng suy nghĩ.
– Học phần tổ chức thành chuyên đề, hội thảo: nghĩa là sinh viên tự nghiên cứu trước các vấn đề của hội thảo, viết bài tham gia hoặc thu hoạch, được tính điểm cho một học phần. Phương pháp này tiết giảm bớt các giờ lên lớp lê thê, sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với không khí nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, gặp gỡ các giáo sư đầu ngành, tham gia viết bài hoặc đối thoại tại hội thảo. Mô hình này thích hợp với các sinh viên năm cuối bậc đại học hoặc cao học, khi đã tích lũy kiến thức văn học sử và kỹ năng viết bình luận văn học. Như vậy, học phần buộc sinh viên phải tham gia hội thảo khoa học, điều mà đại học Việt Nam còn bỏ ngỏ.
Chúng tôi có suy nghĩ rằng đại học Việt Nam, nhất là các phân khoa ngành Văn học cần có bứt phá ít nhiều theo mô hình trên để làm cho chương trình học trở nên uyển chuyển hơn, rộng đường nghiên cứu và đánh giá sinh viên, học viên hơn.
4. Xu hướng tập trung vào tính quốc tế của vấn đề học thuật để tìm tiếng nói chung của giới hàn lâm Mỹ và các nước khác:
Xu hướng này được chứng minh trong “độ mở” của các môn học; Một mặt chúng quan tâm đến tư tưởng quan trọng và xâu chuỗi các kiến thức cơ bản, mặt khác, chúng vẫn tạo ra cách giải thích mới về các hiện tượng cũ, biến những kiến thức văn học quá khứ thành những vấn đề của hiện tại. Tạm thời có các hướng sau:
4.1. Những vấn đề lý luận mới (tự sự, liên văn bản, văn học dịch…): hầu như giảng dạy văn học Mỹ không chú trọng lắm vấn đề phong cách học, quan hệ nội dung và nghệ thuật, …không xem lý luận như một hệ thống ổn định. Các vấn đề mới đưa ra như trên, một cách khách quan, cho thấy giảng dạy văn học luôn đồng hành với thực tế tiến trình văn học, dễ đi đến tiếng nói chung giữa các chuyên gia Mỹ và quốc tế.
4.2. Những vấn đề triết học cổ điển và đương đại: Du nhập nhanh chóng những thành tựu văn học và triết học lừng lẫy các nước châu Âu như học thuyết phân tâm học (từ Đức), triết học hậu hiện đại (từ Pháp), … nhằm tạo cho sinh viên sự chuẩn bị về mặt triết học khi nghiên cứu văn học.
4.3. Những cách đọc khác nhau về tác phẩm kinh điển châu Âu (ví dụ Hamlet của Shakespeare, Faust của Goeth, …)
4.4. Tìm kiếm kinh nghiệm và mỹ học châu Á: thể hiện ở việc nhấn mạnh tầm quan trọng của các môn học và phân khoa liên quan đến văn hóa văn học châu Á, qua đó thúc đẩy sự khám phá của sinh viên về các đối cực trong khoa học nhân văn và xã hội.
4.5. Mổ xẻ quan hệ văn hóa và văn học là một hướng tiếp cận chi phối rất mạnh chương trình biên soạn đào tạo đại học. Trong bối cảnh “chiến tranh văn hóa”, “xung đột văn minh”, “vấn đề sắc tộc và tôn giáo”, văn học được tìm hiểu từ tinh thần nhạy cảm các vấn đề thời đại cũng thu hút nhiều mối quan tâm của sinh viên, nhất là lượng sinh viên có tư chất khoa học xã hội tốt.
5. Nối kết tính hàn lâm và tính đương đại:
Điều khó nhất đối với người xây dựng chương trình là khả năng dung hòa tính hàn lâm, sang trọng với những vấn đề đương đại, tạm thời. Làm sao để cái cổ điển không phải là kiến thức chết, còn cái đương đại không phải là những xung đột nông cạn của những cây bút chưa cổ điển.
Phẩm chất nối kết tính hàn lâm và đương đại ở một khía cạnh nào đó thể hiện trong các môn học liên quan đến “không gian” kiểu như: Văn hóa Mỹ và môi trường Mỹ, cái tôi hiện đại trong trào lưu Ánh sáng, hệ sinh thái văn học, thuộc địa và không gian hậu thuộc đại Pháp-Bắc Phi, thế giới sinh động tưởng tượng trong văn học, triết học và văn hóa, v.v…  Chúng tôi đặc biệt chú ý cách tiếp cận văn học từ góc độ không gian như vậy. Sinh viên không bao giờ gặp phải những vấn đề như: nói theo một giáo trình nào đó hoặc một ông thầy nào đó, mà họ được quyền tự chủ về kiến thức, tự do về tư duy. Chúng tôi cũng cho rằng cần phân biệt việc đặt văn học trong các tọa độ lịch sử, văn hóa khác với việc tìm hiểu văn học phản ánh xã hội như thế nào.
Như vậy, có thể nói, chương trình dạy học môn Văn ở đại học nói chung cần đạt tới cấp độ kinh điển và cập nhật, vừa mang nhiều nét riêng của từng trường, từng phân môn, từng giáo sư phụ trách môn học, đồng thời cũng thể hiện tinh thần quốc tế trong các mối quan tâm học thuật. Chừng nào chương trình “khung” cho môn Văn học bậc đại học (cũng như sau đại học) vẫn còn là những khái niệm bất di bất dịch, chỉ chứa chừng ấy nội dung học thuật, mang từng ấy gương mặt tác giả và các vấn đề đã được giải quyết một lần, thì môn Văn vẫn chưa thành tựu cá tính và phẩm chất tòan cầu của nó.
Tp HCM, 13/2/2008
Lê Thị Thanh Tâm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...