Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Viết cho thiếu nhi vì không muốn các em thiệt thòi

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Viết cho
thiếu nhi vì không muốn các em thiệt thòi

Phong Việt nổi tiếng trong giới sáng tác cũng như trong lòng độc giả ái mộ bằng thể loại thơ tự do, phóng khoáng về hình thức, đặc điểm nội dung chứa nhiều chiêm nghiệm, suy tư, hoài niệm… Những day dứt, trăn trở tỏ bày về tình yêu, gia đình, cuộc sống, hoài bão tương lai… thường thấy trong thơ Phong Việt, ít nhiều hình thành nên chất riêng của anh trong làng thơ của những người trẻ. Chính vì thế, Phong Việt gây bất ngờ cho bạn bè và độc giả “quen thuộc” với thơ anh khi sáng tác thơ dành cho thiếu nhi.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt
Muốn chinh phục độc giả phải có nội dung hay
* Phóng viên: Anh nghĩ gì về dòng văn học thiếu nhi hiện nay, đặc biệt là thơ dành cho thiếu nhi?
– Nhà thơ Phong Việt: Nếu chúng ta đi đến các nhà sách thì thấy trên kệ vẫn có rất nhiều tác phẩm thiếu nhi hay, nhưng đáng tiếc là trong đó lại có rất ít những tác phẩm của các tác giả Việt Nam đương đại. Điều này là một trong những thiệt thòi đối với các độc giả nhí trong nước. Đây cũng là lý do quan trọng để thôi thúc tôi bắt tay vào viết cho các độc giả nhỏ tuổi. Người viết tác phẩm cho thiếu nhi ở Việt Nam đã ít, viết thơ lại càng hiếm. Và thơ, nói một cách đơn giản, cũng là một thể loại cực kỳ… khó bán, khó tiêu thụ đối với độc giả nói chung.
*  Vậy thì sách/thơ cho thiếu nhi cần chứa những yếu tố gì để chinh phục độc giả nhỏ tuổi?
– Một cuốn sách để chinh phục độc giả, điều tất yếu là phải có nội dung hay, phù hợp với đối tượng đọc cuốn sách. Riêng sách cho thiếu nhi, mảng minh họa và trình bày sẽ quan trọng không kém so với phần nội dung. Lý tưởng là tác giả và họa sĩ cùng đồng hành, thấu hiểu và ăn ý với nhau để cuốn sách trở nên đẹp, bắt mắt nhất có thể. Ví dụ khi thực hiện tập thơ “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ”, họa sĩ Đặng Hồng Quân và tôi đã có những cuộc trao đổi thường xuyên trong quá trình tạo ra tác phẩm, sao cho có sự ăn ý, đồng cảm, liên thông chặt chẽ giữa các bài thơ và các tranh minh họa.
Sách song ngữ hướng ra quốc tế
* Ra liền 2 tập thơ thiếu nhi song ngữ, vì sao anh lại chọn hình thức này?
Nguyễn Phong Việt hiện là cây viết tự do ở mảng văn hóa – nghệ thuật. Thơ của Phong Việt được phổ biến ban đầu qua mạng xã hội. Khi nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của người đọc trên mạng, anh tập hợp thành tập thơ rồi xuất bản. “Đi qua thương nhớ”, “Về đâu những vết thương”, “Sau phải đau đến như vậy”, “Bao nhiêu thương nhớ cho vừa”… là những tập thơ dành cho giới trẻ được Phong Việt ra “đều như vắt tranh” vào mỗi mùa Giáng sinh (liên tục từ năm 2012 đến nay). Với thơ thiếu nhi, Phong Việt thể hiện một người viết có quan sát tinh tế những hoạt động, đối thoại thường ngày giữa cha mẹ và con cái; những suy nghĩ, mắt nhìn và lời nói của trẻ em với vạn vật xung quanh. Đặc biệt, tình cảm gia đình, tình yêu thương con trẻ chan chứa trong thơ thiếu nhi của Phong Việt với những cung bậc cảm xúc dịu dàng lắng đọng, có thể khiến người đọc rất dễ đồng cảm.
– Thiếu nhi của thế hệ này đã khác trước rất nhiều, vì các bạn may mắn tiếp cận với ngoại ngữ từ rất sớm. Cậu con trai 8 tuổi của tôi cũng không phải là ngoại lệ (xin tiết lộ ở đây là con trai tôi chính là niềm cảm hứng để tôi viết thơ cho trẻ em). Đó là lý do tôi chọn làm sách song ngữ, để các bạn nhỏ có thể vừa đọc giải trí và cũng vừa học như một bài học tiếng Anh. Và tôi cũng mong muốn trong tương lai gần, nếu có thể, ở những hội sách quốc tế, các đơn vị sở hữu bản quyền các tác phẩm của tôi có thể chào bán bản quyền ra các thị trường sách trong khu vực cũng như thế giới.
* Như vậy đơn vị xuất bản và tác giả ngay từ đầu đã có định hướng tới thị trường nước ngoài, có thể bắt đầu từ khu vực các nước ASEAN và châu Á?
– Chúng ta đã mua rất nhiều bản quyền sách thế giới để phát hành tại Việt Nam, vậy thì tại sao không nghĩ nhiều hơn ở chiều hướng ngược lại. Có thể sẽ có khó khăn, có thể giá bán bản quyền cũng sẽ không cao, nhưng chẳng sao cả, bất cứ con đường nào cũng khởi đầu từ những bước đầu tiên. Nhất là hiện nay việc các bản quyền sách Việt Nam được bán cho các nước cũng không còn là chuyện mới mẻ. Nhiều tác phẩm của các nhà văn trong nước như Bảo Ninh, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư… đã được mua bản quyền, dịch và xuất bản ở nước ngoài. Nên tôi tự tin sẽ đến lúc các tập thơ song ngữ của mình cũng “xuất ngoại”.
Sẽ viết tiếp cho thiếu nhi
* Vậy là anh sẽ duy trì việc sáng tác thơ cho thiếu nhi theo đường dài chứ không phải chỉ là một cuộc “dạo chơi” rồi dừng lại?
– Tôi đã có 10 cuốn sách bao gồm cả thơ lẫn tản văn dành cho người lớn, nhưng chỉ mới có tập thơ thứ hai dành cho các bạn nhỏ. Theo cách nào đó, tôi vẫn chỉ là người mới bắt đầu viết cho thiếu nhi với tất cả sự bỡ ngỡ và hồn nhiên nhất. Thế nên, tôi hi vọng mình sẽ đi đường dài với mảng sáng tác văn học thiếu nhi.
* Anh từng phát biểu rằng, làm thơ cho trẻ em thì phải nghĩ đến các bậc phụ huynh?
– Đúng vậy. Vì các bậc phụ huynh chính là người chọn và mua sách cho con, đồng thời cùng con đọc sách. Ví dụ khi thực hiện tập thơ “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ”, chúng tôi (người sáng tác, họa sĩ minh họa và dịch giả chuyển ngữ) đều có chung tâm huyết và thống nhất cao là làm sao tác phẩm phải phù hợp cho cả nhà có thể cùng đọc với nhau. Cuốn sách là chiếc cầu nối giữa cha mẹ và con cái xoay quanh sợi dây cùng nhau thấu hiểu, cùng nhau yêu thương.
* Niềm mong muốn của anh khi “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ” ra đời là gì?
– Tôi cũng mong có thêm nhiều tác giả Việt Nam viết cho thiếu nhi. Phân khúc độc giả này đang cần rất rất nhiều những tác phẩm hay mà chúng ta đâu thiếu những người viết tốt. Tôi mong ngày càng nhiều các nhà văn, nhà thơ chịu khó dấn thân vào một thị trường đang rất tiềm năng này.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!.
Tập thơ song ngữ Việt – Anh dầy 100 trang in màu “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ” (The chairs in the small kitchen – chuyển ngữ tiếng Anh bởi Rosy Trang Trần) với nhiều tranh minh họa màu tuyệt đẹp (được vẽ bởi họa sĩ Đặng Hồng Quân, do Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành) không chỉ chứa 30 bài thơ có nội dung rất gần gũi thế giới trẻ thơ mà còn có hình thức thể hiện trang nhã, sống động “hợp nhãn” đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi lẫn các bậc phụ huynh xem trọng tình cảm gia đình.
15/10/2021
Yến Thanh
Nguồn: ANTĐ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...