Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Như là cách hoàn nguyên các giá trị đầu nguồn

Như là cách hoàn nguyên
các giá trị đầu nguồn

Do tự nguyện nhập cuộc vào đời sống đương đại, nên trong tiểu thuyết của Hoàng Thế Sinh xuất hiện vô số những hình ảnh, nhân vật, chi tiết của đời sống đô thị hiện đại miền núi.
1. Hoàng Thế Sinh là người có đến gần 40 năm dấn thân vào văn chương, viết nhiều tác phẩm với thể loại: thơ, truyện ngắn, ký, tiểu thuyết; nhưng thành tựu lớn nhất để làm nên tên tuổi nhà văn phải là tiểu thuyết. Tính đến thời điểm này, ông đã góp mặt với nền tiểu thuyết Việt Nam 10 tác phẩm, và chắc không dừng ở con số đó…
Nhà thơ Phan Hoàng và nhà văn Hoàng Thế Sinh ở Yên Bái năm 2022
Nói riêng về tiểu thuyết, xét theo phạm vi hiện thực đời sống mà các tác phẩm đề cập, nhà văn đã bao quát nhiều không gian khác nhau: nơi chốn học đường (Thời hoa đỏ-1998), chiến tranh cách mạng (Rừng thiêng– 2008, Cánh đồng chum mùa hoa ban– 2021); đời sống thế sự xã hội (Bụi hồ– 1992; Xứ mưa-2000; Thiên thần Nam Mê -2021; Thuốc phiện và lửa-2014; Ma tiền-2017; Chúa đất miền Khau Sưa-2020; Tằng cẩu-2023).  Ở đề tài nào ông cũng có đóng góp, nhưng có lẽ ngòi bút này dành tâm huyết nhất cho mảng tiểu thuyết thế sự xã hội.
Nhìn vào đời một người cầm bút, nếu thấy nhà văn tập trung ưu tiên cho mảng đề tài nhất định thì đó cũng là một chỉ dấu nói lên điều gì khác biệt. Với Hoàng Thế Sinh, con số 7/10 tiểu thuyết tập trung vào hiện thực xã hội đương thời cho thấy đây là một nhà văn nặng lòng với thời cuộc, có ý thức dấn thân, công khai bộc lộ trách nhiệm công dân trong tư cách một nhà văn đích thực. Tôi rất nghi ngờ tư cách một người cầm bút nào đó cho mình cái quyền khép kín trong cái tôi bản thể, tự trị mà không cần biết đến hiện tình thời cuộc và đất nước. Người viết có thể tha hồ thể hiện cái tôi, cái bản ngã nhưng với điều kiện phải biết tìm ra mối liên hệ chiều sâu với nhân quần, biểu đạt trạng thái tinh thần xã hội mà người viết thuộc về…Xét theo nghĩa ấy, nhà văn Hoàng Thế Sinh ngay từ đầu đã lựa chọn con đường dấn thân, tự nguyện đem ngòi bút của mình phụng sự cho sự tiến bộ xã hội.
2. Nhà văn Hoàng Thế Sinh trong cuộc đời là một người từng trải. Thời trẻ ông đi bộ đội, làm lính; sau về học đại học, ra trường làm nghề dạy học. Đã có mấy năm học cao học văn chương, nhúng mình vào môi trường thủ đô. Sau đó, ông có nhiều năm làm báo địa phương, trở thành một nhà báo bén nhạy, xuất sắc. Từ trong môi trường dạy học, làm báo, song hành với phận vị công chức, ông đã viết văn sớm và sớm có thành tựu. Sau khi nghỉ hưu khoảng già chục năm nay, ông dành toàn bộ tâm sức cho việc viết tiểu thuyết.
Là người tự nguyện cắm chặt đời mình với mảnh đất Yên Bái để sống và viết, nên những cái viết của ông hoặc trực tiếp liên quan, hoặc gián tiếp xa gần với đất và người Yên Bái. Đương nhiên, qua Yên Bái để thấy miền rừng, thấy đô thị miền núi hiện đại, thấy cả nước. Chỉ có nhà văn mới có thể làm được điều tưởng như không thể này.
Tôi cứ nghĩ mãi và lấy làm thú vị về cách nhìn và cảm nhận của nhà văn Hoàng Thế Sinh về thực tại và con người, hay còn gọi là quan niệm nghệ thuật của nhà văn rằng: thế giới về cơ bản vẫn được hình dung theo tinh thần phân tuyến thiện/ác, tốt/xấu, tiến bộ/lạc hậu…và cuối cùng cái thiện/tốt/tiến bộ chiến thắng, cái ác/xấu/lạc hậu bị trừng trị, đào thải.
Theo suốt các tiểu thuyết thế sự của ông, người đọc không khó nhận ra mấy điểm khá nhất quán này: i, hiện thực mà ông quan tâm miêu tả là không gian xã hội đô thị miền núi và các vùng lân cận, nơi đang biến đổi mạnh mẽ, mau chóng theo hướng kinh tế thị trường và đô thị hóa với tất cả cái hay dở của nó; ở đấy, có hai lực lượng gần như đối lập: một bên là những người cán bộ, công an, những người trẻ tuổi, những già làng đi theo công lý và sự tiến bộ, và bên kia là những kẻ làm ăn bất chính (buôn thuốc phiện, phá rừng, kinh doanh bẩn, ăn chơi trác táng…). Phía bên này, luôn luôn xuất hiện một số nhân vật, đặc biệt là người nữ đẹp, nghèo khổ, thiện lương, khao khát tình yêu, khao khát đổi đời (Mỷ Châu trong Thuốc phiện và lửa, Nam Mê trong Thiên thần Nam Mê, Hoa Ban trong Tằng cẩu…). Phía bên kia, nổi bật là mẫu nhân vật tha hóa, làm ăn phi pháp, xưng hùng xưng bá, ăn chơi sa đọa, cướp hiếp gái đẹp nhà lành… (Sung trong Thuốc phiện và lửa, Ky Ky trong Thiên thần Nam Mê; Tắc Kin trong Tằng cẩu, Bá Quan trong Ma tiền…); iii, cả hai tuyến nhân vật được đặt trong sự vận động của câu chuyện, đi qua các biến cố và mâu thuẫn căng thẳng, đi qua nhiều mưu mô, tai ương và cái chết để bộc lộ phẩm hạnh và tính cách. Các nhân vật được xử lý theo mấy hướng: người đẹp thiện lương, người tốt được đền bù, may mắn tìm được hạnh phúc; những kẻ ác độc bị trừng phạt, thậm chí phải lãnh cái chết; một số kẻ ác hoặc sa ngã, tha hóa tuy cũng có lúc biết ăn năn, thức tỉnh nhưng đã muộn, đều có một kết cục không ra gì…
Ở đây, có một cách xử lý nhân vật rất đáng ghi nhận của tác giả Hoàng Thế Sinh: để cho nhân vật không rơi vào sự đơn giản, nhà văn đã miêu tả một số nhân vật như những tính cách phức tạp, đa diện, tránh một chiều. Xin lấy hai ví dụ, một thuộc nhân vật nam và một thuộc nhân vật nữ. Nhân vật Tắc Kin trong “Tằng cẩu” là kẻ giầu có, vợ và con định cư ở Mỹ, y sống một mình, của nả ngất trời, liên minh với bọn xã hội đen tác oai tác quái cả một vùng thị trấn miền núi, ăn chơi sa đọa, trác táng, bất chấp. Nhưng y đã yêu Hoa Ban một cách thật lòng, đau đớn. Do cậy vào tiền bạc, lại cấu kết với bọn xã hội đen, nên y yêu Hoa Ban không phải cách, hết theo kiểu “bắt vợ” rồi đến cưỡng hiếp, dọa dẫm, vây đánh tình địch đủ trò, cuối cùng thì vẫn thất bại. Trong suốt quá trình đó, y hiện lên như một nhân vật phức tạp, khi tệ bạc, khi ăn năn, lúc đáng trách lúc đáng thương, khi tỉnh táo lúc vật vã hoang loạn. Kết cục là y thức tỉnh trong tinh thần Thiền và cái chết…
Nhân vật nữ Thiên thần Nam mê trong tiểu thuyết cùng tên cũng được tác giả xây dựng theo cách thức như vậy. Nhân vật này vốn là một người đẹp nhút nhát, nhu mì, yêu chồng thương con, sau đó bị dụ dỗ, mua chuộc, bỏ chồng con đi vào con đường ăn chơi sa đọa, hư hỏng, ném thân vào những vụ làm ăn phi pháp. Sau đó, cô ta lựa chọn cách chuyển giới, sống trong mặc cảm tội lỗi, sám hối, đau đớn, khát vọng hoàn lương và sa vào cùng đường tuyệt lộ, cuối cùng là cái chết… Có thể xem đây là ý thức thể loại của nhà văn. Nhân vật tiểu thuyết, đặc biệt là nhân vật chính bao giờ cũng vươn lên trở thành nhân vật tính cách, tức là loại nhân vật phức tạp, đa diện, có sự chung sống của nhiều đối cực, có chiều sâu nội tâm, mang tính đối thoại (với các nhân vật khác, với chính mình, với cuộc đời…). Người đọc tìm thấy thêm kiểu nhân vật mang tính đa diện này ở các tiểu thuyết khác nữa như Bá Quan (Ma tiền), Sung (Thuốc phiện và lửa), Tử Pín (Chúa đất miền Khau Sưa)…
Tinh thần tự sự phân tuyến nhân vật, theo đó là người tốt/lương thiện tuy trải qua rất nhiều vùi dập, thua thiệt sẽ được đền bù và kẻ xấu/ác/bất lương cuối cùng bị trừng trị là một tâm thức bền bỉ của nhân loại, đặc biệt sâu đậm trong văn hóa Việt Nam. Trong tự sự dân gian truyền thống và tự sự trung đại, nhất là ở các truyện Nôm, tinh thần này đã được biểu đạt thành khát vọng công lý thường trực và phổ biến. Sang đến văn học hiện đại, các giá trị nhân bản đầu nguồn này không mất, mà thường được ẩn mình hoặc chuyển hóa sang các dạng thức khác, theo cách gián tiếp, đa dạng, phức tạp và phong phú hơn.
Trong các tiểu thuyết thế sự của Hoàng Thế Sinh, nhà văn công khai đi theo tinh thần này một cách nồng nhiệt, nhất quán. Đặt trong bối cảnh xã hội hôm nay, khi mà cái xấu cái ác công nhiên hoành hành, khi khả năng quản trị xã hội không được như mong muốn, khi công lý bị lũng đoạn, đánh tráo dẫn đến tình trạng mất niềm tin ở con người, thì đây lại là cơ hội cho niềm tin vào công lý dân gian được dịp phục sinh. Những diễn ngôn trong đời thường, trên mạng xã hội, kể cả một số diễn ngôn chính thống xuất hiện những niềm tin mạnh mẽ, như những xác tín về luật nhân quả với những quả báo, trời phạt, trả nghiệp, ác giả ác báo, giời có mắt, vv…Tinh thần này thể hiện mạnh mẽ, dứt khoát, bao trùm trong các tiểu thuyết của Hoàng Thế Sinh. Tôi gọi đây là tinh thần hoàn nguyên các giá trị nhân văn cổ điển đầu nguồn.  Hoàng Thế Sinh đã biểu đạt tinh thần này một cách đầy nhiệt hứng, bền bỉ và sâu sắc.
3. Tiểu thuyết Hoàng Thế Sinh rất thành công trong việc tạo dựng “không khí” cho tác phẩm (có khi được gọi là không khí nghệ thuật, hoàn cảnh nghệ thuật). Không khí nghệ thuật tựa như hơi thở, nhịp điệu, mùi hương của sự sống được miêu tả. Nó bện vào câu chữ, nhân vật, không gian, hình ảnh, chi tiết. Không khí nghệ thuật chính là một trạng thái chung, nhiều khi chỉ cảm được mà không dễ gọi tên. Đây là một phẩm chất rất quan trọng của nghệ thuật tự sự, làm nên chất keo dính của tác phẩm đối với độc giả. Có những tiểu thuyết, truyện ngắn biến hóa, thông minh, các ngón nghề tân kỳ, nhưng đọc cứ thấy bị trơ trụi, giống như đi vào quả đồi trọc không có sinh khí. Hoàng Thế Sinh đã vượt qua được thử thách này.
Nhìn trên bề mặt của sự nghệ thuật tự sự, các tiểu thuyết của Hoàng Thế Sinh hay tập trung miêu tả mấy dạng khung cảnh: rừng núi rậm rạp, hiểm trở, nơi có thú dữ và kẻ xấu rình rập (đối nghịch với nó là dòng suối, phiến đá, gốc cây – những nơi chốn tình tự, yêu đương, làm tình); các hang động linh thiêng, có Thần rừng, có bùa yểm, có linh hồn các bậc Tiền hiền, Đức Phật… ngự trị. Đi liền với chúng là các loại âm thanh: tiếng suối chảy róc rách hiền hòa, tiếng thác đổ dữ dội; tiếng gọi, tiếng hú của người, tiếng kêu tiếng tác tiếng gầm của các loài động vật, tiếng vọng từ các vách đá dội lại, tiếng của chim chóc côn trùng… Tất cả hợp lại góp phần tạo dựng một không gian thiên nhiên núi rừng đa dạng, bí ẩn, vừa dung dưỡng sự sống vừa chứa đầy hiểm họa. Nhưng bên trong cuộc sống thiên nhiên còn có cuộc sống của con người. Nhà văn đã huy động rất nhiều các tri thức về văn hóa dân gian, tri thức folklore giàu có về các tộc người để tạo nên những không gian tinh thần, không gian xã hội đa dạng và đặc sắc. Đây là một đám cưới, kia là một đám ma; chỗ này là lễ hội vào mùa, chỗ kia là lễ hội cúng Thần rừng; chỗ khác là lễ hội hoa ban, lễ hội xuống đồng, lễ hội cúng cơm mới…, theo đó là các tập tục, ẩm thực, diễn xướng ca hát, nhảy múa, trang phục, tất cả đồng hiện.
Nhà phê bình văn học Văn Giá
Hoàng Thế Sinh tỏ ra đặc biệt hiểu biết các bài hát, tục ngữ, dân ca của các tộc người, nổi bật là tộc người Thái (Tằng Cẩu), tộc người H’mông (Ma tiền, Thuốc phiện và lửa) và tộc người Tày (Chúa đất miền Khau Sưa). Nhà văn huy động nguồn văn học truyền khẩu, lời nói thường ngày của các tộc người vào trang viết với một mật độ khá dầy, được trích dẫn, ghi chú kỹ lưỡng. Cũng có khi nhà văn tự sáng tác ra những bài hát theo phong vị của đồng bào các dân tộc khá nhuần nhuyễn, đến nỗi khó phân biệt giữa lời ca dân gian nguyên gốc và lời được viết mới. Điều này cho thấy, nhà văn rất có ý thức thâm nhập, học hỏi từ vốn văn hóa tộc người cả trong truyền thống và cả trong cuộc sống thường nhật. Nhờ vốn liếng giàu có này, nhà văn đã dựng lên một thứ phong vị núi rừng gắn liền với mỗi tộc người thật độc đáo, với nhiều trường đoạn hấp dẫn bạn đọc.
Cũng xin nói thêm, do tự nguyện nhập cuộc vào đời sống đương đại, nên trong tiểu thuyết của Hoàng Thế Sinh xuất hiện vô số những hình ảnh, nhân vật, chi tiết của đời sống đô thị hiện đại miền núi. Chỗ này là khu biệt thự, khu du lịch sinh thái; chỗ kia là nhà hàng, quán nhậu; chỗ nọ là khách sạn, nhà nghỉ; chỗ khác là các quán bar, vũ trường…Ở những nơi đó là các cuộc gặp gỡ, bàn mưu tính kế, giao dịch buôn bán, tiệc tùng, ăn chơi…theo hướng mờ ám, sa đọa, trác táng. Tác giả rất thích miêu tả những đám đông uống rượu, nhậu nhẹt, với những thứ ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ, hát hò, hú hét… của kẻ say hoặc mượn rượu lắm khi vô thưởng vô phạt, nhưng cũng nhiều khi phiền toái, cạnh khóe, chửi bới, bạo lực với nhiều hệ lụy.  Những con người gắn liền với các nơi chốn đó cũng biến đổi theo hướng hay ít dở nhiều, với nhiều nguy cơ hư hỏng, biến chất. Nhà văn đã cho thấy một hiện thực miền núi đang chuyển mình mau lẹ, dữ dội, phức tạp, nhiều bất an bất trắc và được mất khôn lường, có khả năng đánh động lương tri người đọc.
Nhìn dọc lên phía Bắc sông Hồng hiện nay, xét riêng thể loại tiểu thuyết, tôi thấy có hai cây bút chuyên tâm viết về đất và người miền núi và thực sự có đóng góp vào nền văn xuôi đương đại: Hoàng Thế Sinh và Đoàn Hữu Nam. Các ông đã đằm mình vào thổ nhưỡng xã hội, văn hóa, lịch sử vùng Tây Bắc với tất cả tài năng và tâm huyết, với cả sự chuyên tâm bền bỉ đáng trân trọng. Với riêng Hoàng Thế Sinh, có một ý hướng mà anh đang để tâm theo đuổi: tiểu thuyết sinh thái. Loại tiểu thuyết này tập trung vào việc biểu đạt các vấn đề thuộc môi trường, nơi con người thuộc về, cộng sinh, đang bị trả giá và cần phải cấp thiết điều chỉnh nhận thức cũng như ứng xử. Nó không chỉ là việc ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên; cũng không dừng ở việc tố cáo các nhận thức sai lệch, các hành vi xâm phạm, hủy diệt môi trường; cũng không chỉ phản tư lại các quan niệm truyền thống mà nó đòi hỏi một nhận thức luận có tính triết học: phê phán chủ nghĩa nhân loại trung tâm (Anthropocentrism – với tinh thần lấy con người làm trung tâm, thiên nhiên ở vị thế phụ thuộc, phương tiện) để chuyển sang khế ước: con người chung sống hài hòa với môi trường tự nhiên. Tiểu thuyết “Chúa đất miền Khau Sưa” đã ghi dấu sự chuyển hướng bước đầu của Hoàng Thế Sinh. “Tằng cẩu” cũng là một bài ca về tình yêu lứa đôi chan hòa tình yêu phong cảnh, núi rừng và văn hóa bản địa. Cảm hứng sinh thái này cũng đã thấy bàng bạc ít nhiều trong một số tiểu thuyết khác của nhà văn… “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” như một minh triết đầu nguồn chẳng phải cũng là một nhiệt hứng biểu đạt của nhà văn đó sao!
Hoàn nguyên các giá trị nhân bản đầu nguồn trong những biểu đạt tự sự đa dạng chính là tinh thần tiểu thuyết đặc sắc của Hoàng Thế Sinh.
Hà Nội, 14/8/2023
Văn Giá 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thẻ nhớ vô tri Anh bạn thẻ nhớ từ ngày mua về đến giờ, cứ bị nhốt suốt trong máy ảnh, hôm nay mới được ra ngoài, tung tảy, tự mình nhìn ...