Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Đồng Tháp Mười ngày ấy

Đồng Tháp Mười ngày ấy

Tôi muốn trở lại đồng Tháp Mười, dù người ta nói, bây giờ Đồng Tháp không còn như xưa nữa, thậm chí, khác hoàn toàn với ngày xưa. Nhưng tôi vẫn muốn đi một chuyến. Và chắc là sẽ đi. Vì đồng Tháp Mười, sau gần nửa thế kỷ, trong ký ức của tôi, vẫn lung linh. Đẹp hoang dã, đẹp mơ hồ, đẹp mà không tự biết, đó chính là đồng Tháp Mười ngày xưa ấy.
Bây giờ, bạn trẻ thèm được đắm mình trong thiên nhiên hoang dã, vì họ đã nhận chân được vẻ đẹp và sự cuốn hút không thể cưỡng của nó. Nhưng thiên nhiên hoang dã đang bị biến dạng, thậm chí biến mất với tốc độ phi mã.
May cho tôi, là năm 1972 đó khi băng qua Tháp Mười mênh mang mùa nước nổi, tôi đã viết được chùm thơ Ghi chép Tháp Mười, như một bút ký bằng thơ. Bây giờ đọc lại để hình dung khoảng thời gian một tháng rưỡi mình qua Đồng Tháp, chợt thấy như mình may mắn.
Ấy là  lần đầu tiên tôi gặp Tháp Mười, một Tháp Mười hoang sơ mà sau này nhiều người đã được xem qua bộ  phim Cánh đồng hoang, kịch bản của Nguyễn Quang Sáng và Hồng Sến đạo diễn. Với tôi, Tháp Mười mà tôi biết còn đẹp hơn trong phim rất nhiều. Ghi chép Tháp Mười là những bài thơ nhỏ tôi ghi trên đồng Tháp Mười, vào những lúc dừng chân ở các trạm giao liên. Ngót năm mươi năm rồi, mà đọc những bài thơ nhỏ về Tháp Mười, vẫn thấy như mới ngày hôm qua.
Đây là bài thơ mở đầu, nhan đề Trạm nổi:
như lúa sạ vươn theo tầm nước lớn
trạm giao liên thả nổi bềnh bồng
một rặng tràm thưa cập mấy chiếc xuồng
khách mắc võng chông chênh trên nước
gối đầu lên ánh sao Mai xanh lợt
mắt thâm quầng bỗng chạm hừng đông
 
không tiếng ong bay mà thoang thoảng hương tràm
cá tớp bóng giữa vùng sen lách chách
địa hình nhỏ nằm trong tầm pháo giặc
khách cắm sào ngồi thong thả buông câu
Trạm giao liên giữa đồng nước nổi Tháp Mười chỉ đơn sơ vậy. Những chiếc xuồng ba lá quần tụ, buộc dây vào những thân cây tràm. Nấu cơm hay nấu nước pha trà thì treo hăng-gô trên cành cây, và kiếm củi khô đốt bên dưới. Nước vẫn sôi, trà pha thơm ngát, và cơm vẫn chín tốt… Cơm nước xong, “khách” là chúng tôi có thể mắc võng giữa hai cây tràm, và ngủ rất yên giấc. Tôi thì nằm trên võng… làm thơ, bảo đảm bây giờ không có thi sĩ nào hưởng được cảm giác sung sướng như vậy. “Ai bảo đi chiến trường là khổ” nào?
Cứ chèo xuồng mải miết hàng đêm như thế, rồi cũng tới được đoạn cuối của Tháp Mười, đó là rừng tràm Tân Hòa Đông.
Rừng tràm Tân Hòa Đông ở đâu? Hình như, nó giáp giới Long An và Mỹ Tho thì phải? Tôi chỉ nhớ tên rừng tràm này, vì có nghỉ ở đó khi cùng đoàn công tác chèo xuồng qua. Nước phèn, bầy cá rô, những cây tràm khắc khổ, hương hoa tràm, và gió, gió tràn lên mãnh liệt cho chúng ta thấy sự dẻo dai chịu đựng của những cây tràm mảnh khảnh. “Tân” Hòa Đông, có nghĩa là vùng Hòa Đông mới, người dân Nam bộ hay đặt tên cho những địa danh mới khai phá nằm bên cạnh những địa danh cũ như vậy. Rừng tràm này, cây tràm không quá xanh tốt, vì nước ở đây có độ phèn rất cao, nước đỏ quạch, chát ngắt, vậy mà vẫn có những bầy cá rô bơi lội. Chúng sống được ở vùng nước khắc nghiệt như vậy, có lẽ do đã tập quen với hoàn cảnh. Sống, nghĩa là thích nghi mà.
Bài thơ Rừng tràm Tân Hòa Đông của tôi được viết ngay trong rừng tràm ấy, nên hình như nó có cả mùi nước phèn lẫn với hương hoa tràm, một cái mùi khắc khổ, chịu đựng, giống những người dân “cắm chốt” lơ thơ trên Tháp Mười mênh mông biển nước:
Rừng tràm Tân Hòa Đông
 
trong những hố bom nước phèn lên sắc đỏ
bầy cá rô nổi lờ đờ, ngợp thở
con trốt xoáy trên vàng lóa bông năn
nắng về trưa dội xuống đầu như lửa đổ
 
rễ bám sâu giữa vùng đất chai cằn
những cây tràm mọc lên, khắc khổ
nơi dồn tụ của bao nhiêu cơn gió
nơi vù vù không ngớt chuyến ong bay
nơi bông tràm thầm lặng tỏa hương say
là nơi quanh năm nước phèn chát ngắt
 
ai qua Tháp Mười mùa trăng mông lung
nghe mê mải rừng tràm xao xác
tưởng ở đây chỉ êm lành sóng nhạc
mỗi cây tràm cao vút một thanh âm…
 
rừng tràm Tân Hòa Đông
chịu khắp mình những hố bom lở loét
những vết thương chưa liền kịp da non
những nhành cây như cánh tay dập nát
ráng giơ lên che mát đỡ trưa nồng…
 
ai qua Tháp Mười đêm trăng mờ sương
có để ý vì sao rừng tràm xao xác
vì sao từ nỗi đớn đau, chua chát
lại chỉ vút lên khúc hát dịu lành…
Rừng tràm ấy, bây giờ còn không? Chắc phải đi tới tận nơi mới biết. Những người dân sống trên đồng Tháp Mười ngày chúng tôi qua, họ lẻ loi, cô độc lắm, chứ không quần tụ được như rừng tràm đâu. Nhiều đêm chúng tôi chèo xuồng sáng đêm, chỉ gặp vài ba cái nhà sàn cất giữa đồng nước. Mỗi nhà phải cách nhau tới mấy cây số. Khi nhìn vô nhà sàn, chỉ thấy một cái mùng (màn) treo thật to, phủ gần kín sàn nhà. Cả nhà chui vô cái mùng ấy ngủ, tránh muỗi. Muỗi Tháp Mười thì hết biết!..
Có một đêm, đoàn xuồng chúng tôi luồn vô một ấp chiến lược. Giao liên Tháp Mười quá tuyệt vời! Các anh em tìm được một con đường độc đạo mà đối phương không để ý, lại tìm được ngôi nhà trong “ấp” là cảm tình cách mạng, nhà ấy lại ở đúng con đường nước mà chúng tôi chèo xuồng qua. Khi áp sát sân nhà, chúng tôi rời xuồng, hè nhau đẩy xuồng qua sân nhà, qua luôn cửa nhà ra phía sau, và… chèo tiếp. Tới bây giờ, ngót 50 năm qua rồi, tôi vẫn không sao quên được những ánh mắt của người mẹ và mấy đứa con nhỏ trong nhà ấy nhìn chúng tôi đẩy xuồng. Họ không nói, không ra hiệu, không tỏ sự ngạc nhiên. Họ chỉ nhìn, và mắt họ như không nói lên điều gì cả. Vậy mà tôi nhớ mãi. Làm sao không nhớ, khi họ để đoàn xuồng “Việt Cộng” qua nhà mình, chắc chắn họ phải chấp nhận hiểm nguy. Họ lặng lẽ chấp nhận. Chúng tôi mang ơn nhân dân từ những cái nhìn bình thản ấy.
19/5/2020
Thanh Thảo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thế Là Thế Nào Trần Phúc Bảo An - 19 tuổi - Khoa Đạo diễn. Tự lập, lạnh lùng, đẹp trai, tài năng”. Những đứa con gái Sân khấu Điện ảnh...