Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Rơm rạ quê tôi

Rơm rạ quê tôi

Ai đã từng rời quê xa xứ, dẫu bôn ba thăng trầm bao đổi, dẫu những ngôi nhà cao tầng nơi nơi đô thị có hiện hữu hàng ngày trong đôi mắt. Nhưng bất giác trên một con đường nào đó, ta tình cờ gặp lại hình ảnh cây rơm vàng sau trái bếp, bên hiên nhà, trước sân. Một cảm giác buâng khuâng khó tả, bao ký ức về rơm lại ùa về. Và với tôi, rơm quê tôi là một phần trong mớ hành trang từ ngày tôi xa quê.
Rơm rất quen thuộc, gần gũi và gắn liền với đời sống thường ngày của người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn và những ai từng sinh ra lớn lên nơi thôn quê. Tuổi thơ, bọn trẻ trâu chúng tôi mỗi khi mùa lúa chín về, lại tha hồ được vùng vẫy thỏa thích tắm trong rơm, cùng nhau vui chơi các trò chơi trốn tìm, đánh giặc giả, nhào lộn, nhảy múa trên rơm… những tiếng cười giòn tan, rôm rả nghiêng cả xóm làng, hòa quyện dưới ánh trăng thanh, từng cơn gió mát tạo nên một bức tranh làng quê yên bình ấm áp. Rơm cứ thế theo tôi lớn lên qua từng trang sách. Rơm đã đi vào ca dao từ thuở nào tôi không rõ, nhưng có lẽ nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân quê Việt.
“Nhà anh chẳng chiếu, chẳng gường
Chỉ ấm tổ rạ, nàng thương chăng là?
Yêu nhau chẳng quản cửa nhà
Chuồng chim cũng lấy, chuồng gà cũng theo”
….
 “Rồi mùa rạ đốt, rơm khô
Bạn về quê bạn, biết mô mà tìm”
Lúa sau khi cắt về người nông dân thu hoạch phần hạt, phần thân là rơm, phần gốc cây lúa còn lại ngoài đồng người ta gọi là rạ. Rơm cũng phân biệt rõ ràng, có rơm nếp và rơm tẻ. Rơm nếp bền và dẻo dai, nhà nông thường hay sử dụng để làm chổi quét nhà, quét sân, làm dây buộc các mớ rau, mớ hành…. Hồi xưa quê tôi các giống lúa rất đa dạng. Hình như gia đình nào cũng có từ hai đến ba giống lúa để gieo trồng. Lúa nếp thì có nếp hương, nếp rồng, nếp cái hoa vàng…lúa tẻ, thì có ven lùn, tám đỏ, ré nước, chiêm…. Tùy theo theo thời vụ, nhà nông có thể lựa chọn giống lúa để trồng cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết từng mùa. Quê tôi ở bắc Miền Trung chủ yếu hai mùa gieo trồng và thu hoạch lúa, đó là vụ mùa và vụ chiêm.
Mùa gặt lúa, nhà nhà người người tấp nập, những đôi chân thoan thoắt đôn đả ra đồng. Tuy ngày mùa vất vả, nhưng trên từng khuôn mặt rám nắng, lấm tấm giọt mồ hôi ai nấy đều tươi cười rạng rỡ, nói chuyện rôm rả. Bởi từ hạt giống bé tẹo, sau bao ngày gieo hạt, chăm bón, phấp phỏm lo âu bởi cái nắng, cái mưa nay cây lúa đã chín, mùa gặt đã đến. Coi như bao nhiêu vất vả của người nông dân đã được đền đáp. Còn gì vui hơn ngày mùa gặt hái nơi làng quê. Hồi ấy, thu hoạch mùa màng bà con quê tôi vất vả vô cùng, chủ yếu dùng sức người là chính. Làng tôi gặt lúa thủ công, bằng liềm, bằng hái, đâu có máy gặt, máy suốt hiện đại như bây giờ. Lúa gặt xong đưa về nhà chủ yếu là gánh vác, nhà nào có điều kiện hơn một chút thì sử dụng xe đạp để thồ lúa về nhà…
Ngày mùa, từ sân nhà đến sân làng… chỗ nào trống là bày lúa ra phơi, lúa trải vàng óng ả trên sân, trên những đường làng. Nắng hanh tốt thì khoảng hai đến ba ngày cả lúa và rơm đều khô ráo thoang thoảng mùi thơm, một thứ mùi không hương không sực nức, không bám lâu nhưng nó dính chặt vào tâm hồn những ai từng một lần chạm vào. Rơm được tập kết về nhà chất thành đống để dự trữ, quê tôi gọi là “cây rơm”. Nhà ít thì một cây, nhà nhiều thì hai đến ba cây, cây rơm cũng phản ánh đậm nét cảnh giầu nghèo trong làng quê. Hồi đó tôi vu vơ hỏi mẹ, cây rơm để làm gì hả mẹ? Bà dúi tay vào đầu tôi mắng yêu! Cái thằng bố mày, nhiêu tuổi rồi mà còn hỏi mẹ!?… rồi bà tuôn ra hàng loạt câu trả lời như muốn nhồi nhét vào đầu tôi, nào là làm chất đốt để đun, làm thức ăn cho trâu bò vào ban đêm, những ngày mưa to gió lớn và mỗi khi hạn hán kéo dài, rồi là để kết chổi quét sân, quét nhà, nào là…
Và cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in những gì mẹ nói. Nhớ nhất là khi mùa đông đến, người ta rất cần rơm, bởi rơm là thứ không thể thiếu được khi người ta làm ổ, ổ rơm sẽ che chở giữ hơi ấm cho mọi người khi đông đến…Những ngày rét kéo về, nhà tôi duy nhất có một chiếc chăn bông để đắp, có lẽ cái chăn ấy đã gắn bó với gia đình tôi cả chục mùa đông rồi thì phải!?. Nhìn nó cũ kỹ, xù xì, rách tả tơi, đông về nó lại là người bạn tri kỷ đối với tất cả thành viên trong gia đình. Giữa mùa đông, cái lạnh miền Trung như cắt da, xẻ thịt, từng đợt rét rủ nhau tràn về nơi vùng quê nghèo khó, những căn nhà tranh, vách đất “gió ghé đến thăm” được cả tứ phương. Cái chăn tri kỷ ấy không đủ ngăn nổi những luồng gió lạnh hoành hành. Vậy là mẹ tôi lại tất tả mang rơm vào nhà để kết thành “ổ rơm”. Hơi ấm ổ rơm làm vơi đi cái lạnh, cái giá của gió mùa Đông Bắc ập tới, hơi rơm mới nồng nàn đượm mùi nắng, đượm hơi thở của đất trời, của đồng quê và những giọt mồ hôi của mẹ của cha quyện vào những sợi rơm, tôi được vùi mình vào trong đó ấm áp vô cùng. Hầu như nhà ai cũng làm ổ rơm để chống chọi với cái giá, cái rét căm căm. Nhà ít người thì làm một ổ, nhà đông người thì làm hai đến ba ổ. Hết mùa đông, ổ rơm lại được dỡ ra đưa vào bếp để đun nấu…
Mùa đông ở trong nhà đã thấy lạnh, ra ngoài đồng càng lạnh thêm, bởi cánh đồng quê tôi trống trải, từng cơn gió lạnh cứ thế lùa vào da thịt, nước mưa thì lạnh lẽo. Cá dưới sông chết rét nổi lên la liệt, ngó mà thấy thương, thấy xót. Mỗi lần tôi đi chăn trâu, mẹ lại kết cho tôi một cái nùn rơm chắc chắn, rồi châm lửa để tôi mang theo sưởi ấm ở ngoài đồng. Qua bàn tay khéo léo của mẹ, thoắt một chốc chiếc nùn rơm đã kết xong. Thế là quê tôi, mùa đông cánh trẻ trâu ra đồng đứa nào cũng có một cái nùn rơm mang theo bên mình sưởi ấm.
Tối về, ngồi cùng mẹ bên bếp lửa hồng được đốt bằng những lọn rơm, tôi xòe đôi bàn tay cứ trở qua trở lại rồi áp lên mặt, hơi ấm sao mà ấm áp dễ chịu đến vậy. Những tiếng nổ tý tách râm ran từ những lọn rơm bung ra, làm tôi thích thú. Thấy tôi ngơ ngác mẹ bảo, lúa còn sót lại trong rơm, gặp lửa nó tự nổ bung ra đó con ạ! Rồi mẹ nhặt từng hạt nổ gom lại đưa hết cho tôi. Mẹ nhìn tôi với đôi mắt trìu mến vỗ về “con sinh ra từ rơm từ rạ, hãy chăm ngoan, học thật giỏi để mai này thoát khỏi đói nghèo”. Tôi thưởng thức những hạt nổ mẹ đưa, ôi hương vị ngọt ngào, trong đó có mùi quê hương, vị ngọt tình làng nghĩa xóm. Tôi thấy trong vị của những hạt thóc nổ đó còn có đàn cò trắng bay trở về mỗi khi mùa bội thu, tôi thấy lâng lâng mùi nắng và gió của đất trời vùng quê chân chất.
Rồi những ngày qua, thiên tai bão lũ ập lên miềm Trung quê tôi, biết bao cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang dầm mình dưới mưa ngày đêm gồng mình chống chọi với cái lạnh, cái đói và cả sự mất mát, hy sinh. Bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ, phút chốc nhà cửa tang hoang, mùa màng xơ xác, mọi thứ quê tôi lại trở về không, biết bao mái nhà đang bơi trong lũ, biết bao người xấu số còn đang vùi lấp trong bùn đất quê tôi… tang tóc đau thương. Miền Trung bao năm nay đã nghèo khó, giờ lũ lại cuốn trôi hết rồi, nghèo chồng chất nghèo… Những cây rơm trong ký ức của một thời thơ ấu nay lũ đã cũng đã cuốn đi, giờ chỉ còn trong nổi nhớ… Tôi nhớ lắm rơm quê tôi, trong nổi nhớ cứ văng vẳng đâu đây câu thơ của nhà thơ Phạm Ngọc Vĩnh.
“Cọng rơm… chiếu trải nền cong
Sắc vàng lót ổ ấm mong tháng ngày
Tuổi thơ ký ức dâng đầy
Bạc đầu vẫn đượm tháng ngày vàng rơm”
Phú Quốc, 30/10/2020
Phạm Hồng Soi 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge000000

Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge TỰA - LỜI TÁC GIẢ Hồi đó, tám năm qua… Tháng 8.1963, tình hình căng thẳng, ngột ngạt, các phóng viên các...