Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Trong vòng tay mới

Trong vòng tay mới

“Đã thành đạt về kinh doanh về triều chính về quân ngũ về thiện nguyện thì lại muốn lập danh chút ít bằng thơ phú nghệ thuật. Muốn được thấy tên mình trên những cuốn sách trang báo, trên những vở kịch bộ phim, trên những chương trình ca nhạc. Để tự huênh hoang ảo tưởng rằng với kinh doanh và nghệ thuật, mình bắn súng hai tay như một. Cánh văn chương nghệ thuật thì đang bỏ bầu sữa bao cấp để nhăm nhăm đi tìm nguồn dinh dưỡng mới.” – nhà văn Hồ Anh Thái nhận định.
Nhà văn Hồ Anh Thái. Ảnh: Trương Anh Quốc
Nghệ thuật phi bao cấp – kỳ vọng và thực tế
Sân khấu mở ra một không gian cổ, lấy chuyện xưa để nói nay. Có cảnh gần trăm diễn viên đóng vai quần chúng tràn lên sân khấu để tạo hùng khí, nhưng rốt cuộc chỉ uy hiếp người xem, nhằm nhắc nhở người xem rằng đây là vở kịch hoành tráng. Kịch bản đơn giản sơ lược, thông điệp phô, cấu trúc lan man lỏng lẻo, nhân vật bóng mờ. Đầu tư tiền tỷ. Một đoàn kịch không dùng tiền của nhà nước, gọi là “sân khấu xã hội hóa”, lý do gì phải tốn kém thế để dựng một vở kịch nhạt? Được trả lời: đấy là kịch do một quan chức viết và ông ấy huy động được tiền đầu tư.
1. Người ta có thể mong muốn và hy vọng gì ở sân khấu xã hội hóa? Thứ nhất, không lấy tiền của nhà nước, họ có thể tương đối tự do để dùng nghệ thuật của mình mà nuôi nhau, vừa được tiếng là biết làm ăn năng động, vừa không tơ hào tiền bạc bao cấp. Thứ hai, không dùng kinh phí của công, họ sẽ tương đối độc lập, không phải làm nhiệm vụ tuyên truyền quan điểm. Thứ ba, vì không phải làm nhiệm vụ tuyên truyền, họ có thể làm ra những sản phẩm gần với nghệ thuật đích thực.
2. Vậy thử nhìn lại xem sân khấu xã hội hóa, mà ta có thể gọi là sân khấu “phi bao cấp” đã đáp ứng được kỳ vọng ở mức độ nào.
– Họ đã thực hiện được việc không đòi hỏi ngân sách của chính phủ. Xã hội có những tổ chức phi chính phủ để giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, thì nghệ thuật cũng có những tác phẩm sân khấu phi chính phủ, điện ảnh phi chính phủ, vân vân. Chẳng hạn vở kịch vừa đề cập ở trên, không dùng kinh phí nhà nước cấp, mà do tác giả tự huy động được tiền của các doanh nhân thân cận. Lời ăn lỗ chịu, người góp tiền cũng tự biết là thời nay không ai kinh doanh gì được ở sân khấu hay điện ảnh nước nhà. Gọi là đầu tư cho sang chứ phải xác định ngay từ đầu rằng tiền đầu tư là tiền cho hẳn, một đi không trở lại. Không có người xem hưởng ứng, nhưng tất cả đều hô lên là có lãi. Chỉ đến khi mấy ông bà bầu bị vỡ nợ thì mới ngớ ra mấy chục vở “có lãi” ngày trước đều là âm.
– Sân khấu “phi bao cấp” cũng có một số đoàn có thể cân đối thu chi mà nuôi được nghệ sĩ, chủ yếu là những đoàn kịch ở phía Nam. Họ chấp nhận làm một số vở kịch bình dân. Sân khấu nhỏ, kịch ngắn, hài hước thô sơ, trang trí phục trang không cầu kỳ, thiết bị gọn nhẹ không tốn kém. Mỗi đoàn kịch được tổ chức theo mô hình gánh hát, dễ quản lý, dễ cơ động. Thực ra sân khấu nhỏ kiểu này, nếu nghệ sĩ có tài, cũng làm được những thử nghiệm độc đáo. Diễn kịch một mình, cả vở diễn từ đầu đến cuối chỉ có một nhân vật, chẳng hạn một người độc thoại trên ghế đá công viên trong khi chờ người yêu mà người yêu không bao giờ đến. Chẳng hạn chỉ có hai nhân vật, suốt vở kịch chỉ có hai người ấy kể cho nhau nghe nghìn lẻ một chuyện trong đường phố của mình. Nhưng một thực trạng là dù kịch có tìm tòi thể nghiệm bao nhiêu thì vẫn chẳng có mấy người xem. Chẳng phải chỉ vì người xem thờ ơ lạnh nhạt mà còn vì sân khấu còn thiếu người thực sự có tài.
– Sân khấu “phi bao cấp” cũng cần nhận thức được lợi thế không phải làm nhiệm vụ tuyên truyền của mình. Tuyên truyền đã có những vở do nhà nước cấp kinh phí, tuyên truyền chủ trương chính sách, tuyên truyền quan điểm chính thống. Vậy những đoàn kịch phi bao cấp tự bỏ vốn dựng kịch, những sản phẩm đạt tiêu chuẩn nghiệm thu về nội dung và nghệ thuật, chẳng ai buộc họ cũng phải chính trị chính em. Nói không chính trị chính em là sự đề cập thể chế thôi, chứ một cô gái phải đứng trước lựa chọn bên tình bên nghĩa thì đấy cũng là một thứ chính trị, chính trị của nhân tình thế thái. Làm tốt được cái chính trị nhân văn này, sân khấu phi bao cấp sẽ có thể đạt tới một tầm tư tưởng đáng khích lệ. Tuy nhiên cái vở kịch lấy xưa nói nay mới nhắc ở trên lại tự gánh lên vai nó nhiệm vụ tuyên truyền thô vụng. Họ đã giẫm lên chân sân khấu bao cấp, đồng thời đánh mất lợi thế của mình là sự độc lập tương đối. Nhân vật ông hoàng bà chúa và đám thứ dân đua nhau làm loa phát ngôn cho tác giả, phát ngôn của tác giả lại chỉ toàn tán tụng xu phụ vuốt ve, hoặc chiến đấu với những quan điểm không chịu đồng phục với mình.
– Nghe ra kỳ vọng của xã hội đối với sân khấu phi bao cấp khó được thỏa mãn. Một khi không tận dụng lợi thế để được độc lập tương đối, thì giấc mơ làm nghệ thuật đích thực cũng không đạt tới. Vẫn chỉ là thứ nghệ thuật tràn ngập không khí của kẻ làm thuê. Không làm thuê cho thể chế thì làm thuê cho ông lý tài. “Sưu thuế” với nghệ sĩ càng nặng nề khi mà ông quan chức viết kịch lại nhận tiền của ông doanh nhân. Khi ấy nghệ sĩ làm nghệ thuật mà gánh trên vai cả quan điểm lẫn áp lực của hai ông, họ phải đóng thuế tư tưởng cho cả hai ông. Than ôi, thời oanh liệt… Đấy là ta đang nói thứ sân khấu đã được cởi trói mà lại tự mình đem thân về nộp mình cho thứ nghệ thuật nhàm tẻ vụ lợi.
Tranh của họa sĩ Đỗ Phấn
Tìm bầu sữa mới cho nghệ thuật
Nói chuyện sân khấu xã hội hóa, thì không chỉ là chuyện sân khấu. Những tác phẩm điện ảnh tư nhân cũng vậy. Những tác phẩm biểu diễn ca múa nhạc cũng thế. Các triển lãm mỹ thuật hoặc các sự kiện văn hóa nghệ thuật tưởng như phi bao cấp cũng rứa. Đưa mình ra khỏi cái vòng bao cấp, họ hân hoan tuyên bố đã ra khỏi vòng tay tuyên truyền, nhưng lại rơi vào tay tài phiệt, rồi quanh đi quẩn lại cuối cùng rơi trở lại vòng tay tuyên truyền. Tất cả chỉ vì họ có thể huy động được kinh phí từ những nguồn ấy. Với họ, vấn đề không phải là làm nghệ thuật như thế nào, làm nghệ thuật gì, mà là ai cấp tiền cho nghệ thuật đó. Người ta được tiếng là giỏi giang không phải nhờ nghệ thuật mà nhờ sự láu lỉnh biết bày ra dự án và huy động vốn, tức là biết kiếm được tiền đầu tư. Sống lâu trong bao cấp, khi được ra tự do thì vẫn “rằng quen mất nết đi rồi”, làm gì cũng phải có người cho tiền, và làm gì cũng phải hùng hục đi kiếm bằng được nguồn tiền của người khác. Mục đích của những dự án kia không phải là nghệ thuật đích thực, mà nhiều khi lý do rất đơn giản. Đơn giản như thế nào thì ta vừa có được câu trả lời như ở trên.
Câu trả lời ấy còn thấy không chỉ ở sân khấu mà trong cả các ngành văn chương nghệ thuật. Văn nghệ sĩ có thể sâu sắc đâu đâu trong tác phẩm nhưng đứng trước giới doanh nhân chính khách thì rất nhiều khi chỉ là cừu non ngây thơ. Từ chối bầu sữa bao cấp mà thực ra là tiền thuế của dân là đúng. Nhưng trong khi đi tìm nguồn dinh dưỡng thay thế, họ lại vội vàng vồ lấy bầu sữa doanh nhân, chấp nhận nhiều khi vô điều kiện. Rồi lại đồn đại với nhau rằng tự kiếm nguồn tài trợ nuôi văn chương nghệ thuật là chuyện đơn giản.
Không đơn giản. Khi còn làm quản lý ở hội Nhà văn Hà Nội và hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã tâm niệm hội hè nên tiến tới không nhận ngân sách do nhà nước cấp. Hội hè chỉ nên hoạt động có mức độ bằng tiền hội phí tự nguyện do chính hội viên đóng góp, văn phòng chỉ nên đặt trụ sở ở tư dinh của một hội viên nào đó. Đấy là kinh nghiệm tổ chức hội hè ở những nước không có cơ chế bao cấp. Chính vì vậy, dù đang cầm trịch một hội “quốc doanh” bao cấp, tôi vẫn thường từ chối lời mời của những doanh nhân nào đó. Họ đề nghị tài trợ cho vài ba chục nhà văn “đi thực tế” ở tỉnh này tỉnh khác. Đi thực tế dăm bảy ngày thực ra là đi tham quan, đi chơi. Được thế thì quý quá. Nhưng người Việt từ xa xưa đã có câu chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ. Ông mất của kia bà chìa của nọ. Ông mất chân giò bà thò chai rượu. Đến thăm và nghỉ tại khu nghỉ dưỡng của người ta. Đến thăm khu chữa bệnh thần y của người ta. Đến thăm doanh nghiệp của người ta. Làm gì có chuyện mấy chục con người đến ăn ở cả tuần lễ ở nơi cơm bưng nước rót ngắm cảnh tưng bừng rồi cứ thế bắt tay cười nói ra về. Đến khi trả nợ miệng thì nhà văn chỉ có mỗi trang giấy mà thôi. Viết. Mà việc làm ăn của người ta hôm nay thấy là hưng thịnh minh bạch, nhà văn “trái tim lầm chỗ để trên đầu” làm sao biết được những điều khuất lấp. Chứng thực, dăm bảy năm sau tất cả những đế chế kinh doanh một thời sụp đổ, những thần y bị phanh phui lừa đảo, những khu du lịch tâm linh bị ô danh, những resort hoang tàn, những doanh nhân trốn biệt chủ nợ…
Nghe thế thì bảo đấy là chủ nghĩa bi quan xám màu thiếu lòng tin. Chẳng nhẽ không có những tấm gương làm ăn tử tế. Tôi dám chắc những người làm ăn chân chính vẫn đang nỗ lực phấn đấu đêm ngày. Những mẫu người ấy tỉnh táo vững vàng, họ không chạy theo ảo tưởng, không bỏ tiền vào những chốn hư danh xa xỉ. Còn những người bỏ tiền “đầu tư” cho các hoạt động hội hè vô bổ đều không nhiều thì ít, họ có mục tiêu riêng. Cánh trung gian kết nối thì thuyết phục chúng tôi: Đại gia không đòi hỏi gì cả, chỉ là muốn kết thân vô tư với văn nghệ sĩ.
Thì đây, cái gọi là vô tư: sau khi tổ chức mấy chuyến cho anh em văn nghệ sĩ đi thăm danh lam thắng cảnh của đất nước, một ngày không đẹp trời cho lắm, ông doanh nhân sẽ chìa ra mấy tập thơ ông đã tự bỏ tiền in, kèm cái đơn xin vào hội nhà văn. Lúc ấy ban chấp hành hội biết nói gì? Trót cặp kè nhau đi chơi bao nhiêu chuyến rồi, có từ chối được không?
Chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ.
Ở mức độ thấp hơn. Sau khi đã bồng bế thân cận cánh văn nhân, một ngày nọ, ông doanh nhân chìa ra mấy bài thơ, mong muốn được tờ báo chuyên văn chương đăng lên. Thơ ấy chỉ là thơ phường xã quận huyện, đăng lên tờ báo chuyên sâu thì rất chối. Nhưng như người đọc thường thấy, bây giờ trên những tờ báo uy tín một thời vẫn đăng những kiểu thơ ấy. Người đọc tự mà hiểu những điều ở đằng sau trang báo.
Cũng tự hiểu, cả những quyển sách kiểu ấy được in ra ở các nhà xuất bản.
Đấy là vì người gửi in và người cho in đều ở trong một mối quan hệ không sòng phẳng. Họ tài trợ cho nhau, kết thân với nhau, khá sâu sắc rồi thì có nhiều cách để giúp nhau, những cách giúp vừa phải, đàng hoàng. Giúp không hẳn phải là bằng cách cho in văn thơ dở, không hẳn là cho dựng những vở kịch dở bộ phim dở, không hẳn phải là viết những bài tâng bốc tác phẩm của người tài trợ hoặc viết bài quảng cáo trá hình về doanh nghiệp.
Nhưng thực tế là người Việt hầu như ai cũng có tâm hồn thơ phú. Đã thành đạt về kinh doanh về triều chính về quân ngũ về thiện nguyện thì lại muốn lập danh chút ít bằng thơ phú nghệ thuật. Muốn được thấy tên mình trên những cuốn sách trang báo, trên những vở kịch bộ phim, trên những chương trình ca nhạc. Để tự huênh hoang ảo tưởng rằng với kinh doanh và nghệ thuật, mình bắn súng hai tay như một. Cánh văn chương nghệ thuật thì đang bỏ bầu sữa bao cấp để nhăm nhăm đi tìm nguồn dinh dưỡng mới. Như đã nói ở trên, họ muốn từ bỏ sự tuyên truyền thô sơ thì lại rơi vào vòng tay tài phiệt, lại khởi đầu cho một sự tuyên truyền khác mà thôi.
27/6/2021
Hồ Anh Thái
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa đào năm ngoái … Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Đường (618-907), nhân dự hội Đạp Thanh đến Đào Hoa Trang, gõ cửa một nhà xin được giải ...