Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Truyện ngắn của Lê Hà Ngân: Vị quê

Truyện ngắn của
Lê Hà Ngân: Vị quê

1- Tuyết bay lả tả. Con đường ngập tràn tuyết trắng. Đèn đại lộ vẫn sáng rực, thấp thoáng bóng người áo choàng kín mít đang co bước chân trong giá lạnh. Thi thoảng vài bóng người ngoái đầu nhìn theo một người đàn ông châu Á đang cầm một cành cây gầy guộc trên tay.Chiếc mũ lông màu đen nhấp nhô bước chân về phía chung cư cuối con đường ngoại ô Paris. Bước chân mỗi lúc một nhanh hơn, đôi vai gầy nhấp nhô phủ đầy tuyết trắng.
Người đàn ông rùng mình bước lên cầu thang vàng vàng ánh đèn. Đến cửa phòng xoay ổ khóa bước vào trong. Chiếc áo choàng lông thú bám đầy tuyết được rũ mạnh treo vào giá áo. Đặt cành đào nhỏ bé đang héo lại vì gió tuyết lên bàn. Ông lặng lẽ đến bên lò sưởi hơ bàn tay giá lạnh lên lửa hồng. Nâng niu cành đào cắm vào chiếc bình gốm Chu Đậu, ông pha một chút nước ấm tưới nhẹ vào bình hoa. Hi vọng những nụ đào bé nhỏ quê nhà vượt ngàn trùng xa cách sẽ hé mở một vài nụ hàm tiếu vào sớm mai đầu năm. Tay vuốt nhẹ vào vài nụ hồng phai chúm chím ông mơ hồ như chạm vào những gì xa vắng mênh mang.Thương cành đào như thương ngàn đêm nhung nhớ nên ông cố vượt gió tuyết rẽ vào khu chợ người Việt cố kiếm tìm mua một cành đào phai hợp với túi tiền của mình. Vào chợ để gặp quê nhà tìm sắc bánh chưng xanh. Vào chợ để tìm Tết Việt trong nụ cười người xa xứ. Lặng lẽ thả một nhúm trầm vào chiếc lư hương đồng mà ông đã mua từ bao mùa xuân trước. Thắp ngọn nến hồng trên bàn thờ ông bật chai vang đỏ mời hoa. Giàn đĩa hát đang da diết bài hát Gửi người em gái của Đoàn Chuẩn: “Lượm đào phong kín cánh mong manh tím hoa lòng. Hà nội chờ đón Tết vắng bóng người đi liễu rủ mà chi. Đêm tân xuân hồ Gươm sao long lanh. Hoa mai rơi rủ nhau nơi phương xa. Đường phố vắng bóng đèn. Chạnh lòng tôi  nhớ tới người em”.
Nhà văn Lê Hà Ngân ở Nam Định
Đêm Giao thừa giữa trời Âu, nhấp ngụm vang đỏ để cầu may đầu năm. Ông lặng lẽ nhìn khung cửa mờ tuyết trắng. Xuân cô liêu nơi xứ người ùa dậy trong lòng ông bao nỗi niềm. Dời khỏi chiếc ghế bành, ông tiến lại bàn viết lấy giấy đỏ mài mực vẽ một cành mai. Nét vẽ mềm phóng khoáng. Cành mai thấp thoáng khoe sắc chứ không lạnh buồn như bao Giao thừa đã qua. Ông thấy lạ cho thần hoa sắc tuyết đêm nay. Nhấp hết chén rượu, ông lại vùi mình vào chiếc ghế bành xa vắng nỗi niềm. Nỗi nhớ quê nhà lại ùa dậy bất tận.
2-
Tiếng chuông cửa chợt reo lên trong trong ngày đầu năm xóa đi những trầm mặc ưu tư. Ông ngạc nhiên nhiên vì ai xông đất nhà mình sớm thế. Nhìn qua cửa kính ông bắt gặp khuôn mặt thân quen của cậu sinh viên du học. Đứa học trò người Việt mà ông thấy thật gần gũi thân yêu. Vội vàng mở cửa, hơi lạnh ùa vào nhưng nụ cười tươi rói sắc xuân hiện ra.
– Kính chúc giáo sư một năm mới tốt lành vạn sự an khang. Xin nhận ở trò chút quà mừng ngọt ngào đầu năm ạ!
Ông ngỡ ngàng mở rộng cửa lòng chợt ấm lại khi cầm gói quà quê hương và lời chúc may mắn của học trò. Đặt bàn tay ấm áp lên vai học trò ông mỉm cười tật tươi:
– Nào cậu cả. Cảm ơn con đã đến xông đất nhà thầy ngày đầu năm này. Thầy rất vui để thầy mừng tuổi cho con lấy may nhé!
Bao lì xì đỏ chói có hình bông mai vàng thật tao nhã được đặt vào tay học trò. Giáo sư Phan nhẹ nhàng lấy chiếc ấm tử sa đặt vào bộ đồ trà tinh xảo. Chiếc ấm đồng hình con gà tỏa khói trắng mù mịt. Sáng ngoại ô Paris như bớt giá lạnh hơn. Ông xúc ấm cho nóng rồi thả nhẹ những cánh chè móc câu bạch tuyết Tân Cương vào ấm. Chiếc ấm Tây Thi xinh xắn như quả tuyết lê ấm trong lòng tay giáo sư Phan. Ông khề khà câu cổ thi: “Bình minh nhất trản trà, lương y bất đáo gia” và giục học trò nâng chén đầu năm. Như chợt nhớ ra ông nhẹ nhàng:
– Nào học trò con hãy bỏ quà quê của con ra đi.Thầy trò mình cùng ăn Tết nhé.
Nhanh nhẹn chàng sinh viên Việt gỡ chiếc hộp bánh màu đỏ thắt nơ vàng đặt ra đĩa sứ xanh men ngọc. Những chiếc bánh màu ngà tẩm vừng phổng phao trên đĩa sứ. Cầm viên bánh ông rưng rưng, khẽ khàng đặt miếng bánh rang lên đầu lưỡi, vị giòn tan của thứ bánh nếp khoai sọ đượm mật mía ngậy ngọt thanh thanh vị gừng làm ông nao lòng. Ông vội cầm lấy gói bánh và nhìn nhanh tên thương hiệu của hộp bánh: Bánh Rang Tố Mai, Cát Thành. Bàn tay của giáo sư run rẩy, thảng thốt:
– Bánh Rang, Tố Mai, Cát Thành… Trời ơi ! Sao lại có sự trùng hợp thế này? Bánh này trò mua ở chợ Việt hay bên nhà gửi cho nhỉ?
Nhìn vẻ xúc động của giáo sư Phan người thầy mà mình yêu kính, chàng sinh viên bối rối nói:
– Thưa thầy bánh Rang này là do hiệu bánh của cô con sản xuất. Cô đã nhờ người quen chuyển sang cho dùng khi Tết về để con đỡ nhớ quê thầy ạ.
Giáo sư Phan lập cập hỏi học trò:
– Cô con tên gì nhỉ? Và hiện nay cô đang ở đâu?Có còn ở quê con hay không?
Học trò cũng vội đáp lời thầy:
– Dạ cô ấy là Tố Mai, chủ hiệu bánh Rang vẫn ở Cát Thành thầy ạ! Cô chính là người nuôi con ăn học và có được như ngày hôm nay.
Giáo sư lặng đi vì xúc động, ấm tử sa dường như nguội nước, vì chủ nhân của nó đang lặng đi trong hồi ức. Rồi như nhớ ra điều gì, ông vội vàng hỏi nhỏ:
– Con có bức ảnh nào của cô ấy hay không?
Chàng sinh viên ngạc nhiên trước câu hỏi của giáo sư  rồi vội vàng lấy điện thoại mở những tấm hình của bà chủ hiệu bánh Rang Tố Mai.
Giáo sư lặng đi vì xúc động khi nhìn thấy tấm hình của người xưa trong điện thoại của học trò. Bâng khuâng nhìn cành đào phai trong bình gốm vừa thấp thoáng vài nụ hàm tiếu e ấp đã tươi rực lên trong khí lạnh trời Âu mắt ông  rớm  lệ trôi về miền quá khứ xa xăm. Quê nhà  tôi ơi ! Sông Múc hiền hòa ngan ngát bãi mía nương dâu có bóng người thôn nữ làm tim ông cồn đắng.  Ba mươi năm rồi không trở lại, người xưa và bánh Rang lại hiện về day dứt lòng ông.
3.
Bên kia sông xứ Quần Cát có nhà họ Đồng chuyên nghề làm bánh rang.Thứ bánh mà tổ tiên nhà họ Đồng đã đem từ miền Sơn Nam Thượng về miền khai hoang lấn biển. Từ cha truyền nối năm đời nhà họ Đồng đều làm thứ bánh này để độ thân. Gia cảnh cũng chẳng lấy làm giầu có nhưng cũng đủ sống độ thân qua ngày. Bánh Rang dân dã mộc mạc mà hương vị lại hết sức đặc biệt được làm thứ nếp Vò Di của người xứ biển. Hạt nếp căng tròn óng nuột trắng phau được ngâm trong nước mười tiếng. Đôi bàn tay đảm khéo của bà chủ bánh cứ liên tục thay nước cho gạo đỡ chua. Khoai sọ xứ Đoài được mua về gọt sạch vỏ thái chỉ rửa sạch trộn đều với nếp Vò Di. Cho vào chõ đồ chín. Xôi nếp vò quyến khoai sọ bở tơi được lấy ra rá để nguội chừng nửa tiếng. Bàn tay của thợ làm bánh lại nhanh tay cho vào chõ đồ lại lần hai. Lửa canh thật đều không để mẻ xôi bị khê. Xôi được dỡ ra nia nghiền nhuyễn. Hạt gạo sợi khoai quyện vào nhau nâng đỡ quyến luyến nhuyễn dẻo như một thứ bánh dầy hội Phủ. Lớp bột bánh đó được dần đều mỏng ra ván gỗ cắt miếng nhỏ đem phơi. Nắng đầu đông hanh hao chả mấy chốc mà miếng bánh se mặt co lại dai cứng. Người ta bảo rằng chỉ vài ba nắng là bột bánh đó đã cứng lại như mảnh sành chai. Chảo mỡ lợn sôi lăn tăn trên bếp lửa hồng và khi mỡ già thì miếng bánh phơi kia được trút vào chảo. Chao ôi! Bánh phồng to thật thích mắt được vớt ra cho vào chảo mật  mía đã được đã được canh thành nước dẻo. Bánh phồng ngấm nước mật ngả màu vàng tươi, năn qua vừng rang đã xát vỏ. Chiếc bánh rang hơi nguội được cho vào túi bóng hơ lại cho giữ độ giòn đã trở thành món quá không thể thiếu được mỗi khi Phan trốn nhà sang sông chơi cùng bạn học. Cô Mai con gái nhà hiệu bánh họ Đồng xinh giòn nhất bến sông. Bao nhiêu người đến mua bánh thì ít mà đến ngắm Mai thì nhiều. Phan đẹp trai học giỏi nhất xứ Quần Anh cũng là người trong số đó. Cô chủ bán bánh thường ửng hồng đôi má mỗi lần chàng ghé qua. Phan nghiện bánh rang, nghiện má núm đồng tiền, nghiện nụ cười và ánh mắt nhung đằm thắm dịu dàng của xứ Quần Cát.  Chiều thu khi lúa đã vàng chân đợi người tới gặt thì Mai đã bẽn lén ngồi sau chiếc xe đạp của chàng trở đi lễ hội chùa Cổ Lễ.Trước Phật đài hai đứa nguyện bên nhau. Xin Phật chứng dám để Phan học xong sẽ đón Mai về cầu Ngói Quần Anh làm dâu. Lời hứa hẹn đong đầy hạnh phúc khi Mai ngồi ríu rít sau xe Phan.
Rồi những chuyến sang sông cứ dầy hơn, bánh Rang được Phan cầm về nhiều hơn. Những chiếc bánh mà Mai còn khéo léo chưng đường trắng, và vị gừng thấm vào bánh vừa đẹp vừa ngon. Mai ý tứ bọc bên ngoài lớp lá sen già buộc thêm sợi rơm nếp. Bánh như có cả vị sen và hương thơm từ đôi bàn tay khéo léo của Mai tỏa ra làm Phan mê đắm. Mai ý tứ trao tận tay người yêu muốn chàng đem theo làm quà khi lên trường.
Phan đang sếp đồ cho ngày mai lên trường thì tiếng gọi của mẹ từ nhà nhà Ngang cất lên:
– Anh Phan đâu ra tôi bảo này? Làm gì mà lẩn mẩn  mãi trong ấy thế ?
Tiếng mẹ gắt gỏng đầy bực bội khiến Phan sợ hãi vội vàng bước ra ngoài thềm. Chiếc chiếu chải sẵn trên hiên, khay trầu nghiêm ngắn cùng giành tích nước nụ vối. Vẻ nghiêm trọng như nhà chuẩn bị có chuyện lớn cần bàn bạc sắp diễn ra. Phan lo lắng lên tiếng:
– Thưa mẹ muốn dạy con điều gì ạ? Con xin nghe đây.
Nhổ ngụm cốt trầu vào ống nhổ. Mẹ Phan đưa tay vấn lại chiếc khăn nhung đen đang có nguy cơ xổ khỏi làn tóc óng bạc. Bà cất tiếng lạnh tanh từ đôi môi ăn trầu cắn chỉ. Khuôn mặt nghiêm nghị làm Phan lo lăng:
– Anh Phan ! Anh có biết mẹ nuôi anh cực khổ thế nào không? Anh là người có ăn có học sao lại đèo bòng vào những đám hạ lưu. Lấy vợ phải xem tông lấy chồng cần xem giống. Nhà mình không danh gia vọng tộc nhưng anh cũng là người học giỏi nhất cái tổng này. Ấy vậy mà anh lại phải lòng đứa con gái hàng bánh là sao? Con gái danh giá trên đời này chết hết rồi hay sao?
Bà nấc lên đay nghiến Phan, bà hờ chồng làm Phan nẫu ruột:
– Ông ơi ! Ông về đây mà xem, gia phong nhà ta bao nhiêu năm nay tôi gìn giữ giờ sắp lụi bại rồi. Con ơi… là con… có ai khổ hơn tôi thế này không? Tao còn sống ngày nào thì mày đừng bao giờ lấy con hàng bánh về làm vợ nghe không…
Phan chết điếng người khi bà vào nhà cầm bịch bánh Rang trong lá sen đặt trên bàn thờ mà Phan dự định sẽ thắp hương tiên tổ trước lúc lên trườn ném tung tóe ra ao bèo. Những chiếc bánh xinh xắn giờ nổi bồng bềnh trên mặt nước thật tội nghiêp. Bầy cá tưởng mồi thi nhau rỉa. Buồn bã nhìn mẹ Phan câm nín nuốt nước mắt vào trong. Phan lên trường trong niềm đau khôn tả.
4-
Sáng mùa đông lạnh giá, có người đàn bà ăn mặc sang trọng tay và cổ đầy vòng vàng. Bà sang đò cùng một cô gái cũng phục sức đầy vàng bạc. Dừng lại hiệu bánh Rang hai người rẽ vào. Mai đang đồ xôi làm bánh trong bếp cũng giật mình bởi tiếng nói như quát:
– Chủ hiệu đâu cho tôi gặp cô Mai mau lên.
Tiếng nói quyền uy như ra lệnh. Khiến kẻ đang trông hàng cũng sợ hãi vội vàng vào gọi Mai. Ngơ ngác  Mai bước ra.
– Thưa bà cần mua bánh ạ? Bà mua bao nhiêu gói để cháu còn lấy thêm ạ.
Mai khép nép trước cái nhìn xăm soi như muốn nuốt sống kẻ trước mặt. Nàng rùng mình bối rối. Tiếng nói của bà khách lạnh lẽo cất lên:
– Tôi là mẹ thằng Phan, còn đây là vợ nó. Tôi sẽ làm đám cưới cho con trai tôi vào cuối tháng này. Cô đừng đeo bám nó nữa. Đỉa mà đòi đeo chân hạc. Nó còn du học trời tây nhé.
Người đàn bà nện mạnh gót guốc và cầm tay cô gái đi cùng ngọt ngào:
– Về thôi vợ Phan, mẹ còn phải qua đây mời họ hàng lo đám cưới cho hai con nữa chứ.
Cô gái cũng nguýt Mai một cái rõ dài. Trời như tối sầm trước mắt Mai. Cô gục xuống sạp bánh ngất lịm mặc người nhà lay gọi cấp cứu. Cô Mai xinh giòn đã chết từ phút ấy. Hai hôm sau trong sớm đông buốt giá, cô bán bánh Rang đã lên chuyến đò sớm rời Quần Cát đi mãi tới phương trời xa. Phan trở lại nhà nhà trong buổi chiều cuối năm ảm đạm. Hồn anh rã rời sương giá khi sang đò mà vắng bóng người yêu. Mai của anh đi đâu để bến đò buồn ngơ ngác, chợ Cát Thành ảm đạm thê lương trong lòng kẻ sang sông. Mẹ Phan tươi cười báo với con:
– Đấy con thấy không, cái con bán bánh mà con yêu thương đã bỏ nhà  theo trai rồi đấy. Mẹ nói có sai đâu con thương tưởng nó làm gì. Thật dại dột khi yêu thương người như vậy. À mà Phan này, bác con đã nhắm cho con một đám ở Hà Thành rồi đấy. Nếu con đồng ý thì sẽ  tổ chức lễ cưới rồi hai đứa cùng sang Pháp sinh sống nhé!
Bà mỉm cười mãn nguyện lòng hể hả khi nghĩ tới đứa con trai yêu sẽ trở thành Việt kiều giầu sang đầy hứa hẹn.
Phan đau đớn khi nghe mẹ báo tin, anh cũng chẳng bằng lòng cái đám Hà thành mà bác anh giới thiệu mà anh lao đầu vào học để tìm quên. Phan đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở xứ người và gật đầu chấp nhận cuộc hôn nhân với cô gái người Việt ở nước ngoài. Những đêm đông lạnh giá nơi xứ người bên cạnh vợ nhưng sao lòng Phan vẫn vời vợi cô đơn. Anh vẫn nhớ bến đò sông Múc nhớ hoa cải vàng rực ven sông. Nhớ cả những vành hoa cải anh kết vương miện đặt lên tóc cho người yêu xưa. Vị bánh Rang đầy ẩn ức vẫn hiện về nhoi nhói trong anh mỗi khi anh pha một ấm trà trong sương lạnh. Mùa cổ điển vị gừng cay, vị mật mía ngọt… và ánh mắt nhung đằm thắm như hờn dỗi oán trách anh khi đêm về. Có chút gì như mơ hồ đau đớn thầm bảo với anh là Mai của anh không phải là người như mẹ nói. Lòng Phan lại thêm một vết cắt nữa khi người vợ của anh sau mấy năm chung sống đã đòi ly hôn. Phan đã buồn lại càng cô đơn nơi xứ người.
Con đò bồng sương khói, cỏ bờ đê lạnh gót chân, hoa  cải vàng rầu rầu gió bấc nhắc nhớ những kỉ niệm đớn đau trong lòng cô hàng bánh Rang. Buổi sáng định mệnh  ấy đã đưa Mai vào tận xứ xa nơi chị dâu cô vừa nằm xuống. Thương đứa cháu mồ côi Mai ở lại chăm sóc cháu. Hiệu bánh Rang xứ người lại mọc lên giúp hai cô cháu độ thân. Cô hàng bánh xinh giòn như có con thơ từ đó. Đứa bé con anh trai quấn quýt cô chẳng phút nào chịu xa. Cô chẳng đành lòng lấy chồng dù bao đám dạm hỏi. Khi đứa bé lớn khôn học hành tấn tới thì cô đem cháu trở lại quê nhà mở hiệu bánh Rang Tố Mai – Cát Thành nối nghiệp cha ông từ đó.
5.
Giáo sư Phan chìm trong hồi tưởng mái đầu pha sương khói ông gục xuống đôi bàn tay muộn phiền. Bao ẩn ức thương nhớ ùa dậy trong lòng ông. Ngước nhìn học trò ông nói như nài nỉ:
– Con hãy giúp thầy đặt chuyến bay để bay về Việt Nam ngay hôm nay. Dù có đắt tiền hơn bao nhiêu con cũng cố giúp thầy nhé! Thầy và cô Mai con lạc nhau lâu quá rồi. Thầy không muốn mất cô con lần nữa. Thầy nhớ vị bánh Rang quê nhà biết bao nhiêu.
Chàng  sinh viên như tỉnh cơn mơ bàng hoàng nhìn người đàn ông trước mặt. Người mà bao lần cô Mai  nhắc đến với những ngậm ngùi xót xa. Nghe trong gió có tiếng mùa xuân quê nhà vẫy gọi. Thương cảm nhìn giáo sư Phan chàng đứng lên mạnh mẽ:
– Thầy về Việt Nam đi cô con vẫn đang đợi thầy đó. Con sẽ điện ra sân bay mua vé cho thầy…
Giáo sư Phan cảm động nhìn học trò. Trước mắt ông như có hàng ngàn cánh đào phai đang bung nở.
6.
Mùng ba Tết bà chủ hiệu bánh Tố Mai duyên dáng trong chiếc áo dài màu đỏ ra mở cửa bán hàng lấy may bỗng gặp người đàn ông sang trọng trong bộ vest xám đang đứng lặng nhìn mình. Nét thân quen ùa dậy bâng khuâng trong lòng người bán bánh…
Mắt chạm mắt, trong gió xuân lành lạnh. Bao lời muốn nói mà không biết bắt đầu từ đâu. Bỗng một cơn gió vồ vập ùa tới, rồi đám trẻ con trong xóm mặc áo quần rực rỡ cầm những bông pháo điện tử chạy qua nhà, nổ tí tách vang giòn. Lũ trẻ con đột nhiên làm cô chủ hàng bẽn lẽn, má ửng hồng, như thể cánh cửa thời gian vừa mở, vụt trả lại cô thanh xuân giấu kín bao năm.
Có những nỗi niềm riêng, khi gửi cho trời, như mai trong gió xuân, như đào trong tuyết lạnh, vẫn râm ran ấm dậy cả vùng trời.
Giáo sư đã không còn vẻ trịnh trọng, trầm tư hàng ngày mà như trở về chàng trai Phan ngày xa xưa, chẳng ngần ngại, hơi tiến lên vài bước chân, vội vã nắm chặt lấy tay của cô Mai như sợ người sẽ thành mây mà tan đi mất.
– Cảm ơn em đã chờ đợi trong vô vọng bao năm. Nhưng anh đã trở về đây rồi.
Hai hàng nước mắt của hạnh phúc, long lanh trong gió xuân như những viên ngọc lòng ấm dịu.
30/10/2022
Lê Hà Ngân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...