Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Truyện ngắn của Lê Ngọc Hạnh: Mai và Mèo

Truyện ngắn của Lê
Ngọc Hạnh: Mai và Mèo

Mà con Mèo săn đâu được cây mai nhìn sao thấy y chang cây mai của ông nội tôi, cũng không biết. Nó chụp hình bắn qua tôi thấy y hệt. “Ổng không chịu cho tao thuê cây đó, ổng nghe tao than khóc, kệ sự tình ổng thấy tội nghiệp quá nên mới chịu đó nghen, mày. Mà ổng không chịu cho thuê tới Rằm tháng Giêng, ổng nói qua mùng 5 là phải kéo tới trả liền.
Tôi, con Mèo và… nó, cùng tuổi, trùng cả tên: Mai.
Nó là… cây bông mai. Ông nội tôi trồng cây bông trước sân nhà lúc má cấn bầu tôi để đánh dấu tuổi. Mấy tháng sau, người hàng xóm mới là bà ngoại con Mèo dẫn má nó tới ở kế bên. Lúc đó con Mèo cũng đang nằm trong… bụng má nó.
Nhà văn Lê Ngọc Hạnh ở Bình Dương 
Nhà con Mèo 3 người toàn đàn bà con gái: bà ngoại nó, má nó với nó. Nhà tôi 4 người, ông nội, ba má và tôi. Từ nhỏ tôi không biết ba con Mèo là ai. Hồi lâu hỏi nghe nó trả lời: “Bà ngoại nói tao không có ba”. Lần khác hỏi bị nó nạt: Mắc mớ gì mày hỏi ba tao chi hỏi hoài?”. Từ đó tôi không hỏi chuyện ba con Mèo nữa.
Nhà tôi với nhà con Mèo cách một khoảng đất hẹp, vừa y phát chọi tay của con Mèo. Mỗi lần bị tôi chọc ghẹo là con Mèo ra hông nhà cào cào mấy miểng chén bể chọi qua vách tôn nhà tôi. “Mày lại chọc ghẹo con Mèo nữa hả thằng quỉ?”. Ông nội tôi luôn thiếu công bằng, chẳng bao giờ phân định đúng sai, chỉ cần nghe tiếng phang miểng chén của con Mèo là kiểu gì tôi cũng bị ăn… phát chửi! Nhiều lúc tôi tức muốn bể bụng. Chẳng biết tôi hay con Mèo nhà hàng xóm là cháu ruột của ông nội tôi? Mỗi lần thấy tôi bị chửi là con Mèo hách cái bản mặt mèo của của nó lên trời lè lưỡi, thách thức: “Mày ngon!”, thiếu điều tôi muốn phóng một cú bay qua rào đấm bể bản mặt mèo nó ra.
Như một bữa con Mèo kiếm chuyện ghẹo tôi trước: “Ê, đàn ông con trai mà tên Mai?”. “Kệ tao! Còn đỡ hơn mày. Đồ mèo…”. “Tao dễ thương nên ngoại tao đặt tao tên Mèo!”. “Ờ…! Mặt mèo mày nhìn dễ thương phát ói…!”. Thế là… rầm… rầm… !
Nhưng đó là chuyện hồi xửa xưa, lúc tôi với con Mèo chưa tròn giáp, lúc cây mai trước sân còn khẳng khiu những nhành lá. Tấm vách tôn bên hông nhà tôi ịn đầy những vết chọi chém của con Mèo đã được thay bằng tường gạch từ lâu, từ khi con Mèo trở thành thiếu nữ, giã từ “vũ khí” ve chai miểng chén. Quý Mão năm này hai đứa tôi chẳn chòi hai niên giáp vẫn hồn nhiên tao tao mày mày như cái hồi xửa xưa.
Ba tôi kể Tết Kỷ Mão, năm tôi với con Mèo chui ra, ông nội tôi bấm tử vi, phán: “Hai đứa này cùng năm mèo. Nhưng con mèo gái bên kia lớn lên thông minh, học giỏi, mai mốt ra xã hội tài cao, chức trọng ngon lành. Còn thằng mèo nhà này… thuộc dạng lấy chăm chỉ bù thông minh, may ra mới công thành danh toại…”. Chẳng biết ông nội tôi bàn tử vi chính xác cỡ bao nhiêu mà đến xong mười hai, con Mèo một nước thẳng vô Khu công nghiệp làm công nhân Công ty giày. Còn thằng mèo tôi “trình độ” kéo dài thêm một tẹo, 3 năm Cao đẳng nghề điện, rồi cũng Khu công nghiệp mà tấp bến.
***
Sáng vừa đẩy xe ra thềm ông nội tôi nhắc: “Năm nay đem nó về trước Rằm  cho nội nghen, Mai. Hai năm rồi không nhìn thấy nó, nội nhớ nó quá!”. Chiều đi làm về, nhớ lời ông nội, tôi tạt ngang vựa kiểng mé Cầu Dọc, chưng hửng khi trước mặt là khoảnh vườn xác sơ cỏ lá. Mọi năm giờ này tới đã thấy vườn mai rậm rịt xanh um, giờ không còn một chậu mai nào. Căn nhà vách tole trống huơ trống hoác. Bộ bàn ghế gỗ xiêu vẹo ngã chỏng chơ dưới gốc xoài. Đám lá mục chắc từ hè tới thu đắp dày trên đất. Cỏ mọc tứ tung. Cây liễu rũ phía cuối vườn đang thong thả buông nhành, nhìn thấy tôi bèn đùn đưa mấy chùm hoa đỏ lưa thưa buồn hiu hắt.
Bộ bàn ghế chỗ gốc xoài lúc nào ông chú Tư cũng để sẳn bình trà nóng, mấy cái tách sứ. Một cái đài Radio nhỏ kéo sẳn cần ăng ten. Khách đến cứ tự nhiên ngồi mở đài, uống trà, ngắm hoa, thưởng kiểng. Ông chú Tư chăm hoa, tỉa kiểng một chút thì vô hớp ngụm trà, có khách thì chuyện trò với khách, không thì nghe cái đài rỉ rả ca nhạc đã rồi tin tức thời sự. Vợ chồng chú Tư Kiểng từ miền Tây lên thuê khoảnh đất ven con rạch Cầu Dọc buôn bán hoa kiểng đã hơn chục năm chứ ít đâu. Thường khi chuyển địa điểm mới người ta hay gắn cái bảng hoặc dán tờ giấy ghi địa chỉ mới cho khách biết. Còn đằng này chẳng thấy để lại chút gì.
“Cậu tới lấy mai hả?”, tôi mở điện thoại định gọi ông chú Tư thì nghe tiếng hỏi. Ngước lên nhìn thấy người phụ nữ đang đứng bên kia hàng rào: “Dạ…! Cô cho con hỏi chú Tư dọn đi đâu vậy cô?”. “Tui có biết đâu! Mấy bữa nay ngày nào cũng có người tới thăm mai, mua kiểng. Tui ở sát bên vậy mà ổng dọn vườn đi hồi nào còn hỏng hay. Hồi láng giữa năm, thấy người ta tới đòi nợ, chửi rủa ổng quá chừng”. “Thấy chú Tư làm ăn cũng được mà sao nợ nần dữ vậy cô?”. “Cậu hỏi tui, tui biết hỏi ai? Nghe nói ổng mắc nợ kêu người sang hết vườn kiểng, trả mặt bằng về quê mấy tháng nay rồi!”. “Trời! thiệt hả cô? Chết con rồi…”. “Mà cậu gửi cây mai cho ổng có biên giấy giao nhận gì không, ra trình báo công an phường đi?”. Tôi ngớ người. Có tờ giấy nào đâu. Gửi bằng niềm tin mà! 5 cái Tết rồi cứ đến Rằm tháng chạp thì kêu xe tới chở về. Ra Giêng thì chở lại. Có bao giờ nghĩ đến cái nước ông chú Tư bứng nguyên cái vườn đi kiểu này đâu. Tôi tá hỏa bấm điện thoại: số máy quí khách vừa gọi… không có thiệt!
Mọi năm hai lăm Chạp tôi mới đem nó về. Năm nay tính dọn dẹp nhà cửa, kéo cây mai về sớm mươi bữa, chờ đến Rằm cho ông nội lặt lá, ngắm nụ chơi. Quý Mão năm này nữa ông nội 82 rồi. Bà ngoại con Mèo 81. Ông nội tôi cưng cây mai muốn chết! Bà ngoại con Mèo cũng thương cây mai muốn chết! Hôm kia gặp tôi con Mèo còn nhắc: “Bà ngoại tao mới hỏi, Tết này có đem cây mai về không kìa?”. “Ông nội tao cũng hỏi y chang bà ngoại mày”. Qua trận đại dịch Covid nhà nào còn người già là phước đức lắm! Hai năm tết “mắc dịch”, không  đem cây mai về nhà được. Năm nay hết “mắc dịch”, mà ông chú Tư bị “mắc gió” hay mắc nợ sao đó không biết! Không có cây mai tôi biết ăn nói làm sao với ông nội tôi đây? Mà tết thì đã về đến sát thềm nhà rồi.
Tôi rối bời. Sực nhớ con Mèo. Con Mèo thông minh. Báo cho nó biết để nó nghĩ cách tìm phương kế, chứ mà về nói thiệt là cây mai bị chủ vườn chiếm đoạt đem bán là coi như khỏi Tết với nhứt với ông nội tôi luôn.
***
Con đường mở rộng thêm 4 làn xe, “nó” nằm trong diện tích giải tỏa. Ông nội tôi buồn suốt mấy tuần lễ. Đêm nằm xuống là gác tay lên trán hình dung cảnh mỗi sáng ra không còn nhìn thấy nó trước nhà. Mấy tay săn mai ngày nào cũng lượn qua lượn lại. “Mười lăm chai, bán không ông già?”. Bữa sau lại: “Thêm cho ông già hai chai nữa là mười bảy đó, ô kê không ông già?”. Rồi bữa sau nữa: “Chẳn cho ông già hai chục chai luôn đó, bán đại đi ông già. Giá chót đó… chứ mà bứng vô chậu, không khéo nó ngủm cù đeo là khỏi có đồng xu cắc bạc nào luôn nghen, ông già!”.
Người già ưa sống bằng hoài niệm mà đám săn mai ngày nào cũng tiền-tiền-tiền làm ông nội tôi nổi cơn xung thiên: “Tao nói không bán là không bán. Tụi bây đừng có ngày nào cũng đảo qua đảo lại miết, tao chóng mặt, nghe chưa?”. Mấy tay săn mai thấy ông nội bữa đó nổi nóng lật đật rồ ga dọt mất. Ông nội tôi đâu có cần tiền đến mức phải bán đi cây mai mà giá trị không thể đong đếm bằng tiền? Nó – không đơn giản là cây bông Tết, mà đã là một thành viên không thể thiếu trong trong nhà tôi mỗi Tết. Nằm mơ ông nội tôi cũng không đời nào “gả” nó đổi lấy tiền!
Con Mèo đưa ra ý kiến đầu tiên: “Theo ý con là ông Sáu bứng cây mai vô chậu, tìm nhà vườn gửi chăm sóc, đến Tết đem về chơi…”. Ba tôi thì tính: “Hay là đem nó về nhà bác Ba. Cây cối trồng mọc ngoài đất phát triển tốt hơn là tù túng trong chậu, nhà bác Ba thì đất đai rộng minh mông”. Ba tôi tính nghe cũng có lý. Nhưng nhà bác Ba tuốt tận Dầu Tiếng, đem về đó coi như cây mai cắm rễ định cư suốt đời trên đó luôn. Rồi Tết tính sao? Tết, nhà cửa không có sắc màu, mùi hương hoa tết, ông nội tôi buồn chết. Mười mấy tết cây mai trổ vàng đủ mười mấy mùa xuân, quen mắt rồi. Cũng biết đám rể đang bung bò tự do hút dưỡng khí đất trời, đột nhiên bị bứng lên, túm cụm, tùm hum một nhúm đất trong chậu cũng hệt như ra sông bắt con cá về nhốt lu, bỏ chậu. Chỉ là cực chẳng đã vì đâu còn cách nào. Cuối cùng ông nội tôi chọn phương án của con Mèo. Tôi có nhiệm vụ đi tìm trại “an dưỡng”. Ngẫm, con Mèo thông minh đúng y lời ông nội phán!
Bữa động thổ bứng cây mai vô chậu, ông nội tôi đốt nhang ra giữa sân khấn vái xin trời tạ đất. Rồi ông nội tôi cầm cái cây vẽ cái vòng tròn thiệt bự quanh gốc mai. Tôi, ba tôi, với con Mèo hì hục đào xới, moi đất thiệt sâu sợ đứt cái rễ chuột. Rồi xắn cái bầu đất, bứng cây mai vô chậu, chèn thêm phân trộn đã hoai mục. “Vô nhà mới” cây mai vẻ không ưa, âu sầu, héo rũ cả tuần, tưởng đã “ngủm”. Sau thấy nhú chồi non, ông nội tôi mừng hớn hở.
Hai phần ba diện tích sân sau đó thành đường và vỉa hè. Một phần ba còn lại đủ kê bộ bàn đá và vừa y chỗ đặt chậu mai. Thiếu vitamin nắng, Tết năm đó cội mai chỉ bung lưa thưa vài nụ. Chưa hết Giêng, tôi lật đật đi kiếm nhà vườn gửi dưỡng. Vựa kiểng nằm dọc con rạch bên Cầu Dọc. Ông chủ vựa kiểng người miền Tây, dáng vẻ thiệt thà, vừa nhìn thấy cội mai tấm tắt: “Cội mai dáng đẹp quá! Đừng bán. Uổn! Để đây tui chăm cho, đến Tết tới chở về cho ông già chơi. Phụ tui chút đỉnh tiền nước tưới, chứ có tốn kém gì đâu mà tính công tính cán”.
Ông chú Tư vừa mát bụng lại vừa mát tay. Khoảnh vườn quanh năm đầy nắng, cây mai có chỗ tắm mưa tắm nắng nên tươi tốt hẳn. 5 Tết liên tục, năm nào về nhà cây mai cũng hớn hở trổ vàng. Khách nhìn cội mai tấm tắt, còn ông nội tôi thì cười khoái chí. Ra Giêng, kêu ba gác tới chở cây mai lại vườn kiểng, lần nào ông nội tôi cũng gửi cái phong bao đỏ, nhắn: “Tui lì xì cho chú Tư miền Tây”. Vậy mà giờ nỡ lòng nào. Thiệt là cái tình! Chú Tư ơi là chú Tư hỡi…!
       ***
Tôi vừa định kiếm con Mèo thì nó xuất hiện. Vừa thấy tôi con Mèo nhe răng cười  “Tao mới ký được hợp đồng, vài bữa nữa đi làm”. Con Mèo ưa cười. Trong bụng buồn vui gì nhìn mặt nó đố ai biết, vì miệng nó lúc nào cũng mím méo như mặt mèo. Mọi năm gần tết đơn hàng tấp nập, làm ngày làm đêm. Năm nay trước tết 2 tháng, đùng cái cả ngàn công nhân bị công ty cắt hợp đồng lao động. Con Mèo nằm trong số đó. “Bà mẹ dịch với giã. Cũng tại con cồ rô na mà tết nhứt thất nghiệp”. Mấy tuần nay con Mèo chạy long nhong đi tìm việc. Chẳng biết chỗ làm mới của nó kinh doanh nghành hàng gì mà tết cận kề lại tuyển lao động ký hợp đồng nhanh đến vậy.
Tôi vò đầu, mớ tóc rối bù càng bù xù như tổ quạ:
– Tính sao Mèo? Kiểu này chết chắc. Tao ghé vựa kiểng thấy trống lơ trống lốc. Bà hàng xóm nói ông chú Tư Kiểng bị nợ dí, bán vườn dọn đi mất tiêu rồi, tao gọi điện, nghe“số máy không có thiệt”…
– Gì? Hồi bữa tao ghé thăm thấy “nó” còn mà. Ổng dọn đi đâu mà nhanh vậy?
– Tao biết đâu? Ông nội tao nói mày thông minh. Hồi đó cũng mày bày ông nội tao đem nó đi gửi, giờ nó bị bán luôn rồi. Mày coi tính cách nào thì tính, không là năm nay khỏi ăn Tết…
Ông nội tôi phán con Mèo gái thông minh thiệt đúng không sai. Tôi mất ăn mất ngủ mấy đêm, con Mèo vừa tiếp nhận thông tin bữa trước, qua bữa sau là có giải pháp ngay: “Bỏ qua chuyện ông chú Tư Kiểng đi. Hết dịch giã nhưng quá chừng người chưa qua cơn “dịch khổ”. Mà khổ nhứt là những lao động nhập cư, thuê mặt bằng, bán buôn. Tao nghĩ chắc bế tắc lắm ông chú Tư mới phải nửa đêm, nửa hôm dọn vườn đi kiểu đó. Gì chứ cảnh mấy thằng giang hồ đòi nợ thuê quăng mắm, tạt sơn, nhắn tin, gọi điện khủng bố nghe đầy, thấy đầy. Công ty chỗ tao làm cũng xất bất sang bang vì công nhân vướng nợ mà nguyên ban lãnh đạo bị khủng bố. Nhìn cảnh hoang tàn, sơn đen, sơn đỏ tứ tung ở vựa kiểng là hiểu ổng cực cùng lắm rồi!”.
 ***
– Bữa nay đem cây mai về hả, Mai?
– Dạ, nội! bữa nay người ta chở nó về. Nội yên tâm. Sáng mai là có cây mai cho ông nội lặt lá rồi nghen!
– Ờ! Nội nhớ nó quá, 2 năm rồi. Hôm qua bà ngoại con Mèo cũng hỏi nó…
Tôi cũng nhớ nó chứ nói gì ông nội tôi, với bà ngoại con Mèo. Hình như tôi nghe mình cũng già hơn khi bắt đầu có dấu hiệu hoài niệm y chang… người cao tuổi. “Mày yên tâm. Tao lựa cây bằng y nó. Nhìn nó y hệt hà! Chỉ khác cái chậu…”. Con Mèo giữ lời hứa là sẽ lùng cho bằng được một chậu mai “thế thân” chậu mai thần thánh của ông nội tôi. Chỉ là chậu mai ông nội bằng sành, hoa văn xưa cổ. Còn chậu mai con Mèo thuê chậu xi măng sơn đỏ lè. Cũng không còn cách nào khác. Ông nội tôi thể nào cũng thắc mắc, nhưng có còn hơn không. Chuyện cái chậu có thể “giải trình” được. Mà con Mèo săn đâu được cây mai nhìn sao thấy y chang cây mai của ông nội tôi, cũng không biết. Nó chụp hình bắn qua tôi thấy y hệt. “Ổng không chịu cho tao thuê cây đó, ổng nghe tao than khóc, kệ sự tình ổng thấy tội nghiệp quá nên mới chịu đó nghen, mày. Mà ổng không chịu cho thuê tới Rằm tháng Giêng, ổng nói qua mùng 5 là phải kéo tới trả liền. Tiền công tao lặt lá mai cho ổng 5 ngày được một chai rưỡi, mày đưa tao thêm một chai rưỡi nữa nha, mậy!”. Con Mèo khẳng khái, rất có trách nhiệm, sòng phẳng, rạch ròi cưa đôi tiền thuê cây mai với thằng tôi.
Sáng Chạp nắng gió lao xao. Tôi ôm bộ lư trên bàn thờ ra thềm ba. Con Mèo bữa nay bắt đầu ngày làm việc đầu tiên chỗ làm mới. Hợp đồng thời vụ ngắn hạn chỉ 5 ngày. Công việc cụ thể là: lặt lá mai cho ông chủ vườn mai ngoài bến sông. Hồi sáng nó thò bản mặt mèo qua nhà tôi: “Tao sắp xếp xe xong rồi, bữa nay người ta chở tới, mày ở nhà canh chừng đó!”. Hai ba mùa mai đi qua, một mùa mai đương tới, tự dưng sáng nay con Mèo làm tôi cảm động quá chừng! Không có nó “nhúng” tay giải quyết vụ này, thằng tôi chả biết làm sao. Phải công nhận ông nội tôi phán đúng. Con Mèo gái thông minh thiệt!
10 giờ. 11 giờ… đến 15 giờ chiều. Tôi hết kiên nhẫn. Ông nội tôi sốt ruột bỏ cả ngủ trưa. “Gọi điện coi xe cộ có trục trặc gì không, mà trưa trờ trưa trật rồi chưa thấy họ chở tới nữa, Mai?”. Tôi nóng lòng gọi điện cho con Mèo. Điện thoại nó tắt ngấm. Tôi từ sốt ruột tới sốt gan, sốt tận óc, nhắn tin rủa xả con Mèo: “Mèo…mày ngủm đâu rồi? nó đâu? Cây Mai đâu?”.
Con Mèo thiệt “linh”! Tin nhắn vừa bay đi, một chiếc xe tải nhỏ xuất hiện ngừng ngay cửa nhà. Trên thùng xe là một chậu mai rậm rịt xanh um lá. Tôi bỗng bị hú hồn. Không phải hú hồn cây mai mà vì cái người mở cửa xuống xe bên kia là ông tài xế, còn bên này là ông chú Tư Kiểng…
– Ủa chú?
– Nội khỏe ha con?
– Dạ! Chú… chú Tư khỏe hôn?
Tôi ngớ người. Không thể tin vào mắt mình. Chậu mai “hồi gia” ngoài sức tưởng tượng.
– Bà xã chú mắc bệnh ung thư vú. Ngay lúc buôn bán ế ẩm, chú vay nóng ba chục triệu để xoay sở. Vay ba mươi triệu mà họ đưa có hai mươi hai triệu. Rồi họ tính lời, tính lãi kiểu gì, cứ đóng hoài, đóng hoài, mà cũng nợ hoài. Rồi chú vay đầu này đắp đầu kia, đắp hoài, đắp hoài. Càng mượn đắp, nợ càng đầy. Ngày nào tụi đòi nợ cũng tới chửi rủa. Chú đâu còn tinh thần để làm gì. Sợ tụi nó phá mấy chục chậu mai khách gửi, nên chú chỉ còn cách nửa đêm dọn đi. Chú gửi mai vườn ông bạn để về quê lo cho chuyện nhà cửa. Chú vừa bán được miếng đất dưới quê lên giải quyết hết nợ nần, rồi lật đật chạy tới vườn mai. Bà xã chú không qua khỏi, mới mất tháng trước. Ông bạn không biết cây mai này của khách gửi, định cho thuê, kiếm chút đỉnh… May là chú lên kịp, không thôi lại mắc tội với ông nội con.
Ông nội tôi cầm phong bao màu đỏ đi ra, nhìn cội mai rưng rưng. Ông chú Tư nhìn phong bao đỏ rồi nhìn ông nội tôi từ chối:
– Dạ thôi, ông Sáu khỏi gửi tiền tưới cho con. Con mới bán đất, tiền quá chừng! Hôm trước tụi nhỏ vận chuyển, sơ ý bể cái chậu. Cận tết quá con chưa kịp thay. Ông Sáu chơi qua tết, rồi biểu cậu Mai đem cây mai lại vườn cũ, con thay cái chậu khác cho ông Sáu nghen!
Ông nội tôi khoát tay:
– Kệ! Cái chậu là chuyện nhỏ. Không sao đâu chú, năm nay có cây mai, nhà tui ăn tết lớn à nghen!
Con Mèo về từ khi nào. Lặng lẽ qua nhà tôi từ khi nào. Nghe tay nó quào quào hông tôi:
– Ê! Mai… Quân tử nhất ngôn! Trả tao chai rưỡi. Không là… khỏi Tết nhứt với tao, nghen mày…!
Tôi quay lại “gừ” nó:
– Đồ Mèo!.
24/3/2023
Lê Ngọc Hạnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Trong tàng thư của Borges Năm 1996, nhà văn Mỹ Susan Sontag đã viết một bức thư gửi cho Jorge Luis Borges đúng 10 năm sau khi văn hào Ar...