Về với Kinh Bắc qua văn
truyện của Trần Thanh Cảnh
Đất Kinh Bắc được biết đến là vùng đất của khoa bảng, của thi
ca và quan họ. Bạn hẳn đã từng về “Bên Kia Sông Đuống” qua thơ của thi sĩ Hoàng
Cầm, Nguyễn Phan Hách, Và hơn một lần nghe nhạc phẩm Làng Quan Họ Quê Tôi: Thơ
Nguyễn Phan Hách, nhạc Nguyễn Trong Tạo. Về Bắc Ninh không chỉ để được đắm mình
với những làn quan họ ngọt ngào, huê tình… mà còn được hiểu thêm về tình đất,
tình người qua văn truyện của nhà văn Trần Thanh Cảnh. Ở đó có hiện thực cuộc sống
trong thời kỳ chuyển mình đổi mới của một vùng Kinh Bắc qua ngòi bút tả chân sắc
nét, thoáng chút trào lộng, dí dỏm của Trần Thanh Cảnh. Ông được mệnh danh là
“Người Kể Chuyện Kinh Bắc”
Vài nét về nhà văn Trần Thanh Cảnh (TTC) sinh năm 1961- người
con của đất Kinh Bắc (Thuận Thành, Bắc Ninh) Ông xuất thân ngành dược, tốt nghiệp
ĐH Dược Hà Nội và gắn bó với nghề hơn ba mươi năm, rồi bỗng bén duyên với văn chương
như một sự ngẫu nhiên nhưng thực ra nó được nuôi dưỡng, ấp ủ từ rất lâu rồi, chỉ
chờ có dịp là trải lòng lên trang giấy thôi! Ông từng tâm sự với độc giả ông là
người yêu văn chương và thích đọc sách. Đó là dấu hiệu ông có đam mê và nuôi dưỡng
đam mê văn chương. Đi, đọc nhiều và viết là công việc của nhà văn, sau khi tích
lũy kiến thức, tích lũy vốn từ, và vốn sống, TTC bắt đầu sáng tác năm
2013 và đã gặt hái được thành quả ngay từ tác phẩm đầu tiên với giải thưởng của
Hội Nhà văn việt nam cho tác phẩm Kỳ Nhân Làng Ngọc. Được công chúng đón nhận,
cảm hứng dạt dào, ông viết khỏe, chỉ trong khoảng thời gian hơn chục năm qua
ông đã viết nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết, trong đó có cả tiểu thuyết lịch sử.
Các tác phẩm đã xuất bản: Kỳ nhân làng Ngọc, Mỹ nhân làng Ngọc,
Quái Nhân Làng Ngọc, Đại Gia, Chân Nhân và Đức Thánh Trần,…
Trong các tác phẩm của TTC giàu chất hiện thực và đẫm hơi thở
cuộc sống đương đại. Các nhân vật trong truyện đều có trong nguyên mẫu ngoài đời,
qua góc nhìn của ông, dĩ nhiên ít nhiều có hư cấu để tăng tính nghệ thuật trong
văn chương. Người đọc thấy nhân vật sinh động và rất quen, có thể gặp họ ở đâu
đó ngoài đời, ở trên tất cả mọi làng quê Việt Nam chứ không riêng gì Kinh Bắc.
Bởi vì làng quê ở Kinh Bắc cũng điển hình tương tự như cảnh và người ở những
làng quê khác. Tuy nhiên, tên người, tên làng, ông có thể sáng tạo ra những
danh xưng khác. Đó là những chuyện đời, chuyện người theo phong cách tả chân và
có chút ảnh hưởng của phóng sự văn chương để phản chiếu cuộc sống.
Những tác phẩm của Trần Thanh Cảnh thể hiện ngòi bút có năng
khiếu thiên bẩm. Bởi vì ông là dân dược, dĩ nhiên không đi sâu vào chuyên môn
viết lách nhưng ông vẫn viết hay như thường. Có lẽ cùng với thú “gặm sách”. Đó
là những người thầy mình tự chọn với vốn sống được tích lũy, và “cháy hết mình”
với lao động nghệ thuật, ông mới viết được những câu chuyện thú vị, những tác
phẩm hấp dẫn người đọc như thế! Các truyện ngắn của TTC lấy chất liệu cuộc sống.
Từ cuộc sống đi vào tác phẩm qua cảm quan nghệ thuật của nhà văn là hiện thực rất
đời được chọn lọc, chưng cất rồi truyền vào đó tư tưởng thẫm mỹ, tác giả đã gửi
gắm nhiều thông điệp. Người đọc, ngẫm ngợi, suy tư sau mỗi câu chuyện, mỗi tình
huống và mỗi nhân vật. Khi làng quê Kinh Bắc chuyển mình đổi mới theo hướng
kinh tế thị trường. Nhịp sống trở nên hối hả hơn. Về vấn đề nông thôn mới có những
giá trị truyền thống đã bị mai một. Những nét đẹp làng quê như cảnh vật: cây
đa, bến nước, sân đình được thay bằng những ngôi nhà bê tông nhiều tầng san
sát,… Những làng nghê truyền thống bị thu hẹp do phải chuyển đổi để mưu sinh
(Truyện Mặt Ma).Tùy thị hiếu khách hàng. Ngày xưa, tết đến nhà nhà đều mua
tranh Đông Hồ như tranh hội làng , vinh quy bái tổ, tranh tứ quý (Tố nữ, bốn
mùa, mai- lan- cúc- trúc) về treo cho vui cửa vui nhà thì nay nhu cầu đã giảm
do thị hiếu khác xưa đi ít nhiều. Làng tranh đông Hồ nhiều người chuyển đổi
sang làm mặt ma, giấy tiền vàng âm phủ. Nhưng may thay vẫn còn người tâm huyết
với nghề gia truyền đã xây dựng nhà bảo tồn, sản xuất, giới thiệu tranh phục vụ
du khách trong nước và quốc tế. Cuộc sống êm đềm nơi làng quê có niềm vui, nỗi
buồn pha lẫn tiếc nuối phôi phai các tập tục truyền thống văn hóa. Cũng vì tiền
trong thời buổi kính tế thị trường mà có những con người không giữ nổi mình mà
tha hóa nhân cách. (Truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc) Những câu chuyện tác giả ở vị trí
khách quan để kể bằng ngôn từ bình dị, gần gũi đời thường của vùng Bắc Bộ. Ông
trăn trở trước những cái được và mất của làng quê khi chuyển mình sang trang.
Ông quan sát và so sánh sự mất mát của làng này, và tự hào vẻ đẹp vẫn còn
nguyên bản của làng kia trên vùng Kinh Bắc quê ông. “Bên làng Ngọc, hầu như
không còn tồn tại chút gì của “Làng”, theo nghĩa xưa. Đứng ngoài nhìn vào, thấy
toàn nhà cao tầng, bê tông lô nhô xám xịt. Cả làng không còn một cây tre nào,
mà thay vào đó, mỗi nhà có một vài thứ cây thời thượng của cánh nhà giàu mới nổi”.
“Bên làng Ao Xá, lại khác hẳn…Trong làng vẫn là những cây trái xum xuê: mít, bưởi,
xoan…, phủ bóng lên mái nhà cũ kĩ xám nâu. Từ xa xưa đến nay, những ngôi làng ở
nước Việt đã là một thực thể văn hoá, kinh tế, chính trị rất kỳ lạ. Hình như
không có ở nơi đâu trên trái đất này lại tồn tại một cộng đồng những ngôi làng
như ở nước ta.”
Những đổi thay trong quá trình đô thị hóa nông thôn, không
tránh khỏi những mất mát đáng tiếc. Và những toan tính vụ lợi của một số nhân vật
có chức, có quyền đã góp phần làm nghèo đi đất nước. Giọng kể có phần hài hước
nhưng sau mỗi tình tiết hóm hỉnh là nỗi đau đời, trăn trở trước những mặt trái
của xã hội
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ xin dừng lại kỹ hơn ở
truyện ngắn Giáo Sư Kê của ông.
TTC khắc họa chân dung những kẻ hãnh tiến, xuất thân hạ đẳng,
thuộc thành phần cuối của xã hội phong kiến như làm mõ để sai vặt và dọn cỗ. Thời
thế đổi thay, lý lịch ấy cho cha con ông Khánh mấy đời cứ thế mà “phất”. Dĩ
nhiên tính tham lam truyền đời, lươn lẹo toan tính cha con ông leo lên chức tước
địa vị trong xã hội, tạo thành ổ tham nhũng có tổ chức để đục khoét ngân sách
và tư lợi từ đời cha đến đời con và sang đời cháu. Mỗi thế hệ có cấp độ cao hơn
về cả chức quyền và lượng tham nhũng. Có ai đó đã từng nói: “Hậu duệ làm lãnh đạo
là hồng phúc của dân tộc”. Hồng phúc ở đâu chứ trường hợp trong truyện Giáo sư
Kê là một lũ bất tài, giá áo túi cơm. Mõ Khánh leo lên danh vọng đứng đầu tỉnh
với những cái bằng bổ túc mãi mới xong cấp ba. Đến thằng cueeba (con mõ Khánh)
thì chi tiết hài hước lúc nhỏ cũng báo trước một phần tính cách sát gái
sau này của gã. Đi qua Nga chủ yếu là đi buôn cũng kiếm về mảnh bằng phó Tiến
sĩ rồi leo lên chức viện trưởng viện hàn lâm súc sản, đến đời cháu thì nó còn
leo tuốt vào nhà trắng, nhà đỏ cao hơn cha ông nó nữa cơ! Trở lại chuyện cu Kê
sau này là giáo sư Kê, gs Gà. Khi là sếp GS, TS Giang Đình Kê “luộc” các nữ
nhân viên dưới quyền dễ như gà trống đạp mái. “Giáo sư Kê bất giác cười thầm.
Vì, ngài tự liên hệ, thấy mình cũng hơi giống con gà trống. Ngày còn đương chức
viện trưởng, ngài cũng hay tốc váy em thư kí, đè ngửa vào cạnh bàn làm luôn một
nháy. Nhưng lát sau, sang phòng em kế toán trưởng, nhìn cặp chân trần trắng muốt
của em, thò ra khỏi cái váy ngắn cũn, cứ ngó ngoáy, ngó ngoáy. Ngài lại nổi hứng,
tốc váy em nó lên, đè sấp vào bàn, làm nháy nữa”.
Khi “Về hưu rồi, nhưng cái thằng em nhỏ của ngài vẫn sung lắm,
nên ngài vẫn phải kết bạn với một em ngoài phố để lấy chỗ đi lại”. “chim hoa cá
gái”. Rồi GS Kê lại nghĩ ra kế để moi tiền nhà nước bằng đề tài vớ vẩn, kết hợp
với nhà “nghiên cứu văn hóa nhớn” cũng vớ vẩn không kém. Đọc truyện cổ xong lại
gán cho con gà đủ thứ danh hảo, lòe những chức dịch sân đình và cư dân làng Ao
Xá chân chất hiền như hạt lúa củ khoai. Trần Thanh Cảnh xây dựng nhân vật có
tính khái quát, điển hình. Nhân vật này, câu chuyện này tác giả kể trong không
gian ở làng Ngọc, làng Ao xá,…loanh quanh vùng Kinh Bắc. Nhưng người đọc lại bắt
gặp loại nhân vật này không hiếm. Chúng có mặt khắp nơi, trên nhiều lĩnh vực
ngành nghề khác nhau.
Nhà văn châm biếm những kẻ như Giang Đình Kê chỉ với lực học
tầm thường nhưng hãnh tiến (thành phần con ông cháu cha) do bố mẹ có chức có
quyền, xin được vào làm viện nghiên cứu cây con, rồi hàn lâm súc sản gì đó.
Giao cho đề tài nào, nghiên cứu gì cũng thất bại tốn tiền của nhân dân mà không
đem ra ứng dụng được. Có những đề tài vớ vẩn buồn cười như “ngỗng và thiên nga
làm tình thì khác nhau thế nào?”. Bày trò để đốt tiền nhà nước vào các “dự án”
vô bổ. Chạy xin đi Nga để du học, qua bên đó thực chất là đi buôn. Chứ có hiểu
gì đâu mà học, mà học có vào đâu! Đi buôn chán rồi về nước cũng có bằng Phó tiến
sĩ như ai. (Sau này về nước một thời gian được hợp thức hóa thành tiến sĩ cho hợp
với tiến trình hội nhập.) “Vào giảng đường nghe các giáo sư Nga giảng, như vịt
nghe sấm. Nản quá, đang định tính mua vé về nước. Thì gặp ngay được mấy đại ca
sang trước, bày vẽ cho: “Chú mày ngu lắm, đã sang được đến đây rồi thì làm đéo
gì mà phải về. Kiểu gì cũng phải có mảnh bằng đút đít. Không học được thì nhờ
anh Vodka nó học cho. Chú cứ theo bọn anh đi buôn áo bay, bàn là, xe cuốc, quần
bò mà kiếm tiền. Lâu lâu vác một két Vodka đến nhà mấy ông giáo sư Nga trình
bày, rồi vì tình hữu nghị, các ông ấy cho qua hết”.
Chủ tịch Tỉnh Khánh có sẵn cái gen truyền đời là “tham như
mõ”. Tư duy cán bộ nông thôn thời bấy giờ ông định hướng cho con: “Mày ngu lắm
con ạ, nước ta bây giờ, nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, học trường ấy ra mới
có nhiều cơ hội phát triển. Mày học Tổng hợp Văn để định đọc thơ văn trừ bữa
hay đi cạo giấy mà ăn à?”.
Con cái của “thành phần cơ bản” có đi học được đại học nông
nghiệp, Khi vào viện công tác, lộ rõ sự bất tài, không nghiên cứu được gì. Giáo
sư Kê chỉ vẽ ra các dự án trời ơi đất hỡi, xàm xí moi tiền nhà nước cũng là tiền
thuế của dân. Nhưng vẫn thăng tiến đều đều. Trong thời gian công tác chỉ lo
chuyện vẽ dự án, gái gú và đấu đá để tranh ghế. Ông lên chức viện phó rồi viện
trưởng.
Năm tháng trôi đi, không ai cưỡng lại được thời gian. Già thì
cũng phải về hưu. Luật này không tránh được. Thế là khi về hưu lại GS Kê lần nữa
làm hại cơ quan, làm hại đất nước khi đề bạt đứa nhân viên rửa ống nghiệm lên
chỉ huy lãnh đạo viện nghiên cứu hàn lâm…Đứa kế nhiệm, cũng ngu dốt, cũng gái
gú và tham nhũng không khác gì sếp tiền nhiệm. Dĩ nhiên về phần nịnh thì nó “giỏi”
không ai bằng.
“Tay viện trưởng kế nhiệm ngài, vốn là một thằng nhân viên rửa
ống nghiệm trong la bô. Nghe thầy cũ xin kinh phí tài trợ nghiên cứu về giống
gà nổi tiếng, thầy lại bỏ nhỏ là: “Tao cắt lại cho riêng mày hai mươi phần
trăm”, hắn kí cái xoẹt!”
Về hưu vẫn chưa yên với ông, GS Kê lại tiếp tục tàn phá đất
nước bằng cách nghĩ ra dự án ba xàm như tôn vinh loại gà nhiều thịt lên mức
thánh thần huyền bí. “ngài coi đây là công trình để đời của mình. Khi còn công
tác, ngài mải đấu đá để lên chức lên quyền. Có chức có quyền rồi, thì ngài còn
bận đi xin phê duyệt các“dự án nghiên cứu”. Sau đó tổ chức thực hiện, sao cho
tiêu hết tiền nhà nước cấp một cách gọn ghẽ. Về hưu có thời gian ngẫm ngợi,
ngài điểm lại thấy thật ra mình có danh nhưng chả có sự nghiệp gì cả. Mang tiếng
là giáo sư tiến sĩ, viện trưởng nghiên cứu. Nhưng cả đời, chả để lại được một
cái tác phẩm gì cho ra hồn”. Gs Kê bày trò vớ vẩn, ấu trĩ và tự lừa mình là “dự
án để đời”. Để vừa có tiền xây nhà cho gái gú vừa lừa bịp chức sắc và dân làng
thuần nông hiền lành, dễ tin người vì lớp vỏ hào nhoáng nhưng rỗng trí tuệ của
ngài GS tiến sĩ Kế thành Kê và cuối cùng là giáo sư Gà. Ông cũng tự ví
mình không khác gì con gà trống. Cũng đạp mái không mệt mỏi, đầu óc không hơn
gì gà. “Càng ngắm đàn gà làng Ao Xá, Giáo sư Kê càng thấy hay. Với “chuyên môn
sâu” của mình, ngài giáo sư nhận thấy gà Ao Xá có rất nhiều ưu điểm vượt trội,
đặc biệt là khả năng đạp mái của bọn gà trống thì vô song”. Nhìn tục thờ gà
làng ấy có giống gà ngon, nặng ký, người ta làm tượng gà bằng đất sét trộn mùn
cưa để thờ trong đình, lưu giữ hình ảnh giống gà quý của làng. Vậy mà về cứ suy
nghĩ và thán phục vẻ đẹp của con gà trống, nhìn chúng đạp mái vô tư với mấy con
gà mái, GS lại liên tưởng giống mình quá. Nhiều chi tiết hài hước như: người
dân làng Ao xá sau này thấy “hậu duệ ngài Kê” tức là giữa đường gặp con gà,
cũng nhường bước cho nó đi rồi mới đi, để tỏ lòng tôn kính, ngài Kê từng giúp
An Dương Vương xây thành cổ loa. Theo như hai tay “trí thức nhớn” nói thế, họ kết
hợp với nhau để lừa đảo dân. Vẽ ra dự án“Công trình nghiên cứu và phát huy giá
trị kinh tế, văn hoá, tâm linh của gà Ao”. Rồi cũng tổ chức cúng tế hoành tráng,
mời đài báo về tác hợp quảng cáo rầm rộ và dĩ nhiên là kèm theo phong bao,
phong bì vô tội vạ thật xót cho tiền của của nhà nước của nhân dân vào những
trò vô bổ.
Rồi việc GS Kê và nhà văn hóa lớn vào nhà nghỉ Hương Nhài để
giao huấn các em nhân viên một buổi chiều về “văn hóa gà” và “kê giao”, sau khi
đã nhậu món cường dương là Kê Cân. Đó là những chi tiết hài, nhưng bi. Cười mà
đau mà thấm lắm!
Một lũ ăn tàn phá hoại đất nước như Giáo sư Gà và nhà văn hóa
nhớn kia với trò lố bịch hủ lậu, dốt nát và hãnh tiến. Luôn tìm cách để tham
nhũng. Những việc này, dân có biết không? Biết! Thông qua mẫu đối thoại này:
“Có mấy tay quen thói châm chọc còn bảo, thằng cha ấy rồ, thừa
thời gian không biết làm gì, lại đi sang cái làng âm lịch ấy nghiên cứu cái trò
vớ vẩn, thi gà với cả chọi gà. Nhưng có mấy tay ra vẻ hiểu đời thì nói: “Các
ông toàn loại ngu lâu khó đào tạo. Không biết cái đinh là gì. Cái tay “gà sống
thiến sót” Giang Đình Kê làng mình, sang bên đó, khuấy nước để kiếm cá đấy, khá
lắm!”.
Như vậy dân thấy và dân biết. Có những việc chỉ lừa được một
số người nhưng không qua mặt được cả thiên hạ. Câu chuyện GS Kê là hồi chuông
báo động cho sự tuyển dụng nhân sự, không minh bạch, không căn cứ vào tài năng
thực sự mà dựa vào” “quan hệ và tiền tệ”. Để cho những “thành phần cơ bản” ấy
khi đã có trong tay chức quyền thì nhân cách là chuyện nhỏ, lợi nhuận mới là
chuyện lớn. Nếu muốn đất nước ngày càng thịnh vượng, dân giàu nước mạnh thì cần
loại bỏ những loại người vô dụng bất tài và tham nhũng để chiêu hiền đãi sĩ,
trân trọng người tài.
Kết thúc câu chuyện với âm ê hài hước. kê..ê.e và cuối cùng
là Mê..ê.ê (như u mê) và như một lời dè bỉu, lêu lêu…mặt xấu mà trẻ con hay giỡn
với nhau.
Từ truyện ngắn Giáo sư Kê, sau này ông viết tiếp thành là một
tiểu thuyết lôi cuốn đầy chất hiện thực và trào lộng sắc bén. Nhẹ nhàng sâu cay
và thấm thía. Lũ quan chức trong truyện, mất nhân cách dù học hàm học vị đầy
mình nhưng dốt nát, bất tài và hãnh tiến nhưng lại đi rao giảng đạo đức và cho
chữ,… Những kẻ ăn tàn phá hại đất nước, kết hợp với nhau để tham nhũng đục
khoét tiền của của nhân dân. Đó cũng là những băng nhóm tội phạm có tổ chức. Ngồi
xổm lên pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước, làm mất lòng tin của nhân. Những
con sâu tàn phá xã hội có hại cho đất nước.
Hiện thực cuộc sống, ai cũng có thể nhìn thấy và bắt gặp
nhưng đưa họ vào trang viết để người đọc có dịp nhìn rõ hơn thì phải qua cảm
quan của người sáng tạo. Trời phú cho nhà văn sự nhạy cảm, óc quan sát tinh tế,
cùng với đam mê và trách nhiệm công dân với cộng đồng, với xã hội và cao hơn nữa
là với dân tộc, với đất nước.
Truyện ngắn của ông vừa có tính trữ tình và tự sự. Trong truyện
ngồn ngộn hiện thực cuộc sống đương đại thông qua lăng kính của nhà văn. Người
có óc hài hước đã đem vào trang văn tính trào phúng nhẹ nhàng. Truyện cũng rất
có chất thơ, chất trữ tình ở những đoạn ông tả về vẻ đẹp làng quê. Ông thể hiện
tình yêu quê hương qua những đoạn văn miêu tả vẻ đẹp của làng quê: “Cánh đồng
lúa đang chuẩn bị vào vụ gặt, rực một màu vàng tươi trong nắng sớm. Những làn
hơi sương lập lờ, lan man, bồng bềnh trong không gian tinh khiết của buổi sáng.
Hương thơm của lúa chín tràn ngập mọi nơi, ấm áp và thanh bình”. TTC cũng thể
hiện được dân tộc tính trong xây dựng nhân vật, qua hành động và ngôn ngữ. Ông
xây dựng cốt truyện không cần nhiều kịch tính.Tình tiết cũng không đi đến những
xung đột cao trào hay giằng xé tâm can, nó cứ theo trình tự logic của cuộc sống
vốn có. Diễn biến câu chuyện phù hợp với diễn biến tâm lý nhân vật. Ông đã đi
sâu vào đời sống xã hội nơi ông sống, những góc khuất của làng quê, của con phố
để quan sát, miêu tả những số phận, những con người, nói lên tiếng nói của họ,
thông cảm yêu thương những con người chính nghĩa bao nhiêu, ông lại chỉa ngòi
bút vào châm chọc những nhân vật phản diện. (ông đứng ở vị trí khách quan để tạo
dựng chuyện, không gay gắt lên án, không phán xét. Có lẽ điều đó ông để dành phần
cho độc giả). Chỉ ra mặt trái của xã hội, mặt trái của vùng quê trong cơn lốc của
kinh tế thị trường với mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của quê
hương và cao hơn nữa là mong muốn xã hội ngày càng tốt đẹp hơn!
Nhà văn Trần Thanh Cảnh từng là người lính trên mặt trận chống
chiến tranh biên giới 1979. Ông vào đời bằng ngành khoa học không liên quan đến
văn chương. Ông cũng từng thành đạt trong lĩnh vực chuyên môn mà ông được đào tạo.
Những lúc cực thịnh, gia đình ông có cả nhà máy chế biến thuốc và chuỗi cửa
hàng kinh doanh dược phẩm. Nhưng thực tế thương trường như chiến trường, thăng
có, trầm có phải chấp nhận và đối diện. Khi gặp lúc “trầm” ông tìm một sở thích
không liên quan đến tiền bạc tính toán mệt mỏi và thế là đến với văn chương như
một cái duyên. Nhưng không phải cứ muốn là được mà sự viết đó được nuôi dưỡng,
tích lũy thời gian dài, có khi hàng chục năm, đến nửa đời người hoặc hơn thế. Đến
độ chín mới bật ra, dàn trải lên tác phẩm bằng bút pháp tả chân- trữ tình. Qua
thủ pháp tạo dựng truyện, thế giới nhân vật của TTC như những hình tượng thực
ngoài đời, người đọc cảm thấy nhân vật rất quen, như đã gặp. Hiện thực đời sống,
qua bút pháp trữ tình làm cho hiện thực đó vốn chân thực sẽ càng chân thực hơn,
đời hơn. Cùng với óc quan sát nhạy bén, tinh tế, có chút hóm hỉnh khiến câu
chuyện ông kể rất có duyên. Nó nhẹ, sâu cay mà thấm thía. Mỗi nhà văn đều có
góc nhìn riêng, cách chuyển tải ý tưởng bằng phương pháp nghệ thuật riêng song
đều hướng đến con người và xã hội. Ông nói “Văn chương của tôi phần nhiều dựa
trên sự trải nghiệm, những chất liệu có từ cuộc đời tôi và những quan sát chiêm
nghiệm mà tôi cóp nhặt được hơn nửa thế kỷ có mặt trên cuộc đời để xây dựng tác
phẩm”.
Có thể nói, tôi là người sống cùng thời với ông, (tôi chỉ kém
ông vài tuổi, ví như nếu học chung trường thì trạc tuổi ông ở lớp cuối cấp, tôi
vào lớp đầu cấp, mặc dù tôi chưa được gặp ông bao giờ) nên tôi cảm nhận những
điều ông viết là thật, thật hơn cả sự thật ngoài đời. Tất nhiên sự thật nào
cũng lọc qua lăng kính của người viết. Cùng một sự thật ấy nhưng góc nhìn người
này lại sẽ khác với người kia và như thế mỗi sự vật hiện tượng khi được nâng
lên tầm nghệ thuật thì mỗi người sẽ có một “sự thật” rất riêng.
Khi tiếp cận với văn bản, từ văn truyện của ông, Thông qua
cách kể, cách viết, đối thoại, diễn biến tâm lý của nhân vật trong truyện chúng
tôi trong tư cách người đọc cũng hiểu về con người, không gian sáng tác và nhân
sinh quan của tác giả. Thông qua lớp ngôn ngữ chúng ta thấy tư tưởng của người
viết. Nó cũng cho thấy môi trường sống mà tác giả đã tạo dựng. Từ văn phong,
ngôn ngữ, hành động suy nghĩ nội tâm của nhân vật đến cách xây dựng cốt truyện,
mối quan hệ xã hội của các nhân vật trong truyện cho thấy nhà văn rất quan tâm
đến đời sống xã hội, có tình yêu quê hương tha thiết và rất có trách nhiệm của
người cầm bút, dù ông bước vào văn đàn chưa lâu. Nhưng điều đó không hề gì. Đến
sớm hay muộn, không phải là yếu tố quyết định chất lượng tác phẩm. Thế giới
hình tượng thông qua bộ lọc của nhà văn và ngôn từ, nhà văn chọn hình thức phù
hợp để xây dựng tác phẩm. Văn bản biểu đạt bằng ngôn từ và nội dung tác phẩm
chính là những ẩn ức của nhà văn khiến người đọc suy tư, trăn trở về nội dung
văn bản và những lớp nghĩa trong đó sau khi đọc xong một văn truyện.
Đọc tác phẩm của ông, tôi tự hỏi Nếu Trần Thanh Cảnh không gặp
thăng trầm trong công việc kinh doanh thì không biết ông có rẽ lối sang văn
chương hay không? Nếu là không thì thật tiếc một tài năng văn chương không được
khai mở. Và nếu không thì sẽ khuyết đi một cây bút kể chuyện Kinh Bắc theo
phong cách Trần Thanh Cảnh. Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Do vậy qua ngôn
ngữ Trần Thanh Cảnh đã tạo lập cho mình một phong cách rất riêng của người kể
chuyện Kinh Bắc. Văn phong câu chữ của ông không mỉa mai cay độc như bậc thầy
hiện thực trào phúng Võ Trọng Phụng, không nhẹ nhàng êm ái như phong cách Thạch
Lam, không cay đắng nghẹn ngào đầy tính triết luận như Nam Cao và cũng không lạnh
lùng kiêu bạc như Nguyễn Tuân. Nhưng Trần Thanh Cảnh ít nhiều có ảnh hưởng bút
pháp của các bậc tiền bối trên văn đàn. Ông nói rằng: ông viết là do sự thúc
bách ở bên trong, viết như là sự trả nợ mà trả nợ gì, trả cho ai thì ông không
biết. Chỉ biết rằng, sau khi viết ra một tác phẩm thì ông cảm thấy nhẹ lòng. Đó
là lý do ông đến với văn chương. Những điều ông nhận thấy, trăn trở và viết ra
để giải bày thì cho thấy cái sự viết còn là trách nhiệm công dân của người cầm
bút với cuộc đời. Còn tôi trong vai trò người đọc, tác phẩm của ông đã đem đến
cho tôi nhiều cảm hứng để tôi cầm bút ghi lại đôi dòng nhận định của mình cũng
là do lòng yêu thích văn chương và sự thôi thúc văn chương thuần túy ở bên
trong. Đó cũng là sự “gặp gỡ” đồng cảm giữa độc giả và tác phẩm văn học. Tôi nhận
thấy văn truyện của Trần Thanh Cảnh là những tác phẩm có giá trị bởi vì nó tiềm
ẩn “cái đẹp” vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật cần khám khá. Thế nào là cái đẹp
thì theo Socrate “cái đẹp là cái bổ ích”.
Những ý kiến của tôi, có nhận được sự đồng tình hay cũng có
thể có bạn chưa đồng tình. Dù sao thì đây cũng chỉ là góc nhìn của cá nhân tôi.
Chỉ cần bạn bỏ chút thời gian đọc đến đây thì tôi đã biết ơn bạn rồi! Dù chê
hay khen. Có thể ai đó sẽ nói rằng: Viết nhận định lẽ ra phải khai thác cái
hay, cái dở của tác phẩm. Sao chỉ toàn nghe khen không vậy? Phận sự tôi chỉ
khai thác cái hay của tác phẩm còn cái chưa hay, tùy bạn đọc. Từ cái hay sẽ đối
chiếu tìm ra cái dở (nếu có) và tùy sở thích mỗi người. Nhưng rõ ràng các tác
phẩm của TTC đã tạo được tên tuổi trong văn đàn đương đại.
Xin chúc nhà văn Trần Thanh Cảnh sức khỏe, hạnh phúc và luôn
thành công! Độc giả chúng ta tiếp tục chờ đợi những tác phẩm mới của ông trong
thời gian tới!.
Sài Gòn, 20/9/2023 Hoàng Thị Bích Hà
Sài Gòn, 20/9/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét