Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Ý thức phái tính trong tập thơ "Huyễn hoặc ngày em" của Trần Nhã My

Ý thức phái tính trong tập thơ
"Huyễn hoặc ngày em" của Trần Nhã My

Gấp tập thơ Huyễn hoặc ngày em, ý thức phái tính cứ ám ảnh mãi, nên tôi phải viết lại những dòng xúc cảm dành tặng cho một hồn thơ với “nhịp thơ như nhịp thở/ Ý tứ cứ tròn căng” (2, tr.23) của Trần Nhã My.
Nói đến ý thức phái tính là nói đến hệ thống vấn đề từ những biểu hiện, nghệ thuật biểu hiện, cũng như sự hình thành, phát triển của nó trong thơ ca Việt Nam qua các thời kỳ. Có thể hình dung, phái tính chính là giới tính nhằm phân biệt giữa tính nam – nữ. Phái tính nữ có thể định nghĩa là nữ tính kết hợp với sự tự thức sâu sắc về tính nữ trong sự đối xứng với tính nam, một cách tự giác, bình đẳng và mạnh mẽ. Ở bài viết này, tôi xin chia sẻ một số biểu hiện nổi bật về ý thức phái tính, nhằm lý giải sự hấp dẫn trong Huyễn hoặc ngày em – thơ Trần Nhã My.
Với 45 bài thơ – Huyễn hoặc ngày em (Nxb Hội Nhà văn – 2017) của Trần Nhã My, hiển hiện lên tấm lòng bao dung, thương cảm của người phụ nữ; sự hào sảng của tâm hồn, suy nghĩ đến những hành động đẹp đẽ đầy tính nhân văn; kể cả những giọt nước mắt đẫm đầy khổ đau của nhân vật trữ tình khi ngã rẽ cuộc đời phủ trùm lên thân phận.
Nhà thơ Trần Nhã My ở Tây Ninh
Mở đầu Huyễn hoặc ngày em với Ác mộng anh, người đọc đã bắt gặp trong đó sự quan sát tinh tế vốn có của người phụ nữ bởi nhân vật trữ tình ở ngôi kể thứ ba. “Người đàn ông lầm lụi/ bước nặng/…./ Có bà mẹ trẻ…” “gào thét vào thinh lặng” khi hoàng hôn rơi xuống ở nghĩa trang. Đối diện với hai người đã “vứt bỏ giọt máu của mình”, nhưng nhân vật trữ tình vẫn với lòng bao dung, không tìm nguyên cớ vì sao mà họ lại hủy hoại hình hài một đứa bé; cũng không “mắng mỏ” hay lên án sự tàn độc này mà cùng hoài vọng đớn đau, thốt lên những lời ăn năn sám hối, dẫu muộn màng.“Con đâu rồi?” như tiếng lòng vọng vang, lời cảnh tỉnh cho thiên chức làm mẹ cha.
Như một bản năng, dù mạnh mẽ, lắm lúc lại ương bướng, nhưng sự nhẹ nhàng mềm mại, uyển chuyển vẫn tồn tại trong mỗi người phụ nữ. Vốn là trời phú, nhưng đôi khi nhân vật trữ tình trong Huyễn hoặc ngày em, nàng nhận ra cái nữ tính ấy, rồi tự chế ngự nó bằng một cảm xúc rất đỗi đàn bà. “Không biết đâu, em bao lần nũng nịu/ không nhớ hết, em bao nhiêu lần hờn dỗi/ em chỉ là em bất đồng nông nổi/ em bão giông phút chốc rồi tan” (2, tr.72); “Em học cách quên đi thói nũng nịu/… Em học cách bớt đi dỗi hờn ương bướng/… Em học cách không làm bão giông/… Em đang học cách chối từ ân sủng…” (2, tr.45). Nhân vật nữ trữ tình, sẵn sàng từ bỏ mọi đặc ân để mình được trưởng thành hơn trong tình yêu, nhưng càng cố khẳng định mình thì càng toát lên dáng vẻ hồn nhiên, đáng yêu – “bởi cuối cùng/… em không làm sóng nữa đâu”, dù biết “anh” cho nàng cả cuộc đời, biết mình không còn trẻ, mê mê với cơm áo gạo tiền “nhưng em cũng cần quà nhỏ/ mười bốn tháng hai” (2, tr.74). Vậy nên, ta thấy “em” lại trở về đúng nghĩa của “em” – đời thường như một bản năng thuần khiết.
Nhân vật trữ tình trong Huyễn hoặc ngày em, nhìn thiên nhiên tạo vật, cuộc sống, thời gian trôi ở sự thay đổi tinh tường nên tâm hồn của nàng dễ rung động, dễ tổn thương với nhiều âu lo, cần sự chở che trong vòng tay trìu mến của người mình yêu thương.“Tự khi nào/ anh là cặp kính của em/ không phải kính cận, viễn, loạn/ loại kính lạ/…/ Em ngồi tưởng tượng/ một ngày kính Anh mang cho người khác/ mù lòa em…” (2, tr.69); “Em là kẻ đến sau/ vui sướng/ khổ đau/ bằng cách nào em cũng là phiên bản/ bóng người đây, bóng của em đâu?” (2, tr.20); “Tháng ngày trôi có phải không nhà anh giậu đổ?/ hôm nay em về qua lối cũ/ Ti gôn đâu rồi/ hồng tím của em đâu?” (2, tr 38). Vậy nên, mỗi vần thơ trong Huyễn hoặc ngày em, do cái tôi nữ tính mà thành, nhưng quan trọng nó bắt nguồn từ những xúc cảm thật nhất của tâm hồn giàu chất nồng ấm. Người đọc dễ dàng thấu cảm, đồng cảm, họ tìm thấy bóng dáng của mình ẩn sâu trong những vần thơ mang hơi thở của Trần Nhã My.
Tập thơ “Huyễn hoặc ngày em” của Trần Nhã My
Phụ nữ, họ luôn mủi lòng trước hoàn cảnh kém may mắn xảy ra với mình hay với những người xung quanh. Đằng sau những giọt nước mắt của họ là những lời động viên, an ủi chân thành, ấm áp. Với họ, đã là đàn bà thì việc thương yêu giúp đỡ nhau là việc thường tình, vừa là phẩm hạnh của người phụ nữ, vừa là đạo đức xã hội trong mối quan hệ giữa con người với nhau, nhất là quan hệ ruột thịt cùng nhau.“Chị ơi/ sao không bắt đầu lại thưở ban sơ/ thời trong veo áo trắng/ nụ cười trên môi chị giòn như nắng/…./ Suốt cuộc hành trình/ có ai dõi theo bóng chị/ chị ơi/ phía trước còn những điều rất mới…” (2, tr.81).
Trong Huyễn hoặc ngày em với những câu chuyện tình yêu mang những sắc màu của nỗi buồn phai phôi, nhưng cách viết/ thể hiện lại dịu dàng, đầy nữ tính. Dù là người phụ nữ hiện đại nhưng khi nghĩ về tình yêu, nhân vật trữ tình vẫn mang trong mình tâm thức truyền thống. Khi ấy, cái tôi trữ tình được yêu, giận hờn, lo lắng, đắm say cùng những cung bậc của tình yêu được trỗi nhịp: “Em hỏi vào chua chát xót xa/ hỏi vào rong rêu những điều được mất/ hỏi gió, hỏi mấy, hỏi trời, hỏi đất/ em như thế nào để được anh yêu???” (2, tr.57), “…, Anh có biết không/ ti – gôn “loài hoa vỡ”/ em muốn xóa tên nhưng không nỡ/ vẫn sợ xót đau bởi người cũ anh trồng/ cứ mặc cho cơn gió thoảng/ cho những cánh hoa phập phồng/ như thấu hiểu nỗi lòng…” (2, tr.85).
Tiếp xúc với Trần Nhã My, được biết chị là cô giáo dạy ngoại ngữ, tôi rất quý. Trông chị hiền lành, nhiệt tình nhưng ẩn sâu trong đôi mắt đẹp đẽ ấy, lại là một nỗi buồn, trông rất đỗi tự nhiên. Điều đó chẳng quan trọng để quy kết sự ảnh hưởng vào thơ của chị. Cái mà trong thơ của chị với nỗi buồn mang điểm nhìn của chiều kích không gian, của cuộc sống, cái buồn mang đến những khoảng lặng thuần khiết trong tầm hồn mới quan trọng. Qua nhân vật trữ tình, Trần Nhã My đã “Chất buồn lên mây”, để nỗi “buồn trèo lên cao chất ngất…” mà đi tìm lại bóng mình, “ôm lấy bóng mình tự dối bóng anh…” (2, tr.91). Nên nói Huyễn hoặc ngày em, nỗi buồn không trần trụi, giản đơn có thể nhìn thấy mà ta phải vận dụng mọi giác quan để cảm nhận, đồng điệu và cùng nhà thơ đi đến tận cùng xúc cảm là không ngoa.
Nhân vật trữ tình trong Huyễn hoặc ngày em không giấu diếm sự hạnh phúc, kể cả những giọt nước mắt lăn tràn trên đôi gò má khi người thứ ba xuất hiện. Nàng là người phụ nữ chân thật, thật với chính lòng mình, thật với tình yêu, thật với bản năng con người. Cái tôi ấy hết mình với những xúc cảm của bản thân, nàng chấp nhận nỗi đau vấp ngã để khẳng định tình yêu của mình dành cho chồng; dành người tình một cách trọn vẹn, không hề toan tính nghĩ suy – “cược hết vào anh”. Yêu, yêu hết mình, còn khi chia ly, nàng tự giải quyết mọi vấn đề, biến buồn thương thành chuyện giản đơn: “Một mình em/ đơn giản thôi/ ai bảo cuộc chia tay/ phải có hai” (2, tr.51]; “Bài cuộc chơi anh chơi cùng người mới/ vô địch rồi anh lên đỉnh vinh quang/ em một mình ôm quan tướng lang thang…” (2, tr.89); “Em chỉ biết/ người đàn bà đó cũng như em/ cũng ngang qua đời anh/ nhưng tất nhiên em không thích đồng hành…” (2, tr.77); “Thì anh ơi/ cho em một lần hờn giận/ một lần nữa thôi/ cho em hờn dỗi/ như ngày mình yêu nhau” (tr.73)
Mãnh liệt, nông nổi, nhưng lại mang chút gì vụng về, e ấp, ngây thơ, mơ mộng và duyên dáng đáng yêu: “Trên cầu Bến Đình nhìn về phía núi/ e ngỡ mình cô dâu mới/ anh cưới em về/ có dòng Vàm Cỏ se duyên” (2, tr.63) “Ngồi trên xe mơ màng chiến mã xích thố/ đường xa hóa gần ăn xén thời gian nói chuyện văn chương/ ngắn lại giấc mộng em hóa thành mỹ nữ/ thay đổi vận mệnh danh tướng là anh” (2, tr. 58). Với những điều này đã làm nên một cái tôi đầy nữ tính, đắm say cùng các cung bậc xúc cảm, đẫm đầy thương yêu, dẫn đến cái tôi mang nỗi buồn dịu nhẹ trong Huyễn hoặc ngày em là vậy!
Như nói trên, là phụ nữ, ai cũng muốn được chở che, nhỏ bé trong vòng tay một người đàn ông “chín chắn vững vàng; phong trần từng trải”. Nhưng ước mơ và hiện thực đôi khi như hai đường thẳng song song. Vậy nên, người phụ nữ trong Huyễn hoặc ngày em trở nên mạnh mẽ, quyết đoán bởi nàng đã tôi luyện qua cay đắng cuộc đời, từ đó tạo nên một cá tính riêng cho mình. “Rồi cũng phải tự mình đứng dậy/ em biết/ rồi cũng phải tự mình/ đứng dậy/ đón/ mùa xuân về doa dịu cơn đau em đông cứng/ Em ôm mình nghe tiếng thở trên lưng…”(2, tr.55). Từ những vấp ngã, từng nếm trải đã mài giũa cho người phụ nữ trong Huyễn hoặc ngày em có một tâm hồn góc cạnh, nhằm đáp trả sự phũ phàng và nghiệt ngã của cuộc sống để chứng tỏ rằng mình không hề yếu đuối, gục ngã dù bất cứ trong hoàn cảnh nào.
Cá tính của người phụ nữ trong Huyễn hoặc ngày em là biểu hiện của sự tự thể hiện. Người phụ nữ ấy tự thoát ra khỏi những chuẩn mực thông thường để thể hiện cái tôi riêng biệt và mạnh mẽ của cá nhân mình. Cũng chính ở cá tính, người phụ nữ trong Huyễn hoặc ngày em đã thể hiện rõ phái tính của mình, ý thức về mình và phái mình, từ đó người đọc thấu cảm những góc khuất tâm hồn của người phụ nữ; rồi trân quí hơn, khẳng định vị thế, vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại. Đây cũng một giá trị nhân văn, một thông điệp nhân sinh quan ẩn chứa trong Huyễn hoặc ngày em của Trần Nhã My, như một ý thức về những vẻ đẹp phái tính.
Bên cạnh đó, ý thức về tình yêu đôi lứa giống như sợi chỉ xanh cứ óng ánh trong Huyễn hoặc ngày em. Tình yêu là thứ tình cảm hấp dẫn số một của con người, nên “Làm sao sống được mà không yêu” (Xuân Diệu). Giống như phái nam, trong tình yêu đôi lứa, phái nữ cũng yêu, cũng trải qua những xúc cảm yêu đương cuồng nhiệt. Và khi đi vào thơ ca, những nhà thơ nữ, họ đã thổ lộ sự rung động tâm tư, xúc cảm sâu sắc của phái tính nữ; họ bộc lộ khát vọng yêu thương, cháy bỏng của mình. Bên nét nhẹ nhàng, dịu dàng đầy nữ tính, các nhà thơ nữ hiện đại nói chung, Trần Nhã My nói riêng, đã dám khẳng định sự yêu của mình một cách trực tiếp, không hề né tránh, kiểu “Em yêu anh cuồng điên/… Em chờ anh mãi” (Vi Thùy Linh), với một phong vị riêng tư. “…Bữa nào không anh/ em lù mù lờ mờ/ với đôi mắt mỏi/ mọi thứ xung quanh ảo ảnh, nhạt nhòa…” (2, tr.68) “Anh nợ/ đã nợ em hè phố chiều sánh đôi/  bao bài thơ cũng chưa dỗ được em hờn dỗi/ nợ cái nắm tay anh nói “chết em rồi”” (2, tr.35); “Những con chữ em viết/ chỉ một người thôi/ người ấy đâu đố ai mà biết được/ như một lời thách cuộc “Đi tìm lá diêu bông”” (2, tr.23). Với cách yêuriêng, nhưng Trần Nhã My vẫn thắp lên được niềm tin về sự viên mãn, tròn đầy trong tình yêu cho nhân vật trữ tình của mình: “bởi không chịu có ngày anh dần xa”; “Còn ai ngoài anh nữa/ người tìm thấy diu bông”.
Tình yêu không chỉ mang đến sự hạnh phúc mà còn gieo cho con người ta nhiều khổ đau, không kém phần. Bởi thế, hạnh phúc và khổ đau như hai đường thẳng song song trong tình yêu đôi lứa. Dù có trăm ngàn lý do để con người ta cảm thấy hạnh phúc, gắn kết với nhau nhưng cũng có trăm ngàn lý do khác nhau dẫn đến tình yêu tan vỡ, chia lìa đôi người hai ngã. Với Huyễn hoặc ngày em, khi tình yêu tan vỡ, người thứ ba là nguyên nhân nhân vật trữ tình nữ nghĩ đến đầu tiên, “dù có những cái vỡ khác/ rất khác”; “Mỗi khi nhớ đến anh là em thấy ngay người đàn bà đó/người đàn bà lấp ló/ bởi người nào thì em không rõ” (2, tr.77); “Đêm qua anh ngủ trong giấc mơ em/ tất cả đều quen/ chỉ thêm/ người đàn bà lạ” (2, tr.49).
Khi yêu, người phụ nữ trong Huyễn hoặc ngày em hoàn toàn đặt niềm tin và tình cảm của mình vào đối phương. Nàng tin yêu hết lòng, luôn cố gắng quan tâm, sẵn lòng chăm sóc đối phương, không toan tính nghĩ suy. “Em hỏi anh về tương lai dự tính/… em chỉ hờn “không biết bao giờ anh giác ngộ”” (9, tr.79); “Cơm canh đây em nấu một mình/ ăn một mình khi đã nguội ngắt ngơ” (2, tr.17); “Em không nghĩ tình yêu là trận chiến/ vô tư lắm không hề toan tính”(2, tr.88). Yêu, yêu mãnh liệt, chân thành, đầm thắm nhưng khi bị một vết thương phản bội cứa cắt, thì nàng lìa, lìa xa, chẳng u hoài dù chỉ là cái ngoái nhìn: “Đã đi/ xin anh hãy thật thà với người ta/ đã chọn rồi cứ thẳng lối mà bước/ đừng ngoái nhìn chi nữa”(2, tr.44); “Không còn gì để nói với nhau/ một chữ cũng không/ dẫu dối” (2, tr.66). Dù không làm gì sai, nhưng “anh” đã tước đi cái quyền yêu thương, đẩy nàng vào vai một người tuyên án cho tội lỗi mà “anh” đã gây, bắt buộc nàng phải lựa chọn sự mạnh mẽ của bản thân; “block” bỏ tình yêu mà nàng tưởng chừng như không thể sống thiếu.
Tuy nhiên, nhân vật trữ tình trong Huyễn hoặc ngày em dù đau, dù hận, nhưng tấm lòng vị tha của nàng vẫn ngân vang như một bản hợp xướng tuyệt vời, dẫn dụ người thưởng thức. Với nàng, người thứ ba không hề có lỗi, lỗi là người trong cuộc không đủ tinh tường trước những cám dỗ của tình yêu. Nên khi ngọn lửa tình tàn lụi, người đàn ông không còn hướng về mình nữa, nhưng nàng vẫn “xin anh hãy thật thà với người ta”. Điều đó cho thấy sự trưởng thành trong tình yêu, trong suy nghĩ, một cách hành xử nhân văn, cao thượng. Với nàng, hạnh phúc là yêu chứ không phải hận thù; đời rất dài, chẳng có ai là người chiến thắng mãi mãi, bởi khi ta cố vun vén một tình yêu vào một người dễ dàng thay đổi thì sớm muôn gì cũng phải chuốt lấy sự đổi thay. Và, có thể nói, đây cũng là một đặc điểm thể hiện rõ cá tính của những người phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ và quyết đoán, ngang tàng dù phải đối diện với những nỗi buồn tê tái, sầu tím ruột gan.
Ngay trong cuộc sống, phái nữ cũng có nhiều điểm nhìn riêng biệt mang đậm màu sắc giới. Với họ, cái tôi công dân giữa phái nam – phái nữ cần bình đẳng với nhau. Người phụ nữ hiện đại phải vượt ra khỏi những tình cảm cá nhân, vươn ra ngoài xã hội, có một điểm nhìn độc lập, việc nước việc nhà với họ phải song hành cùng nhau. Và đó, cũng là tâm tình của nhân vật trữ tình trong Huyễn hoặc ngày em. Nàng đã thể hiện góc nhìn của mình về cuộc sống độc lập –  tự do – hạnh phúc của hôm nay với lòng tri ân cha ông, những người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bằng cách tôi công dân đầy trách nhiệm, nhân vật trữ tình nghe cả “Gió đồng bưng rì rào kể chuyện” (2, tr.60) về những chiến sỹ mượn tán rừng trú ẩn ở gò Trao Trảo, năm 1973, đã hy sinh oan ức bởi kẻ săn chim. Tri ân không chỉ là lời nói, mà phải hành động, phần việc rõ ràng cho thế hệ trẻ: “Thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước/ ngày không xa/ chim trao trảo bay về”. Nàng cũng thấy lòng mình phơi phới trước sự thay da đổi thịt của quê hương: “Cầu Bến Đình đẩy những chuyến phà trôi vào quá khứ/… nắng Tây Ninh chói rạng từng trang / những áng mây trên bưng trêu từng khóm lúa/… “Quê anh ấy!” Anh tự hào dang rộng đôi tay/ muốn ôm cả ruộng lúa chín vàng Muốn choàng hết Cẩm Giang”(2, tr.63); “cả xứ rộn ràng mùa trẩy hội/  đá trắng sóng đôi thức dậy vạn linh hồn” (2, tr.64).
Sự giải phóng trong ý thức về bản thân, tình yêu cũng như sự ý thức về cuộc sống là những biểu hiện góp phần thể hiện ý thức phái tính trong Huyễn hoặc ngày em của Trần Nhã My. Vô tình hoặc hữu ý, trong Huyễn hoặc ngày em, Trần Nhã My xây dựng nên thế giới nghệ thuật của mình bằng những biểu tượng mang đặc trưng riêng của phái nữ. Người đọc nhiều lần bắt gặp sự xuất hiện, lặp đi lặp lại của các biểu tượng nước, đất và màn đêm trong Huyễn hoặc ngày em.
Trong thơ ca, biểu tượng đất có rất nhiều biến thể: Cánh đồng, khu vườn với cây trái, hay hình ảnh những con đường… Với Huyễn hoặc ngày em cũng thế, đất với những biến thể riêng qua cách nhìn của Trần Nhã My: “một thiên đường cò bay cánh mỏi/ ghé xuồng đồng chiều thủ thỉ với đàn trâu” (2, tr.25), “Đưa em lên biên giới nữa nhé anh/ qua cửa khẩu cho em nìn quanh/ ngơ ngác anh/ ngơ ngác em miền đất lạ” (2, tr.42); “Anh kể/ cô gái và chàng trai/ dắt tay nhau qua cánh đồng ngập gió/ ở đó/ họ đánh rơi câu chuyện cổ tích trên đám cỏ may” (2, tr.30); “Ngày em đến ti – gôn đã leo tràn bờ dậu/ xõa xuống cỏ xanh rực rỡ khoe màu…” (2, tr.84). Bên cạnh đó, biểu tượng nước trong Huyễn hoặc ngày em cũng có những biến thể: Dòng sông, cơn mưa, biển cả… “Dắt em về với sông Lô/ đêm tỉnh lặng/ nghe rõ từng nhịp thở…” (2, tr.39), “… em không làm sóng nữa đâu!”(2, tr.45); “ngắm hoa trôi giữ dòng Vàm Cỏ lung linh in hình hai đứa” (2, tr.62).
Nổi bật nhất, màn đêm vẫn là biểu tượng xuất hiện với tần số dày đặc trong tập thơ cũng như ở mỗi bài thơ: Anh không về trong giấc mơ em; Anh không về nữa bao giờ; Chất buồn lên mây; Cung đàn hoang; Đêm sông Lô; Em về với biển; Giấc mơ lạ; Phía ấy cũn không anh… Màn đêm chứa đựng tất cả những khả năng tiềm tàng của cuộc đời. Với đặc trưng bí ẩn của màn đêm – đêm thường xuất hiện trong Huyễn hoặc ngày em tượng trưng cho bản tính của nhân vật nữ trữ tình và làm không gian, thời gian cho những khát khao bản năng ở người phụ nữ ấy được bộc lộ một cách vẹn nguyên, kiểu dù đi xa đến mấy, thì bản năng nữ tính vẫn không quên mục đích xuất phát ban đầu như thiên phú! Qua đó, cái tôi trữ tình của nhà thơ có dịp giãi bày, bộc lộ, cật vấn, chất vấn chính mình với muôn vàn câu hỏi trước “Cuộc đời như một sát na” (Người đi tìm huyệt một).
Với nhu cầu giải phóng bản thân, không cho phép bó mình trong những nề nếp của thể thức thơ. Vậy nên, Trần Nhã My đã tìm đến với thể thơ tự do với nhiều biến thể khác nhau để khẳng định cái tôi bản thể không trùng lặp của mình, nhằm “hướng nó về lí tưởng, là cái cầu nối giữa vô thức và hữu thức” (4, tr.136). TrongHuyễn hoặc ngày em của Trần Nhã My, cái tự do ở chất lượng biểu đạt chứ không phải tự do ở hình thức với lượng câu chữ ngắn dài khác nhau, tức là lượng đổi nhưng chất không đổi. Tuy nhiên, cái chất trong từng câu, từng bài thơ giống như sự chuyển động của electron trong nguyên tử vậy. Mỗi electron có một mứcnăng lượng xác định, cũng như từng câu, từng bài thơ trong Huyễn hoặc ngày em mang sự tái sinh cho tâm hồn bởi ngôn từ. Nhưng trước hết, chúng ta thấy cái hình thức tự do quyết định nội dung, đó là việc Trần Nhã My sử dụng thủ pháp ngắt dòng để tạo nên những câu thơ dài ngắn khác nhau: “Đêm sông Lô/ vắng lặng/ chập chờn ánh đèn hiu hắt/ không rõ em/ không rõ anh/ người quen hay khách lạ/ sông ru lòng bản giao hưởng của đêm” (2, tr.39); “Như tên trộm không mỏi/ quyết liệt/ từng đêm/ tim lôi đầu…/ Từng đêm/ tim/ như tên trộm/ lôi ngược đầu về phía biển/ Cứ ngỡ rằng phía ấy/ … có anh” (2, tr.87).
Trần Nhã My đã bỏ giới từ, liên từ, và cả chủ ngữ nhằm làm nên hiệu quả cho những câu thơ được ngắt dòng mang một âm hưởng vang vội. Những dòng thơ đứt đoạn, giống như một nhát cắt của ánh nhìn sắc nhọn, như những mảnh vỡ ngổn ngang của không gian ùa ập vào tâm hồn nhân vật trữ tình. Bài thơ Đừng ngoái nhìn chi nữa đã sử dụng hiệu quả thủ pháp ngắt dòng. “Đã đi/ xin anh hãy thật thà với người ta/ đã chọn rồi/ cứ thẳng lối mà bước/ đừng ngoái nhìn chi nữa”, từng câu thơ cất lên ngắn gọn, dứt khoát, mang trong nó sức nặng của những ý nghĩ gãy đoạn ngổn ngang trôi về ào ạt bởi những mảnh vỡ bị đè nặng trong ý nghĩ của cái tôi trữ tình. Đôi khi, người đọc có cảm giác trong mỗi câu thơ của Trần Nhã My là một chuỗi dài suy nghĩ của cái tôi đầy nhạy cảm: “Em cược tháng Chín ngọn lúa vàng nặng trĩu/ Vàm Cỏ mát xanh trong điệu Lý chiều chiều/ bên mái chèo có áo bà ba màu bông súng tím/ đám vịt chạy đồng qua vạt nắng liêu xiêu…” (2, tr.34). Bằng sự dài ngắn khác nhau trong thơ, khiến ý thức cá tính của Trần Nhã My có “đất sống”, chị được thỏa sức tung bút xúc cảm, tâm tình của mình trong từng vần thơ tròn căng. Vậy nên, đây là yếu tố thuận lợi cho phép chị mang những bộn bề của cuộc sống, kể cả những ngổn ngang trong suy tư, trăn trở với lời cật vấn, chất vấn vào thơ, mà cụ thể là những câu thơ có chứa dấu (…), (?), (!), cả câu cầu khiến, được minh xác và đậm đà hơn.
Để trở thành “gương mặt đong đầy mưa nắng” cho phái tính trong thơ của mình, Trần Nhã My đã sử giọng điệu nhẹ nhàng thủ thỉ, tha thiết tâm tình. Lời thơ như lời tâm sự của người phụ nữ về cuộc đời, về thân phận, là lời nhắn nhủ nhẹ nhàng mà thấm thía, sâu cay. Chính với giọng điệu này, đã góp phần thể hiện cái tôi trữ tình nữ tính và phẩm hạnh của nhân vật trữ tình trong thơ của Trần Nhã My. Huyễn hoặc ngày em, còn mang tới một vẻ đẹp rất dịu hiền, thấp thoáng có cái gì đó như một lời ru, một bài ca dao, như một tứ thơ lục bát: “Lâu lắm rồi em không về với biển/ nghe cồn cào sống dội nhớ vào đêm/ nghe thì thầm biển muốn nói gì thêm…” (2, tr.84). Đôi khi, khi viết về tình yêu tan vỡ, Trần Nhã My dùng giọng điệu tâm tình và xót xa bởi nhân vật trữ tình “em” của mình. “Sợi se buồn luồn từng kí tự/ phơi vào đêm/ lồng lộng vết đau/ chồng chất lên nhau…” (2, tr.21). Cũng có khi, Huyễn hoặc ngày em có những bài thơ mang một chút bâng khuâng buồn, một chút gì nũng nịu, trách móc rất đáng yêu và đầy nữ tính bởi nhân vật trữ tình. Để rồi có những dòng thơ thấm đẫm vào lòng người đọc một cách huyễn hoặc, “nâng con người lên cao hơn tồn tại trực tiếp” (Trần Đình Sử).
Song song đó, người đọc còn bắt gặp trong Huyện hoặc ngày em với giọng điệu sôi nổi, mạnh mẽ. Đứng trước cuộc sống dập dềnh, thông qua nhân vật trữ tình, Trần Nhã My tạo cho mình một điểm nhìn riêng, một thái độ riêng. Qua đó, khẳng định một cái tôi riêng tư, bản lĩnh nhằm chống đỡ, vượt lên những trái ngang nghịch cảnh của cuộc đời. Ví như, đứng trước khu Di tích gò Trao Trảo, nhân vật trữ tình sử dụng giọng rắn rỏi, mạnh mẽ để ca ngợi sự hy sinh của các anh hùng: “Những người lính trẻ/ cùng một ngày giỗ, không biết ngày sinh/ tay anh ở gốc cây tràm/ chân ruộng lúa/ tâm hồn anh vút mãi trời cao…” (2, tr.61). Qua sự rắn rỏi, mạnh mẽ, chân thật, đã toát lên “lý tưởng thẩm mỹ của chủ nghĩa nhân đạo cao cả” (Bùi Công Hùng). Trần Nhã My còn dùng giọng điệu mạnh mẽ, quyết liệt để nói về sự thay lòng đổi dạ của đối phương, cũng những sự cứng cỏi tiềm tàng trong cách hành xử ở mỗi người phụ nữ khi tình yêu gãy đổ: “Khi không còn gì để nói với nhau/ một chữ cũng không/ dẫu dối/ Đành thôi/ người ạ/ mình như kẻ lạ” (2, tr.67).
Tuy nhiên, ý thức phái tính nữ, và những đặc trưng nghệ thuật của nó góp phần tạo nên, ta cũng cần nói đến yếu tố ngôn ngữ, xem như một chất xúc tác, có khả năng xảy ra phản ứng hóa học cao. Trong Huyễn hoặc ngày em, Trần Nhã My đã sử dụng ngôn ngữ dịu dàng đầy thiên tính nữ làm phương tiện bộc cái tôi trữ tình. Tuy nhiên, với những “ung thư tại chỗ những biểu mô yêu thương quá khứ chùng như di căn sắp sửa/ oằn lưng quang gánh lủ khủ những khóc cười xưa cũ” (2, tr.15); “nuốt không trôi hệt như đang dùng cao ngựa”; “lồng lộng vết dau/ chồng chất lên nhau” (2, tr.21)… tạo ra nhiều góc cạnh cho thơ. Từ đó, Huyễn hoặc ngày em, cho thấy nhà thơ cũng đã sử dụng những ngôn ngữ phá cách và táo bạo, tạo nên sức nặng, nghĩa mờ cũng như tính hàm ngôn cho thơ. Với việc dùng ngôn ngữ táo bạo, mạnh mẽ, đây cũng là một cách để Trần Nhã My giải thoát cho cái tôi cá nhân hướng đến cái ta phổ quát, nhằm “nâng tâm sự một con người” (Hữu Thỉnh) với ý thức phái tính của mình.
Từ những đặc trưng nghệ thuật thơ trong Huyễn hoặc ngày em trên một số phương diện: Hệ thống biểu tượng, thể thơ, giọng điệu; cũng như những biểu hiện về ý thức phái tính, ta có thể thấy Trần Nhã My đã “đào sâu hơn về cõi người, cõi đời” (Phong Lê) để hướng đến hệ quy chiếu đẫm đầy giá trị nhân văn, “góp phần cải tạo thế giới bằng thơ” (Huy Cận). Huyễn hoặc ngày em đã góp phần tạo ra một diện mạo mới cho thơ ca nữ đương đại Nam bộ giàu sắc điệu và đa thanh hơn. Và Huyễn hoặc ngày em, với tôi giống như một trái thơm, đầu đội vương miên, với dáng đứng hiên ngang. Dù nó có dáng vẻ bên ngoài gai góc, nhưng ẩn chứa bên trong những dư vị ngọt ngào và đầy huyễn hoặc, ru ca.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Lâm Điền – Trần Văn Minh, Chuyên đề Đổi mới văn học Việt Nam sau 1975, ĐH Cần Thơ.
2. Trần Nhã My, Huyễn hoặc ngày em, Nxb Hội Nhà văn, 2017.
3. Bùi Công Hùng, Sự cách tân của thơ văn Việt Nam hiện đại, Nxb Văn hóa – Thông tin Hà Nội, 2008.
4. Trần Đình Sử, Lý luận và phê bình văn hoc, Nxb Giáo dục, 2008.
5. https://vanhien.vn/.
6/5/2021
Cao Minh Tèo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thẻ nhớ vô tri

Thẻ nhớ vô tri Anh bạn thẻ nhớ từ ngày mua về đến giờ, cứ bị nhốt suốt trong máy ảnh, hôm nay mới được ra ngoài, tung tảy, tự mình nhìn ng...