Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Cái lạ trong thơ Trần Lê Khánh

Cái lạ trong thơ Trần Lê Khánh

Đọc thơ Trần Lê Khánh tôi có suy nghĩ là tôi và anh đang chơi với nhau một ván cờ mà các ma trận ngôn ngữ của anh đã dự đoán vài nước trước tôi. Đã nhiều lần tôi gõ cửa mà chỉ bắt gặp một ít, rất mong manh trong tâm hồn anh…
Dòng chảy thi ca của dân tộc ta đã vượt qua hành trình thăm thẳm những thăng trầm, bởi ảnh hưởng của các tư tưởng Đông Tây kim cổ, mà điểm nhấn là các cuộc cách mạng thi ca, giằng co, hờn dỗi, bút chiến, trong thời gian khá dài giữa cái mới và cái cũ, giữa bảo thủ và đổi mới, giữa truyền thồng và hiện đại. Thế rồi cũ mới đã tiếp nhận nhau, khách quan mà nhường chổ, mà kết nối. Tất cả rồi chung cuộc ta đã có một dòng chảy thơ Việt Nam, uyển chuyển, từ ngàn xưa mà tôi tin rằng sẽ đến mai sau.
Hôm nay, trong hoàn cảnh đất nước thanh bình, những cởi mở tự do trong thi ca, ảnh hưởng tư tưởng thế giới tràn vào theo những bước tiến văn minh nhân loại, điều kiện tiếp nhận thông tin vô cùng thuận lợi, đã mở ra một tương lai mênh mông cho thơ. Có lẽ để gạn lọc, chiết xuất cho ra một chặng đường mới cho thơ Việt hôm nay mà đất nước ta càng ngày càng xuất hiện nhiều nhà thơ, nhiều thế hệ nối kết. Có nhiều nhà thơ thế hệ trước không chịu dừng chân mà luôn làm mới mình. Có những người viết trẻ lại thổi hồn hiện đại vào truyền thống, kết nối đổi mới trên nền tảng của văn hóa Việt, trong đó có Trần Lê khánh.
Đọc thơ Trần Lê Khánh tôi có suy nghĩ là tôi và anh đang chơi với nhau một ván cờ mà các ma trận ngôn ngữ của anh đã dự đoán vài nước trước tôi. Đã nhiều lần tôi gõ cửa mà chỉ bắt gặp một ít, rất mong manh trong tâm hồn anh. Về hình thức, anh nặng về thơ không vần, những bài thơ ngắn, tính khái quát cao, mượn muôn việc để nói một việc, mượn muôn điều để nói một điều, có lẽ vì vậy mà đòi hỏi ở người đọc phải có thời gian, phải đau đầu, trong quá trình cảm nhận: Ví dụ trong bài “Khi bóng lên ngôi” anh viết:
Biển bước chân lên cát nắng/ đi mãi không đến được nơi/ rách tươm đôi giày trắng/ đổ mồ hôi thay áo ngàn đời/ bầy tiên cá xuống biển bơi/ hóa thân về mấy phương trời/ mắc cạn nơi cơn gió lặng/ biển thành dãy núi đứng chơi/ trời cao đánh rớt thế gian/ mộng du lớp lớp thiên đàng/ lần tay tìm loài cây cỏ/ dấu chân mây trắng lang thang/ người dọ dẫm chốn hư vô/ thiên thai ngàn mé điên rồ/ bỏ sau lưng bước không tới/ khi ngàn lần bóng lên ngôi.
Ở đây có cách rớt câu, mà anh vẫn chuyển được ý, tạo ra tính chuyền điện của câu, khi đọc lên tuy ta chưa hiểu được gì nhưng nghe nó thích thích rồi đọc vài lần thì ấn tượng. Cách viết những chữ đầu câu không viết hoa, và toàn bài, nhiều bài trong tập đều như thế, phải chăng anh muốn giãn ý, để rõ từ, hay là để ấn tượng câu thơ đẹp chăng? Cách viết này tôi cũng đã thấy trong bài “Phục sinh” của Thanh Tâm Tuyền, “Thì đi về phía biển” của Nguyễn Xuân Thiệp, “Bậc thang” của Khế Iêm hay trong “Linh mục” của Nguyễn Tất Nhiên, vân vân. Tuy nhiên, mỗi bài anh viết không dài, tính khái quát cao làm cho ta dễ cảm nhận. Ở đây anh đã dùng nhiều hình tượng lạ như: Biển bước chân lên cát nắng, mồ hôi thay áo, cơn gió mắc cạn, dấu chân mây trắng, anh đã thông minh và khôn khéo trong nhân cách hóa mở hồn mình cho thiên nhiên ùa vào, nói như cách nói của nhà thơ Thanh Tùng, chính anh đã cùng thiên nhiên để giải mã phận người.
Với một thi pháp mới mẻ anh đã đưa vào cái mênh mông không bao giờ lấp được của phận người, những câu thơ ngắn gọn mà hàm súc triết lý “lão tiều phu/ chiều chiều/ vung búa bổ vào bóng mình/ đã tám vạn bốn ngàn lẻ tịch lần/ bó chặt từng cái bóng/ nhiều bó nặng/ gánh về đâu” trong bài “Chẻ củi” tôi nghĩ đây là bài thơ hay, giàu chất thơ và chất nhạc.
Trong bài “Trái tim kiến cắn” anh viết: “con kiến lạc đàn/ áp tai vào đất/ tìm bước chân của bầy đàn/ rầm rập đêm thâu, đây là khổ 1 và khổ 2. Con kiến vàng / lưng quằn hạt gạo/ bước chân lao xao tìm đàn/ lạc vào trái tim em/ trái tim kiến cắn”. Anh thể hiện cái chuyện hóc hiểm bây giờ mà lại âm điệu truyền thống qua thể đồng dao làm cho ta thích đọc và nhanh nhớ. Cái tứ thơ này lạ quá tôi rất ấn tượng. Tính nối kết trong tâm hồn anh rất thấm đậm, anh đã dùng thể lục bát mà nối lên cái đa đoan, cái phức tạp của thời hiên đại mà chỉ có thể thơ mới, mới nói hết được. Đây chính là cái thông minh, cái tri thức tính kết nối mà không dễ nhà thơ trẻ nào cũng có được.
 “Người là ngọn bút thiên thanh/ Quẹt lên một vệt an lành màu tôi”. Màu tôi trong thơ có lẽ chưa ai dùng đây là cái lạ, lâu nay tôi chỉ nghe các nhà thơ trẻ dùng “miền em”. Anh viết: “hàng cây từ thuở đứng im/em về phố cũ rêu tìm cánh bay/ gió ru chiếc lá trên tay/ bỏ rơi giọt nắng cay cay mắt buồn…/ Chân trời gần đúng ở xa/ thôi em đừng có thiết tha làm gì/ Hàng cây từ thuở em đi/ rêu phong hóa cánh thiên đi tìm bầy/ bây giờ phủ kín nơi đây/ ngày về cọng rễ trật trầy thêm sâu” trong bài “Ngày về” của mây. Lục bát như vậy theo tôi là nhuần nhuyễn, nói chuyện hiện đại lồng trong hình thức truyền thống, nhẹ nhàng bóng bẩy, mà thâm sâu đến mê sảng tôi thích quá câu thơ “chân trời gần đúng ở xa”. Đọc bài này tôi hơi nhớ Bùi Gáng, phải chăng trong Bùi Tiên sinh đã phảng phất cái mê sảng của thời hiện đại. Mê sảng trong thơ không phải dễ gì ai cũng có được, đó là vắt kiệt sức mình cho thơ.
Tôi tin rằng những cái lạ trong Trần Lê Khánh sẽ là những cái hay nếu anh dày công hơn nữa. Tuy nhiên Trần Lê Khánh còn có nơi vụng về, dễ dãi, hay dùng nhiều từ cổ như: sầu, hiu hiu, nhưng anh đã biết đặt chúng đúng vị trí đây cũng là cân não của anh. Tôi không thể nói hết những điều phải nói cho thơ Trần Lê Khánh trong cái mới lạ này. Tôi tin thơ anh còn khởi sắc nhiều hơn trên hành trình phía trước.
21/11/2019
Xuân Trường
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...