Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Truyện ngắn Nam Cao với phương thức cấu trúc số phận nhân vật

Truyện ngắn Nam Cao với phương thức
cấu trúc số phận nhân vật

Mỗi truyện ngắn Nam Cao là một chỉnh thể nghệ thuật, là một bộ phận trong cả hệ thống chung. Nếu đồng thời đọc các truyện ngắn của Nam Cao ta cảm thấy chúng na ná nhau. Nhưng đọc riêng mỗi truyện lại có một vẻ không dễ gì lẫn lộn. Nam Cao đã xây dựng truyện ngắn của mình như thế để có được cả cái riêng lẫn cái chung ấy.
Nam Cao có phương thức cấu trúc riêng khi xây dựng các truyện ngắn của mình. Bởi thế đặt trong mối tương quan của cấu trúc thể loại, truyện ngắn Nam Cao có nhiều nét khác lạ. Trong quan niệm thông thường của lý luận văn học và kinh nghiệm sáng tác, truyện ngắn thường chứa đựng trong đó một sự kiện, một hành động. Phương thức tổ chức truyện ngắn của Nam Cao thường đi ra ngoài khuôn khổ quen thuộc hay ít ra cũng là biến dạng triệt để khuôn mẫu. Truyện của ông thường ít có cốt truyện hiểu theo nghĩa thông thường, nhưng lại luôn luôn có sự vận động bên trong tạo thành một kiểu cốt truyện của riêng Nam Cao.
Để thực hiện ý đồ nghệ thuật và biểu hiện thích hợp với nội dung tư tưởng của truyện, Nam Cao đã cấu trúc các truyện của mình chủ yếu theo phương thức như cấu trúc theo số phận, theo tâm lý nhân vật, theo một chủ đề, một tính cách… Trong bài viết này chỉ đề cập đến phương thức cấu trúc theo số phận nhân vật.
Nhằm làm nổi rõ số phận nhân vật, khá nhiều truyện ngắn Nam Cao được cấu trúc theo phương thức này. Có câu truyện thường nương theo trục diễn biến của thời gian, dõi theo cả cuộc đời nhân vật hoặc một chặng đường dài của đời. Đó là phương thức cấu trúc của truyện: Ở hiền, Dì Hảo, Điếu văn, Một bữa no, Từ ngày mẹ chết, Chí Phèo, Mẫu Đơn, Tư cách mõ… Những cuộc đời được miêu tả trong câu chuyện này, dù đa dạng như cuộc sống hiện thực nhưng vẫn có gì đó giống nhau: Nghèo đói, hiu hắt, ngày càng trĩu xuống trong khổ sở, khốn cùng. Một màu xám mờ như bao phủ lên số phận nhân vật. Với phương thức cấu trúc này, Nam Cao làm rõ nét, tô đậm đồ thị đi xuống của mọi số phận người nông dân bị bần cùng hóa mỗi ngày một thêm thảm khốc. Nam Cao truyền đạt thật rõ ràng và sâu sắc sự quan sát này, cái ấn tượng chung về hiện thực tàn nhẫn đang náu mình trong những ngôi nhà gianh lụp xụp sau lũy tre làng trong màn đêm dày đặc bao phủ đời sống thôn quê, biết bao số phận như những đốm lửa le lói cứ kiệt dần đi và tàn lụi. Cuộc đời của Dì Hảo là như thế. Con của một người đàn bà nghèo bán bánh đúc, chưa kịp khôn lớn thì bị bán đi làm con nuôi cho đỡ một miệng ăn trong nhà và có thêm vài đồng bạc để “sang áo” cho bố. Rồi Dì Hảo về nhà chồng vào một buổi chiều có sương bay, bắt đầu cuộc đời là vợ, và thực ra là làm thuê nuôi một người chồng rượu chè, thô lỗ. Dì đẻ con, con chết, còn dì thì tê liệt. Người chồng rước vợ bé về, chúng trêu ghẹo trước mắt dì, còn dì vẫn cắn răng nhịn nhục. Tối chúng lục đục kéo nhau đi. Người chồng về, rượu say, chửi đời, chửi số kiếp rồi lại đi, không biết đi đâu – Dì Hảo đã khóc bao đêm, bao nhiêu lần trong đời, khóc đến thổ ra nước mắt. Rồi thì dì nghĩ “phải, nhẫn lại là hơn, nếu hắn không về thì cũng thế” và “nếu hắn cứ ở nhà thì cũng thế”. Cũng tương tự như số phận của Dì Hảo là cuộc đời của Nhu trong Ở hiền.
Trong những truyện ngắn miêu tả số phận này, không có nút mâu thuẫn nào – truyện có tình huống nhưng không có hành động bởi vì nhân vật không hành động cứ xuôi tay mà lụi đi. Tình huống như chỉ diễn ra phía ngoài, chung quanh một nhân vật thầm lặng nhịn nhục như một cái bóng có chăng họ chỉ biết lấy những giọt nước mắt làm vợi bớt nỗi đau. Chính nhà văn cũng phải ngậm ngùi chán ngán cho thân phận họ “câu chuyện còn khá dài dòng. Nhưng kéo dài ra để làm gì?”. Có thể kể tường tận cuộc đời làm vợ của Nhu thì cũng chỉ thế mà thôi – Người thì ở chỗ nào chả là người! Mà cuộc đời thì ở bất cứ cảnh nào cũng chảy trôi theo những định luật chưa bao giờ lay chuyển được (Ở hiền).
Ngay trong phương thức cấu trúc làm nổi rõ số phận nhân vật, ngòi bút Nam cao thể hiện khả năng dựng truyện, dẫn truyện phong phú với bao nhiêu kiểu cấu trúc đa dạng – như sự đa dạng của chính cuộc sống. Trong dòng đời ấy, trong những số kiếp người lầm than, có bao nhiêu là cách tàn lụi, có bao nhiêu là kiểu kết thúc thảm thương. Nam Cao chú ý miêu tả chặng cuối, hoặc ít ra là chặng thê thảm nhất của nhân vật trong suốt cả cuộc đời vốn chất chồng đầy nỗi khổ đau. Đó là hậu quả của một quá trình bần cùng hóa khắc nghiệt và gấp rút bám riết lấy số phận nhân vật, đưa đến li tán, đến bơ vơ và hơn nữa, đưa đến chấm hết cái chết. Cảnh “một đám cưới” thực ra chỉ cố một cách chia bớt miệng ăn, một cảnh xẻ đàn tan nghé (Một đám cưới). Một người mẹ nghèo chết đi, vì tiếp sau đó là sự tan nát dần của cái gia đình còn lại (Từ ngày mẹ chết).
Trong hệ thống các truyện ngắn của Nam Cao, trước hết là số phận viết về người nông dân, nhà văn cho ta thấy nhiều số phận kết thúc bằng cái chết thảm, chết oan ức, chết đau đớn… Đấy là số phận của anh Đĩ Chuột trong Nghèo của Lang Rận, Lão Hạc, Chí Phèo (trong những truyện ngắn cùng tên). Cuối đời anh Phúc trong Điếu văn có chút gì là sung sướng. Cả cuộc đời bắt cái thân xác ốm đau của mình phải làm việc để cuối cùng, bệnh hen kinh niên phát ra dữ dội, giết chết anh. Và anh chết trong vật vã, trong cô đơn, trong sự chán nản cho số kiếp, bỏ lại hai đứa con thơ và một người vợ trẻ sẵn sàng đi tìm những thú vui khác… Bà Cái đã chịu khổ, chịu đói suốt cuộc đời, không còn cái gì kiếm ra miếng ăn, đói lả đi, bà tìm đến xin một bữa ăn ở nhà chủ mà cháu bà đang làm thuê làm mướn. Cái dạ dày nhịn đói lâu quá không chịu nổi “một bữa no” ấy, bà đau đến quằn quại thêm nửa tháng giời rồi chết (Một bữa no).
Trong truyện ngắn Nam Cao, gần như không có cách kết thúc “có hậu”. Quy luật khắc nghiệt của cuộc sống và tính hiện thực chủ nghĩa nghiêm ngặt của ngòi bút Nam Cao thể hiện rõ trong những truyện ngắn miêu tả cái kết thúc bi thảm của số phận người nông dân nghèo khổ. Đặt trong kết thúc ấy bên nhau, chúng kết liền thành hệ thống, nổi lên thành vấn đề: Xã hội thực dân phong kiến đang dồn họ – qua từng chặng bần cùng hóa – tha hóa xuống cái hố sâu thẳm của diệt vong.
Miêu tả dòng đời âm thầm, bình lặng, ngày một đi xuống của các nhân vật Nam Cao chú ý đến những thời điểm mà nhân vật cố gắng vượt lên cựa quậy, làm một cái gì đấy để chống lại sức níu kéo của hoàn cảnh, tìm cách thoát khỏi thân phận. Trên cái dòng bằng phẳng của cấu trúc truyện, bỗng đột khởi một sự kiện, lóe lên một tia hy vọng, để rồi sau đó nhân vật lại rơi vào hoàn cảnh cũ, lại trở lại nguyên trong trạng thái phận mình.
Anh Cu Thiêm (trong Thôi, đi về) bỗng nhiên “vớ được dịp may vất vả có được hai đồng bạc – Anh rủ nhà văn trước hết là tạt vào hàng thịt chó, rồi đến sòng xóc đĩa, làm một chuyến cầu may khác, và … hết sạch! Thế là trắng tay lại hoàn trắng tay”.
Truyện Làm tổ lại cũng có vị chua chát. Cũng lại cái sòng bạc cướp đi của Thái ba hào đất bãi. Vợ chồng mỗi người một ngả lo lấy thân mình, bỏ lại cái nhà trơ trống với gió mưa.
Những con người nông dân ấy không vượt lên được hoàn cảnh. Có sự dồn ép của những nguyên nhân xã hội khách quan, chính hoàn cảnh nghèo khổ đã làm bần cùng họ. Nhưng Nam Cao còn muốn nói đến một điều khác nữa: Sự bần cùng đã nhiễm vào bên trong bản chất họ những thói tật, những cái xấu xa rồi chính thói tật và cái xấu sẽ trở thành sức nặng đè ép số phận họ, kìm giữ họ trong cảnh tối tăm.
Cách cấu trúc truyện theo dạng số phận nhân vật đưa lại một ấn tượng đặc biệt, nó có sức diễn tả sâu sắc vô nghĩa, quẩn quanh, tình trạng không có lối thoát cả về đời sống vật chất và tinh thần của những người tiểu tư sản nghèo như Hộ trong Đời thừa.
21/11/2019
Phạm Hoàng Yến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...