Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Lý Hữu Lương và hành trình thơ đi xa để lối về

Lý Hữu Lương và hành trình
thơ đi xa để lối về

Lý Hữu Lương đang bước những bước đầu trên hành trình thơ của mình, những bước đi không dè dặt như thường thấy ở các tác giả trẻ mà đầy tự tin với một lộ trình riêng đã được vạch sẵn. Lương sớm xác lập được chất giọng mang dấu ấn cá nhân, ít trực diện nói đến nỗi cô đơn hay bi lụy với tình yêu đôi lứa… mà dụng công hơn với thơ thế sự. Ở đó là những nỗi trăn trở, thức nhận về số phận con người, về quê hương và cả những vấn đề tưởng như bình dị nhưng sức ôm chứa không hề nhỏ. Hai vệt sáng làm nên sức hút của thơ Lý Hữu Lương là mảng thơ viết về quê hương và (có lẽ bị chi phối bởi chính nghề nghiệp) người lính.
1. Ở mảng thơ về quê hương, Lương viết về tộc người Dao mình bằng tất cả tình yêu, niềm tự hào nhưng cũng đầy những trăn trở nghĩ suy. Người Dao trong thơ Lương là tộc người hiền lành, chăm chỉ hay lam hay làm. Người đàn ông Dao thì Những tay búa tay rìu/ Bạt rừng và phá núi (Bình nguyên đỏ) khai phá biến những thửa đất khô cằn thành màu mỡ, người đàn bà Dao thì tần tảo chịu thương, chịu khó, quanh năm cong lưng, cụp mắt xuống đất để cấy cày: Lưng cong/ cong lưỡi liềm/ môi cong/ cong lưỡi liềm/ người đàn bà quấn chân xà cạp/ cõng trăng lên đỉnh trời!/…/ Người đàn bà xà cạp quấn chân/ ụp cả vầng trăng vào lu nước/ trăng lăn tăn/ cười…/ sau đôi mắt (Người đàn bà cõng trăng đỉnh Cô San).
Theo quan niệm của người phương Đông, “trăng là thiên thể cầm nhịp tốt nhất cho sự sống”(1), bởi thế, người ta có thể nhận ra ở trăng nhiều điểm tựa tinh thần quý giá. Người phụ nữ xuất hiện trong thơ Lương thường sống động và có những đối trọng giàu liên tưởng, đặc biệt là mối liên hệ song hành với biểu tượng vầng trăng gợi một cái đẹp vừa xa xôi vừa bất diệt tưởng nhìn thấy được mà lại ẩn hiện như trò cút bắt vô hình. Trong hình dung ấy, lưng cong và mái tóc như một dấu chỉ của vẻ đẹp thách thức thời gian, của lam lũ tảo tần mà không thiếu những nồng nàn mê đắm.
Tộc người ấy có một nền văn hóa độc đáo: Người Dao mình/ Ăn xôi ngũ sắc/ Cúng gia tiên bằng lợn bằng gà/ Trai lớn thì cấp sắc/ Cho bảng văn dài mấy nét thêu áo người/ Sống ngay thẳng như lòng vỏ dao tay/ Ăn trăm năm bồ hóng trên vách. (Người Dao) và một ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc rất đáng ngưỡng mộ: Bằng tiếng nói/ Giữ hồn cốt dân tổ tông mình/ Cha mẹ nuôi con mọc răng/ Ru bằng tiếng páo dung/ Truyền cho con tiếng nói/ Bằng cột, vì kèo dựng lên mái/ Bằng tiếng dân tộc mình/ Đi trăm phương còn giữ gốc (Tiếng nói dân tộc).
Một dân tộc như vậy sao phải chịu mãi nhiều bất hạnh, khổ sở. Người Dao phải thường xuyên di chuyển khỏi quê hương bản quán để tìm nơi trú ngụ mới. Những chuyến đi máu hòa nước mắt, hoàn toàn không phải là một cuộc hành hương mang màu sắc lãng du mơ mộng: Cuộc thiên di truyền thuyết/ Những con thuyền mỏng như mắt lá/ Những con đỏ trên tay kiếm sắc/ Không có mầu mây lãng du (Bình nguyên đỏ). Hệ lụy của những chuyến đi liên tục ấy là những chênh vênh, mặc cảm về phận người nói riêng và thân phận dân tộc nói chung.
Do vậy, trong thơ Lương chúng ta thường bắt gặp những dáng hình Dao buồn bã. Đó có thể là những người đàn ông cất cao tiếng páo dung truyền thống trong hành trình di chuyển cực nhọc: Những mắt sáng môi trầm/ Ru cuộc đời bằng lời răn/ Páo dung thức đủ đêm vàng/ Páo dung hòa vào nước biển/ Mặn luênh loang/ Trong hồn/ Những con người cô độc (Bình nguyên đỏ), là bóng mẹ vật vờ trong đêm tối khi ám ảnh từ những chuyến đi bỗng ùa về: Trăng đêm qua về làm tổ/ trên mái ngói nhà mình/ mẹ bắt con chim di trú cuối cùng/ trên mái ngói nhà mình/ mẹ chắp tay và nói về/ những vĩ độ của cuộc thiên di/ không có chân mây/ không tràn giấc mơ cỏ (Con chim di trú cuối cùng).
2. Lương viết về chiến tranh bằng cái nhìn của người trẻ, của thế hệ hậu sinh chứng kiến nỗi đau hằn sâu nơi hõm mắt người bà ba mươi sáu năm tỉ mẩn lau khô từng vết rét đằng đẵng cô độc ngóng đợi người chồng chinh chiến mù bụi xác sa trường… Chất liệu trong thơ Lương đến từ những trải nghiệm sống của hiện thực xung quanh, đời lính với những suy tư về trách nhiệm, về cả những góc khuất của số phận con người. Lương diễn tả cái khốc liệt dai dẳng của chiến tranh bằng chất giọng điềm tĩnh, đôi lúc vút lên được những hình ảnh dữ dội “găm” vào tâm trí người đọc. Tấm bia lưng là một ám ảnh trong thơ Lý Hữu Lương khi anh khắc họa nỗi đau của người mẹ mất con, tuy tồn tại nhưng không phải theo nghĩa đang sống, nỗi đau lớn khiến con người tự dựng mộ cho mình: Ba mấy năm không dài ư chú/ Bà theo về gặp chú nhận ra con?/ Ba mươi sáu năm/ bà tôi tỉ mẩn lau khô từng vết rét/ tấm bia lưng gật gật/ hằn in trên tấm bia đen/ người lẩm bẩm: Mày mãi chẳng về…/ nhẹ thinh không nhẹ cơn gió buốt/ xạc xào đất mộ/…/ Ngày…/ tấm bia lưng úp ngửa về đất/ bà theo về với chú nguôi quên/ từng cơn ướt lạnh/ hư không. (Mộ gió)
Trường ca – nhất là về đề tài chiến tranh cách mạng – là thể loại có thể biểu hiện tầm vóc của tác giả, khi đòi hỏi sự trường sức, trường vốn sống với bút pháp phong phú, linh hoạt. Gần đây, văn học đương đại có những gương mặt trẻ tạo được ấn tượng tốt ở thể loại mang tầm vóc và sức chứa rộng lớn này. Nước non mặt biển của Nguyễn Quang Hưng dẫn người đọc “bừng nở” cùng những miền mây nước xa khơi mà mẹ biển vừa nuôi nấng, chở che vừa tiếp sức bằng những thử thách: Biển khơi đây cũng là nhà/ Chân mây người nối người qua vô cùng… Phạm Vân Anh với trường ca Sa mộc mượn hình tượng cây sa mộc cứng cỏi, trầm mặc nơi núi rừng biên cương khắc họa sự can trường của lực lượng bộ đội biên phòng, từ đó nhìn ra thế núi mạch sông nhận cương vực ngàn đời. Tiếp nối mạch xúc cảm về Tổ quốc, Bình nguyên đỏ của Lý Hữu Lương là cuộc hành trình vạn dặm của những đám mây vừa đi vừa thức, trôi về bình nguyên. Đến “chiến tuyến cuối cùng” đã thành loài mây có máu/ loài mây lang thang và cô đơn. Rồi khi cuộc chiến tàn, khi những góa phụ đo cuộc đời mình bằng hai đầu quang gánh, những cái chết “chưa ai hóa vàng” lại thực hiện một hành trình những đám mây trôi như hư vô trên bầu trời thế kỉ.
Hướng đến sự kiện của khoảng thời gian không dài và cũng chưa quá xa, Bình nguyên đỏ với cấu trúc truyền thống, đơn tuyến, không nhiều đổi mới về kĩ thuật, tái hiện sự chuyển động của một hành trình “trở về qua cơn binh lửa”: Thời của lũ chúng ta/ Những đứa trẻ con/ Bò qua thế kỉ trong/ gươm đao/ pháo súng. Một điểm quen thuộc dễ thấy trong xúc cảm về Tổ quốc và nhân dân mà Bình nguyên đỏ mang lại là sự tập trung khắc họa hình ảnh người mẹ. Người mẹ hiện lên qua cái nhìn và xúc cảm của đứa con lính. Vẫn trong một mạch tái hiện không mới, chiến tranh hiện lên không phải là sự bừng bừng khí thế mà đào sâu vào hiện thực, nhận thức và tái hiện cuộc chiến bằng việc nhấn mạnh đến những góc bình dị, mảng màu còn khuất lấp – đó là tình cảm, số phận của những người lính, người mẹ.
Trong văn học sử thi, hình ảnh người mẹ thường được khắc họa trong cảm hứng về số phận chung của dân tộc. Mẹ là biểu tượng của Tổ quốc, của đức hi sinh bền bỉ, kiên cường. Trong Bình nguyên đỏ, hình ảnh người mẹ được nhắc đến nhiều như là sự trở lại với những con người bình dị không tên tuổi nhưng có ý nghĩa cứu rỗi và che chở: Vượt dấu chân binh đoàn/ Tìm lối về quê mẹ…/ Tôi nghe những bóng mây/ Kể về cuộc hành trình vạn dặm/ Tôi nghe trong vạn đám mây/ Trăm nghìn tiếng hú dài/ Thảng thốt: – Ai ơi, về với mẹ! Hình ảnh ấy thường sóng đôi với nguồn nước, một biểu tượng về sự thanh tẩy, tái sinh: Chúng tôi đã trở về/ Trên đôi tay đầy máu/ Xin một gầu nước làng tôi/ Xin một chái nước nhà tôi/ Xin chậu nước bể lọc/ Rửa phăng đi bụi bặm/ Rửa phăng đi cơn đói lòng/ Bằng nguồn nước của mẹ ta/ Khổ đau nào ngủ lại/ Trên mặt trận xa kia (Bình nguyên đỏ).
Nhà thơ Lý Hữu Lương (ngoài cùng bên trái) ở Trại Sáng tác Văn học của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức tại Sao Việt – Phú Yên, 5.2020.
3. Thơ Lý Hữu Lương lẩn khuất những hồi ức vụn, những hình dung và đứt đoạn, những chắp nối tưởng rời rạc… để gói ghém vừa vặn một không gian thơ chen chúc hình ảnh, không rực lên nhiều sắc màu mà nhất quán bởi nét trầm của hoài niệm: …Lão bán khèn Mông/ Bỏ vào đời/ Cái ngồi tượng đá/ Ngước nhìn đêm bằng tiếng khèn xập xìu/ Mang cả bản xuống chợ/ Mua vui vài người vãng lai/ Mùa tộc người sót lại/ Trong những bài ca xưa cũ/ Xập iu/ Xập iu/ Gió lạnh đổ một nửa…/ về chốn thung xa. (Lão bán khèn ở Sa Pa). Ở nhiều tứ thơ, anh nói bằng cái đối nghịch: Về đi em/ Ngày buồn như mở hội/ nhân duyên/ phía… / Một Người (Khúc duyên); có khi lại là những tìm tòi khi ngôn ngữ vừa thể hiện được sự linh hoạt vừa mang dấu vết của cách nói dân gian.
Thơ Lương giàu cảm giác, động từ mạnh, trạng thái cựa quậy và mạnh mẽ kiểu vùng cao. Nhịp thơ của Lương đa phần là ngắn, chắc khỏe, tạo được dư âm và giọng riêng, cộng hưởng với nhiều trạng thái chuyển động: khi rỗng sau những cơn say, khi mê man nở cùng hoa sữa, khi dốc đầy chén vại mà “tuyên ngôn” về con trai người Dao, và lắng lại với Miên điệu lửa:
nắng dửng dưng ở một chiều
rất nhạt
ngửa nghiêng ngày vẫn qua
rất chậm
Đời chúng ta
tuổi 20 và ước mơ không tuổi
… và chúng ta tựa lưng nhau
để hát
“đời mình là một khúc…”
Hành trình thơ chưa dài, nhưng Lý Hữu Lương đã thể hiện được một bản lĩnh dám nghĩ và dấn thân, tìm về nguồn cội, về những nét đẹp của con người, quê hương… Từ việc khai phá những lớp trầm tích văn hóa, khắc họa những góc khuất của chiến tranh là những điểm sáng, dấu mốc ấn tượng trong hành trình thơ còn nhiều hứa hẹn của Lý Hữu Lương.
Chú thích:
(1). Chevalier Jean, Gheerbrant Alain, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng & Trường viết văn Nguyễn Du, 2002, tr.936.
14/10/2020
Song Quyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Hai con mắt Ông Cửu Niệm ốm li bì đã gần hai tháng. Ông ta mắc một bệnh mà các thầy lang đều cho là bệnh mê sảng của những người già...