Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Một mùa hè giá buốt của chiến tranh

Một mùa hè giá buốt của chiến tranh

Cầm lên cuốn sách của Văn Lê, người đọc không khỏi bị ám ảnh bởi cái tên của nó. Không phải là mùa hè kỳ lạ, mùa hè đỏ lửa mà là mùa hè giá buốt*. Nó ám ảnh như đã có đôi lần người đọc đã bị ám ảnh bởi tuyết bỏng, bởi ngôi sao ban ngày… chứa đựng những không gian bí mật, đối nghịch, khác thường.
Đó là câu chuyện dẫn dụ về một mùa hè bốn mươi lăm năm trước, mùa hè của năm Mậu Thân 1968, đã gần nửa đêm, nhưng trời vẫn còn nóng hầm hập; đến mức lá cây rừng cũng trở nên xác xơ, héo mềm… Liên quân Mỹ-Sài Gòn, sau những đòn choáng váng, đã bắt đầu hồi tỉnh, tiến hành phản kích khắp các mặt trận… hàng đàn máy bay phóng pháo và máy bay trực thăng lồng lộn trút bom đạn… lúc nào cũng rầm rầm bom đạn (tr.18). Vậy là đã rõ, không gian bom đạn, thỉnh thoảng lại ma mị bởi những tiếng cú kêu, tiếng quạ kêu lay gọi miền vô thức, gây những cảm giác bứt rứt không yên về những khốc liệt đã qua và những gì đang chờ đợi họ, những chiến sỹ của tiểu đoàn Bến Nghé thuộc Phân khu Một, lực lượng Quân giải phóng miền Nam, đúng vào thời điểm cuộc tấn công Mậu Thân đang vào giai đoạn quyết liệt.
Tiểu đoàn Bến Nghé, tiền thân là Tiểu đoàn 505 Trung đoàn Quyết Thắng, là một đơn vị thiện chiến, hết sức quả cảm, không hề tiếc máu xương của mình trên mặt trận Tây Nguyên, đã từng đánh một đòn phủ đầu nhớ đời, đóng đinh vào quan tài mang nhãn hiệu Junction City của Mỹ (tr.103) Nhưng cũng trong cuộc hành quân với quy mô hàng nghìn quân, hàng nghìn phương tiện chiến tranh hiện đại ấy của đế quốc Mỹ, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của Trung ương cục miền Nam, Tiểu đoàn 505 cũng đã chịu những tổn thất nặng nề. Nhưng đó là quá khứ gần, trước cái thời điểm mà cuốn tiểu thuyết muốn đề cập đến. Lúc này, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sỹ Việt và tập thể cán bộ, chiến sỹ dưới quyền của anh đã nhận được một mệnh lệnh lịch sử, cũng là mơ ước từ lâu của những người chiến sỹ, đến mức có thể làm cho có người tràn trề lạc quan reo hò cỗ vũ cho vài ba đồng đội đang phùng mang trợn mắt đập bỏ soong nồi (tr.115), chuẩn bị cho ngày chiến thắng trở về thành phố, theo những lời có cánh của cấp trên, đánh một trận cuối cùng của chiến tranh Cách mạng Việt Nam, tấn công thẳng vào Sài Gòn-hang ổ cuối cùng của Mỹ và tay sai… buộc một triệu quân Mỹ ngụy phải buông súng đầu hàng (tr.112). Trong cuộc Tổng tấn công này, họ đảm nhiệm một mũi đột phá quan trọng, san bằng trại Thiết giáp Phù Đổng của địch, để phát triển thọc sâu.
Nhưng lạc quan chỉ xuất hiện ở những người lính chưa thật từng trải, hoặc quá khát khao hòa bình, còn đối với những cán bộ chỉ huy như Nguyễn Sỹ Việt, trước tình thế của chiến dịch đánh công kiên, đánh thành phố, đánh công sự vững chắc chưa được tập tành nhiều, đánh khi bản thân họ không nhìn rõ được kẻ địch, nhưng kẻ địch thì lại nhìn rõ họ, tức là yếu tố địa lợi không còn thì trách nhiệm lớn, nỗi lo lớn đang đè nặng họ. Là người chỉ huy tận chiến hào, nghĩa là phải đối đầu trực tiếp với kẻ thù, Tiểu đoàn trưởng Việt cảm thấy chờn chợn… trước những nhận định lạc quan (tr.112) trên kia, cũng như lời khẳng định như đinh đóng cột của chính trị viên Cao Đăng Tình không có chuyện không chiếm được mục tiêu, nghĩa là thắng lợi đang ở trong tầm tay, đã làm anh không thật sự yên tâm. Nhưng trước mắt là nhiệm vụ, không phải là lý thuyết chiến tranh, khi quyết tâm chiến lược đã được xác định, là cán bộ quân sự, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sỹ Việt động viên cán bộ chiến sĩ dồn tất cả ý chí, sức lực để thực hiện mục đích (tr.114). Và trong buổi lễ xuất quân hơn bốn trăm con người (của tiểu đoàn Bến Nghé) bừng bừng khí thế, tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi…viết quyết tâm thư gởi lên cấp trên, xác định tinh thần quyết chiến, quyết thắng, một đi không trở lại (tr.121). Đêm ấy con Riềng (con chó cưng của tiểu đoàn) tru lên…nhức nhối một cách lạ lùng, đêm ấy tiếng ngỗng kêu thất thanh từ một khu vườn nào đó (tr.121) đã đánh thức bọn lính Mỹ ngụy trong trại, đánh thức tâm linh của Tiểu đoàn trưởng Việt và cuộc đụng độ khốc liệt ngoài sự chờ đợi của Tiểu đoàn đã diễn ra không theo ý muốn. Ngày hôm sau là một ngày tràn nước mắt (tr.125).
Có quá nhiều bất cập xảy ra. Hợp đồng với lực lượng nổi dậy tại chỗ không thực hiện được, lực lượng của địch quá đông, hỏa lực của chúng quá mạnh, công tác chuẩn bị xuồng cho bộ đội vượt sông của ta quá sơ sài, kẻ thù đã chủ động tấn công trước, chúng sử dụng các loại phương tiện hiện đại nhất, từ máy bay trực thăng, xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng, và chúng sẵn dùng bom xăng đốt trụi để thí quân…cho nên sau những ngày chiến đấu quyết liệt, hết sức quả cảm liên tục tổ chức nhiều đợt tấn công nhưng không chọc thủng được các tuyến phòng thủ của địch (tr. 168). Số thương vong của Tiểu đoàn nhiều gấp bội số thương vong của đối phương. Nếu không kịp bổ sung quân số kịp thời, thương binh, tử sỹ không được chuyển đi, tiểu đoàn sẽ không có khả năng tiếp tục đánh vào nội đô theo kế hoạch (tr.169). Một sự kết thúc không như mong đợi và không còn cách nào khác, không còn phương án hai, tiểu đoàn được phép rút lui. Tư lệnh Mặt trận cay đắng nói đáng ra, tôi phải chúc các cậu chiến đấu thành công, nhưng bây giờ, đành phải chúc các cậu rút lui thành công (tr.170). Đợt một của chiến dịch kết thúc, tuy phá được căn cứ Phù Đổng, kẻ thù có lúc chết như ngả rạ, chạy như vịt, nhưng Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sỹ Việt vẫn  vô cùng buồn bã…anh đã mất hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, rồi cuối cùng lại quay trở lại nơi xuất phát ban đầu…Tiểu đoàn trưởng nhớ lại hình ảnh các chiến sĩ hân hoan, đâm thủng xoong nồi hôm xuống đường, môi nhếch một nụ cười héo úa (tr.171). Anh cho rằng về mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt gọn một Tiểu đoàn Mỹ, nhưng Trung đoàn không đạt được, thương vong lại rất lớn… Xét trên phạm vi toàn chiến trường ta đang thắng là đúng, là xác đáng, nhưng ở phạm vi Trung đoàn thì ta đã thua… Do nắm địch không chắc. Địch tăng thêm quân không biết. Hướng đột kích lại rơi ngay vào cái bẫy giăng sẵn của chúng, nên đã bị thất bại (tr.159).
Tiểu thuyết “Mùa hè giá buốt” của Văn Lê
Không thể  trách cứ cán bộ và chiến sĩ Tiểu đoàn. Họ đã chiến đấu quả cảm với tất cả những gì có trong tay, với hơn một trăm phần trăm sức lực. Ngay cả Phó chính ủy Trung đoàn cũng xách súng ra tận chiến hào chiến đấu như một chiến sĩ rồi nhận về mình cái chết trên tay đồng đội. Hàng chục chiến sĩ khác bị xe tăng và bộ binh địch dồn vào một ngôi nhà và chiến đấu cho đến khi không còn một viên đạn, rồi bị chôn vùi sau một quả bộc phá. Trong khi đó chiến sỹ của đại đội Một ôm bộc phá lao về phía cánh cổng sắt. Một người trúng đạn ngã xuống. Ngay sau đó một chiến sỹ khác lao lên và anh cũng bị bắn gục ngay trên đường hành tiến. Tiểu đoàn trưởng biết rằng, sau một tiếng nổ rất mạnh, khói đạn chưa kịp tan, cánh cửa sắt tại căn cứ Phù Đổng bị đánh sập…Người chiến sỹ đã tan thành mây khói (tr.152). Tại hướng của Đại đội Ba mấy chục chiến sỹ chết gục trên đường tấn công,…nhiều chiến sỹ hy sinh thân thể nằm vắt ngang trên thân pháo. Tiểu đoàn trưởng bị xốc mạnh, đứng chết trân như trời trồng ( tr. 156 ). Các hướng khác của các đơn vị khác như Phân khu 1,2,3,4,5 cuộc chiến đấu cũng vô cùng ác liệt và bị tổn thất nặng nề. Họ không những tiêu diệt địch mà còn thu gom súng đạn của địch để chiến đấu đến cùng. Bản thân Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sỹ Việt cũng lăn lộn như con thoi giữa các chiến hào, trong mưa đạn, bê bết máu bên cạnh các chiến sĩ của mình. 
Một thế trận không ai lường được trước đã để lại cho quân đội ta những thiệt hại nặng nề về quân số. Trang thiết bị, lương thực, quần áo của đơn vị cũng bị tiêu hao, thiếu thốn nghiêm trọng. Nhiều chiến sĩ chỉ còn một cái quần lót sau chiến dịch. Tư tưởng bộ đội cũng chùng xuống, nhiều người lầm lỳ, ít nói, bỏ ăn, ngồi trong hầm khóc… Không ít người kinh hoàng với những gì họ đã chứng kiến. Chính ủy Phân khu, người nói những lời có cánh trước trận đánh, chiêu hồi. Trung đội trưởng Vũ Duy Bình, vốn rất dũng cảm, rất mưu trí trong các tình huống chiến đấu, trước đó trong trận phản kích tại Phù Đổng, một mình sử dụng ba loại súng anh dũng tiêu diệt nhiều tên địch, nếu không đánh, trước mắt là tôi sẽ chết. Sau đó là sẽ có thêm nhiều người chết. Thế là tôi hăng tiết lên, bắn, giết ( r. 232), nhưng chỉ ít lâu sau đã bỏ trốn vì không thể chịu đựng thêm được nữa. Cần nhớ rằng đây là đơn vị lính chiến sừng sỏ, đã từng vào sinh ra tử dạn dày, đã từng trải qua những mất mát to lớn có những trung đoàn bộ binh không còn một người cán bộ nào. Nhiều tiểu đoàn chỉ còn hơn một chục tay súng, tiểu đoàn của họ đã lột xác ba bốn lần rồi (tr. 23) vẫn không làm họ nao núng trước khi chiến dịch mở màn. Vậy mà lúc này họ đang lâm vào một hoàn cảnh không còn sức chịu đựng, không còn cách nào khác, họ buộc phải rút lui, nếu không muốn chịu thêm những tổn thất khác lớn hơn.
Đợt hai của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân vẫn với mục tiêu đánh vào Sài Gòn-Gia Định, nhằm thẳng vào lực lượng Mỹ, làm chúng càng sa lầy hơn nữa về chính trị, giành thế thắng trong đàm phán. Tiểu đoàn Bến Nghé được phân công cùng đánh chiếm Gia Định. Lại một ngày ra quân không suôn sẻ. Tân binh bổ sung không đến kịp, hướng hành quân bị cấp trên thay đổi không biết lý do gì, Việt cảm thấy một điều gì đó bất ổn đã xẩy ra từ phía cơ quan chỉ huy (tr.369). Hướng cơ động bắt buộc mà bộ đội sẽ chuyển qua tiềm ẩn những rủi ro, nguy hiểm. Trong khi một cảm giác khác thường đang xâm chiếm làm Việt chưa định thần thì hàng trăm trái hỏa châu lớn nhỏ vun vút túa lên không trung rồi nở bung giữa bầu trời hấp hối. Cả vùng ven sáng rực như ban ngày…quân địch đã chốt kín các cửa ngõ vào thành phố…hàng trăm khẩu pháo các loại của địch từ các căn cứ dã chiến trải dài trên tuyến vòng cung phía bắc và tây bắc đồng loạt trút đạn, tiếp theo là những tiếng nổ đùng đùng như sấm sét…bầy trực thăng chia làm nhiều tốp, nhiều hướng lao thẳng đến những mục tiêu đã được ấn định trước, dồn dập trút đạn (tr. 373-374). Tiểu đoàn đang bị một đơn vị thủy quân lục chiến của địch tập kích từ phía sau. Liền đó là sự hỗn loạn khi pháo địch bắn như dội lửa xuống đầu các chiến sĩ đang vượt sông. Chưa bao giờ những người lính của tiểu đoàn Bến Nghé lại rơi vào cảnh thương tâm như vậy. Tuy nhiên không ai bị bỏ lại, những người còn sống đã vừa chiến đấu vừa dắt díu nhau sang bờ bên kia với tổn thất không nhỏ về quân số và súng đạn.
Nhưng chưa hết, cơn bão lửa dữ dội lại đang chờ họ ở phía trước khi Tiểu đoàn nhận nhiệm lệnh giải vây cho một đơn vị đặc công vừa từ miền Bắc vào, một tình huống hết sức bất ngờ đến với Tiểu đoàn Bến Nghé khi mà con số và vũ khí lúc này chỉ còn lại rất ít. Với tình thế như vậy, khi không còn quân số bổ sung, khi không còn đạn dược cấp thêm, Phân khu cho phép Tiểu đoàn tự quyết định các vấn đề thuộc về tác chiến tùy theo hoàn cảnh. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sỹ Việt đành phải chấp nhận thực tế, tự an ủi mình là phải ráng lên. Ráng lên là sự khích lệ đúng nhất trong hoàn cảnh hiện tại (tr.426). Cuộc giải vây cho tiểu đoàn Ba đặc công chưa kết thúc thì cơn bão lửa của pháo binh, tiếp đến là bom xăng, bom hóa học ..của đối phương liên tục trút xuống đầu các chiến sỹ tiểu đoàn Bến Nghé. Sau mấy tháng chiến đấu, tiểu đoàn Bến Nghé, từ khi xuất quân với bốn trăm tám chục cán bộ, chiến sỹ hiện chỉ còn gần tám chục tay súng (tr. 512) và chỉ mới đến được An Phú Đông. Tiểu đoàn trưởng buộc phải làm một việc hết sức khó khăn đối với anh, đó là  xin chỉ thị rút lui, mặc dù anh biết rút là một thất bại cay đắng. Sau khi bức điện chuyển đi, Nguyễn Sỹ Việt ngồi chết lặng một hồi lâu. Anh lảo đảo đứng dậy, thất thểu đi về phía Vãng sinh đường, như một phù thủy mất hết âm binh. Dù vậy anh vẫn xác định: nếu cấp trên không chấp nhận lời đề nghị của anh, anh sẵn sàng ở lại chiến đấu và hy sinh cùng các chiến sĩ (tr.512). Và đúng như anh dự cảm, lệnh tấn công vào nội đô đợt Hai  đã được ban ra, Tiểu đoàn Bến Nghé đánh một trận cuối cùng cực kỳ thảm khốc, Nguyễn Sỹ Việt đã anh dũng hy sinh cùng hầu hết cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn.
Cuộc Tổng tấn công Mậu Thân là một bản Đại hợp xướng bi tráng của những người lính mang khát vọng Độc lập, Tự do cao cả của dân tộc. Mấy chục Tiểu đoàn chính quy cùng với nhiều lực lượng vũ trang phối thuộc khác cũng như những lực lượng nổi dậy tại chỗ bước vào một trận đánh lớn chưa từng có trong lịch sử đấu tranh cách mạng miền Nam, đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm kẻ thù thất bại to lớn về mặt chiến lược, đưa cách mạng nước ta sang một giai đoạn mới, một tầm cao mới, buộc chính quyền Johnson phải hạn chế ném bom miền Bắc, phải đàm phán với chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về một nền hòa bình cho Việt Nam. Nhưng để đến được điều đó, cái giá xương máu phải trả là hết sức to lớn, và không phải mặt trận nào, hướng tiến công nào, thời điểm nào cũng trong ánh hào quang của chiến thắng. Gần sáu trăm trang tiểu thuyết, với một cung trầm buồn chủ đạo của bản requiem bi hùng những chiến sĩ Tiểu đoàn Bến Nghé, trong đó vang động âm thanh chết chóc của chiến tranh đã làm xáo trộn tâm hồn người đọc, buộc họ, những ai đã đọc, không thể còn được yên ổn  trước một thực tại dù đã đi qua gần nửa thế kỷ.
Đó là những xúc động sâu sắc về sự cao cả của người lính trong một thế đối đầu không cân sức. Dù biết là hy sinh nhưng họ đâu có quản ngại. Lương tâm và phẩm giá làm người đã hun đúc ở họ phẩm chất ngoan cường khi đối mặt với kẻ thù, với cái chết, nhưng họ không phải là công cụ vô ý thức của chiến tranh. Với vị trí của mình, những người lính biết rõ trách nhiệm của họ: chấp hành triệt để mệnh lệnh, thực thi đầy đủ nhiệm vụ, hoàn thành ở mức cao nhất trong hoàn cảnh của mình. Nhưng không phải trong tâm can họ không có những tâm tư. Là những người ở tận chiến hào, người lính hiểu rõ hơn ai hết bản chất cũng như thực trạng của kẻ thù, những kẻ mà họ buộc phải tiêu diệt bằng mọi giá mỗi khi đối mặt, nhưng họ cũng hiểu những gì là ảo tưởng, là duy ý chí ở chính họ hoặc ở một cấp nào đó một khi xuất hiện những niềm lạc quan không có cơ sở. Một sự dân chủ từ cơ sở, cũng là từ thực tiễn, cũng là từ những gì gần với sự thật nhất, nếu được, cần thiết biết bao để cho những quyết định sáng suốt, hạn chế những tổn thất không đáng có. Nhưng một tinh thần dân chủ như vậy đã không thể có trong thời điểm cuộc Tổng tấn công đang diễn ra. Những quyết định của cấp trên không ít lần làm các chiến sỹ lấn cấn. Họ lo ngại vì tấn công trong điều kiện không còn bất ngờ, lực lượng quần chúng chưa được tổ chức tốt, tương quan lực lượng có lợi cho địch ( tr.333 ) sẽ là một bất lợi phải trả giá. Nhưng điều cần nói là nhiều cán bộ biết vậy nhưng tại các cuộc hội nghị quân chính không ai dám bày tỏ. Chỉ có một cán bộ quân báo duy nhất dám đứng lên nói thẳng ý nghĩ của mình sau khi đưa ra những bằng chứng so sánh lực lượng, so sánh các điều kiện chiến tranh cần phải có thêm thời gian củng cố để tránh những rủi ro. Trong thời điểm ấy, khi khí thế chiến đấu đang lên cao chưa từng có, đây là lời phát biểu động trời, vì sau đó không ai thấy người cán bộ quân báo xuất hiện một lần nào nữa (tr. 335). Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sỹ Việt, một người có tiếng là thẳng thắn, từng có những phản biện sắc sảo thường là dựa vào thực tiễn, được cấp trên đánh giá rất cao, lúc này cũng im lặng, mặc dù sau này khi nói chuyện với Vương An, bạn chiến đấu của anh, Việt cho rằng ý kiến của anh cán bộ quân báo chỉ là một tiếng kêu giữa biển cả mà thôi. Trong hoàn cảnh hiện tại không một ý kiến phản biện nào được nhìn nhận nghiêm túc đâu. Về mặt chiến lược, cấp trên có lý khi hạ quyết tâm tiếp tục cuộc ông kích và khởi nghĩa trên phạm vi toàn miền Nam để giành ưu thế quân sự hơn hẳn so với Mỹ. Do vậy việc chấp nhận hy sinh là có thể hiểu được. Nhưng tung hết vốn liếng vào một canh bạc là quá mạo hiểm (tr. 336). Tinh thần phản biện ấy nếu được phát huy, bàn bạc, cân nhắc để tìm ra một phương án tác chiến phù hợp, chắc chắn sẽ tốt cho bộ đội biết bao. Nhưng điều này đã không xảy ra. Cũng như hầu hết các cán bộ, chiến sĩ khác, Tiểu đoàn trưởng đành chôn vùi sự phản biện của mình vào im lặng. Không ít lần anh đã im lặng như vậy, trách nhiệm và bổn phận của người chỉ huy cấp tiểu đoàn không cho phép một sự lựa chọn nào khác hơn là sự lặng im, để rồi sát cánh cùng các chiến sĩ hoàn thành bổn phận của người lính chiến. Trong cuộc chiến đấu này, anh cũng như họ, đều vì mục đích cao cả là đánh đuổi kẻ thù, thống nhất Tổ Quốc. Cũng như họ, anh luôn bị điều khiển và lúc nào cũng có thể chết (tr.497).
Sự cao cả ấy còn thể hiện ở sự nhạy cảm của tâm hồn người lính. Họ là những người luôn luôn đối mặt với cái chết, vì vậy, hơn ai hết ở họ có những linh cảm đặc biệt, nhất là trước một sự khốc liệt đang sắp sửa, trước sự chết chóc có thể giáng xuống đầu họ. Không ít lần, tiếng cú rúc, quạ kêu, tiếng con Riềng (con chó cưng của tiểu đoàn) tru lên trong đêm, trước khi ra trận, báo hiệu những điều không mấy tốt lành đối với người lính. Có điều gì đó bất thường ở những người lính trước khi xuất trận? Sự thực họ đã cố xua đuổi linh cảm bất thường đó nhưng nó cứ trở đi, trở lại trong tâm trí. Không phải là sợ, tuy rằng sợ cũng không phải là bất thường. Sự hèn nhát trong mỗi con người lúc nào cũng có thể xảy ra, cho dù cấp trên hay cấp dưới ( tr. 421,422). Nhưng là sự linh ứng mà chỉ có thể có ở người lính, là sự lên tiếng của vùng tâm linh sâu thẳm nhất của kinh nghiệm xương máu, lòng tự trọng và phẩm giá trong mỗi con người. Họ nhìn rõ cái chết, nhưng họ không bao giờ sợ chết.  Có thể một phần vì tình yêu mà họ không sợ cái chết (như Bích Vân, Nguyễn Sỹ Việt ), nhưng Tiểu đoàn trên năm trăm người, sau chiến dịch chỉ còn lại mấy chục tay súng đâu phải tất cả đều vì tình yêu mà hy sinh.? Phải xuất phát từ một điều gì đó lớn hơn, từ lương tâm, lòng tự trọng và phẩm giá của con người, trước Tổ Quốc, trước nhân dân, như một hành vi vừa bản năng vừa ý thức về lẽ sống, của sự lựa chọn tự nguyện, của một biểu hiện đạo đức…giúp họ không hề chùn bước trước bom đạn.
Những trang tiểu thuyết của Văn Lê đầy tràn hiện thực chiến tranh. Có thể nói Văn Lê rất có khả năng miêu tả những khung cảnh chiến tranh. Không một cuộc đụng độ nào giống với cuộc đụng độ nào trong một không gian khá quen thuộc của vùng ven, suốt gần sáu trăm trang sách. Với một ngòi bút khá tỉnh táo khi lột tả không gian súng đạn, nhưng cũng rất ấn tượng khi tạo ra sự ám ảnh qua những không gian tâm linh ma mị, Văn Lê biết gieo vào người đọc nỗi lo lắng thấp thỏm trong không gian, trong sự trắc ẩn của mỗi con người, trong những gì sắp xảy ra của trận đánh. Sức ám ảnh qua từng con chữ của Văn Lê khá hiệu quả. Mặt khác hình như biết được sự khô khan có thể vấp phải của một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh, nhà văn có ý thức tạo ra những hợp âm mềm mại (những trữ tình ngoại đề) bên cạnh cái khốc liệt, để giảm tải cần thiết cho quá trình tiếp nhận. Một trong những thủ pháp đó, một chủ đề phụ song song cốt để làm thay đổi không khí, đó là mối tình của Bích Vân và Việt. Quả là có thể thấy thêm một góc độ khác của cuộc chiến, của tâm hồn những người chiến sỹ. Người đọc có thể nhận biết thêm về ý nghĩa, lý do của sự hy sinh cao cả của người cầm súng. Nhưng rất dễ nhận thấy, mối tình đẹp của Bích Vân và Việt, có thể vì không đủ sự lý giải cần thiết của tác giả, nên gây cảm giác khá khiên cưỡng, khá lạc lõng giữa một không gian chiến tranh đầy ắp những biến cố, nơi mà tâm trí của con người đang từng giây phút đặt ra trước sự sống còn, nhất là với Việt, người nắm trong tay sinh mệnh của hàng trăm đồng đội, người luôn luôn nhận thức được sự quyết liệt của hoàn cảnh. Không thể có, và không nên có bất cứ một sự vội vã nào đó của tình cảm, trong một thời điểm cam go, giữa một mùa hè giá buốt như vậy. Không ai ngăn cản, nhưng logic tâm lý của nhân vật không phát triển như vậy, logic của tiếp nhận của người đọc cũng không sẵn sàng như vậy. Cảm giác về oi ngột không giảm đi, cảm giác về giá buốt cũng không mất đi, vậy thì khi chủ đề chính không yêu cầu, hà tất phải thêm một chủ đề phụ, đóng vai trò quá phụ trong kết cấu, pha loãng những gì đang có của cuốn sách?.
Mùa hè phương Nam oi bức, ngột ngạt, cái oi ngột của thiên nhiên đang vào thời kỳ cao điểm. Mới buổi sáng mà bắt đầu gay gắt, oi nồng. Đến buổi trưa trời đứng gió, không khí bị nung nóng hầm hập…Không có mưa, mặt đất mất hẳn đi một phần sinh khí. Cây cối trong vườn háo nước, cành co lại, lá bạc đi, rũ xuống, run rẩy (tr.318), và cái oi ngột do con người, quân địch đã chốt kín các cửa ngõ dẫn vào thành phố. Đạn pháo bay ngang dọc trên bầu trời, tạo ra những tiếng rít lạnh lùng…Những rặng cây trâm, mọc xen lẫn với bình bát, dừa nước, bần quỳ ở phía trước và sau đoàn quân cũng bắt đầu trúng đạn. Những thân cây bị bứng khỏi mặt đất, bị xé nát, bay lên trời như bươm bướm (tr.372). Nhưng trong cái mùa hè oi bức, ngột ngạt này này, không ít lần cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn Bến Nghé toát mồ hôi lạnh. Cái đêm nhận lệnh tấn công đợt hai, một lần nữa tiếng cú cười ha ha lại vang lên trong lòng anh một cách huyễn hoặc. Anh mơ hồ cảm thấy như một luồng gió lạnh buốt từ cõi u minh tràn về, đang chạy dọc theo sống lưng anh. Đêm hè nóng hầm hập mà Việt lạnh toát cả người…Cuộc ra quân lần này, xem ra, lành ít dữ nhiều…(tr. 364,365). Mấy ngày sau đó Những thông tin không mấy tốt lành từ các đại đội báo về làm cho Việt toát cả mồ hôi lạnh (tr.511), toàn thân anh lạnh toát, một cái lạnh buốt giá, tê tái giữa cái nóng ngột ngạt của ngày hè (tr.534). Vâng, đến đây, sự việc đã được sáng tỏ. Một mùa hè giá buốt trong chiến tranh mà Tiểu đoàn Bến Nghé đang hứng chịu trở thành một trang lịch sử thêm vào những gì đã biết, trang lịch sử của tâm hồn những người lính, trang lịch sử của một khoảnh khắc bi tráng, nhức buốt của chiến tranh, mà chúng ta, những người đang sống trong hòa bình, cần phải biết và ghi nhớ, để không bao giờ được phép quên cái giá của những điều đang có.
Trong số không nhiều những cuốn tiểu thyết viết về chiến tranh sau chiến tranh gây được sự chú ý của người đọc, như Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức… chúng ta có thêm Mùa hè giá buốt của Văn Lê. Những cố gắng của anh chắc chắn sẽ nhận được sự đồng cảm của người đọc.
Chú thích:
* Mùa hè giá buốt, tiểu thuyết của Văn Lê, NXB Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.
15/9/2013
Lê Thành Nghị
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...