Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Khúc quanh - Tản văn Trương Văn Tuấn

Khúc quanh - Tản văn
Trương Văn Tuấn

Chú bảo rằng đời mình hối hận nhất là việc lúc thím ra đi, chú đã nấn ná không khâm liệm ngay như một cách để được gần thím thêm chút nữa. Nhưng chú đã sai rồi, vì cố níu kéo mà thành ra mất thím vĩnh viễn, cái cuối cùng mà chú thấy và ám ảnh mãi về sau là một người vợ bất động, trắng bệch, lạnh ngắt. Chú cố xua đi cái hình ảnh ấy, chỉ cố nhớ lúc thím cười, lúc thím giận, lúc đi, lúc ngồi… Nhưng cái lạnh lẽo cứ xen vào thực tại, đến mức chú không dám chạm vào một ai nữa. Biết họ có ấm mềm hay là tê lạnh?
Chị kể rằng có lần nhờ anh ráp giúp chị cái kính chống giọt bắn để chút nữa đi chợ chị sẽ dùng, nhưng anh đã lắp ngược mà không hay biết. Khi chị cầm lên mới thấy nó ngược, chị tần ngần ít phút, rồi tự tháo ra gắn lại. “Chuyện nhỏ vậy mà cũng ly hôn hả trời!” – ai nghe chuyện này cũng la trời như thế. Nhưng vấn đề là cảm giác của chị, chị chỉ quen với hình ảnh người đàn ông tinh tế, tỉ mỉ của trước đây thôi. Với lại không ai mà tự dưng thành vô tâm, chỉ có thể là cái tâm họ đặt ở nơi khác. Chị phân tích vậy, nhưng người ta vẫn kêu trời, vẫn nói chị làm quá. Có lẽ vẫn còn nhiều lý do khác nữa, dù có nói ra người ngoài cuộc cũng không sao hiểu hết. Ví dụ như ngày dọn đi, anh ngồi lựa từng cái móc quần áo, chia đều anh một phần chị một phần. Mẹ động viên chị: Vậy cho rõ ràng, dứt khoát. Nhưng chị thấy quá xót xa, người đàn ông đang ngồi tính toán từng cái móc đó đã từng tự giác nâng cao cái sào phơi đồ cho áo dài của chị không chạm đất cơ mà.
Một người chị khác cũng chọn cách rời nhau sau hai năm chờ anh du học trở về, dẫu cái công cuộc chờ đợi đó rất suôn sẻ, vẹn nguyên, chị không có gì sai trái cũng không phát hiện ở anh có gì giấu diếm. Bản thân người trong cuộc cũng không lý giải được là vì sao: chắc sứ mệnh của chị là chờ đợi, xong cái sứ mệnh đó thì rời đi? Tôi cũng quen vài bạn trẻ, họ đương đầu với bao thử thách, đổ biết bao nước mắt mới xóa được lằn ranh ngăn cách mà ba mẹ vạch ra. Đến khi không còn bất kỳ cấm cản nào thì họ lại không còn luyến lưu nhau nữa. Lạ lùng!
Tám năm trước, một buổi sáng nọ người nằm cạnh tôi thức dậy và nói: Hay là em về ngoài đó? Tôi chậm lại trong vài giây rồi ừ một tiếng. Ngày chia tay ở bến xe miền Đông chúng tôi không một giọt nước mắt. Tôi quay về phòng trọ nhưng lạc đến tận cửa ngõ miền Tây, rồi cố vòng về nhưng vẫn lạc tiếp ở đâu đó đến tận khuya. Những ngày sau đó, khi người và xe đứng bất động giữa đường Sài Gòn đang kẹt cứng, mưa như trút, nước ngập hơn nữa bánh xe, nhìn một phần cơm hộp trơ trọi máng trên xe, tôi tự hỏi: tại sao mình ừ. Chôn chân trong nước từ chiều đến tối, đèn đường về đêm nửa trắng nửa vàng soi xuống cũng không giúp tìm được câu trả lời. Hơn tám năm trôi dạt về tỉnh lẻ, đến giờ tôi cũng không biết tại sao sáng hôm đó mình lại ừ…
Nơi này nơi kia, không ít lần tôi tiễn những đồng nghiệp rời đi. Có người nói: Không phải vì có lí do rời đi, mà nhiều khi đi vì không có lý do gì để ở lại.
… Suy cho cùng đời người không khác gì những dòng sông hoang dại, không thể giữ nổi cái ước muốn được mải miết chảy thẳng một hướng đến tận cùng. Dòng chảy nào rồi cũng gặp những khúc quanh – chỉ khác nhau là có thể thấy trước hay nó đột ngột xuất hiện; bình thản hay hoảng hốt thôi.
3/1/2023
Trương Văn Tuấn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...