Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Nhân một người viết trở lại với thơ

Nhân một người
viết trở lại với thơ

Người viết ấy là Phạm Hồng Nhật, cây bút trẻ của Hội Văn nghệ Quảng Ninh từ cuối thập niên 70 thế kỷ trước.
Sau hiệp định Genève 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chính phủ nhanh chóng xây dựng các khu công nghiệp. Trước hết là thành phố Hải Phòng rồi đặc khu Hồng Gai Quảng Yên, gọi tắt là Hồng Quảng, sau nhập thêm Hải Ninh thì đổi là Quảng Ninh. Một nơi có cảng và nhà máy xi măng, một nơi có mỏ than và cũng có cảng bốc than. Ở những địa danh này, Hội văn nghệ địa phương cũng được thành lập rất sớm. Các nhà văn Nguyên Hồng, Nguyễn Viết Lãm, Võ Huy Tâm ngay từ buổi đầu ấy đã trở thành hạt nhân hội tụ lực lượng viết trẻ của nền văn học công nhân, sơ khai và nhiều háo hức.
Háo hức nhất là những người viết trẻ vì văn chương nghệ thuật nơi đây được coi là gương mặt tinh thần của giai cấp công nhân tiên phong cho toàn xã hội. Họ được nhà nước cấp trụ sở, cấp cán bộ, cấp ngân sách cho Hội hoạt động. Họ có nơi lui tới gặp nhau và nhất là họ được tiếp cận với các nhà văn họ yêu mến từ thời học trung học, qua sách giáo khoa. Các nhà văn bậc thầy ấy giúp họ cách thâm nhập thực tế đời sống sản xuất của chính nền công nghệ địa phương mình, nơi mà nhiều nhà văn của toàn miền Bắc hồi ấy đều ao ước được đến đây tìm hiểu. Họ được trao kinh nghiệm viết và nhất là họ được đăng bài trên báo, trên sách. Một thuận lợi lần đầu tiên giới viết văn nước ta được hưởng. Trong những bạn trẻ yêu viết văn đang hồ hởi và tự hào với con đường sự nghiệp do mình tự chọn ấy, đã có Phạm Hồng Nhật. Khi ấy anh thuộc loại “chanh cốm” cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, sau lứa Trần Nhuận Minh, Lý Biên Cương dăm bảy năm. Chanh cốm là chanh đầu mùa thường bán được giá cao dù còn… ít nước. Anh Xuân Diệu có lần giảng cho tôi như vậy. Thành tựu văn chương của Nhật còn hòa trong bè bạn nhưng lòng ham viết, ham bạn văn chương thì không thua ai.
Những năm 60 thế kỷ trước, cả nước có chiến tranh. Miền Bắc chống không lực Hoa Kỳ và là hậu phương cho Miền Nam, tiền tuyến lớn. Sôi nổi và ác liệt. Phạm Hồng Nhật là cán bộ phòng kỹ thuật nhà máy Cơ khí Hồng Gai. Anh làm thơ như một thú chơi tài tử. Nhưng rồi thơ anh chắc dần lên. Hồi ấy các nhà thơ đàn anh thường biểu dương khuynh hướng thơ hiện thực, cổ vũ tinh thần lao động, chiến đấu. Thơ vùng mỏ càng cần tải vào tâm hồn bạn đọc những phấn khởi, tự hào, kiêu hãnh của người làm than. Từ đấy, hình thành một số dạng cảm xúc thơ công nghiệp người viết hay chọn dùng và người biên tập hay chọn đăng. Điều đầu tiên là một vóc thơ mạnh mẽ, xốc vác và sau nữa thường là tìm ra những vẻ đẹp gần xa của đặc trưng nghề nghiệp, của chất lượng sản, kiểu như: nghề thợ rèn cái bắt tay rất chặt. Hay:
Kíp lê là loại than già
Than cám rất mịn than hoa rất mềm
Than bùn không lẫn bùn đen
Than com gái đứng nép bên hiền hòa
Câu thơ về thợ rèn tôi không nhớ của ai. Còn mấy câu về các loại than là của Phạm Hồng Nhật. Nhưng của ai thì cũng là của nhiều người. Nhiều người đã vận dụng thủ pháp này. Kể ra ban đầu cách lập ý này cũng có thi vị. Nhưng rồi hết thợ rèn sang thợ gò, thợ đúc, thợ luyện gang, thợ cán thép… cứ một mẫu ấy mà gia công thì lại hỏng. Nó nhàm. Nhưng đó chỉ là một nhược điểm dễ thấy và cũng không phải khó sửa.
Cái khó là chất thơ đích thực, điều đáng nói đích thực, nó nằm ở đâu trong vạt đề tài này.
Thắng Pháp. Đình chiến. Miền Bắc bước vào khôi phục kinh tế và rồi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nhiều đổi thay phấn chấn mọi lòng người. Khi Tố Hữu chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng thì cũng là lúc hình thành lớp nhà thơ mới, sau này được gọi là lớp (nhà thơ kháng chiến) chống Mỹ. Đó là những Thái Giang, Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) Bùi Minh Quốc, Ngô Văn Phú, Võ Văn Trực, Trường Giang, Tạ Vũ, Xuân Quỳnh, Hoài Anh…và sau đó Nguyễn Mỹ, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Văn Thảo Nguyên, Vũ Quần Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm, Hoàng Hưng, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Trần Nhuận Minh, Khánh Nguyên, Ý Nhi , Thanh Nhàn…Khi tập tuyển thơ của lớp nhà thơ này ra đời, tập Sức mới (Văn học 1965), với lời giới thiệu của nhà thơ Chế Lan Viên, thì bạn đọc yêu thơ đã nhận ra vóc dáng và giọng điệu riêng của lớp nhà thơ này. So sánh Thăm lúa của Trần Hữu Thung với Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ hay Viếng bạn của Hoàng Lộc với Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu và nhiều trường hợp nữa. Khi họ cùng khai thác một đề tài, chúng ta dễ nhận ra bước phát triển đáng mừng về thi pháp của lứa đàn em. Chính lứa này tạo nên những cây bút mở đầu và cũng là chủ lực cho vạt thơ mang đề tài công nghiệp. Đấy không phải do sự mẫn cảm đặc biệt nào của họ mà chỉ vì phải đến lúc ấy nước ta mới thật sự có nền công nghiệp. Và nhân vật người thợ lại là đề tài đầu vị của nền văn chương xã hội chủ nghĩa. Thuận lợi quá cho các nhà thơ trẻ đang sống trên những vùng công nghiệp như Hải phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Việt Trì… Phạm Hồng Nhật được hưởng lợi thế đó. Nhưng lợi thế thì cũng chỉ ở những bước khởi hành thôi.
Làm thơ như chạy ma ra tông. Anh Trúc Thông có lý khi đặt tên hai tập thơ đầu của mình là Ma ra tông và Chầm chậm tới mình. Chỗ tới của thơ là tới mình chứ không phải tới đề tài. Đề tài công nghiệp, công nhân được khuyến khích trong các cuộc vận động sáng tác, trao giải biểu dương của Hội Nhà văn, của Tổng Công đoàn, của các bộ chủ quản hoặc của chính đơn vị sản xuất. Nhưng chỗ đến của thơ lại ở ký ức bạn đọc. Lúc này các hội văn chương còn lập ra ban chuyên đề chăm sóc riêng cho đề tài công nghiệp này. Các cuộc thâm nhập thực tế sản xuất được liên tục tổ chức. Người viết trẻ bỗng nhiên trở thành nhân vật trung tâm trong không gian chế tạo thơ văn sầm uất này. Ít ai nhận ra rằng khi các cuộc vận động sáng tác chỉ nhằm vào ca ngợi, biểu dương thành tựu của các ngành sản xuất thì sẽ dẫn đến sự thu hẹp chủ đề của đề tài. Thơ văn tụt xuống làm vai trò của quảng cáo. Quảng cáo thành tích sản xuất và quảng cáo chất lượng sản phẩm. Hậu quả là văn chương, cụ thể ở đây là thơ, mất dần độc giả. Một số không nhiều cây bút mẫn cảm, trong đó có Phạm Hồng Nhật, đã tìm cách mở rộng sức ôm hiện thực cho thơ mình. Với họ, người thợ không chỉ tồn tại trong môi trường sản xuất mà trong toàn bộ cuộc đời như vốn có, với tất cả mọi mối quan hệ phong phú. tạo nên những mạch chủ đề mới sâu sắc hơn và khái quát hơn. Sáng kiến ấy còn từ tốn và rụt rè nhưng những tác phẩm của nó cho đến nay còn chịu được sự đọc lại. Sau ngày đất nước thống nhất, khuynh hướng sáng tác chạy theo đề tài bắt đầu phân hóa. Phần lớn mở rộng không gian tìm thơ, không ai muốn tự nhốt mình trong lồng đề tài. Một số ít không thấy đăng thơ nữa. Một số bỏ hản thơ đi làm nghề khác Phạm Hồng Nhật rời Vùng mỏ về bộ ở Hà Nội rồi sang Liên Xô làm công tác Đảng, quản lý một vùng rộng lớn lao động xuất khẩu. Không còn mấy thời giờ và tâm trí cho thơ. Cũng không tính đến việc xuất bản các bài thơ đã viết trước đó.
Cuối những năm 80 thế kỷ trước, Quốc sách Đổi mới, mà bước đầu tiên là đổi mới tư duy, đã thật sự tạo nên bước đổi thay đất nước ở tất cả mọi lĩnh vực. Riêng văn chương nghệ thuật sự đổi thay có thể không được liên hơi liền mạch, khi ngập ngừng, khi mạnh dạn. Tùy lúc, tùy người cầm trịch. Nhưng là một đổi thay toàn diện, tạo nhiều thuận lợi cho người sáng tạo và quảng bá tác phẩm. Người cầm bút làm thơ chưa bao giờ đông đúc như hôm nay. Ai cũng có thể in thơ. Vui lắm! Nhưng người đọc thơ cứ vắng dần. Các hiệu sách từ chối bán thơ. Thơ thắng lợi về lượng và thất bại về chất.
Phạm Hồng Nhật trở lại với thơ trong tình thế ấy. Vui với bạn bè Nhưng không dễ với anh.
Lợi thế là anh đẫ vào tuổi hưu, đã có nhiều chiêm nghiệm việc đời, Việc đời ở xứ ta và trong thiên hạ. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam ta đã được hơn ba thập niên. Cũng lắm thay bậc đổi ngôi lí thú làm sáng dần cái thiên lương của lòng người bút mực. Người làm thơ cố cựu gặp lại bạn bè và cảm hứng của lòng mình. Phạm Hồng Nhật in lại thơ cũ (chọn 20% để in) và viết tiếp thơ mới, Trong 10 năm xuất bản 7 tập. Mừng, cố nhiên. Đây là dịp đề Phạm Hồng Nhật truy lĩnh cảm xúc mà có thời anh đã vùi đi (Tôi muốn dập chồi non tia lửa thắm Dưới tro của thường ngày kẻo sinh nhiều chuyện lắm – Xuân Diệu). Anh thương nhớ lại những nỗi niềm chưa kịp thương, nhưng vẫn nhớ. Chỉ một nét thường ngày cũng đủ làm người xa quê chạnh lòng nghĩ ngợi, một đối chiếu âm thầm không nói ra nhưng đầy thương cảm:
Trẻ hóng chuyện khách từ xa tới
Mắt lạnh buồn, bụi nhem nhếch trên môi.
Trân trọng niềm vui trong cuộc sống yên hàn thị trấn nhỏ Sơn Động miền rừng bình dị:
công viên mở, gái trai vào tâm sự
lời hẹn hò …lấp lửng . Mặt trăng lên
Có chút gì xao xuyến cảnh cũ chuyện xưa của người trở về:
biển xanh trẻ, sóng phơ phơ đầu bạc
cứ thốc vào thương nhớ của lòng nhau
Câu thơ Phạm Hồng Nhật có mềm hơn xưa, nội tâm hơn xưa nhưng anh chưa khai thác hết khả năng này. Những chuyện dâu bể mà người ở tuổi anh đã trải, những thăng trầm” cứu nhà, cứu nước” mà anh đã biết chắc chắn tạo nên trong tâm hồn anh một khía cạnh trữ tình thấm thía hơn những gì anh đang nói trong thơ. Tôi có đòi hỏi này đối với Phạm Hồng Nhật vì anh đã làm chủ được bút pháp thơ và tóc anh đã trắng nửa mái đầu. Anh cần mở rộng phạm vi rung cảm để đạt tới chỗ thấu đáo việc đời. Một cuối chiều anh cảm nhân, rất vu vơ, tự lòng mình:
Cuối chiều như tỉnh như mơ
vừa buông tay sáng vừa quờ đêm đen.
Lẽ ra bài thơ cần nhập vào sâu hơn cái tâm trạng giữa sáng và đêm.
Tình thế người lính thời hậu chiến đã có sức gợi trong những câu thơ tả cảnh nhưng anh lại quá ham cảnh làm vơi mất tình, làm mờ đi nỗi niềm người lính cũ không bằng cấp, không đỡ đầu mối lái (…) chức to nhất là phụ xe bốc gạch.
Bài thơ Cảm xúc mùa thu là bài hoàn chỉnh về bút pháp, nội tâm và ngoại cảnh hài hòa, chừng mực, phảng phất hơi thơ cổ điển, tôi nghĩ Phạm Hồng Nhật có thể từ đây, thiên nhiên mà phát huy vào thế sự:
rừng xa thấp thoáng ngôi chùa cổ
tiếng chuông rơi hồ nước tràn đầy
Như người quá chén trong trời đất
một chút xíu thôi cũng say mềm
bước chân chuếnh choáng hai sườn núi
đường vào lá rụng bốc hơi men
Ở chặng viết hiện tại, Phạm Hồng Nhật đã có cách nắm bắt thần thái nhân vật, chi tiết mảnh nhưng sắc. Bút pháp hiện thực phê phán lạc vào thơ trữ tình khá đắc địa:
chủ đã dáng một yếu nhân đang phất
vung tay chém ngang trời, chỉ xuống lại chọc lên
Hiện thực của hôm nay rất cần những đặc tả như vậy. Đây cũng là sức mạnh nội tại của chủ nghĩa hiện thực. Trần Nhuận Minh, nhà thơ vốn gần gũi với Phạm Hồng Nhật từ năm mươi năm trước đã tận dụng sức mạnh hiện thực này và lợi thế của quốc sách Đổi mới tạo dựng một chặng thơ hiện thực thế sự khá hàm súc khi ông bước vào tuổi “tri thiên mệnh”
Bạn đọc hiểu và chia sẻ với Phạm Hồng Nhật tình thế Đọc thêm trang cũ ngấm buồn/ lật sang trang mới mờ sương cuối chiều nhưng giải pháp nào để vượt qua nó thì Phạm Hồng Nhật phải tự lo, không thể thức trắng những đêm cô liêu chỉ để nhớ nhiều em xa. Tôi biết anh tự giễu mình nên nói vui với anh vậy thôi. Chứ tạng tâm hồn anh cũng thuộc loại “cả nghĩ”. Anh muốn tạo dựng lại nghiệp thơ của mình. Không khí sáng tác thơ trong bạn bè và ngoài xã hội đang có những đổi thay thuyết phục thôi thúc anh hàng ngày. Anh hăm hở viết và bền bỉ làm lại mình, đúng hơn, giải tỏa cảm xúc mình, tỏa lòng mình vào mọi đổi thay đang diễn ra phong phú trong muôn mặt cuộc đời. Nhưng thành tựu của anh ở chặng mới này lại chưa thật trội. Thời gian làm việc không còn nhiều.
Như nhiều bạn bè cùng lứa, Phạm Hồng Nhật cũng đã có những năm tuổi trẻ hồn nhiên, tung tẩy viết. Hồn nhiên vì trẻ, vì đất nước vừa thắng thực dân xâm lược. Cảm xúc này lớn lắm, tạo trong hồn người viết trẻ khi ấy một cơn say lãng mạn. Nhìn vào đâu cũng thấy sáng tươi, hi vọng. Đến Tố Hữu, một tài năng thơ xuất sắc và một nhà cách mạng chuyên nghiệp dày dạn, ngày đình chiến tháng 7.1954, từ đường rừng chiến khu ra đường trải nhựa đã hào hứng reo lên Đường ta rộng thênh thang tám thước và đắc ý khái quát cho cả lộ trình cách mạng Đường Bắc Sơn Đình Cả Thái Nguyên. Sau này có người phân vân “tám thước mặt đường đã là gì mà thênh thang, mà tự hào!” Tôi thì lại thấy quý câu thơ ấy. Nó là một dấu vết của tâm trạng. Nó cho thấy một hiện thực rộng hơn hiện thực ngoài đời. Hiện thực ngoài đời chỉ là đường tám thước nhưng hiện thực tâm trạng là thấy nó thênh thang. Do đấy mà người đọc thấy được cả thời cả thế một giai đoạn lịch sử đất nước.
Chặng mười năm 1954 -1964 của lứa nhà thơ sau kháng chiến chống Pháp cũng có nhiều nét hồn nhiên mơ mộng và ngây ngô như vậy. Dễ phấn khởi và dễ tự hào. Bạn Bùi Minh Quốc, năm học lớp chín hệ trung học mười năm, đã có bài thơ Lên Miền Tây, anh say mê băng mình trong sức mạnh nhân dân đi dựng lò đúc thép ở Điện Biên, mà không cần biết Điện Biên có mỏ sắt hay không. Cơn say lãng mạn ấy đủ khích lệ một thế hệ thanh niên đi tới. Đi tới thống nhất đất nước, đi tới một nền thơ có thể còn nhiều phiến diện, nhưng cần thiết cho cuộc đời lúc ấy. Cái phiến diện ấy thơ biết chứ, sẽ có lúc cân trở lại. Cái cần lúc này là phải thắng trong cuộc chiến: Anh cúi mặt bên đèn khêu lại bấc/ Nước mắt rỏ theo câu hò anh lấy tay che. Chế Lan Viên, nhà thơ tài năng thuộc thế hệ đàn anh, đã nói ra điều ấy trong bài thơ về một đêm hò từ tạ những người cảm tử ra biển phá thủy lôi Mỹ bao vây duyên hải Miền Trung, đêm hò từ tạ thay cho lời vĩnh quyết kẻ ở người đi. Anh cúi mặt bên đèn để giấu đi giọt lệ đã lưng tròng. Chị lấy tay bưng mặt mà che nước mắt cứ tự ứa ra, không cầm lại được.
Lứa làm thơ trẻ vừa nhập ngũ, mỗi người một cách tự vượt lòng mình. Phạm Tiến Duật tếu táo mượn giọng hài cho chuyện kể bớt thương tâm. Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Trần Vàng Sao tìm sức mạnh từ lịch sử và truyền thống. Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm lấy khốc liệt chiến trường nói nỗi thương cha nhớ mẹ tuổi học trò. Xuân Quỳnh dùng khoảng cách giữa đôi người yêu xa nhau để nói hiện thực chiến tranh…Mọi cây bút của cả thế hệ ấy phải tự thu xếp cho chính lòng mình đủ bản lĩnh để đi đến đích của chiến tranh. Phạm Hồng Nhật cũng trong số ấy. Làm thơ không còn là chuyện nhí nhảnh chim chóc ngứa cổ hót chơi. Nhiều tài năng văn chương đã nằm lại ở chiến trường. Có người sau đó đã sang nghề nghiệp khác. Phạm Hồng Nhật cũng đã bỏ thơ một chặng khá dài. Nay trở lại, cố nhiên không thể viết như cũ. Nhưng thay đổi thế nào để tận dụng được vốn đời mình đã có, để bổ sung được những nhận thức mới tìm ra, để thể hiện những chiêm nghiệm vừa đúc kết.
Tôi có cảm giác Phạm Hồng Nhật đã tìm ra không gian cảm xúc của mình, nghĩa là không gian gợi cảm hứng nội tâm. Anh như cô Kiều sau nhiều năm lưu lạc quê người, nay được tái hợp với tình yêu. Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa. Chuyện xưa tích cũ, nhiều nông nỗi đời người. Nhớ lại không bâng khuâng thì cũng ngậm ngùi. Phạm Hồng Nhật cũng tự giãi bày, anh nói: nghĩ lại so với trước đây cuộc đời mình cũng như bè bạn thịnh vượng lên nhiều chứ. Không hiểu sao thơ viết ra cứ phảng phất buồn. Không hẳn là buồn đâu anh Nhật ạ. Bâng khuâng năm tháng đấy. Tố Hữu về lại nhà Mẹ Tơm, nơi ông ẩn náu sau khi vượt ngục hai mươi năm trước. Đất nước đã giành độc lập, đang đấu tranh cho thống nhất . Cuộc đời tác giả cũng bao thay đổi. Câu thơ vui như reo nhưng không giấu được thoáng bâng khuâng năm tháng: Nhiều đấy ư em, mấy tuổi rồi/ Hai mươi, ờ nhỉ tháng năm trôi/ Sóng bồi thêm bãi thuyền thêm bến/ gió lộng đường khơi rộng đất trời. Phạm Hồng Nhật đã nghe ra được trong lòng mình thoáng bâng khuâng ấy. Giọng thơ trở nên nội tâm và chất chứa nỗi niềm thế sự. Đây là chỗ anh viết hay hơn chặng trước. Sâu hơn trước, gợi cảm, gợi nghĩ hơn trước.
Hướng phát triển rất hứa hẹn. Nhưng sao…Tôi cứ ngờ ngợ. Hình như Phạm Hồng Nhật còn “quan liêu” với chính trái tim mình. Anh thử lắng lại nghe xem, bâng khuâng hay ngậm ngùi cũng lắm sắc thái lắm. Người đọc sẽ sâu nặng, thấm thía với cuộc đời hơn khi anh cho họ nghe thấu các sắc thái ấy Ở giai đoạn trước, với anh, đây chỉ là những bối cảnh cụ thể của đề tài, nó cung cấp thông tin về đề tài. Giờ đây anh tạo dựng không gian trữ tình, không gian nên thơ, không gian gợi cảm xúc nhưng anh chưa coi trọng việc cố định những sắc thái riêng biệt trong mỗi không gian cảm xúc ấy. Mỗi thay đổi của cảnh sắc quê hương đều đụng tới nỗi bồi hồi trắc ẩn của lòng anh. Đó là tiềm lực cảm xúc của anh. Cảnh sắc thay đổi nhiều phía, nhiều cung bậc, ôm chứa nhiều nghĩa lý đời người nhưng trong thơ lại chỉ gợi một dạng thương nhớ ơ hờ bàng bạc trong tâm trí. Anh cũng nên đề phòng, lơ là chỗ này dễ để lẫn vào những câu thơ ‘sến”, nó gợi đấy, nó xao xuyến đấy nhưng mòn và xáo. Cũng nên nghi ngờ những câu thơ dễ đến, Anh Nhật ạ!
Trở lại với thơ khi đã vào tuổi hưu là một nỗ lực của lòng yêu đời, ham viết. Rất quý! Những bạn thơ cùng lứa đã hăm hở cuốn anh vào không khí đi và viết. Hoài bão của anh cho phép bạn đọc hy vọng. Riêng với tôi, tôi mong muốn anh đừng bận tâm đến tuổi, đến cái màn sương cuối chiều mà cứ hồn nhiên viết, tự tin viết, truy lĩnh lại một cách ý thức những tháng năm lơ đễnh với thơ. Cũng xin thưa với Phạm Hồng Nhật, vài mươi năm gần đây, tôi có được đọc thơ của những cây bút mới, mới với tôi thôi, chứ đọc vào thơ, tôi nhận ra giọng điệu và cách nghĩ của lứa tuổi mình, dấu vết năm tháng và đôi khi những trở trong đời cũng na ná nhau. Không mấy dịp xuất hiện trên báo, trên sách, nhưng câu thơ vững chãi, bài thơ có cốt cách. Cũng lo thẩm mỹ bản thân bị lỗi một, tôi nhờ các anh thường chọn thơ cho các báo của Hội Nhà văn Việt Nam đọc giúp, như anh Ngô Thế Oanh, anh Nguyễn Đức Mậu, các anh cũng khen và chọn đăng, kể cả bài giới thiệu tác giả. Đó là trường hợp các anh Đỗ Việt Dũng, (thương binh, đã mất), Đào Khang Hải (Hòa Bình) Nguyễn Hạnh Hiếu (Thái Bình) Lương Vĩnh … (anh Lương Vĩnh thì tôi quen từ hơn nửa thế kỷ trước. Hồi ấy anh dời Hà Nội, mang trọn tuổi lên sống ở Tây Bắc chỉ để cho thơ đậm thêm phong vị thiên nhiên, vốn là lợi thế của anh). Đến nay nhiều anh đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các anh chưa vào, không biểt đã nộp đơn chưa, có lần tôi hỏi một anh, được nghe anh hồ hởi: được viết và được đăng thế này là Thơ rồi. Muốn gì thêm, sợ lại mất thơ đi. Nói rồi, anh nheo mắt cười. Nụ cười ấy tôi không quên được, nửa như hài lòng, nửa như tự thách mình. Lứa chúng ta phải trả học phí hơi cao để có nhận thức cho mình. Bây giờ phải tận dụng được nhận thức ấy cho thơ. Phải tìm được thơ cả ở chỗ ngỡ không thơ, ngỡ xa thơ. Ấy mới là thơ của thời ta đang sống.
18/2/2022
Vũ Quần Phương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...