Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Đời chăn trâu - Bút ký của Võ Quốc Việt

Đời chăn trâu
Bút ký của Võ Quốc Việt

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”, là gia tài sự sản của người nông dân. Con nít xứ tui là con nhà nông nên đứa nào cũng biết chăn trâu. Đứa nào đứa nấy: mặt mũi đen đúa, đầu khét nắng, chưn cẳng móc cời.  Từ hồi mở mắt chào đời đã thấy con trâu, con nhà nông nên sớm cảm thấu cảnh đời cơ cực nơi ruộng vườn, bưng biền.
Và con trâu không chỉ đầu cơ nghiệp, mà con trâu còn mở cuộc lương duyên. Bởi hồi xưa bà nội đi coi trâu cho cố mới đụng ông nội, mẹ coi trâu cho ngoại mới gặp ba. “Em như ngọn cỏ phất phơ/ Anh như con nghé nhởn nhơ giữa đồng” (Ca dao). Tình yêu trong cảnh đồng bưng phèn chua gian khó rất táo bạo mà không vượt vòng lễ giáo. Lễ đây là lễ nghĩa, bởi vì nghĩa mà thành lễ; còn giáo đây không phải “nho giáo” “nho học” gì ráo, mà giáo này là những lời ông bà xưa răn dạy con cái truyền lại. Có thể xem nó như thứ “triết lý giáo dục dân gian” trong chốn đồng quê thôn dã. Triết lý này gắn bó mật thiết với phong tục tập quán, ý ăn nết ở của người nhà quê. Và cũng bởi vì dân quê chẳng thạo chữ nghĩa nên ngó làm chi sách vở thánh hiền.
Nghe nói tới “nho giáo” như chuyện viễn vông hồn ma bóng quế, chi bằng đi cắt cỏ trâu ăn còn hơn! Có phải vì vậy mà Đức Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế chẳng “ưng bụng” khi thấy lịnh súy phủ nặng hơn lịnh triều đình, và nghĩ bởi “thất học” mới sinh ra tệ ấy, bèn xuống chỉ cất nhắc nền học vấn ở Nam kỳ chăng! Liệu rằng có phải vì cái học ấy xa lạ không mấy hấp dẫn với dân nhà quê, hay là nền tư tưởng ấy không đủ sâu bền thiết thực cho cuộc sống tay làm hàm nhai của dân đồng ruộng. Và có phải vì tay làm thì hàm mới có nhai, nên dân quê nào có biết triết học/triết giáo, họ chỉ biết triết lý! Rốt cục, người dân quê vẫn sống với cái “tự tánh” giống nòi phú bẩm, nương theo trời đất liên thông tam tài, lập ra lề thói nhân sinh. Giữ gìn lề thói xưa, tình yêu của người dân quê cũng hiền hòa bình lặng như ánh mắt con trâu bầu bạn nhà nông. Ấy vậy mà trong đó nhìn thấy cả triết lý nhân sinh và phong tục văn hóa truyền đời của xứ sở.
Đình thần Rừng Muỗi
Đời chăn trâu nói ngay khổ cực mà cũng có cái vui. Niềm vui của tụi con nít phá làng phá xóm. Từ thời cha mẹ tui, người ta đã nghe kể về bầy con nít chăn trâu gần Đình Rừng Muỗi. Nào chuyện vô Rừng Muỗi lấy tổ chim, bắt gà rừng nướng đất sét. Rồi chuyện đám con nít chăn trâu ráp bê tượng thần ra ngoài bưng cho thần xuống vũng trâu nằm. Ông từ giữ đình bắt được, mắng vốn cha mẹ. Đám con nít phải bị ăn đòn. Tối ông từ nằm mơ, bị thần quở. Thần nói: đang chơi vui, cớ sao ngươi phá đám! Còn có chuyện thần linh ứng, hễ đám người nào bụng dạ xấu xa, muốn chặt cây đốn cành liền bị thần vật hộc máu. Đứa nào trộm trâu, dắt trâu đi lòn đằng sau đình thì thôi, mà hễ dắt trâu trộm qua trước cổng đình thì y như rằng, chủ trâu đến khấn liền sẽ tìm lại được. Và chuyện thần nhập vô người đàn ông nọ, giúp dân đánh cọp, giữ yên xóm làng, giờ mộ phần vẫn còn trong khuôn viên đình! Bao nhiêu truyền tích thời con người mới đến khai khẩn, làm cho tâm thức đám con nít vừa sợ, vừa kính. Cũng ngộ, hễ con nít vô rừng lấy trứng chim, bẫy gà nướng đất, không sao! Hễ có phường gian tặc léng phéng thì không mất mạng cũng hộc máu. Có lẽ sức mạnh thần kỳ chính là sức mạnh tâm thức dân gian và ý thần cơ hồ chính là ý dân đó!
Đời chăn trâu khổ cực mà vui.
Không biết giờ này những người bà con của tui ở xứ người có nhớ quê và nhớ cảnh chăn trâu hồi nhỏ. Có khi nào bà con ở xứ lạ chợt nhớ đồng bưng mênh mông, bì bõm nước. Nhớ mỗi bận nước lên, năng lát cỏ lùn mọc sệt dưới trảng. Đám con nít hùng hục lội nước, lòn qua vai lọn dây trâu ướt nhẹp. Trâu ăn cỏ thì con nít kiếm chuyện phá: đá banh bưởi, thọc lỗ mọi, hái đũa bếp, giựt cắc ké, bẻ đọt dứa, … Mê nhứt hàng bình bát của Ông Bảy. Hễ dắt trâu ra dồng mé bưng ông Bảy thì cỡ gì cũng tạt qua hàng bình bát. Ở giữa có cái mương nhỏ, chạy dài theo đám ruộng từ mé triền trong xóm ra tới kinh lớn. Cặp mương, hai hàng bình bát xanh um. Dây tơ hồng, bòng bong, rau chạy mọc um tùm. Hồi đó, tụi tui mê bình bát dầm đường, mà đi hái bình bát ngán nhứt mấy tổ ong lá, ong sắt. Lật bật là bị ong chích sưng mặt tù vù.
Ngoài bình bát, trăm cũng một loại trái cây tuổi thơ. Trăm là loại cây cổ thụ, cành nhánh rậm rạp. Con nít chăn trâu khoái mùa trăm. Tới mùa trăm chín, con nít tranh từng gốc trăm như chiếm lãnh địa. Về hương vị, trăm mới chín tới thì ngọt ít chát nhiều. Trái nào chín rục, rụng đầy dưới gốc hoặc trái chim ăn thì ngọt hết biết. Trăm có hai loại: trăm mốc và trăm bột. Mùa trăm cũng thời gian nghỉ hè. Vừa ra đồng phụ gia đình, lo chăn trâu, con nít xứ tui có dịp “trải nghiệm sinh thái”. Tới mùa, cây trăm nào cũng có dấu chưn con nít. Nhà nghèo ở vùng sâu vùng xa bưng biền hoang hóa, làm sao có bánh trái mà ăn như con nít ngoài chợ! Con nít chăn trâu chỉ có mấy loại cây dại ngoài đồng. Nhưng bảo đảm, trong đám con nít chăn trâu hồi đó (nay có nhỏ làm việc ở trời Á, có thằng làm việc ở trời Âu) nghe nhắc lại thế nào cũng thèm thuồng, luyến nhớ. Những “trải nghiệm sinh thái” như vậy không thể mua bằng tiền!
Cùng với trăm, còn một số loại trái dại khác nữa. Như bứa, loại quả cỡ bằng trứng gà, chín có màu vàng sậm, ăn có vị ngọt chua thanh, cùng họ với măng cụt. Loại trái này phân bố miền Nam Ấn Độ và Đông Nam Á. Nhắc chuyện trăm với bứa, lại thấy! Ở Việt Nam, cả trăm và bứa đều phân bố ở Tây Nguyên hoặc Nam Trung bộ. Có lẽ quê tui (Tân Mỹ-Đức Hòa) – dải đất cuối cùng của miền Đông – đúng hơn là nơi tiếp giao giữa miền Đông và Tây Nam Bộ, vạt đất cuối cùng dãy Trường Sơn (mà nhìn rộng hơn sẽ thấy can hệ tới Hy Mã Lạp Sơn trong cuộc va chạm giữa hai mảng kiến tạo Ấn Úc và Âu Á). Đất quê tui có thế ỷ dốc: cao ở mé Lộc Giang, An Ninh thấp dần cho tới kinh Xáng Lớn, rồi đổ xuống trũng thấp ở vạt Đồng Tháp Mười; và đặc điểm giao thoa khí hậu thổ nhưỡng (đất phù sa bồi, đất phèn, đất xám; lại cũng chỗ tiếp giao tiểu vùng phù sa cổ sinh và cận sinh). Thế nên, một số loài cây vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ cũng xuất hiện ở đây. Hồi thế kỷ XIX-XX vẫn còn nhiều cánh rừng. Bởi vậy đến nay còn những địa danh như Rừng Dầu, Rừng Sến, Gò Sao, Gò Cao, Sò Đo, Thôi Môi, Hốc Thơm, Bàu Trai, Bàu Công, … Cũng bởi có rừng, nơi xa xôi hẻo lánh, nên có không ít người nghĩa đánh Tây chưa thành trốn về xứ này để lánh tai mắt thực dân. Chẳng hạn: ông Trần Văn Kiêm (đánh Trần Tử Ca ở Hóc Môn, sau lẩn trốn ở Đình Thần Rừng Muỗi – Tân Mỹ), ông ngoại Võ Văn Tần (tham gia nghĩa quân Trương Định, sau thất bại cùng con gái chạy về Đức Hòa, ở đây ông gả con gái là bà Nguyễn Thị Toàn cho ông Võ Văn Sự – tức là cha mẹ của Võ Văn Tần), lại nghe có người nói một trong hai đứa con của Võ Duy Dương với bà Trần Thị Vàng cũng lẩn trốn về vùng đất này. Hóa ra, đất này nghèo nhưng đã mở lòng đón bước không ít người nghĩa, xứ “hóc bà tó” nhưng cùng quê hương trải qua không ít chuyện ba đào thời cuộc.
Mùa khô! Đồng bưng nứt nẻ. Dồng trâu phải dồng cho xa mới có cỏ trâu ăn. Chừng trâu mà làm biếng nên tui thường leo lên cây bạch đàn ngó ra chỗ trâu ăn. Trên cao nhìn xuống, thấy mùa khô trải khắp đồng bưng. Dưới cái nắng chang chang khô hanh, nhìn xa xa rập rờn mấy đụn năng chụm lại khô héo, phèn đóng vàng chạch. Lưng trâu sình khô đóng bệ bệ. Mấy vũng trâu nằm kẹo lệt. Vài con cá trê ngoay ngoảy chui trốn ánh nắng thiêu đốt. Có anh bạn miền hạ Vàm Cỏ với miệt vườn Cái Bè than thở cái nắng Đức Hòa. Không phải ánh nắng giòn giã tươi mát trong những vườn cây trái hứng gió sông Tiền, cũng không phải cái nắng xôn xao trong những lùm dừa nước vọt cao giữa trời miền hạ, cái nắng Đức Hòa khô hanh ương chướng khiến mồ hôi tiết ra khô sệt trên da. Nhiều khi lặng gió, đọt tre im phăng phắc khiến người ta chỉ muốn chạy vội ra giàn nước xối đại mấy gàu. Bởi vậy, đám con nít chăn trâu mùa này ưa lội đìa. Ở nhà người lớn vẫn rầy la, không cho lội ở đó vì rất nguy hiểm. Nhưng trời sanh cái gì càng cấm lại càng tò mò thích thú. Dồng trâu xong, kéo bầy đi tắm đìa mà trong đám có đứa về méc lại, thế nào cũng bị ăn đòn! Không chỉ cấm tắm đìa, người lớn còn cấm đào củ vịt trong mấy vạt rừng thưa. Bởi tàn tích chiến tranh còn lẩn khuất! Vài quả bom sót lại có thể khiến mất mạng hoặc khổ hơn là thương tật suốt đời. Con nít nào biết chiến tranh là gì! Nhưng trong ánh mắt người cao niên, chiến tranh là vết sẹo lồi còn nguyên hiện như nhắc nhớ dã tâm phi nhân của một giống người này đối với một giống người khác.
Cuộc đời đám trẻ chăn trâu hồi đó, có lẽ cũng là số phận của người dân xứ mình sau khi đất nước thống nhất. Bữa chuồn chuồn xình xịt bay từ mé đìa lên vạt gò loan tin đình chiến, người buông cuốc kẻ quăng cày, chạy vào xóm reo mừng quê hương hòa bình! Cũng có người té ngửa ra đất khóc tức tưởi. Hai đứa con đi kháng chiến, mới nhận tin tụi nó hy sinh ngày 29 thì ngày 30 thống nhất quê hương. Họ đau vì núm ruột vừa đứt lìa hôm qua, và còn đau trước nỗi mừng vui của quê hương liền một dãy mà mái gia đình không thể nào sum hiệp.
Sau những đau thương mất mát chiến tranh, da thịt quê hương dần hồi phục. Có người tưởng liền lặn, đâu hay đó là sẹo lồi. Dẫu hồn quê và đời người vẫn còn nghèo khó cơ cực nhưng tương lai đầy hứa hẹn ở phía trước đã mở ra. Những đứa con nhà nghèo bì bõm trên đồng nước, đầu khét nắng, mặt cháy đen, tay chai sần, cặp dò mốc cời, mình mẩy lang ben; bây giờ đã trở thành những con người mới. Mỗi người một ngã đường cùng hòa vào dòng chảy vận hội quê hương. Chung tay góp sức, mỗi người một việc làm cho quê hương giàu đẹp. Thế hệ ông bà cha mẹ của họ đã sinh ra, lớn lên và tham gia vào cuộc chiến gìn giữ quê hương trước kẻ thù xâm lược, thế hệ đó đã hoàn thành trách nhiệm thời đại. Còn đám trẻ chăn trâu, nay không ít người làm ông này bà nọ của cải dư giả, liệu họ có nhận ra trách nhiệm lịch sử thế hệ mình. Thật chưa dám nghĩ đến chuyện hoàn thành trách nhiệm!
Đám con nít hồi đó từ đời chăn trâu đã tiến bước vào đời văn minh công nghệ. Có người vẫn bám trụ đất quê, có người lưu lạc xa xứ, nhưng ký ức chăn trâu hồi nhỏ là mối liên kết siêu hình không thể lý giải được giữa những con người mà bây giờ đã thuộc về những phương trời khác nhau. Rồi cơn sốt “ông địa” khiến “cò” bay tối ngày và những mối thân tình cũ tưởng không bao giờ rạn nứt đã gãy đổ gọn hơ. Đúng kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”! Bạn cảm giác “cấu trúc văn hóa làng truyền thống” đang lay chuyển sụp đổ. Bạn thử nghĩ: cái truyền thống năm xưa và cái truyền thống bây giờ, nên sao?
Vẫn nhớ: lễ tết, cưới hỏi, giỗ quải, … dù lưu lạc nơi đâu, đám con nít chăn trâu hồi đó cũng tề tụ quay về. Nhớ bữa chạp mã ngùi ngùi trong làn khói nhang, buổi sáng còn hơi sương lạnh nhưng bóng người quây quần trên khu mộ làng khiến đất trời ấm cúng. Màn sương sớm quyện vào ánh mắt người và mùi nhang lan tỏa khiến bạn tưởng như sống lại những ngày tháng cũ. Thời đại thay đổi, mỗi người mỗi cuộc đời khác nhau, nhưng tất cả đều từng là đám con nít chăn trâu làng Tân Mỹ thuở xưa! Ai ơi!
“Thương nhau chớ luận sang hèn,
Nghĩa nhơn mới trọng, chứ bạc tiền sá chi” (ca dao)
Rừng Dầu, 23/5/2023
Võ Quốc Việt
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...