Bùi Giáng - Một siêu sao tửng tửng
Huế là kinh đô của vương triều
nhà Nguyễn, nên Huế phải khác thường. Tâm lý "Đế đô" là tâm lý sang cả,
đài các. Ăn thì phải ăn nhiều món, chuẩn bị cầu kỳ - Dẫu là muối bảy món - Mặc
thì phải áo dài lượt là khi ra đường; dẫu là gánh chè bán dạo, áo vá bạc màu.
Nói thì phải nói cho sang, chữ nghĩa thưa bẩm đúng trật tự, không cong đuôi cụp
đầu, dẫu có mắng nhiếc ai nặng lời thì cũng phải có vần có điệu phù hợp với bài
bản.
Cách biểu hiện tình cảm cũng
phải đượm mầu quý phái. Có nghịch ngợm thì cũng phải chòng ghẹo "rím
rím". Nghĩa là phải kín đáo, dẫu "có hoang chẳng giống người thường".
Không nói toạc móng heo những ý tưởng riêng tư thầm kín mà nói ra nửa kín nửa hở.
Khi cái trạng thái hư hư, thự thực, nói năng bóng bẩy, lời lẽ bốn phương, hiểu
phương nào cũng đúng, nầy mà đạt đến trạng thái thăng hoa nghệ thuật thì sẽ trở
thành siêu sao "tửng tửng" điển hình của Huế. Đây là cách kiểu nói ra
hay biểu hiện thái độ một cách tự nhiên và tỉnh táo như đùa như thật; như
nghiêm như trêu; như theo như chống, như vui như buồn.
Trong thơ ca, nhất là thi
văn xướng họa thì sự trêu ghẹo nhau bằng chữ nghĩa thường trở thành những màn
chơi chữ đầy nghệ thuật thú vị. Kiểu nói tửng tửng nầy thật không ngờ lại chưa
hẳn là sở trường của Huế. Một người bạn Huế, phóng một câu tuyệt tác tửng tửng
đến nước nầy thì con dân văn bút nhà Huế chỉ còn nước sắp hàng một vỗ tay hoan
hô:
Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông
Hương
Dạ thưa, đó là Bùi Giáng,
anh học trò trong Quảng ra thi của một thời Quốc Học... chỉ cần hai câu lục bát
thì cũng đủ lên ngay cái hàng siêu sao tửng tửng.
Mới nghe qua hai câu thơ đệ
nhất tửng tửng nầy đã có người lên tiếng:
- Nói chi lạ rứa hè! Sông
Hương núi Ngự thì muôn năm vẫn là sông núi cũ chứ có bò đi mô mà phải tìm kiếm!
Nói theo kiểu ni thì có khác chi nói lại rằng:
Dạ thưa cái cổ bây giờ
Vẫn còn dính với trên bờ hai
vai
Có những chân lý thị hiện hằng
ngày chẳng cần tìm kiếm đâu xa. Nhưng sự nghịch lý của đời nầy là càng hiện rõ
chừng nào, càng khó thấy chừng đó. Như lý thuyết nhà Phật thường nhấn mạnh chân
tâm Phật tánh ở ngay trong mỗi con người, nhưng có được bao nhiêu người tìm ra
được. Sông Hương Núi Ngự đi qua ngày hai buổi nhưng mấy người chịu lắng lòng để
nghe câu chuyện dâu bể của dòng sông; mấy người nghiêng mình vào cõi vô trú để
nhìn ra dáng vẻ đầy uy vũ muôn trùng của ngọn núi.
Cái nhìn của Hàn Mặc Tử là
cái nhìn quá tĩnh lặng và xuyên suốt bản chất mới thấy được "Nắng hàng
cau" nơi thôn Vỹ Dạ. Cái nhìn của Bùi Giáng là cái nhìn bão nổi trong cảm
xúc và uyên thông trong trí tuệ mới thấy được trái tim của Huế. Bao nhiêu thế hệ
đã đi qua. bao nhiêu nguy biến đã dập vùi mà "Vẫn Còn". Căn tính chưa
lụi tàn, thể tính chưa phôi pha nên vẫn còn, vẫn còn và vẫn còn... Vẫn còn Núi
Ngự bên dòng sông Hương. Huế vẫn còn là Huế.
Một thời, có ai nói đến thơ
xưa, thơ mới, thơ siêu thực, thơ tượng trưng, thơ nguyên tử... tôi lại lan man
nghĩ đến Bùi Giáng với Mưa Nguồn và những bài thơ đăng rải tác đâu đó trên các
sách báo miền Nam thời đi học. Có lẽ tại tôi mê chuyện kiếm hiệp nên thích những
mẫu người kỳ lạ hơn là nghiêm túc nghĩ đến văn chương.
Điều tôi thích nhất ở Bùi
Giáng không phải là những vòng hào quang cũng như gai góc mà người đời đã không
ngớt mang tặng cho ông. Tôi thích nhất ở Bùi Giáng là thái độ rong chơi của ông
trong thi ca tư tưởng. Ông nói chuyện triết học cao siêu dễ dàng và cà rỡn như
nói chuyện Tấm Cám và nói chuyện Tấm Cám xa vời như tư tưởng của Kant,
Nietzsche, Heidegger. Đọc sách của ông rất khó phân biệt được biên giới giữa
thi ca và triết học. Ông bàn về chuyện triết học như làm thơ và làm thơ như
chuyện đùa giỡn. Bùi Giáng là người làm xiếc trong ngôn ngữ với một
“bút-pháp-không-bút pháp”. Thơ ông đầy những từ đẹp như hoa gấm, những câu tuyệt
bút, nhưng cũng không thiếu những chữ đệm “tầm ruồng” (chữ của chính Bùi
Giáng), những câu khó hiểu, những ý mờ mờ nhân ảnh, nên rất dễ làm hoa mắt những
đầu óc quá thông thái mà thiếu cái Tâm thoáng đạt, hồn nhiên, chất phác; thậm
chí... quê mùa!
Khái niệm cổ điển lập ngôn,
lập thuyết hay “văn dĩ tải đạo” trong sáng tạo văn chương có vẻ không hợp như
những chiếc áo thụng xanh đỏ rộng thùng thình trên tấm thân gầy guộc của Bùi
Giáng. Ông đã bứt phá những vòng trói buộc nghìn năm của những thước đo, những
“râu mép” (Road Map) làm khuôn vàng thước ngọc cho đường bay sáng tác thi ca:
“Thơ tôi làm... là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào trung tâm bão
giông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thóat ra phá vòng vây...”
Bởi vậy, trong Thi Ca Tư Tưởng
ông đã “báo động” cho các bậc học giả và giả học rằng:
Trong suốt nửa chiều dài của
thế kỷ nầy, cả trong nước lẫn ngoài nước, đã có quá nhiều bài viết về Bùi
Giáng. Hay ho cũng lắm mà tào lao luận ba hoa chích chòe cũng nhiều. Dường như
ai cũng cố vẽ ra một Bùi Giáng, muốn biết một Bùi Giáng thật sự, nhưng hầu như
tất cả các cây bút đều ngại ngùng, lúng túng trước một khối lượng tác phẩm “khó
tiêu hóa” quá lớn và một bút pháp lắt léo, quanh co, bay lượn của một “tay phù
thủy ngôn ngữ” như ông. Thế nhưng, sau những trận mưa tắm gội ngôn ngữ của người
đời dành cho Bùi Giáng, người ta đành chào thua trong cố gắng nhằm phân tích
“phức liệu Bùi Giáng” để trả Bùi Giáng về lại Mưa Nguồn của chính ông. Khổ nổi
là chưa bao giờ thấy Bùi Giáng lên tiếng phân bua hay cãi chính về những khen
chê của người khác dành cho mình. Và càng im lặng, ông càng nổi tiếng. Xung
quanh Bùi Giáng nổi lên quá nhiều giai thoại. Những giai thoại cứ xoắn riết ông
từ lớp nầy đến lớp nọ; trong khi Bùi Giáng vẫn tiếp tục sống lang thang lây lất,
ăn bụi, ngủ hè, bị gậy, áo rách quần xài, khi ẳm chó, khi ôm mèo, đánh bạn với
thú vật, muông cầm, cây cỏ, loanh quanh các nẽo đường gió bụi Sài gòn.
Có thể nói Bùi Giáng là một
hiện tuợng thi ca, văn học lạ lùng nhất của Việt Nam thời cận đại. Lạ lùng như
một dấu hỏi - vẫn còn mãi là một dấu hỏi nơi ông:
Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã
xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng đo là nghi
tâm
Bùi Giáng đã trải qua một cuộc
rong chơi tận tình, chất ngất trong tư tưởng và giữa cuộc đời. Ông sinh năm
1925 tại Quế Sơn, Quảng Nam, đã từng đặt cho mình nhiều bút hiêu khác nhau:
Báng Giùi, Bùi Báng Giúi, Búi Bàng Giùi, Vân Mồng, Trung Niên Bùi Thi Sĩ, Thi
Sĩ Đười Ươi, Bùi Brigitte...
Bùi Giáng học trường Quốc Học
Huế và đột nhiên bỏ học vì lý do, theo lời ông trong tác phẩm Đi Vào Cõi Thơ,
là bị “chấn động dị thường” bởi vì tập thơ Lửa Thiêng của Huy Cận. Ông bỏ học về
quê chăn dê và đọc sách. Từ đó, ông trở thành một học giả uyên bác hầu như “vô
sư tự ngộ”, tự đọc sách , tự học hỏi mà khai phá trí tuệ giống như thiền sư Huyền
Giác ngày xưa đọc kinh Duy Ma Cật mà “phát sinh tâm địa”. Đây cũng là khởi điểm
cho Bùi Giáng suốt đời âm thầm đi trên con đường tư tưởng đôc đáo và riêng biệt
của mình.
Tập thơ đầu tay của Bùi
Giáng là tập Mưa Nguồn xuất bản tại Sài gòn năm 1962 và tập thơ cuối cùng là tập
Đêm Ngắm Trăng xuất bản năm 1997. Trong cuộc hành trình 35 năm đó, Bùi Giáng
đãcàng ngày càng chứng tỏ ông là một người nghệ sĩ với dáng dấp tàng tàng, lọt
tọt (chữ của Nguyễn Hàn Thư) đi rong chơi khắp muôn vạn nẽo trong cõi thơ.
Thơ của Bùi Giáng thường
không dễ hiểu, nhưng rất dễ ngấm mà những đầu óc "ngầu" chữ nghĩa
thích gọi là “trực cảm nguyên ngôn” hay gì gì đó... Thử đọc và “ngấm” một khúc
“Ly Tao” của ông:
Giờ ngẫu nhĩ như hồng bay em
ạ
Và yêu thương như lá ở bên
hoa
Và luyến ái như tơ vàng bốn
ngã
Bủa vi vu như thoáng mộng la
đà
Lần đi từ điểm khởi phát của
Mưa Nguồn và của Ly Tao là một gã trai quê chăn bò trên vùng quê hẻo lánh xứ Quảng.
Thuở đó, tâm hồn Bùi Giáng đầy cây lá và những cảm xúc nhân ái, chân thành. Tâm
thức ông tan loãng, hòa nhập với thiên nhiên cỏ nội hoa đồng:
Anh lùa bò vào đồi sim trái
chín
Cho bò ăn cỏ giữa rừng
sim
Anh nhìn lên trời xanh đỏ
chín
Anh ngó bốn bề cây lá gió
rung rinh
Anh nằm xuống để nhìn lên
cho thỏa
Anh thấy lòng mở rộng đón trời
xanh
Chìm ngây ngất vào trong đôi
mắt lã
Anh lim dim cho chết lịm hồn
mình
(Anh lùa bò... Mưa Nguồn,
tr153)
Và có chăng tình yêu ngày đó
với cô gái quê bên bờ cỏ mượt thì cũng chỉ là những xao xuyến buổi đầu đời. Rồi
tình yêu đó cũng chỉ là những cảm xúc rất vi vu và hư ảo, không đậu lại trên một
thân xác nào có thật màrong chơi theo ông, rồi “tan đi trong hố thẳm chôn vùi”:
Nhìn em nhé bên kia bờ gió
thổi
Lá xanh vườn theo cỏ mượt
ngân nga
Tơ vi vút một đời thương nhớ
tuổi
Của trăng rằm xuống dọ dẫm
bên hoa
Khung cảnh ấy nằm sâu trong
đáy mắt
Có lệ buồn khóc với lệ hòa
vui
Để tràn ngập hương mùa lên
ngan ngát
Rồi tan đi trong hố thẳm
chôn vùi
(Bờ nước cũ. MN, tr 49)
Hình như giữa cuộc rong
chơi, Bùi tiên sinh có lúc dừng lại để ngắm cái đẹp, chiêm nghiệm cái đẹp, cảm
thụ cái đẹp một cách rất chi là não nùng trang trọng:
Anh quỳ xuống giơ hai tay bệ
vệ
Chỉ xin nâng một giọt lệ êm
đềm
(Tự hỏi vì sao)
Em đi đắm đuối tấm lòng
Có bao giờ biết người trăm
năm buồn
(Tỉnh mê)
Anh sẽ khóc suốt thiên thu
tình lụy
Của vấn vương tình nghĩa nặng
muôn nghìn
(Vì có lẽ)
Tuổi thơ em có buồn nhiều
Hãy xin cứ để bóng chiều bay
qua
Mưa có lạnh nhưng chân trời
còn mãi
Những giọt suơng là lệ ở
trong mây
Giòng sông đi cho nước nói
ngàn ngày
Bằng biển rộng không bến bờ
em ạ
Rồi Bùi Giáng tiếp nối cuộc
rong chơi. Trái tim ông cũng rất “lăng loàn” khởi phát từ bản chất đa tình nghệ
sĩ. Đa tình nhưng lại không đa lụy vì ông vẫn mãi sống một cuộc đời độc thân
rong ruổi. Nhưng ông vẫn sống miên man trong cái đẹp thác ngàn của Thúy Kiều, của
Kim Cương, của Marilyn Monroe, của Brigitte Bardot, của cô Mọi Nhỏ bên rừng Phi
Châu... Nàng thơ, nàng Ly Tao trong thơ Bùi Giáng thường có một vẻ rờn rợn liêu
trai, toàn là cõi mộng, cõi tưởng, cõi vi vu đầy mê hoặc:
Em đã lại với đời về nắng ấm
Thắm không gian thương nhớ
bóng hình em
Anh đã đợi chờ em từ lâu lắm
Ngày đi không để lại lạnh
trăng rằm
Em có nụ cười buồn buồn môi
mọng
Em có làn mi khép lá cây
rung
Em có đôi mắt như sầu xanh
soi bóng
Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô
chừng
Em ở lại với đời ta em nhé
Em đừng đi. Cho ta nắm tay
em
Ta muốn nói bằng thơ bay nhẹ
nhẹ
Vào trong mơ em mộng giấc êm
đềm
Từ tập thơ đầu, Mưa Nguồn, đến
những tập thơ sau như Lá Hoa Cồn, Mùa Thu Thi Ca, Ngày Tháng Ngao Du, Sương
Bình Nguyên, Trăng Châu Thổ... là cả một đoạn đường dài rong chơi, đùa cợt, cù
cưa bất tận của Bùi Giáng với ngôn ngữ thi ca. Đến Đêm Ngắm Trăng với 227 bài
thơ, phần lớn là lục bát, sau cùng trong cuộc rong chơi của Bùi Giáng thì rõ
ràng Lão Thi Sĩ đang “nói lục bát” một cách tự nhiên, dễ dàng, khề khà, “tồn hoạt
chịu chơi” như những ông già đang ngồi vuốt râu nhâm nhi vài xị đế. Ông nói về
“dzách” (thùng cù lũ?):
Nỗi buồn nỗi khổ đời xưa
Nỗi sung sướng đến móc mưa bất
ngờ
Đời xưa đất đá cằn khô
Đời này đất đá đều đờ đẫn
điên
Điên duỗi dọc, điên ngửa
nghiêng
Điên là hạnh phúc thần tiên ở
đời
Điên rồi rốt cuộc hỡi ôi
Cũng đành chấm dứt lìa đời hết
điên
Càng điên điên ông càng “chịu
chơi” tới cái mức “thần thông du hí”. Đã có hơn một đầu óc uyên bác đem cái lý
thuyết biểu tượng, tinh thể và phá chấp ra để xào nấu những vần thơ sau đây.
Nhưng riêng tôi thì lý thuyết nào cũng không thể áp dụng vừa vặên vào đây bằng
lý thuyết “chịu chơi!”:
Ông gieo vần điệu dã man
Tờ điên hoa giậy lang thang
lên mùa
Ông buồn- quýt ngọt chanh
chua?
Còn cam còn bưởi còn xoài
riêng đâu?
Ông tìm kiếm suốt hương màu
Thời gian tinh thể đi đâu mất
rồi
Ông ngồi suốt những canh
thâu
Nêu từng nghi vấn trình tâu
với người
Nguời từ vô tận chịu chơi
Thần thông du hý chốn nơi
nào là
(Con vui vô tận. ĐNT, tr
145)
Thật ra thì ngay giữa cuộc hồng
trần nầy, Bùi Giáng sống cùng tận trong cái mơ mơ, màng màng thuần lý mang tính
“đồng nam hiển thánh” (chữ của ĐS); nhưng chưa đến mức dám bức phá những hàng
rào trói buộc hay những quy ước rất thường tình của con người trong cái hệ lụy
nhân sinh:
Anh uống rượu tới mê man
khôn dọ
Duỗi tay chân tại tâm điểm bụi
đời
Chiêm bao về ứng mộng giữa
tuyệt vời
Quần phong nhụy bất thình
lình giũ trút
Ôi mật ngọt ôi thiên đường bất
chợt
Hiện huy hoàng hiện thể suốt
tâm linh
Anh chào em từ ảo mộng một
mình
Và dám chắc nhận nhìn rằng:
anh hổng dám
...Anh bình tĩnh thưa rằng:
anh hổng dám!
Hổng dám đâu! Đâu hổng dám
là đâu...
(Hổng dám đâu. ĐNT, tr 149)
Càng đọc thơ Bùi Giáng, tôi
càng cảm thấy muốn khóc khi ông cười; và muốn ôm bụng cười khi ông khóc... có lẽ
vì tôi chưa có một tí ti “chất nghệ sĩ Bùi Giáng” nào trong mình. Đọc bài thơ tự
trào hết sức độc đáo và lạ lẫm của ông, tôi cứ ước chi mình có được một phần
trăm cái “điên”và một phần mười cái “ngu sy” của Bùi Giáng để có thể có chút
nào đồng cảm với ông chăng:
Cuộc đời tẻ nhạt hôm qua
Tới hôm nay nữa gọi là hôm
mai
Ba hôm cả thảy than dài
Thấy thằng bùi giáng đêm
ngày ngu sy
Tháng tròn năm méo tý ty
Tồn sinh lả tả từ ly cuộc đời
Nó về tồn hoạt chịu chơi
Nó đi suốt cõi chơi vơi hồng
trần
Nó từ vô tận mông lung
Nó đi suốt kiếp trùng phùng
thiên thai
Giữa đêm thở vắn than dài
Khóc hu hu nó khóc hoài trăm
năm
Đến đây tưởng cũng nên làm
sáng tỏ tại sao sẽ có rất nhiều người mơ ước có được một phần cái “ngu sy” của
Bùi Giáng. Tôi xin được liệt kê lại một phần cuộc rong chơi của Bùi Giáng qua
những tác phẩm đã được xuất bản của ông. Ngoài ra, tôi cũng như nhiều người có
thể tin; mà cũng có thể không tin, những điều do người khác đã viết trên giấy
trắng mực đen rằng, Bùi Giáng đã từng viết ra cả ngàn câu thơ trong một đêm...
Tác phẩm đã được xuất bản của
Bùi Giáng
THƠ:
- Mưa nguồn
- Lá hoa cồn
- Mùa thu thi ca
- Ngày tháng ngao du
- Sương bình nguyên
- Trăng châu thổ
- Đường đi trong rừng
- Đêm ngắm trăng
DỊCH
Từ tiếng Pháp:
- Người nổi loạn của Albert
Camus
- Khung cửa hẹp của André
Gide
- Ngộ nhận của Camus
- Hoàng tử bé của Saint
Exupéry
- Cõi người ta của Saint
Exupéry
- Thơ của René Char
Từ tiếng Anh:
- Sương Tỳ Hải của William
Shakespeare
Từ tiếng Đức:
Tư tưởng hiện đại của Martin
Heidegger
TRIẾT:
- Tư tưởng hiện đại
- Thi ca tư tưởng
- Thế nào là siêu thực
- Đặt lại từ Othello đến
Test of the D’urbervilles
- Heidegger và Husseri
- Hình ảnh Jean Paul Sartre
- Hình ảnh Malreaux
- Hình ảnh Francoise Sagan
- Heidegger và Hoelderlin
Sophocle
- Heidegger và tư tưởng hiện
đại
- Khổng Tử, Lão Tử
- Nguyễn Du
- Gandhi
- Dương Qúy Phi
KHẢO LUẬN
- Nhận xét về truyện Kiều
- Bà Huyện Thanh Quan
- Lục Vân Tiên
- Giảng luận về Nguyễn Khắc
Hiếu
- Giảng luận về Chu Mạnh
Trinh
- Giảng luận về Tôn Thọ Tường
- Malreaux và Nguyên Công Trứ
- Từ Parménide đến Nguyễn Du...
Sự rong chơi của Bùi Giáng
trong ngôn ngữ và giữa cuộc đời vừa thâm trầm, vừa vui nhộn, vừa “bi... khoái”
là vì ông không dè dặt, giữ gìn mà cố tình buông thả đi về lẫn lộn giữa những
câu thơ khóc cười đầy uyên bác, trang đài, cổ kính xen với những từ, những câu
đầy ngôn từ dân giã, bụi đời có khi đến mức giang hồ ngỗ ngáo, trần trụi. Vừa
nói đến tâm sự mình một cách quý phái:
Hồn du mục cỏ hoa mòn mõi
Rừng đêm xanh trăng tạ không
lời
Vì hơi thở cũng sầu như lá
úa
Rớt lưng đèo bối rối lách
theo lau
... ông “chuyển hệ” mượn lời
người khác nói về cái điên của mình một cách thống khoái đầy “sáu Giáng”:
Vợ chồng tôi lúc nào cũng nhớ
anh
Anh điên mà dzui – dzẻ thập
thành
Chúng tôi tỉnh táo mà đành
buồn hiu
Sự đùa bỡn với ngôn ngữ thi
ca bằng cách sử dụng kiểu nói lái tinh quái của quê hương ông nhiều khi thô thiển
một cách cụ thể chứ không bóng bẩy kiểu Hồ Xuân Hương. Người đọc rất thường gặp
trong sách ông những cụm từ như: tồn lưu, tồn liên, liên tồn, lưu tồn, tồn lí
tí ngọ, tồn lập tập trung, tồn lập tập họp... để đùa nghịch với triết học, nghịch
với thi ca, nghịch với cuộc đời và nghịch ngay với chính bản thân ông:
Lọt cồn trận gió đi hoang
Tồn liên ở lại xin làn dồn
ra...
(Mưa Nguồn)
Thời kỳ ông được coi là điên
nặng nhất với lối sống kỳ dị thì cũng là lúc ông bơi trong “đại dương thi ca” để
cho ra đời tập thơ Bài Ca Quần Đảo. Bùi Giáng làm thơ dễ dàng đến độ nhà văn Huỳnh
Ngọc Chiến phải kêu lên rằng, “Đôi lúc chúng tôi có cảm tưởng rằng ông có thể đọc
ngẫu hứng thơ lục bát từ sáng đến chiều mà không vấp... Ông làm thơ bằng tiếng
Việt, tiếng Hán, thỉnh thoảng bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngôn ngữ đã nhập điệu
trong ông như cây đàn trong tay người nghệ sĩ kiệt xuất. Chỉ ấn tay là thành
giai điệu. Tự nhiên như nước chảy, mây bay mà chẳng có chút dụng công nào. (Thời
Văn 19, tr 66)
Cuối cùng của cuộc rong
chơi, Bùi Giáng đã lặng lẽ bỏ mùa xuân của trần gian đi về cõi miên trường phía
sau:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường
phía sau
...và bỏ tất cả lại cho đời:
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngữa sóng giữa lời
hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga
trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một
con
Và, con mắt trần gian cuối
cùng đó giờ cũng đã vĩnh viễn khép lại.
Sáng hôm sau, tôi bâng
khuâng kêu một người bạn thân báo tin Bùi Giáng đã ra đi và tự nhiên đọc cho
người bạn đó nghe hai câu thơ của Bùi Giáng đã làm tôi xúc động miên man trong
những tháng ngày viết lách đùa nghịch với bạn bè:
Ta cứ ngỡ đùa vui trong chốc
lát
Nào ngờ đâu đùa mãi đến điêu
linh
Một buổi tối, tôi đang ngon trớn rong chơi với vườn thơ “tập cười” qua câu chuyện sinh điếu
của cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy thì nhận được I-meo của Tà Thư báo tin Bùi Giáng
vừa qua đời chiều hôm qua (7-10-98) tại Việt Nam. Tôi bỗng chững lại, quên hết
chuyện cười, nhìn xuống thật buồn và cảm thấy một thoáng trống vắng. Những mệ,
những ôn, những hoàng thân, tôn nữ một thời của Huế lần lượt vắng bóng, mang
theo cái "tửng tửng" truyền đời như tiếng chèo đập nước trên sông lụi
tàn sau tiếng máy dầu xình xịch.
Tự nhiên tôi rơm rớm nước mắt...
Phía bên kia đầu dây, người bạn cũng lặng im đến nỗi tôi nghe cả tiếng sôi mơ hồ
trong đường dây điện thoại. Trong một thoáng phù du đó, tôi biết là người bạn
cũng đang rơm rớm nước mắt như tôi. Trên quê hương yêu dấu cái tửng tửng của Quảng
đã gặp cái tửng tửng của Huế. Nơi quê người, nếu không không có cái tửng tửng
mang theo, tiếng nói yêu thương của ngày xưa quê mẹ cũng sẽ chìm dần trong cổ
tích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét