Cảm xúc cháy lên từ một Đà Lạt buồn
Tôi gặp Minh Hạnh vào tháng 3- 2009, tại Trại
sáng tác văn học tổ chức ở phố núi Đà Lạt. Không thể
nào quên được cảnh vợ chồng Minh Hạnh đi honda đến tận trại sáng tác, đưa tôi đến
hồ Xuân Hương và uống cà phê ở một nơi trữ tình như vậy. Hôm ấy, ly cà phê như
đậm đà hơn.
Cao Thị Minh Hạnh, sinh năm 1975, hiện đang sống
và làm thơ ở Đà Lạt. Mới đây, Minh Hạnh gửi đến tôi tập thơ mới biên tập và chuẩn
bị xuất bản. Đây là tập thơ thứ hai của Minh Hạnh. Đọc Minh Hạnh tôi cứ mờ mờ ảo
ảo nhớ đến một buổi tối ở Đà Lạt. Thế là tôi viết mấy cảm nhận về thơ Minh Hạnh.
NGUYỄN ĐỨC THIỆN
CẢM XÚC CHÁY LÊN TỪ MỘT ĐÀ LẠT BUỒN
(Đọc tập thơ BÃO HÔN của Minh Hạnh)
Đà Lạt, mảnh đất quanh năm sương phủ, quanh
năm mát lạnh đến mê muội con người. Tự nhiên như thế thì làm sao không xuất hiện
ở đây những người mê mệt vì thơ. Những rừng thông, những con đường dốc quanh
co. Những vườn hoa, chùm hoa, nhánh hoa và bạt ngàn hoa. Những chút nắng lẻ
loi. Những bước chân chậm rãi. Những thoáng chốc suy tư như bị ru bởi ngọn gió
vô tình. Bởi thế mà người thơ xứ này thế nào cũng như bị trầm tư hoặc thẫn thờ
trước cảnh sắc đất trời Đà Lạt.
Nói những điều trên đây Thực ra chỉ là sự nhắc
lại một cách thô thiển về những gì đã viết trong tập thơ BÃO HÔN mới nhất của
Minh Hạnh mà thôi. Những cái thật khác làm người ta ít thấy cảnh thật trong thơ
Minh Hạnh, mà Đà Lạt đã biến vào hồn người, hồn thơ rồi. Này nhé, Đài Lạt dốc
núi quanh co: “ Chông chênh anh/ Chông chênh em/Chông chênh gió
mùa xuân chơi vơi/ cứ bông bềnh bềnh trôi mãi”. Này là phố xá Đà Lạt: “Phố núi/ Nghiêng che kỷ niệm/em lặn mình trong con phố xưa hạnh phúc/… Phố núi/
Nghiêng che kỷ niệm/ Nhưng con dốc thổn thức thở dài”. Rồi đây là con người Đà
Lạt, mà con người ở đấy không chỉ có những cặp tình nhân yêu nhau, mà còn cả những
con người lam lũ, những người tứ xứ về đây chọn Đà lạt làm nơi sinh sống: “
Mẹ/ người con xứ Quảng/ vai oan cong xa xứ/ mẹ rây rức nỗi nhớ quê
nhà” hay “Quê ơi! Dáng mẹ gầy/ Vách xiêu nghiêng ngả đổ/ kẽo kẹt cơn
gió rít/ Mẹ sợ bão khuya về”. Những người đã đến đây hiến mình cho xứ sở
này mà vẫn nhớ về quê mình với bao nhiêu vất vả gian nan. Minh Hạnh viết ra như
một lời cảm ơn với Đà Lạt, nơi đã cho mình và bao lớp người được sống
bình yên. Đà Lạt hiện ra trong thơ Minh Hạnh bởi nhiều nét chấm phá. Nhanh, mạnh
và gọn. Không đòi hỏi có nhiều từ hoa mỹ, mà chỉ là một vài nét thôi là đủ. Như
mưa cao nguyên có bao điều có thể nói, có thể ca ngợi, hoặc oán ghét, oán
trách. Với Minh Hạnh, mưa chỉ là cái để Minh Hạnh thổ lộ sự chênh chao trong hồn
mình rồi từ đó mượn mưa để mà nói với ai đó, như là người tình, như là chồng vợ,
có hờn giận và yêu thương: “Từng ngọn gió rít/ thổi sương khói vào chiếc
bóng/anh/ liêu siêu say khướt men phố núi”.
Thơ Minh Hạnh không chỉ có vậy. Chính trong cảnh
sắc đất trời kia khiến cho con người cứ luôn bị ám ảnh nỗi cô đơn. Cô đơn trong
thơ Minh Hạnh không hề có nước mắt, không thấy sự ủ rũ. Mà Người Thơ như bật dậy
để được yêu, được cháy lên vì yêu. Hãy đọc: “Nơi bình yên rất mỏng/ Tôi
thương bóng tôi/ Cô đơn như người khách lạnh/ Choàng chiếc áo
sương chiều Đalat/ Tôi giã biệt tôi/Tìm những ngày tháng/ In dấu
nhớ”. Liệu có nỗi cô đơn nào hơn thế hay không? Nhưng nếu cô đơn như thế rồi
người ta lang thang, người ta thả mình vào cõi vô vọng thì chẳng có gì mà nói.
Minh Hạnh không làm như vậy. Minh Hạnh tìm đến và giải toả thèm khát của mình bằng
một chuyến ngao du tìm cho mình cảm giác thật mạnh mẽ: “Những nụ hôn/những
nụ hôn âm thầm rẽ bước/kìa?/Lũ ve đang trêu trọc/ Em/ Giấu hạnh
phúc vào góc nhớ/Ngoảnh mặt quờ tìm trầm luân.../ Rơi rớt bên đường”.
Ngay cả khi tìm đến cố nhân, Minh Hạnh cũng
tìm thấy cả những cảm xúc mãnh liệt của họ để cảm nhận từ cố nhân một tình yêu
dù đã phôi phai cùng năm tháng vẫn còn nguyên sự mãnh liệt đến ngông cuồng: “Hàn
Mặc Tử khát bờ môi cát/Bão hôn xa cuồng loạn/Để một lần/Thuyền sóng xé hoàng
hôn/Để một lần/Mảnh buồm chạm vũng đêm xao động...”.
Không hề có Hàn Mặc Tử ở đây mà đó là trầm
tích của cao nguyên, là tầng tầng lớp lớp những mạch ngầm sôi sục mong đến một
lúc nào đó tuôn trào mãnh liệt. Cho đến khi: “Bước chông chênh//Bờ cát mềm
thổi nồng hương biển/ Sóng hôn/ Bão tình bần bật đi qua...”. Và: “ Lẻ
loi tôi từng đêm /Thấm dần qua sớ thịt ỉ xin/ Gùi một hạnh phúc nhỏ nhoi”. Và cả đến
khi: “Buồn chạm buồn/Nhặt mảnh tình vô vọng/Uống /Cạn sương
chiều vỡ bóng chạm lưng đêm/Khúc men tình/Chai sạn miền cô độc/Đêm chạm đêm/
Ép khô tình/Ngụp lặn trái tim/Anh”
Điều
cuối cùng muốn nói ở BÃO HÔN của Minh Hạnh là sự kiệm lời. Ở Minh Hạnh sự kiệm
lời lại mang một vóc dáng riêng của thơ. Đó là hơi thở gấp gáp của một con người
đang hào hển tìm cảm xúc. Cảm xúc đó đang rơi rớt khắp mảnh đất cao
nguyên xào xạc rừng thông, vắt vẻo dốc đứng, chìm đắm sương mờ. Minh Hạnh gom hết
những cảm xúc ấy lại mà kết thành một vườn hoa, ở đấy có những bông lớn rực rỡ,
nhỏ bé xinh xắn, đủ những sắc màu và ngan ngát hương thơm. Nhưng chính sự kiệm
lời ấy mà làm cho thơ Minh Hạnh thiêu thiếu một cái gì đó khiến người đọc khó
tính có khi trách cứ đôi lời.
Nhưng
không sao, như thế mới là Minh Hạnh.
Tây Ninh tháng 3- 2013
NGUYỄN ĐỨC THIỆN
CHÙM THƠ TRÍCH TRONG TẬP “ BÃO HÔN”
CỦA MINH HẠNH
QUÊ ƠI DÁNG MẸ GẦY
Bao nhiêu năm xa quê
Bất chợt òa nỗi nhớ
Chơi vơi người Xứ Quãng
Nghe tuổi thơ vây bủa
Chênh vênh mùi rạ khô
Ngõ vắng Cù Lao Chàm
Chếnh choáng chiều rơi buồn
Dửng dưng đêm ngày nhớ
Quê ơi! Dáng mẹ gầy
Vách xiêu nghiêng ngã đổ
Kẽo kẹt cơn gió rít
Mẹ sợ bão khuya về
Qua đời con xa xứ
Nhớ tiếng giun, dế kêu
Ngoài đồng nghe mẹ khóc
Nhớ bầy con xa quê.
KHÚC GIAO MÙA
Một ngày
Và
Nhiều
ngày
Em cứ thế yêu anh
Nồng nàn như khúc giao mùa
Em lặn mình trong con phố xưa hạnh phúc
Nhìn thời gian trôi
Thổi vội
Những cơn mưa hạnh phúc
Chập trùng giấc mơ tàn đông
Phố núi
Nghiêng che kỷ niệm
Những con dốc thổn thức thở dài
Em cứ thế ngập ngừng
Khoác chiếc áo hạnh phúc lẻ loi
Thiếu anh
Để lại em
Cuộn mình trong giấc chiêm bao …
BÃO
HÔN
Ghềnh Ráng chênh vênh
Treo lững tình Mộng Cầm
Ngang đầu con dốc
Nhặt từng hạt phôi pha
Hàn Mặc Tử khát bờ môi cát
Bão hôn xa cuồng loạn
Để một lần
Thuyền sóng xé hoàng hôn
Để một lần
Mảnh buồm chạm vũng đêm xao động
Giẫm vào nhau
Ngày tháng biển rì rào
Vết thương tình
Đau cõi người nặng nợ
Bước chông chênh
Bờ cát mềm thổi nồng hương biển
Sóng hôn
Bão tình bần bật đi qua...
Ghềnh Ráng chênh vênh
Treo lững tình Mộng Cầm
Ngang đầu con dốc
Nhặt từng hạt phôi pha
Hàn Mặc Tử khát bờ môi cát
Bão hôn xa cuồng loạn
Để một lần
Thuyền sóng xé hoàng hôn
Để một lần
Mảnh buồm chạm vũng đêm xao động
Giẫm vào nhau
Ngày tháng biển rì rào
Vết thương tình
Đau cõi người nặng nợ
Bước chông chênh
Bờ cát mềm thổi nồng hương biển
Sóng hôn
Bão tình bần bật đi qua...
MINH HẠNH
NGUYỄN ĐỨC THIỆN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét