Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

'Điên' là một cách ứng xử của Bùi Giáng

'Điên' là một cách ứng xử của Bùi Giáng 
Từ lúc còn sống đến khi qua đời đã 13 năm nay, việc thi sĩ Bùi Giáng (1926 - 1998) có thật sự điên hay không vẫn còn là một câu hỏi và làm tốn biết bao giấy mực của giới truyền thông bởi cách sinh hoạt, cách lập ngôn… của ông đều khác với người thường.
Đến thăm ngôi nhà lưu niệm mà Bùi Giáng từng ở những năm cuối đời trên đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM, chúng tôi được gặp nhà sưu tập Nguyễn Thanh Hoài. Là cháu rể và cũng là người gắn bó, chăm sóc Bùi Giáng trong suốt gần 20 năm cuối đời, anh Hoài hiện là người sở hữu tất cả bản thảo, kèm theo gần 20 bức tranh, băng ghi âm và cả... sổ nợ của Bùi thi sĩ.
Như một cơ duyên
Chào anh, được biết anh là người trực tiếp biên tập và công bố những di cảo của Bùi thi sĩ. Công việc này vẫn tiến triển tốt đẹp chứ anh?
Cũng "khó ăn" lắm. Anh cũng biết là hiện nay việc phát hành ngày càng kém, nhất là mảng sách văn học. Sách tiêu thụ quá chậm. Những tác phẩm của bác Giáng nay vẫn còn sức hút riêng, nhưng không thể bằng khoảng mười năm trước. Dù thế nào đi nữa, việc cho ra đời di cảo của bác Giáng là tâm nguyện cả đời tôi.
Anh đã thực hiện được tới đâu rồi?
Bắt đầu từ việc tái bản cuốn "Mưa nguồn" năm 1993, đến nay tôi đã phát hành 16 đầu sách của bác Giáng, gồm thơ mới, Di cảo thơ, sách triết học, truyện dịch, bình giảng... Khó khăn là có hiện tượng nhiều nơi lấy trùng tên tác phẩm của ông để "ăn theo", như cuốn "Hoàng tử bé" chẳng hạn.
Như vậy số lượng trước tác mà Bùi Giáng để lại là khoảng bao nhiêu, thưa anh?
Ngoài 60 tác phẩm đủ các thể loại từ thơ, văn xuôi, bình giảng, dịch thuật, nghiên cứu... đã xuất bản trong ngoài nước thì trước tác của ông để lại sau khi mất là rất đồ sộ. Mỗi năm, nếu chúng tôi gắng ra một cuốn di cảo thơ của ông thì cũng phải mất 10 năm nữa mới in hết.
Anh đến với thi sĩ Bùi Giáng, hay nói ngược lại, thi sĩ Bùi Giáng đến với anh như thế nào?
Có thể gọi là cơ duyên. Tôi yêu mến thơ ông từ rất lâu nhưng cho đến khi lập gia đình, được gọi ông bằng bác thì cơ duyên mới nảy nở. Về quan hệ gia tộc, bố vợ tôi với bác Giáng là anh em chú bác. Từ năm 1978, bác Giáng về sống với gia đình chúng tôi cho đến cuối đời.
Trước đó thì ông lang thang nhiều nơi. Tôi là người được bác Giáng tin cậy và chỉ có một mình tôi được vào phòng riêng của ông, được tiếp xúc, cất giữ những gì ông viết. Những bài thơ ông làm trong trạng thái say, chữ viết xiêu vẹo, chỉ có tôi đọc được.
"Tao lấy vợ một lần là đủ chết rồi"
Ai cũng muốn biết chân tướng của một Bùi Giáng, người ta tranh cãi nhau quyết liệt là ông có điên thật hay không. Là người gần gũi ông, anh có thể cho ít nhiều nhận xét?
Chính tôi đã từng có lần hỏi: "Ai cũng nghĩ bác điên nhưng cháu thấy bác còn tỉnh táo và khôn hơn người ta cả trăm lần. Bác điên thật hay giỡn?". Ông đáp: "Tao là con trai cả, mọi chuyện trong nhà tụi nó đều bắt tao phải đứng ra giải quyết, nên tao điên cho nhẹ người. Vì vô lẽ ăn rồi cứ đứng ra giải quyết ba chuyện trời ơi, đã điên thì làm sao mà đứng ra giải hòa cho được".
Lần khác tôi hỏi: "Bác gái đã qua đời lâu rồi, sao bác không đi bước nữa?", ông nói: "Tao lấy vợ một lần là đủ chết rồi. Nếu cứ bó buộc ba cái chuyện vợ con, cơm áo thì không thể nào "đi vào cõi thơ" được".
Còn riêng chuyện sinh hoạt trong nhà thì Bùi thi sĩ có biểu hiện gì bất thường không, thưa anh?
Bất thường chăng là những hành động, nói năng của ông không giống như số đông người bình thường như ăn mặc lôi thôi, thích ra đường làm "cảnh sát giao thông", hò hét múa may... Nhưng rồi cuối cùng ông quay về với con người thật: rất cô đơn và giàu tình cảm.
Sau những "ngày tháng ngao du", ông về phòng riêng và bắt đầu tịnh khẩu, chỉ gật hoặc lắc chứ không nói. Mỗi tối trước khi ngủ thì thường ngồi thiền. Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đang nghiên cứu về cách niệm chữ số trong Thái ất Thần số công mà ông cho là bác Giáng đã tinh thâm.
Có tiền là cho hết
Những thói quen nào khác của Bùi thi sĩ mà anh nhớ, nhất là liên quan đến việc sáng tác?
Ông có thói quen dậy rất sớm vì cho rằng thanh khí đất trời dồn tụ vào sáng sớm mà không hưởng thì uổng lắm. Đi uống cà phê, ông luôn chọn quán cóc, quán nghèo để còn "giúp người ta". Rong chơi khắp Sài thành bất kể nắng mưa, đến đâu ông cũng nhặt lượm những đồ phế thải để về cho những người bán ve chai và nói rằng giá trị các cô ấy không thua kém gì các diễn viên nổi tiếng như Brigitte Bardot hay Marilyn Monroe...
Về sáng tác thì ông vẫn viết đều, vẽ đều trong những phút "ngẫu nhĩ xuất thần". Thơ của ông đăng báo thường được hai lần nhuận bút: Lúc đưa đến và khi báo ra. Khi có tiền, hai bác cháu đi ăn hủ tiếu, mỳ quảng, nếu có ai xin là ông cho hết nhưng giữ lại... cái phong bì. Vào những năm 1994, 1995, các tòa soạn báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Kiến thức ngày nay đến đặt ông viết thơ đăng báo xuân, ông từ chối vì "để dành đất cho bọn nhà thơ trẻ".
Ông tự nhận mình là "điên rực rỡ"
Nhưng có một sự thật: Bùi Giáng từng là bệnh nhân tâm thần và chính ông cũng không ít lần tự nhận là mình "điên".
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ kể rằng có lần Bùi Giáng nói: "Trẫm ghiền điên từ lâu rồi"...Chính vì thế mới càng dễ gây ngộ nhận. Người điên thì thường nói là mình tỉnh, riêng ông thì tự nhận mình là "điên rực rỡ".
Ông đã viết: "Nó điên? Vâng, nhưng điên một cách vui vẻ... Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên. Muốn biết nó điên hay không điên, hay giả vờ điên, thì trước hết phải đáp vào câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có một lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy".
Một bài thơ chưa in của ông có nhan đề là "Tôi" cũng nói cái điên của mình: Tôi nay bảy mấy tuổi trời/ Mà điên chín chục tuổi đời tôi điên/ Lúc đầu dạo dưới mái hiên/Lúc nằm ngửa lúc nằm nghiêng ngủ vùi.
Thế còn thời gian Bùi thi sĩ phải vào nhà thương Biên Hòa thì sao, thưa anh?
Năm 1969, căn gác của ông ở đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) bị hỏa hoạn thiêu cháy hết toàn bộ sách vở quý hiếm, sách tặng của Camus, Heidegger, một số tranh và nhiều bản thảo. Điều này khiến ông bị sốc nặng và người thân phải đưa ông vào Biên Hòa để chữa trị.
Tại đây ông có bài thơ độc đáo là "Kỷ niệm Biên Hòa bịnh viện" trong đó có câu: Rằng nay ngôn ngữ vô duyên/ Mở ra vô số lời điên cặp kè. Cứ luôn miệng bảo mình bị điên vậy thì thực sự là điên hay tỉnh đây? Trong bản tự khai của mình, ông viết: "... Năm 1969 bắt đầu điên rực rỡ... Năm 1971, 75, 93 điên rồ lừng lẫy, chết đi sống lại vẻ vang".
Như vậy, cũng như các nhà thơ Lê Minh Quốc, Bùi Chí Vinh... anh khẳng định Bùi thi sĩ "điên một cách sáng suốt" chứ?
Theo tôi, Bùi Giáng chưa bao giờ điên thực cả. Điên như một cách ông ứng xử với đời sống. Nhiều lần đang uống cà phê với tôi, ông nói "Bây giờ tao muốn điên một chút", rồi đứng lên chạy ra ngã tư làm cảnh sát giao thông, la hét một hồi rồi trở về chỗ cũ.
Thậm chí có thể nói, nhờ "nửa tỉnh nửa mê" như thế mà ông mới có "năng lượng" để đi hết con đường nghệ thuật mà mình đã chọn, tận hiến cuộc đời cho thơ. Muốn hiểu Bùi Giáng, xin hãy đọc tác phẩm của ông.
Rất cảm ơn anh!
Hiện nay đã có 5 luận án thạc sĩ về thơ Bùi Giáng. Trước năm 1975, tại miền Nam có luận án tiến sĩ văn chương "Bùi Giáng - Con người sáng tạo" của Thích Chơn Thiện.
Thiên Tường thực hiện
Theo http://hoabinhmenyeu.blogspot.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại

  Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại Huyền thoại về 61 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915 ...