Kể chuyện về Sô-panh
Frê-đê-rích Sô-panh nhạc sĩ thiên tài người
Ba Lan sinh ngày 22.8.1810 ở ngoại ô thành phố Vác-sa-va và mất ngày
17.10.1849 tại Paris, nước Pháp. Cuộc đời Sô-panh tuy ngắn ngủi nhưng luôn tràn
đầy những ước mơ và hoài bão nồng nhiệt.
Cha Sô-panh- giáo sư Ni-cô-la Sô-panh và người
mẹ của cậu đều chơi đàn piano rất tốt. Ông Ni-cô-la Sô-panh sinh ra tại vùng
Lo-ren ở nước Pháp nhưng đã sống nhiều năm tại Ba-lan. Trong tám năm làm gia sư
dạy tiếng Pháp cho gia đình bá tước Xkác-bếch, ông cưới cô Guýt-xtin Ksy-da-nốp-xka,
người chị em họ của gia đình này. Gia đình ông Ni-cô-la có bốn người con,
Frê-đê-rích Sô-panh có hai người chị là Lu-i-dơ và I-da-ben và em gái- cô bé
Ê-mi-ly.
Sô-panh bộc lộ tài năng âm nhạc từ lúc còn nhỏ,
lên ba tuổi đã nhớ và đàn được những bản nhạc mà người mẹ thường chơi. Tám tuổi,
Sô-panh có khả năng biểu diễn xuất sắc trước công chúng và sáng tác những bản
nhạc nổi tiếng. Từ đó cậu được coi là thần đồng âm nhạc.
Bắt đầu học piano từ lúc ba tuổi, lên sáu,
gia đình mời thày giỏi nhất đến dạy đàn cho Sô-panh. Đó là ông Dip-ny, khi ấy
đã gần sáu mươi tuổi. Chỉ sau vài năm học tập, 12 tuổi, Sô-panh đã chơi đàn vượt
tài thày. Ông Dip-ny, rất có thiện chí, đã xác nhận cậu học trò thiên tài không
còn gì phải học trong những bài dạy của ông nữa. Ông nói “Muốn theo dõi những
năng khiếu kỳ lạ của Sô-panh hơn là uốn nắn chúng”. Ông còn khuyên bố mẹ
Sô-panh “Hãy để mặc cậu bé cho tài năng tự nhiên được nảy nở”.
Lúc còn nhỏ, cậu bé Sô-panh rất buồn vì bàn
tay trẻ con của mình không thể bấm được một quãng tám trên đàn piano, cậu bèn
nghĩ ra một mẹo. Sô-panh cố làm rộng mu bàn tay bằng cách đặt giữa kẽ ngón tay
những cái nêm. Trước khi đi ngủ, cậu bí mật băng chặt bàn tay và cả những cái
nêm lại, ước rằng ngày mai có thể bấm tới mười phím. Nhà soạn nhạc tí hon cần đến
một quãng mười cho bản nhạc mà cậu đang soạn.
Sống trong ngôi nhà rộng rãi nên gia đình
Sô-panh cho một số học sinh ở trọ. Bọn trẻ đến từ các vùng lân cận và theo học ở
thủ đô Vác-sa-va. Các buổi tối, Sô-panh hay cùng mẹ chơi đàn cho bọn trẻ này
thưởng thức. Nhiều buổi cậu đàn các bản dân vũ để chúng nhảy múa, lần khác, cậu
lại kể những câu chuyện tự sáng tác rồi ngồi xuống đàn piano, dùng âm nhạc diễn
tả nội dung câu chuyện.
Một hôm, bọn trẻ nô đùa, nghịch ngợm, làm xáo
động căn nhà vốn yên tĩnh. Muốn bọn trẻ lặng yên, Sô-panh kể cho chúng nghe câu
chuyện về một bọn cướp hung ác. Chọn một ngôi làng yên bình, chúng tấn công và
cướp phá rất tàn bạo. Những thanh niên trong làng dũng cảm chiến đấu chống lại,
bọn cướp thua và phải tháo chạy. Chúng chỉ còn con đường duy nhất là trốn vào một
hang sâu dưới chân núi. Trong hang tối tăm, lạnh lẽo, đó đây ẩn hiện những hình
thù kỳ dị. Bọn cướp vừa đói vừa mệt, lăn ra đất rồi nhanh chóng ngủ thiếp đi. Đến
cao trào câu chuyện, Sô-panh ngồi vào đàn và miêu tả khung cảnh dưới hang sâu bằng
những âm thanh run rẩy. Thính giả như thấy tiếng thầm thì của khu rừng đại
ngàn, làn gió rì rào xao động thổi ngoài cửa hang, tiếng kêu rả rích của côn
trùng và tiếng ngáy đều đều của bọn cướp. Cuối cùng thì không chỉ bọn cướp mà
những người nghe chuyện cũng bị tiếng đàn ru ngủ lúc nào không hay. Đến đây,
Sô-panh rón rén ra khỏi phòng tìm bố mẹ rồi chỉ cho họ thấy cảnh tượng khác thường
ấy. Cậu trở lại bên cây đàn và bấm mạnh hai tay xuống hàng phím. Âm thanh vang
lên chói tai, đám thính giả giật mình tỉnh giấc. Trước những khuôn mặt còn ngơ
ngác, Sô-panh nhẹ nhàng kể tiếp, cậu nói đó là tiếng sét đánh xuống cây cổ thụ,
làm nó gẫy gục, lấp kín cửa hang. Rồi trận mưa dữ dội đổ xuống, nước ngập đầy
hang, bọn cướp không còn đường ra nên bị chết đuối hết.
Về sau, câu chuyện này và cách kể độc đáo của
Sô-panh đã in sâu vào trí nhớ của nhiều người từng sống trong ngôi nhà đó.
Năm 1824, khi Sô-panh vào trường Trung học, bố mẹ đã giao cậu bé cho ông giám đốc
nhạc viện thành phố Vác-sa-va tên là Giô-dép En-xne để ông này dạy hoà âm và phức
điệu cho cậu thiếu niên. Trong con mắt tinh tường của En-xne, ông đã nhận ra một
khả năng âm nhạc kỳ lạ của cậu bé. Những bài tập hoà âm và phức điệu của
Sô-panh luôn thể hiện sự sáng tạo đặc biệt so với học sinh khác, cậu không làm
bài theo cách thông thường như mọi người. En-xne có lần nói với Sô-panh: “ Có
hai loại người không chịu tuân theo luật lệ. Loại thứ nhất là không biết gì luật
lệ, còn loại thứ hai lại nắm quá vững về nó. Em thuộc loại thứ hai này”. En-xne
nói với những người e ngại việc không gò Sô-panh đi vào khuôn khổ: “Hãy để cho
cậu bé mảnh đất tự do. Cậu ta đi theo con đường kỳ lạ bởi vì thiên tư của cậu
ta cũng kỳ lạ”. Trong báo cáo hàng năm ở nhạc viện, sau tên Sô-panh, ông giám đốc
nhạc viện đã viết những dòng chữ: “Khả năng làm mọi người kinh ngạc, thiên tài
âm nhạc”.
Những sự kiện chính trị đã làm hai năm học cuối tại trường Trung học của
Sô-panh trôi trong buồn bã. Đất nước Ba-lan ngày đó còn nằm dưới sự cai trị của
Sa Hoàng- Hoàng đế Nga. Sa hoàng ra lệnh đàn áp mọi cuộc biểu tình của nhân dân
Ba-lan. Khi mới 15 tuổi, Sô-panh đã nhiệt tình tham gia các cuộc biểu tình phản
đối sự chiếm đóng hà khắc này. Nhiều năm sau, khi phải rời xa quê hương Sô-panh
không bao giờ nguôi ngoai trong lòng nỗi nhớ da diết về Tổ quốc Ba-lan yêu dấu.
Sô-panh- nghệ sĩ piano vĩ đại
Tháng 9 năm 1826, khi vào học tại nhạc viện Vác-sa-va, Sô-panh đã có ba tác phẩm
âm nhạc được in là bản Pô-lô-ne giọng La thứ, bản hành khúc quân đội
và bản Rông-đô. Đó là những tác phẩm có giá trị, chúng nhanh chóng nhận được sự
tán thưởng của những người yêu nhạc và đưa Sô-panh trở thành niềm hy vọng của nền
âm nhạc Ba-lan.
Trong thời gian ấy, để hoàn chỉnh việc học tập, Sô-panh thường chơi tác phẩm của
các nhạc sĩ thời trước và xem chương trình biểu diễn của các nhạc sĩ nước ngoài.
Một lần khi được xem “Nhà phù thuỷ của cây đàn violon” người Italia tên là
Pa-ga-ni-ni trình diễn, khả năng đặc biệt của Pa-ga-ni-ni đã làm Sô-panh kinh
ngạc. Kỹ thuật biểu diễn tuyệt mĩ của nghệ sĩ đã thôi thúc anh phải mau chóng
khổ luyện để đạt tới sự hoàn thiện trong cách chơi của mình, không với mục đích
làm người nghe ngạc nhiên mà để có khả năng thể hiện tình cảm của mình được trọn
vẹn nhất. Sô-panh bắt tay vào viết một số bài luyện tập cho đàn piano, nhưng
khác với nhiều nhạc sĩ, bài tập của Sô-panh rất giàu tính nghệ thuật. Ngày nay,
người chơi những bài tập của Sô-panh không chỉ để chơi cho đúng mà phải chơi
thành một tác phẩm âm nhạc hoàn hảo.
Năm 1828, trong một chuyến đi từ Béc-lin (Đức)
sang nước Pháp, cỗ xe chở Sô-panh phải dừng lại ở gần trạm bưu điện Da-lin để
thay ngựa. Cũng như những hành khách khác, Sô-panh đi vào phòng chờ để nghỉ
ngơi. Hầu hết mọi người trong căn phòng đều có vẻ mệt nhọc trong chuyến đi dài.
Họ đứng ngồi lộn xộn. Căn phòng đầy những âm thanh hỗn độn. Chợt thấy ở góc
phòng có một cây đàn piano, Sô-panh tò mò tiến lại gần để thử xem. Chiếc đàn
tuy đã cũ nhưng vẫn còn dùng được.
Quên cả mệt nhọc và quên rằng mình đang
ở đâu, Sô-panh dạo tay trên phím đàn những bản nhạc mà ông tự sáng tác. Tiếng
đàn vang lên nhẹ nhàng trong khung cảnh hỗn độn và náo nhiệt. Trong giây lát,
căn phòng chợt tĩnh lặng, dường như có một luồng khí mát vừa tràn tới. Mọi người
nhanh chóng bị tiếng đàn mê hoặc, họ quên mệt nhọc, quên ăn uống và nghỉ ngơi để
vây quanh cây đàn. Một thoáng, Sô-panh định dừng tay, nhưng thấy mọi người chăm
chú lắng nghe, ông lại tiếp tục chơi những bản nhạc khác. Vừa dừng tay, giữa những
tiếng kêu ngạc nhiên đầy thán phục, một người đàn ông có tuổi tiến lại gần
Sô-panh và nói: “Thưa ngài, tôi là nhạc sĩ sống ở vùng này, tôi hiểu công việc
của mình. Nếu Mô-da nghe ngài chơi đàn, ông ta sẽ bắt tay ngài, còn tôi, tôi
không dám...”.
Vừa lúc đó, người phu trạm bước vào, thông báo
rằng ngựa đã thay xong, mời mọi người ra xe tiếp tục chuyến đi. Tất cả đều luyến
tiếc, dường như họ vừa trải qua một giấc mơ đẹp và không muốn giấc mơ đó sớm kết
thúc. Ông trưởng trạm bưu điện tha thiết mời Sô-panh ở lại tiếp tục chơi đàn,
sau đó bưu điện sẽ cấp riêng cho ông một cỗ xe khác. Sô-panh lễ phép từ chối và
muốn tiếp tục cuộc hành trình cùng mọi người. Kính trọng vì tài năng âm nhạc và
sự khiêm nhường đó, mọi người đã không dấu được cảm xúc của mình. Nhiều người
đàn ông đến xin bắt tay ông, một số khác tìm cách chạm vào người ông và cuối
cùng họ tung Sô-panh lên để hoan hô.
Sau khi rời quê hương tới nước Pháp, tại đây Sô-panh đã tìm đến một số nghệ sĩ
chơi piano nổi tiếng để được học tập và trau dồi kiến thức. Một nghệ sĩ chơi
piano bậc thầy lúc bấy giờ tên là Kác-bren-ne, khi chưa được chứng kiến tài
năng của Sô-panh, đã tự tin tuyên bố: “Có thể tôi sẽ dành ba năm để giúp chàng
thanh niên Ba-lan này hoàn thiện về kỹ thuật chơi đàn”. Khi đó Kác-bren-ne hơn
Sô-panh đến 25 tuổi, nhưng khi được nghe tiếng đàn của Sô-panh trong một buổi
hoà nhạc lớn, ông ta đã kêu lên trong niềm phấn khích với sự khiêm tốn rất đẹp:
“Một người khổng lồ! Anh ta đã dẹp tất cả mọi người và cả tôi!”.
Có thể nói rằng, về nghệ thuật chơi đàn piano, chỉ có một người có thể sánh được
với Sô-panh, đó là Frăng List, nhạc sĩ người Hung-ga-ri và họ cũng là bạn tốt của
nhau. Tuy nhiên, cách chơi đàn của hai nghệ sĩ lại khác nhau rất nhiều. List thể
hiện sự nhiệt tình, hăng hái của người Hung-ga-ri, ông thường chơi đàn với cảm
hứng nẩy lửa, những đoạn nhạc cao trào, ngón tay của List làm bật lên những tiếng
sét nổ trên phím đàn. Trong phòng hoà nhạc lớn, nhạc của ông làm cho tất cả đám
đông rung lên. Trái lại lối chơi của Sô-panh lại mềm mại, tế nhị hơn diễn tả sự
sâu sắc về nội tâm của một người rất giàu tình cảm.
Nhạc sĩ nổi tiếng người Đức là Men-đen-sơn
vào năm 1834 đã tuyên bố, Sô-panh là người đứng đầu các nhà chơi dương cầm. Nhà
văn nổi tiếng người Pháp là Ban-dắc nói: “Người ta chỉ đánh giá được List khi
đã nghe Sô-panh chơi đàn, đó đều là những bậc thầy, List chơi đàn như ma quỷ,
còn Sô-panh chơi đàn như thiên thần...”
Có người đã nhận xét về tài năng chơi đàn của
ông: “Cách đánh đàn của ông đẹp đến nỗi, ông chỉ chơi một hợp âm thôi đã đủ sức
làm mê hoặc khán giả”.
Sô-panh - Nhà sáng tác âm nhạc thiên tài
Sô-panh chủ yếu sáng tác âm nhạc cho đàn piano ở các thể loại nhỏ như Ma-duốc-ca,
Pô-lô-ne, Van-xơ, Sô-nát, Dạ khúc (Notude), Khúc mở đầu (Uvectuya), Bài tập luyện
ngón (Etude)... Ông không viết những tác phẩm mang hình thức lớn như giao hưởng,
nhạc kịch...Âm nhạc của Sô-panh được sáng tác rất công phu, mang đậm tính cách
dân tộc Ba-lan, nảy sinh từ một thiên tài kiệt xuất và đem đến cho thính giả
lòng tin tưởng mạnh mẽ vào sự lớn lao của con người.
Số lượng tác phẩm âm nhạc của Sô-panh theo những thống kê chưa đầy đủ, bao gồm
10 bản Pô-lô-ne, bản đầu tiên viết khi lên tám tuổi, 4 bản Sô-nát, 2
Công-xéc-tô, 1 tam tấu, 4 Xkéc-dô, 4 Rông-đô, 19 Dạ khúc, 25 Bài tập (Etude),
15 bản Van-xơ, 1 Ta-răng-ten, 24 khúc mở đầu (U-véc-tuya), 3 hành khúc, 4 thơ ứng
khẩu, 4 Ba-lát, 1 Phăng-tê-di, 51 Ma-duốc-ca, một khúc ru, một Bác-ca-rôn, 1
Bô-lê-rô, 1 hành khúc tang lễ, 3 Ê-cốt-xơ và nhiều ca khúc phổ thơ...
Những nhạc sĩ thời trước mà Sô-panh rất yêu thích là Mô-da và Bach, ông đánh
giá những chủ đề âm nhạc của họ được hình thành và phát triển từ những xúc cảm
nhạy bén, đôi khi từ một tiếng chim vẫy cánh, một hơi gió thổi, một nét vẽ thuần
tuý. Đã nhiều lần, ông khẳng định và thán phục tài năng của họ.
Theo Sô-panh, một tác phẩm âm nhạc phải có vài trò khác với một bức tượng, một
bức tranh hay một bài thơ, bởi ở chúng tình cảm được diễn tả một cách trực tiếp.
Âm nhạc chỉ nên dùng để gợi nên, nhắc lại, đánh thức những tình cảm khi lời nói
không thể diễn tả được nữa.
Năm 1831, nhạc sĩ người đức là Rô-be Su-man
là người nước ngoài đầu tiên nhận thấy tài năng sáng tác âm nhạc của Sô-panh,
Su-man không chỉ là một nhà soạn nhạc lớn mà còn là một nhà phê bình âm nhạc
tài năng. Qua những tác phẩm âm nhạc của Sô-panh được in và gửi tới Lai-xích,
Su-man đã đăng những bài giới thiệu về nhạc sĩ này rất chân thực trên tạp chí
âm nhạc mà ông phụ trách. Đến khi được biết Sô-panh hoàn thành biến tấu trên
giai điệu vở nhạc kịchĐông-Gioăng của Mô-da, Su-man đã viết trong tạp chí
âm nhạc: “Thưa các ngài, hãy hạ mũ xuống: Một thiên tài!”
Tác phẩm của Sô-panh không có vẻ trống rỗng và hoa mĩ rườm rà. Nó chứa đựng tất
cả những cảm xúc chân thực của ông trong cuộc sống, niềm vui và nỗi đau, sự êm
ái và dữ dội, tế nhị và cay đắng, tình yêu và lòng căm ghét. Sô-panh là một nhà
soạn nhạc vô song, ngay thẳng và tinh tế. Chỉ có ông mới nhận được từ List- tay
đàn piano cự phách bậc nhất thời bấy giờ- lời ca ngợi mà rất ít người xứng đáng
được hưởng: “Mỗi nốt nhạc là một vần, mỗi nhịp là một chữ và mỗi câu là một tư
tưởng”.
Tình yêu của Sô-panh
Ba người phụ nữ đã đi qua cuộc đời Sô-panh, để lại dấu ấn trong tinh thần cũng
như tác phẩm âm nhạc của ông. Khác nhau bởi hoàn cảnh xã hội, địa vị, tuổi tác,
họ không đến với Sô-panh bằng tình yêu say mê, chân thành như ông hằng mong đợi
để vượt qua những dày vò của bệnh tật và cay đắng của cuộc đời. Hai người đầu
tiên, là những cô gái trẻ, họ không hiểu được tâm hồn thanh cao và tài năng đặc
biệt của ông. Người phụ nữ thứ ba, có tài năng và nhiều kinh nghiệm, đã che chở
và giữ gìn ông bên cạnh như một thần tượng quí giá hơn là một người yêu thực sự.
Sô-panh là một người độc thân và không gặp may mắn trong tình yêu.
Ngoại hình của Sô-panh, được người bạn của
ông, nhạc sĩ Phrăng List miêu tả như sau: “Toàn bộ con người anh rất hài hoà,
ánh mắt thông minh hơn là mơ màng, nụ cười hiền lành và tinh khiết không bao giờ
trở nên cay đắng. Sô-panh có nước da trắng mịn, làn tóc màu hung, mũi hơi khoằm,
dáng người cao dong dỏng, nhã nhặn như một quí tộc”.
Năm 17 tuổi, với những rung động đầu đời,
Sô-panh say mê một nữ sinh nhạc viện Vác-sa-va, tên là Công-xtăng-xơ Glát-cốp-xka.
Cô gái này học khoa thanh nhạc và có giọng hát rất hay. Đây là mối tình đầu
trong sáng và tươi trẻ, hồn nhiên. Sô-panh sáng tác một số bản nhạc tặng cô
gái, đó là một bản Công-xéc-tô và một bài Van-xơ. Mối tình này đã kéo dài không
lâu, khi Sô-panh buộc phải rời khỏi đất nước, ông không còn liên lạc được với
Glát-cốp-xka nữa, ít lâu sau Sô-panh rất đau lòng khi nhận được tin cô đã lấy
chồng, một người thuộc tầng lớp quí tộc nông thôn Ba-lan.
Năm 1835, nhận được lời mời từ một gia đình họ hàng xa, Sô-panh đã tới
Đrét-xđơ. Tại đây, ông gặp lại người chị họ đã quen biết từ thuở còn nhỏ tên là
Ma-ri, giờ đây là một cô gái đáng yêu, thông minh và am hiểu âm nhạc. Cùng nhau
trải qua những kỷ niệm sâu sắc thời thơ ấu, giữa Sô-panh và Ma-ri nhanh chóng
hình thành một mối tình đằm thắm và tế nhị, người mẹ của Ma-ri cũng ủng hộ tình
yêu của họ. Với những cảm xúc ngọt ngào của mối tình này, khi chia tay nhau,
Sô-panh đã tặng Ma-ri một bản nhạc Van-xơ từ biệt, đó là một trong những kiệt
tác bất hủ của ông.
Tuy nhiên cha và chú của Ma-ri lại không tán thành việc kết hôn giữa cô gái và
Sô-panh. Là những người mang nặng thành kiến về tước hiệu và của cải, họ cho rằng
đây là một cuộc hôn nhân không cân xứng. Một năm sau đó, Sô-panh và Ma-ri tìm
cách gặp nhau, tình cảm giữa họ vẫn sâu nặng, thậm chí hai người đã bí mật đính
hôn nhưng bất lực bởi những khó khăn và cách trở, Ma-ri yếu đuối đành buông
xuôi tình cảm của mình. Sô-panh rất đau lòng vì mối tình tan vỡ và người yêu
nhanh chóng lãng quên, ông gói bông hồng Ma-ri đã tặng vào trong một bản nhạc,
đóng xi lại và viết bên ngoài “Những nỗi đau của tôi”. Gói hoa hồng này, người
ta còn thấy nguyên vẹn sau khi Sô-panh qua đời.
Người phụ nữ có ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đời và sáng tác âm nhạc của
Sô-panh là nữ văn sĩ người Pháp: Gióoc-giơ Xăng (George Sand). Sô-panh gặp và
yêu bà từ năm 1838, khi ông 28 tuổi. Gióoc-giơ Xăng hơn Sô-panh sáu tuổi
(1804-1876), là một trong số ít phụ nữ Pháp viết tiểu thuyết thành công. Cuộc đời
của Gióoc-giơ Xăng cũng có nhiều điểm đáng nói. Gióoc-giơ Xăng là con hoang của
một người có dòng dõi hoàng tộc, là cháu vua Ba-lan. Năm 18 tuổi, Gióoc-giơ
Xăng kết hôn cùng nam tước Đuy-đơ-văng (Casimir Dudevant). Tám năm sau, bà bỏ
đi Paris với nhà văn Xăng-đô, bắt đầu cuộc đời viết văn, sống phóng túng.
Gióoc-giơ Xăng nổi tiếng khắp thành Paris thời bấy giờ vì tài viết văn cũng như
được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng theo đuổi, đó là nhà thơ Muýt-xê (Alfred de
Musset), nhà văn Xăng-đô (Jules Sandeau), nhạc sĩ Sô-panh... Nhà của Gióoc-giơ
Xăng là nơi lui tới của rất nhiều nhân vật nổi tiếng thời bấy giờ.
Sô-panh sống trong lâu đài của nữ văn sĩ này và yêu bà trong thời gian từ
năm 1838 đến năm 1846. Khi đó hai đứa con riêng của Gióoc-giơ Xăng còn nhỏ. Độ
lượng và hết lòng, bà chú ý đến nghệ sĩ trẻ thiên tài mà bệnh tật đã bắt đầu
tàn phá. Bà nhận Sô-panh vào cuộc đời mình và với tình thương trước hết như một
người mẹ, nữ văn sĩ này coi Sô-panh như người con thứ ba của mình. Tám năm
Sô-panh sống cạnh bà, trong lâu đài nhỏ Nô-hăng gần Paris, Sô-panh viết nên nhiều
tuyệt tác âm nhạc. Nhưng cuối cùng thì hai người cũng chia tay. Trong cuốn Câu
chuyện đời tôi, Gióoc-giơ Xăng đã kể lại các sự kiện dẫn đến việc hai người phải
đau khổ xa nhau. Bà cho rằng có những nguyên nhân dẫn đến sự chia tay. Thứ nhất,
Sô-panh đã không thể sống hoà hợp với hai người con riêng của bà. Thứ hai, tình
yêu Sô-panh dành cho Gióoc-giơ Xăng chỉ được xếp sau những tình cảm ông dành
cho Tổ quốc Ba-lan và đặc biệt là người mẹ yêu dấu của ông.
Đã bị tàn phá bởi bệnh tật, lại chịu nỗi đau vì mất tình yêu của Gióoc-giơ
Xăng. Một người bạn của ông, nghệ sĩ chơi đàn Xen-lô là Phrăng-om kể lại, trong
ngày cuối đời, Sô-panh đã lẩm bẩm: “Thế mà bà ấy nói với tôi rằng tôi chỉ chết
trong tay bà”. Sô-panh là con người như vậy, không quên và luôn trung thành
trong tình yêu của mình.
Cuộc sống của Sô-panh
Vào năm 1830, cha mẹ của Sô-panh đã bí mật được
tin tại Vác-sa-va sắp nổ ra cuộc khởi nghĩa của nhân dân Ba-lan chống lại sự
chiếm đóng của Sa hoàng. Họ liền thu xếp để đưa Sô-panh rời khỏi Tổ quốc, tránh
ảnh hưởng tới cuộc sống của con trai mình- một thiên tài âm nhạc. Nếu ở lại, chắc
chắn Sô-panh sẽ tham gia cuộc chiến và tương lai của anh sẽ không thể định trước
được.
Sau cái chết của cô em út Ê-mi-ly khi mới 14
tuổi, Sô-panh rất đau lòng. Ông rời xa Tổ quốc Ba-lan vào ngày 2.9.1830 với
linh cảm sẽ không được quay trở lại. Ông mang theo một nắm đất của quê hương và
chẳng bao giờ rời xa nó. Chuyến đi bằng xe trạm bưu điện đã đưa Sô-panh qua nhiều
nước châu Âu như Séc, áo, Đức. Khi tới thành Viên, Sô-panh được tin tại
Ba-lan đã nổ ra cuộc khởi nghĩa nhân dân. Đắm chìm trong lo lắng, không nhận được
tin tức của bạn bè và gia đình, Sô-panh rất đau khổ. Ông định dừng chân ở Đức
nhưng đất nước này từ chối cấp thị thực cho ông. Từ đây, ông đi tiếp sang Pháp
và sống ở đó tới khi chết. Suốt cuộc đời ngắn ngủi- ông chết năm 39 tuổi- mang
trong người từ tuổi 25 một căn bệnh đau ngực vì chứng viêm phổi đã làm ông từ
giã cõi đời.
Khi mới tới Paris, cuộc sống của Sô-panh có nhiều khó khăn, người nghệ sĩ trẻ
quyết định tự kiếm sống bằng cách dạy đàn piano. Phải rất cực nhọc, ông mới kiếm
đủ ăn qua ngày, vì thế có nhiều lúc ông nghĩ cách đến châu Mỹ, để thử cầu may
như một người chơi dương cầm kỳ tài ở lục địa mới.
Sau sự tiếp xúc và giới thiệu của bạn bè,
Sô-panh đến chơi đàn tại nhà triệu phú Rốt-sin. Buổi trình diễn tối hôm đó, bằng
lối chơi đặc biệt của mình, Sô-panh đã làm mê ly thính giả và từ đó đánh dấu một
bước ngoặt trong cuộc đời của ông. Rất nhiều người tìm cách làm quen với
Sô-panh, họ mời ông đến chơi đàn tại nhà hay ông đến dạy đàn cho họ. Nhờ thế,
điều kiện sống của ông được cải thiện. Trong hai buổi hoà nhạc tiếp theo,
Sô-panh thành công đến nỗi nhà vua Lu-i Phi-líp đã mời ông đến chơi tại cung điện
Xanh Cơ-lu và tặng ông nhiều tặng phẩm quí giá. Những nhạc sĩ tên tuổi thời kỳ
đó tại Paris như Men-đen-sơn, Ben-li-ni và Béc-li-ô cũng phải cúi chào trước vẻ
đẹp trong lối chơi của ông và trở thành những người bạn khâm phục tài năng của
ông. Từ đây, cuộc đời Frê-đê-rích Sô-panh mở ra một thời kỳ đầy thắng lợi vẻ
vang.
Sau những thành công tốt đẹp đó là những ngày
làm việc quá sức. Sức khoẻ của Sô-panh dần dần giảm sút. Những buổi hoà nhạc,
nhiều dạ hội kéo dài rất khuya, những bài dạy âm nhạc hàng ngày không tiếc sức,
bắt đầu huỷ hoại sức khoẻ vốn đã tồi tệ của ông. Bệnh viêm phổi không có cách
chữa triệt để đã gặm nhấm hết sức khoẻ của Sô-panh.
Lúc hấp hối, Sô-panh gọi tên người mẹ yêu dấu,
nhưng vô ích. Tuy nhiên bà đã hiện ra như một ảo ảnh cuối cùng, một niềm tin cuối
cùng của Sô-panh. Trái tim Sô-panh ngừng đập vào ngày 17.10.1849. Theo ý nguyện
của mình, Sô-panh muốn tro tàn của trái tim ông sẽ được gắn vào cây thánh giá tại
nhà thờ lớn của Vác-sa-va. Nhưng sau khi ông mất, theo nguyện vọng của những
người thân, trái tim ông được giữ lại. Nhiều năm sau, trái tim của Sô-panh được
đưa về Ba-lan cùng với nắm đất quê hương ông mang theo từ thời trai trẻ.
Sô-panh yên nghỉ tại nghĩa trang Pe-rơ La-se-dơ ở Paris.
Nhà thơ người Đức là Hen-ríc Hai-nơ đã nói về ông: “Ảnh hưởng của ba dân tộc đã
hợp thành nơi ông một con người đáng trân trọng. Nước Ba-lan đã cho ông tình cảm
nghĩa hiệp và nỗi đau đớn lịch sử. Nước Pháp, sự thanh lịch dễ gần và duyên
dáng, nước Đức, sự sâu sắc mơ màng. Thiên nhiên đã cho ông một khuông mặt thon,
đỏm dáng hơi bệnh tật và một trái tim cao quý của thiên tài. Ta phải thừa nhận ở
Sô-panh cái thiên tài với tất cả ý nghĩa của từ đó: ông không chỉ là một nhạc
sĩ kỳ tài, mà còn là thi sĩ. Ông có thể diễn đạt cho chúng ta biết chất thơ ở
trong tâm hồn ông. Đây là một nhạc sĩ, thi sĩ và không có gì so sánh được với sự
hoàn mỹ khi ông tuỳ hứng trên dương cầm. Lúc đó, ông không còn là người Ba-lan,
Pháp hay Đức nữa. Ông đi ra từ một nguồn gốc sâu xa hơn: Từ xứ sở của Mô-da, của
Ra-pha-en, của Gớt, tổ quốc thực sự của ông là xứ sở của nghệ thuật âm nhạc và
thơ ca”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét