Khánh Hòa là một miền đất độc đáo về địa lý và
phong cảnh thiên nhiên. “Non cao, biển rộng” đan xen, giao hoà làm nên một vẻ
đẹp tự nhiên kỳ thú, một hòn ngọc quý mà tạo hoá ban tặng cho con người. Một
miền đất như thế ắt sẽ là cái nôi nuôi dưỡng những tâm hồn thi ca, là môi trường
diễn xướng của ca dao, dân ca.
Vốn là tiếng nói của người lao động, ca dao “trao
đổi với thiên nhiên nhiều hơn là giao tiếp với xã hội” (1). Thiên nhiên càng
hữu tình thì nhu cầu trao đổi, giao lưu của con người với thiên nhiên càng lớn.
Có thể coi đây là một giả thiết để xem xét trữ lượng ca dao ở
Khánh Hoà.
Tuy vậy cho đến nay chưa ai trả lời được câu hỏi ở
Khánh Hoà có khoảng bao nhiêu bài ca dao? Trở lại lịch sử vấn đề nghiên cứu
sưu tầm văn học dân gian nói chung và ca dao dân ca nói riêng ở Khánh Hoà
chúng ta không khỏi băn khoăn về những gì còn tồn tại.
Trước giải phóng 1975 đã có một vài người quan
tâm đến vấn đề này, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc ghi chép một cách tổng hợp
về lịch sử, địa lý, danh lam, thắng cảnh, con người và những nghề truyền thống
(Quách Tấn-Xứ Trầm hương, Nguyễn Đình Tư-Non nước Khánh Hoà). Có thể nói
nghiên cứu sưu tầm văn học dân gian Khánh Hoà trước 1975 là một vùng hầu như
còn bỏ trống.
Sau giải phóng 1975 công việc đó mới
được khởi đầu với các công trình như: Thơ ca dân gian Phú Khánh của
nhóm tác giả: Trần Việt Kỉnh, Hà Nam Tiến, Nguyễn Chí Trang. Truyện cổ
dân gian Phú Khánh của nhóm tác giả: Trần Việt Kỉnh, Nguyễn Thành Thi,
Trần Trung Thành, Chu Thanh Bằng. Nữ thần Pônaga của tác giả Trần Việt Kỉnh.
Những công trình này tiến hành trong hoàn cảnh
Khánh Hoà, Phú Yên sát nhập thành Phú Khánh do đĩ việc sưu tầm nghiên cứu
VHDG cũng mang tính chất chung cho cả hai miền đất.
Năm 1989, theo quyết định của Bộ chính trị Trung
ương Đảng và nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, tỉnh Phú Khánh lại được
tách ra làm hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà. Trong hoàn cảnh cấp bách phải giới
thiệu vùng đất Khánh Hoà với những nét tổng thể, nhà nghiên cứu Trần Việt Kỉnh
đã biên soạn cuốn “Đất nước con người Khánh Hoà” do Trung tâm Thông tin
Cổ động Khánh Hoà xuất bản năm 1989, trong dó có một phần giới thiệu
về văn học dân gian Khánh Hoà.
Bài viết này dựa trên nguồn tư liệu thơ ca dân
gian Khánh Hoà, chúng tôi sưu tầm được, chắc chắn là chưa đầy đủ, nhưng cũng
giúp hình dung được những nét chung thống nhất với ca dao của nhiều vùng đất
khác, đồng thời cũng mang nhiều nét đặc thù của địa phương Khánh Hoà. Chúng
tôi xin nêu một số nét tiêu biểu của ca dao Khánh Hoà như sau:
I. CA DAO KHÁNH HOÀ VỚI PHONG CẢNH VÀ SẢN VẬT:
1. Về phong cảnh
Ca dao Khánh Hoà nhắc tên các miền quê: Vạn Giã, Tu Bông, Ninh Hoà, Cầu Thành, Cồn Cạn, Nha Trang, Cam Ranh, Diên
Khánh… Những con sông, con suối như: sông Dinh, sông Cù, sông Cái, suối Tiên,
suối Đổ, suối Ngổ… Những hòn đảo và núi như: hòn Hèo, hòn Đỏ, hòn Kẽm, hòn Chữ,
hòn Dữ, hòn Dung, hòn Chồng…
Việc nhắc đến nhiều địa danh không những chứng tỏ
sự phong phú của ca dao Khánh Hoà mà còn là căn cứ quan trọng để xác định ca
dao Khánh Hoà, phân biệt với ca dao của các miền đất khác. Đồng thời qua đó
ta cũng thấy được sự đa dạng của thiên nhiên và địa hình mang dấu ấn
địa phương Khánh Hoà.
Suối Tiên nước chảy lững lờ
Tiên đi đâu, để bàn cờ rêu phong
Nước mây vắng vẻ tăm mòng
Bền gan nay vẫn rày mong mai chờ
Bài ca dao nhắc lại sự tích suối Tiên, với không
gian yên tĩnh, nước suối trong mát, êm trôi. Tương truyền xưa kia tiên ở trên
trời thường xuống đây tắm, đánh cờ, vui chơi. Ngày nay nơi đây trở thành một
thắng cảnh. Khách du lịch trong và ngoài nước đến đây tận hưởng cái không khí
trong lành, tắm mát, phơi mình trên các tảng đá ở giữa dòng suối và mơ màng về
cái thuở Tiên còn về trần thế.
Bãi biển Nha Trang, một phong cảnh hữu tình, nên
thơ:
Bãi biển Nha Trang mịn màng trắng trẻo
Nước trong leo lẻo, gió mát trăng thanh
Đêm đêm thơ thẩn một mình
Đố sao cho khỏi vương tình nước mây.
Cát trắng, nước trong, trăng thanh, gió mát.
Thiên nhiên quả là ưu đãi. Một thiên nhiêu dịu lành, thân thiện với con người.
Nó thức dậy những nỗi niềm thầm kín trong sâu thẳm tình cảm con người, đó là
nỗi vấn vương, cùng khát vọng giao hoà với thiên nhiên.
Thiên nhiên thuận hoà là đặc điểm của vùng đất.
Tỉnh Khánh Hoà đậm đà mưa nắng
Non chồng nghĩa nặng, nước chứa tình thâm.
Câu ca dao khái quát được đặc tính khí hậu Khánh
Hoà “mưa nắng rất điều độ và mùa mưa không “lạnh cắt ruột” “lạnh nhức xương “
như ở Huế, ở Cao nguyên. Trong mưa có khí ấm, trong nắng có khí mát (2). Đúng
là cái mưa, cái nắng cũng có mối tình sâu đậm với con người. Nó là thứ keo gắn
kết con người với quê hương xứ sở, để ai đó vì một lý do gì phải đi xa vẫn hướng
về quê hương thiết tha, chung thuỷ.
Ai về Xóm Bóng quê nhà
Hỏi thăm điệu múa Dâng Bà còn không?
Đó là lời nhắc nhở về khu di tích Tháp Bà Nha
Trang, Xóm Bóng là xóm của những người hát bóng. Và điệu múa Dâng Bà đã trở
thành nghi lễ trong lễ hội hàng năm vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ,
ca ngợi Bà mẹ xứ sở Thiên Y A Na. Như thế tình yêu quê hương đã gắn liền với
ý thức giữ gìn, trân trọng những truyền thống lịch sử, văn hoá.
Ca dao phong cảnh Khánh Hoà mang tính chất địa
phương, đặc thù rõ nét: Khác với ca dao Bắc Bộ, phong cảnh thiên
nhiên là những cánh đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay, những ngọn núi xa “mây
mù che phủ”, khác với ca dao Nam bộ, phong cảnh thiên nhiên là những miệt vườn,
sông nước, kinh rạch, trong ca dao Khánh Hoà, phong cảnh thiên nhiên nổi bật
lên hình ảnh non nước, núi biển. Không ở đâu non và nước giao thoa một cách
sống động và ân tình đến thế.
Phong cảnh thiên nhiên Khánh Hoà không chỉ đẹp một
cách đơn thuần mà bao giờ cũng gắn liền với những sản vật quí, đặc trưng cho
một miền quê nào đó.
2. Về sản vật
Trầm hương, yến sào là đặc sản quí hiếm mà thiên
nhiên đã ưu đãi cho Khánh Hoà cả về số lượng và chất lượng. Không phải ngẫu
nhiên mà Khánh Hoà cón có một tên gọi thứ hai là Xứ Trầm Hương. Sản vật trầm
hương, yến sào đi vào ca dao đã làm nên tính chất địa phương Khánh
Hoà. Cho nên trầm hương, yến sào không dừng lại ở giá trị sản vật mà đã trở
thành biểu tượng của quê hương non nước Khánh Hoà.
“Miếng ngon nhớ lâu”. Rồi từ nỗi nhớ vị ngon ngọt
của món ăn, người ta nhớ đến tên đất, tên làng, tên sông, tên hồ… quê hương của
vị ngon ngọt đó!
Yến sào hòn Nội
Vịt lội Ninh Hoà
Tôm hùm Bình Ba
Nai khô Diên Khánh
Cá trầu Võ Cạnh
Sò huyết Thủy triều
Đời anh cay đắng đã nhiều
Về đây ngọt sớm, ngon chiều với em.
Sản vật có loại do thiên nhiên ưu đãi, cũng có loại
do con người vất vả làm ra, nhưng tất cả đều được ca dao nhắc đến
bằng một thái độ trân trọng tự hào.
Khoai lang hòn Chúa
Đậu phụng hòn Dung
Chồng đào vợ mót đổ chung một gùi.
Ca dao sản vật Khánh Hoà thường đi đôi với tình cảm
con người mà nhất là tình yêu đôi lứa. Không ít những câu ca dao mượn sản vật
để tỏ tình, hay giãi bày tâm sự buồn vui, yêu thương, hờn giận:
Cây quế Thiên Thai mọc bên khe đá
Trầm nơi Vạn Giã hương toả Sơn lâm
Đôi đứa mình đây như quế với trầm
Trời xui, đất khiến sắt cầm trăm năm
Trầm hương quí còn bởi nó được dùng làm thuốc chữa
bệnh. Nó gắn bó với con người khi ốm đau, trái gió trở trời, thất thường mưa
nắng, với tình chồng, nghĩa vợ hôm sớm, buồn vui, tan hợp. Trầm hương nhắc
người ta đừng quên nhân ngãi ân tình.
Anh ngồi trong bếp lửa đau cái bụng
Em ngoài cửa nát nửa lá gan
Biết thuốc chi mà chữa bệnh cho chàng
Ấy trầm hương cho uống sao chàng vội quên.
Có thể nói ca dao về phong cảnh và sản vật Khánh
Hoà khá phong phú. Đó là sự phong phú của một miền đất nhiều cảnh đẹp, nhiều
sản vật quí, nhiều thức ăn ngon. Trong bối cảnh đó, con người là nhân vật
trung tâm, với tình yêu thiên nhiên đất nước vô bờ, tình yêu con người đằm thắm
sâu nặng và một thái độ trân trọng lịch sử.
II. CA DAO KHÁNH HOÀ VỚI CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI.
Một bộ phận lớn ca dao Khánh Hoà đề cập đến con
người. Nói thiên nhiên, nói sản vật cũng để nói về con người. Trước tiên ta
xem xét con người Khánh Hoà ở góc độ xã hội.
1. Về xã hội
Nếu như ca dao Bắc bộ và Nam bộ chứa đựng
những bức tranh xã hội rộng lớn và đậm nét thì ca dao Khánh Hoà ít đề cập đến
mâu thuẫn xã hội, đấu tranh giai cấp, vấn đề giàu nghèo, thân phận con người.
Vì sao vậy? Có phải Khánh Hoà từ ngàn xưa đã là một
miền đất yên ổn?
Thực ra, dưới chế độ phong kiến, những vùng đất
dù khác nhau cũng đều chung một gầm trời. Bất công, đau khổ, đói nghèo là căn
bệnh vô phương cứu chữa của xã hội cũ.
Vậy mà trong ca dao Khánh Hoà ít khi có tiếng thở
dài, than thân, trách phận, những lời phản kháng, hay thái độ vùng lên.
Những bi kịch phụ nữ như cảnh mẹ chồng nàng dâu,
chồng ngược đãi, cảnh lẽ mọn, lao động nặng nhọc, nghèo túng… trong ca dao
Khánh Hoà cũng không đậm đặc như ca dao của một số vùng đất khác.
Cái nghèo được nói đến trong ca dao Khánh Hoà
nhưng chủ yếu là lời tâm sự, sẻ chia, không nhuốm màu bi quan, trái lại chứa
đựng niềm hy vọng ở sự đổi đời.
Đừng than cái áo rách tay
Trời kia ngó lại vá may mấy hồi
Hôn nhân là một đề tài lớn trong ca dao của mọi
miền đất nước. Từ các khía cạnh của đời sống hôn nhân và gia đình, ca dao phản
ánh những vấn đề xã hội.
Ca dao Khánh Hoà đôi khi cũng có những lời than
thở về tình duyên trắc trở, đổi thay, tan vỡ. Tình trạng gả bán, ép duyên, sản
phẩm của những luật lệ phong kiến hà khắc: trọng nam khinh nữ, cha mẹ đặt đâu
con ngồi đấy… đã đẩy nam thanh niên đến chỗ bế tắc. Họ yêu nhau nhưng không
có quyền quyết định hạnh phúc của mình.
Lửa nhen mới bén duyên cầm
Trách lòng cha mẹ nỡ cầm duyên con
Tình yêu có thể vượt qua thử thách của không
gian, đèo cao, dốc đứng, nhưng khó lòng vượt qua trở lực phong kiến mà hiện
thân của nó không ai xa lạ chính là mẹ, cha của chàng trai, cô gái.
Trèo lên Đèo cả
Ngó xuống Vạn Giã - Tu Bông
Biết rằng phụ mẫu có đành không
Để em chờ, anh đợi uổng công hai đàng
Nhìn chung ca dao Khánh Hoà ít nói đến cái nghèo,
ít nói đến mâu thuẫn giai cấp và các quan hệ xã hội phức tạp khác.
Đây cũng là một đặc điểm rất đáng lưu ý.
Có lẽ nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên nên từ bao đời
người Khánh Hoà kiếm miếng ăn không đến nỗi quá nhọc nhằn như ở những vùng đất
khác. Vì vậy mà trong ca dao Khánh Hoà ta cũng ít gặp những cảnh một nắng
hai sương, lên thác xuống gềnh.
Mặt khác thiên nhiên Khánh Hoà không chỉ mưa nắng
thuận hoà, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, mà còn rất hữu tình, chính
thiên nhiên dã góp phần làm nên tâm hồn tính cách của người Khánh Hoà: gắn
bó, giao hoà với cảnh vật, non nước và chan chứa tình yêu con người.
2. Về con người.
Tính cách con người ở một địa phương, một vùng đất
nào đó được hình thành bởi rất nhiều yếu tố như: hoàn cảnh tự nhiên, xã hội,
điều kiện lao động và quá trình lịch sử…
Người Khánh Hoà có lòng yêu quê hương đất nước
sâu nặng. Tình yêu ấy thể hiện ở niềm tự hào về phong cảnh xinh đẹp, sản vật
phong phú và những con người anh hùng đã làm rạng rỡ non sông.
Giá trị cao quí của độc lập tự do đã được người
dân Khánh Hoà nhận thức sâu sắc. Mượn lời mẹ nói với con, thế hệ trước nói với
thế hệ sau, ca dao đã nhắc nhở mọi người nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc độc lập tự
do. Yêu nước, xả thân vì đất nước được xem là chuẩn mực đạo đức, tài năng của
con người.
Nghe lời mẹ đứng lên đi
Nước không độc lập sống gì hỡi con
Trai tài yêu nước, yêu nhà
Nước kia có trọn thì nhà mới yên
Người Khánh Hoà vốn không ưa khuếch trương, sống
thiên về nội tâm, tình cảm rất dồi dào và chân thành. Cách nói,
cách bộc lộ tình cảm của ca dao Khánh Hoà không sôi nổi, bóng gió và có phần
hoa mỹ như ca dao Bắc bộ, cũng không thẳng thắn, bộc trực như ca dao Nam Bộ.
Tình yêu, tình vợ chồng, tình me ïcon, gia đình, tình người… tất cả được diễn
đạt một cách rõ ràng, cụ thể, ít ẩn dụ xa xôi mà rất thắm thiết, rất thật.
Gió đâu bằng gió Tu Bông
Thương ai bằng thương cha,
thương mẹ, thương chồng
thương con.
Tu Bông là một vùng làng dưới chân đèo Cả, ba bề
có núi bao bọc tạo thành cái rốn gió, xưa kia đất này còn gọi là Tụ Phong. Tục
ngữ có câu “Mưa Đồng Cọ, gió Tu Bông”. Mưa Đồng Cọ rất lớn. Gió Tu Bông rất mạnh
và xoáy. Tình cảm gia đình được ví như cái gió Tu Bông nồng nàn, mãnh liệt.
Tình cảm mẹ con không chỉ được sánh với núi cao,
biển rộng, với những cơn gió quê nhà, mà còn được thể
hiện bằng việc làm cụ
thể, lao động chăm chỉ để phụng dưỡng mẹ già.
Cầm cần câu cá liệt xuôi
Lấy tiền mua gạo mà nuôi mẹ già
Hình ảnh “đèo”, “hòn” xuất hiện nhiều trong ca
dao Khánh Hoà. Có lẽ đây cũng là một nét chung của ca dao miền Nam
Trung bộ, dải đất Khu V dằng dặc, chạy ven biển, lắm núi, nhiều đèo, nhiều đảo.
Vợ chồng nghĩa nặng tình thâm cũng ví như con đèo
sừng sững, ví như hòn đảo trơ gan giữa đất trời.
Đèo
nào cao bằng đèo Rọ Tượng
Nghĩa nào trượng bằng nghĩa phu thê
Bao
giờ Hòn Chữ bể tư
Biển Nha Trang cạn nước anh mới từ nghĩa em
Trai gái yêu nhau mượn hình ảnh con đèo, cái hòn
để tỏ tình, thề thốt.
Anh thương em đặng nghĩa vuông tròn
Mấy sông cũng lội mấy hòn cũng qua
Ca dao Khánh Hoà nói về biển, về cá tôm cũng nhiều
như nói về những con đèo. Đã từ lâu đời người Khánh Hoà sống chủ yếu bằng
nghề đi núi và đi biển. Do đó tình yêu, tình người gắn với quế, với trầm, với
tôm cá, đó, đăng.
Đôi
ta như cặp cá bè
Lênh đênh trên biển ai dè gặp nhau
Đôi
ta như cặp cá sơn
Ăn trên mặt nước, đợi cơn mưa rào.
Và để nhắn nhủ nhau yêu thương, chung thuỷ, trai
gái thường nhắc đến các công việc quen thuộc thường ngày của nghề biển
Anh đừng ham đó, bỏ đăng
Ham lê quên lựu, ham trăng quên đèn.
Từ ca dao Khánh Hoà ta có thể hình dung được diện
mạo con người Khánh Hoà: yêu nhiều hơn ghét, thương nhiều hơn giận, lấy hoà
khí làm trọng, không ưa đấu lý, lao động chân chỉ, luôn luôn có một niềm tin ở
thời gian, cuộc sống và những giá trị.
Dó lâu năm dó thành kỳ
Đá kia lăn lóc có khi hoá vàng
Đó cũng là lý do vì sao những tâm trạng buồn
chán, thất vọng bi lụy vắng bóng trong ca dao Khánh Hoà.
III.VÀI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT CA DAO KHÁNH HÒA
1. Về thể thơ
Nói đến ca dao người ta thường nghĩ đến thể thơ
truyền thống là lục bát. Thơ lục bát vốn có cấu trúc ưu việt, hoàn hảo: câu
6, câu 8, luật bằng, trắc, mạch thơ đi đều đặn, nhịp nhàng, tạo nên chất
ngâm, điệu ru ngọt ngào. Đây là hình thức thơ cổ điển nhất của ca dao.
Theo thống kê của Bùi Mạnh Nhị trong cuốn “Ca dao
dân ca Nam bộ” (3) cho thấy tỉ lệ thơ lục bát trong ca dao Bắc bộ
cao hơn ca dao Nam bộ. Ca dao Bắc bộ có nhiều bài lục bát đạt đến
trình độ điêu luyện, tinh xảo. Ca dao Khánh Hoà có những bài sử dụng hình thức
lục bát nguyên vẹn nhưng nhìn chung là sử dụng hình thức lục bát biến thể nhiều
hơn.
Đặc điểm của lục bát biến thể là câu trên 6 hoặc
hơn 6. Câu dưới không phải là 8 mà là 10, 11 hoặc 12 tuỳ ý, nhưng vần thì
tuân theo kiểu vần của lục bát.
Ví dụ:
Sóng sao bọt nước xanh xanh
Chàng bỏ thiếp cuối bãi đầu ghềnh đêm đông
Thiếp hỏi chàng có thương trọn hay không
Làm cho thiếp đợi, mất công thiếp chờ
Đôi ta gá nghĩa chung tình
Dù ăn cơm mắm ngủ ngoài đình cũng ưng.
Thể thơ song thất lục bát cũng được sử dụng trong
ca dao Khánh Hoà
Dám đâu quên kẻ anh tài
Rèn gan sắt đá khôn nài bể dâu
Gương tuấn dũng làu làu Phạm Chánh
Cùng Phạm Long chung gánh nước non
Cha con trung nghĩa vẹn toàn
Cùng Nguyễn Sung nguyện mất còn có nhau
Bao phen cay đắng hận thù
Tam hùng tam kiệt nghìn thu trăng rằm
Nhìn chung ca dao Khánh Hoà ít sử dụng lục bát
nguyên vẹn họăc song thất lục bát mà sử dụng nhiều lục bát biến thể và tổng hợp.
Đặc biệt thể thơ tổng hợp được sử dụng rất
linh động, khéo léo, tạo nên cách nói tự nhiên, chân thật.
Sông Dinh có ba ngọn nguồn
Anh nhớ em băng đèo vượt suối
Nhưng chưa biết đường tìm đến thăm em
Ghé vô chợ Ninh Hoà mua một xâu nem
Một chai rượu bọt
Anh uống say mèn
Để quên nỗi nhớ thương.
Hình thức biến thể và hỗn hợp được sử dụng nhiều
trong ca dao Khánh Hoà cho thấy hai điều. “Thứ nhất sáng tác dân gian
chưa được kỳ công, tinh xảo như văn chương bác học. Văn chương bác
học không có hình thức biến thể, thêm bớt số tiếng. Thứ hai, sáng tác dân
gian thể hiện sự hồn nhiên, không gò bó, theo hình thức phóng khoáng của người
bình dân” (4)
2. Về hình ảnh.
Như trên chúng tôi đã nói, trong ca dao Khánh Hoà
có rất nhiều hình ảnh thiên nhiên, những cơn gió, ngọn núi, con đèo, bãi biển,
tảng đá và những hòn (gồm các đảo hoặc gò đất, tảng đá nổi trên biển, trên
sông). Những hình ảnh này được ca dao sử dụng với ý
nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp, sự phong phú đa dạng của thiên nhiên và những
phẩm chất của con người.
Chẳng hạn Hòn Chữ thể hiện sự bền vững,
không xê dịch, chuyển dời với thời gian. Gió Tu Bông tượng trưng cho tình cảm
con người nồng nàn, thắm thiết. Đèo Rọ Tượng là biểu tượng của tình chồng
nghĩa vợ.
Hình ảnh thiên nhiên cùng với tên địa danh cụ thể
trong ca dao Khánh Hoà làm nên sắc thái địa phương rõ nét.
3. Về ngôn ngữ.
Ca dao Khánh Hoà ghi lại những từ ngữ thuộc vốn từ
địa phương. Qua đó ta hiểu thêm sắc thái ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói của người
Khánh Hoà (5).
Có thể liệt kê ra hàng loạt từ trong phương ngữ
(mang sắc thái riêng về âm và từ ngữ):
Mược: mặc, hông: không, đửng: đừng,
hồi: khi (lúc), ảnh: anh ấy, cổ: cô ấy, ổng: ông ấy, bả;
bà ấy, trỏng: trong ấy, dơ: bẩn, chi: nào, chừng
nào: khi nào, hổm rày: mấy ngày nay, coi, ngó: xem, nhìn
xem: trông…
Ví dụ:
Anh thương em dưới dốc thương lên
Đá lăn mược đá miễn thương bền thì thôi
Xưa kia lời nói cũng in
Hoa tàn nhị rữa cũng nhìn hổng dong
Bây giờ nhị rữa hoa tàn
Con thơ trìu mến sao chàng vội dong
(Bài ca dao sưu tầm ở Ninh Giang, Ninh Hoà)
Anh ơi anh đửng ngậm ngùi
Một căn hai nợ anh ừ cho xong
Hồi thương nước đục cũng trong
Hồi ghét nước chảy giữa dòng cũng dơ
Lên non bẻ lá đề thơ
Trai không hết khó gái chờ mãn tang
(Bài ca dao sưu tầm ở Ninh Phong, Nình Bình, Ninh
Hoà)
Việc sử dụng ngôn ngữ địa phương trong ca dao
giúp ta xác định được nguồn gốc của nó, để phân biệt bài ca dao ấy thuộc miền
đất nào góp phần sắc thái hoá tâm hồn, tình cảm của người bình dân
IV. VÀI KẾT LUẬN BAN ĐẦU.
Trên đây là một số nhìn nhận ban đầu về ca dao
Khánh Hoà trên cơ sở tư liệu chúng tôi sưu tầm dược. Chắc chắn còn một số lượng
lớn ca dao còn nằm trong trí nhớ của người bình dân ở các miền quê Khánh Hoà.
Chúng tôi hy vọng công trình nghiên cứu, sưu tầm tục ngữ, ca dao, dân ca
Khánh Hoà sẽ được tiếp tục hoàn chỉnh và nâng cao.
Nghiên cứu ca dao thường kết hợp với nghiên cứu
dân ca, vì dân ca vốn có nguồn gốc từ ca dao, nhưng do điều kiện về tư liệu
dân ca còn hạn chế, chúng tôi xin được trở lại vấn đề này vào một dịp khác.
Nghiên cứu ca dao Khánh Hoà phải đặt nó trong mối
quan hệ với ca dao Nam Trung bộ, đặc biệt là miền đất Bình Định, Phú Yên vốn
cùng với Khánh Hoà có những nét chung về hoàn cảnh địa lý, xã hội, phong tục
tập quán và phương ngữ. Chúng ta đã từng gặp những câu ca dao phản ánh mối
quan hệ giao lưu giữa ba miền đất.
Tiếng đồn Bình Định tốt nhà
Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hoà tốt trâu
Hay
Ai về Bình Định thăm cha
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hoà thăm em.
Phải chăng đây chính là dấu hiệu giao thoa của một
vùng văn hóa Nam Trung bộ phong phú, vô tận mà chúng ta cần có kế hoạch khai
thác trong tương lai.
CHÚ THÍCH:
1.Tuyển tập Max – Ăng ghen – NXB Sự thật – HN 1991 – trang 505
2. Quách Tấn – Xứ Trầm hương – NXB Tổng hợp KH 1992 – tr 156
3. Bùi Mạnh Nhị – Bài “Một số đặc điểm nghệ thuật
của ca dao Nam bộ – ca dao Nam bộ – NXB Tp. HCMinh 1984 – trang 70
4. Nguyễn Xuân Kính – Tìm hiểu cảnh vật và người
Khánh Hoà qua ca dao tục ngữ – Văn hoá nghệ thuật số 12/1997
5. Nguyễn Thành thi – Từ mấy tiếng quê trong những
lời quê – Khánh Hoà diện mạo văn hoá một vùng đất – Tạp chí Văn hoá thông tin
Khánh Hoà 1998 – trang 39.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thơ ca dân gian Phú Khánh – Trần Việt Kỉnh,
Nguyễn Chí Trang, Hà NamTiến – Ty Văn hoá Phú Khánh 1982.
2. Xứ Trầm hương – Quách Tấn – NXB Tổng hợp Khánh
Hoà 1992
3. Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam – Vũ Ngọc Phan –
NXB Khoa học Xã hội – Hà Nội – 1978
4. Khánh Hoà diện mạo văn hoá một vùng đất - Tạp
chí Văn hoá Thông tin Khánh Hoà 1998.
5. Phê bình, bình luận văn học - Ca dao, tục ngữ,
vè- NXB Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh 1997
6. Đất nước con người Khánh Hòa - Trần
Việt Kỉnh - Trung tâm Thông tin Cổ động Khánh Hoà xuất bản 1989.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét