Một buổi chiều cuối thu, tôi lặng bước trong khu vườn
trường. Một làn gió thổi, một khoảnh khắc lặng ngừng - chiếc lá rơi! Không biết
lá của loài cây nào mà sắc của nó thắm rực một màu đỏ ngời. Ra thế, chiếc lá
cuối cùng đã rời khỏi nhành cây…
Tôi băn khoăn nhìn thảm cỏ xanh và màu rực đỏ của
chiếc lá. Tôi nghĩ đến O.Henry- ồ, nhưng xa quá chăng? Tôi nghĩ đến Xuân Diệu,
thơ duyên dáng thật đó, nhưng không hợp với tôi. Tôi nghĩ đến Nguyễn Mỹ, rực
một màu chia ly, nhưng chiến tranh à, vẫn thấy nỗi đau buồn man mác.
Tôi chẳng muốn nghĩ thêm gì nữa, Cuộc đời ư? Nhộn
nhịp và ồn ã quá. Tôi ngơ ngác. Cô đơn. Trống trải. Và khi không tìm thấy điểm
tựa nào con người ta thường ngước lên trời để mà “thiên vấn”.
Tôi ngước mắt nhìn và thấy một bầu trời trong suốt
như pha lê xanh. Hồi ức trong tôi vọng về, ngày xưa tôi tình cờ đọc thơ Lưu
Quang Vũ và yêu nhất “…Mắt của trời xanh”. Chẳng hiểu khổ đầu bài thơ liên
quan gì nhiều đến chiếc lá đỏ kia không, nhưng tôi vẫn viết, vẫn âm thầm đi
tìm chân trời của nó. Hi vọng rằng nó vẫn như chiếc lá đỏ kia, luôn thắm mãi
niềm tin rực lửa - niềm tin của một người trẻ tuổi muốn dâng tặng chiếc lá đỏ
cho đời…
ĐI TÌM CHÂN TRỜI CHO KHỔ THƠ:
“Tóc của đêm dài, mắt của trời xanh
mắt của phương xa, tay của đất nâu lành
người yêu như lửa và như lụa
bản nhạc ngày xưa, con tàu xứ lạ
Nắng cuối mùa đông, hoa chớm thu…”
(Trích “…Mắt của trời xanh” của Lưu Quang Vũ)
1. Đi từ chân trời của văn học
Một tác phẩm trữ tình hay, không những luôn luôn
bão hòa cảm xúc, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh mà còn tạo ra những luồng gió
mát làm bật lên cung đàn tri kỷ Bá Nha - Tử Kỳ. Có những bài gợi nên những cảm
xúc lộng lẫy huy hoàng, song có những bài như tấm thảm thô giản dị mà lắng đọng
sâu xa.
“…Mắt của trời xanh” của Lưu Quang Vũ ẩn chứa những
tình cảm giản dị ấy. Có thể nói cả bài thơ là bản tình ca đơn sơ mà khúc dạo
đầu của nó thật nguyên sơ nhưng đằm thắm chắt chiu:
“Tóc của đêm dài, mắt của trời xanh
mắt của phương xa, tay của đất nâu lành
người yêu như lửa và như lụa
bản nhạc ngày xưa, con tàu xứ lạ
Nắng cuối mùa đông, hoa chớm thu…”
2… Đến chân trời của cuộc sống
Cuộc sống đâu chỉ là đơn giản mớ tép, quả cà hay những
điều vi mô và vĩ mô. Phải thực sự tinh tế mới nhận ra điều đó. Tình yêu cũng
đâu chỉ đi từ trái tim đến trái tim, mà trước khi đi đến đó nó còn đi qua nhiều
điều có khi phi thường, cũng có khi rất bình thường.
3. Sự kết tinh của chân trời tình yêu - cuộc sống
3.1 Câu
thơ thứ nhất “Tóc của đêm dài, mắt của trời xanh”
“…Mắt của trời xanh” bắt đầu nhấn những nốt nhạc của
cuộc sống - tình yêu bằng tình ca của đất trời mà tụ lại ở vẻ đẹp của “ người
yêu”. Đó là một vẻ đẹp huyền bí “ tóc của đêm dài” nhưng lại hết sức
trong sáng, thanh sạch, giản dị “mắt của trời xanh”. Con người ấy là sự kết hợp
hài hòa của âm dương ngũ hành. “Tóc” – “đêm dài” biểu hiện của tính âm, sắc tối;
“mắt” – “trời xanh” biểu hiện của tính dương, sắc sáng. Nhưng các tính ấy không
hề đối lập mà bổ sung hài hòa. Ai đã từng đọc những câu chuyện cổ mà người Ấn
Độ quan niệm về phụ nữ, chắc hẳn thấy được vẻ đẹp vừa huyền bí vừa trong sáng
của người con gái: “tạo hóa đã lấy vẻ đầy đặn của mặt trăng, đường uốn cong của
loài dây leo, dáng run rẩy của các loài cỏ hoa, nét mềm mại của loài lau cói,
màu rực rỡ của nhị hoa, điều nhẹ nhàng của chiếc lá, cảm giác tinh vi của vòi
voi, cái nhìn đăm chiêu của mắt hươu, cảnh xúm xít của đàn ong, ánh rực rỡ của
mặt trời, nỗi xót xa của tầng mây, luồng biến động của cơn gió, tính nhút
nhát của hươu rừng, sắc lộng lẫy của chim công, hình nhuần nhuyễn của cằm
chim yểng, chất cứng rắn của ngọc kim cương, vị ngon ngọt của đường mật, lòng
tàn nhẫn của hùm beo, sức nóng bỏng của lửa, khí lạnh lẽo của băng tuyết, tiếng
hót của chim khách, tiếng kêu của chim quyên, nết dối trá của cò vạc, đức
trung trinh của chim uyên ương”.
“Tóc của đêm dài” là vẻ đẹp huyền bí, thanh lặng,
tĩnh mịch, nhưng đó còn là cuộc sống. Thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ sở dĩ mặn
mà bởi vì đó là những tình cảm đời thường, ai ai cũng có, được phát hiện tinh
tế, như đoá hoa sen thơm vẫn nở giữa bùn lầy. Cuộc sống cũng có lúc bình minh
và đêm tối. Đêm tối thật đó nhưng đây chính là giai đoạn phôi thai của sự sống.
Mạc Ngôn – nhà văn Trung Quốc đương đại – nói về cảm giác sinh mệnh như sau:
“tất nhiên là sinh mệnh về sự sống, một sự sống từ trong bóng tối của đất mà
hướng lên mặt trời”. Đây cũng là quan niệm truyền thống của người Trung Quốc
về sự sống. Một biểu hiện văn hoá lễ cưới tiêu biểu cho quan niệm đó. Đám cưới
của người Trung Quốc, lễ rước dâu thường tổ chức vào chiều tối và đêm động
phòng cũng trong ánh đèn mờ ảo. Cuộc sống phải đi ra từ bóng tối, bóng tối
khai sinh ra sự sống. Một sinh thể nào mới, muốn ra đời cũng bắt đầu từ đêm tối.
Với cách hiểu như vậy càng tăng thêm giá trị nhân bản của hình ảnh “tóc của
đêm dài” - đêm của hạnh phúc lứa đôi, của những trằn trọc suy tư, của bao đêm
nối dài các thế kỉ ở những con người trăn trở những điều lớn lao. Để rồi từ
đó, sự sống nảy mầm, bình minh rạng rỡ.
“Mắt của trời xanh” vừa là nhãn tự câu thơ, khổ
thơ, bài thơ và cũng là hình ảnh của đôi mắt thuần tuý. Đôi mắt là nơi hội tụ
mọi tinh anh của linh hồn. (Ngay cả Chí Phèo - kẻ bỏ đi của xã hội đương thời
đó cũng biết nhìn Thị Nở bằng đôi mắt của tình yêu. Tình yêu làm cho đôi mắt
Chí Phèo trong trẻo hơn khi biết yêu cuộc sống bình thường với những ước mơ hạnh
phúc đơn sơ). Đặc biệt là đôi mắt người con gái. Tuy như ẩn chứa những suy
nghĩ bao la mà giản dị: “Và đôi mắt em/ như hai giếng nước” (“Thời gian” –
Văn Cao). Mắt của bầu trời phải chăng là mặt trời rực rỡ mà tia nắng vàng là
sợi mi cong: “Mắt em là chiếc nôi buổi sáng” (Bài thơ tình số 31 –
Tagore)?
Mắt ấy khi thẹn thùng dịu hiền, ấm áp như buổi bình
minh; khi lanh lợi, trong trẻo, khi gay gắt như ban trưa; khi lại buồn vương
vấn, ẩn sầu như hoàng hôn. Hay chăng là đôi mắt của con người cao và trong
như trời xanh không cùng?! Đôi mắt tuy nhỏ nhưng biết thu lượm tất cả những
rung động của đất trời: một buổi sáng tinh sương, mặt đất còn ngái ngủ
mà trời đã trở mình làm mây bay lảng vảng, gió chớm se; một buổi trưa nắng rực
rỡ luồn tới tận kẽ lá nhành cây rồi xoài mình trên bãi cỏ đợi gió tới đu đưa;
một đêm trăng sao lung linh như vàng bạc treo ở tấm thảm nhung. Cuộc sống thực
sự trở nên tuyệt diệu khi đôi mắt biếc long lanh cảm nhận phép nhiệm màu của
tạo hoá và con người.
3.2 Câu thơ thứ
hai: “mắt của phương xa, tay của đất nâu lành”
Bởi thế, đôi lúc con người ta sống vì những điều
không thực tại, không hình hài rõ nét. Nhưng chẳng khi nào nhân loại hờn giận
khi mình lại lừa chính mình, niềm tin – hi vọng giống như một ảo giác mong
manh “bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu” (Xuân Diệu). Vậy mà cái sợi tơ mỏng
manh ấy lại cứu đỗi bao tâm hồn, nâng cho tâm hồn thăng hoa trên những đớn
đau. “Mắt của phương xa” dẫu có thực hay là không chăng nữa, dẫu chỉ còn là
đôi mắt hoá đá của nàng Tô Thị chăng nữa, hay chảy thành dòng sông để bốn mùa
ào ạt với ngọn núi Cốc cô đơn (*) như nàng Công chăng nữa, thì đó vẫn là mắt
của niềm tin, của hi vọng, có lẽ là cả quá khứ và hiện tại được nối liền
tương lai.
Cũng bởi thế “mắt của phương xa” song hành với “tay
của đất nâu lành”. Đất là mẹ hiền, là nguồn sống vun bồi cho hoa thơm cỏ ngọt.
Đất là Mẹ. Đất là cát bụi, dù trong vòng luân hồi chuyển kiếp ra sao thì nhân
loại vẫn gồng mình “trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Gọi suốt trăm năm một
cõi đi về” (Một cõi đi về - Trịnh Công Sơn). Về, là về với đất Mẹ thân
yêu. Đất nâu mang màu của người nông dân quanh năm với ruộng đồng cây cỏ. Ấy
là màu nâu sạm của làn da rám nắng, màu tóc nâu của hai sương một nắng và màu
nâu của mắt bởi sự hoá thân của hạt đất mỗi khi ta vuốt ve vun trồng. “Đất
nâu lành” đúng là Mẹ hiền. Cách chọn từ ngữ của Lưu Quang Vũ rất giản dị, thậm
chí rất “thô sơ” như nguyên liệu quặng chưa được tinh chế, nhưng lại rất mượt
mà, hiền lành. Bàn tay ấy thuộc về đất, là con của đất, hay là từ đất mà ra
chăng nữa thì đó chính là đôi bàn tay của người lao động thuần phác.
Đặt trong tư thế chung của toàn bài, Lưu Quang Vũ
viết về nhân vật “em”, việc hiểu “tay của đất nâu lành” cần có hướng nhất định.
Đôi bàn tay của “em” ấy có lần Xuân Quỳnh đã viết: “Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi
đau/ Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả/ Khi vắng anh bàn tay em biết nhớ/ Lấy
thời gian đan thành áo mong chờ/ Lấy thời gian em viết những dòng thơ/ Để thấy
được chúng mình không trắc trở/…”. Hình ảnh “tay/ của đất nâu lành” (nhịp
1/4) ấy chắc hẳn là “Bàn tay em ngón chẳng thon dài/ Vết chai cũ, đường gân
xanh vất vả”. Hoặc cũng có thể hiểu theo kiểu chia nhịp “tay của đất/ nâu
lành” (nhịp 3/2) hay “tay của đất nâu/ lành” (nhịp 4/1) để so sánh với các hiểu
1/4.
Tất cả những cách hiểu đều quy lại ở điểm đồng nhất
rằng đôi bàn tay ấy mang linh hồn của đất, màu da của nắng trời và hơi thở của
tình yêu thương. Và, người yêu ơi – đôi bàn tay một đời lam lũ hãy ngủ ngon “Ru
em bên hồ sâu/ lòng đêm rừng thăm thẳm/ mặt trời – chiếc mũ vàng chói sáng/
nghiêng một ngày xuống ngủ ở vai em” (Lưu Quang Vũ)
3.3 Câu thơ thứ
ba “người yêu như lửa và như lụa”
Thế là đôi mắt em, đôi tay em cũng biết sầu biết nhớ
viết những dòng thơ “Để thấy được chúng mình không trắc trở”. Điều đó gắn với
đời thường của cuộc sống quá, gắn với đời thường của tâm hồn “người yêu như lửa
và như lụa”. Đọc dòng thơ này ta ngỡ ngàng gặp hồn của “Tiếng Việt”: “Ôi tiếng
Việt như đất cày, như lụa/ Ong tre ngà và mềm mại như tơ”. Đây là cách so
sánh lấy cái vô hình so với cái hữu hình, cụ thể (cách so sánh này nếu không
thực sự khéo léo rất khó lột tả đầy đủ tính chất của sự vật vô hình và trìu
tượng). Âu cũng là cái khó của những nhà cầm bút nói chung. Trong “Những cái
hay của thơ Tản Đà” của giáo sư Trương Tửu đã viết: “Trong nghề thơ có ba cái
khó nhất là tả cái vô hình, tả cái bất động và tả cái tối mù. Tả đến
ba cái ấy tức là cải chính tất cả những quy tắc nghệ thuật, tức là thực hiện
một dị thuyết nghệ thuật (un paradoxea artistique)”.
Với cách hiểu “người yêu” là chỉ tính trừu tượng
bên trong nói chung của con người, thì có thể nói Lưu Quang Vũ đã vượt được một
trong ba cái khó nhất của nghề thơ. Và cũng chỉ có thể hiểu như thế mới phù hợp
với cách hiểu của đại đa số độc giả, bởi hai thái cực “như lửa và như lụa” của
“người yêu” ấy là hiển nhiên được đại đa số thừa nhận. Nếu như Tản Đà để diễn
tả cái thần của “chơi” trong “ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi” ở cuối câu
thơ này bằng lối từ khúc nhẹ nhàng, thênh thang của “Tiễn chân Lưu, Nguyễn”,
thì ở đây Lưu Quang Vũ gói trọn trong hai sự vật “như lửa và như lụa” để diễn
tả hai thái cực trong một con người “người yêu”.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, chỉ xin mạn phép để
chứng minh cho cái khó thứ nhất trong nghệ thuật mà bậc tiền bối Tản Đà đã
làm được và bậc hậu bối Lưu Quang Vũ kế thừa, phát triển hơn. Lửa là hỏa,
mang tính nóng. Theo kết quả nghiên cứu trong sinh học, người mang tính hỏa,
tính tình nóng nảy, bộc trực, thẳng thắn và trung thực. Điều này thể hiện ở
nhóm máu, tuyến mồ hôi… Lửa đã đốt lên có thể thiêu thành tro mọi thứ. Nhân
loại từ thuở hồng hoang “ăn lông ở lỗ” đã tìm ra lửa bằng cách đập hai hòn đá
vào nhau. Đó là bình minh nhân loại. Ngày nay lửa vẫn còn nguyên giá trị của
nó, nhưng những con người thẳng thắn bộc trực dường như ẩn mình, né tránh, vì
lửa luôn có kẻ thù là nước. Bởi nước quanh co, lắt léo như lưỡi có thể luồn
lách tới mọi chỗ sâu hiểm nhất.
Lửa chỉ xuất hiện khi hai sự vật tương tác, còn
bình thường nó vẫn tiềm ẩn như yếu tố nội sinh, bình yên và phẳng lặng, hiền
hòa và mềm mại, bởi thế mới có “lụa”. Lụa từ cây mà ra, tằm ăn lá dâu rút ruột
mà nhả thành. Nó là tinh chất của cây, là máu của tằm. Mọi sản phẩm ta có đều
phải qua quá trình chọn lựa và tinh luyện, như con trai ngậm phải hạt cát sạn
đau lòng mà ứa máu sinh ra “khối tình con”.
Hiểu tính chất của sự vật mới có thể hiểu sâu sắc dụng
ý của nhà thơ. Tình yêu bao giờ cũng có những hờn giận, ghét thương. Đó là
gia vị của tình yêu. Còn “người yêu” cũng có lúc hiền lành, dịu dàng đầy yêu
thương “Những đêm trăng hiền từ/ Biển như cô gái nhỏ/ Thì thầm gửi tâm tư/
Quanh mạn thuyền sóng vỗ”, song cũng có những lúc bộc trực, vội vàng thậm chí
hơi mù quáng “Cũng có khi vô cớ/ Biển ào ạt xô thuyền/ (Vì tình yêu muôn thuở/
Có bao giờ đứng yên?)”. Nhưng đó mới là “người yêu” đúng nghĩa. Khi hai trái
tim bắt sóng cùng tần số, nghĩa là chân thật tình cảm và ngay trong cuộc sống
bình thường họ cũng chân thật với những suy nghĩ và xúc cảm bản thân. Biển
còn có khi bình yên, khi sóng cả bão tố “Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc
đầu thương nhớ/ Những ngày không gặp nhau/ Lòng biển đau – rạn vỡ/
Nếu từ giã thuyền rồi/ Biển chỉ còn sóng gió” nữa là con người “Nếu
phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố” (Thuyền và biển – Xuân Quỳnh). Mà
ngay cả khi bình yên, biển vẫn còn thổn thức: “Con sóng dưới lòng sâu/ Con
sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”, bởi “Lòng
em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức” (Sóng – Xuân Quỳnh).
3.4 Câu
thơ thứ tư “bản nhạc ngày xưa, con tàu xứ lạ”
Và rồi, cuộc sống vẫn dạo tiếp những bản nhạc như từ
thuở cha ông mới dựng nước, như cây mọc từ đá mà đá ngày nay đã trở thành đất
Mẹ màu mỡ. Quá khứ chỉ còn là những gì đọng lại, không phong phú
như hiện tại, không mênh mông như tương lai. Nhưng quá khứ vẫn hát lên những
ước vọng: “bản nhạc ngày xưa, con tàu xứ lạ”. Có thể “bản nhạc” gắn với một kỉ
niệm “ngày xưa”, hay chăng là những cung đàn thăng trầm của cuộc sống, của
lòng người? Đó là những gì đã cũ, đã qua, đã mòn như trán một vị giáo sư hóm
hỉnh. Thế mà hơn hai ngàn năm qua nhân loại vẫn đi trên lối mòn ấy, chỉ có điều
hoa và cỏ trên lối mòn luôn thay hương đổi loài, và nhân loại vẫn phải có
nhãn quan xanh để tìm hoa cỏ thơm. “Bản nhạc ngày xưa” cũng như lối mòn của đời
thường với những cung bậc quen thuộc, vậy mà từ cái đời thường ấy vẫn vút lên
thanh âm khắc khoải của khát vọng tìm cái mới. Ta chẳng phải gặp lại chàng
trai với con đường ngắn nhất tới làng gần nhất mà chẳng tới được trong truyện
cực ngắn (7 dòng viết tay) của nhà văn Đức Kapka. Câu chuyện là một bí ẩn cho
bao nhiêu thế hệ, nhưng cũng thật dễ hiểu nếu ta biết Kapka là nhà văn luôn
chiêm nghiệm đời thường: “Ông tôi thường hay nói: “Cuộc đời ngắn ngủi đến kỳ
lạ. Trong ký ức của ông tôi nó thu nhỏ mình lại đến mức thật khó hiểu nổi vì
sao một chàng trai lại có thể quyết định đi ngựa tới làng gần nhất mà không e
ngại – cứ cho là không gặp tai nạn gì đi nữa - rằng một kiếp sống bình thường
và trôi chảy cũng còn khó mà đủ để cho cuộc du lãm ấy””.
Chàng trai làm một việc hết sức kỳ lạ và quái dị là
đi ngựa tới làng gần nhất. Nghi vấn được đặt ra, phải chăng đây là con người
luôn phá cách, luôn muốn vượt lên trên những điều tầm thường, nhạt nhẽo của lối
mòn cuộc sống? “Bản nhạc ngày xưa” như lối mòn, nhưng con người luôn cần khát
vọng, và con tàu trở thành hình ảnh của khát vọng chân chính “con tàu xứ lạ”.
Đây là điểm gặp gỡ của “dòng” Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Thơ Xuân Quỳnh luôn
trào dâng bởi những tình cảm dào dạt nồng cháy của những sóng, những thuyền,
những biển… Ở câu thơ này của Lưu Quang Vũ tuy nhịp 4/4 bình bình đều đều,
nhưng khát vọng lại ẩn trong cái tứ câu thơ. Đó là sự đối lập nhưng lại hài
hòa, hợp lý giữa cái tĩnh “bản nhạc ngày xưa” của quá khứ và cái động “con
tàu xứ lạ”. Cái tĩnh của quá khứ – cái cũ, nhưng vẫn tiềm ẩn cái động
– cái mới, dường như chúng lại nổi lên những màu sắc chẳng thể gọi thành tên.
Mà, chỉ biết rằng cái đẹp tiềm ẩn trong điều xưa cũ, tích tụ nhiều đốm lửa nhỏ
thành ngọn lửa mãnh liệt của tình yêu cuộc sống. Chế Lan Viên nằm trên giường
bệnh, bên lề của nhịp bước hăm hở đi xây dựng cuộc sống mới mà lòng hoá những
con tàu hát khúc ca tình nguyện “Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Lòng ta là
Tây Bắc chứ còn đâu” (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên).
3.5 Câu thơ thứ năm “Nắng
cuối mùa đông, hoa chớm thu”
Tất cả những khúc ca về “em” lặng lẽ đặt dấu chấm để
lòng “anh” lẳng lặng với khoảnh khắc giao mùa. Câu thơ cuối cùng tách riêng,
viết hoa đầu dòng, với dấu ba chấm “…” bỏ lửng như một bước lặng dừng ngỡ
ngàng “Nắng cuối mùa đông, hoa chớm thu…”.
Thật là khó khi phải hiểu câu thơ một cách quá
chính xác và tường tận. Mọi cuộc phẫu thuật đều để lại sẹo. Phân tích cũng là
một cuộc phẫu thuật. Nhưng nỗi đau nào chẳng biết thăng hoa, tình yêu nào cuối
cùng chẳng tìm được bến bờ hạnh phúc, như biển kia dẫu mênh mông thế vẫn có bến
bờ? Và cũng như sợi nắng cuối mùa đông dù là hiếm hoi, cuối cùng nhưng vẫn
gieo lên màu tươi mới chào đón xuân sang. Nắng cuối mùa đông đã ít, đã hanh
hao nhưng lại là cái nắng cuối cùng trong lúc giao mùa của đất trời. Nhưng chẳng
khác chi “Chiếc lá cuối cùng” (O. Henry) vẫn ánh lên lòng khát khao sự sống,
nó tồn tại như một niềm tin bất diệt cứu đỗi những linh hồn bé nhỏ. “Nắng cuối
mùa đông” như nằm ở giới hạn cuối cùng của sự tích lũy về lượng dẫn đến
sự biến đổi về chất. Mùa đông sẽ phải chia xa, mùa xuân tươi vui, ấm áp lại
tràn về. “Nắng cuối mùa đông” giống như một nốt nhấn trong bản nhạc để tất cả
các nốt sau cất cao khúc giao mùa. Đoàn tàu đón mùa xuân rồi cũng qua, rồi
đoàn tàu cuối hạ đầu thu cũng sắp qua “hoa chớm thu”, khúc giao mùa nọ tiếp nối
khúc giao mùa kia thành một vòng quay bất tận của vũ trụ. “Hoa chớm thu” có
thể là loài hoa tàn vào cuối hạ, loài hoa nở đầu thu, như một quy luật tất yếu
của tự nhiên. Dẫu vậy, dù là loài hoa nào cũng đều có ý nghĩa, loài hoa cuối
hạ vẫn gắng sức tỏa hương dâng đời để truyền ngọn lửa yêu thương cuộc sống
cho loài hoa chớm thu. Bởi hạt bụi nào dù bé nhỏ cũng biết xoay mình lóng
lánh dưới ánh mặt trời, loài hoa dù là loài hoa dại ven đường chẳng biết đơm
hương: “Trời mù sương/ Một đóa hoa đinh hương/ Làm mùa nên hương”? (Thơ Haiku
– Nhật Bản). Cuộc sống thật diệu kỳ!
Thêm những khám phá nhỏ vụn là thêm những điều mới,
những chùm quả chứa gen biến dị tích cực cho đời. Nếu ta chú ý có thể phát hiện
ra những cái đẹp, cái tươi mới vẫn e ấp trong lớp bọc “cuối”, “chớm”.. Hai từ
này đều chỉ trong một trạng thái, một giới hạn kiểu lưng chừng, ở giữa, khó
xác định khiến ta thấy có điều gì khe khẽ, sẽ sàng như lạc mình trong rừng
thu lá rụng buổi sáng tinh sương. Mà không dám bước, sợ làm tan đi tất cả.
4. Chân trời rộng mở:
Cuộc sống và tình yêu mong manh như ảo ảnh, điều
quan trọng là biết nâng niu, trân trọng với tất cả tình yêu thương. “…Mắt của
trời xanh” mãi là bản tình ca giản dị, là khúc giao mùa của đất trời, là mối
tơ duyên của lòng người.
Chú thích:
(*) Truyền thuyết “Sông Công, núi Cốc” ở tỉnh Thái
Nguyên:
Chàng Cốc và nàng Công yêu nhau, nhưng không lấy được
nhau. Chàng Cốc vì mỏi mòn chờ đợi mà hóa núi, nàng Công đau đớn
khóc mà nước mắt thành sông. Truyền thuyết đã đi vào bài hát “Huyền thoại Hồ
núi Cốc” (Phó Đức Phương): … “Một người đau nước mắt thành sông, một người chờ
chờ hóa núi”…
PHỤ LỤC
…Mắt của trời xanh
Tóc của đêm dài, mắt của trời xanh
mắt của phương xa, tay của đất nâu lành
người yêu như lửa và như lụa
bản nhạc ngày xưa, con tàu xứ lạ
Nắng cuối chớm đông, hoa chớm thu…
Bánh xe lăn bờ biển cát bao la
con ve xanh mưa rào ướt đẫm
đôi mắt to nóng bỏng
nói chi lời tàn nhẫn để anh đau?
Ru em bên hồ sâu
lòng đêm rừng thăm thẳm
mặt trời - chiếc mũ vàng chói sang
nghiêng một ngày xuống ngủ ở vai em
Anh muốn làm cánh cửa để em quên
ngọn gió nhỏ trên trán em kiêu hãnh
làm cốc nước em cầm trưa nắng gắt
làm con đường quen thuộc để em qua.
Vì em, anh viết những bài thơ
gương mặt ấy không gì thay được cả
mặc ai bảo tình yêu giờ đã cũ
như vầng trăng như ngọn thủy triều…
Anh vẫn dựng ngôi nhà theo quy luật của tình yêu
chẳng cần những lâu đài lạnh giá
chỉ tin nơi nào có em đến ở
chỉ sống bằng hơi thở của em thôi.
(Lưu Quang Vũ)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét