Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

Loài chim báo hiệu mùa xuân

Loài chim báo hiệu mùa xuân
Chim én là biểu tượng của mùa xuân, mùa hoa nở, cây đâm chồi nảy lộc. Vào mùa Xuân có những đàn chim én bay về mang theo sức sống trào dâng, báo hiệu một năm mới rộn ràng, đầy hứa hẹn, là dấu hiệu kết thúc năm cũ. Chính vì thế mà mỗi khi thấy đàn chim én lượn bay trên bầu trời, ta biết mùa Xuân đang về. Không như mùa đông lạnh giá, mùa hè nắng cháy, mùa thu ảm đạm với những chiếc lá vàng rơi, mùa xuân mang tới cho chúng ta một không khí hiền hòa nhưng không kém phần tươi vui, bừng lên sự sống mới. Mùa xuân được ví như một nàng Xuân xinh đẹp mà Đấng Tạo Hóa đã ban tặng cho loài người.
Câu nói ''Một con én không làm nên một mùa Xuân'' có ngụ ý một cá nhân sẽ không thể thay đổi hoàn cảnh, cục diện. Nhưng trong thực tế, ít khi nào chim én bay một mình, chúng bay thành bầy. Qua tinh thần hợp đoàn nầy dạy cho loài người chúng ta biết yêu thương nhau và nương dựa nhau. Nhưng tiếc là loài người không làm như thế, nên có biết bao cảnh loạn lạc, chiến tranh, khủng bố, con người đã tàn sát lẫn nhau. Giá như loài người biết thương nhau, biết sống hợp quần thì chúng ta sẽ cất cánh bay cao như chim én, đem lại thái bình an lạc, đem tin vui Xuân đến mọi người. Thế giới nầy sẽ tốt đẹp hơn nhiều và cuộc sống mỗi chúng ta cũng sẽ hạnh phúc hơn lên.
Chim én là loài chim bay rất nhanh, chúng có thể có thể bay quãng đường 7.500 km từ vùng lòng chảo Amazon ở Brazil tới Bắc Mỹ chỉ trong 13 ngày! Như vậy, trung bình mỗi ngày chúng bay được 577 km, một kỷ lục nằm ngoài sức tưởng tượng của các nhà khoa học.
Nhóm khoa học gia thuộc trường Đại học York ở Toronto Canada, đứng đầu là chuyên gia sinh vật học Bridget Stutchbury, đã gắn trên mình chim én thiết bị định vị với trọng lượng nhẹ 1,5 gram để không ảnh hưởng đến tốc độ bay của chim. Thiết bị này lưu giữ toàn bộ thông tin, qua đó các nhà khoa học nắm được dữ liệu cập nhật hàng ngày về mặt trời lặn, mọc, cũng như xác định độ cao, tốc độ và hành trình bay của chim. Khoảng 20 con chim én ở bang Pennsylvania, Mỹ đã được các nhà khoa học gắn thiết bị định vị này. Những con chim này rời Mỹ vào mùa đông và trở về vào mùa xuân. Nhà khoa học Stutchbury cho biết vào mùa xuân, loài chim này bay nhanh hơn vào mùa Thu từ 2 đến 6 lần. Một con chim én trung bình mất 43 ngày để bay tới Brazil vào mùa thu, song chỉ mất có 13 ngày để bay trở lại Mỹ vào mùa xuân. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của sự khác biệt về tốc độ di chuyển là do chim én háo hức trở về tổ vào mùa Xuân để tìm kiếm bạn tình và nơi trú ngụ tốt hơn.
Mười nhà khoa học của Đại học Wageningen (Hòa Lan) và Lund (Thụy Điển) đã cho thấy chim én bay nhanh nhờ vào cấu trúc đôi cánh của nó, chim én có thể thay đổi hình dạng của đôi cánh và dựa vào lực đỡ của không khí để gia tăng khả năng bay lượn. Họ đã lấy 15 đôi cánh của những con chim én đã chết lấy từ các khu bảo tồn, để vào một đường hầm gió và nghiên cứu về hình dạng đôi cánh và sức cản. Điều này giúp nhiều cho các kỹ sư trong việc chế tạo máy bay. Họ cho biết nếu các máy bay có được đôi cánh như của chim én thì có thể nâng cao hiệu suất lên tới 3 lần. Chim én là một trong những loài chim có khả năng bay lượn tốt nhất. Chúng săn mồi, cặp đôi, thậm chí... ngủ trong lúc bay. Trung bình một con chim én bay tổng cộng 4,5 triệu km, tương đương với 6 chuyến khứ hồi đến mặt trăng, hoặc khoảng 100 vòng quanh trái đất.
Có một điều đặc biệt là trung tuần tháng 12 vừa qua, tại thị xã Rạch Giá và Hà Tiên, đã xuất hiện rất nhiều đàn chim én, có những đàn đông hàng ngàn con. Không như lần trước, chúng chỉ đến rồi bay đi, nhưng lần này, chim én ở lại và trú tại một số ngôi nhà xưa, những ngôi biệt thư mái ngói xưa nằm ở những vị thế vắng vẻ. Theo một số người dân cố cựu tại đây, việc chim én xuất hiện số lượng nhiều, và gần với thời điểm Tết Nguyên đán là hiện tượng rất hiếm gặp từ trước đến nay.
Thánh Kinh cũng nhắc đến chim én: "Đàn chim hạc biết phân biệt thời tiết; chim cu, chim én, chim nhạn biết mùa nào phải di cư hoặc trở về, nhưng dân ta u mê chẳng biết nguyên tắc xét đoán của Chúa Hằng Hữu." (Giê-rê-mi 8:7). Qua lời Thánh Kinh nầy, ta thấy loài chim còn biết phân biệt thời tiết, biết vâng lệnh Đấng Tạo Hóa, lúc nào phải đi, lúc nào phải trở về, nhưng con người lại u mê, chẳng hiểu biết gì về luật lệ Chúa và chẳng biết con đường nào để trở lại Đấng Tạo Hóa mình. Một trong những trọng tội đối với Đức Chúa Trời là không nhìn biết Ngài và không quan tâm gì đến các qui luật Ngài. Thánh Kinh cảnh báo rằng: "Sự cứu rỗi ở xa những kẻ gian ác, vì chúng không tìm kiếm các qui luật Chúa". (Thi Thiên 119:155).
Thánh Kinh cũng ký thuật lại lời phán của Đức Chúa Trời rằng: Các tầng trời, hãy nghe! Địa cầu, hãy lắng tai! Vì Chúa Hằng Hữu phán dạy: "Ta đã cưu mang, nuôi dưỡng đàn con, thế mà chúng nổi loạn chống nghịch Ta! Bò còn biết chủ; lừa còn biết bàn tay chủ săn sóc cho ăn và biết máng cỏ của chủ mình. Nhưng Y-sơ-ra-ên u mê; dân Ta thật đần độn không hiểu biết gì." Khốn cho quốc gia tội lỗi, dân tộc gian tà, dòng dõi làm ác, nhân dân thối nát! Họ đã bỏ Chúa Hằng Hữu, khước từ Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, và lùi sâu vào con đường thoái hóa. (Ê sai 1:2-4) Đức Chúa Trời cũng phán rằng: Có thiếu nữ nào quên đồ trang sức? Có cô dâu nào quên mặc áo cưới trong giờ hôn lễ? Thế mà dân Ta quên Ta từ lâu, từ ngày nào không ai nhớ được. (Giê-rê-mi 2:32) Thánh Kinh nhắc nhở chúng ta rằng: Phải nghĩ đến Tạo Hóa khi còn trẻ, trước khi dây bạc sinh mệnh đứt, bát vàng vỡ bể, vò nước tan tành bên suối, bánh xe gãy vụn bên giếng, và tro bụi trở về cùng đất, còn linh hồn quay về với Đức Chúa Trời, Đấng đã ban nó. Cho nên người truyền đạo nói: Tất cả chỉ là hư không, mộng ảo (Truyền Đạo 12:7-8)
Thánh Kinh luôn nhắc nhở chúng ta lúc nào cũng phải tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hóa, nhất là đang lúc còn cơ hội, đừng trì hoãn. Thánh Kinh cảnh báo rằng: Đức Chúa Trời vẫn phán dạy nhiều lần nhiều cách, nhưng loài người chẳng để ý nghe. Ban đêm, khi con người ngủ mê Ngài phán dạy bằng cách báo mộng. Nhưng thường khi Chúa dùng khải tượng. Lúc ấy, Ngài mở tai con người và khắc ghi những lời giáo huấn, để khiến người hồi tâm đổi ý, từ bỏ những công việc gian ngoa, hạ mình xuống không còn kiêu ngạo. Thế là Ngài cứu người khỏi huyệt mộ, khỏi mũi tên, lằn đạn, gươm đao. Chúa cũng sửa trị con người bằng nỗi đau thương. Trên giường êm ấm bỗng rã rời xương cốt, làm cho người ngao ngán thức ăn, và chán chê cao lương mỹ vị. Thân thể ngày càng suy nhược, ốm o gầy mòn, da bọc lấy xương; Linh hồn đã đến cửa âm phủ, mạng sống gần bị tử thần rước đi. Lúc đó người ước mong có ai bênh vực, chỉ một người trong cả dân, ra làm chứng rằng mình ngay thẳng. Được thế mới mong ân thiên thượng, và được nghe Chúa bảo: 'Hãy giải thoát người khỏi tử vong vì Ta đã tìm ra giá chuộc tội.' (Gióp 33:14-24)
Hai ngàn năm trước Chúa Cứu Thế Jesus đã từ trời giáng hạ, dùng mạng sống Ngài để giải cứu loài người ra khỏi tội, từ đó bất cứ ai cầu khẩn với Ngài, Ngài sẵn lòng thi ân rộng lượng, ra ân đại xá, cứu chuộc linh hồn người ra khỏi âm phủ diệt vong, đem đến thiên đàng vĩnh phúc.
Rất mong quý vị đến với Chúa Cứu Thế Jesus giờ nầy, lúc nào cũng tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hóa mình, lòng ghi tạc thâm ân của Ngài. Bởi vì chúng ta thường hay quên Đấng Tạo Hóa khi mình đang thành công, đang khi sống trong cảnh giàu sang, đang khi hưởng thụ vui chơi, đang khi còn khỏe mạnh, yêu đời. Nhưng đến khi sức mòn lực kiệt, lúc khó khăn, bệnh tật, thất bại, buồn thảm đến thì mới nhớ đến Đấng Tạo Hóa. Cho nên điều cấp bách hiện nay là ngay giờ này hãy nhớ đến Chúa Cứu Thế là Đấng Tạo Hóa trong thân xác con người.
Tục ngữ Phi Luật Tân có câu “Người không biết nhìn lại nơi mình đã xuất phát thì sẽ không bao giờ đến được nơi mình phải đi”. Một khi chúng ta nhìn biết Đấng Tạo Hóa là chân thần duy nhất, và nhìn biết Chúa Cứu Thế Jesus là sứ giả của Ngài thì chúng ta sẽ nhận được sống đời đời. Cũng như loài chim én đã vâng lệnh Đấng Tạo Hóa, lúc nào đi, lúc nào trở về! Mỗi lần thấy chúng xuất hiện, chúng ta biết mùa Xuân sắp đến. Một khi chúng ta vâng phục Chúa, hết lòng kính yêu thờ phượng Ngài, để Ngài quản cai đời sống, thì dầu cho đời sống ta phải trải qua những khó khăn, bệnh tật, gian khổ, chúng ta vẫn không thấy bối rối, cô đơn vì Chúa Cứu Thế Jesus lúc nào cũng kề cận nâng đỡ, cứu giúp, ban ân cho chúng ta.
Ngô Minh Quang
Theo http://phatthanhhyvong.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...