ĐỊA BẠ - NGUỒN TƯ LIỆU ĐỒ SỘ VÀ QUÝ BÁU CỦA DÂN TỘC
Đối với xã hội nông nghiệp Việt Nam thời phong kiến,
công cuộc đạc điền và lập địa bạ là một khâu rất quan trọng trong việc quản
lý ruộng đất. Đến triều Nguyễn, đất nước Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà
Mau đã thống nhất về hành chính, việc lập địa bạ mang tính quy mô và nhất
quán trên toàn quốc. Từ năm Gia Long thứ 4(1805) đến năm Minh Mạng thứ
17(1836), nhà Nguyễn đã tiến hành thực hiện nhiều đợt bao đạc (lập
địa bạ) ở 29 tỉnh trên toàn quốc, trước tiên bắt đầu ở các phủ huyện từ Quảng
Bình đến Bình Hòa, rồi dần dần tiến ra miền Bắc. Các sổ địa bạ được ghi chép
bằng chữ Hán và theo một thể thức thống nhất: mỗi mảnh ruộng, đất phải ghi rõ
diện tích, vị trí, cách sử dụng, loại hạng và sở hữu chủ.
Trong kho tàng di sản văn hóa và lịch sử Hán-Nôm
của dân tộc ta, có thể nói các sổ địa bạ được thực hiện dưới triều Nguyễn
là phần đồ sộ nhất còn lưu lại. Trước năm 1945, sưu tập này để tại Tàng Thư
Lâu trong kinh thành Huế. Năm 1959 tất cả tài liệu, thư tịch của triều đình
Huế được chuyển lên Văn Khố Đà Lạt. Năm 1975 số tư liệu này lại được đưa về bảo
quản tại Kho Lưu trữ Trung ương 2 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến
năm 1991, sưu tập Châu Bản và Địa Bạ cùng các tư liệu khác thuộc Tàng thư triều
đình Huế lại được chuyển ra Hà Nội. Sau bao tang thương khói lửa, hiện nay,
theo thống kê của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu - là tác giả công trình “Nghiên
cứu địa bạ triều Nguyễn ” được GS Trần Văn Giàu đánh giá là “một
trong những công trình lớn nhất về khoa học lịch sử ở cuối thế kỷ XX của
chúng ta”(1), Cục Lưu trữ quốc gia còn bảo tồn được khoảng 16.000 quyển địa bạ
cho 16.000 xã thôn trong tổng số 18.000 xã thôn thuộc 29 tỉnh toàn
quốc đương thời. Số địa bạ này được nhà Nguyễn thực hiện trong suốt 31 năm, từ
1805 đến 1836, mới hoàn thành. Mỗi sổ địa bạ được chép tay bằng chữ Hán trên
giấy tốt thành 3 bản: bản Giáp để ở Kinh, bản Ất để ở tỉnh
và bản Bính để ở làng. Nếu so sánh với những loại tài liệu hành
chính khác cũng của triều Nguyễn như Châu bản(những sớ tấu có ghi
bút phê bằng son của vua) mà nay đã mười phần mất tám thì sưu tập địa bạ
còn lại khá đầy đủ. Đó là cả một kho tư liệu phong phú ghi chép khá chính xác
về địa lý tự nhiên, địa lý hành chính, cách sử dụng đất đai, tình hình chiếm
hữu ruộng đất, sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt nông nghiệp, địa danh, nhân
danh... giúp ta hiểu được sâu sắc về nhiều mặt hệ thống làng xã Việt Nam ở thế
kỷ XIX.
TÊN LÀNG XÃ Ở KHÁNH HÒA HỒI ĐẦU THẾ KỶ XIX QUA ĐỊA
BẠ
Trong số 16.000 quyển địa bạ đang được lưu trữ,
hiện còn 275 quyển địa bạ của các làng xã thuộc tỉnh Khánh Hòa thời Nguyễn.
So với số liệu ghi trong hồ sơ kiểm kê trước đây của Trung tâm Lưu trữ quốc
gia tại TP. Hồ Chí Minh là còn bảo quản được 306 quyển thì nay mất 31 quyển.
Các sổ địa bạ ở Khánh Hòa được lập vào năm Gia Long thứ 10 (1811). Về sau, do
có lẽ bị mối mọt nên phải sao chép lại nhiều lần để sử dụng. Hiện nay còn lại
phần lớn là các bản truy dụng thực hiện năm Minh Mạng thứ 11 (1830)
và các bản tái sao năm Tự Đức thứ 26 (1873).
Số 275 quyển địa bạ này thuộc 132 xã, 130 thôn,
3 xóm, 3 ấp, 3 lạch, 2 xứ, 1 phường, 1 sách.
Ngoài ra, khi điều tra tứ cận còn thấy thêm được tên 15 xã thôn mất địa bạ.
Như vậy, tổng số tên làng xã ở Khánh Hòa hồi đầu thế kỷ 19 còn bảo lưu được
qua địa bạ là 290, số lượng tên làng xã bị mất chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ là
5,2% (16/306).
Qua sưu tập địa bạ triều Nguyễn, ta thấy làng Việt
xưa thường có 2 loại tên gọi:
- Tên Hán-Việt (còn gọi là tên chữ, mỹ
danh): được dùng làm tên chính thức, được ghi chép vào danh sách làng xã do
chính quyền các cấp quản lý. Đa số các tên gọi này là các mỹ tự (có ý
nghĩa đẹp, tốt) nhưng lại không phản ánh những đặc điểm của làng xã hoặc vùng
cư trú (nên có thể đặt cho bất cứ làng nào cũng được). Có những
làng xã có nhiều tên gọi chính khác nhau trong suốt quá trình tồn tại của nó.
Sự thay đổi này có nhiều nguyên nhân: do kiêng húy vua chúa, do làng bị di dời
buộc phải thay tên cũ, do tên cũ không phù hợp nên đổi tên khác...
- Tên Nôm (còn gọi là tên tục, tục
danh): được xem là tên phụ (tuy lúc đầu có thể là tên chính), chỉ lưu
truyền trong nhân dân, không được ghi vào sổ sách làng xã hoặc nếu có được
ghi thì cũng không phải ở vị trí chính. Tên tục của làng thường xuất hiện
cùng với việc lập làng, có nội dung mộc mạc, cụ thể, thường để chỉ phương vị,
tính chất, nguồn gốc, đặc điểm của làng. Tên tục của làng thường xuất hiện
trước tên chữ, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện sau khi có tên chữ, nhất là
với những làng có nghề thủ công phát triển hoặc đặc sản nổi tiếng. Tên tục của
làng là tên gọi thân quen của dân làng, khó thay đổi, phần nhiều còn tồn tại
dai dẳng trong ký ức dân gian đến ngày nay.
Tên làng xã ở Khánh Hòa cũng mang những đặc điểm
chung của hệ thống địa danh làng xã cổ truyền Việt Nam. Những xã thôn ở các tổng(nơi
thị tứ) thường lấy mỹ danh (tên Hán-Việt) làm địa danh hành chính
chính thức, còn những làng ở các thuộc (vùng sâu vùng xa) vẫn giữ tục
danh (tên Nôm). Tuy nhiên, đến thời kỳ thực hiện các sổ địa bạ này (nửa
đầu thế kỷ 19), phần lớn tên làng ở Khánh Hòa đã là tên Hán-Việt mang ý nghĩa
hoa mỹ.
Trong 290 tên làng ở Khánh Hòa, theo thống kê của
chúng tôi có hơn 80% là tên Hán-Việt, gồm:
- 35 tên làng bắt đầu bằng chữ Phú (như
Phú Lộc xã, Phú Mỹ xã, Phú Thạnh thôn, Phú Hội Tây thôn, Phú Vinh xã...)
- 28 tên làng bắt đầu bằng chữ An (như
An Định xã, An Hòa thôn, An Phú Lộc Sơn thôn, An Thành xã...)
- 17 tên làng bắt đầu bằng chữ Phước (như
Phước Hải thôn, Phước Toàn phụ lũy xã, Phước Thọ xã...)
- 12 tên làng bắt dầu bằng chữ Mỹ (như
Mỹ An thôn, Mỹ Cang thôn, Mỹ Chánh thôn...)
- 9 tên làng bắt đầu bằng chữ Xuân (như
Xuân Mỹ thôn, Xuân Sơn ấp...), chữ Tân (như Tân An xã, Tân Lập
thôn, Tân Thủy thôn...)
- 8 tên làng bắt đầu bằng chữ Vạn (như Vạn An
Hương Thạnh thôn, Vạn Xuân xã...)
- 7 tên làng bắt đầu bằng chữ Đại (như
Đại An xã, Đại Bình xã...).
- 6 tên làng bắt đầu bằng chữ Bình (như
Bình An xã, Bình Hòa xã...)
- 6 tên làng bắt đầu bằng chữ Hà (như
Hà Mai xã, Hà Diễn ấp)
- 6 tên làng bắt đầu bằng chữ Hội (như
Hội Bình xã, Hội Sơn thôn...)
- 6 tên làng bắt đầu bằng chữ Thạnh (như
Thạnh Mỹ phụ lũy xã, Thạnh Toàn xã...)
- 6 tên làng bắt đầu bằng chữ Vĩnh (như
Vĩnh Lâm thôn, Vĩnh Phước thôn...)
- 5 tên làng bắt đầu bằng chữ Hoa (như
Hoa Diêm thôn, Hoa Nông thôn...)
- 5 tên làng bắt đầu bằng chữ Trường (như
Trường Lộc xã, Trường Cảnh Long thôn...)
- 4 tên làng bắt đầu bằng chữ Trung (như
Trung An thôn, Trung giang xã...)
- 4 tên làng bắt đầu bằng chữ Diêm (như
Diêm Điền thôn)
- 3 tên làng bắt đầu bằng chữ Cù (như
Cù Lao thôn)
- 3 tên làng bắt đầu bằng chữ Hương (như
Hương Thạnh xã...)
- 3 tên làng bắt đầu bằng chữ Thạch (như
Thạch Thành xã...)
- 3 tên làng bắt đầu bằng chữ Tứ ( như
Tứ Chánh thôn)
- 3 tên làng bắt đầu bằng chữ Võ (như
Võ Cạnh Trung xã)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Hòa (như
Hòa Vinh xã)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Lâm (như
Lâm Toản thôn)
- 2 tên làng bắt đầu bằng Lương (như
Lương Triều xã)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Sơn (Sơn
Điền thôn)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Thanh (như
Thanh Châu xã)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Thuận (như
Thuận An xã)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Thủy (như
Thủy Tú xã)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Toàn (như
Toàn Lộc thôn)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Triều (như
Triều Sơn xã).
- Các tên chỉ xuất hiện 1 lần bắt đầu bằng chữ Bản (Bản
Điền Tứ Chánh Tân Lập thôn), Bằng (Bằng An xã), Bích (Bích
Đàm thôn), Cường (Cường Lễ thôn), Đàm (Đàm Môn thôn), Định (Định
An xã), Hải (Hải An thôn), Lộc (Lộc An thôn), Minh (Minh
An thôn), Ngọc (Ngọc An thôn), Phụng (Phụng Toàn thôn), Quan (Quan
Đông xã), Quang (Quang Hiện thôn), Tây (Tây An thôn), Thái (Thái
An xã), Tiên (Tiên An thôn), Tiền (Tiền Cang thôn), Tuân (Tuân
An thôn), Tư (Tư điền tứ chánh thôn).
Số tên Nôm là địa danh hành chính chính thức được
ghi trong địa bạ chỉ chiếm 18,6% (54/290), đa số là tên làng, xã ở các thuộc (các
nơi gần núi rừng, dọc sông biển). Tuy nhiên, bên cạnh các tên làng Hán-Việt,
người lập địa bạ vẫn ghi thêm tên Nôm vốn là tục danh của các làng ấy mà nay
đã bị các tên gọi chính thay thế trong danh sách làng xã. Mỗi tên làng Hán-Việt
(tên chính) đều có ghi kèm từ 1 đến 2, 3 tên Nôm (tên phụ). Nhờ vậy số tên
Nôm làng xã ở Khánh Hòa hồi đầu thế kỷ XIX còn bảo lưu được qua địa bạ là rất
lớn. Đây là nguồn tư liệu cực kỳ quý báu để tìm hiểu sự hình thành và quá
trình diễn biến các tên làng Việt cổ truyền ở Khánh Hòa cũng như mối quan hệ
giữa tên Nôm và tên Hán-Việt qua cứ liệu địa danh làng xã.
Số tên Nôm này thường bắt đầu bằng các thành tố
chung phản ánh nét đặc thù địa hình thiên nhiên nơi làng đó thành lập, như: Bãi (Bãi
Lương thôn), Bàu (Bàu Than xứ), Bến (Bến Bùn thôn), Bờ (Bờ
Đắp), Cát (Cát Nắm), Cây (Cây Sung thôn), Cỏ (Cỏ
Bồng), Cồn (Cồn Cạn thôn), Cửa (Cửa Bé thôn), Dốc (Dốc
Ké), Đá (Đá Bàn thôn), Đầm (Đầm Môn), Đầu (Đầu
Cầu), Đồng (Đồng Dài thôn), Đường (Đường Đắp), Ghe (Ghe
Gà xóm), Giếng (Giếng Cổng), Gò (Gò Muồng thôn), Hòn (Hòn
Bông thôn), Hốc (Hốc Bò), Kẻ (Kẻ Thế), Láng (Láng
Tràm tứ chánh xứ), Lỗ (Lỗ Mối), Luống (Luống Tranh), Lũy (Lũy
Đá thôn), Mả (Mả Đắp), Mạn (Mạn Đò thôn), Mương (Mương
Khai), Ngã (Ngã Ba xứ), Ngòi (Ngòi Láng thôn), Núi (Núi
Sầm), Phường (Phường Câu), Quán (Quán Chùa thôn), Rừng (Rừng
Cát), Sân (Sân Trâu), Sông (Sông Đá), Suối (Suối
Nước thôn), Truông (Truông Chàm), Vũng (Vũng Sau), Vực (Vực
Soi), Xóm (Xóm Đầm)...
Những thành tố chung được dùng nhiều nhất để đặt
tên làng là:
- Cây:
118 địa danh
- Gò:
108 địa danh
- Đồng:
68 địa danh
- Bàu:
22 địa danh
Cũng có những tên đất, tên làng mang ý nghĩa cụ
thể, riêng biệt, chỉ gặp một lần, như: Măng Nội, Thị Nhong, Xe
Nước, Lẵng Vàng, Vú Bò, Hùm Voi, Bồng Binh...
Nhiều tên làng nửa Nôm nửa Hán như: Hà Dừa, Hà
Ra, Hoa Bông...
Vài tên làng có thể là tiếng dân tộc được ghi âm
Hán-Việt như: Ma Cà (phụ lũy thôn), Na Cai (thôn), Tà
Á (lạch).
CHÚ THÍCH:
(1) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều
Nguyễn - Khánh Hòa, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
Nguyễn Man Nhiên
Theo http://www.vanchuongviet.org/
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét