“Chữ
nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa,
diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt
qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không
ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục
trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể
được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay
giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi
tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có
thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những
tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên
người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải - Ngộ Không Phi Ngọc
Hùng.
Vô…dô…
Từ thời nhà Nguyễn có cuộc di dân xuông miền Nam. Tiếng “vào” mà tiếng Việt cổ (tiếng Bắc cũ) gọi là “vô” theo thổ ngữ của người Mường thượng du Bắc Việt.
Theo cuộc Nam tiến đến đất mới thì “vào” được “hoài niệm” để kêu lại với tiếng xưa, thật xưa là…vô.
(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu - Tiếng Việt, tiếng nước tôi)
Chữ nghĩa tiếng Việt
Tại sao trong văn hoá người Việt, người ta tính thứ tự trong gia đình từ số 2 mà không phải số 1? Chính xác là ở miền Bắc người con đầu lòng gọi là anh Cả, chị Cả, miền Trung, miền Nam thì con đầu là anh Hai, chị Hai...
“Cả” là tiếng Việt thuần túy, có nghĩa là to lớn (cả gan, ao sâu nước cả, ông cả, cả vú lấp miệng em), bao gồm hết (cả thảy, vơ đũa cả nắm, cả đời lận đận). Người miền Bắc gọi người con lớn nhất là anh hoặc chị Cả, người kế tiếp gọi theo thứ tự số đếm là anh hoặc chị Hai, Ba..v..v... Người miền Nam không dùng tiếng “Cả” mà lại bắt đầu bằng thứ tự Hai, Ba, Tư, v.v...
Ở miền Nam, khi bị Pháp chiếm làm thuộc địa, cơ quan cai trị ở mỗi xã miền Nam được gọi là Hội Đồng Tề, trong đó người đứng đầu được gọi là Hương Cả. Nếu gọi người con lớn nhất là Cả, thí dụ: "Thằng Cả đâu, vô đây biểu", vô tình gọi trùng với tên Hương Cả. Điều này có thể bị kết tội phạm húy. Vì vậy, người miền Nam tránh tiếng Cả mà gọi người con lớn nhất là anh Hai hoặc chị Hai.
(Wikipedia)
Tiếng Việt cổ
Con lợn tiếng Việt cổ (tiếng Bắc cũ) gọi là “con heo” (hay con cúi). Di dân vào đến miền Trung, xuống tới miền Nam thì con lợn được “hoài niệm” để kêu lại với tiếng xưa, thật xưa là…con heo.
(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu - Tiếng Việt, tiếng nước tôi)
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Hoàng Cầm trong bài thơ Lá Diêu Bông mở đầu bằng câu: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” vậy thì “Váy Đình Bảng là gì? Váy có nhiều loại như:
Váy kép: Váy hai lớp, lớp ngoài vải nhẹ mỏng, lớp trong dầy thô.
Váy đùm: Váy buộc túm lại để làm việc đồng áng.
Váy đụp: Váy đằng sau vá thêm một miếng vải dầy mặc co bền.
Váy cửa võng: Phía trước chùng xuống mép gấp cong cong. Phía sau hếch lên, chạm mu bàn chân.
Cửa võng tên gọi phần trang trí chạm khắc trên gác lửng hay sạp thờ trước khu vực thờ chính của đình làng. Cửa võng là một lớp riêng tách ra khỏi gác lửng, còn được gọi là y môn.
Tiếng Việt trong sáng
“Heo dân tộc”: tránh nói “heo mọi” là một cố gắng đáng khen, nhưng nhắm mắt lấy công thức “người dân tộc” để áp dụng cho con heo núi, là xúc phạm đồng bào thiểu số thượng du. Trong khi tật đại ngôn làm mất giá những chữ hay sẵn có, thì sự dốt nát sanh ra những chữ mới vô nghĩa.
(Tâm Thanh - Chiêu hồi ngôn ngữ)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Làm trai cờ bạc rượu chè
Vợ có lè nhè ta ghè nó luôn
Thuật ngữ
Thuật ngữ - Theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh (1931): Những danh từ dùng riêng về các môn khoa học hay triết học hoặc đạo thuật.
Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (1988): Từ ngữ biểu thị một khái niệm xác định thuộc hệ thống những khái niệm của một ngành khoa học nhất định, còn gọi là danh từ khoa học, chuyên ngữ, chuyên danh, thuật ngữ học, thuật ngữ văn học.
Chữ nghĩa với cỏ cây
Như cơm chỉ, thấy mặt đặt tên như cà dái dê, cây đậu phọng, cây bã đậu, cây phượng (lá giống đuôi lông chim phượng), cây điệp (hoa giống cánh bướm), cây tăm sỉa răng (gỗ làm tăm sỉa răng). Và không có nghĩa gì cả như cây mù u, cây sầu đông, cây sầu riêng, cây thúi địt, cây gạo, cây cơm nguội, cây chó đẻ…v…v…
Bình Khang
Tên một phường ở Trường An đời Đường. Chỉ nơi ở của các kỹ nữ, các tân khoa tiến sĩ thường đến đó chơi. Sau thêm những từ “xuống xóm” hay “hành lạc”.
Hai chữ “hành lạc” từ câu thơ của Nguyễn Công Trứ:
Nhân sinh bất hành lạc
Thiên tuế diệc vi thương
Hành là trải qua, lạc là thú vui. Hiểu nghĩa là “sống ở đời không biết hành lạc, dù có sống nghàn năm cũng như đồ bỏ”.
(Nguyễn Thạch Giang - Văn học tập giải)
Phu chữ
Chữ Lê Đạt hay dùng, hiểu nghĩa là người sống với ngôn ngữ, thao tác trên ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm lương thực trần gian. Phu chữ là người sống bằng ngôn ngữ, xem ngôn ngữ là lẽ sống.
Văn hóa ẩm thực: Cơm niêu, nước lọ
Hà Thành vào khoảng năm 1938-1940 có ba nơi bán “cơm niêu, nước lọ”. Một ở phố Hàng Giầy, Hàng Giấy và phố Đinh Liệt sau nhà Hát Lớn Hà Nội. Nơi bán không có cửa hiệu, khách vào không người chào đón, thường thì lầm lì quẳng vào chiếc mẹt 7 hào rồi tự động lấy ra một khẩu phần “cơm niêu, nước lọ”.
Tất cả đặt trên một cái mẹt, đường kính khoảng 20cm. Khách có mẹt thức ăn, rồi tự tìm lấy mảnh chiếu nhỏ ngồi. Suất ăn trên mẹt gồm có một niêu cơm nhỏ, một cái đũa cả ngắn, một đôi đũa nhỏ, ngắn kiểu đũa ăn rượu nếp và 4 cái chai nhỏ chừng độ 20ml, mỗi chai đậy kín bằng nút bấc. Trong niêu nhỏ có hai bát cơm được thổi sẵn trong nồi lớn. Cơm được thổi bằng gạo tám thơm và tám xoan, mỗi loại gạo chiếm một nửa, vì gạo tám thơm có vị thơm đậm đà, nhưng gạo tám xoan có vị thơm nồng nàn. Cơm được đong vào niêu, ở giữa là thức ăn gồm: Một miếng thịt bò chiên, một miếng thịt gà mái có da vàng ngậy, một miếng thịt lợn rán có đủ bì, mỡ và nạc, một miếng gan lợn xào, một dúm trứng cáy hoặc tôm bóc nõn luộc, hai cái nấm rơm hay đông cô, một cánh mộc nhĩ (nấm tai mèo)…Tất cả được rưới lên một chút nước sốt đậm có hồ tiêu.
Cơm gói các món ăn vào giữa Chiếc niêu được gói một tờ giấy bản, rồi đậy nắp vung lên, lèn thật kín và được hâm cách thủy. Bốn chiếc chai nhỏ đặt trên mẹt đựng bốn thứ phụ cho bữa ăn. Chúng gồm một lọ nhỏ nước mắm cà cuống, một chai nước canh, một chai đựng rượu ngang và chai đựng nước trà.
Khách ăn dùng chiếc đũa cả đập vào cái niêu Thổ Hà mới toanh một cái “bốp”. Cái niêu vỡ ra. Bữa cơm bắt đầu. Ăn uống xong, khách lẳng lặng bỏ đi, phủi bụi quần, rồi lại nhập vào phố xá ồn ào. Thực ra, bữa cơm này còn đắt hơn đĩa cơm rang thập cẩm ở nhà hàng Mỹ Kinh tại phố Hàng Buồm chỉ trả có 3 hào.
Cơm niêu (không nước lọ) bây giờ chỉ có cái niêu bằng đất nung trong có cơm gạo thơm thường, khi ăn thì rắc thêm muối vừng (mè) vào. Và chỉ có vậy.
Truyện chớp - Nhanh
Thời gian qua nhanh đến độ khi vừa kịp nhận ra mình không còn trẻ nữa thì hắn đã già. Và chưa kịp nhận ra mình đã già thì hắn đã vĩnh viễn chẳng còn nhận ra gì nữa cả.
Hoa nở…
Nếu cụ Nguyễn Du có câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thì Tầu cũng có hai câu thơ cổ gần như tương tự “Đản sầu hoa hữu ngữ - Bất vị lão nhân khai”.
Hiểu theo nghĩa là “Nếu như biết nói, thì hoa sẽ buồn bã trả lời rằng hoa không muốn nở vì ….ông già”
(Nguyễn Hữu Nhật - Tiếng Việt hay quá)
Chữ nghĩa làng văn
Tiếng Việt đứng thứ 12 về số đông người nói (83 triệu) và có một nguồn gốc rất là đa dạng vì qua 2,3 ngàn năm nó đã mượn rất nhiều tiếng Tàu mà xài, rồi gần đây lại còn mượn hàng trăm tiếng một của Anh, Pháp mà nói.
Đó là một điều hay, rất hay, tiếng Việt dồi dào thêm, có thêm nhiều cách nói, nhiều ngữ vững, nhiều cách phô bày tư tưởng. Như trong câu nói sau đây: cho xe vô gara, rồi check giùm cái bình điện, nếu hết charge thì câu điện giùm, vô nhà coi công to [compteur] tháng này tiền nước bao nhiêu.
Có đến 6 ngôn ngữ khác nhau của cả thế giới trong câu nói ngắn đó mà ta không ngờ! (Việt, Tàu, Pháp, Anh, Mỹ).
(Nguyễn Hy Vọng - Cái tinh thần đặc biệt của tiếng Việt)
Tiếng Việt trong sáng
"Mộc", để chỉ sự tự nhiên, không sơn phết hay trang điểm gì. Như ,"Hôm nay, cô ấy để mặt mộc ra đường". Tuy nhiên, từ "mộc" cũng đã được dùng tại miền Nam trước 1975 trong những cụm từ như chiếu mộc, vải để mộc (không nhuộm), "đôi guốc mộc" hay "đôi đũa mộc" (có nghĩa là guốc hay đũa để "chay", không sơn phết hay tô điểm gì cả).
Nhưng, cẩn thận, phải đánh dấu thanh cho đúng; bởi lẽ, "mặt mốc" thì lại mang một nghĩa khác hẳn!
(Bùi Vĩnh Phú - Trên những đường bay của chữ)
Chữ và nghĩa
Đề cập tới - Chữ “cập” đã có nghĩa là tới, đến; cho nên dùng thêm những chữ tới, đến là thừa. Chúng ta nên biết như vậy, tuy nhiên theo thói quen người ta vẫn nói thừa cũng đành chịu.
Thông loại khóa trình
Gia Ðịnh Báo, kể từ số 6 có Thông loại khóa trình (Juillet 1888) có các bài văn vần, gọi là diễn Nôm của Trương Minh Ký làm để giải nghĩa các câu chữ Nho. Về nội dung gồm: Dạy chữ Nho (chữ Hán), dạy chữ Pháp (thời bấy giờ gọi là Phang sa hay Lang sa), giảng nghĩa về luân lý, khảo cứu về thi ca, phong tục. Sau đây là bài trích dẫn:
Hát nhà trò
Hát nhà trò là tục ngoài Bắc vô tới Nghệ-An, Hà-Tỉnh sông Gianh. Tại kinh thành Huế cũng có mà là đào ngoài Bắc rước vô dùng tại triều. Ngoài Bắc hể khi có đám tiệc, hội-hữu, hôn-tế, kì-yên, chạp-miễu, thì thường có hát nhà trò. Tùy theo ý chủ muốn, có khi kêu một đào một kép, có khi hai, có khi năm bảy hay là nhiều hơn mặc ý mình. Trải chiếu dưới đất, đào ra ngồi hát đó, kép cầm đờn đáy gảy ngồi lại một bên. Thường đào là con-gái có xuân sắc, chuyên tập nghề xướng-ca, ngâm-nga, múa hát, bắt-bộ v.v. tục kêu là cô-đào (đào B). Tay cầm quạt tay cầm sanh nhịp, miệng hát nhiều cung bậc giọng thấp cao ngân-nga hay và êm tai lắm.
Hát thì hát những là Ca-trù, hoặc giậm Túy-kiều, Tần cung-oán, Chinh-phụ- ngâm, thơ phú hoặc kể truyện. Có người đánh trống nhỏ cầm chầu hoặc là chủ đám, hoặc là người chủ nhường mời. Hát cũng có khi đứng khi ngồi, khi múa tay, bắt bộ. Lại có khi bắt đào quình tương rượu cho khách, là bắt tay bưng chén rượu, chơn bước khoan- thai, miệng hát câu chi cho tình ưa ý khuyên mời khách uống, đem lại dâng đưa vô tới miệng.
(Huỳnh Ái Tông - Báo chí)
Giai thoại làng văn 54-75
Đó là vào đầu năm 1953, tôi (Thanh Nam) mới từ Hà Nội vào Sài Gòn. Anh Hồ Dzếnh lúc đó đang viết cho báo Thần Chung của ông Nam Đình, vừa dịch tin vừa viết feuilleton cho báo đó dưới bút hiệu Lưu Thị Hạnh. Chân ướt chân ráo tới Sài Gòn, tôi tìm đến Hồ Dzếnh ngay, bởi tất cả nhà văn sống ở Sài Gòn hồi đó, tôi chỉ quen có mỗi mình Hồ Dzếnh, tôi đến tìm Hồ Dzếnh vào lúc trưa. Anh Dzếnh giới thiệu tôi với ông Nam Đình lúc đó đang bận rộn với mấy hàng tít lớn trên báo chí khẽ gật cái đầu chào lại tôi rồi lại cắm cúi xuống trang bài vở còn ướt mực trên bàn.
Hồ Dzếnh kéo tôi ra khỏi tòa soạn và nói: “Sống ở trong Nam này cần phải dễ dãi một chút. Từ ăn đến mặc, cần ngon, cần tốt”.
Sang vấn đề viết văn làm báo, anh khuyên tôi nếu muốn sống được với cái nghề viết ở trong Nam thì cần phải viết những tiểu thuyết có tình tiết hấp dẫn, văn phải cho sáng sủa, giản dị chứ không cầu kỳ, bóng bẩy, xa xôi v.v... Cả một bữa trưa hôm đó, Hồ Dzếnh giảng cho tôi những bí quyết viết cho ăn khách ở miền Nam qua kinh nghiệm của anh trên báo Thần Chung. Tôi nhìn bậc đàn anh của mình lúc đó nói về nghệ thuật viết feuilleton cho báo hàng ngày mà không thể nào nghĩ được rằng đó là một Hồ Dzếnh thi sĩ của những bài thơ:
“Trên đường về nhớ đầy,
chiều chậm đưa chân ngày”
và
“Em cứ hẹn
nhưng em đừng đến nhé,
nếu trót đi em hãy gắng quay về,
đời hết vui khi đã vẹn câu thề,
tình chỉ đẹp khi còn dang dở...”
Tôi thất vọng, thất vọng hết sức và từ biệt Hồ Dzếnh ra về. Có lẽ mình phải trở về Bắc mất thôi. Trên đường về tôi đã tự nhủ như vậy khi nhớ lại buổi nói chuyện với Hồ Dzếnh trong quán cóc cạnh tòa soạn báo Thần Chung.
Nhưng rồi, tôi đã trở lại Sài Gòn, làm báo viết văn hăng hơn ai hết, trở thành một thứ ký giả miền Nam ngay cả trong lối hành văn và trong đời sống nghề nghiệp, khiến nhiều độc giả cũ đinh ninh tôi là người miền Nam viết văn. Hơn 20 năm, bao nhiêu biến đổi, giờ này nếu Hồ Dzếnh còn sống chắc cũng đã già yếu lắm, gần 60 tuổi rồi... không rõ anh có còn nhớ câu chuyện viết feuilleton làm sao cho ăn khách trong một quán cóc vô danh đường Nguyễn Văn Thinh Sài Gòn? (Thanh Nam - Hồi ức về thi sĩ Hồ Dzếnh)
Tiếng Việt dễ và chẳng…dễ thương
Điều kiện ắt có và đủ tạo thành cái chợ là:
“2 người đàn bà + 1 con vịt”.
(ĐatViet.com - Trau giồi tiếng Việt)
Từ điển với tiếng Việt
Với cuốn Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê xuất bản tại Hà Nội, được Phạm Văn Đồng khen ngợi là: “Chuẩn hóa tiếng Việt và giữ gìn trong sáng cho tiếng Viêt”.
Tự điển định nghĩa:
Cây là thực vật có lá, thân mộc, thẳng.
Định nghĩa như vậy thì sen, súng, hồng, cúc, bầu, bí không được gọi là…cây nữa. Vì chúng làm gì có thân mộc và thẳng.
(Đặng Trần Huân - Chữ nghĩa bề bề)
Tiếng Việt không đơn giản
Hỏi: Xin bà con đừng cười vì em út dốt lắm. Em út có chút thắc mắc: sao cứ hễ nói đến vấn đề “lập gia đình” (?) người ta lại sử dụng các từ ngữ có liên quan tới chữ vu quy..v..v…Xin cảm ơn.
Đáp: Theo quyển “Thi kinh dịch chú” thì chữ vu từ câu “Vãng quy phu gia” là có nghĩa là đi về nhà chồng. Chữ quy dùng một mình có nghĩa là "đi về". Thí dụ: Quy y tam bảo hay vinh quy bái tổ.
Chữ vu trong vu sơn không có liên hệ gì đến chữ vu trong vu quy. Theo điển tích, vua Sở nằm mơ thấy nữ thần núi Vu Sơn đến giao hoan với mình, khi từ biệt nàng nói:
"Thiếp ở trên núi Vu Giáp, nơi cao sơn, sớm ở Vu Sơn làm ra mây, tối làm ở Dương Đài ra mưa."
Do điển tích này, người sau ta gọi việc giao hoan là chuyện vu sơn, chuyện mây mưa.
(ĐatViet.com)
Giai thoại làng văn
Số phận của bản thân Thanh Tịnh buồn thật buồn nên ông hay nói chuyện vui, nói đùa. Có lẽ chính vì đời buồn quá nên ông phải cố cười cho quên đi. Ngồi với ông hôm ấy (19.9.1982), ông kể tôi nghe nhiều chuyện vui. Tôi chỉ còn nhớ chuyện như sau:
- Anh có biết thế nào là chủ nghĩa xã hội khoa học không? Khoa học thì phải thí nghiệm. Khoa học khác thì thí nghiệm trên loài vật. Còn chủ nghĩa xã hội khoa học thì thí nghiệm trên loài người.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)
Ngư là…cá
Người Quảng Đông phát âm ngư là “dư”. Vì vậy trong tiệm ăn họ nuôi cá trong hồ gần quầy tính tiền để tiền bạc..dư dả. Theo phong thủy, ở nhà họ nuôi cá trong hồ ngoài vườn để gia đình dư ăn dư mặc theo khuôn mẫu: Từa cửa sau là “môn” có lối đi tới hồ cá là “cuống họng” và đến bao tử là…cái hồ cá.
Nhưng đặt hồ cá trước cửa ra vào thì lại…dư chồng. Hay nếu nhà có con gái thì rắc rối chuyện chồng con hay ế chồng.
Đất bằng nổi sóng
Qua chữ nghĩa văn chương, nhiều người viết “đất bằng nổi sóng…”. Câu này từ “bình địa khởi phong ba” chỉ chuyện đang bình thường mà có chuyện không hay xẩy ra.
Từ chữ “ba” trên mặt đất đến chữ “ba” dưới mặt nước và rất thường xẩy ra là “sắc bất ba đào dị nịch nhân”, ám chỉ “sắc người đàn bà không nguy hiểm như sóng lớn ngoài biển nhưng vẫn làm cho người ta chết đuối”
(Nguyễn Ngọc Phách - Bút chiến ở miệt dưới)
Ăn mày chữ nghĩa
Thiền sư hỏi đệ tử:"Như thế nào mới gọi là nhỏ?".
Đệ tử:" Thưa, không nhìn thấy".
Thiền sư:" Như thế nào mới gọi là lớn?".
Đệ tử:" Thưa, không thấy bờ bến".
Thiền sư:" Thế nào là không thấy bờ bến?".
Đệ tử đành trả lời:" Là nhìn không thấy!".
Thiền sư trả lời:" Vậy thì nhỏ tức là…lớn".
Tiếng Tầu tiếng ta
Hỏi: Cái bàn tròn trong nhà hàng Tầu sao gọi là “thồi”.
Đáp: Người Tầu ưa ngồi bàn tròn, họ gọi là “viên đài”. Viên đài đọc theo giọng Quảng Đông là “dùyn thồi”. Người Việt ta bỏ chữ “dùyn” và kêu là “thồi”.
Giá sách cũ làng văn 54-75
Khu lều bạt Thăng Long, nơi tạm trú sinh viên Hà Nội di cư, nằm ngay trung tâm thành phố trên đất Khám Lớn Sài Gòn cũ, tháo dẹp. Sinh viên chuyển vào Đại Học Xá Minh Mạng, dù công trình xây cất chưa hoàn tất.
Đặc san Lửa Việt của Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội, do anh Trần Thanh Hiệp làm chủ nhiệm, anh Nguyễn Sỹ Tế làm chủ bút, sau số Xuân Chuyển Hướng, cũng ngưng xuất bản. Bấy giờ là năm 1955. Di cư đã đến hồi vãn cuộc. Hà Nội khuất biệt từ tháng Mười năm trước. Sài Gòn vẫn còn những mới mẻ, những hứa hẹn trong con mắt người di cư.
Chúng tôi - các anh Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, và tôi - gặp nhau, cùng làm việc, quen dần nhau qua mấy số Lửa Việt - nơi đã in vở kịch Trắng Chiều của anh Tế viết khi còn ở Hà Nội, các truyện ngắn Chàng Nhạc Sỹ, Gìn Vàng Giữ Ngọc của anh Sỹ và một vài bài thơ của tôi - đồng ý cần có tờ báo của mình để viết cho sướng tay, để may ra đóng góp được cái gì cho công cuộc chung.
Trong khi chờ anh Hiệp tìm kiếm nguồn tài trợ, chúng tôi nhận hợp tác với nhật báo Hòa Bình của anh Vũ Ngọc Các, làm trang Văn Nghệ hàng tuần cho tờ báo. Tôi được giao phó công việc đầu bếp lo việc sắp xếp bài vở cho trang báo. Nhờ trang báo chúng tôi gặp thêm bạn: Mai Thảo.
(Thanh Tâm Tuyền - Trong đất trời nhau....)
Tiếng Tầu với người Tầu
Tiếng Tầu “nữ” là con gái, “nam” là con trai.
Hai chữ “nữ” và “nam” ghép thành một là chữ “hẩu”…là tốt. (Phụ chú: Hẩu lớ!)
Truyện ngắn
Truyện ngắn bao nhiêu để không thành truyện quá dài (hay vừa), như truyện ngắn Thác đổ sau nhà của Võ Phiến dài 44 trang, và Cái chết của lão Ivan Llych của Leo Tolstoi dài 40 trang.
Những truyện khoảng 3 hay 4 trang ít nhân vật, thời gian và không gian co hẹp, không thể để diễn tả hết ý câu chuyện. Hay nói cách khác nó chưa đủ dài hơi để phân tích các tình huống hay tâm lý nhân vật trong chuyện kể.
Vì vậy truyện khoảng 20 trang trở lại được xếp vào truyện vừa.
(Như Hoa Lê Quang Sinh – Tạp chí Tân Văn)
Phù vân
Phù là nổi. Đám mây nổi. Chỉ cái không bền, được đó mất đó.
Hễ ai đức thịnh thì hơn
Còn hơn phú quý phù vân kể gì
(Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải)
Tiếng và chiếc
Bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế được cụ Tản Đà phóng tác thành thơ:
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến còn vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Theo ngâm sĩ Hồ Điệp thì “Trăng tà chiếc quạ kêu sương” mới đúng trong nguyên tác của cụ Tản Đà mà bà có trong tay. Vì “chiếc” mới gợi lên ý thê lương của con chim lạc bầy trong đêm vắng cùng người lữ khách mất ngủ ở dưới đò. Đồng thời tránh lập lại hai chữ: “Tiếng quạ và tiếng chuông”.
Viết hoa tước vị
Có viết hoa tước vị, cấp bậc, chức vụ hoặc biệt hiệu không? Mặc dù điểm này từng đề cập ở phần viết hoa tu từ, song giờ đây cũng nảy thêm thắc mắc.
Viết Đại úy Út Đen hay đại úy Út Đen hoặc đại úy Út đen? Viết Xuân tóc đỏ hay Xuân Tóc Đỏ nhỉ?
(Nguồn: e-cadao.com)
Xuất xứ bài thơ Chùa Hương
Nguyễn Nhược Pháp, sinh ngày 12/12/1914, quê làng Phượng Vũ - Phú Xuyên - Hà Tây. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu sự nghiệp viết báo, làm thơ, truyện ngắn và kịch. Ông mất năm 24 tuổi, tấm lòng trắng trinh như hồi còn thơ".
Trong bài thơ Chùa Hương, chàng thi sĩ 20 tuổi đã thể hiện tình cảm của mình với cô bé 15 tuổi thanh tao đến thánh thiện, đằm thắm mà không ủy mị, nồng cháy mà vẫn thanh lịch, trữ tình mà tinh tế, cả tâm hồn và hiện thực hoà quyện vào nhau hài hoà khiến Chùa Hương có vị trí xứng đáng trong thi đàn.
Thi phẩm Chùa Hương ra đời trong hội Chùa Hương năm 1934, ông Nguyễn Vỹ và hai người bạn nữ sinh Hà thành đi trẩy hội. Đến rừng mơ, hai văn nhân gặp một bà mẹ cùng cô gái độ tuổi trăng rằm vừa bước lên những bậc đá vừa niệm phật "Nam mô cứu khổ quan thế âm Bồ Tát”. Vẻ đẹp thánh thiện mang nét chân quê của cô gái đã hớp hồn hai chàng thi sĩ khiến họ trân trân nhìn quên cả hai bạn gái cùng đi. Nguyễn Nhược Pháp lại gần hỏi. "Tại sao trông thấy chúng tôi cô lại không niệm phật nữa?". Cô gái bối rối, thẹn thùng như muốn khóc. Hai người bạn gái giận dỗi, họ bỏ đi. Lúc bừng tỉnh, hai văn nhân không thấy các cô đâu vội len thốc len tháo, lách qua những dòng người đang trẩy hội nhưng tìm đâu cho thấy. Mệt và ngán ngẫm, hai thi sĩ quay lại tìm cô gái chân quê thì cả hai mẹ con cũng đã lẫn vào dòng người. Đêm đó, Nguyễn Nhược Pháp không sao chợp mắt được. Hình ảnh cô gái chân quê đi Chùa Hương khiến ông xúc động viết lên những vần thơ có sắc màu tươi vui, hình ảnh ngộ nghĩnh, cả hồn người lẫn vẻ đẹp của ngày xưa hiện lên trên từng câu, từng chữ:
Hôm qua em đi chùa Hương
Hoa cỏ còn mờ hơi sương ….
Thẹn thùng em không nói
“Nam mô A Di Đà"...
Đến nay, bài thơ Chùa Hương đã tròn 70 tuổi, Nguyễn Nhược Pháp đã qua đời được 65 năm, song Chùa Hương cùng tên tuổi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp vẫn sống mãi với thời gian.
Da Bà Bầu
Da Bà Bầu là tên của một con đường trong Chợ Lớn. Tên đường này làm nhiều người ngạc nhiên vì không phải tên của một danh nhân nào. Nghĩa của Da Bà Bầu là quán của bà Bầu dưới gốc…cây da.
(Phạm Đình Lân)
Người xưa cảnh cũ
Đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn (trước 1956 tên là Colonel Grimaud) khởi đầu từ ngã tư có rạp xi-nê Khải Hoàn nơi gặp nhau của ba con đường Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão. Đường có chợ Thái Bình, có rạp xi-nê Thanh Bình, tòa soạn nguyệt san Văn, nhà in Nguyễn Đình Vượng.
Xóm Sáu Lèo, một bên là dẫy tường Nhà ga hỏa xa Sài Gòn, một bên liền một dẫy năm, bẩy nhà in, tòa soạn báo như nhà in Thư Lâm Ấn Quán, tạp chí Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ, tòa soạn nhà in tuần báo Điện Ảnh, nhật báo Tiếng Vang của ông Quốc Phong, tòa soạn nhà in Thế Giới, tòa soạn nhà in báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà..v..v..
(Hoàng Hải Thủy – báo Sài Gòn Nhỏ)
Tiếng Việt sao lắt léo thế
Về cách biến thể của những câu nói, chỉ cần 6 tiếng “Tôi bảo anh về nhà nó”, người Việt có thể sắp xếp thành 74 (bẩy mươi tư) câu không giống nhau:
Tôi bảo anh về nhà nó
Tôi bảo nó về nhà anh ….
Tôi bảo nó anh về nhà
Anh bảo tôi về nhà nó
(Duyên Hạc - Trau giồi tiếng Việt)
Ca dao
Trong ca dao dân gian có câu:
Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời bằng cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời.
Bốn câu trên xuất xứ từ sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn:
Minh nguyệt muội tưởng hắc dạ
Muội tọa, muội khỏa thế sự xuất
Thế sự như diệp đa
Hắc tựa khẩu khuyển, trảm phụ thế sự
Những người muôn năm cũ
Tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền của Mai Thảo có bài “Không hiểu” được khắc trên mộ bia của chính ông ở Nam Cali:
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi
(Nguyễn Văn Quảng Ngãi - Dõan Quốc Sĩ, một tâm hồn…)
Tại sao gọi là rượu vang?
Tranh dân gian Đông Hồ, mầu đỏ lấy từ lá cây vang mầu đỏ. Vì vậy sau này rượu đỏ (vin) của người Pháp được gọi là rượu vang chăng?
Hỏi ngã
Tiếng An Nam ta giọng lên giọng xuống có đến tám âm, vì cớ ấy nên lúc trước đặt chữ Quốc ngữ phải đặt ra năm dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã.
Ngày nay ở Bắc kỳ cũng dùng đủ năm dấu. Còn ngày xưa, các ông tiền bối ở Nam kỳ ta như ông Trương Vĩnh Ký, ông Huỳnh Tịnh Trai cũng viết Quốc ngữ đủ năm dấu, không hề bỏ dấu ngã.
Nhưng mà vì lâu đời rồi giọng nói đổi lần đi, ngày nay người Nam kỳ ta chỉ nói được bốn dấu mà thôi, không nói được dấu ngã, cũng như nhiều người không nói được vần “V” vậy. Đã không phát âm (prononcer) được thì chẳng biết lấy gì làm tiêu chuẩn để mà phân biệt dấu ngã và dấu hỏi. Song theo lẽ thì không bỏ được, bởi vì sự phân biệt của chữ ta nó có một phần ở đó.
Muốn viết cho đúng dấu hỏi dấu ngã thì người ta bày cách như vầy: Hãy đọc tiếng nào mà nghe nó chìm xuống như cái gáo trong ang nước chìm luôn đi, ấy là dấu hỏi; còn tiếng nào chìm xuống rồi lại như cái gáo nổi lên, ấy là dấu ngã. Phân biệt như vậy là rành lắm, và cái thí dụ ấy thật là tài tình, song nói thiệt mà nghe, cái phương pháp ấy không theo được. Không theo được là vì mình đã không phát âm được, không đọc được, thì còn làm thế nào biết nó là nổi hay là chìm?
Chỉ có một phương mà thôi, là: Phải giở tự điển Trương Vĩnh Ký ra mà học. Hễ chữ nào hỏi thì theo hỏi; chữ nào ngã thì theo ngã.
Trong chúng tôi có người nào viết Quốc ngữ đúng, cũng chỉ dùng một phương thần hiệu ấy mà thôi.
(Phan Khôi – Về chữ Quốc Ngữ)
Chữ và nghĩa
Ẩu đả, ẩu tả – Nhiều người dùng lộn hai từ này. Hai chữ này đều “ẩu” nhưng chữ Hán khác nhau. Ẩu đả là đánh nhau, trong chữ Ẩu có bộ thù là ngọn giáo. Ẩu tả, nghĩa là làm bậy bạ; chữ ẩu có bộ khẩu nghĩa là nôn mửa, còn chữ tả nghĩa là đi tiêu phân lỏng vừa ẩu vừa tả thì nó tùm lum ra (giống như thượng thổ, hạ tả).
(Ngô Nhân Dụng – Phiếm khảo)
Quán cóc
Thú thật lúc Hồ Dzếnh đưa tôi vào quán cóc bên lề đường, mời tôi một chai lave với một tô mì khô hai vắt. Đợi tôi ăn hết tô mì, Hồ Dzếnh hỏi tôi:
- Cậu thấy thế nào?
- Anh nói cái món mì này hả?
Tôi thành thật cho Hồ Dzếnh biết là cái thứ mì này thua xa mì Hà Nội. Đói thì ăn hết vậy thôi chứ không thấy ngon gì hết.
Hơn 20 năm, bao nhiêu biến đổi, giờ này nếu Hồ Dzếnh còn sống chắc cũng đã già yếu lắm... không rõ anh có còn nhớ câu chuyện trong một quán cóc vô danh đường Nguyễn Văn Thinh Sài Gòn? Riêng tôi thì sau hơn hai chục năm lăn lóc trong làng báo miền Nam, những quán cóc lề đường của Sài Gòn đã trở thành một kỷ niệm không bao giờ có thể quên. Số thời gian la cà trong quán cóc của tôi có thể nói là ngang với thời gian ngồi trong các tòa soạn viết bài.
Sài Gòn đổi mới, nên Sài Gòn dẹp bỏ những quán cóc đó. Chuyện này đối với những người khác thì chẳng có ý nghĩa gì, nhưng với tôi đó là một trong số những tin buồn từ quê nhà đưa sang. Bởi từ hình ảnh những quán cóc đó, tôi nhớ lại những con đường quen thuộc Sài Gòn mà tôi đã qua lại nhiều lần trong một ngày, những con đường mang tên Phạm Ngũ Lão, Võ Tánh, Lê Thánh Tôn, Phát Diệm. Nhớ đến những bảng hiệu Tiếng Vang, Nghệ Thuật, Tia Sáng, Trắng Đen, Kịch Ảnh, những buổi trưa cùng một số anh em từ các tuần báo đổ về họp mặt. Mỗi buổi trưa trở thành một buổi hội khó quên. Biết bao nhiêu bộ biên tập đã được khai sinh từ những buổi trưa họp mặt đó, bên cạnh những đĩa tôm khô, củ kiệu, những đĩa xì oát, những tô mì khô, những trái soài tượng chấm mắm ruốc, những trái ổi xanh bên những chén muối ớt đỏ tươi, những con khô mực nằm kề bên chén tương pha trộn hai màu đen đỏ, những dãy vỏ chai 33 sắp hàng theo chiều dọc chiều ngang của từng chiếc bàn gỗ ọp ẹp...
Bây giờ, nhiều lúc thấy thương, thấy nhớ, thấy thèm hết sức cái không khí quán cóc những buổi trưa nào ở Sài Gòn thuở xưa.
(Thanh Nam – Hồi ức về thi sĩ Hồ Dzếnh)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Con gái, đàn bà toàn diện là:
“Trưa diện, chiều diện, tối diện”.
Tục ngữ Ta và Tầu
Chồng ăn chả, vợ ăn nem
Công yếu bột bột, bà yếu miến
(Ông muốn ăn bánh, bà muốn ăn…mì)
(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)
Gỡ rối tơ lòng
Bà Tùng Long là người đầu tiên khởi xướng mục “Gỡ rối tơ lòng” trên nhật báo Sài Gòn và “Tâm tình cởi mở” trên tờ Tiếng Vang.
Bà tên thật là Lê Thị Bạch Vân. Trước bà học Đồng Khánh, Huế, sau học trường Gia Long (trường áo tím). Năm 1952 bà dậy Việt văn và Pháp văn tại trường Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauries. Khi viết “feulleton” cho báo bà lấy bút hiệu là Tùng Long và bà có khoảng 50 tác phẩm đã xuất bản như Tình duyên, Tình và nghĩa, Giòng đời..v..v..
(Trần Yên Hòa – báo Sài Gòn Nhỏ)
Nữ nhà báo đầu tiên
Nữ sĩ Manh Manh Nguyễn Thị Kiêm là nữ nhà báo đầu tiên với tờ Lục Tỉnh Tân Văn vào những năm 1930-1934, ngoài ra bà còn viết truyện và làm thơ.
(Nguyễn Công Khanh – Lịch sử báo chí Sài Gòn)
Chữ nghĩa làng văn
Tiếng Việt đứng thứ 12 về số đông người nói (83 triệu) và đang lan ra khắp thế giới tự do từ cái biến cố 1975. Nó có một nguồn gốc rất là đa dạng vì qua 2,3 ngàn năm nó đã mượn rất nhiều tiếng Tàu mà xài, rồi gần đây lại còn mượn hàng trăm tiếng một của Anh, Pháp mà nói.
Một chuyện lạ hơn nữa là, cách đây mấy ngàn năm, ngoài tiếng Tàu ra, ông bà ta còn dùng và xài không biết bao nhiêu là tiếng nước ngoài ở Đông nam Á châu mà ta cứ tưởng đâu là tiếng Việt của ta, không ngờ đó là tiếng nói của biết bao ngôn ngữ láng giềng, mà lại không phải là tiếng Tàu.
Thí dụ ta nói “tha thiết thiết tha”, hay “vắng vẻ”, hoặc “đủng đỉnh” đó là tiếng Thái. “vơ vẩn vẩn vơ” đó là tiếng Lào. “chân tay, chân mây” là tiếng Khmer. “một ngày, một hai ba bốn năm” là tiếng Miên. Người Việt nói cái “dùi cui” hay thì 250 triệu người Indonesia và Malay cũng nói là “đulkul” cùng một nghĩa…y hệt!.
(Nguyễn Hy Vọng - Cái tinh thần đặc biệt của tiếng Việt)
Tiểu đối
Hỏi: Trong thi ca Việt Nam có phần “tiểu đối” là gì. Xin cho biết.
Đáp: Tiểu đối là câu thơ trên đối nhau với câu thơ dưới…
Hoa giải nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông
Hai câu trên trong Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm.
Bẩy chữ tám nghề
Này, con thuộc lấy làm lòng
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề...
(Kiều).
"Bảy chữ, tám nghề" là một bộ kinh, có thể đã được soạn trước cả Ngũ kinh của Nho giáo. Một pho sách dạy nghề, hướng nghiệp, được biên tập công phu như những bài mẫu luận văn tốt nghiệp đại học. "Bảy chữ, tám nghề" là của quý, đáng được nhét vào chỗ kín trong mọi tủ sách gia đình.
"Bảy chữ" là bảy mẹo quyến rũ khách làng chơi:
- Khấp (khóc), tiễn (cắt tóc), thích (xâm tên), thiêu (đốt hương thề), giá (hẹn hò), tẩu (đi trốn), tử (doạ chết).
"Tám nghề" là tám cách gãi đúng chỗ ngứa của khách hàng: Kích cổ thôi hoa (dùng cho khách nhỏ con), kim liên song tỏa (khách to béo), đại xiển kì cổ (khách nóng tính), mạn đả khinh khao (khách chậm chạp), khẩn thuyên tam trật (khách mới vỡ lòng), tả trì hữu trì (khách thạo đời), tỏa tâm truy hồn (khách si tình), nhiếp thần nhiệm tỏa (khách lạnh lùng). Không phải là nhà nho thì khó mà thuộc lòng được bộ cẩm nang.
Vậy mà Kiều được Tú Bà dạy "bảy chữ, tám nghề".
(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)
Tiếng Bắc tiếng Nam
Hồi năm 1955, quân đội Quốc Gia đánh Bình Xuyên. Quân Bình Xuyên rút vào Rừng Sát.
Một anh Bắc kỳ di cư làm trong ban truyền tin của chiến dịch. Một buổi sáng anh nhận được báo cáo: Phe ta bắt được ba “ghe” của địch. Anh đánh điện hỏi đi hỏi lại mà vẫn không hiểu tại sao đi hành quân chiến dịch, quân địch không bắt mà đi bắt…“ghe”.
Sau anh mới hiểu tiếng Bắc “cái ấy” thì tiếng Nam là cái thuyền.
Sau đi vào chữ nghĩa làng văn “cái ấy” được gọi là con “ghệ”. Cái hay con, “ghe” hoặc “ghệ” cùng gần gũi với chuyện sông nước.
Ca dao tình tự
Buồn tinh nằm ngửa chình inh,
Không ai nằm úp lên minh cho vui.
"Nhà sư" là thầy tôi
Năm 1980 tôi được xem mấy tấm tranh dân gian Oger. Thích quá. Mặc dù chả hiểu gì cả. Tôi lật xem tấm tranh vẽ nhà sư. Bốp! Như bị thầy tát vào má. Tôi sửng sốt, ngạc nhiên. Tên tấm tranh "Nhà sư" của tôi được viết bằng 4 (bốn) con chữ. Lạ nhỉ, từ trước đến giờ tôi cứ tưởng là chữ Tàu, chữ ta thì mỗi chữ đọc một âm. Thế mà rõ ràng ở đây bốn chữ tên tranh lại được Viện từ điển bách khoa đọc là “Nhà sư", nghĩa là chỉ có hai âm thôi. Trước mắt tôi, "Nhà sư" có vấn đề! Láo nào. Biết gì mà nói leo. Học chữ thánh hiền kiểu này thì chỉ tổ toi cơm. Ấm ức, nhưng tôi vẫn bướng bỉnh, tiếp tục lần mò thêm. Sau vài lần do dự tôi lấy quyết định... học chữ Nôm.
Ít lâu sau tôi mua được cuốn Chữ Nôm của Đào Duy Anh và Học chữ Nôm của Vũ Văn Kính. Dần dần hiểu được phương pháp cấu tạo của chữ Nôm. Muốn học chữ Nôm thì phải biết... chữ Hán. Ối giời đất ơi! Hán, Nôm đều mù tịt thì biết đường nào mà mò? Lặn lội mua cho được Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, thêm Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, kiếm thêm được Bảng tra chữ Nôm của Viện Ngôn Ngữ học, Bảng tra chữ nôm của Vũ Văn Kính, bộ giáo trình Cơ sở ngữ văn Hán Nôm của Lê Trí Viễn. Quý nhất là Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của...
Tôi chỉ tham vọng học được ít chữ để đọc được mấy cái tên tranh kia thôi. Sau một thời gian "đèn sách", tôi đọc được bốn chữ của tranh "Nhà sư". Tên đầy đủ là "Nhà sư lắc chuông". Bây giờ mới yên tâm là chữ Nôm viết bốn chữ thì đọc thành...bốn tiếng.
Trong cái rủi thường ẩn chứa cái may. Nhờ có "Nhà sư" của Viện từ điển bách khoa tôi mới quyết tâm học chữ Nôm. Học chữ Nôm lại biết được một tí chữ Hán. Đúng là "Nhà sư" đã khai tâm chữ Nôm cho tôi. "Nhà sư" xứng đáng là thầy tôi.
(Nguyễn Dư - Chimviet.free.fr)
Chữ nghĩa biên khảo: Đình không phải đền
Làng Việt Nam nào cũng có một cái đình, nhà công của làng, nơi thờ thành hoàng nơi hội họp, hội hè, tế lễ, hát chèo, diễn tuồng. Đình kiến trúc không nặng nề, rườm rà, tạo một vẻ oai nghiêm nhất định. Ðình không đè lên, át lên phong cảnh xung quanh những cây cổ thụ, đa hay muỗm, điểm thêm một nét bí ẩn nhưng không biến đình thành một cái đền trang nghiêm và linh thiêng.
Ðến đây dân làng thoải mái như ở nhà mình, người ta có thể trò chuyện thỏa thích, thậm chí có thể cãi nhau và cũng chẳng ai cấm đoán những câu bông đùa cợt nhả và cả những lời thô tục.
(Trần Văn Cẩn - Việt Nam điêu khắc dân gian thế kỷ XVI-XVIII)
Con gì ngu nhất
Quan bác là nhà văn. Vậy chứ đệ hỏi quan bác một câu:
- Con gì ngu nhất?
- Con bò chứ con gì.
- Ắt hẳn chưa là thế.
- Lạ nhẩy.
- Vậy chứ huynh có thấy con bò gặm cỏ không? Chúng biết chọn cỏ non mà gặm, chừa cỏ già, cỏ héo ra. Nếu có đống cứt trên cỏ chúng biết né. Chỉ ăn cỏ chứ không ăn cứt.
- Đệ hiểu ý quan bác muốn nói…con gì rồi.
- Vậy không phải vậy! Vì: “Chó dại từng mùa, người dại quanh năm”, thưa bác.
- Ừ nhể.
Báo chí miền Nam 54-75
Trong địa hạt báo chí, Sàigòn xưa nay vẫn là trung tâm của báo chí, ngoài những nhật báo lớn đã xuất hiện từ trước, như tờ Thần Chung, sau đổi thành Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, Sài Gòn Mới của bà Bút Trà v.v.. khi người Bắc di cư vào Nam có thêm tờ Tự Do, tiếp đến Ngôn Luận. Đó là những nhật báo lớn có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Hoạt động báo chí ở Saigòn càng ngày càng phát triển, theo Vũ Bằng, đến tháng 12 năm 1963, ở Sài gòn có tới 44 tờ báo ra hàng ngày.
Tự Do là nhật báo đầu tiên của người di cư, quy tụ những tên tuổi như: Tam Lang (Vũ Đình Chí), Mặc Thu (Lưu Đức Sinh), Mặc Đỗ (Đỗ Quang Bình), Vũ Khắc Khoan, Như Phong (Lê Văn Tiến); Nguyễn Hoạt (Hiếu Chân), Đinh Hùng (Hoài Điệp Thứ Lang, Thần Đăng), Phạm Tăng...
Theo lời nhà văn Mặc Đỗ: "Nghị định cho phép Tự Do xuất bản do chính tôi ký (lúc ấy ông làm việc ở Bộ thông tin cùng với Vũ Khắc Khoan), tôi tập hợp ban chủ trương. Có giấy phép rồi phải lo tìm vốn. Từ phút đầu tôi nghĩ ra và bàn với Khoan đồng ý cho tới ngày cuối cùng của tờ báo tuyệt đối không một ảnh hưởng nào từ bất kỳ đâu tới đường lối và hoạt động của tờ Tự Do (...) Ban chủ trương chỉ có Tam Lang, Vũ Khắc Khoan, Đinh Hùng, Mặc Thu, Như Phong và tôi. (...) Anh Tam Lang chủ nhiệm lo điều hành, Mặc Thu lo trị sự tiền bạc, Vũ Khắc Khoan là người trực tiếp liên lạc với bên ngoài. Tự Do tự nó đứng vững nhờ lập trường hợp với độc giả di cư và còn có lời là khác…" .
(Thụy Khuê – Văn học miền Nam)
Thơ thiền
Trần Nhân Tông (1279-1284) là tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Ngoài thắng quân Nguyên, ngài thắng cả tự chính mình qua bài Cư trần lạc đạo dưới đây:
Bụt ở trong nhà, chẳng cần tìm xa
Vì quên mất gốc, nên ta tìm Bụt
Nay mới hay: Bụt chính là ta
Viết văn, viết báo
Văn chương, dưới mắt một số người, là những tác phẩm do người viết sáng tạo với chữ nghĩa văn hoa. Sáng tạo từ cốt truyện, nhân vật, lời đối thoại, bối cảnh, tả cảnh, tả người, tả tình.
Báo chí và những truyện không hư cấu cũng làm được những điều đó. Khác với người viết truyện, người viết báo không phải lo đến cốt truyện, nhân vật, đối thoại, tả cảnh cùng lời trong cuộc kể lại. Thực tế trong cuộc sống hàng ngày, nhiều chuyện xẩy ra còn ly kỳ hơn truyện hư cấu. Nhiều nhà báo biết kỹ thuật kể chuyện để tạo ra bài viết hay như tiểu thuyết và đôi khi còn hay hơn nữa.
(Vũ Thụy Hoàng - Múa bút)
Chữ nghĩa làng văn
Dưới đây là bốn câu thơ trong một bài thơ thất truyền của cụ Nguyến Khuyến:
Con gái nhà ai tắm vệ sông
Vú vê để hở váy quai cồng
Ước gì ta được mà ta để…
Ta để mà ta lại…để chung
Truyện cực ngắn - Chiến tranh
Ði lính hơn ba năm, hắn khoe hắn đã bắn chết đúng tám tên địch. Sang Úc, mỗi lần nhậu ngà ngà, hắn lại khoe khoang thành tích ấy. Bạn bè không tin. Hắn cởi áo và xắn quần lên khoe: trên lưng và dưới chân hắn còn thấy rõ tám vết sẹo. Bạn bè hắn cười: “Ông bị tám vết thương đâu có nghĩa là ông giết được tám tên địch.”
Hắn vẫn khăng khăng: “Thì có gì khác nhau đâu?”
Nhà to…to nhà
Một dị biệt căn bản giữa tộc Hán và tộc Việt về phương diện ngôn ngữ là trong cú pháp thông thường người Việt đặt định từ sau bị định từ (mettre le déterminant après le détermmé). Ta nói: “Nhà tôi có sân lớn” thì Người Tầu nói: “Ngã gia hữu đại đình”.
Nói một cách khác, để so sánh, thì cú pháp của người Việt tương đương với cú pháp của người Pháp. Còn cú pháp của người Tầu tương đương với cú pháp của người Anh.
(Thái Văn Kiểm)
Nói điêu
Điêu chữ Hán là gian giảo, gian ngoa. “Nói điêu” là tiếng Việt vay mượn từ chữ Hán.
Ngay cả tiếng gọi của nhà nông cũng…vướng mắc và chữ Hán, như: Cái ách là miếng gỗ cong quàng lên lưng trâu bò để buộc vào cái cày.
(Đào Duy Anh – Hán Việt từ điển)
Hôn phu, hôn thê
Người trong nước dùng những chữ vô nghĩa như “hôn phu” và “hôn thê”. Tiếng Việt chỉ có “phu” là chồng và “thê” là vợ. Nguyên chữ Hán là “vị hôn phu” (chồng sắp cưới) và “vị hôn thê” (vợ sắp cưới).
(Nguyễn Ngọc Phách – Chữ Nho & đời sống mới)
Chữ và nghĩa
Phiêu bạc - Người ta hay viết lầm ra phiêu bạt, không có nghĩa. Phiêu là trôi nổi không biết đi đâu, bạc là cái bến thuyền đậu.
(Ngô Nhân Dụng – Phiếm khảo)
Cửa và ô
Thành có khi đắp bằng đất, có khi xây bằng gạch, cũng có khi bên ngoài tường đất. Ngoài tường thành, người ta còn đào hào rộng và sâu có cắm chông để cản trở được hơn nữa sự công phá của đối phương. Vòng ngoài cùng thường được đắp bằng đất và có trồng tre bên ngoài nên còn được gọi là lũy.
Vì thành có nhiều người ở, nên ngoài thành, tự nhiên phải hình thành một khu vực bao gồm đủ mọi thành phần dân cư như thợ thủ công, người khuân vác, khiêng võng, kiệu, thầy lang, thầy đồ v.v. ở ngoài các phố. Khi xưa nói đến thành và thị (chợ) hay thành và phố (phố chợ như thành Bắc Ninh, thành Sơn Tây, thành Nam Ðịnh v.v.) Khu thị rộng hơn nhiều, bao gồm nhiều khóm phố thành phố chợ. Vòng ngoài, như trên đã nói, thường được gọi là lũy.
Những nơi có cả thành lẫn lũy thì lối ra vào thành được gọi là cổng hay cửa, cửa đông, cửa nam…
Lối ra vào chỉ có lũy không thôi thì lại được gọi là ô như ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền…
(Nguyễn Khắc Ðạm - Thành lũy, phố phường trong lịch sử)
Giai thoại làng văn
Theo Đại Nam Liệt Truyện: "Nguyễn Du là người tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì...''
Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, cử ông đi sứ lần nữa, nhưng lần này chưa kịp đi thì ông đột ngột qua đời. Đại Nam Liệt Truyện viết: "Đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi.
Ông nói: "Được" rồi mất; không trối lại điều gì."
Hát bội hay hát bộ
Người Tiều (Minh Hương) vì hoài cố quốc nên tối tối thường qua nhà nhau hát vài khúc ngắn, múa may theo điệu bộ của những tuồng tích cũ từ bên Tầu nên kêu là "hát bộ".
Theo cụ Vương Hồng Sển thì có khi kêu là “hát bội”, nhưng vì nhóm diễn viên lúc ấy đa số là thợ bạc. Họ kiêng cử hai chữ "bội" và "bạc" nên họ đổi thợ bạc là thợ vàng. Và hát bội là hát bộ.
Cụ cử Trịnh vịnh hát bội: “Hèn chi chúng nói bội là bạc - Bôi mặt đánh nhau cú lại thoi“.
(Vương Hồng Sển)
Chữ nghĩa trong câu đối
“Xuất đối dị, dị đối nan” hiểu theo nghĩa là “Ra đối dễ, đối lại khó” thế nên từ cổ chí kim, từ Bắc vào Nam chưa ai đối chỉnh dăm ba câu đối dưới đây:
- Da trắng vỗ bì bạch
- Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả
- Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi
(Nguyễn Kiến Thiết - báo Thời Báo)
Báo chí miền Nam 54-75
Ngoài Thanh Nam, Hoàng Hải Thủy vào Nam trước. Năm !954 Thanh Tâm Tuyền ra báo ngay trong trại tiếp cư thì ngay từ năm 1956, tuần báo Văn Nghệ Học Sinh mà tòa soạn ở đường Trần Hưng Đạo do một nhóm văn sĩ thi sĩ 15, 16 tuổi vừa cà phê, thuốc và làm báo là Nguyễn Thụy Long (Mạc Lan Giao), Đỗ Qúy Toàn (Đỗ Quý), Lê Đình Điểu (Lê Phi Điểu), Lê Tất Điều, (Ái Nhân), Dương Nghiễm Mậu (Hương Việt Hương), Viên Linh, Tú Kếu (Hoàng Bình Sơn)..v..v...
Nhờ hệ thống báo chí phát triển, quần chúng độc giả đông đảo đủ mọi thành phần. Tổng quát về báo chí, thành phần nhà báo, biên tập, bình luận thì quá nhiều và họ là những người viết chuyên nghiệp (feuilleton). Ngoài ra phóng viên và nhiếp ảnh báo chí miền Nam 54-75 khá đông như Nguyễn Hoàng Đoan, Vũ Ánh, Đỗ Ngọc Yến, Lý Đại Nguyên, Đường Thiên Lý, Lê Thiệp, Dương Phục, Nguyễn Tiến Sơn, Lê thị Bích Vân, Anh Điển, Nguyễn Tân Dân, Chóe Nguyễn Hải Chí, Nguyễn Tú, Điệp Mỹ Linh, Nguyễn Bá Quyền, Hùng Phong, Nguyễn Tuyển, Thục Viên, Triều Giang, Chu Vi Thủy, Dương Phục, Lê Phú Nhuận, Vũ Ngọc Long, Trùng Dương, Nguyễn Kinh Châu, Nguyễn Quý, Nguyên Thanh, Ngy Thanh, Đoàn Kế Tường, Phan Nhật Nam, Trần Ngọc Tự, v..v..
Tiếng Việt mình... khó quá!?
Miền Trung Việt Nam thường dùng từ "nẫu". Nẫu có nghĩa là họ, người ta, chúng nó... (ngôi thứ 3 số nhiều) Có ai rành về từ này hông?
(Trau giồi tiếng Việt - ĐatViet.com)
Viết văn, viết báo
Theo William Zinser, lịch sử báo chí cho thấy ngành viết không hư cấu đã trở thành văn chương mới và báo là loại văn chương mới và văn chương hay.
Người viết văn hay viết báo căn bản chỉ là người kể chuyện. Nhà văn kể chuyện ngắn, truyện dài qua sách. Nhà báo tường thuật sự việc trên báo. Nếu văn là chữ viết được trau chuốt, thì viết văn, viết báo đều là văn chương, là nghệ thuật. Và đừng quan tâm đến việc được gọi là nhà văn hay…nhà báo.
(Vũ Thụy Hoàng - Múa bút)
Ca dao trữ tình
Cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà nhảy ổ.
Cau phơi tái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ.
Văn Nam, văn Bắc
Quan sát sinh hoạt, còn thấy người Nam chịu ảnh hưởng Tầu rất rõ, nhưng là Tầu bình dân, như thích màu sắc thật tươi: xanh, vàng, đỏ. Nhiều món ăn gốc Tầu. Ngôn ngữ của người bình dân Nam bộ một mặt hết sức nôm na, chất phác (ruột, vỏ xe, hộp quẹt…vv…) một mặt lại hay pha chữ Hán (nóc gia, con lộ, quá giang, khổ qua, đau bao tử, làm đại đi..v…v…). Chùa chiền đặt ngay bên đường cái, quét vôi xanh xanh đỏ đỏ. Tượng Phật Bà đứng, nằm lồ lộ không kín đáo gì cả.
Tiểu thuyết Tầu (Tam quốc, Thủy hử, Chinh Đông chinh Tây…) và các loại truyện võ hiệp Tầu ảnh hưởng rất sâu vào văn chương Nam Bộ. Nhiều cây bút đầu thế kỷ XX phỏng theo truyện Tầu, viết về Phàn Lê Huê, Tiết Nhân Quý, Tiết Đinh San, v v.. Tiểu thuyết của Bửu Đình, Phú Đức thì bao giờ cũng xen vào những pha võ hiệp ly kỳ, giật gân. Các nhân vật tiểu thuyết Tầu còn nhập hẳn vào văn chuơng bình dân Nam Bộ thành nhân vật trong vè, dân ca…
Miền Bắc cũng ảnh hưởng Tầu nhưng không phải văn chương bình dân, tiểu thuyết bình dân, mà khai thác văn chương bác học, đặc biệt là thơ Đường, thơ Tống…Như thế là, về sự tiếp nhận văn hoá Trung Hoa, từ Bắc vào Nam, vẫn có sự khác biệt.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)
Văn hóa
Từ văn hóa có rất nhiều nghĩa khác nhau:
Theo nghĩa hẹp và thông dụng chỉ học thức, trình độ văn hóa…
Văn hóa theo nghĩa rộng chỉ những kiệt tác, tư duy, sáng tạo của con người về tư tưởng, học thuật (văn học nghệ thuật, khoa học, giáo dục). Tín ngưỡng, phong tục tập quán của dân tộc này khác với với dân tộc khác.
Từ văn hóa Đông phương “văn” có nghĩa là vẻ đẹp hay có giá trị.
(Trần Ngọc Thêm - Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Chữ nghĩa của một nhà văn học thời danh ở Hà Nội:
“Chớ dại mà hợm mình nói hết ra những gì mình biết, phải học "giả ngu" thì mới khôn ra được.
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao
Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng ngữ" và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau.
Dân gian đôi lúc dùng một tiếng Việt đồng nghĩa với một từ Hán Việt để chơi chữ:
Có răng nói thật đi nha
Lúc trăng đang tỏ thì hoa đang thì.
"Nha" là từ Hán Việt tương đương với từ thuần Việt "răng"! (Trần Minh Thương - Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)
Am, miếu, đền
- Ðình là nơi thờ thành hoàng đồng thời là nhà chung của làng xã.
- Miếu dành cho các thần được thờ cúng đều đặn, liên tục;
- Ðền, phủ là nơi thờ cúng của đạo giáo;
- Chùa hay am là nơi thờ cúng của Phật giáo.
(Tạ Chí Đại Trường - Thần, người và đất Việt)
Tiếng Việt nghèo nàn nhưng phong phú
Về Cái Răng, chỉ răng hỏi Cái Răng?
(ĐatViet.com - Trau giồi tiếng Việt)
Chữ nghĩa thập niên 20
Trùng dương - Trùng dương là ngày mùng chín, theo tục xưa thi nhân lên núi cao, cắm hoa phù du, uống rượu cúc và làm thơ.
Thu hứng - Trong làng văn, các cụ nhà nho rủ nhau lên núi uống rượu, làm thơ. Vả lại mùa thu, phong cảnh tiêu sái, nên thi nhân thường bi thu, mà làm ra thi văn nên gọi là thu hứng.
(Tôn Thất Lương - Xuân mộng)
Sửa thơ
Gặp chữ cổ ít dùng, có người đổi sang chữ thông thường hơn.
Thí dụ:
Nhà cửa tôi vay, tôi trả nợ,
Ai ngờ gái hóa việc quân vương!
(Lòng mẹ - thơ Nguyễn Bính)
Và đã bị sửa lại thành:
Ai ngờ gái góa việc quân vương!
Ðành rằng "gái hóa" hay "gái góa" nghĩa cũng như nhau, nhưng còn đâu cái phong vị cổ kính của câu thơ, của nếp sống ngày xưa khi mà người con gái đảm đang, trước khi về nhà chồng còn lo ngại không ai thay mình gánh vác chuyện gia đình?
Ðặt chữ "gái góa" vào miệng một bà cụ già thời cổ xa xưa nghe rất "vô duyên".
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – “Bách Việt” nói tiếng “Bách ngữ)
Cái khó khăn của người biên khảo
Khi hoàn tất một bài biên khảo thường mất nhiều công phu dù rằng chỉ là công việc đúc kết. Các tác giả biên khảo thường là những người viết có học vị cao, nghiền ngẫm hàng chục cuốn sách để cô đọng nên tác phẩm của họ. Nhưng không phải những công trình khổ cực ấy không có những sai sót mà những người viết sau căn cứ vào những chi tiết sai lầm đó để viết thành một tác phẩm khác sẽ trở nên một dây chuyền sai lầm mãi mãi.
Thiếu thực tế và suy luận chủ quan là hai nguyên nhân dẫn tới sai lầm. Nhưng nguyên nhân quan trọng chính là sự tin tưởng hoàn toàn vào sách cũ, không cân nhắc kỹ càng các tài liệu tham chiếu.
(Đặng Trần Huân - Cái khó khăn của người biên khảo)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Vợ là địch
Bồ bịch mới là ta
Khi chiến sự xảy ra
Ta buộc về với địch
Rục rịch ta nhớ ta
Tiếng Việt, dễ mà khó
Chữ "yếu ớt" chúng ta hay dùng ngày nay là do chữ "yếu nớt". "Ớt" thì không có nghĩa gì cả. Trong khi "nớt" có nghĩa là sinh thiếu tháng, vẫn còn dùng trong từ "non nớt".
"Yếu nớt", do đó, có nghĩa là yếu đuối, là non nớt.
(Nguyễn Hưng Quốc - e-cadao.com)
Giai thoại làng văn
Trần Đăng Khoa ghét cái gì là chế giễu rất ác. Thí dụ, Khoa định nghĩa thơ Lê Đạt: Người ta nói “Tôi đi ăn cơm”, thì Lê Đạt viết “Cơm đi ăn tôi”.
Trong một cuộc nói chuyện, Khoa dẫn thơ của Hoàng Hưng, Dương Tường để giễu cợt:
Anh lang thang em...
Anh mini em...
Anh xanh xao em...
Anh tiết canh em...
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)
Truyện chớp - Trả công!
Người bố gương mặt ngời ngời hạnh phúc, vừa chăm chú theo dõi từng bước đi chập chững của đứa con, vừa nựng: Con trai của bố giỏi lắm! Một, hai, ba, nào... hoan hô!
Bốn mươi năm sau.
Người bố dò dẫm từng bước từ nhà ra sân như đứa trẻ mới tập đi, không may bị trượt chân, ngã tím cả mặt. Thằng con quát: Thật đúng là câm hay nói, què hay đi, cho chết!
Hai giọt nước mắt rỉ ra từ hai hố mắt già nua. Người bố bây giờ mới thấy đau nơi bị ngã.
Giai thoại làng văn 54-75
Chuyện giữa hai chúng tôi (Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo) xoay quanh thi ca. Anh đọc và nhớ khá nhiều thơ Việt Nam thời hiện đại kể cả loại thơ ít người đọc như thơ Nguyễn Xuân Xanh trong Xuân Thu Nhã Tập. Anh rất chịu thơ Chế Lan Viên.
Nhân đề cập đến thơ ở Hànội rồi Sàigòn lúc ấy, tôi nhắc đến một bài thơ gần đây tình cờ đọc trong một trang Văn Nghệ của một tờ báo mới xuất bản: một bài thơ mới, lạ, chững chạc, dưới ký tên lạ hoắc chưa từng thấy: Nhị; một bài thơ lạnh, tôi rất thích chất lạnh của thơ, và cách biểu hiện cảm thức bằng những hình ảnh dở dang, trở đi trở lại dưới những ánh rọi khác nhau, đồng thời với cái tiết điệu biến hoá được nối kết lại bằng những câu trùng; tôi đọc những câu thích nhất, có hơi thơ gần siêu thực:
Lại thấy con đường như lặng
Những đỉnh cây xanh
Và những ngón tay trên phím dương cầm
Đôi guốc mộc trong căn phòng trừu tượng.
Cúi đầu xuống cúi đầu xuống.
Anh lặng nghe tôi bình phẩm, đọc thơ, rồi nói:
- Nhị là tôi.
Chúng tôi thân thiết nhau ngay từ buổi gặp gỡ ấy.
Văn hóa dân gian
Ðối với quỷ thần, Khổng Tử chủ trương “kính nhi viễn chi”. Ðã “viễn”, không liên lạc, thì không cần đặt ra hình thức chi hết. Lễ trong đạo Khổng là giữa người với nhau mà thôi.
Văn hóa Việt Nam truyền thống có dành chỗ cho siêu hình. Lễ trong lễ hội là giữa người với thần linh. Ta khác, liên lạc với thần xong, ta xoay qua “liên lạc” với người. Ðó là hội.
Vì vậy “hội” khác với “lễ hội”.
(Thu Tứ - Gocnhin.net)
Sống trên đời…
Nguồn câu thành ngữ
“Sống trên đời ăn miếng dồi chó,
Chết xuống âm phủ còn có hay không”
từ câu ca dao:
Sống được miếng dồi chó
Chết được bó vàng tâm
Sống không ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ không có mà ăn
(Khải-Chính Phạm Kim-Thư - báo Tự Do)
Tiếng Việt vừa khó vừa không dễ
Hỏi: Hà Thanh bị bắt học tiếng Việt, với bài “đỗ và đậu”….Người dạy là người Bắc và cô ấy nói khi học một sinh ngữ nào đó thì phải học theo sinh ngữ của thủ đô nước đó. Như vậy khi học tiếng Việt phải học theo tiếng Việt của Hà Nội. Theo bài làm trong lớp thì chữ "đỗ": chữ "đậu" của miềng Nam.
Ví dụ đỗ xe: đậu xe, thi đỗ: thi đậu, và đỗ xanh: đậu xanh.
Hà Thanh có thắc mắt nhưng không dám hỏi trong lớp, đó là nếu đỗ là đậu, vậy "đậu hủ" có thể gọi là "đỗ hủ" không? Những từ như thi đỗ thì có nghe chứ đỗ hủ thì Hà Thanh chưa bao giờ nghe ai dùng từ đó. Vậy từ đỗ hủ có trong tiếng Việt không ạ?
Đáp: Người Bắc không gọi "đậu hủ" là "đỗ hủ" mà gọi là "đậu phụ". Why?
Nhưng tiếng Việt lại có có từ "Tàu hủ" đấy bác ơi.
Có người gọi là...tào phở! Thì gọi là phu tàu: phu quân của người vợ Tàu (Tàu phò) Không biết có đúng không bác? Cám ơn bạn đã trả lời thắc mắt của Hà Thanh. Vậy là từ “đỗ hủ” không có. Ngộ hén....
(Trau giồi tiếng Việt - ĐatViet.com)
Những hình dạng mới của chữ nghĩa
Một giáo sư ngữ học dậy khoa Văn tại Đại học tổng hợp ở Hà Nội cho biết nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh đã phạm những lỗi có tên là trùng ngữ (pleonasm), làm người đọc không hiểu từ ngữ mình dùng, vì viết thừa một chữ hoàn toàn vô ích. Như bài thơ Hò kéo pháo sáng tác từ hồi đánh trận Điện Biên Phủ:
Dốc núi cao cao,
Nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi!
Phương Tây, phương Đông
Người phương Tây đặt ra những khái niệm:
- Cận Đông chỉ vùng Ai Cập - Palestin.
- Trung Đông chỉ Ba Tư - Afganistan.
- Viễn Đông Đông chỉ Triều Tiên, Nhật Bản, Đông Trung Hoa.
(Trần Ngọc Thêm - Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)
Tiếng Việt toàn thể
Người Việt nhìn toàn thể, rồi bật tiếng nói toàn thể.
Nói toàn thể thì những thành phần của lời tự chúng không cần phải có nghĩa chính xác.
Ví dụ ta nói:
- “Chị em ôm nhau ngủ”, không nói “Chị và em ôm nhau ngủ”.
- “Chị em đứa nào rảnh qua bà bảo”, không nói “Chị hay em đứa nào rảnh qua bà bảo”.
“Chị em” đứng một mình nghĩa mơ hồ, nhưng đứng trong câu thì nghĩa ổn định, không cần phải thêm và, hay gì cả.
(Thu Tứ - Gocnhin.net)
Chữ nghĩa với loài vật
Cô giáo hỏi một em bé ở nhà trẻ:
- Loài vật và người ai thông minh hơn?
- Loài vật ạ.
- Tại sao vậy?
- Vì khi con nói với con chó thì nó hiểu. Nhưng khi nó nói với con, con chả hiểu gì cả!.
Vô…dô…
Từ thời nhà Nguyễn có cuộc di dân xuông miền Nam. Tiếng “vào” mà tiếng Việt cổ (tiếng Bắc cũ) gọi là “vô” theo thổ ngữ của người Mường thượng du Bắc Việt.
Theo cuộc Nam tiến đến đất mới thì “vào” được “hoài niệm” để kêu lại với tiếng xưa, thật xưa là…vô.
(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu - Tiếng Việt, tiếng nước tôi)
Chữ nghĩa tiếng Việt
Tại sao trong văn hoá người Việt, người ta tính thứ tự trong gia đình từ số 2 mà không phải số 1? Chính xác là ở miền Bắc người con đầu lòng gọi là anh Cả, chị Cả, miền Trung, miền Nam thì con đầu là anh Hai, chị Hai...
“Cả” là tiếng Việt thuần túy, có nghĩa là to lớn (cả gan, ao sâu nước cả, ông cả, cả vú lấp miệng em), bao gồm hết (cả thảy, vơ đũa cả nắm, cả đời lận đận). Người miền Bắc gọi người con lớn nhất là anh hoặc chị Cả, người kế tiếp gọi theo thứ tự số đếm là anh hoặc chị Hai, Ba..v..v... Người miền Nam không dùng tiếng “Cả” mà lại bắt đầu bằng thứ tự Hai, Ba, Tư, v.v...
Ở miền Nam, khi bị Pháp chiếm làm thuộc địa, cơ quan cai trị ở mỗi xã miền Nam được gọi là Hội Đồng Tề, trong đó người đứng đầu được gọi là Hương Cả. Nếu gọi người con lớn nhất là Cả, thí dụ: "Thằng Cả đâu, vô đây biểu", vô tình gọi trùng với tên Hương Cả. Điều này có thể bị kết tội phạm húy. Vì vậy, người miền Nam tránh tiếng Cả mà gọi người con lớn nhất là anh Hai hoặc chị Hai.
(Wikipedia)
Tiếng Việt cổ
Con lợn tiếng Việt cổ (tiếng Bắc cũ) gọi là “con heo” (hay con cúi). Di dân vào đến miền Trung, xuống tới miền Nam thì con lợn được “hoài niệm” để kêu lại với tiếng xưa, thật xưa là…con heo.
(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu - Tiếng Việt, tiếng nước tôi)
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Hoàng Cầm trong bài thơ Lá Diêu Bông mở đầu bằng câu: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” vậy thì “Váy Đình Bảng là gì? Váy có nhiều loại như:
Váy kép: Váy hai lớp, lớp ngoài vải nhẹ mỏng, lớp trong dầy thô.
Váy đùm: Váy buộc túm lại để làm việc đồng áng.
Váy đụp: Váy đằng sau vá thêm một miếng vải dầy mặc co bền.
Váy cửa võng: Phía trước chùng xuống mép gấp cong cong. Phía sau hếch lên, chạm mu bàn chân.
Cửa võng tên gọi phần trang trí chạm khắc trên gác lửng hay sạp thờ trước khu vực thờ chính của đình làng. Cửa võng là một lớp riêng tách ra khỏi gác lửng, còn được gọi là y môn.
Tiếng Việt trong sáng
“Heo dân tộc”: tránh nói “heo mọi” là một cố gắng đáng khen, nhưng nhắm mắt lấy công thức “người dân tộc” để áp dụng cho con heo núi, là xúc phạm đồng bào thiểu số thượng du. Trong khi tật đại ngôn làm mất giá những chữ hay sẵn có, thì sự dốt nát sanh ra những chữ mới vô nghĩa.
(Tâm Thanh - Chiêu hồi ngôn ngữ)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Làm trai cờ bạc rượu chè
Vợ có lè nhè ta ghè nó luôn
Thuật ngữ
Thuật ngữ - Theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh (1931): Những danh từ dùng riêng về các môn khoa học hay triết học hoặc đạo thuật.
Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (1988): Từ ngữ biểu thị một khái niệm xác định thuộc hệ thống những khái niệm của một ngành khoa học nhất định, còn gọi là danh từ khoa học, chuyên ngữ, chuyên danh, thuật ngữ học, thuật ngữ văn học.
Chữ nghĩa với cỏ cây
Như cơm chỉ, thấy mặt đặt tên như cà dái dê, cây đậu phọng, cây bã đậu, cây phượng (lá giống đuôi lông chim phượng), cây điệp (hoa giống cánh bướm), cây tăm sỉa răng (gỗ làm tăm sỉa răng). Và không có nghĩa gì cả như cây mù u, cây sầu đông, cây sầu riêng, cây thúi địt, cây gạo, cây cơm nguội, cây chó đẻ…v…v…
Bình Khang
Tên một phường ở Trường An đời Đường. Chỉ nơi ở của các kỹ nữ, các tân khoa tiến sĩ thường đến đó chơi. Sau thêm những từ “xuống xóm” hay “hành lạc”.
Hai chữ “hành lạc” từ câu thơ của Nguyễn Công Trứ:
Nhân sinh bất hành lạc
Thiên tuế diệc vi thương
Hành là trải qua, lạc là thú vui. Hiểu nghĩa là “sống ở đời không biết hành lạc, dù có sống nghàn năm cũng như đồ bỏ”.
(Nguyễn Thạch Giang - Văn học tập giải)
Phu chữ
Chữ Lê Đạt hay dùng, hiểu nghĩa là người sống với ngôn ngữ, thao tác trên ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm lương thực trần gian. Phu chữ là người sống bằng ngôn ngữ, xem ngôn ngữ là lẽ sống.
Văn hóa ẩm thực: Cơm niêu, nước lọ
Hà Thành vào khoảng năm 1938-1940 có ba nơi bán “cơm niêu, nước lọ”. Một ở phố Hàng Giầy, Hàng Giấy và phố Đinh Liệt sau nhà Hát Lớn Hà Nội. Nơi bán không có cửa hiệu, khách vào không người chào đón, thường thì lầm lì quẳng vào chiếc mẹt 7 hào rồi tự động lấy ra một khẩu phần “cơm niêu, nước lọ”.
Tất cả đặt trên một cái mẹt, đường kính khoảng 20cm. Khách có mẹt thức ăn, rồi tự tìm lấy mảnh chiếu nhỏ ngồi. Suất ăn trên mẹt gồm có một niêu cơm nhỏ, một cái đũa cả ngắn, một đôi đũa nhỏ, ngắn kiểu đũa ăn rượu nếp và 4 cái chai nhỏ chừng độ 20ml, mỗi chai đậy kín bằng nút bấc. Trong niêu nhỏ có hai bát cơm được thổi sẵn trong nồi lớn. Cơm được thổi bằng gạo tám thơm và tám xoan, mỗi loại gạo chiếm một nửa, vì gạo tám thơm có vị thơm đậm đà, nhưng gạo tám xoan có vị thơm nồng nàn. Cơm được đong vào niêu, ở giữa là thức ăn gồm: Một miếng thịt bò chiên, một miếng thịt gà mái có da vàng ngậy, một miếng thịt lợn rán có đủ bì, mỡ và nạc, một miếng gan lợn xào, một dúm trứng cáy hoặc tôm bóc nõn luộc, hai cái nấm rơm hay đông cô, một cánh mộc nhĩ (nấm tai mèo)…Tất cả được rưới lên một chút nước sốt đậm có hồ tiêu.
Cơm gói các món ăn vào giữa Chiếc niêu được gói một tờ giấy bản, rồi đậy nắp vung lên, lèn thật kín và được hâm cách thủy. Bốn chiếc chai nhỏ đặt trên mẹt đựng bốn thứ phụ cho bữa ăn. Chúng gồm một lọ nhỏ nước mắm cà cuống, một chai nước canh, một chai đựng rượu ngang và chai đựng nước trà.
Khách ăn dùng chiếc đũa cả đập vào cái niêu Thổ Hà mới toanh một cái “bốp”. Cái niêu vỡ ra. Bữa cơm bắt đầu. Ăn uống xong, khách lẳng lặng bỏ đi, phủi bụi quần, rồi lại nhập vào phố xá ồn ào. Thực ra, bữa cơm này còn đắt hơn đĩa cơm rang thập cẩm ở nhà hàng Mỹ Kinh tại phố Hàng Buồm chỉ trả có 3 hào.
Cơm niêu (không nước lọ) bây giờ chỉ có cái niêu bằng đất nung trong có cơm gạo thơm thường, khi ăn thì rắc thêm muối vừng (mè) vào. Và chỉ có vậy.
Truyện chớp - Nhanh
Thời gian qua nhanh đến độ khi vừa kịp nhận ra mình không còn trẻ nữa thì hắn đã già. Và chưa kịp nhận ra mình đã già thì hắn đã vĩnh viễn chẳng còn nhận ra gì nữa cả.
Hoa nở…
Nếu cụ Nguyễn Du có câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thì Tầu cũng có hai câu thơ cổ gần như tương tự “Đản sầu hoa hữu ngữ - Bất vị lão nhân khai”.
Hiểu theo nghĩa là “Nếu như biết nói, thì hoa sẽ buồn bã trả lời rằng hoa không muốn nở vì ….ông già”
(Nguyễn Hữu Nhật - Tiếng Việt hay quá)
Chữ nghĩa làng văn
Tiếng Việt đứng thứ 12 về số đông người nói (83 triệu) và có một nguồn gốc rất là đa dạng vì qua 2,3 ngàn năm nó đã mượn rất nhiều tiếng Tàu mà xài, rồi gần đây lại còn mượn hàng trăm tiếng một của Anh, Pháp mà nói.
Đó là một điều hay, rất hay, tiếng Việt dồi dào thêm, có thêm nhiều cách nói, nhiều ngữ vững, nhiều cách phô bày tư tưởng. Như trong câu nói sau đây: cho xe vô gara, rồi check giùm cái bình điện, nếu hết charge thì câu điện giùm, vô nhà coi công to [compteur] tháng này tiền nước bao nhiêu.
Có đến 6 ngôn ngữ khác nhau của cả thế giới trong câu nói ngắn đó mà ta không ngờ! (Việt, Tàu, Pháp, Anh, Mỹ).
(Nguyễn Hy Vọng - Cái tinh thần đặc biệt của tiếng Việt)
Tiếng Việt trong sáng
"Mộc", để chỉ sự tự nhiên, không sơn phết hay trang điểm gì. Như ,"Hôm nay, cô ấy để mặt mộc ra đường". Tuy nhiên, từ "mộc" cũng đã được dùng tại miền Nam trước 1975 trong những cụm từ như chiếu mộc, vải để mộc (không nhuộm), "đôi guốc mộc" hay "đôi đũa mộc" (có nghĩa là guốc hay đũa để "chay", không sơn phết hay tô điểm gì cả).
Nhưng, cẩn thận, phải đánh dấu thanh cho đúng; bởi lẽ, "mặt mốc" thì lại mang một nghĩa khác hẳn!
(Bùi Vĩnh Phú - Trên những đường bay của chữ)
Chữ và nghĩa
Đề cập tới - Chữ “cập” đã có nghĩa là tới, đến; cho nên dùng thêm những chữ tới, đến là thừa. Chúng ta nên biết như vậy, tuy nhiên theo thói quen người ta vẫn nói thừa cũng đành chịu.
Thông loại khóa trình
Gia Ðịnh Báo, kể từ số 6 có Thông loại khóa trình (Juillet 1888) có các bài văn vần, gọi là diễn Nôm của Trương Minh Ký làm để giải nghĩa các câu chữ Nho. Về nội dung gồm: Dạy chữ Nho (chữ Hán), dạy chữ Pháp (thời bấy giờ gọi là Phang sa hay Lang sa), giảng nghĩa về luân lý, khảo cứu về thi ca, phong tục. Sau đây là bài trích dẫn:
Hát nhà trò
Hát nhà trò là tục ngoài Bắc vô tới Nghệ-An, Hà-Tỉnh sông Gianh. Tại kinh thành Huế cũng có mà là đào ngoài Bắc rước vô dùng tại triều. Ngoài Bắc hể khi có đám tiệc, hội-hữu, hôn-tế, kì-yên, chạp-miễu, thì thường có hát nhà trò. Tùy theo ý chủ muốn, có khi kêu một đào một kép, có khi hai, có khi năm bảy hay là nhiều hơn mặc ý mình. Trải chiếu dưới đất, đào ra ngồi hát đó, kép cầm đờn đáy gảy ngồi lại một bên. Thường đào là con-gái có xuân sắc, chuyên tập nghề xướng-ca, ngâm-nga, múa hát, bắt-bộ v.v. tục kêu là cô-đào (đào B). Tay cầm quạt tay cầm sanh nhịp, miệng hát nhiều cung bậc giọng thấp cao ngân-nga hay và êm tai lắm.
Hát thì hát những là Ca-trù, hoặc giậm Túy-kiều, Tần cung-oán, Chinh-phụ- ngâm, thơ phú hoặc kể truyện. Có người đánh trống nhỏ cầm chầu hoặc là chủ đám, hoặc là người chủ nhường mời. Hát cũng có khi đứng khi ngồi, khi múa tay, bắt bộ. Lại có khi bắt đào quình tương rượu cho khách, là bắt tay bưng chén rượu, chơn bước khoan- thai, miệng hát câu chi cho tình ưa ý khuyên mời khách uống, đem lại dâng đưa vô tới miệng.
(Huỳnh Ái Tông - Báo chí)
Giai thoại làng văn 54-75
Đó là vào đầu năm 1953, tôi (Thanh Nam) mới từ Hà Nội vào Sài Gòn. Anh Hồ Dzếnh lúc đó đang viết cho báo Thần Chung của ông Nam Đình, vừa dịch tin vừa viết feuilleton cho báo đó dưới bút hiệu Lưu Thị Hạnh. Chân ướt chân ráo tới Sài Gòn, tôi tìm đến Hồ Dzếnh ngay, bởi tất cả nhà văn sống ở Sài Gòn hồi đó, tôi chỉ quen có mỗi mình Hồ Dzếnh, tôi đến tìm Hồ Dzếnh vào lúc trưa. Anh Dzếnh giới thiệu tôi với ông Nam Đình lúc đó đang bận rộn với mấy hàng tít lớn trên báo chí khẽ gật cái đầu chào lại tôi rồi lại cắm cúi xuống trang bài vở còn ướt mực trên bàn.
Hồ Dzếnh kéo tôi ra khỏi tòa soạn và nói: “Sống ở trong Nam này cần phải dễ dãi một chút. Từ ăn đến mặc, cần ngon, cần tốt”.
Sang vấn đề viết văn làm báo, anh khuyên tôi nếu muốn sống được với cái nghề viết ở trong Nam thì cần phải viết những tiểu thuyết có tình tiết hấp dẫn, văn phải cho sáng sủa, giản dị chứ không cầu kỳ, bóng bẩy, xa xôi v.v... Cả một bữa trưa hôm đó, Hồ Dzếnh giảng cho tôi những bí quyết viết cho ăn khách ở miền Nam qua kinh nghiệm của anh trên báo Thần Chung. Tôi nhìn bậc đàn anh của mình lúc đó nói về nghệ thuật viết feuilleton cho báo hàng ngày mà không thể nào nghĩ được rằng đó là một Hồ Dzếnh thi sĩ của những bài thơ:
“Trên đường về nhớ đầy,
chiều chậm đưa chân ngày”
và
“Em cứ hẹn
nhưng em đừng đến nhé,
nếu trót đi em hãy gắng quay về,
đời hết vui khi đã vẹn câu thề,
tình chỉ đẹp khi còn dang dở...”
Tôi thất vọng, thất vọng hết sức và từ biệt Hồ Dzếnh ra về. Có lẽ mình phải trở về Bắc mất thôi. Trên đường về tôi đã tự nhủ như vậy khi nhớ lại buổi nói chuyện với Hồ Dzếnh trong quán cóc cạnh tòa soạn báo Thần Chung.
Nhưng rồi, tôi đã trở lại Sài Gòn, làm báo viết văn hăng hơn ai hết, trở thành một thứ ký giả miền Nam ngay cả trong lối hành văn và trong đời sống nghề nghiệp, khiến nhiều độc giả cũ đinh ninh tôi là người miền Nam viết văn. Hơn 20 năm, bao nhiêu biến đổi, giờ này nếu Hồ Dzếnh còn sống chắc cũng đã già yếu lắm, gần 60 tuổi rồi... không rõ anh có còn nhớ câu chuyện viết feuilleton làm sao cho ăn khách trong một quán cóc vô danh đường Nguyễn Văn Thinh Sài Gòn? (Thanh Nam - Hồi ức về thi sĩ Hồ Dzếnh)
Tiếng Việt dễ và chẳng…dễ thương
Điều kiện ắt có và đủ tạo thành cái chợ là:
“2 người đàn bà + 1 con vịt”.
(ĐatViet.com - Trau giồi tiếng Việt)
Từ điển với tiếng Việt
Với cuốn Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê xuất bản tại Hà Nội, được Phạm Văn Đồng khen ngợi là: “Chuẩn hóa tiếng Việt và giữ gìn trong sáng cho tiếng Viêt”.
Tự điển định nghĩa:
Cây là thực vật có lá, thân mộc, thẳng.
Định nghĩa như vậy thì sen, súng, hồng, cúc, bầu, bí không được gọi là…cây nữa. Vì chúng làm gì có thân mộc và thẳng.
(Đặng Trần Huân - Chữ nghĩa bề bề)
Tiếng Việt không đơn giản
Hỏi: Xin bà con đừng cười vì em út dốt lắm. Em út có chút thắc mắc: sao cứ hễ nói đến vấn đề “lập gia đình” (?) người ta lại sử dụng các từ ngữ có liên quan tới chữ vu quy..v..v…Xin cảm ơn.
Đáp: Theo quyển “Thi kinh dịch chú” thì chữ vu từ câu “Vãng quy phu gia” là có nghĩa là đi về nhà chồng. Chữ quy dùng một mình có nghĩa là "đi về". Thí dụ: Quy y tam bảo hay vinh quy bái tổ.
Chữ vu trong vu sơn không có liên hệ gì đến chữ vu trong vu quy. Theo điển tích, vua Sở nằm mơ thấy nữ thần núi Vu Sơn đến giao hoan với mình, khi từ biệt nàng nói:
"Thiếp ở trên núi Vu Giáp, nơi cao sơn, sớm ở Vu Sơn làm ra mây, tối làm ở Dương Đài ra mưa."
Do điển tích này, người sau ta gọi việc giao hoan là chuyện vu sơn, chuyện mây mưa.
(ĐatViet.com)
Giai thoại làng văn
Số phận của bản thân Thanh Tịnh buồn thật buồn nên ông hay nói chuyện vui, nói đùa. Có lẽ chính vì đời buồn quá nên ông phải cố cười cho quên đi. Ngồi với ông hôm ấy (19.9.1982), ông kể tôi nghe nhiều chuyện vui. Tôi chỉ còn nhớ chuyện như sau:
- Anh có biết thế nào là chủ nghĩa xã hội khoa học không? Khoa học thì phải thí nghiệm. Khoa học khác thì thí nghiệm trên loài vật. Còn chủ nghĩa xã hội khoa học thì thí nghiệm trên loài người.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)
Ngư là…cá
Người Quảng Đông phát âm ngư là “dư”. Vì vậy trong tiệm ăn họ nuôi cá trong hồ gần quầy tính tiền để tiền bạc..dư dả. Theo phong thủy, ở nhà họ nuôi cá trong hồ ngoài vườn để gia đình dư ăn dư mặc theo khuôn mẫu: Từa cửa sau là “môn” có lối đi tới hồ cá là “cuống họng” và đến bao tử là…cái hồ cá.
Nhưng đặt hồ cá trước cửa ra vào thì lại…dư chồng. Hay nếu nhà có con gái thì rắc rối chuyện chồng con hay ế chồng.
Đất bằng nổi sóng
Qua chữ nghĩa văn chương, nhiều người viết “đất bằng nổi sóng…”. Câu này từ “bình địa khởi phong ba” chỉ chuyện đang bình thường mà có chuyện không hay xẩy ra.
Từ chữ “ba” trên mặt đất đến chữ “ba” dưới mặt nước và rất thường xẩy ra là “sắc bất ba đào dị nịch nhân”, ám chỉ “sắc người đàn bà không nguy hiểm như sóng lớn ngoài biển nhưng vẫn làm cho người ta chết đuối”
(Nguyễn Ngọc Phách - Bút chiến ở miệt dưới)
Ăn mày chữ nghĩa
Thiền sư hỏi đệ tử:"Như thế nào mới gọi là nhỏ?".
Đệ tử:" Thưa, không nhìn thấy".
Thiền sư:" Như thế nào mới gọi là lớn?".
Đệ tử:" Thưa, không thấy bờ bến".
Thiền sư:" Thế nào là không thấy bờ bến?".
Đệ tử đành trả lời:" Là nhìn không thấy!".
Thiền sư trả lời:" Vậy thì nhỏ tức là…lớn".
Tiếng Tầu tiếng ta
Hỏi: Cái bàn tròn trong nhà hàng Tầu sao gọi là “thồi”.
Đáp: Người Tầu ưa ngồi bàn tròn, họ gọi là “viên đài”. Viên đài đọc theo giọng Quảng Đông là “dùyn thồi”. Người Việt ta bỏ chữ “dùyn” và kêu là “thồi”.
Giá sách cũ làng văn 54-75
Khu lều bạt Thăng Long, nơi tạm trú sinh viên Hà Nội di cư, nằm ngay trung tâm thành phố trên đất Khám Lớn Sài Gòn cũ, tháo dẹp. Sinh viên chuyển vào Đại Học Xá Minh Mạng, dù công trình xây cất chưa hoàn tất.
Đặc san Lửa Việt của Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội, do anh Trần Thanh Hiệp làm chủ nhiệm, anh Nguyễn Sỹ Tế làm chủ bút, sau số Xuân Chuyển Hướng, cũng ngưng xuất bản. Bấy giờ là năm 1955. Di cư đã đến hồi vãn cuộc. Hà Nội khuất biệt từ tháng Mười năm trước. Sài Gòn vẫn còn những mới mẻ, những hứa hẹn trong con mắt người di cư.
Chúng tôi - các anh Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, và tôi - gặp nhau, cùng làm việc, quen dần nhau qua mấy số Lửa Việt - nơi đã in vở kịch Trắng Chiều của anh Tế viết khi còn ở Hà Nội, các truyện ngắn Chàng Nhạc Sỹ, Gìn Vàng Giữ Ngọc của anh Sỹ và một vài bài thơ của tôi - đồng ý cần có tờ báo của mình để viết cho sướng tay, để may ra đóng góp được cái gì cho công cuộc chung.
Trong khi chờ anh Hiệp tìm kiếm nguồn tài trợ, chúng tôi nhận hợp tác với nhật báo Hòa Bình của anh Vũ Ngọc Các, làm trang Văn Nghệ hàng tuần cho tờ báo. Tôi được giao phó công việc đầu bếp lo việc sắp xếp bài vở cho trang báo. Nhờ trang báo chúng tôi gặp thêm bạn: Mai Thảo.
(Thanh Tâm Tuyền - Trong đất trời nhau....)
Tiếng Tầu với người Tầu
Tiếng Tầu “nữ” là con gái, “nam” là con trai.
Hai chữ “nữ” và “nam” ghép thành một là chữ “hẩu”…là tốt. (Phụ chú: Hẩu lớ!)
Truyện ngắn
Truyện ngắn bao nhiêu để không thành truyện quá dài (hay vừa), như truyện ngắn Thác đổ sau nhà của Võ Phiến dài 44 trang, và Cái chết của lão Ivan Llych của Leo Tolstoi dài 40 trang.
Những truyện khoảng 3 hay 4 trang ít nhân vật, thời gian và không gian co hẹp, không thể để diễn tả hết ý câu chuyện. Hay nói cách khác nó chưa đủ dài hơi để phân tích các tình huống hay tâm lý nhân vật trong chuyện kể.
Vì vậy truyện khoảng 20 trang trở lại được xếp vào truyện vừa.
(Như Hoa Lê Quang Sinh – Tạp chí Tân Văn)
Phù vân
Phù là nổi. Đám mây nổi. Chỉ cái không bền, được đó mất đó.
Hễ ai đức thịnh thì hơn
Còn hơn phú quý phù vân kể gì
(Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải)
Tiếng và chiếc
Bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế được cụ Tản Đà phóng tác thành thơ:
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến còn vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Theo ngâm sĩ Hồ Điệp thì “Trăng tà chiếc quạ kêu sương” mới đúng trong nguyên tác của cụ Tản Đà mà bà có trong tay. Vì “chiếc” mới gợi lên ý thê lương của con chim lạc bầy trong đêm vắng cùng người lữ khách mất ngủ ở dưới đò. Đồng thời tránh lập lại hai chữ: “Tiếng quạ và tiếng chuông”.
Viết hoa tước vị
Có viết hoa tước vị, cấp bậc, chức vụ hoặc biệt hiệu không? Mặc dù điểm này từng đề cập ở phần viết hoa tu từ, song giờ đây cũng nảy thêm thắc mắc.
Viết Đại úy Út Đen hay đại úy Út Đen hoặc đại úy Út đen? Viết Xuân tóc đỏ hay Xuân Tóc Đỏ nhỉ?
(Nguồn: e-cadao.com)
Xuất xứ bài thơ Chùa Hương
Nguyễn Nhược Pháp, sinh ngày 12/12/1914, quê làng Phượng Vũ - Phú Xuyên - Hà Tây. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu sự nghiệp viết báo, làm thơ, truyện ngắn và kịch. Ông mất năm 24 tuổi, tấm lòng trắng trinh như hồi còn thơ".
Trong bài thơ Chùa Hương, chàng thi sĩ 20 tuổi đã thể hiện tình cảm của mình với cô bé 15 tuổi thanh tao đến thánh thiện, đằm thắm mà không ủy mị, nồng cháy mà vẫn thanh lịch, trữ tình mà tinh tế, cả tâm hồn và hiện thực hoà quyện vào nhau hài hoà khiến Chùa Hương có vị trí xứng đáng trong thi đàn.
Thi phẩm Chùa Hương ra đời trong hội Chùa Hương năm 1934, ông Nguyễn Vỹ và hai người bạn nữ sinh Hà thành đi trẩy hội. Đến rừng mơ, hai văn nhân gặp một bà mẹ cùng cô gái độ tuổi trăng rằm vừa bước lên những bậc đá vừa niệm phật "Nam mô cứu khổ quan thế âm Bồ Tát”. Vẻ đẹp thánh thiện mang nét chân quê của cô gái đã hớp hồn hai chàng thi sĩ khiến họ trân trân nhìn quên cả hai bạn gái cùng đi. Nguyễn Nhược Pháp lại gần hỏi. "Tại sao trông thấy chúng tôi cô lại không niệm phật nữa?". Cô gái bối rối, thẹn thùng như muốn khóc. Hai người bạn gái giận dỗi, họ bỏ đi. Lúc bừng tỉnh, hai văn nhân không thấy các cô đâu vội len thốc len tháo, lách qua những dòng người đang trẩy hội nhưng tìm đâu cho thấy. Mệt và ngán ngẫm, hai thi sĩ quay lại tìm cô gái chân quê thì cả hai mẹ con cũng đã lẫn vào dòng người. Đêm đó, Nguyễn Nhược Pháp không sao chợp mắt được. Hình ảnh cô gái chân quê đi Chùa Hương khiến ông xúc động viết lên những vần thơ có sắc màu tươi vui, hình ảnh ngộ nghĩnh, cả hồn người lẫn vẻ đẹp của ngày xưa hiện lên trên từng câu, từng chữ:
Hôm qua em đi chùa Hương
Hoa cỏ còn mờ hơi sương ….
Thẹn thùng em không nói
“Nam mô A Di Đà"...
Đến nay, bài thơ Chùa Hương đã tròn 70 tuổi, Nguyễn Nhược Pháp đã qua đời được 65 năm, song Chùa Hương cùng tên tuổi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp vẫn sống mãi với thời gian.
Da Bà Bầu
Da Bà Bầu là tên của một con đường trong Chợ Lớn. Tên đường này làm nhiều người ngạc nhiên vì không phải tên của một danh nhân nào. Nghĩa của Da Bà Bầu là quán của bà Bầu dưới gốc…cây da.
(Phạm Đình Lân)
Người xưa cảnh cũ
Đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn (trước 1956 tên là Colonel Grimaud) khởi đầu từ ngã tư có rạp xi-nê Khải Hoàn nơi gặp nhau của ba con đường Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão. Đường có chợ Thái Bình, có rạp xi-nê Thanh Bình, tòa soạn nguyệt san Văn, nhà in Nguyễn Đình Vượng.
Xóm Sáu Lèo, một bên là dẫy tường Nhà ga hỏa xa Sài Gòn, một bên liền một dẫy năm, bẩy nhà in, tòa soạn báo như nhà in Thư Lâm Ấn Quán, tạp chí Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ, tòa soạn nhà in tuần báo Điện Ảnh, nhật báo Tiếng Vang của ông Quốc Phong, tòa soạn nhà in Thế Giới, tòa soạn nhà in báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà..v..v..
(Hoàng Hải Thủy – báo Sài Gòn Nhỏ)
Tiếng Việt sao lắt léo thế
Về cách biến thể của những câu nói, chỉ cần 6 tiếng “Tôi bảo anh về nhà nó”, người Việt có thể sắp xếp thành 74 (bẩy mươi tư) câu không giống nhau:
Tôi bảo anh về nhà nó
Tôi bảo nó về nhà anh ….
Tôi bảo nó anh về nhà
Anh bảo tôi về nhà nó
(Duyên Hạc - Trau giồi tiếng Việt)
Ca dao
Trong ca dao dân gian có câu:
Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời bằng cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời.
Bốn câu trên xuất xứ từ sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn:
Minh nguyệt muội tưởng hắc dạ
Muội tọa, muội khỏa thế sự xuất
Thế sự như diệp đa
Hắc tựa khẩu khuyển, trảm phụ thế sự
Những người muôn năm cũ
Tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền của Mai Thảo có bài “Không hiểu” được khắc trên mộ bia của chính ông ở Nam Cali:
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi
(Nguyễn Văn Quảng Ngãi - Dõan Quốc Sĩ, một tâm hồn…)
Tại sao gọi là rượu vang?
Tranh dân gian Đông Hồ, mầu đỏ lấy từ lá cây vang mầu đỏ. Vì vậy sau này rượu đỏ (vin) của người Pháp được gọi là rượu vang chăng?
Hỏi ngã
Tiếng An Nam ta giọng lên giọng xuống có đến tám âm, vì cớ ấy nên lúc trước đặt chữ Quốc ngữ phải đặt ra năm dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã.
Ngày nay ở Bắc kỳ cũng dùng đủ năm dấu. Còn ngày xưa, các ông tiền bối ở Nam kỳ ta như ông Trương Vĩnh Ký, ông Huỳnh Tịnh Trai cũng viết Quốc ngữ đủ năm dấu, không hề bỏ dấu ngã.
Nhưng mà vì lâu đời rồi giọng nói đổi lần đi, ngày nay người Nam kỳ ta chỉ nói được bốn dấu mà thôi, không nói được dấu ngã, cũng như nhiều người không nói được vần “V” vậy. Đã không phát âm (prononcer) được thì chẳng biết lấy gì làm tiêu chuẩn để mà phân biệt dấu ngã và dấu hỏi. Song theo lẽ thì không bỏ được, bởi vì sự phân biệt của chữ ta nó có một phần ở đó.
Muốn viết cho đúng dấu hỏi dấu ngã thì người ta bày cách như vầy: Hãy đọc tiếng nào mà nghe nó chìm xuống như cái gáo trong ang nước chìm luôn đi, ấy là dấu hỏi; còn tiếng nào chìm xuống rồi lại như cái gáo nổi lên, ấy là dấu ngã. Phân biệt như vậy là rành lắm, và cái thí dụ ấy thật là tài tình, song nói thiệt mà nghe, cái phương pháp ấy không theo được. Không theo được là vì mình đã không phát âm được, không đọc được, thì còn làm thế nào biết nó là nổi hay là chìm?
Chỉ có một phương mà thôi, là: Phải giở tự điển Trương Vĩnh Ký ra mà học. Hễ chữ nào hỏi thì theo hỏi; chữ nào ngã thì theo ngã.
Trong chúng tôi có người nào viết Quốc ngữ đúng, cũng chỉ dùng một phương thần hiệu ấy mà thôi.
(Phan Khôi – Về chữ Quốc Ngữ)
Chữ và nghĩa
Ẩu đả, ẩu tả – Nhiều người dùng lộn hai từ này. Hai chữ này đều “ẩu” nhưng chữ Hán khác nhau. Ẩu đả là đánh nhau, trong chữ Ẩu có bộ thù là ngọn giáo. Ẩu tả, nghĩa là làm bậy bạ; chữ ẩu có bộ khẩu nghĩa là nôn mửa, còn chữ tả nghĩa là đi tiêu phân lỏng vừa ẩu vừa tả thì nó tùm lum ra (giống như thượng thổ, hạ tả).
(Ngô Nhân Dụng – Phiếm khảo)
Quán cóc
Thú thật lúc Hồ Dzếnh đưa tôi vào quán cóc bên lề đường, mời tôi một chai lave với một tô mì khô hai vắt. Đợi tôi ăn hết tô mì, Hồ Dzếnh hỏi tôi:
- Cậu thấy thế nào?
- Anh nói cái món mì này hả?
Tôi thành thật cho Hồ Dzếnh biết là cái thứ mì này thua xa mì Hà Nội. Đói thì ăn hết vậy thôi chứ không thấy ngon gì hết.
Hơn 20 năm, bao nhiêu biến đổi, giờ này nếu Hồ Dzếnh còn sống chắc cũng đã già yếu lắm... không rõ anh có còn nhớ câu chuyện trong một quán cóc vô danh đường Nguyễn Văn Thinh Sài Gòn? Riêng tôi thì sau hơn hai chục năm lăn lóc trong làng báo miền Nam, những quán cóc lề đường của Sài Gòn đã trở thành một kỷ niệm không bao giờ có thể quên. Số thời gian la cà trong quán cóc của tôi có thể nói là ngang với thời gian ngồi trong các tòa soạn viết bài.
Sài Gòn đổi mới, nên Sài Gòn dẹp bỏ những quán cóc đó. Chuyện này đối với những người khác thì chẳng có ý nghĩa gì, nhưng với tôi đó là một trong số những tin buồn từ quê nhà đưa sang. Bởi từ hình ảnh những quán cóc đó, tôi nhớ lại những con đường quen thuộc Sài Gòn mà tôi đã qua lại nhiều lần trong một ngày, những con đường mang tên Phạm Ngũ Lão, Võ Tánh, Lê Thánh Tôn, Phát Diệm. Nhớ đến những bảng hiệu Tiếng Vang, Nghệ Thuật, Tia Sáng, Trắng Đen, Kịch Ảnh, những buổi trưa cùng một số anh em từ các tuần báo đổ về họp mặt. Mỗi buổi trưa trở thành một buổi hội khó quên. Biết bao nhiêu bộ biên tập đã được khai sinh từ những buổi trưa họp mặt đó, bên cạnh những đĩa tôm khô, củ kiệu, những đĩa xì oát, những tô mì khô, những trái soài tượng chấm mắm ruốc, những trái ổi xanh bên những chén muối ớt đỏ tươi, những con khô mực nằm kề bên chén tương pha trộn hai màu đen đỏ, những dãy vỏ chai 33 sắp hàng theo chiều dọc chiều ngang của từng chiếc bàn gỗ ọp ẹp...
Bây giờ, nhiều lúc thấy thương, thấy nhớ, thấy thèm hết sức cái không khí quán cóc những buổi trưa nào ở Sài Gòn thuở xưa.
(Thanh Nam – Hồi ức về thi sĩ Hồ Dzếnh)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Con gái, đàn bà toàn diện là:
“Trưa diện, chiều diện, tối diện”.
Tục ngữ Ta và Tầu
Chồng ăn chả, vợ ăn nem
Công yếu bột bột, bà yếu miến
(Ông muốn ăn bánh, bà muốn ăn…mì)
(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)
Gỡ rối tơ lòng
Bà Tùng Long là người đầu tiên khởi xướng mục “Gỡ rối tơ lòng” trên nhật báo Sài Gòn và “Tâm tình cởi mở” trên tờ Tiếng Vang.
Bà tên thật là Lê Thị Bạch Vân. Trước bà học Đồng Khánh, Huế, sau học trường Gia Long (trường áo tím). Năm 1952 bà dậy Việt văn và Pháp văn tại trường Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauries. Khi viết “feulleton” cho báo bà lấy bút hiệu là Tùng Long và bà có khoảng 50 tác phẩm đã xuất bản như Tình duyên, Tình và nghĩa, Giòng đời..v..v..
(Trần Yên Hòa – báo Sài Gòn Nhỏ)
Nữ nhà báo đầu tiên
Nữ sĩ Manh Manh Nguyễn Thị Kiêm là nữ nhà báo đầu tiên với tờ Lục Tỉnh Tân Văn vào những năm 1930-1934, ngoài ra bà còn viết truyện và làm thơ.
(Nguyễn Công Khanh – Lịch sử báo chí Sài Gòn)
Chữ nghĩa làng văn
Tiếng Việt đứng thứ 12 về số đông người nói (83 triệu) và đang lan ra khắp thế giới tự do từ cái biến cố 1975. Nó có một nguồn gốc rất là đa dạng vì qua 2,3 ngàn năm nó đã mượn rất nhiều tiếng Tàu mà xài, rồi gần đây lại còn mượn hàng trăm tiếng một của Anh, Pháp mà nói.
Một chuyện lạ hơn nữa là, cách đây mấy ngàn năm, ngoài tiếng Tàu ra, ông bà ta còn dùng và xài không biết bao nhiêu là tiếng nước ngoài ở Đông nam Á châu mà ta cứ tưởng đâu là tiếng Việt của ta, không ngờ đó là tiếng nói của biết bao ngôn ngữ láng giềng, mà lại không phải là tiếng Tàu.
Thí dụ ta nói “tha thiết thiết tha”, hay “vắng vẻ”, hoặc “đủng đỉnh” đó là tiếng Thái. “vơ vẩn vẩn vơ” đó là tiếng Lào. “chân tay, chân mây” là tiếng Khmer. “một ngày, một hai ba bốn năm” là tiếng Miên. Người Việt nói cái “dùi cui” hay thì 250 triệu người Indonesia và Malay cũng nói là “đulkul” cùng một nghĩa…y hệt!.
(Nguyễn Hy Vọng - Cái tinh thần đặc biệt của tiếng Việt)
Tiểu đối
Hỏi: Trong thi ca Việt Nam có phần “tiểu đối” là gì. Xin cho biết.
Đáp: Tiểu đối là câu thơ trên đối nhau với câu thơ dưới…
Hoa giải nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông
Hai câu trên trong Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm.
Bẩy chữ tám nghề
Này, con thuộc lấy làm lòng
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề...
(Kiều).
"Bảy chữ, tám nghề" là một bộ kinh, có thể đã được soạn trước cả Ngũ kinh của Nho giáo. Một pho sách dạy nghề, hướng nghiệp, được biên tập công phu như những bài mẫu luận văn tốt nghiệp đại học. "Bảy chữ, tám nghề" là của quý, đáng được nhét vào chỗ kín trong mọi tủ sách gia đình.
"Bảy chữ" là bảy mẹo quyến rũ khách làng chơi:
- Khấp (khóc), tiễn (cắt tóc), thích (xâm tên), thiêu (đốt hương thề), giá (hẹn hò), tẩu (đi trốn), tử (doạ chết).
"Tám nghề" là tám cách gãi đúng chỗ ngứa của khách hàng: Kích cổ thôi hoa (dùng cho khách nhỏ con), kim liên song tỏa (khách to béo), đại xiển kì cổ (khách nóng tính), mạn đả khinh khao (khách chậm chạp), khẩn thuyên tam trật (khách mới vỡ lòng), tả trì hữu trì (khách thạo đời), tỏa tâm truy hồn (khách si tình), nhiếp thần nhiệm tỏa (khách lạnh lùng). Không phải là nhà nho thì khó mà thuộc lòng được bộ cẩm nang.
Vậy mà Kiều được Tú Bà dạy "bảy chữ, tám nghề".
(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)
Tiếng Bắc tiếng Nam
Hồi năm 1955, quân đội Quốc Gia đánh Bình Xuyên. Quân Bình Xuyên rút vào Rừng Sát.
Một anh Bắc kỳ di cư làm trong ban truyền tin của chiến dịch. Một buổi sáng anh nhận được báo cáo: Phe ta bắt được ba “ghe” của địch. Anh đánh điện hỏi đi hỏi lại mà vẫn không hiểu tại sao đi hành quân chiến dịch, quân địch không bắt mà đi bắt…“ghe”.
Sau anh mới hiểu tiếng Bắc “cái ấy” thì tiếng Nam là cái thuyền.
Sau đi vào chữ nghĩa làng văn “cái ấy” được gọi là con “ghệ”. Cái hay con, “ghe” hoặc “ghệ” cùng gần gũi với chuyện sông nước.
Ca dao tình tự
Buồn tinh nằm ngửa chình inh,
Không ai nằm úp lên minh cho vui.
"Nhà sư" là thầy tôi
Năm 1980 tôi được xem mấy tấm tranh dân gian Oger. Thích quá. Mặc dù chả hiểu gì cả. Tôi lật xem tấm tranh vẽ nhà sư. Bốp! Như bị thầy tát vào má. Tôi sửng sốt, ngạc nhiên. Tên tấm tranh "Nhà sư" của tôi được viết bằng 4 (bốn) con chữ. Lạ nhỉ, từ trước đến giờ tôi cứ tưởng là chữ Tàu, chữ ta thì mỗi chữ đọc một âm. Thế mà rõ ràng ở đây bốn chữ tên tranh lại được Viện từ điển bách khoa đọc là “Nhà sư", nghĩa là chỉ có hai âm thôi. Trước mắt tôi, "Nhà sư" có vấn đề! Láo nào. Biết gì mà nói leo. Học chữ thánh hiền kiểu này thì chỉ tổ toi cơm. Ấm ức, nhưng tôi vẫn bướng bỉnh, tiếp tục lần mò thêm. Sau vài lần do dự tôi lấy quyết định... học chữ Nôm.
Ít lâu sau tôi mua được cuốn Chữ Nôm của Đào Duy Anh và Học chữ Nôm của Vũ Văn Kính. Dần dần hiểu được phương pháp cấu tạo của chữ Nôm. Muốn học chữ Nôm thì phải biết... chữ Hán. Ối giời đất ơi! Hán, Nôm đều mù tịt thì biết đường nào mà mò? Lặn lội mua cho được Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, thêm Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, kiếm thêm được Bảng tra chữ Nôm của Viện Ngôn Ngữ học, Bảng tra chữ nôm của Vũ Văn Kính, bộ giáo trình Cơ sở ngữ văn Hán Nôm của Lê Trí Viễn. Quý nhất là Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của...
Tôi chỉ tham vọng học được ít chữ để đọc được mấy cái tên tranh kia thôi. Sau một thời gian "đèn sách", tôi đọc được bốn chữ của tranh "Nhà sư". Tên đầy đủ là "Nhà sư lắc chuông". Bây giờ mới yên tâm là chữ Nôm viết bốn chữ thì đọc thành...bốn tiếng.
Trong cái rủi thường ẩn chứa cái may. Nhờ có "Nhà sư" của Viện từ điển bách khoa tôi mới quyết tâm học chữ Nôm. Học chữ Nôm lại biết được một tí chữ Hán. Đúng là "Nhà sư" đã khai tâm chữ Nôm cho tôi. "Nhà sư" xứng đáng là thầy tôi.
(Nguyễn Dư - Chimviet.free.fr)
Chữ nghĩa biên khảo: Đình không phải đền
Làng Việt Nam nào cũng có một cái đình, nhà công của làng, nơi thờ thành hoàng nơi hội họp, hội hè, tế lễ, hát chèo, diễn tuồng. Đình kiến trúc không nặng nề, rườm rà, tạo một vẻ oai nghiêm nhất định. Ðình không đè lên, át lên phong cảnh xung quanh những cây cổ thụ, đa hay muỗm, điểm thêm một nét bí ẩn nhưng không biến đình thành một cái đền trang nghiêm và linh thiêng.
Ðến đây dân làng thoải mái như ở nhà mình, người ta có thể trò chuyện thỏa thích, thậm chí có thể cãi nhau và cũng chẳng ai cấm đoán những câu bông đùa cợt nhả và cả những lời thô tục.
(Trần Văn Cẩn - Việt Nam điêu khắc dân gian thế kỷ XVI-XVIII)
Con gì ngu nhất
Quan bác là nhà văn. Vậy chứ đệ hỏi quan bác một câu:
- Con gì ngu nhất?
- Con bò chứ con gì.
- Ắt hẳn chưa là thế.
- Lạ nhẩy.
- Vậy chứ huynh có thấy con bò gặm cỏ không? Chúng biết chọn cỏ non mà gặm, chừa cỏ già, cỏ héo ra. Nếu có đống cứt trên cỏ chúng biết né. Chỉ ăn cỏ chứ không ăn cứt.
- Đệ hiểu ý quan bác muốn nói…con gì rồi.
- Vậy không phải vậy! Vì: “Chó dại từng mùa, người dại quanh năm”, thưa bác.
- Ừ nhể.
Báo chí miền Nam 54-75
Trong địa hạt báo chí, Sàigòn xưa nay vẫn là trung tâm của báo chí, ngoài những nhật báo lớn đã xuất hiện từ trước, như tờ Thần Chung, sau đổi thành Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, Sài Gòn Mới của bà Bút Trà v.v.. khi người Bắc di cư vào Nam có thêm tờ Tự Do, tiếp đến Ngôn Luận. Đó là những nhật báo lớn có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Hoạt động báo chí ở Saigòn càng ngày càng phát triển, theo Vũ Bằng, đến tháng 12 năm 1963, ở Sài gòn có tới 44 tờ báo ra hàng ngày.
Tự Do là nhật báo đầu tiên của người di cư, quy tụ những tên tuổi như: Tam Lang (Vũ Đình Chí), Mặc Thu (Lưu Đức Sinh), Mặc Đỗ (Đỗ Quang Bình), Vũ Khắc Khoan, Như Phong (Lê Văn Tiến); Nguyễn Hoạt (Hiếu Chân), Đinh Hùng (Hoài Điệp Thứ Lang, Thần Đăng), Phạm Tăng...
Theo lời nhà văn Mặc Đỗ: "Nghị định cho phép Tự Do xuất bản do chính tôi ký (lúc ấy ông làm việc ở Bộ thông tin cùng với Vũ Khắc Khoan), tôi tập hợp ban chủ trương. Có giấy phép rồi phải lo tìm vốn. Từ phút đầu tôi nghĩ ra và bàn với Khoan đồng ý cho tới ngày cuối cùng của tờ báo tuyệt đối không một ảnh hưởng nào từ bất kỳ đâu tới đường lối và hoạt động của tờ Tự Do (...) Ban chủ trương chỉ có Tam Lang, Vũ Khắc Khoan, Đinh Hùng, Mặc Thu, Như Phong và tôi. (...) Anh Tam Lang chủ nhiệm lo điều hành, Mặc Thu lo trị sự tiền bạc, Vũ Khắc Khoan là người trực tiếp liên lạc với bên ngoài. Tự Do tự nó đứng vững nhờ lập trường hợp với độc giả di cư và còn có lời là khác…" .
(Thụy Khuê – Văn học miền Nam)
Thơ thiền
Trần Nhân Tông (1279-1284) là tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Ngoài thắng quân Nguyên, ngài thắng cả tự chính mình qua bài Cư trần lạc đạo dưới đây:
Bụt ở trong nhà, chẳng cần tìm xa
Vì quên mất gốc, nên ta tìm Bụt
Nay mới hay: Bụt chính là ta
Viết văn, viết báo
Văn chương, dưới mắt một số người, là những tác phẩm do người viết sáng tạo với chữ nghĩa văn hoa. Sáng tạo từ cốt truyện, nhân vật, lời đối thoại, bối cảnh, tả cảnh, tả người, tả tình.
Báo chí và những truyện không hư cấu cũng làm được những điều đó. Khác với người viết truyện, người viết báo không phải lo đến cốt truyện, nhân vật, đối thoại, tả cảnh cùng lời trong cuộc kể lại. Thực tế trong cuộc sống hàng ngày, nhiều chuyện xẩy ra còn ly kỳ hơn truyện hư cấu. Nhiều nhà báo biết kỹ thuật kể chuyện để tạo ra bài viết hay như tiểu thuyết và đôi khi còn hay hơn nữa.
(Vũ Thụy Hoàng - Múa bút)
Chữ nghĩa làng văn
Dưới đây là bốn câu thơ trong một bài thơ thất truyền của cụ Nguyến Khuyến:
Con gái nhà ai tắm vệ sông
Vú vê để hở váy quai cồng
Ước gì ta được mà ta để…
Ta để mà ta lại…để chung
Truyện cực ngắn - Chiến tranh
Ði lính hơn ba năm, hắn khoe hắn đã bắn chết đúng tám tên địch. Sang Úc, mỗi lần nhậu ngà ngà, hắn lại khoe khoang thành tích ấy. Bạn bè không tin. Hắn cởi áo và xắn quần lên khoe: trên lưng và dưới chân hắn còn thấy rõ tám vết sẹo. Bạn bè hắn cười: “Ông bị tám vết thương đâu có nghĩa là ông giết được tám tên địch.”
Hắn vẫn khăng khăng: “Thì có gì khác nhau đâu?”
Nhà to…to nhà
Một dị biệt căn bản giữa tộc Hán và tộc Việt về phương diện ngôn ngữ là trong cú pháp thông thường người Việt đặt định từ sau bị định từ (mettre le déterminant après le détermmé). Ta nói: “Nhà tôi có sân lớn” thì Người Tầu nói: “Ngã gia hữu đại đình”.
Nói một cách khác, để so sánh, thì cú pháp của người Việt tương đương với cú pháp của người Pháp. Còn cú pháp của người Tầu tương đương với cú pháp của người Anh.
(Thái Văn Kiểm)
Nói điêu
Điêu chữ Hán là gian giảo, gian ngoa. “Nói điêu” là tiếng Việt vay mượn từ chữ Hán.
Ngay cả tiếng gọi của nhà nông cũng…vướng mắc và chữ Hán, như: Cái ách là miếng gỗ cong quàng lên lưng trâu bò để buộc vào cái cày.
(Đào Duy Anh – Hán Việt từ điển)
Hôn phu, hôn thê
Người trong nước dùng những chữ vô nghĩa như “hôn phu” và “hôn thê”. Tiếng Việt chỉ có “phu” là chồng và “thê” là vợ. Nguyên chữ Hán là “vị hôn phu” (chồng sắp cưới) và “vị hôn thê” (vợ sắp cưới).
(Nguyễn Ngọc Phách – Chữ Nho & đời sống mới)
Chữ và nghĩa
Phiêu bạc - Người ta hay viết lầm ra phiêu bạt, không có nghĩa. Phiêu là trôi nổi không biết đi đâu, bạc là cái bến thuyền đậu.
(Ngô Nhân Dụng – Phiếm khảo)
Cửa và ô
Thành có khi đắp bằng đất, có khi xây bằng gạch, cũng có khi bên ngoài tường đất. Ngoài tường thành, người ta còn đào hào rộng và sâu có cắm chông để cản trở được hơn nữa sự công phá của đối phương. Vòng ngoài cùng thường được đắp bằng đất và có trồng tre bên ngoài nên còn được gọi là lũy.
Vì thành có nhiều người ở, nên ngoài thành, tự nhiên phải hình thành một khu vực bao gồm đủ mọi thành phần dân cư như thợ thủ công, người khuân vác, khiêng võng, kiệu, thầy lang, thầy đồ v.v. ở ngoài các phố. Khi xưa nói đến thành và thị (chợ) hay thành và phố (phố chợ như thành Bắc Ninh, thành Sơn Tây, thành Nam Ðịnh v.v.) Khu thị rộng hơn nhiều, bao gồm nhiều khóm phố thành phố chợ. Vòng ngoài, như trên đã nói, thường được gọi là lũy.
Những nơi có cả thành lẫn lũy thì lối ra vào thành được gọi là cổng hay cửa, cửa đông, cửa nam…
Lối ra vào chỉ có lũy không thôi thì lại được gọi là ô như ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền…
(Nguyễn Khắc Ðạm - Thành lũy, phố phường trong lịch sử)
Giai thoại làng văn
Theo Đại Nam Liệt Truyện: "Nguyễn Du là người tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì...''
Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, cử ông đi sứ lần nữa, nhưng lần này chưa kịp đi thì ông đột ngột qua đời. Đại Nam Liệt Truyện viết: "Đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi.
Ông nói: "Được" rồi mất; không trối lại điều gì."
Hát bội hay hát bộ
Người Tiều (Minh Hương) vì hoài cố quốc nên tối tối thường qua nhà nhau hát vài khúc ngắn, múa may theo điệu bộ của những tuồng tích cũ từ bên Tầu nên kêu là "hát bộ".
Theo cụ Vương Hồng Sển thì có khi kêu là “hát bội”, nhưng vì nhóm diễn viên lúc ấy đa số là thợ bạc. Họ kiêng cử hai chữ "bội" và "bạc" nên họ đổi thợ bạc là thợ vàng. Và hát bội là hát bộ.
Cụ cử Trịnh vịnh hát bội: “Hèn chi chúng nói bội là bạc - Bôi mặt đánh nhau cú lại thoi“.
(Vương Hồng Sển)
Chữ nghĩa trong câu đối
“Xuất đối dị, dị đối nan” hiểu theo nghĩa là “Ra đối dễ, đối lại khó” thế nên từ cổ chí kim, từ Bắc vào Nam chưa ai đối chỉnh dăm ba câu đối dưới đây:
- Da trắng vỗ bì bạch
- Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả
- Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi
(Nguyễn Kiến Thiết - báo Thời Báo)
Báo chí miền Nam 54-75
Ngoài Thanh Nam, Hoàng Hải Thủy vào Nam trước. Năm !954 Thanh Tâm Tuyền ra báo ngay trong trại tiếp cư thì ngay từ năm 1956, tuần báo Văn Nghệ Học Sinh mà tòa soạn ở đường Trần Hưng Đạo do một nhóm văn sĩ thi sĩ 15, 16 tuổi vừa cà phê, thuốc và làm báo là Nguyễn Thụy Long (Mạc Lan Giao), Đỗ Qúy Toàn (Đỗ Quý), Lê Đình Điểu (Lê Phi Điểu), Lê Tất Điều, (Ái Nhân), Dương Nghiễm Mậu (Hương Việt Hương), Viên Linh, Tú Kếu (Hoàng Bình Sơn)..v..v...
Nhờ hệ thống báo chí phát triển, quần chúng độc giả đông đảo đủ mọi thành phần. Tổng quát về báo chí, thành phần nhà báo, biên tập, bình luận thì quá nhiều và họ là những người viết chuyên nghiệp (feuilleton). Ngoài ra phóng viên và nhiếp ảnh báo chí miền Nam 54-75 khá đông như Nguyễn Hoàng Đoan, Vũ Ánh, Đỗ Ngọc Yến, Lý Đại Nguyên, Đường Thiên Lý, Lê Thiệp, Dương Phục, Nguyễn Tiến Sơn, Lê thị Bích Vân, Anh Điển, Nguyễn Tân Dân, Chóe Nguyễn Hải Chí, Nguyễn Tú, Điệp Mỹ Linh, Nguyễn Bá Quyền, Hùng Phong, Nguyễn Tuyển, Thục Viên, Triều Giang, Chu Vi Thủy, Dương Phục, Lê Phú Nhuận, Vũ Ngọc Long, Trùng Dương, Nguyễn Kinh Châu, Nguyễn Quý, Nguyên Thanh, Ngy Thanh, Đoàn Kế Tường, Phan Nhật Nam, Trần Ngọc Tự, v..v..
Tiếng Việt mình... khó quá!?
Miền Trung Việt Nam thường dùng từ "nẫu". Nẫu có nghĩa là họ, người ta, chúng nó... (ngôi thứ 3 số nhiều) Có ai rành về từ này hông?
(Trau giồi tiếng Việt - ĐatViet.com)
Viết văn, viết báo
Theo William Zinser, lịch sử báo chí cho thấy ngành viết không hư cấu đã trở thành văn chương mới và báo là loại văn chương mới và văn chương hay.
Người viết văn hay viết báo căn bản chỉ là người kể chuyện. Nhà văn kể chuyện ngắn, truyện dài qua sách. Nhà báo tường thuật sự việc trên báo. Nếu văn là chữ viết được trau chuốt, thì viết văn, viết báo đều là văn chương, là nghệ thuật. Và đừng quan tâm đến việc được gọi là nhà văn hay…nhà báo.
(Vũ Thụy Hoàng - Múa bút)
Ca dao trữ tình
Cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà nhảy ổ.
Cau phơi tái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ.
Văn Nam, văn Bắc
Quan sát sinh hoạt, còn thấy người Nam chịu ảnh hưởng Tầu rất rõ, nhưng là Tầu bình dân, như thích màu sắc thật tươi: xanh, vàng, đỏ. Nhiều món ăn gốc Tầu. Ngôn ngữ của người bình dân Nam bộ một mặt hết sức nôm na, chất phác (ruột, vỏ xe, hộp quẹt…vv…) một mặt lại hay pha chữ Hán (nóc gia, con lộ, quá giang, khổ qua, đau bao tử, làm đại đi..v…v…). Chùa chiền đặt ngay bên đường cái, quét vôi xanh xanh đỏ đỏ. Tượng Phật Bà đứng, nằm lồ lộ không kín đáo gì cả.
Tiểu thuyết Tầu (Tam quốc, Thủy hử, Chinh Đông chinh Tây…) và các loại truyện võ hiệp Tầu ảnh hưởng rất sâu vào văn chương Nam Bộ. Nhiều cây bút đầu thế kỷ XX phỏng theo truyện Tầu, viết về Phàn Lê Huê, Tiết Nhân Quý, Tiết Đinh San, v v.. Tiểu thuyết của Bửu Đình, Phú Đức thì bao giờ cũng xen vào những pha võ hiệp ly kỳ, giật gân. Các nhân vật tiểu thuyết Tầu còn nhập hẳn vào văn chuơng bình dân Nam Bộ thành nhân vật trong vè, dân ca…
Miền Bắc cũng ảnh hưởng Tầu nhưng không phải văn chương bình dân, tiểu thuyết bình dân, mà khai thác văn chương bác học, đặc biệt là thơ Đường, thơ Tống…Như thế là, về sự tiếp nhận văn hoá Trung Hoa, từ Bắc vào Nam, vẫn có sự khác biệt.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)
Văn hóa
Từ văn hóa có rất nhiều nghĩa khác nhau:
Theo nghĩa hẹp và thông dụng chỉ học thức, trình độ văn hóa…
Văn hóa theo nghĩa rộng chỉ những kiệt tác, tư duy, sáng tạo của con người về tư tưởng, học thuật (văn học nghệ thuật, khoa học, giáo dục). Tín ngưỡng, phong tục tập quán của dân tộc này khác với với dân tộc khác.
Từ văn hóa Đông phương “văn” có nghĩa là vẻ đẹp hay có giá trị.
(Trần Ngọc Thêm - Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Chữ nghĩa của một nhà văn học thời danh ở Hà Nội:
“Chớ dại mà hợm mình nói hết ra những gì mình biết, phải học "giả ngu" thì mới khôn ra được.
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao
Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng ngữ" và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau.
Dân gian đôi lúc dùng một tiếng Việt đồng nghĩa với một từ Hán Việt để chơi chữ:
Có răng nói thật đi nha
Lúc trăng đang tỏ thì hoa đang thì.
"Nha" là từ Hán Việt tương đương với từ thuần Việt "răng"! (Trần Minh Thương - Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)
Am, miếu, đền
- Ðình là nơi thờ thành hoàng đồng thời là nhà chung của làng xã.
- Miếu dành cho các thần được thờ cúng đều đặn, liên tục;
- Ðền, phủ là nơi thờ cúng của đạo giáo;
- Chùa hay am là nơi thờ cúng của Phật giáo.
(Tạ Chí Đại Trường - Thần, người và đất Việt)
Tiếng Việt nghèo nàn nhưng phong phú
Về Cái Răng, chỉ răng hỏi Cái Răng?
(ĐatViet.com - Trau giồi tiếng Việt)
Chữ nghĩa thập niên 20
Trùng dương - Trùng dương là ngày mùng chín, theo tục xưa thi nhân lên núi cao, cắm hoa phù du, uống rượu cúc và làm thơ.
Thu hứng - Trong làng văn, các cụ nhà nho rủ nhau lên núi uống rượu, làm thơ. Vả lại mùa thu, phong cảnh tiêu sái, nên thi nhân thường bi thu, mà làm ra thi văn nên gọi là thu hứng.
(Tôn Thất Lương - Xuân mộng)
Sửa thơ
Gặp chữ cổ ít dùng, có người đổi sang chữ thông thường hơn.
Thí dụ:
Nhà cửa tôi vay, tôi trả nợ,
Ai ngờ gái hóa việc quân vương!
(Lòng mẹ - thơ Nguyễn Bính)
Và đã bị sửa lại thành:
Ai ngờ gái góa việc quân vương!
Ðành rằng "gái hóa" hay "gái góa" nghĩa cũng như nhau, nhưng còn đâu cái phong vị cổ kính của câu thơ, của nếp sống ngày xưa khi mà người con gái đảm đang, trước khi về nhà chồng còn lo ngại không ai thay mình gánh vác chuyện gia đình?
Ðặt chữ "gái góa" vào miệng một bà cụ già thời cổ xa xưa nghe rất "vô duyên".
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – “Bách Việt” nói tiếng “Bách ngữ)
Cái khó khăn của người biên khảo
Khi hoàn tất một bài biên khảo thường mất nhiều công phu dù rằng chỉ là công việc đúc kết. Các tác giả biên khảo thường là những người viết có học vị cao, nghiền ngẫm hàng chục cuốn sách để cô đọng nên tác phẩm của họ. Nhưng không phải những công trình khổ cực ấy không có những sai sót mà những người viết sau căn cứ vào những chi tiết sai lầm đó để viết thành một tác phẩm khác sẽ trở nên một dây chuyền sai lầm mãi mãi.
Thiếu thực tế và suy luận chủ quan là hai nguyên nhân dẫn tới sai lầm. Nhưng nguyên nhân quan trọng chính là sự tin tưởng hoàn toàn vào sách cũ, không cân nhắc kỹ càng các tài liệu tham chiếu.
(Đặng Trần Huân - Cái khó khăn của người biên khảo)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Vợ là địch
Bồ bịch mới là ta
Khi chiến sự xảy ra
Ta buộc về với địch
Rục rịch ta nhớ ta
Tiếng Việt, dễ mà khó
Chữ "yếu ớt" chúng ta hay dùng ngày nay là do chữ "yếu nớt". "Ớt" thì không có nghĩa gì cả. Trong khi "nớt" có nghĩa là sinh thiếu tháng, vẫn còn dùng trong từ "non nớt".
"Yếu nớt", do đó, có nghĩa là yếu đuối, là non nớt.
(Nguyễn Hưng Quốc - e-cadao.com)
Giai thoại làng văn
Trần Đăng Khoa ghét cái gì là chế giễu rất ác. Thí dụ, Khoa định nghĩa thơ Lê Đạt: Người ta nói “Tôi đi ăn cơm”, thì Lê Đạt viết “Cơm đi ăn tôi”.
Trong một cuộc nói chuyện, Khoa dẫn thơ của Hoàng Hưng, Dương Tường để giễu cợt:
Anh lang thang em...
Anh mini em...
Anh xanh xao em...
Anh tiết canh em...
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)
Truyện chớp - Trả công!
Người bố gương mặt ngời ngời hạnh phúc, vừa chăm chú theo dõi từng bước đi chập chững của đứa con, vừa nựng: Con trai của bố giỏi lắm! Một, hai, ba, nào... hoan hô!
Bốn mươi năm sau.
Người bố dò dẫm từng bước từ nhà ra sân như đứa trẻ mới tập đi, không may bị trượt chân, ngã tím cả mặt. Thằng con quát: Thật đúng là câm hay nói, què hay đi, cho chết!
Hai giọt nước mắt rỉ ra từ hai hố mắt già nua. Người bố bây giờ mới thấy đau nơi bị ngã.
Giai thoại làng văn 54-75
Chuyện giữa hai chúng tôi (Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo) xoay quanh thi ca. Anh đọc và nhớ khá nhiều thơ Việt Nam thời hiện đại kể cả loại thơ ít người đọc như thơ Nguyễn Xuân Xanh trong Xuân Thu Nhã Tập. Anh rất chịu thơ Chế Lan Viên.
Nhân đề cập đến thơ ở Hànội rồi Sàigòn lúc ấy, tôi nhắc đến một bài thơ gần đây tình cờ đọc trong một trang Văn Nghệ của một tờ báo mới xuất bản: một bài thơ mới, lạ, chững chạc, dưới ký tên lạ hoắc chưa từng thấy: Nhị; một bài thơ lạnh, tôi rất thích chất lạnh của thơ, và cách biểu hiện cảm thức bằng những hình ảnh dở dang, trở đi trở lại dưới những ánh rọi khác nhau, đồng thời với cái tiết điệu biến hoá được nối kết lại bằng những câu trùng; tôi đọc những câu thích nhất, có hơi thơ gần siêu thực:
Lại thấy con đường như lặng
Những đỉnh cây xanh
Và những ngón tay trên phím dương cầm
Đôi guốc mộc trong căn phòng trừu tượng.
Cúi đầu xuống cúi đầu xuống.
Anh lặng nghe tôi bình phẩm, đọc thơ, rồi nói:
- Nhị là tôi.
Chúng tôi thân thiết nhau ngay từ buổi gặp gỡ ấy.
Văn hóa dân gian
Ðối với quỷ thần, Khổng Tử chủ trương “kính nhi viễn chi”. Ðã “viễn”, không liên lạc, thì không cần đặt ra hình thức chi hết. Lễ trong đạo Khổng là giữa người với nhau mà thôi.
Văn hóa Việt Nam truyền thống có dành chỗ cho siêu hình. Lễ trong lễ hội là giữa người với thần linh. Ta khác, liên lạc với thần xong, ta xoay qua “liên lạc” với người. Ðó là hội.
Vì vậy “hội” khác với “lễ hội”.
(Thu Tứ - Gocnhin.net)
Sống trên đời…
Nguồn câu thành ngữ
“Sống trên đời ăn miếng dồi chó,
Chết xuống âm phủ còn có hay không”
từ câu ca dao:
Sống được miếng dồi chó
Chết được bó vàng tâm
Sống không ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ không có mà ăn
(Khải-Chính Phạm Kim-Thư - báo Tự Do)
Tiếng Việt vừa khó vừa không dễ
Hỏi: Hà Thanh bị bắt học tiếng Việt, với bài “đỗ và đậu”….Người dạy là người Bắc và cô ấy nói khi học một sinh ngữ nào đó thì phải học theo sinh ngữ của thủ đô nước đó. Như vậy khi học tiếng Việt phải học theo tiếng Việt của Hà Nội. Theo bài làm trong lớp thì chữ "đỗ": chữ "đậu" của miềng Nam.
Ví dụ đỗ xe: đậu xe, thi đỗ: thi đậu, và đỗ xanh: đậu xanh.
Hà Thanh có thắc mắt nhưng không dám hỏi trong lớp, đó là nếu đỗ là đậu, vậy "đậu hủ" có thể gọi là "đỗ hủ" không? Những từ như thi đỗ thì có nghe chứ đỗ hủ thì Hà Thanh chưa bao giờ nghe ai dùng từ đó. Vậy từ đỗ hủ có trong tiếng Việt không ạ?
Đáp: Người Bắc không gọi "đậu hủ" là "đỗ hủ" mà gọi là "đậu phụ". Why?
Nhưng tiếng Việt lại có có từ "Tàu hủ" đấy bác ơi.
Có người gọi là...tào phở! Thì gọi là phu tàu: phu quân của người vợ Tàu (Tàu phò) Không biết có đúng không bác? Cám ơn bạn đã trả lời thắc mắt của Hà Thanh. Vậy là từ “đỗ hủ” không có. Ngộ hén....
(Trau giồi tiếng Việt - ĐatViet.com)
Những hình dạng mới của chữ nghĩa
Một giáo sư ngữ học dậy khoa Văn tại Đại học tổng hợp ở Hà Nội cho biết nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh đã phạm những lỗi có tên là trùng ngữ (pleonasm), làm người đọc không hiểu từ ngữ mình dùng, vì viết thừa một chữ hoàn toàn vô ích. Như bài thơ Hò kéo pháo sáng tác từ hồi đánh trận Điện Biên Phủ:
Dốc núi cao cao,
Nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi!
Phương Tây, phương Đông
Người phương Tây đặt ra những khái niệm:
- Cận Đông chỉ vùng Ai Cập - Palestin.
- Trung Đông chỉ Ba Tư - Afganistan.
- Viễn Đông Đông chỉ Triều Tiên, Nhật Bản, Đông Trung Hoa.
(Trần Ngọc Thêm - Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)
Tiếng Việt toàn thể
Người Việt nhìn toàn thể, rồi bật tiếng nói toàn thể.
Nói toàn thể thì những thành phần của lời tự chúng không cần phải có nghĩa chính xác.
Ví dụ ta nói:
- “Chị em ôm nhau ngủ”, không nói “Chị và em ôm nhau ngủ”.
- “Chị em đứa nào rảnh qua bà bảo”, không nói “Chị hay em đứa nào rảnh qua bà bảo”.
“Chị em” đứng một mình nghĩa mơ hồ, nhưng đứng trong câu thì nghĩa ổn định, không cần phải thêm và, hay gì cả.
(Thu Tứ - Gocnhin.net)
Chữ nghĩa với loài vật
Cô giáo hỏi một em bé ở nhà trẻ:
- Loài vật và người ai thông minh hơn?
- Loài vật ạ.
- Tại sao vậy?
- Vì khi con nói với con chó thì nó hiểu. Nhưng khi nó nói với con, con chả hiểu gì cả!.
Phi Ngọc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét