Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

Thi ca miền Nam 1954 - 1975

Thi ca miền Nam 1954 - 1975
Tháng 7 năm 1954, cuộc chiến tranh Đông dương chấm dứt, nước Việt Nam bị chia đôi. Trước thực tại mới, những nhà thơ ba miền tập hợp ở bên này vĩ tuyến 17 đã háo hức sáng tác, lên đường, làm nên một nền thi ca độc đáo và dựng xây một nền văn-học nhân bản và khai phóng. 
1- Thơ tự do
“Nhóm” Sáng Tạo đã góp phần làm mới văn học về văn cũng như thơ, về hình thức, thể cách cũng như nội dung. Tạp chí Sáng Tạo (rồi Thế Kỷ Hai Mươi, v.v) đã đến với độc giả với những tác giả mới và những bài thơ mới (với đề mục ‘thơ tự do’). Trong số, Thanh Tâm Tuyền có những bài thơ tự do, không vần, bất ngờ về ý và chữ dùng, sau xuất bản Tôi Không Còn Cô Độc (1956) và Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (1964). Thơ Thanh Tâm Tuyền dùng ngôn ngữ để phá hủy ngôn ngữ, phó mặc mạch thơ, nhạc điệu cũng như ngôn ngữ thơ, tự do trôi chảy như sự vật vô tri vô nghĩa từ nguyên thủy. Với Nguyên Sa, thơ tự do là thơ phá thể, không khuôn khổ (1), trong khi Thanh Tâm Tuyền đi xa hơn, “thơ hôm nay không dừng lại ở thơ phá thể, thơ hôm nay là thơ tự do” mà cao điểm sẽ là thơ văn xuôi (2). Khi thơ Tự Do đã thành công gây tiếng vang thuận tiện, nhất là với những người làm thơ mới ra đời, nhóm Sáng Tạo bèn đi xa hơn phủ nhận giá trị thơ văn tiền chiến. Nhiều nhóm văn nghệ sĩ đã lên tiếng phản đối, nhất là ở Huế. Dù gì thì Thanh Tâm Tuyền rồi Nguyên Sa đã khai pháo mở đường cho dòng thơ sẽ được gọi là Thơ Tự Do. Thơ tự do nguyên thủy là phản ứng lại Thơ Mới và thơ thời tiền chiến, một vận động đã bắt nguồn từ thời kháng chiến, với Hữu Loan và Màu Tím Hoa Sim, v.v.
Đến Nguyên Sa, thơ chủ yếu là thơ tình-yêu rõ nét, đặc thù, cá nhân, có hình dáng nhưng cũng là một tình yêu phức tạp, đa dạng nhưng lã lướt, như trái tim người trẻ tuổi thấm nhuần hai văn hóa sống vào buổi giao thời của những năm cuối thập niên 1940 và đầu 1950. Thơ tình yêu của Nguyên Sa là một thứ tình yêu thuần chất, trữ tình thường nhật, hiện sinh. Khác thơ tình hiếm hoi của Thanh Tâm Tuyền, thơ Nguyên Sa không làm ra để gây băn khoăn hay suy nghĩ. Thanh Tâm Tuyền phải lo cho sứ mạng văn nghệ do đó bỏ quên tình yêu (“Tôi không ngợi ca tình yêu, tôi nguyền rủa tình yêu (…) Thơ hôm nay không cần đến Tình Ái và khi Tình Ái đến với thơ hôm nay cũng với vẻ tiều tuỵ khốn khổ chịu đựng hất hủi như cả một cuộc đời …”(3). Trong bài “Nỗi buồn thơ hôm nay”, Thanh Tâm Tuyền đi xa hơn khi ông hạ giá tình yêu : “tình ái cũng bị dùng làm phương tiện khám phá đời sống, khai quật ý thức…”. Do đó, cũng như các “nhà thơ hôm nay” của hai thập niên 1950 và 1960, Nguyên Sa chống trữ tình và lãng mạn, chống cả tình ái theo nghĩa thường vì theo ông, lãng mạn là “sự xúc động quá mãnh liệt, sự trữ tình bi thảm hoá” (4). Yêu nhưng không lãng mạn, cả không thác loạn của thơ tiền chiến. Tình với ngôn ngữ mới, cung cách mới, thơ mộng nhớ nhung mới và khác, có vẻ thực tế và thành thật hơn!
Tình yêu ở Nguyên Sa có thể bắt đầu bằng mong nhớ, đợi chờ và những lời trách móc tự nhiên:
“Có phải em về đêm nay?
Trên con đường thời gian trắc trở
để lòng anh đèn khuya cửa ngõ
ngọn đèn dầu lụi bấc mắt long lanh
(…) Em đừng trách anh để lòng mình tủi cực
dến ngại ngùng dù nắng dù mưa
sao em không về
để dù nắng dù mưa
dù trong thời gian có sắc mầu của những thiên đàng đổ vỡ…”
(Có Phải Em Về Đêm Nay)
“Em” thời nay thành “con chó ốm, con mèo ngái ngủ” và ” mắt cá ươn”; không còn là “mắt xanh là bóng dừa hoang dại” (Đinh Hùng), “em đi áo mỏng phô hờn tủi” (Quang Dũng). Tóc của “em” chỉ là “tóc ngắn” (Áo Lụa Hà Đông). Tình yêu đến với nhà thơ như một hạnh phúc, một tròn đầy với những cảm xúc thật với da thịt cũng như trong tâm hồn.
Thơ tự do của Nguyên Sa có tiết tấu và nhạc điệu đặc biệt chưa thấy trước đó. Nguyên Sa lại có tài sử dụng nhiều hình ảnh mới và lạ. Nào “chải tóc em bằng năm ngón tay”, nào “lệ trắng gạo mềm” , “da em trắng anh chẳng cần ánh sáng / tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân”, “tóc màu củi chưa đun”, miệng “chim sẻ”, áo “sương mù”, “bàn tay chim khuyên” (Nga) hay “sương gió trầm tư thêu thùa má ướt”, v.v.
“… Người về đâu giữa đêm khuya dìu dặt
Hơi thở thiên thần trong tóc ẩm hương xưa
Người đi về trời nắng hay mưa
Sao để sương gió trầm tư thêu thùa má ướt…”
(Đẹp)
Muốn “phá thể” và “tự do” nhưng thơ Nguyên Sa có lời và chất nhạc rất nhẹ nhàng, rất Việt Nam. Ông vẫn sử dụng lại những ước lệ của thi ca cổ điển như “thuyền ghé bến”, tay “lá sen”, mắt “mt vừng trăng sáng”, hay của thơ mới như “gió heo may”. Thành ra Nguyên Sa có những câu thơ mà ngôn từ như có âm hưởng ca dao dù đã được tân hóa theo thời đại:
“… Paris có gì lạ không em?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn biết lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen…”
(Paris Có Gì Lạ Không Em?).
Thơ tự do của Nguyên Sa thời ra đời trên Người Việt và Sáng Tạo đã thuyết phục người thưởng thức văn nghệ rằng thơ tự do có thể sống động, rằng thơ tự do cũng có thi-tính. Sau thử nghiệm của Nguyễn Đình Thi trong kháng chiến chưa đủ thuyết phục, thì giờ đây là một xác định mới với một thẩm-mỹ mới, nhận định mới. Thơ tự do của Nguyên Sa nhờ giàu nhạc tính, lại đơn sơ, truyền cảm và hãy còn chứa đựng tâm hồn Việt Nam do đó đã sống lâu hơn đến ngày nay và chắc cả sau này; trong khi thơ tự do của nhiều nhà thơ thời ông đã và đang đi vào quên lãng. Nếu lúc đầu thơ tự do được cổ võ như một vượt thoát khỏi những bó buộc và giới hạn của luật thơ thì nay bài thơ tự do nào còn gi” được vần và nhạc và hình ảnh lại tiếp tục được yêu thích. Trong trường hợp Nguyên Sa, phủ nhận Thơ Mới và tiền chiến đồng thời cổ xúy thơ tự do và phá thể, nay phân tích lại thì Nguyên Sa đã không thật sự đi xa trên con đường thơ tự do và vô tình thơ ông lại là gạch nối với thơ tiền chiến và dòng thơ kháng chiến trước đó. Cho đến khi tạp chí Sáng-Tạo đình bản hẳn, những nhà lý thuyết cổ võ thơ tự do của nhóm đã vẫn không thuyết phục thật sự giới sáng tác cũng như giới thưởng thức văn nghệ. Thanh Tâm Tuyền có vẻ là người cuối cùng lên tiếng khi cho rằng người làm thơ tự do vì sống thời gian hôm nay và dùng thanh âm ngôn từ để khám phá chính mình. Dù sao đi nữa, cùng với Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa đã đem lại niềm tin nơi thể thơ tự do, thở của hai ông đã chiếu sáng trên nền trời thi ca ViệtNam hậu chiến. Chính sự tiếp nối và thành công của những nhà thơ khác đã đưa thơ tự do đi xa.
Cũng thuộc nhóm Sáng Tạo nhưng hơi thơ mệnh yểu, Quách Thoại lên án chiến tranh, bạo lực, đồng thời chào mừng tự do và đòi hỏi dân chủ. Cõi tự do thật vô cùng quyến rũ:
“Cờ dân chủ ta bước tới tương lai đầy ứ
Phố lớn cười đại lộ hát nghênh ngang
Xã hội đi về, vũ trụ rộn ràng
Nhà mới dựng, gỗ ngói còn thơm lắm
… Đường rộng mở thênh thang trời dân chủ
Ôi! Tự do do thật vô cùng quyến rũ  !”.
Bài Sáng Tạo ghi dấu sinh hoạt của nhóm tạp chí cùng tên:
“Tôi đổ lệ khóc đêm nay
Nào các anh có biết
Khi tôi đọc những bài văn anh,
bài thơ anh thắm thiết:
Những mối tình yêu đời bất diệt
của lòng anh, của hồn anh trinh khiết
hiện nguyên hình trên chữ mực vừa in.
Tư tưởng - giòng câu - chứa đựng vạn niềm tin
Bao tâm huyết đổ dồn trên ý nghĩ
Thơm tho thay những ý tình tế nhị
Nói không cùng những cảm động ẩn trong lời
Tôi biết các anh những kẻ đã khóc cười
Là những kẻ còn tin yêu vững sống
Còn sáng tạo các anh hãy còn sáng tạo
Mặt trời mọc!
Mặt trời mọc!
Rưng rưng mùa hoa gạo
Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo
Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao
Để nhìn các anh như vừa gặp buổi hôm nào
Và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo:
Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo”.
Mai Trung Tĩnh đề nghị thơ xuôi, một cách thể nghệ-thuật tự-do :
…Tôi vẫn trờ về xóm đêm đêm nghe tiếng đàn than van kể chuyện chiều xưa mẹ chết anh bỏ đi, em bơ vơ chịu lấy một mình đau khổ. Em lớn lên mang theo từng hồ lệ khóc không hết ngày xanh.
Bao cung bậc nức nở như lòng anh rạn nứt.
Người ôm đàn còng lưng gói tròn tâm sự riêng tây, giây chùng nỉ non như trái tim bị hắt hủi.
Người ta muốn xót thương và cần sự tội nghiệp của kẻ khác ư? Cuộc đời phải chăng là một chuỗi dài tội nghiệp. Đêm đêm người ta vẫn đàn vọng cổ tiếc cho ngày xưa dù có hay không. Nghĩa là một dĩ vãng, kỷ niệm nào.
Nghĩa là tôi muốn cho mắt khóc. Cuộc đời là những câu vọng cổ dài. Đời mình là những chuỗi nhớ thương tiếc nuối.
Người muốn thế nên không cưỡng được.
(Tiếng khóc, 40 Bài Thơ).
Như vậy, thơ Tự do hiện đại thi ca thêm một bước, hợp tâm tình con người “hôm nay” lúc bấy giờ và có thể cả sau này, nhưng về mặt văn chương, thành quả và sự đóng góp hạn chế hơn Thơ Mới và cả thơ Tượng trưng dù chỉ có mặt không lâu !
2- Thơ lục bát đã được canh tân với một số nhà thơ thời Thơ Mới, nay trên tạp chí Sáng Tạo rồi Thế Kỷ Hai Mươi, Văn Học, Văn, Nghệ-Thuật, v.v. , lục bát được tiếp tục hiện đại hóa với ngôn ngữ tân kỳ, hình ảnh mới hơn, bất ngờ, cũng như trong cách dùng chữ, ngắt câu. Khởi xướng bởi Cung Trầm Tưởng, tác giả tập Thi Ca, tiếp đó có Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn), Trần Tuấn Kiệt, Trần Đức Uyển, Hoài Khanh, Kim Tuấn, Hoàng Trúc Ly, …
Cung Trầm Tưởng:
“Bù em một tháng trời gần
Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
Bù em góp núi chung đồi
Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ.
Bù em xuôi có ngàn thơ
Vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
Quên thôi, bông sẽ phai hường
Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu
Non sông bóng mẹ sầu u
Mòn trong ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu.

Thôi em xanh mắt bồ câu,
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau…”
(Kiếp Sau, Lục Bát Cung Trầm Tưởng)
Sao Trên Rừng:
“rồi mai huyệt lạnh anh về
ru nhau gió thổi bốn bề biển xưa
trăng tà đổ bóng cây thưa
mộng trần gian đã hái vừa chưa em”
(Tịch Mạc, Lời Ru).
Hoàng Trúc Ly:
“xin em dừng lại môi mềm
giấc mơ thê thảm bóng chìm đêm sâu
tay xuôi mười ngón rụng sầu
xa nhau năm tháng cúi đầu nhớ nhau.
(… ) nhìn lên cửa khép lầu cao
bóng em chảy xuống vực sâu mắt buồn
về đêm khuya khoắt nhớ thương
mưa bay trước mặt, tủi hờn giăng ngang”
(Lá Hoa Duyên, Trong Cơn Yêu Dấu).
3- Thơ tình đã phong phú thêm ở giai đoạn 1954-1975, hơn nữa là thời có những bài thơ tình để đời với sự phụ họa của nhạc phổ thơ. Hiện tượng thơ có thể nói đến những tập Truyện Chúng Minh của Nhất Tuấn (5). Tình yêu trong trắng của những người tuổi trẻ, nhưng hoàn cảnh đất nước phân ly và chiến tranh khiến những kẻ yêu nhau không thể gần, chỉ gần trong tơ tưởng và kỷ niệm. Ở đây, tình yêu đã nhuốm mùi súng đạn, tình yêu và thơ tình thời đại:
“Con quỳ lạy Chúa trên trời
Để cho con thấy được người con yêu
Đời con đau khổ đã nhiều
Kể từ thơ dại đủ điều đắng cay
Số nghèo hai chục năm nay
Xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo
…Người ta lại bỏ con rồi
Con quỳ lạy Chúa trên trời thương con”
(Cầu Nguyện, Truyện Chúng Mình 1).
Thơ nguồn cảm hứng từ tôn giáo đặc biệt là thơ Thiền nhưng lại dùng kho ngôn ngữ của Trung-Hoa vì thi ca Việt Nam chịu ảnh hưởng này hơn là từ chữ Phạn. Thiên Chúa giáo cũng đã là nguồn hứng cảm của Quách Thoại, LM Vũ Đức Trinh, Nhất Tuấn, Du Tử Lê, v.v. Những bài thơ hay của Quách Thoại viết về tình ái:
“Ta ngạt thở bởi mùi hương xa vắng
Hương thiên đàng vừa thoảng bến trần gian
Ta đê mê cảm động đến mơ màng
Nghe mầu nhiệm thấm nhuần trong mến cảm
… Như Băng em, xin ngó nẻo thiên đàng
để nguy hiểm ta sống đời địa ngục…”
(Như Băng Trường Tình).
Nhà thơ Du-Tử Lê – giải Văn học Nghệ thuật 1973 với tập Thơ Du Tử Lê 1967-1972, đã ngạo mạn tôn thờ người nữ thành Tin Mừng cho đời chàng chăng?
“Nàng buồn như trái chín
mắt gầy đêm mưa xanh
hồn căng trên thập tự
đầu cúi xuống dương gian
chớp hoài đôi mắt ướt
tôi thích được quỳ dưới chân nàng
chỉ để xin những điều vớ vẩn”
(Phúc Âm Nàng).
Du Tử Lê còn có những bài đầy một nỗi buồn tuyệt vọng và chân thành, nhiều giãi bày và tiên tri của một người tin ở sứ mệnh đến với đời như một nhà thơ:
“… hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy côn trùng
một hồn đầy tháp chuông
ngân nga lời báo tử”
(Lúc Người Chết).
Thơ tình còn có Thế Viên, Hoàng Trúc Ly rồi Kim Tuấn :
“Anh cho em mùa Xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều Đông nào nhung nhớ
đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn vỉa phố
Mắt buồn vin ngọn cây … “
(Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân, Thơ Kim Tuấn).
Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Hoàng Trúc Ly, Cung Trầm Tưởng, v.v. đã là những nhà thơ đa tình. Với Trần Dạ Từ đó là: “Thủa làm thơ yêu em
Trời mưa chưa ướt áo
Hoa cúc vàng chân thềm
Gió mây lưng bờ dậu
Chiều sương đầy bốn phía
Lòng anh mấy ngã ba
Tiếng đời đi rất nhẹ
Nhịp sầu lên thiết tha .
Thủa làm thơ yêu em
Cả dòng sông thương nhớ
Cả vai cầu tay nghiêng
Tương tư trời thành phố … ”
(Thủa Làm Thơ Yêu Em)
Ở Cung Trầm Tưởng, tình bắt đầu với Mùa Thu Paris:
“… Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút, giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm…”.
Hai nhà thơ Kiên Giang, Trần Tuấn Kiệt cũng đã để lại nhiều bài thơ tình đẹp. Tình mới lớn có hiện tượng Nguyễn Tất Nhiên với những vần thơ học trò ca tụng tình yêu được phổ nhạc và phổ biến rộng rãi nhất là trong giới học sinh, sinh viên! Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ sau đây là một bài thơ tình nhưng người đọc có thể hình dung lại được đời sống dân tộc hài hoà ở miền Nam, những vùng như Biên Hoà, nơi sinh trưởng của nhà thơ: “
“Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô đã nhìn anh rất … Bắc Kỳ […]
Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô nhớ nhìn thiên hạ lận lường
Mà hãy nhìn anh cay lắm chuyện
Nhưng còn con trẻ chuyện yêu đương”
(1973).
4- Nếu từ thời Thơ Mới, thơ đã tự do hơn, phóng túng hơn thơ cũ nhưng vẫn thường ở trong khuôn tế nhị, thơ mộng thì đến thời này nhất là ở những năm chiến tranh, tâm tình con người giao động nhiều, mất mát thua thiệt nhiều, như bất lực trước tàn bạo của chiến tranh và kiếp người, đã có những giọng thơ khinh bạc, bạt mạng, như Nguyễn Bắc Sơn; cũng là thời thơ văn bốc lửa của miền Trung địa đầu của miền Nam Cộng Hòa. Miền Trung đã sôi động với những biến cố Phật giáo 1963, 1965, đại học Huế, nhóm Lập Trường, rồi biến cố Tết Mậu Thân, cổ thành Quảng Trị, v.v. , với những người thơ trẻ Trần Vàng Sao, Thái Luân, Mường Mán, Hoàng Lộc, Thành Tôn, Luân Hoán,… Nguyễn Nho Sa-Mạc với những vần thơ mệnh yểu; thơ ở ông rõ là không phơn phớt, nơi trần bì, mà đã thẩm thấu trong hình hài và tâm tưởng. Một trong những bài thơ tình đầu tiên của Nguyễn Nho Sa Mạc là bài Vàng Lạnh, đăng trên tạp-chí Mai năm 1962, một tạp chí cung cách thủ cựu, khép kín và nổi tiếng với những bài nghị luận khô khan về triết lý và văn hóa. Bài thơ đến với giới thưởng ngoạn thi ca lúc bấy giờ như một làn gió lạ. Nội dung một thiên tình sử dù chỉ mới bắt đầu và lời thơ được chăm sóc, trau chuốt một cách tuyệt vời:
“Chuyện bữa ấy chiều nay em kễ lễ
màu môi chôn kỷ niệm đã lâu rồi
mi mắt đó ghi ân tình đổ vỡ
đời nữ sinh vàng lạnh tháng ngày trôi
Em đã khóc cả buổi chiều hôm trước
chúng bạn đùa đã biết chuyện riêng tư
nỗi yêu thương trong đời người con gái
bảo em buồn nức nở trước trang thư
(…) Chuyện bữa ấy chiều nay em kể lể
dáng mi trầm nuối tiếc những ngày qua
thứ bảy chiều chúng mình mừng sinh nhật
của mối tình sớm nở sớm đi qua”.
Vũ Hữu Định cũng chết trẻ, nổi tiếng với bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ được Phạm Duy phổ nhạc - nhạc phổ thơ đóng một vai trò quan trọng giúp đến với người thưởng ngoạn và làm sống lâu những tác phẩm hay, từ thời này và ra đến hải ngoại sau này (nhưng thương mại hóa hơn là tự phát):
“Phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi  cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên em mắt ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đòi biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên”.
Trong số, Luân Hoán là nhà thơ sáng tác mạnh nhất với năm thi tập được xuất bản trước khi xảy ra biến cố 1975, đó là chưa kể sáu tập khác in chung với bạn thơ. Ông nhập dòng thi ca phản kháng chiến-tranh bên cạnh dòng thơ quê hương và tình yêu với một ngôn ngữ riêng ông:
“em yêu dấu hờn giận chi kỹ rứa
chim trong vườn chiều nay hót nhiều hơn
em có nhớ con chào mào mọi bữa
vẫn đứng một mình đổ giọng véo von”
(Làm Lành).
Thơ thời này còn có những khuynh hướng triết lý, về phận người và vũ trụ như thơ Chế Vũ, Phổ Đức, Thành Tôn, Hoài Khanh, Bùi Giáng, Mai Trung Tĩnh, … Ở Thành Tôn:
“.. đi, về bóng lạ bàn chân
dòng sông nghiệp dĩ tiếp dần biển khơi
quanh co nghĩ rộng đất trời
cái tôi hiện hữu một thời vong nô
khép dần cánh cửa hư vô
thân chưa nhập thế cơ hồ cách xa”
(Ranh Giới, Thắp Tình 1969).
Tình yêu ở Phổ Đức đã nhẹ nhuốm mùi thiền :
“Anh đứng dậy che tay buồn cúi mặt
Nhìn lối quen năm tháng dẫm lên sầu
Em qua đó bao lần khi nắng tắt
Mỗi chiều về bốn mắt lại nhìn nhau
Trong im lặng anh nghe hồn ẩm mục
Khóc thương thân vàng úa cả tâm linh
Đời chung hưởng nhưng không cùng chung mộng
Anh tự tay đào huyệt để chôn mình… “
(Ảo Tượng Tình Yêu).
Hoài Khanh, trong Thân Phận (1962), “kẻ bị đày giữa bãi đất hoang tàn của nghĩa địa trần gian” như Phạm Công Thiện giới thiệu trong đề tựa: “Tôi lẩn trốn vì biết mình không thể / Mây của trời rồi gió sẽ cuốn đi”, vì nhà thơ đã mất hay hết còn tin những nơi trú ẩn tình yêu và niềm tin:
“Hãy để tôi đi khuất cõi đời
Buộc ràng chi nữa xác thân tôi
(…) Thượng đế đành vắng mặt
Chân lý lại xa vời
tôi dối lòng an ủi ngắm mây trôi
tìm một chút bình yên khi linh hồn sôi sục”
(Tự Vấn).
Thơ Thiền của Bùi Giáng là một phương tiện giải thoát cuộc sống khó khăn, hiện-sinh không lối thoát. Thơ ảnh hưởng Phật giáo có Phạm Thiên Thư, Nhất Hạnh, Hoài Khanh, Phạm Công Thiện, Xuân Phụng, … nhưng nổi tiếng là Phạm Thiên Thư với những bài thơ tình dài hơi thể lục bát như Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng hay bốn chữ như Ngày Xưa Hoàng Thị:
“Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non dấu mỏ
Dưới cội hoa vàng…”
Tập thơ trường thiên Đoạn Trường Vô Thanh (1973) viết theo thể lục bát muốn đi xa hơn tình yêu dưới bóng bồ đề và bốn bề thiên nhiên. Ở đây đằng sau chuyện nàng Thúy Kiều là bề sâu tư tưởng dân tộc, tôn giáo cùng triết lý. Cuộc đời Kiều dưới lăng kính một người Việt ở thế kỷ XX. Hãy nghe ông tả tiếng đàn Thúy Kiều:
“… bây giờ phiếm gợn thêm chương
soạn cung giải vận đoạn trường từ đây
vi vu đồi liễu cồn mây
hơi thu tỏa cánh hạc bay chập chờn
cỏ vàng núi nhuộm tà dương
đồi phong lá gọi bóng sương xạc xào
hạt đàn tấm tức nao nao
suối tuôn mạch đá đau bào lòng non …”
(Tr. 24).
Thi ca thế giới đa dạng được giới thiệu nồng nhiệt hơn. Diễm Châu của nhóm Trình Bày đã đưa thơ Âu-châu hậu chiến đến với người đọc. Phạm Công Thiện giới thiệu Rainer M. Rilke như là một nhà thơ của hố thẳm, của đêm tối nguyên thủy, nhà thơ của Hư vô, ông đến với Phật và đông phương như nguồn cảm hứng; nhà thơ cô đơn trước những sự vật có thể có cảm thông nhưng chắc là có một hiện hữu riêng, tự tại. Rilke ở trong số những văn nghệ sĩ chống và “muốn” tách khỏi nguồn Thiên chúa giáo, cũng như F. Nietzche. Guillaume Apolinaire thích làm thơ tự do và có những bài mỗi đoạn là một chữ, tập Alcools gồm những bài hay nhất của ông, không chấm câu. Nhà thơ siêu thực Gérard de Nerval sống cuộc đời của mộng ảo, sống giữa trong những khoảnh khắc tỉnh thức, cơn điên và mộng ảo. Thi ca trở thành trò chơi của sự sáng tạo, đứa con của thượng đế, là hoả diệm sơn kia bỗng một bữa nào, lãng đãng trào phun bởi một gót chân ngà huyền diệu. Kẻ chôn cuộc đời mình trong những cơn mộng ảo. Kẻ ôm mộng một đời, mà thơ là một lời mời gọi của trái tim.
Về thơ nữ có Trần Thị Tuệ Mai, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, Hoàng Hương Trang, Trần Thy Nhã Ca, Lệ Khánh, ..; đi từ những tình ý ngập ngừng, kín đáo và lời cổ kính, đến những nghi vấn khúc mắc, táo bạo! Trong số, Nhã Ca đem những tứ thơ nhuốm không gian của thời hồng hoang nhân loại, tình đam mê ngây thơ trong một khung cảnh thật vô tư:
“Tôi làm con gái
Buồn như lá cây
Chút hồn thơ dại
Xanh xao tháng ngày…”
(Bài Nhã Ca Thứ Nhất, Nhã Ca Mới, tr. 36)
“Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh, em cũng tợ sương mù
Khi về tay nhỏ che thời tiết
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ”
(Thanh Xuân, tr. 41).
5- Thi ca miền Nam trong hơn 20 năm (1954-1975) đã là một bộ diễn-mục của những khúc giao-hưởng gồm nhiều biến tấu, đa dạng về thể thơ cũng như nội dung, âm hưởng, tiết tấu. Nếu phải nhận định, chúng tôi không nói đến loại thơ bình dân của người Việt-Nam ‘dân tộc thi sĩ’, xin chỉ thu gọn trong một số điểm về những hiện tượng và sự nghiệp, công trình đáng nói đến.
Trước hết, về ngôn-ngữ thi ca đã có đủ trình độ, từ ngôn ngữ cổ-kính, sang-cả, nét thơ tinh tế, ý tưởng thâm sâu của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, v.v.
“… Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất,
Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly.
Rồi dày xéo lên sông núi đô kỳ,
Bên thành quách ta ra tay tàn phá.
Giữa hoang loạn của lâu đài, đình tạ,
Ta thản nhiên, đi trở lại núi rừng.
Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng” (Đinh Hùng, Bài Ca Man Rợ)
đến ngôn-ngữ nguồn cội đông-phương cùng ý tưởng lập ngôn của nhà thơ thế hệ tiếp nối, như Viên Linh, Tô Thùy Yên :
“… Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ
Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ.
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên
(…) Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi ?”
(Trường Sa Hành)
Bên cạnh đó là ngôn-ngữ tâm hồn của thời đại. Hoặc là một ngôn-ngữ thi ca đẹp, trau chuốt; của những Nguyên Sa, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Tất Nhiên, Mai Trung Tĩnh, …
Hoặc là ngôn-ngữ thi ca triết lý của thời đại mà thơ của Phổ Đức, Thành Tôn, Hoài Khanh, Trần Tuấn Kiệt, Phạm Công Thiện,  … là những dấu tích, như đã trích dẫn ở phần trên. Thơ của Nguyễn Nho Sa-Mạc đã mang hình ảnh và ý thơ chứa nét hiện sinh của thời đấu thập niên 1960 :
“Bằng đôi tay ốm kín nỗi buồn
Ta đi trong trời đất hoàng hôn
Mà nghe sữa mẹ chan hòa cháy
Máu ở buồng tim cùng loạn cuồng
Ta siết hình em trong tiếng hôn
Im nghe da thịt và linh hồn
Giữa không gian rộng ta vùng dậy
Cuộc sống đi vòng quanh áo cơm
Ôi nửa cuộc đời ta đảo điên
Đêm nằm ru giấc ngủ cô miên
Hai mươi tuổi trong hồ suy tưởng
Ngửa mặt nhìn trời đi ngả nghiêng”
(Sinh Nhật).
Một ngôn-ngữ thi ca đầy hoài nghi, khắc khoải, khi siêu-hình, khi hiện sinh thân phận người. Ngôn-ngữ của những kiếm tìm lốt thoát cho cá nhân và tập thể.
Cái đẹp, cái đạt trong thơ ngừng ở hình thức, nhạc tính, âm điệu hay cần phải bao gồm cảm hứng và triết lý, tư duy? Có người nhờ kỹ thuật thể hiện, cho nội dung mới vào ngôn ngữ thơ mà trở nên thơ hơn, được đón nhận hơn, dù bước đầu có thể đi lại trên con đường người trước như Thơ Mới có người làm theo nhưng với ngôn ngữ, ý tình hôm nay, ngữ điệu độc đáo riêng, tạo bản sắc, có thi tính riêng! Nói thơ tình yêu chưa chắc thời nào cũng như nhau là do lẽ đó! Có thời trang thành mốt lâu dài, có khi lại chỉ là đồ chưng xa xỉ không cầm cự được với thời gian! Lý luận cho lắm rốt lại, văn chương là ở cách thể hiện. Thẩm mỹ học mới, ý thức mới quan trọng, vì chính ý thức sáng tạo có mới, có độc đáo, khác biệt, riêng tư,… thì kỹ thuật, ngữ điệu, ngôn từ, hồn thơ mới cất cánh bay được!
Như vậy, thi ca có những sáng tạo văn chương, những cái mới, có thể gây bối rối và ồn ào lúc đầu nhưng có khả năng sống còn với thời gian, được đón nhận, nhưng cũng có những cái mới lạ gây nghi vấn, chống đối và cũng có những cái bất cập, trở lùi quá độ ! Người làm thơ cảm nhận thi hứng rồi diễn đạt thành lời thơ, hai phương diện của một thể hiện nghệ thuật, cái Đẹp! Phải có ý chí sáng tạo, sống mạnh, cách tân ngôn ngữ, cấu trúc, nhịp điệu, nhạc tính, v.v. vì thơ hay hay không cũng chẳng có khuôn mẫu nào. Cái khó cho nhà thơ khi phải lập lại phong cách, ngôn từ sẵn có của mình mà không sáng tạo, không thêm được cái mới hay không thay đổi; hoặc quá tập trung vào văn bản như một ám ảnh; rồi đề tài có khi hết chất thi ca. Thơ mới, tứ mới, tâm tình mới đưa đến một hay nhiều hình thức khác, mới, để diễn tả thi hứng mới, của hôm nay. Như thế thơ này sẽ truyền cảm đến người đọc cùng thế hệ, cùng thời! Dù sao thì thi ca là thể loại tương đối khả dĩ có những cách tân, làm mới hơn là một vài bộ môn văn nghệ khác như tiểu thuyết, truyện ngắn, …, dù vậy cái mới luôn đòi hỏi ba yếu tố cổ điển thiên thời địa lợi nhân hòa. Hội họa chẳng hạn, người nghệ sĩ có thể một mình đi trước thời đại, không được hiểu liền, nhưng tác phẩm một khi được hình thành, sẽ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt và sẽ có lúc có người đồng cảm. Cái mới, cái khác của thơ cần phải có đáp ứng liền, phải năng động thường trực, phải đi với thời đại. Thơ tự do từ tạp chí Sáng Tạo là một thí dụ. Cái mới cũng có nghĩa cách tân cái cũ, trở lại cái cũ với một ngôn từ, nội dung, hình thức, kỹ thuật, .. mới. Thơ Tô Thùy Yên là một thí dụ,
Tóm, hai mươi năm thi ca này có hai khuynh hướng chính: một, hiện đại, mới với trữ tình, thi tính; một mới hoàn toàn tự do. Cả hai là những nỗ lực mới về ngôn ngữ thơ, về nhạc điệu, những dựng xây nền tảng thi ca mới, sứ mạng thi nhân mới và khác trước đó.  . Tự do và khác. Tất cả với Thanh Tâm Tuyền chẳng hạn, là phản, là đối nghịch. Như nội dung, ý tình chuyên chở trong thơ. Hình thức và nội dung với thơ Thanh Tâm Tuyền là một, như một. Phải thành công một, kia mới thành công xướng lên, mới lên. Yếu tính thơ tự do có yếu tố hỗn độn,… vì nó có sự tổ chức riêng, có kết cấu riêng, nội tại, để nói lên, để nên thơ! Thơ tự do khác thơ cổ đìển hay có niêm luật vì liên hệ đến tác giả, đến tài thơ, nhịp thơ riêng. Nếu không, là thất bại, là không còn thơ tự do! Thanh Tâm Tuyền bỏ làm thơ sau những xáo trộn giữa thập niên 1960. Trên tạp chí Nghệ thuật, nhà thơ Trần Ðức Uyển đã có lần nhắc lại câu tâm sự của Thanh Tâm Tuyền tại sao không còn có thể làm thơ: “… Tự nhiên thấy khó, không dám làm. Vả lại chưa tìm được cái gì mới. Tôi thấy thơ bây giờ càng ngày càng thu hẹp lại, rút gọn vào trong cái “tôi”, để cuối cùng chỉ có mình hiểu được thơ mình”(6).
Nếu Thanh Tâm Tuyền hiện đại với âm hưởng Tây phương thì Tô Thùy Yên là dấu vết khảo cổ, nhân chủng học cho một phương đông huyền diệu, thần bí. Không khí cổ thời, ý và nhân sinh quan có vẻ của người xưa, không gian và cảm giác xưa. Sống ở thế kỷ XX, ông chụp ảnh nghệ thuật, dùng máy hiện đại hôm nay để nắm bắt những nét đẹp đông-phương vương vất đâu đó trong vũ trụ, nhất là những nét đan thanh của tâm hồn! Cái đẹp ở đây là cái đẹp của những huyễn mộng hoang đường, của một thế giới ẩn chìm trong thời gian, là mỹ cảm của tâm hồn nhà thơ đứng trước thiên nhiên, trước đời văn minh mà như hoang sơ. Cái đẹp ở trong nỗi buồn thế kỷ, ngôn ngữ thăng hoa thành mộng mị cổ thời. Cái Tôi sung mãn truyền thừa văn hóa, hãnh tiến trong hoang vu cũng như trong bức rối của thời đại.
Kẻ hậu sinh sau này muốn tìm hiểu con người và cảnh tượng đời sống Việt thế hệ 1954-1975 không thể không mở tìm lại những trang thơ mang suy tư về cá nhân và tập thể của Mai Trung Tĩnh, Hoài Khanh, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, v.v.! Ở thơ Tô Thùy Yên chẳng hạn, thi ca gắn liền với đời sống, đặt vấn đề cho lương tâm nhân loại, cho đồng loại, và không chỉ ở một thời. Ở ông, có thể nói đến thi ca như một kinh nghiệm vừa tư duy vừa tâm linh mà cũng là một kinh nghiệm nhân sinh. Thơ ông là một khẳng định lớn của con người! Có lần ông đã nhận định rằng “thế kỷ mà chúng ta đang sống đây càng lúc càng hiển lộ một hiện tượng tách biệt trầm trọng lạ lùng giữa thơ và đời sống. Tách biệt đến mức tưởng chừng bây giờ thơ đã trở thành một công việc riêng tư hết sức chuyên môn như trong một hội kín giữa các người làm thơ với nhau thôi. (…) Nếu lịch sử là nỗ lực mô tả những diễn biến cụ thể của thời gian thì thơ, một cách khái quát, là lịch sử trừu tượng của thời gian, là phần hồn thiêng của lịch sử “(7).
Chú thích:
1. Nguyên Sa, “Kinh nghiệm thi ca”, Sáng Tạo, số 21, 6-1958, tr. 66.
2. Thanh Tâm Tuyền, “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”, Sáng Tạo, 31, 9-1959, tr. 1.
3. Thanh Tâm Tuyền. Sđd, tr. 4 & 6.
4. Nguyên Sa. “Rời bỏ nền văn chương trú ẩn”. Đất Nước, 2, 12-1967, tr. 9.
5. Gồm nhiều tập, tái bản nhiều lần, tập 1 xuất bản lần đầu năm 1962.
6. Trần Ðức Uyển. ”Nhìn lại thơ hôm nay”. Nghệ Thuật, 12, 12-1965, tr. 16-17.
7. ”Bài nói chuyện của Tô Thùy Yên trong buổi ra mắt Thơ Tuyển tại Houston TX ngày 9-3-1996″. Ngày Nay TX, 340, 1-4-1996, tr. B3.
Nguyễn Vy Khanh
Theo http://phebinhvanhoc.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một d...