Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Vài suy nghĩ khi đọc truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan" của Thạch Lam

Vài suy nghĩ khi đọc truyện ngắn 

"Dưới bóng hoàng lan" của Thạch Lam 

1- VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ 
NHÀ VĂN THẠCH LAM: 
Nhà văn Thạch Lam (1910-1942) tên thật là Nguyễn tường Vinh sinh ngày 7/7/1910 tại Hội An tỉnh Quảng Nam, ông là em của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn tường Long). Vì muốn thi sớm bằng Thành Chung nên ông khai tăng thêm tuổi và thay đổi tên lại là Nguyễn tường Lân Sau khi đỗ bằng Thành Chung ông ra Hà Nội học trường Albert Saraut là trường dành cho những con nhà giàu học, ông đỗ bằng Tú Tài phần thứ nhất rồi nghĩ học làm báo cùng với hai anh trong nhóm "Tự lực văn đoàn" là Nhất Linh, Hòang Đạo. Ông có chân trong Biên Tập hai tờ báo Phong Hoá và Ngày nay do nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ biên. Ông khởi đầu viết văn từ năm 1931, sau đó mất năm 1942 vì bệnh lao, bỏ sự nghiệp văn chương dang dở nửa chừng. Tuy sống thời gian ngắn nhưng Thạch Lam đã đề lại cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm hay ,một lối hành văn cá biệt, một khuynh hướng sáng tác đi sâu vào những con người cùng khổ, một lối tả chân hiện thực phê phán nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. 
Những sáng tác truyện ngắn  của nhà văn Thạch Lam: 
Nhà Mẹ Lê, Dưới Bóng Hoàng Lan, Nắng Trong Vườn, Gió Lạnh Đầu Mùa, Hai Lần Chết, Bóng Người Xưa, Một Cơn Giận, Đứa Con Đầu Lòng Những Ngày Mới, Cô Hàng Xén, Tình Xưa, Buổi Sớm, Tiếng Sáo,  Người Bạn Trẻ, Cô Áo Lụa Hồng, Bắt Ðầu  
2- TRUYỆN NGẮN DƯỚI BÓNG HOÀNG LAN  CỦA THẠCH LAM: 
Thanh lách cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. Chàng thấy mát hẳn cả người, trên con đường gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí. Thanh rút khăn lau mồ hôi trên trán bên ngoài trời nắng gắt rồi thong thả đi bên bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà. Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bực cửa. 
Thanh bước lên thềm, đặt va li trên chiếc trường k, rồi ngó đầu nhìn vào trong nhà, bóng tối dịu và man mát loáng qua những màu sắc rực rỡ chàng đem ở ngoài trời vào, Thanh chưa nhìn thấy rõ gì cả, một lát, quen bóng tối, chàng mới nhận thấy cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y nguyên như chàng đi xưa. Sự yên lặng trầm tĩnh đến nỗi Thanh trở nên nghẹn họng, mãi chàng mới cất được tiếng lên gọi khẽ: 
- Bà ơi! 
Một cái bóng lẹ làng từ trong vụt ra, rơi xuống mặt bàn, Thanh định thần nhìn rõ: con mèo của bà chàng, con mèo già vẫn chơi đùa với chàng ngày trước. Con vật nép chân vào mình khẽ phe phẩy cái đuôi, rồi hai mắt ngọc thạch xanh giương lên nhìn người. Thanh mỉm cười lại gần vuốt ve con mèo: 
- Bà mày đâu? 
Thanh bước xuống dưới giàn thiên lý. Có tiếng người đi, rồi bà chàng, mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc, ở ngoài vườn vào. Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần. 
- Cháu đã về đấy ư? 
Bà cụ thôi nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng đưa lên nhìn cháu, âu yếm và mến thương. 
- Đi vào trong nhà không nắng cháu. 
Thanh đi bên bà, người thẳng, mạnh, cạnh bà cụ gầy còng. Tuy vậy, chàng cảm thấy chính bà che chở cho chàng, cũng như những ngày chàng còn nhỏ. 
- Nhà không có ai ư bà? 

- Vẫn có thằng Nhân, hôm nay nó đi đong thóc bên kia xóm. Dễ chốc nó về. Con đã ăn cơm chưa? 
- Dạ chưa. Con ở tàu về đây ngay. Nhưng con không thấy đói. 
Bà nhìn cháu, giục: 
- Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt. Trời nắng thế này mà con không đi xe ư? 
Thanh cười: 
- Có một tí đường đất, cần gì phải xe. Con đi bộ hàng ngày cũng được. 
Nhưng Thanh cũng vẫn theo lời bà. Chàng đến bể múc nước vào thau rửa mặt. Nước mát rượi và Thanh cúi nhìn bóng chàng lay động trong lòng bể với những mảnh trời xanh tan tác. 
Tất cả những ngày thuở nhỏ trở lại với chàng. Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ. 
Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ. 
Trên trường kỷ, ngọn đèn con va cái điếu cũ kỹ. Con mèo già tròn mình nằm bên cạnh, mắt lim dim trong sự bình yên và nhàn nhã. Thanh trông thấy cảnh ấy đã nhiều lần. Lần nào trở về với bà chàng, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế. Căn nhà với thửa vườn này đối với chàng như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng. 
- Ấy bà làm gì thế? Bà để mặc cháu... 
Bà cụ vẫn không thôi phẩy chiếc phất trần lên đầu giường: 
- Đã lâu không có ai nằm nên bụi bám đầy khắp cả. 
Thanh phải để mặc cho bà sửa chiếu và xếp lại gối. Chàng thấy mình bé quá. 
- Cháu đi nghỉ chẳng mệt. Để bà hái mấy lá rau nấu canh ăn cho mát. 
Bà cụ đi ra, Thanh bỗng thấy mệt mỏi. Chàng lặng nằm xuống giường, duỗi chân tay, khoan khoái. Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng, lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc chàng lẩm bẩm: "cây hoàng lan!" mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào, Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Đã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn. Rồi đến ngày một bà một cháu quấn quýt nhau. Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm, các ngày nghỉ. Bây giờ cây đã lớn. 
Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối. Chàng tắm trong cái không khí tươi mát này. Những ngày bận rộn ở tỉnh giờ xa quá. Khu vườn với các cây quen đã nhận biết chàng rồi. 
Nghe tiếng bà đi vào, Thanh nằm yên giả vờ ngủ. Bà lại gần săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi. Gió quạt đưa nhẹ trên mái tóc chàng. Thanh vẫn nằm yên, nhắm mắt nhưng biết bà ở bên mình. Chàng không dám động đậy, yên lặng chờ cho bà lại đi ra. Bà xuống bếp làm cơm hẳn. Tiếng dép nhỏ dần. 
Chàng cảm động gần ứa nước mắt. Bà yêu thương cháu quá, giờ chỉ có mình cháu, với mình bà. Mà bà làm bếp có một mình thôi ư?. Không, hình như có tiếng người khác nữa, tiếng trong và mau hơn. Thanh lắng nghe: một tiếng cười sẽ đưa lên. Tiếng ai? Nghe quen quá mà Thanh không nhớ được. 
Chàng lẳng lặng ngồi dậy tỳ trên cửa sổ, cúi mình nhìn ra phía ao. Bóng cây hoàng lan lay động cả một vùng. Chàng chợt nhớ, chạy vùng xuống nhà ngang, gọi vui vẻ: 
- Cô Nga... 
Người thiếu nữ đương nhặt rau nghe tiếng gọi vội ngửng đầu: một nụ cười, đôi mắt trong sáng lên, rồi tiếng nhẹ nhàng: 
- Anh Thanh! Anh đã về đấy à? 
Thanh đứng tựa bên cột, chưa trả lời. Chàng nhìn cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ, bên cạnh mái tóc bạc trắng của bà chàng. Cô Nga, cô bé hàng xóm vẫn sang chơi với chàng trong vườn, và mỗi lần về, chàng lại gặp ở nhà như một người thân mật. 
Một lát cô Nga nói: 
- Anh Thanh độ này khác hẳn trước. Anh chóng nhớn quá. 
- Tôi vẫn thế đấy chứ. 
Bà cụ cúi trên rổ rau, không nhìn cháu, đáp: 
- Cô trông em có phải gầy đi không? Không bằng độ còn ở nhà. 
Nga ngửng nhìn Thanh, cười: 
- Đấy em nói có sai đâu. Anh trông lại đen đi nữa. 
Lá rau tươi xanh ngắt bên bàn tay trắng hồng nhỏ nhắn. Thanh cũng ngồi ghé xuống. Thế là lại như lúc còn ở nhà, ngày ngày chàng cũng vẫn với Nga xuống bếp xem bà làm cơm. Câu chuyện vẫn vui và vẫn đậm, có lúc chàng lầm tưởng Nga chính là em ruột của mình. 
Lúc Nhân bưng cơm đặt lên bàn, bà cụ bảo cô thiếu nữ: 
- Ở đây ăn cơm một thể, cháu ạ. 
Thanh nhìn lên: 
- Ăn cho vui, cô Nga. 
- Xin phép cụ và anh thôi, em vừa mới ăn cơm xong ở nhà. Em đứng đây cũng được chứ gì. 
Thanh ra vẻ không bằng lòng: 
- Không, cô phải ngồi ăn cơ. Cô làm khách mãi. 
Nga sợ, vén áo ngồi bên bà cụ, nhưng nàng chỉ ăn nhỏ nhẻ, cầm chừng, và buông đũa luôn để xới cơm cho Thanh. Bữa cơm vui quá, Thanh ăn rất ngon miệng, lòng thư thái và vui sướng. Thỉnh thoảng chàng nhìn đôi môi thắm của Nga, hai má hồng. Và nụ cười tươi nở, nàng nhìn lại Thanh, một chút thôi, nhưng biết bao âu yếm. 
Ngoài vườn, trời vẫn nắng. Giàn thiên lý pha xanh một bên tà áo trắng của Nga. Những búp hoa lý non và thơm rủ liền trong giàn, lẫn vào đám lá. Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh nhớ lại hai bàn chân xinh xắn của Nga, ngày nào, đi trên đó. Hai bàn chân nhỏ, lấm tấm cát, để dấu tự ngoài ao trở về... Chàng đột nhiên mỉm cười, rồi nói: 
- Cô Nga có còn hay đi nhặt hoàng lan rơi nữa không? 
Nga cũng cười hơi thẹn: 
- Vẫn nhặt đấy. Nhưng không có ai tranh nữa. 
Nàng nhìn Thanh, mắt như tụ lại những hình ảnh tự bao giờ, và sẽ vuốt mấy sợi tóc mai ra một bên. Thanh thấy quả tim đập nhẹ nhàng. 
Bà cụ thì mãi nhìn cháu. Bác Nhân khoanh tay đứng dựa bên cột nghe, bác cũng vui mừng vì thấy cậu về, vẫn mạnh khỏe và xinh trai như ngày trước. Còn cô Nga vẫn tươi đẹp và vui vẻ như thế. Có cô nhà cũng đỡ vắng, và bà cậu cũng đỡ buồn, hàng ngày cô chạy sang chơi giúp đỡ bà cụ giã cối trầu và nói chuyện đến người đi vắng ở trên tỉnh đã lâu không về thăm nhà. 
Bữa ăn xong, Thanh với Nga đã trở lại thân mật như khi còn nhỏ. Thanh dắt nàng đi xem vườn, cây hoàng lan cao vút, cành lá rủ xuống như chào đón hai người. Có lúc gần nhau, Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng thơm như có giắt hoàng lan. Nhưng hoa lan chưa rụng, vẫn còn tươi xanh ở trên cành. Nga bảo Thanh: 
- Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá. 
Thanh chẳng biết nói gì, chàng vít một cành lan xuống giữ ở trong tay để Nga tìm hoa, rồi nhẹ nhàng buông ra cho cành lại cong lên. Nắng soi vào vai hai người, nhưng dưới chân đất vẫn mát như xưa. 
- Bao giờ anh lên tỉnh? 
- Ngày mai thôi. Kỳ này được nghỉ ít. Nhưng mai sau, tôi sẽ về ở đây lâu hơn. 
Lòng Thanh dịu lại. Nga đến bên bể múc nước rửa hoa, rồi xếp bày trên quả trầu. Bà cụ nhìn cô, âu yếm: 
- Hoa hãy còn non lắm, sao hái sớm thế, con? 
Nga thưa: 
- Anh con hái đấy ạ! Và nàng nhìn Thanh mỉm cười. 
Đêm ấy, một bà, một cháu với một cô láng giềng chuyện trò dưới bóng đèn mãi tới khuya, khi trăng lên. Qua vườn, Thanh tiễn Nga ra đến cổng, đi qua hai bên bờ lá đã ướt sương. Mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió mát. Không lưỡng lự, Thanh cầm lấy tay Nga, để yên trong tay mình. Nga cũng đứng yên lặng. Lâu lâu, Nga rút tay sẽ nói: 
- Thôi, em về. 
Thanh đi trở vào rất thong thả. Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương mãi. Chàng đến trường kỷ ngồi ở bên đèn. 
Sáng hôm sau, Thanh đã phải lên tỉnh. Chiếc va li chàng nặng những thức quà bà chàng đã ban cho. Thanh cầm mũ đứng nghe bà khuyên bảo ân cần của bà già dưới giàn hoa lý. Chàng vẫn bé quá và lại đi xa. 
Tới cổng, Thanh còn đứng lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn. Bác Nhân nhanh nhẩu cầm đỡ va li cho chàng. Thanh dặn khẽ: 
- Bảo tôi có lời chào cô Nga nhé. 
Rồi chàng bước ra đi, nửa buồn mà lại nửa vui, Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghĩ sau việc làm. Và Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Mỗi mùa, cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương. 
THẠCH LAM 
3- BÌNH LUẬN ENTRY: 
"Dưới Bóng Hoàng Lan" theo tôi nhà văn Thạch Lam không phải viết theo thể Truyện Ngắn mà là viết theo lối Tự Thuật hay hồi ký, bởi vì nó không hẳn là một cốt truyện có tình tiết rõ ràng như những truyện ngắn khác mà chỉ là những xúc cảm ghi nhận của Thanh, một người đi xa nhà trở về để gặp lại người thân, người yêu. Điểm nổi bật của tác phẩm nầy là lối viết văn tả cảnh, tả tình của tác giả thật là tuyệt vời. Khi đọc tôi có cảm tưởng là tôi đã hòa nhập vào nhân vật Thanh với những xúc động khi trở về mái nhà xưa sau hai năm xa cách. Tất cả kỷ niệm, kỷ vật còn đấy, như gợi lên những nỗi niềm vui sướng của Thanh khi trở lại một vùng quê an bình, đầy bóng mát ngọt ngào của cây trái .sau một thời gian bon chen ở vùng thị thành quá nhiều khói bụi . Nếu bạn có quê hương và xa cách nó, nếu bạn đã ở thị thành đã lâu khi về thăm quê nhà bạn sẽ thấy giữa hai vùng đất thành thị và nông thôn hoàn toàn khác biệt. Vùng quê luôn luôn yên bình với tiếng chim hót, tiếng gió thổi xào xạc, tiếng ve sầu kêu rộn rã giữa trưa hè thanh vắng. Bầu không khí trong sạch với mùi hương dòng sông khi nước lớn, nước ròng, cái mùi ngây ngây đặc biết sẽ làm ban ngây ngất. 
Nhưng điều quan trọng là những xúc cảm của Thanh khi gặp lại Nga,gười em gái ở quê, bên hàng xóm thân thương với nhiều kỷ niệm ngày thơ ấu. Bây giờ, khi họ đã lớn, một tình yêu thanh khiết nẩy mầm nhưng chưa đơm hoa kết trái. Những kỷ niệm với Nga thời thơ ấu dưới bóng cây hoàng lan trong ký ức dội về Thanh như réo gọi nỗi vui mừng. 
Nhà văn Thạch Lam đã rất tuyệt vời khi viết về tình cảm nấy, có cái dịu ngọt của chân chất, cái lắng đọng nhớ nhung  của tình yêu, cái thanh khiết của sự e ấp mộc mạc còn trong vòng lễ giáo  Những thứ đó như hòa quyện làm thành một cảm xúc thật đặc biệt cho người đọc, khiến tôi cảm thấy trân trọng mối tình của hai nhân vật trong truyện. Ta hãy xem lai Thạch Lam đã viết thế nào về những câu văn đầy xúc cảm đó: 
"Thanh bỗng thấy mệt mỏi. Chàng lặng nằm xuống giường, duỗi chân tay, khoan khoái. Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng, lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc chàng lẩm bẩm: "cây hoàng lan!" mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào, Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Đã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn .". Và đây, những cảm xúc của Thanh khi gặp lại Nga: 
"Không, hình như có tiếng người khác nữa, tiếng trong và mau hơn. Thanh lắng nghe: một tiếng cười sẽ đưa lên. Tiếng ai? Nghe quen quá mà Thanh không nhớ được. 
Chàng lẳng lặng ngồi dậy tỳ trên cửa sổ, cúi mình nhìn ra phía ao. Bóng cây hoàng lan lay động cả một vùng. Chàng chợt nhớ, chạy vùng xuống nhà ngang, gọi vui vẻ: 
- Cô Nga... 
Người thiếu nữ đương nhặt rau nghe tiếng gọi vội ngửng đầu: một nụ cười, đôi mắt trong sáng lên, rồi tiếng nhẹ nhàng: 
- Anh Thanh! Anh đã về đấy à? 
Thanh đứng tựa bên cột, chưa trả lời. Chàng nhìn cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ, bên cạnh mái tóc bạc trắng của bà chàng. Cô Nga, cô bé hàng xóm vẫn sang chơi với chàng trong vườn, và mỗi lần về, chàng lại gặp ở nhà như một người thân mật. 
Một lát cô Nga nói: 
- Anh Thanh độ này khác hẳn trước. Anh chóng nhớn quá." 
Bữa cơm vui quá, Thanh ăn rất ngon miệng, lòng thư thái và vui sướng. Thỉnh thoảng chàng nhìn đôi môi thắm của Nga, hai má hồng. Và nụ cười tươi nở, nàng nhìn lại Thanh, một chút thôi nhưng biết bao âu yếm. 
Ngoài vườn , trời vẫn nắng. Giàn thiên lý pha xanh một bên tà áo trắng của Nga. Những búp hoa lý non và thơm rũ liền trong giàn, lẫn vào đám lá. Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh nhớ lại hai bàn chân xinh xắn của Nga, ngày nào, đi trên đó. Hai bàn chân nhỏ, lấm tấm cát, để dấu tự ngoài ao trở về... Chàng đột nhiên mỉm cười, rồi nói: 
- Cô Nga có còn hay đi nhặt hoàng lan rơi nữa không? 
Nga cũng cười hơi thẹn: 
- Vẫn nhặt đấy nhưng không có ai tranh nữa. 
Nàng nhìn Thanh , mắt như tụ lại những hình ảnh tự bao giờ, và sẽ vuốt mấy sợi tóc mai ra một bên. Thanh thấy quả tim đập nhẹ nhàng". 
Hay: 

"Qua vườn, Thanh tiễn Nga ra đến cổng, đi qua hai bên bờ lá đã ướt sương. Mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió mát. Không lưỡng lự, Thanh cầm lấy tay Nga, để yên trong tay mình. Nga cũng đứng yên lặng. Lâu lâu, Nga rút tay sẽ nói: 
- Thôi, em về. 
Thanh đi trở vào rất thong thả. Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương mãi".
 
Tóm lại, với một cốt truyện không có gì là thu hút , đặc sắc nhưng Thạch Lam đã dùng bút pháp, văn phong tài tình của mình để che lấp khoảng trống đó bằng một chuỗi lớn diễn cảm như mũi tên xoáy vào ngay xúc động của người đọc. Thạch Lam đã làm cho người đọc, không còn là chứng nhân ngoài cốt truyện mà đã hóa thân, nhập thể thành Thanh hay Nga, để hồi ức lại những rung động đầu đời của chính mình.
Trong đoạn kết, nhà văn Thạch Lam không đưa buổi chia tay của Thanh và Nga vào một cái logic bình thường là đưa tiễn nhau với những giọt nước mắt, những lời hứa hẹn mà Thanh ra đi lặng lẽ như lúc đến với những buồn vui âm thầm lẫn lộn. Có thể lúc đó Nga đang còn ngủ với một giấc mơ, một xúc động nào đó còn sót lại hôm qua dưới bóng cây hoàng lan đầy kỷ niệm nhưng khi thức dậy thì người xưa đã đi rồ. Không "từ mà biệt" chính là cái khéo léo để người ở lại luôn tưởng nhớ người đi trong những nỗi chờ mong, khắc khoải, càng nhớ thì tình yêu càng dâng cao mặn nồng. 
Với một lối viết văn bản sắc riêng đầy tính nhân văn, cái nhân văn dân dả, mộc mạc, đơn chất trái hẳn với Nhất Linh viết văn chương lãng mạn, bác học, Khái Hưng viết với lãng mạn, tâm lý, Hoàng Đạo viết với lý luận về chính trị, xã hội thì Thạch Lam đã có một phong thái riêng sở trường về cách chọn chủ đề và bút pháp của mình thật đáng khâm phục. 

HUY THANH 
Theo http://huythanhts.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tiếng gọi đêm cuối năm Đêm hai mươi sáu Tết, chị đứng trên ban công tầng bốn, lặng lẽ đưa đôi mắt u buồn nhìn xa xăm xuống đường phố. Ha...