Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

Bình thơ Nguyễn Bính - Xuân tha hương

Bình thơ Nguyễn Bính - Xuân tha hương
An trú trong giây phút hiện tại là sự thực tập của Làng Mai. Vì an trú trong giây phút hiện, mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong mình và chung quanh mình. Hiện tại được làm bằng quá khứ và cũng được làm bằng tương lai. Hiện tại không có cái ngã riêng biệt nên hiện tại được làm bằng những yếu tố không phải là hiện tại. Do vậy, quá khứ đóng một vai trò khá quan trọng trong sự góp mặt tạo nên hiện tại. Nếu chúng ta chưa có một quá khứ, chúng ta cần xây dựng quá khứ. Bởi bất kì người nào cũng cần dựa trên một quá khứ, gia đình nào cũng phải dựa trên quá khứ, dân tộc, đất nước nào cũng phải có một quá khứ để mà dựa. Mình có thể xây dựng một quá khứ vững chắc làm chỗ dựa cho chính bản thân bằng cách sống của mình trong hiện tại
Người ta thường nói xây dựng tương lai chứ không ai nói xây dựng quá khứ, tại vì quá khứ đã đi qua, nhưng kỳ thực quá khứ có thể xây dựng được và quá khứ là cái rất cần thiết để làm chỗ nương tựa cho tương lai. Có những người trong chúng ta có quá khứ rất đẹp, chúng ta có một tuổi thơ hạnh phúc với những kỷ niệm êm đềm cùng gia đình và bè bạn. Đó là những người rất may mắn. Nhờ có quá khứ đẹp mà chúng ta có được niềm vui trong hiện tại và niềm tin trong tương lai. Nhưng cũng có những người trong chúng ta kém may mắn hơn, không có được một quá khứ như vậy. Có thể trong gia đình, mình đã phải chứng kiến cảnh ba mẹ, anh chị em làm khổ nhau. Có khi phải chứng kiến gia đình tan nát, chia rẽ. Bạn bè thì thù oán hoặc chơi xấu với nhau. Những nỗi đau đó chúng ta đã mang trong mình, và những vết thương của quá khứ ấy cứ ám ảnh chúng ta, nó như một bóng ma làm cho ta không có khả năng an trú trong giây phút hiện tại và không cho ta xây dựng tương lai một cách dễ dàng. Trong bài hát của Tịnh Thủy có câu: “Ta vẫn có ngày mai, ta vẫn còn quá khứ, nên hôm nay ta vẫn sống nhẹ nhàng.” Câu đó có nghĩa là ngày mai rất có triển vọng nhưng ngày hôm qua của mình cũng đẹp lắm và mình muốn giữ lấy ngày hôm qua để nuôi dưỡng hôm nay và ngày mai.
Nếu ta không có một quá khứ đủ đẹp, đủ hạnh phúc thì ta phải biết sử dụng hiện tại để xây dựng cho mình một quá khứ đẹp. Nhưng xây dựng quá khứ như thế nào khi quá khứ đã đi qua? Ngày hôm nay, nếu mình sống với nhau hài hòa, an lạc, hạnh phúc, thì ngày hôm nay sẽ trở thành quá khứ của ngày mai. Do vậy, xây dựng quá khứ có thể làm được, và làm được trong hiện tại..
Khi gặp khó khăn ở hiện tại, nhiều người thường nghĩ về quá khứ để được an ủi : Ngày xưa, thân của mình được như vậy, cảm thọ của mình được như vậy, tâm hành của mình được như vậy, nhận thức của mình được như vậy. Nhưng than ôi, ngày hôm nay, thân xác của mình lại như vậy, cảm thọ mình lại như vầy… Rồi trách móc, than khóc cho số phận mình. Trong bài hát Les Feuilles d’Automne cũng toàn đề cập đến tiếc nuối về những gì đã qua. Cái gì ngày xưa cũng đẹp, còn ngày hôm nay, cái gì cũng thật chán.
Có rất nhiều người chỉ sống bám vào quá khứ. Họ không có khả năng sống trong hiện tại. Họ không lo xây dựng tương lai. Họ cũng không lo xây dựng một quá khứ mới mà chỉ khư khư ôm lấy cái quá khứ gọi là vàng son của họ.  Có thể là chúng ta từng có một quá khứ thật hào hùng mà bây giờ nó không còn nữa, nhưng chúng ta không cần phải tiếc nuối quá khứ ấy vì chúng ta có thể xây dựng một quá khứ còn đẹp đẽ hơn cái quá khứ ngày xưa. Nếu có chánh niệm, chánh định, mình có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, mình có thể có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, và hạnh phúc hiện tiền này chính là quá khứ của ngày mai. Ta thường nói, "ngày ấy bên nhau". Nhưng "ngày ấy" là ngày nào? Ngày ấy là ngày hôm nay, và nếu ngày hôm nay, mình biết sống bên nhau có hạnh phúc, ngày hôm nay trở thành một quá khứ thật đẹp.
Hôm nay, mình sẽ thưởng thức những bài thơ với nội dung xoay quanh vấn đề vừa đề cập. Bài Xuân tha hương được Nguyễn Bính viết cách đây 60 năm, khi ông còn đang ở Huế. Ngày xưa, Nguyễn Bính sống với mẹ ở quê nhà, khi mẹ mất, Nguyễn Bính bỏ quê lên tỉnh thành – Hà Nội – tìm kiếm chút danh, chút lợi. Khi đuổi theo những đối tượng của sự ham muốn không lâu Nguyễn Bính đã nếm đủ mùi đau khổ. Trong những lúc khổ đau ấy, ông nhớ tới quá khứ, và nghĩ rằng chỉ có quá khứ mới đáng để cho mình sống thôi. Trong Xuân tha hương, Nguyễn Bính viết:
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông
Lúc này Nguyễn Bính đã cùng với một người bạn rời bỏ Hà Nội, đi vào Nam. Sau nhiều tháng sống lăn lóc, rã rời ở Nam, họ trở về Huế. Khi đó Huế đang là mùa mưa, mưa dầm dề, mưa thối đất thối cát, mưa từ ngày này sang ngày khác.
Trời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra tới mấy ngày
Mưa ở Huế không phải chỉ vài ngày, mà mưa suốt cả mười mấy ngày luôn, ai đã từng ở Huế thì biết. Với tâm trạng buồn chán, thất vọng, chẳng biết làm gì, đôi bạn dùng rượu để làm vơi bớt đi nỗi khổ đau.
Hôm qua còn sót hơn đồng bạc
Hai đứa bàn nhau uống rượu say
Nón lá áo tơi ra quán rượu
Chơ vơ trên bến nước sông đầy
Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
Chén ứa men lành lạnh ngón tay
Không hiểu vì sao đứa lại
Chung lưng làm một chuyến đi đầy?
Đây là những kỉ niệm với Huế, năm 1941, và năm 1942, Nguyễn Bính viết bài xuân tha hương để nhớ lại những kỉ niệm này.
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông
Nguyễn Bính đã cùng một người bạn đi từ Bắc vào Nam, rồi từ Nam trở ra Huế. Huế với Hà Nội cách nhau bởi bảy con sông: sông Mã, sông Cả, sông Gianh, sông Đồng Hới, sông Quảng trị, sông Bến Hải rồi tới sông Hương.
Em đi dang dở đời mưa gió
Chị ở vuông tròn phận lãnh cung
Chén rượu tha hương, trời, đắng lắm
Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông
Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống
Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng…
Mình thưởng thức đoạn ba.
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Chao ơi, tết đến em không được
Trông thấy quê hương thật não nùng!
Ai bảo mắc duyên vào bút mực
Suốt đời mang lấy số long đong!
Người ta đi kiếm giàu sang cả
Mình chỉ mơ toàn chuyện viễn vông
Trong khi mọi người đang lao vào kiếm bằng cấp, đang cố gắng làm giàu còn mình lại từ bỏ tất cả để đi tu đó có phải là đang mơ chuyện viễn vông không? Hãy thử hỏi chính mình, có phải mình cũng giống Nguyễn Bính : toàn mơ chuyện viễn vông, Niết bàn, Tịnh độ xa vời ?
Người ta đi kiếm giàu sang cả
Mình chỉ mơ toàn chuyện viễn vông
Em biết giàu sang đâu đến lượt
Nợ đời nặng quá gỡ sao xong?
Chúng ta xuất gia vì một lý tưởng cao đẹp. Chúng ta biết con đường cần đi. Mỗi ngày, chúng ta biết cần làm gì. Mỗi giờ, chúng ta biết cần làm gì. Còn Nguyễn Bính rời quê hương với mục đích kiếm tìm một công danh, một tình yêu nào đó. Và ta biết rõ, công danh và sắc dục chỉ khiến cho người ta thất điên bát đảo mà thôi. Chỉ cần đọc vài câu, là ta biết được tâm hồn của Nguyễn Bính lúc đó như thế nào.
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Tết này, ô thế mà vui chán
Những một mình em uống rượu hồng
Rượu cay nhớ chị hồi con gái
Thương chị từ khi chị lấy chồng
Cố nhân chẳng biết làm sao ấy
Rặt những tin đồn chuyện bướm ong
Qua những câu thơ trên, ta nhận biết được, những khổ đau, những giận hờn trong chuyện tình yêu của Nguyễn Bính.
Thôi em chẳng dám đa mang nữa
Chẳng buộc chân vào sợi chỉ hồng
Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc
Chắp nối nhau hoài cũng uổng công!
Và với giọng rất là chua chát:
Một trăm con gái đời nay ấy
Đừng nói ân tình với thủy chung!
Lúc này Nguyễn Bính không còn có thể tin tưởng được bất kì người con gái nào nữa. Bởi họ đã cho chàng leo cây, khiến chàng chật vật, lên xuống thất thường.
Người ấy xuân già chê gối lẻ
Nên người nong nả chuyện sang sông
Sang sông là đi lấy chồng. Đây là cách dùng hình tượng.
Đò ngang bến dọc tha hồ đấy
Quý hóa gì đâu một chữ "đồng"!
Đò ngang bến dọc tức là nếu không lấy được người này thì lấy người khác. Có hơi chút mỉa mai, cay cú, xen lẫn với sự giận hờn những người con gái đã đi qua, và để lại những vết thương cho lòng Nguyễn Bình.
Vâng, em trẻ dại, em đâu dám…
Thôi, để người ta được kén chồng
Thiếu nữ hoài xuân mơ cát sĩ
Chịu làm sao được những đêm đông…
(Khốn nạn, tưởng yêu là khó chứ
Không yêu thì thực dễ như không)
Đây là tâm trạng của Nguyễn Bính khi tình duyên và công danh sự nghiệp thất bại.
Chị ơi, tết đến em mua rượu
Em uống cho say đến não nùng
Uống say cười vỡ ba gian gác
Ném cái chung tình xuống đáy sông!
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Sương muối gió may rầu rĩ lắm
Còn vài hôm nữa hết mùa đông
Xuân đến cho em thêm một tuổi
Thế nào em cũng phải thành công
Dù thất bại ê chề, nhưng vẫn cố bám víu và hy vọng ở tương lai.
Xuân đến cho em thêm một tuổi
Thế nào em cũng phải thành công
Em không khóc nữa, không than nữa
Đây một bài thơ hận cuối cùng
Nguyễn Bính nói rằng, đây là bài thơ than khóc cuối cùng, nhưng sau bài thơ này còn có  tới hàng trăm bài thơ than khóc khác nữa.
Không than chắc hẳn hồn tươi lại
Không khóc tha hồ đôi mắt trong
Bài Hoa với Rượu viết vào tháng Chạp, năm Nhâm Ngọ tức 1942, khi Huế đang chuẩn bị đón tết. Bài Hoa Với Rượu cho ta thấy rõ hơn về thói thường của con người khi gặp khó khăn ở hiện tại đó là tìm về quá khứ để được an ủi. Quá khứ của Nguyễn Bính là mối tình con nít hồi còn sáu bảy tuổi. Ngày ấy, Nguyễn Bính sống với mẹ, và gọi mẹ bằng u. Hàng xóm của Nguyễn Bính là hai chị em cô hàng rượu. Cô bán rượu có một người em gái nhỏ xíu chừng sáu bảy tuổi. Nguyễn Bính thường sang chơi với cô bạn nhỏ này.
Thấy rét u tôi bọc lại mền
Cô hàng cất rượu ủ thêm men
Loại rượu cô hàng bán là rượu nếp. Nó giống như rượu Sake của Nhật Bản. Khi trời lạnh, muốn cho nếp thành rượu dễ dàng hơn cần phải bỏ thêm men.
Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ
Say cả tứ mùa cho khách quen
Cô gái cất rượu để đem bán vào các phiên chợ. Rượu  của cô làm cho người ta say sưa, và đặc biệt làm cho khách quen say cả bốn mùa : làm cho họ say mùa xuân, say mùa hạ, say mùa thu, say luôn mùa đông.
Em nhỏ là Nhi, bạn nhỏ tôi
Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi
Cô bé Nhi, cô bạn của Nguyễn Bính, trạc tuổi hoặc nhỏ hơn Nguyễn Bính một chút. Hai đứa thường chơi chung với nhau.
Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ
Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi
Mỗi khi đi chợ về, chị của bé Nhi đều mua bánh ú, bánh giò cho cả hai đứa. Lẽ ra thì chỉ mua cho Nhi thôi nhưng có thằng nhỏ hàng xóm hay sang chơi nên chị Nhi mua cho cả hai.
Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà
Người ta bắt chước chị người ta!
Ra vườn nhặt những hoa cam rụng
Về bỏ đầy nồi cất nước hoa
Trong vườn của hai chị em cô hàng xóm có nhiều hoa cam đang nở. Và khi hoa cam rụng, chị Nhi hay nhặt lấy hoa cam rồi bỏ vào nồi nấu làm nước hoa. Con nít thấy người lớn làm vậy thì cũng bắt chước làm theo, chúng cũng nhặt hoa cam để nấu nước hoa. Giọng của con nít rất hay, rất ngộ nghĩnh :  " Người ta bắt chước chị người ta! "
Ra vườn nhặt những hoa cam rụng
Về bỏ đầy nồi cất nước hoa
Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy
Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau
Chúng đùa giỡn với nhau rất ngây thơ và dễ thương.
Hí hửng bảo nhau: "Thơm đấy chứ
Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu"
Chất giọng Bắc rất hay: " Thơm đấy chứ, thấm vào đâu,… "
Một tối nhà Nhi có giỗ thầy
Chị Nhi cho uống rượu cay cay
Cúng bố xong, chị Nhi cho hai đứa ăn, và còn cho uống rượu nữa.
Chừng đâu chén nhỏ làm hai đứa
Mặt đỏ lên rồi chếnh choáng say
Chị rót cho hai đứa một chén nhỏ xíu, chén nhỏ bằng ngón chân, nhưng tụi nó say chếnh choáng, vì tụi nó đâu có biết uống rượu.
Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài
Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai
Hai đứa ôm nhau để ngủ, rất là ngây thơ. Đánh giấc một giấc dài tức là ngủ luôn một giấc dài. Đánh ở đây có nghĩa là liên tục không gián đoạn.
Chị Nhi cứ chế làm sao ấy
Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười
Nghe người lớn chế nhạo, hai đứa trẻ không hiểu gì hết, chúng nhìn nhau cười rất ngớ ngẩn.
Chị Nhi thường nói với u tôi:
- "Hai đứa, thưa bà, đến đẹp đôi!"
U tôi cười đáp ngay như thật:
- "Tôi có nàng dâu giúp đỡ rồi! "
Đó là những gì Nguyễn Bính có thể nhớ lại được, là những gì Nguyễn Bính bám vào để sống. Nguyễn Bính cần một chỗ để nương tựa, vì Nguyễn Bính có quá nhiều khổ đau trong chuyện tình duyên.
Thuở ấy làm sao thật thái bình
Trai hiền bạn với gái đồng trinh
Đời say men rượu thơm hoa rụng
Tràn những thơ ngây ngập cảm tình…
Rượu và hoa là hai thứ mà Nguyễn Bính nhớ nhất. Giấc mơ trở về quá khứ là để gặp hoa và rượu ở ngày xuân.
Ấy thế mà rồi cách biệt nhau,
Nhà Nhi không biết dọn đi đâu?
Cuộc đời thật vô thường, hai đứa nhỏ thân với nhau như vậy, hạnh phúc như vậy, mà phải bị lìa xa.
Mình tôi giời bắt làm thi sĩ
Mẹ mất khi chưa kịp bạc đầu
Bỏ lại vườn cam, bỏ mái tranh
Tôi đi dan díu với kinh thành
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới
Chuốc mãi men say rượu ái tình
Chàng có số làm thi sĩ, nên muốn tới chốn kinh kỳ để kiếm chút công danh sự nghiệp. Hơn nữa mẹ mất rồi, ở quê cũng chẳng làm gì. Và thi sĩ nghĩ rằng, mình sẽ tìm thấy hạnh phúc nơi kinh thành hoa lệ, nơi ấy sẽ có đủ những điều kiện mà một người con trai mới lớn cần tới. Nhưng sau một thời gian ngắn, Nguyễn Bính biết rằng, nó không hề dễ dàng như mình tưởng tượng.
Rượu ái tình kia thành thuốc độc
Vườn trần theo bướm phấn hương bay
Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc
Hoa hết thơm rồi, rượu hết cay
Hoa với rượu là hai biểu tượng của hạnh phúc của nguyễn Bính. Nhưng hoa ngày xưa không còn thơm nữa, rượu ngày xưa cũng không còn cay nữa, nhạt nhẽo vô cùng, thất vọng não nề.
Trăm sầu nghìn tủi mình tôi chịu
Ba bốn năm rồi năm sáu năm
Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại
Men nồng gạo nếp nước hoa cam
Những thất bại, những khổ đau được diễn tả bằng câu : "  trăm sầu nghìn tủi mình tôi chịu " . Còn ai chịu chung với mình đâu? Nhi bây giờ lớn rồi, có thể đã đi lấy chồng rồi, đâu biết mình đang trải qua cơn khổ đau oằn oại như vậy. Mẹ cũng mất rồi. Và vì vậy cảm giác cô độc, lẻ loi càng lớn hơn. Những nỗi khổ đau của mình chỉ mình biết, chỉ mình mình chịu thôi.
Nguyễn Bính dùng chữ rất hay, rất đơn giản, trăm sầu nghìn tủi mình tôi chịu, ba bốn năm rồi năm sáu năm. Nói thơ như mình nói chuyện bình thường vậy.
Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại
Men nồng gạo nếp nước hoa cam
Khi nhớ lại thời thơ ấu thanh bình hạnh phúc, thì tiếc nuối, đôi khi khóc thầm, khóc vụng. Cũng may mà Nguyễn Bính có một quá khứ của thời thơ ấu để nhớ về, nếu không có quá khứ ấy, chắc sống không nổi.
Xa lắm rồi Nhi! Muộn lắm rồi
Bẽ bàng lắm lắm nữa Nhi ơi!
Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ
Mộng ngát duyên lành cũng bỏ tôi

Đó là hình ảnh đẹp duy nhất của quá khứ. Nhưng nếu muốn trở về để tìm lại người cũ, thì cơ hội được gặp lại rất mong manh, chắc gì đã gặp được. Lâu quá rồi còn gì, trong thời gian ấy biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra, không biết bây giờ người ấy ra sao rồi.  Nên đã nói, muộn lắm rồi, xa lắm rồi. Mình đã bỏ lại miền quê của mình, lỡ bỏ thiên đường của mình để đi tìm danh vọng, đi tìm tình duyên ở kinh đô ánh sáng, và làm hình ảnh hạnh phúc của ngày xưa tan biến.
Xa lắm rồi Nhi! Muộn lắm rồi
Bẽ bàng lắm lắm nữa Nhi ơi!
Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ
Mộng ngát duyên lành cũng bỏ tôi
Thi sĩ đang tưởng tượng, nghề của các chàng là tưởng tượng, các chàng không thể sống trong hiện thực mầu nhiệm. Thi sĩ và nhạc sĩ là như vậy. Cũng như Văn Cao, tác giả bài Bến Xuân, tưởng tượng rằng, nhà tôi bên chiếc cầu ven suối, em đến tôi một chiều… Nhưng anh nào có một chiếc nhà bên suối, để cô nàng tìm tới suối với anh. Nguyễn Bính tưởng tượng :
Chắc ở nơi nào dưới mái tranh
Chị em Nhi vẫn sống yên lành
Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán
Hồn vẫn trong và mộng vẫn xinh
Nguyễn Bính tưởng tượng Nhi lớn rồi, có thể bán rượu được rồi, nhưng nàng vẫn còn trong sáng và ngây thơ như ngày xưa. Điều này liệu có xảy ra được không ? Hồn của em còn trong không? Mộng của em còn xinh không? Còn hồn tôi đã tan vỡ, đã xấu xí, đục ngầu. Tôi đã đi lên tỉnh thành, tôi đã lăn lóc, và đã thất bại, đã mệt nhoài, tôi đã như muốn chết. Do vậy, tôi vẫn mong rằng em đừng bị như tôi. Tôi muốn em cứ đẹp hoài như ngày xưa, nếu cả tôi và em đều bị cuộc đời làm vẩn đục thì chẳng còn gì để cho tôi bám víu mà sống nữa, lúc ấy chắc chỉ có chết mà thôi. Tôi ước rằng, em còn giữ gìn trong khung cảnh lành lặn của thôn quê, không bị những bụi bặm, những chất độc của kinh thành quyến rũ, làm hư hỏng. Tôi hy vọng rằng, hồn em vẫn trong và mộng của em vẫn xinh.
Ngày xưa còn bé Nhi còn đẹp
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì
Tháng tháng mươi mười lăm buổi chợ
Cho người thiên hạ phải say mê
Cô bán rượu rất đẹp và còn rất trẻ. Mỗi khi có chợ phiên, đem rượu ra bán, ai trông thấy cô hàng xinh đẹp, tươi mát cũng tới mua rượu. Đây là những câu hỏi tới tấp với cô hàng xinh đẹp:
Xóm chị em Nhi ở mấy nhà?
Bến đò đông vắng? Chợ gần xa?
Xóm em ở có mấy nhà? Xóm em gần bến đò không? Cách bến đò, cách chợ bao xa?
Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ?
Vườn có trồng cam, có nở hoa?
Nguyễn Bính mơ ước, người xưa vẫn còn sống ở trong một khung cảnh yên bình: Có xóm nhà tranh, có chợ phiên, có bến đò gần đó, và vườn nhà của người xưa vẫn còn có hoa cam mỗi độ xuân về.
Mơ tưởng vu vơ lòng dối lòng
Nguyễn Bính mơ mộng, và biết rằng mình mơ mộng.
Thở vào tôi biết rằng tôi đang mơ mộng
Thở ra tôi biết là tôi không có thực tế
Không hẳn thi sĩ không thấy, nhưng sự thật có thể rất phũ phàng.
Mơ tưởng vu vơ lòng dối lòng
Thực ra có phải thế này không?
Chị Nhi đã lấy chồng năm trước
Nhi đến năm sau lại lấy chồng
Hết rồi còn gì nữa mà mong. Biết vậy nhưng vẫn tiếp tục mơ tưởng như thường, vì nếu không mơ tưởng thì chết. Những câu tiếp theo, tác giả vẫn tiếp tục mơ mộng.
Ước gì trên bước đường lưu lạc
Một buổi chiều nào gặp gió mưa
Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ
Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa

Tưởng tượng rằng, mình đơn độc đi trong mưa gió lạnh lẽo, ở miền quê xa lắc xa lơ. Tối rồi mà vẫn chưa có chỗ ngủ trọ. Đánh liều tới ngôi nhà nào đó, rồi gõ cửa. Tác giả giật mình khi nghe tiếng người xưa đáp: Ai đó? Ai đó? Tác giả sung sướng quá.
Ngồi bên lò rượu đêm hôm đó
Nhi rót đưa tôi nước rượu đầu
Nước rượu đầu ngon hơn nước rượu thứ hai, thứ ba. Nguyễn Bính được người xưa cho uống nước rượu đầu sau bao năm xa cách.
Nhắc chuyện ngày xưa mà thẹn lại
Nhắc lại chuyện xưa, hai đứa cảm thấy thẹn. Chuyện ngày xưa, hai đứa được chị cho một chung rượu rất nhỏ, hai đứa châu đầu uống chung với nhau.
Nhắc chuyện ngày xưa mà thẹn lại
E dè hai đứa uống chung nhau
Họ nhắc lại chuyện cũ, rồi hai người bắt chước chuyện ngày xưa, rót một chén thôi, rồi uống chung với nhau.
Tôi kể: "U tôi đã mất rồi,
Cửa nhà còn có một mình tôi ..."
Mẹ mất, Nguyễn Bính không ở quê, bỏ lên tỉnh. Sống ở tỉnh mười mấy năm, bị gió bụi thị thành làm tan nát cả tâm hồn và thể xác. Nhưng Nguyễn Bính nói dối rằng, mẹ mất, mình vẫn một mình nơi quê nhà. Nói dối để được cô nàng thương xót.
Ngậm ngùi Nhi bảo: "Không anh ạ
Anh chẳng lo gì thiếu lứa đôi…"
Nhi nói với tác giả thế này.
"Chị em mới lấy chồng năm trước
Chồng chị trồng cam ở mé sông
Em ở mình đây nhà trống trải
Trăng vàng đầy ngõ gió mênh mông ..."
Em ở đây có mỗi một mình, buồn lắm, nếu anh ở lại được thì rất quý. Chị em vừa lấy chồng, bây giờ nhà chỉ còn mình em chăm sóc. Nhà rộng quá, mỗi khi gió lùa vào rất lạnh: trăng đầy ngõ, gió mênh mông,... Tất cả những điều kiện đều rất thuận lợi để mình và người xưa thành đôi.
Như truyện Tương Như và Trác Thị
Đưa nhau trở lại đất Lâm Cùng
Vườn xuân trăng sáng hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng
Ngày xưa, có Trác Văn Quân, một người có nhan sắc, rất giỏi văn chương, thơ phú, lại thích nghe đàn. Nàng còn trẻ, nhưng sớm góa chồng nên về sống với cha ở đất Lâm Cùng. Một hôm, có chàng nhạc sĩ tên Tư Mã Tương Như qua thăm, và đã gảy lên khúc đàn Tư Mã Phượng Cầu (Phượng Cầu Hoàng). Trác Văn Quân nghe được tiếng đàn thì không thể cưỡng lại được sự say mê, nên lén bỏ nhà đi theo Tư Mã Tương Như lên tận thành đô, tỉnh Tứ Xuyên. Sau một thời gian, hai người trở về đất Lâm Cùng, và mở ra một một quán ăn.
Rượu cất kỳ ngon men ủ khéo
Say người thiên hạ lại say nhau
Rượu của Nhi bán làm say thiên hạ, và làm say cả hai đứa –Nguyễn Bính và Nhi.
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu
Thi sĩ đã tự họa cho mình bức tranh rất đẹp. Dù biết rằng, đó không thật nhưng vẫn phải mơ ước, vì ngoài mơ ước ra đâu còn gì để bám vào mà sống. Nhiều nghệ sĩ đã sáng tác, đã trình diễn, vì họ muốn cống hiến cho mình những ước mơ. Mình cần những ước mơ đó, vì mình có quá nhiều khổ đau, khó khăn, tuyệt vọng.
Nhưng những bài thơ, những bản nhạc, những cuốn sách, những tác phẩm nghệ thuật đó chỉ có thể giúp mình quên đi trong chốc lát những tình trạng khó khăn, khổ đau trong cuộc sống hiện thực này. Những thi phẩm của Nguyễn Bính cũng không ngoài tác dụng “giảm đau tạm thời” ấy. Rõ ràng, những điều này đi ngược lại với sự thực tập theo tinh thần của đạo Bụt. Sự thực tập của đạo Bụt là lìa bỏ những giấc mơ để đi vào thực tế. Nếu có niệm và định, chúng ta có thể tiếp xúc được mầu nhiệm của sự sống, và thấy rằng, những điều ta cần tìm không cần tìm ở quá khứ hay tương lai xa xôi, nó nằm ngay trong hiện tại.
Nếu mình tu học nghiêm chỉnh, có sự tu chứng, có kinh nghiệm, có sự hiểu biết về giáo pháp, về sự hành trì thì khi đọc những bài thơ như thế này, mình thấy rất rõ con đường mình đi. Dầu cho mình đọc thơ tình hay chuyện chưởng của Kim Dung cũng vậy, mình không bị những cái đó kéo đi. Cho nên trong đạo Bụt có nói bất cứ cái gì cũng có thể trở thành Phật pháp, có khả năng tưới tẩm hạt giống chánh pháp nơi mình, củng cố ý chí tu học của mình. Thấy rõ tâm người để so với tâm mình; biết con đường người ta đi để thấy rõ con đường của mình đi. Mình đang đi  trên con đường rất đẹp, rất sáng, và rất lành.
Nếu chưa có một quá khứ đẹp ta có thể xây dựng cho mình một quá khứ đẹp. Khi xây dựng quá khứ đồng thời mình cũng đang xây dựng tương lai. Nếu mình biết chăm sóc hiện tại, sống một đời sống thiện lành thì chắc chắn mình sẽ có một tương lai tươi sáng, vững chãi. Vì tương lai được làm bằng chất liệu của hiện tại, điều này không ai có thể phủ nhận được. Và ngày hôm nay sống có hạnh phúc thì ngày hôm nay trở thành quá khứ đẹp của ngày mai. Do vậy, chăm sóc hiện tại tức là đang xây dựng cho mình một tương lai, đồng thời cũng là đang xây dựng cho người mình một qúa khứ. Mình có đủ phương pháp để làm việc đó: khi đi, đứng, nằm ngồi mà biết trở về với giây phút hiện tại tiếp xúc được với những màu nhiệm của cuộc sống, tạo được niềm tin, tình thương, xây dựng tình bằng hữu thì đó là đang chăm sóc hiện tại để làm chỗ nương tựa cho qúa khứ và tương lai. Đó là ý nghĩa của câu hát:  Ta vẫn có ngày mai, ta vẫn còn quá khứ.
Khi đau khổ, nhiều người không có một quá khứ để tìm về. Nên họ tìm một nơi nương tựa ở tương lai, bám vào những hứa hẹn nào đó để có thể vượt qua những khó khăn trong hiện tại. Hiện tại với họ vốn là những chuỗi ngày đau khổ, khó khăn, nặng nhọc. Chúng ta có thể tin vào một Thiên đường nào đó, một Tịnh độ nào đó ở trong tương lai để chúng ta có khả năng chịu đựng được hiện tại. Ta ráng chịu đựng để ngày mai ta sẽ được rời bỏ cái cõi đau khổ, bạo động, uế trược này và ta sẽ bước vào cõi thanh tịnh an vui, gọi là Thiên đường hay là Cực lạc. Theo Làng Mai, mơ ước này có thể là một ảo tưởng, vì ta biết rõ,  ngày mai chỉ có thể được làm bằng chất liệu của hiện tại. Hiện tại như thế nào thì tương lai sẽ như thế đó. Vậy nên muốn có một tương lai tươi sáng thì mình phải chăm sóc hiện tại. Hiện tại có bình an, có vững chãi, có tình nghĩa, có nụ cười, có hạnh phúc, chắc chắn tương lai sẽ có vững chãi, sẽ có tình thương, và sẽ có niềm vui. Nhìn vào hiện tại, đánh giá hiện tại, ta có thể biết, mình có tương lai hay không. Do vậy, ta phải biết quản lý hiện tại thật thông minh, để có thể xây dựng cho mình một quá khứ, và cũng xây dựng cho mình một tương lai. Ngoài ra không còn có con đường nào khác.
Rượu cất kỳ ngon men ủ khéo,
Say người thiên hạ lại say nhau
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu
Thi sĩ là nhà ảo thuật. Họ đã tạo ra một khung cảnh lý tưởng, một khung cảnh hạnh phúc mà mình chưa tự tìm được trong giây phút hiện tại. Rồi họ đem bán cho mình. Mình tiêu thụ nó, vì muốn quên đi trong chốc lát những đau khổ da diết của hiện tại. Những nghệ sĩ biết rất rõ điểm yếu này. Đây là điểm yếu của nhiều người, và có thể cũng là điểm yếu của chính họ. Họ ru ngủ mình, và ru ngủ chính họ bằng những tác phẩm nghệ thuật.
Say người thiên hạ lại say nhau
Đa số trong chúng ta chỉ có khả năng dệt mộng hoặc trở về bám vào quá khứ. Tưởng tượng ra một tương lai, trong đó mình có hạnh phúc chính là dệt mộng. Bám vào quá khứ để sống cũng là dệt mộng.
Chao ôi! Là mộng hay là thực?
Tác giả biết rõ, đó là mộng nhưng phải tiếp tục dệt, vì không dệt thì không sống nổi. Mình dệt mộng để giúp chính mình đỡ khổ, và cũng có thể giúp người khác quên đi một vài giây phút khổ đau thống thiết của họ.
Chao ôi! Là mộng hay là thực?
Là thực hay là mộng bấy lâu?
Hai đứa sống bằng hoa với rượu
Sống vào trời đất, sống vào nhau
Trong giây phút hiện tại, mình có thể sống được với những mầu nhiệm của vũ trụ hay không? Mình có thể sống với nhau một cách an lành, người này dựa vào người khác hay không? Mình có thể tạo được tình huynh đệ hay không?  Đó là vấn đề. Và tác giả đã kết thúc bài thơ một cách rất tội nghiệp.
Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi
Hoa thừa rượu ế, đấy tình tôi

Sự thật hoa đã thừa và rượu đã ế. Hoa đã tàn, rượu đã chua. Đó là tình trạng của tôi. Tôi biết rõ tình trạng của chính mình. Tôi không muốn gặp lại người xưa, vì gặp, tôi sẽ thất vọng, mộng tôi sẽ tan, và tôi không còn chỗ nào để bám víu.
Chiều nay tôi chắp tay tôi lạy
Đừng gặp người xưa nữa, lạy trời
Thực tế quá phũ phàng. Đó là tình trạng của chúng ta, của rất nhiều người trong chúng ta. Nhưng nhiều người lại nói rằng, các vị đi tu là các vị mơ mộng, các vị sống với ảo tưởng Tịnh độ hay Niết bàn, các vị bỏ lạc thú trong hiện tại để tìm cái lạc thú phi thời.
Trong kinh Tuổi trẻ và Hạnh phúc, có vị khất sĩ trẻ tên là Samiddhi gặp cô Thiên nữ, cô nói như thế này: " Tại sao còn rất trẻ mà thầy lại bỏ đi tu? Cuộc đời có những vui thú, có những mục đích thiết thực sao thầy không chịu hưởng thụ, mà lại đi mơ tưởng những cái xa xôi như niết bàn, tịnh độ,  với giải thoát?
Trong đời sống hàng ngày, cũng có những cô Thiên nữ tới nói với mình như vậy, nhưng mình đã biết cách trả lời, mình trả lời giống như thầy Samiddhi vậy: Thiên nữ ơi, tôi đang sống rất thực tế đấy chứ. Tôi biết rõ, chạy theo năm đối tượng của dục vọng sẽ làm người ta tan nát cả thân thể lẫn tâm hồn. Do vậy, tôi đã khước từ nó. Tôi không trốn chạy, chính tôi đang thực tập để có thể có những giây phút đích thực của hiện tại, không mơ tưởng về những điều trong tương lai.
Pháp hiện pháp lạc trú của đức Thế Tôn dạy: Biết sống sâu sắc trong giây phút hiện tại để tiếp xúc với tất cả mầu nhiệm của cuộc sống. Khi có người hỏi như cô thiên nữ nọ, thì mình trả lời: Chúng tôi không mơ tưởng niết bàn, chúng tôi không mơ tưởng tịnh độ trong tương lai. Sự thực tập pháp hiện pháp lạc trú giúp chúng tôi sống trong cõi cực lạc ngay trong giây phút hiện tại.
Sự thực tập của chúng ta là thiết lập được Tịnh Độ trong giây phút hiện tại. Khi thực tập, chúng tôi xây dựng tình huynh đệ, xây dựng hạnh phúc, xây dựng tình thương và xây dựng sự hiểu biết. Chúng tôi có một con đường, nếu các bạn muốn thì chúng tôi chia sẻ sự thực tập của chúng tôi để các bạn cũng có khả năng tiếp xúc với những mầu nhiệm của đời sống hiện tại, để các bạn xây dựng cho các bạn một quá khứ, và để các bạn xây dựng cho các bạn một tương lai.
Hoa với rượu
Thấy rét u tôi bọc lại mền
Cô hàng cất rượu ủ thêm men
Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ
Say cả tứ mùa cho khách quen
Em nhỏ là Nhi, bạn nhỏ tôi
Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi
Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ
Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi
Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà
Người ta bắt chước chị người ta!
Ra vườn nhặt những hoa cam rụng
Về bỏ đầy nồi cất nước hoa
Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy
Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau
Hí hửng bảo nhau: "Thơm đấy chứ
Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu"
Một tối nhà Nhi có giỗ thầy
Chị Nhi cho uống rượu cay cay
Chừng đâu chén nhỏ làm hai đứa
Mặt đỏ lên rồi chếnh choáng say
Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài
Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai
Chị Nhi cứ chế làm sao ấy.
Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười
Chị Nhi thường bảo với u tôi:
- "Hai đứa, thưa bà, đến đẹp đôi!"
U tôi cười đáp ngay như thật:
- "Tôi có nàng dâu giúp đỡ rồi!"
Thuở ấy làm sao thật thái bình
Trai hiền bạn với gái đồng trinh
Đời say men rượu thơm hoa rụng
Tràn những thơ ngây ngập cảm tình…
Ấy thế mà rồi cách biệt nhau
Nhà Nhi không biết dọn đi đâu
Mình tôi giời bắt làm thi sĩ
Mẹ mất khi chưa kịp bạc đầu
Bỏ lại vườn cam, bỏ mái tranh
Tôi đi dan díu với kinh thành
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới
Chuốc mãi men cay rượu ái tình
Rượu ái tình kia thành thuốc độc
Vườn trần theo bướm phấn hương bay
Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc
Hoa hết thơm rồi, rượu hết cay
Trăm sầu nghìn tủi mình tôi chịu
Ba bốn năm rồi năm sáu năm
Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại
Men nồng gạo nếp nước hoa cam
Xa lắm rồi Nhi! Muộn lắm rồi
Bẽ bàng lắm lắm nữa Nhi ơi!
Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ
Mộng ngát duyên lành cũng bỏ tôi
Chắc ở nơi nào dưới mái tranh
Chị em Nhi vẫn sống yên lành
Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán
Hồn vẫn trong và mộng vẫn xinh
Ngày xưa còn bé Nhi còn đẹp
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì
Tháng tháng mươi mười lăm buổi chợ
Cho người thiên hạ phải say mê
Xóm chị em Nhi ở mấy nhà?
Bến đò đông vắng? Chợ gần xa?
Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ?
Vườn có trồng cam có nở hoa?
Mơ tưởng vu vơ lòng dối lòng
Thực ra có phải thế này không?
Chị Nhi đã lấy chồng năm trước
Nhi đến năm sau lại lấy chồng
Ước gì trên bước đường lưu lạc
Một buổi chiều nào gặp gió mưa
Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ
Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa
Ngồi trên lò rượu đêm hôm đó
Nhi rót đưa tôi nước rượu đầu
Nhắc chuyện ngày xưa mà thẹn lại
E dè hai đứa uống chung nhau
Tôi kể: "U tôi đã mất rồi,
Cửa nhà còn có một mình tôi ..."
Ngậm ngùi Nhi bảo: "Không anh ạ
Anh chẳng lo gì thiếu lứa đôi…"
"Chị em mới lấy chồng năm trước,
Chồng chị trồng cam ở mé sông.
Em ở mình đây nhà trống trải,
Trăng vàng đầy ngõ gió mênh mông ..."
Như truyện Tương Như và Trác Thị
Đưa nhau trở lại đất Lâm Cùng
Vườn xuân trăng sáng hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng
Rượu cất kỳ ngon men ủ khéo
Say người thiên hạ lại say nhau
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu
Chao ôi! Là mộng hay là thực?
Là thực hay là mộng bấy lâu?
Hai đứa sống bằng hoa với rượu
Sống vào trời đất, sống vào nhau
Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi
Hoa thừa rượu ế, đấy tình tôi
Chiều nay tôi chắp tay tôi lạy
Đừng gặp người xưa nữa, lạy trời.
Nguyễn Bính (1941)
Xuân tha hương
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông
Em đi trăng gió đời sương gió
Chị ở vuông tròn phận lãnh cung
Chén rượu tha hương, trời: đắng lắm
Trăm hờn nghìn giận một mùa đông
Chiều nay ngồi ngắm hoàng hôn xuống
Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng...
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở

Chị vẫn môi son vẫn má hồng?
Áo rét ai đen mà ngóng đợi
Còn vài hôm nữa hết mùa đông!
Cột nhà hàng xóm lên câu đối
Em đọc tương tư giữa giấy hồng
Gạo nếp nơi đây sao trắng quá
Mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông
Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết
Một mình em vẫn cứ tay không
Vườn nhà Tết đến hoa còn nở
Chị gửi cho em một cánh hồng
Tha hương chẳng gặp người tri kỷ
Một cánh hoa tươi đủ ấm lòng
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng...
Chao ơi, Tết đến em không được
Trông thấy quê hương thật não nùng
Ai bảo mắc duyên vào bút mực
Sòng đời mang lấy số long đong
Người ta đi kiếm giàu sang cả
Mình chỉ mơ hoài chuyện viễn vông
Em biết giàu sang đâu đến lượt
Nợ đời nặng quá gỡ sao xong?
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Tết này, ô thế mà vui chán
Nhưng một mình em uống rượu nồng
Rượu cay nhớ chị hồi con gái
Thương chị từ khi chị lấy chồng
Cố nhân chẳng biết làm sao ấy
Rặt những tin đồn chuyện bướm ong
Thôi, em chẳng dám đa mang nữa
Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng
Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc
Chấp nối nhau hoài cũng uổng công!
(Một trăm con gái đời nay ấy
Đừng nói ân tình với thủy chung!)
Người ấy xuân già chê gối lẻ
Nên càng nôn nả chuyện sang sông
Đò ngang bến dọc tha hồ đấy
Quý hoá gì đâu một chữ đồng!
Vâng, em trẻ dại, em đâu dám
Thôi, để người ta được kén chồng
Thiếu nữ hoài xuân mơ cát sĩ
Chịu làm sao được những đêm đông
Khốn nạn, tưởng yêu thì khó chứ
Không yêu thì thực dễ như không!
Chị ơi, Tết đến em mua rượu
Em uống cho say đến não lòng
Uống say cười vỡ ba gian gác
Ném cái chung tình xuống đáy sông
Thiên hạ "chi nghinh Nam Bắc điểu"
Tình đời "Diệp tống lãng lai phong"
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một chút lòng
Sương muối gió may rầu rĩ lắm
Còn vài hôm nữa hết mùa đông
Xuân đến cho em thêm một tuổi
Thế nào em cũng phải thành công
Em không khóc nữa, không than nữa
Đây một bài thơ hận cuối cùng
Không than chắc hẳn hồn tươi lại
Không khóc tha hồ đôi mắt trong
Chị ơi, Em Cưới Mùa Xuân nhé?
Đốt pháo cho thơm với rượu hồng
Xa nhà xa chị tuy buồn thật
Cũng cố vui ngang gái được chồng
Em sẽ uống say hơn mọi bận
Cho hồn về tận xứ Hà Đông
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Với lá thư này là tất cả
Những lời tâm sự một đêm đông
Thôn gà eo óc ngoài xa vắng
Trời đất tàn canh tối mịt mùng
Đêm nay em thức thi cùng nến
Ai biết tình em với núi sông
Mấy sông mấy núi mà xa được
Lòng chị em ta vẫn một lòng
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Cầu mong cho chị vui như Tết
Tóc chị bền xanh, má chị hồng
Trong mùa nắng mới sầu không đến
Giữa hội hoa tươi ấm lại lòng
Chắc chị đời nào quên nhắc nhở:
- Xa nhà, rượu uống có say không?
Nguyễn Bính
Nhất Hạnh
 Theo http://langmai.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những con thú nuốt bóng cha ông Trong chiếc hang đầy xương và máu// Người đàn ông vẽ hươu viên đá bén lên trong mắt người/ Cái đẹp được ...