Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Hồ Dzếnh, thơ văn của nỗi thống khổ kiếp người

Hồ Dzếnh, thơ văn của nỗi thống khổ kiếp người
Năm 1943, vào lúc thịnh thời của thơ mới, nhà xuất bản Á Châu cho ra đời một tập thơ khá lạ: Tập thơ Quê ngoại của Hồ Dzếnh với lời giới thiệu: "Lần đầu tiên thi ca Việt Nam được tô điểm một cách trau chuốt bằng ngọn bút linh diệu của một nhà thơ ngoại quốc..." Thực ra, nói nhà thơ ngoại quốc là chưa chính xác lắm, nhà thơ Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh, một người có cha Tàu mẹ Việt. Ông viết về đất nước quê hương của mẹ: Quê Ngoại. 
Tập thơ ra đời đã là một viên châu ngọc của thi ca Việt Nam. Nhiều bài thơ, đã trở thành bất tử và ngôn ngữ ấy đã biểu hiện được tâm tình một thời của dân tộc Việt Nam. Tạp chí Tri Tân đã có nhận xét: Tên tuổi của người Minh Hương ấy, văn học quốc ngữ không nề hà gì mà chẳng đón tiếp như đã đón tiếp bao nhiêu những nhà văn hữu tài khác..." 
Trong tập thơ ấy, người yêu thơ đã tìm ra được rất nhiều những bài thơ tuyệt tác. Có những bài thơ được phổ nhạc và trở thành quen thuộc đến nỗi như là một ngôn ngữ thường hằng và sống động. 
Những câu thơ thật quen thuộc và hình như lúc nào cũng tiềm tàng những cuộc sống riêng, những tâm tư riêng nên đã thành những ấn tượng không thể phai nhòa trong cảm quan người nhận. 
Như trong "Cảm xúc ": 
"Cô gái Việt Nam ơi! 
Nếu chữ hy sinh có ở đời 
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực 
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi" 
Câu thơ ấy, hình như có nhiều người nói và viết, đến nỗi tưởng như là của chung và có nhiều người không biết mình đã nói hoặc viết của Hồ Dzếnh. 
Hay những câu thơ được phổ nhạc. Tuyệt vời! 
Như trong "Ngập ngừng": 
"Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé 
để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân 
ngó trên tay, thuốc lá cháy rụi dần... 
Tôi nói khẽ: Gớm làm sao nhớ thế… … 
Tôi sẽ trách- cố nhiên! – nhưng rất nhẹ 
nếu trót đi, em hãy gắng quay về 
tình mất vui khi đã vẹn câu thề 
đời chỉ đẹp những khi còn dang dở 
thư viết đừng xong thuyền trôi chớ đỗ 
cho nghìn sau... lơ lửng với nghìn xưa..." 
Hay trong "Mùa thu năm ngoái ": 
"Trời không nắng cũng không mưa 
chỉ riu riu rét cho vừa nhớ nhung 
chiều buồn như mối sầu chung 
lòng im nghe thoảng tơ chùng chốn xa 
đâu hình tàu chậm quên ga 
bâng khuâng gió nhớ về qua lá dày..." 
hoặc "Màu cây trong khói": 
"Trên đường về nhớ đầy 
chiều chậm đưa chân ngày 
tiếng buồn vang trong mây 
chim rừng quên cất cánh 
gió say tình ngây ngây 
có phải sầu vạn cổ 
chất trong hồn chiều nay? 
Tôi là người lữ khách 
màu chiều khó làm khuây 
Ngỡ lòng mình là rừng 
Ngỡ hồn mình là mây 
Nhớ nhà châm điếu thuốc 
Khói huyền bay lên cây" 
Những câu thơ đã được nhạc thắp cánh và gây được xao động cho người đọc, người nghe. Những bản nhạc tới bây giờ nghe lại trải ra một không gian bàng bạc thương nhớ. Mà tình cảm thương nhớ thì ở bất cứ thời gian không gian nào cũng giống nhau cho nên cảm xúc cũng vẫn y nguyên không vì thời gian mà phai phôi. Hồ Dzếnh vẽ tranh, không bằng đường nét, không bằng màu sắc hiện thực mà chính bằng cái tâm cảm của một nỗi buồn mà hiện hữu có lẽ từ rất lâu, từ lúc mà con người còn thuở sơ khai hoang dã… 
Trong "Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến", tác giả Nguyễn Tấn Long đã trích dẫn nhận xét của nhà văn Mai Thảo, một lời khen tặng nồng nhiệt và đầy cảm tính: 
"Trong cái thế giới ngột ngạt bít bưng tức thở ra của những tháp ngà tiền chiến như những phần mộ lạnh buốt, thơ Hồ Dzếnh hơn cả Xuân Diệu, và theo tôi, hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng gõ vui từng nhịp nắng trên mênh mang đài trán thanh niên. Tôi nhớ mãi cái cảm giác của tôi, 20 tuổi, tiếp nhận một tập thơ cốm mới đậm đà, một tập thơ mười tám cái xuân đầy, đọc mỗi câu tưởng tưởng như có mật có đường ngọt trong cổ. Thơ Hồ Dzếnh tiền chiến là cái trạng thái ngu ngơ trong suốt nhất của một tiếng thơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng. Ngó thật kỹ, Quê Ngoại không hằn một vết nhăn. Với tôi, một tập thơ đầu tay phải như thế. Phải có cái khí thế vạm vỡ của sống như một lao vào, cái vóc dáng của yêu như một kín trùm dào dạt..." 
Thơ Hồ Dzếnh là của niềm tâm cảm gờn gợn trong lòng, của nỗi nhớ mong về những cảnh thổ cũ, quê quán xưa. Không gian ấy rất mơ hồ, những nét phác họa đôi khi chỉ dệt bằng cảm giác, bằng những nét bút vờn của ảo ảnh tạo thành. Cảnh vật cũng bình thường, không có gì khác lạ nhưng khi đã chuyên chở những tâm ý thì lại khác hẳn, nó vời vợi chiều sâu và hun hút độ dày. Trời không nắng cũng không mưa / chỉ riu riu rét cho vừa nhớ nhung/... Có một chút gì không tròn vẹn. Không mưa, không nắng, nhưng lại có nỗi lạnh lẽo của nhớ nhung. Hình như người và cảnh cùng thở chung với nhau một nhịp tim, của những lỡ làng lửng lơ lơ lửng… 
Năm 1942, Hồ Dzếnh in "Chân trời cũ". Một gia đình dòng tộc người Minh Hương được phác thảo lại trong những thiên truyện ngắn rất gần với những trang tự thuật. Nhân vật xưng tôi, có khi là chính bóng dáng của tác giả, tuy được phác họa trong sự cố ý làm mờ nhạt đi để những nhân vật khác nổi bật lên. Một người cha người Hán giang hồ đi sang xứ người lập nghiệp gặp người mẹ người Việt và thành một tiểu gia đình mà số phận họ buộc trói theo dòng đời trôi nổi. Người mẹ Việt, là hình bóng muôn đời của sự hy sinh, là gà mẹ xòe cánh ra ấp ủ đàn con giữa những đe dọa của cuộc đời. Rồi những người thân của nhân vật xưng tôi: chú Nhì, người anh cả, đứa cháu đích tôn, cô em Dìn, chị đỏ Đương, người chị dâu Trung Hoa, ông anh hai trụy lạc,… tất cả sống trong một xã hội mà những lề thói, những phong tục là những sợi dây buộc chặt vào một đời sống mà sự thiếu thốn và nghèo khổ luôn luôn lai vãng… 
Trong "Chân trời cũ "chúng ta thấy một đời sống cũ đã qua nay trở lại từ cái tâm hoài cổ, từ những suy tư bắt nguồn từ sự nâng niu những kỷ niệm khó quên của một đời người. Và, vì sống ở xứ sở bên mẹ nên quê ngoại lại gần gũi hơn và chan chứa tình cảm. 
Nhà văn Thạch Lam trong đề tựa của "Chân Trời Cũ "đã viết những dòng giới thiệu mà về sau này Hồ Dzếnh đã coi như người tri kỷ, hiểu được cả những góc cạnh thâm cảm của ông : "... 
Tác giả đã đau khổ trong cuộc sống; và chúng ta nhận thấy ông ưa thích quay về dĩ vãng, để lại khiến những đau khổ cũ trở dậy và thêm sắc mắc hơn nữa. Cho nên những truyện ông kể cho chúng ta nghe đều có một mầu sắc riêng, đều nhuộm một tiếc hận thấm thía. Ông chỉ kể những chuyện ấy thôi, nhưng mà đủ có mực thước để khỏi thành ra phô phang, và cũng đủ rung động để độc giả cảm thấy sự thành thực, sự "đã sống" của những chuyện đó. 
Những nhân vật mà ông trình bày đều linh động cả. Mỗi người đều có bản ngã riêng, và chúng ta nhận thấy-tình cờ hay là số mệnh?- người nào cũng mang một tâm hồn đau khổ. Người mẹ, người con cả, người con thứ cho đến cô yên, cái cô gái nuôi đặc biệt Việt Nam, vẫn sống trong một gia đình không phải của mình, để mà chịu đựng bao nhiêu vất vả và bất công, tuy có được người mẹ nuôi biết thương đến. Cái đời sống tối tăm và lặng lẽ ấy không đi đến đâu cả, và tác giả để chúng ta thấy thương qua số phận một dân số nghèo khó ở các tỉnh đông đúc hay nghèo nàn, cuộc sinh hoạt khó khăn trên những đồng ruộng bạc màu…" 
Cái chung nhất của thơ và văn Hồ Dzếnh chính là nỗi đau đớn của kiếp người. Trong bài thơ lục bát "Tặng vợ tôi khi còn sống" có câu thơ viết trong buồn khổ tận cùng: "mùa đời rụng hết vàng xanh/nỗi đau thương cũ nay thành máu thơ..." "Máu thơ", của những mảnh đời lận đận, của những lời thống thiết khi một người chồng vừa mất vợ bồng bế đứa con mới sinh còn đỏ hỏn đi xin sữa để nuôi con. "Máu thơ", của người bị lôi cuốn vào trong tâm bão thời cuộc, có tâm hồn nghệ sĩ, muốn mang tâm não và tài sức vào bút mực để lại cho đời nhưng không toại chí. Mỗi ngày làm anh thợ đúc thép, đạp xe từ Hà Nội qua cầu Long Biên tới Gia Lâm, nhà văn ấy, nhà thơ ấy có nhớ lại một thời tung hoành trường văn trận bút trong nỗi chạnh lòng… 
Năm 1993, ở hải ngoại, nhà xuất bản Thanh Vân lại in tập hồi ký "Quyển truyện không tên" và tập thơ "Quê Ngoại II". Tập hồi ký ấy khá ngắn nhưng chất chứa cả một biển khơi tâm tư của người viết. Hồ Dzếnh mượn lời của đứa con vừa bốn tháng rưỡi tuổi vừa mất mẹ để nói lên cái tâm cảm và hoàn cảnh của mình. Thời gian mà ông kể lại trong khoảng năm 1947-1950 và không gian là vùng khu tư Thanh hóa, nơi cả gia đình bé nhỏ vì không sống nổi ở vùng đồng bằng phải đi lên vùng ngược mưu sinh nhưng rốt cuộc nghèo khó và bệnh tật đã đẩy họ trở về, 
Đọc những trang hồi ký, độc giả có nhiều lúc rơi nước mắt. Tình cảnh như thế là tận cùng. Hãy thử tưởng tượng chỉ trong vòng vài tháng, người thơ phải gạt nước mắt đau đớn chôn đưa con trai đầu lòng và người vợ bất hạnh. Chôn đứa con trai, với tất cả gia sản nghèo nàn :"con búp bê đất mất đầu, hai đôi tất bằng vải, cái kèn tu huýt, đôi dép cao su mòn đế và hai bộ quần áo đã sờn rách..." và khi tống táng vợ: "Đây không phải là một buổi liệm. Bởi nếu là liệm thì phải tắm rửa thay quần áo mới. Mẹ tôi không có một mảnh vải nào cả. Để cho người chết đỡ tủi – người chết có tủi không?- Cha tôi cổi chiếc áo cánh ướt trên người, đắp lên vợ..." "Quyển truyện không tên" kể toàn là những chuyện đau lòng. Người mẹ cho con bú mà không đủ sữa vì thiếu dinh dưỡng, đứa con nhay đến nỗi có một chút máu vương ở miệng đứa bé hoặc cảnh đứa bé húc mãi vào vú mẹ để bú mà không được. Hoặc là tình cảm thê thảm, người cha bồng đứa con vừa bốn tháng rưỡi đi xin sữa sau khi người mẹ đã chết vì thiếu thuốc thang. Tất cả, những thảm kịch được kể lại với gờn gợn một chút gì phẫn hận. Lúc chiến tranh, có khi còn có nhiều thảm cảnh khác, nhưng tác giả có khi đi sâu vào suy tư để thấy được những nguyên do của thảm kịch. Thời thế đảo điên, văn chương cũng chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp tươi sáng... "... 
Chiến cuộc chỉ mới bước vào năm thứ hai. Còn lâu, còn gian nan, còn gay go mới đến ngày đoàn tụ. Sinh kế đã cảm thấy khắc khổ ở mọi lớp người, trước viễn tượng chiến tranh gần như vô cùng tận. Gánh gia đình, từ ngày có thêm tôi, mới bắt đầu nặng nhọc. Nếu đời là một thiên lệ sử, thì ngay buổi tôi sinh ra, những dòng chữ khắc khổ đã thành hình. 
Tôi sinh ra giữa một kỷ nguyên khác lạ, kỷ nguyên của những con đường thênh thang bị phá vỡ, cầu đổ sụp, nhà cửa tiêu tan, xe cộ mất lối. Người đô thị tản mạn lên rừng xanh, những cô gái xinh tươi của cuộc đời nhung lụa biến thành những cô hàng nước, những bèo bọt phong trần. Cuộc đổi đời đó thật là vĩ đại và kinh khủng, lay chuyển hết mọi tầng lớp, giai cấp, san phẳng hết mọi chênh lệch vì sang giàu. Nếu chỉ có một trạng thái biến đổi đó thôi thì chưa đến nỗi gay gắt. Đằng này, buồn thế hệ gặm nhấm vào từng lòng người, cái phẫn uất cay chua nhào thành một loại cảm giác kỳ dị, gán lên cuộc sống một hình thức sượng sần khó tả. Cái gì dở, trái, đều được văn chương mới mạng danh bằng những tiếng kêu ròn: tiểu tư sản, phong kiến. Muốn vào trong cái thế giới vừa tân tạo hôm qua, con người bắt buộc phải qua một lớp lột xác, hay ít nhất, cũng phải có ý thức lột xác. Thành ra có nhiều lúc con người băn khoăn tự hỏi mình sao lại phải điêu đứng như vậy, và nếu mình cứ giữ thành phần của mình thì đã sao chưa? 
Nhưng tiểu tư sản lại là một chất nhựa- độc vì người ta bảo thế- đã nuôi lớn một lớp sống trước để cho lớp sống sau này lên án. Sau này món ăn đã khác, tư tưởng đã thay, loạt nhân sinh như tằm ăn lên, đã gặp đúng hoàn cảnh đón tiếp. Còn cái loạt trước, mới đến rầy rà. Máu là máu cũ, ngũ tạng đều thấm lớp men chua, lời nói, tâm tình sặc sụa những lãng mạn. 
Cha tôi rơi đúng vào cái ngã ba đó. Tôi cũng sinh nhằm vào thời đó. Một cái cũ đã chắt chiu ôm ấp một cái mới, trong khi cái mới xung quanh vẫn tìm cách đào thải những nếp sống trái ngược, tôi thấy là cả một chuyện kỳ..." 
Tô Hoài trong hồi ký "Chiều chiều" cũng phân bua về trường hợp Hồ Dzếnh bị từ chối không được nhận việc làm gần gũi với văn chương mà phải qua Gia Lâm làm thợ, cam chịu số phận của một công nhân: "….
Hồ Dzếnh đã dịch và in một tiểu thuyết nhật cho nhà xuất bản Thanh Niên. Nhà xuất bản muốn nhận Hồ Dzếnh vào làm. Những cơ quan có trách nhiệm xem xét thấy có thời gian Hồ Dzếnh làm đại diện bên Nhật của báo Thần Chung ở Sài Gòn. Mọi việc báo và xuất bản của các cơ quan khác, chẳng mảy may bàn đến hội, nhưng đến lúc có trắc trở thì bù nhìn chúng tôi được khiêng ra trả lời. Tôi có đọc một bài báo Trần Thanh Địch viết về Hồ Dzếnh có câu trách hội cái sự này. Và Hồ Dzếnh sau đó, đi đường gặp tôi, coi như không nhìn thấy…" và một đoạn khác cũng Tô Hoài: 
"Rồi chuyện tập kết giữa hai miền. Trong số người miền Nam ra miền Bắc, hoặc miền Bắc vào miền Nam có những anh em văn nghệ sĩ. những văn nghệ sĩ ở miền Bắc thường tập trung ở Hà Nội, đã vào Sài Gòn với con số không ít. Trong số đông này không có Hồ Dzếnh. Không chỉ thế, Dzếnh còn là một trong số những anh em văn nghệ đi tuyên truyền giải thích, bằng nhiều hình thức, đối với anh em đồng nghiệp đang hoang mang giữa đi hay ở-để giữ chân họ lại. Và sau năm 1954 trong Đại Hội Văn Nghệ toàn quốc, việc anh được bầu vào ban chấp hành Hội Văn Học Nghệ Thuật trong khóa đầu tiên là chuyện không lạ... 
Đầu năm 1956 tôi ở trong đoàn văn công Cải Cách ruộng đất liên khu Tư ra Hà Nội, chuyển công tác sang nhà xuất bản Thanh niên. Cơ quan này đang thiếu một cán bộ biên tập có tay nghề nhờ tôi tìm một người. Tôi nghĩ đến hồ Dzếnh. Và giới thiệu qua đôi nét về khả năng anh. Đồng thời, tôi đến nói chuyện với Dzếnh thì anh rất vui. Đôi cái giấy tờ thủ tục làm xong ngay đó. Một cán bộ trong nhà xuất bản liền sang hội Nhà Văn hỏi sơ qua một lời về Hồ Dzếnh cho tròn trách nhiệm. Nhưng một vị ở đây đã tỏ vẻ ngập ngừng. Vị ấy bảo rằng "hãy thong thả chút đã "và thế là xong. Nghĩa là không xuôi. Một lời nói. Không có công văn. Không có chữ ký. Không có khuôn dấu. 
Tôi đến tìm Hồ Dzếnhvà nói lại mọi sự việc. Anh có hơi đổi sắc mặt một tí tẹo, nhưng miệng vẫn cười. Một cái cười cam chịu nhẫn nhục. Xem như đây chỉ là chút "không may" được nhích thêm vào chuỗi dài không may trong đời mình. 
Thế là cuối cùng. Dzếnh trở thành một công nhân. Thực thụ là người thợ cầm búa qua nhiều năm tháng…" 
Nhưng có người lại nghĩ khác đi. Hồ Dzếnh bị trù úm vì đã viết bài thơ "Nhớ Nguyễn Sơn", một tướng tư lệnh liên khu Tư rất có cảm tình và giúp đỡ văn nghệ sĩ rất nhiều. Nhóm Nhân văn Giai Phẩm khi tướng này mất cũng viết nhiều bài Khóc Nguyễn Sơn và cùng đăng với bài của Hồ Dzếnh. Lữ Giang viết: "anh có nhiều cảm tình với tướng Nguyễn Sơn nhà quân sự rất yêu văn nghệ sĩ nên bài báo Nhớ Nguyễn Sơn của anh cũng được chú ý..." Và vì "được chú ý" nên muôn năm vẫn phải lao động chân tay, quai tay búa để thay cho cầm bút, như thế còn lòng dạ nào để sáng tác nữa? Quyển truyện Không Tên mang rất nhiều tâm tư của Hồ Dzếnh. Mảnh đời đau thương biểu lộ, ngoài tấn thảm kịch còn lồng trong những suy tư về văn nghệ, về thế thái nhân tình, về cái buộc trói của chính trị vào văn hóa. Có lúc, ông cũng muốn cầm bút như kiểu theo dòng của cung cách "quốc doanh". Nhưng những bài thơ ấy, chỉ là những âm vang mất biệt không dấu tích. Như bài thơ "Bến nước Thanh Trì", "Khúc hát cầu phao", "Ngày ấy xuân về "… Dù cố gắng đi theo "Cách mạng", nhưng ông viết khó khăn và hầu như bỏ bút để kiếm sống. Ông chua chát: "Con mắt thời đại đã khác. Nó sắc và to, không có rèm mi nào dịu. Tôi, tôi ưa nhìn thực tại với chút bóng dịu dàng dẫu là chút bóng mơ mộng..." Chán nản cực độ hơn: "Nào hành lý vợ con, nào áo quần tư tưởng. Mắt ta đã mù. Lưng ta đã mỏi... Con người văn nghệ ngậm kín nỗi đau lòng…" Kỳ quặc thay là cái chế độ mà "tác phẩm của một cá nhân tuy được mang tên mình, phải có xen vào công trình tập thể..." 
Có lúc, nhà thơ bi quan như muốn quyên sinh. "Nằm đây tưởng chuyện ngàn sau/ lung linh nến cháy hai đầu áo quan/ gió lìa cành lá không vang/ tin ta vĩnh quyết trần gian hững hờ". Đời sống toàn bi thảm, những đoạn đường trần chông gai bít lối, nên cái đau đớn, cáo nỗi niềm như cũng bị khâm liệm theo. Người nằm trong ba tấc đất nhưng vẫn còn đó nỗi đau nhân sinh: 
"Ngậm ngùi nhớ trắng rừng mai 
cảm thương sông nước ghi bài điếu tang 
ngựa gầy bóng gió mênh mang 
cờ đen lối cũ, cây vàng nẻo xa 
ta nằm trong ván trông ra 
tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười 
ta toan … giận dỗi xa đời 
chợt hay: khăn liệm quanh người vẫn thơm 
nát thân không nát nổi hồn 
lẩn trong cái chết vẫn còn cái đau." 
Ở hải ngoại, nhà xuất bản Thanh Vân in tập thơ Quê Ngoại II – Tiếng hát thiên nga. So với tập thơ đầu thì tập này chỉ có giá trị từ những kỷ niệm đời của Hồ Dzếnh, in thơ lại như một cách thế để tưởng niệm. Phần nhiều những bài thơ là để tăng riêng cho hai bà vợ: bà Hồng Phúc và bà Hồng Nhật. Có nhiều bài thật cảm đông như bài tặng bà Nguyễn Thị Hồng Nhật:
"Mình vừa là chị là em 
tấm lòng người mẹ trái tim bạn đời 
mai này tới phút chia đôi 
hai ta ai sẽ là người tiễn nhau? 
Xót mình đã lắm thương đau 
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình 
Cuộc đời đâu phải phù sinh 
Nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi!" 
Viết về bài thơ này, Mai Quốc Liên đã bình như sau: "...
Thật là cổ kim chưa có một bài thơ nào lớn như vậy. Tôi có dẫn lời ông Viên Mai bình một bài thơ hay ngày xưa, nói rằng "lời tuy giản gị nhưng đọc lên làm người nghe biến cả thần sắc và dù cho Đỗ Phủ, Lý Bạch sống dậy cũng phải cúi đầu. Thật vậy bài thơ này là kết tinh tình cảm giữa anh chị trong mấy chục năm chia sẻ, gắn bó, thăng trầm và là lời nói sau cùng vĩnh biệt người bạn đời. Nó là viên ngọc của văn chương Lời giản dị mà thốt tự đáy lòng làm người đọc ứa nước mắt. 
Hôm tôi đọc xong thì liền có mấy nữ sinh viên Đại Học Y Khoa dự ở đó mượn để chép lại. Đặc biệt câu cuối của bài thơ thật là một triết lý phù sinh rất lớn lao: "Cuộc đời đâu phải phù sinh/ nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi!" 
Có một người bạn trẻ tri kỷ được Hồ Dzếnh làm thơ tặng. Đó là nhà văn Nguyễn Minh Châu người đã viết "Ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa.". Một bài "Cầu Giát" viết bên giường bệnh bạn và bài "Cỏ lau" viết nhân ngày giỗ đầu bạn. Trong "Cầu Giát" có những câu: "cái đẹp thiêng liêng đích thực/nỗi đau truyền kiếp văn chương? Anh bạn đi tìm chân mỹ/bao giờ tới đích hành hương..." Và trong "Cỏ Lau": "giã từ nhé, Nguyễn Minh châu/trang văn tâm huyết chiều sâu ân tình..." 
Phần đông những bài thơ trong Quê Ngoại II đều tăng bà Hồng Phúc, có bài chân thnah cảm động, như bài Giản dị: Em ăn, em nói, em cười 
Kiếp này không có hai người như em 
Kinh thành quần nhiễu, hàng len 
Em tôi áo trắng, quần đen sơ sài 
Ai mà để ý vào ai 
Quần đen lẩn bóng áo gai lẩn mầu 
trên đời hai đứa yêu nhau 
quần đen hóa đẹp, áo sầu hóa vui 
Tình là hạnh phúc chia đôi 
Hương lan kẽ đá trăng soi dậm trường 
Đừng mong ước cả thiên đường 
Hãy xin lấy nửa tấc vườn vắng hoa." 
Khi cuối đới Hồ Dzếnh dự trù sẽ viết "Chân trời Mới" về xã hội hiện tại để đối chiếu với "Chân trời Cũ" thuở xa xưa. Nhưng, dự định vẫn chỉ là dự định. Có lý do sức khỏe nhưng cũng có lý do là với tâm thức như thế khó lòng mà viết được một chân trời sáng lạn... 
Từ những tác phẩm đã in cũng như những di cảo được phổ biến, thơ và văn Hồ Dzếnh như những tiếng than tận trong phế phủ, bị trầm uất và nén tới tân đáy lòng. Đau đớn đã hòa vào trong máu huyết để mỗi câu văn, mỗi lời thơ là những giọt máu hồng thành mực cho ngòi bút... 
Nguyễn Mạnh Trinh
Theo http://vietdc.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Gió Cửa Hà” - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muốn bộc bạ...