Cầm trong tay bộ sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại-
Thanh Hóa” (*) vừa mới xuất bản, dày gần 1220 trang, khổ lớn 16,5 x 24,5cm,
in trên giấy trắng, đẹp, bìa cứng màu nâu, vàng, chữ nổi, tôi thực sự cảm thấy
đây là một bộ sách vừa trang trọng, vừa có ý nghĩa của Chi hội Nhà văn Thanh
Hóa, thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Một bộ sách đáng đọc
Đây là bộ sách đầy đủ và trang trọng nhất cho đến
thời điểm này mà Chi hội Nhà văn Thanh Hóa (CHNVTH) dành tặng cho các hội viên
Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) được sinh ra và lớn lên từ mảnh đất địa linh nhân
kiệt xứ Thanh, mặc dù họ có hay không sinh hoạt tại Chi hội. Chắc chắn nhiều
người có mặt trong bộ sách sẽ thầm gửi lời cám ơn chân thành về việc làm đầy
tình nghĩa của CHNVTH. Dù không phải là cuốn sách đầu tiên và chi hội đầu tiên
làm việc này, mà trước đây, CHNVTH cũng đã cho ra mắt một cuốn sách tương tự,
nhưng chưa có điều kiện tập hợp đầy đủ các nhà văn là hội viên HNVVN- Thanh
Hóa. Và chi hội ở các tỉnh thành khác như Quảng Bình, Thái Bình, Nam Định, Phú
Thọ... cũng đã làm những bộ sách như vậy theo cách riêng của họ.
Bộ sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại- Thanh Hóa” là
tập hợp các tác phẩm tiêu biểu của 88 nhà văn Việt Nam- Thanh Hóa, có 21 nhà
văn đã về cõi vĩnh hằng và 67 nhà văn hiện hữu, trong đó 41 người sống và làm
việc tại Hà Nội, 12 người sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh
khác, 14 người sống và làm việc tại Thanh Hóa. Cũng cần nói thêm rằng số lượng
hội viên HNVVN quê Thanh Hóa chiếm tới gần 1/10 tổng số hội viên HNVVN của 64 tỉnh
thành trong cả nước, cho thấy văn chương Thanh Hóa khá hùng hậu về mặt lực lượng.
Thứ tự tác giả xuất hiện trong bộ sách được xếp
theo thời gian kết nạp vào HNVVN. Tuy nhiên đối với những nhà văn quá cố Ban
biên soạn có cách sắp xếp riêng. Đây là cách làm khá mới so với phần lớn các tổng
tập văn chương thường xếp thứ tự tác giả theo vần ABC. Với cách làm này dường
như các nhà biên soạn muốn gửi đi một thông điệp đến bạn đọc, ngoài cách sắp xếp
thứ tự theo truyền thống của các cụ là “triều đình trọng tước (chức vụ), làng
nước trọng xỉ (tuổi)” và theo cách tiện ích là xếp theo vần ABC, ở bộ sách
này nhóm biên soạn lại xếp theo định danh văn chương, tức là lấy mốc là ngày kết
nạp vào HNVVN làm căn cứ cho tiêu chí sắp xếp. Xem ra đây cũng là một cách làm
đáng để chúng ta tham khảo.
Đối với các nhà văn còn sống và làm việc được đều
đã góp vào đây những tác phẩm mà mình tâm đắc nhất, do chính tác giả tuyển chọn.
Còn đối với các nhà văn quá cố hoặc không còn khả năng viết, có thể do người
thân trong gia đình hoặc do Ban biên soạn của CHNVTH tuyển chọn. Theo qui định
của Ban biên soạn, đối với thơ, mỗi tác giả góp 10 bài. Còn văn xuôi như tiểu
thuyết, truyện ngắn, ký, lý luận phê bình và văn chương dịch, mỗi tác giả góp tối
đa không quá 15 trang in của bộ sách.
Chỉ riêng việc đọc, biên soạn, dù chỉ là soát lỗi
chính tả, được gần 1.220 trang sách trong khoảng thời gian không dài lại chỉ có
ba người chịu trách nhiệm chính đã là một cố gắng lớn rất đáng ghi nhận. Chính
vì lẽ đó mà nó trở thành một món quà đầy ý nghĩa đối với bằng hữu văn chương đồng
hương Thanh Hóa.
Bìa sách
Những bài thơ, trang văn đậm chất xứ Thanh
Bộ sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại- Thanh Hóa” quy
tụ khá đầy đủ những gương mặt văn chương xứ Thanh kể từ thời kháng chiến chống
Pháp cho đến nay (2014). Trong số đó có nhiều tác giả văn xuôi, thơ và lý luận
phê bình đã từng nhận được các giải thưởng thường niên hay qua các cuộc thi của
các hội nghề nghiệp, đoàn thể và quốc gia. Đáng lưu ý là có những tác phẩm văn
chương có giá trị, là những bài thơ, trang văn làm sách gối đầu giường của nhiều
thế hệ công chúng yêu thích văn chương trong cả nước và chúng đã trở thành những
vần thơ, trang văn đi cùng năm tháng.
Đối với những người yêu thích thơ ca ở mọi lứa tuổi,
vùng miền đều không thể không đọc và nhớ một vài câu trong các thi phẩm như “Nhớ”
của Hồng Nguyên với những câu thơ đậm chất xứ Thanh: “- Đằng nớ vợ chưa?/-
Đằng nớ/ Tớ còn chờ độc lập/ Cả lũ cười vang bên ruộng bắp/ Nhìn o thôn nữ cuối
nương dâu/.../Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni/ Dân chúng cầm tay nhau lắc lắc:/ Độc
lập nhớ viền chơi với chắc”. Rồi đến “Lên Cấm Sơn” của Thôi Hữu; “Nhớ máu” và “Tình
sông núi” của Trần Mai Ninh. Theo nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch
HNVVN, “... với chỉ riêng hai bài thơ “Tình sông núi” và “Nhớ máu” đã đủ
đưa ông lên hàng đầu của thơ ca hiện đại nước nhà...” (tr.5)
Đặc biệt Hồ Dzếnh với các thi phẩm như: “Chiều” và
“Ngập ngừng” lại cho ta thấy một giọng thơ khá lạ so với âm hưởng chung của thơ
thời đại mà ông sống và viết, cũng như giọng thơ đậm chất xứ Thanh. Có thể nói
Hồ Dzếnh đã đem đến một giọng điệu mới, như là sự bổ sung vào âm hưởng hào sảng
của thời đại và rắn rỏi của người xứ Thanh. Thế nhưng chính cái man mác buồn ấy
đã làm nên hồn cốt và giá trị của bài thơ: “Trên đường về nhớ đầy/ Chiều chậm
đưa chân ngày/ Tiếng buồn vang trong mây/.../ Chim rừng quên cất cánh/ Gió say
tình ngất ngây/ Có phải Sầu Vạn Cổ/ Chất trong hồn chiều nay...” (Chiều).
Nhà thơ Hữu Loan với “Đèo Cả”, đã đem đến cho thơ
chống Pháp một cách nói mới, một lối viết phóng túng, mà vẫn rất chân thật,
không cầu kỳ, vòng vo, uốn éo như sau này: “Sau mỗi trận thắng/ Ngồi bên suối
đánh cờ/ Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt/ Người vá áo thiếu kim mài sắt/ Người đập
mảnh chai vểnh cằm cạo râu”... “Đèo Cả” xứng đáng là cái gạch nối khá rõ
nét giữa thơ truyền thống và thơ mới, ảnh hưởng của thơ Pháp thời kỳ trước
1945. Và hơn thế nó hoàn toàn hợp với tính cách và cái tạng cương cường “như
khúc gỗ vuông chành chạnh” của con người Hữu Loan, mà sinh thời ông vẫn tự nhận
mình như vậy.
Với “Màu tím hoa sim”, Hữu Loan lại cho thấy một
tâm hồn đa sầu đa cảm, một giọng thơ nặng chất tự sự trữ tình: “Tôi người vệ quốc
quân/ xa gia đình/ Yêu nàng/ như tình yêu em gái/ Ngày hợp hôn/ nàng không đòi
may áo cưới/ Tôi bận bộ đồ quân nhân/ đôi giày đin/ bết bùn đất hành quân/ Nàng
cười xinh xinh/ bên anh chồng độc đáo”...
Có thể nói chỉ cần “Đèo Cả” và “Màu tím hoa sim”
cũng đủ để làm nên một danh hiệu thi ca sống mãi với thời gian, mang đậm phong
cách Hữu Loan không trộn lẫn vào đâu được.
Còn nhiều tác giả văn chương xứ Thanh từng để lại
những ấn tượng tốt đẹp đối với công chúng, cũng góp mặt trong cuốn sách này như
các nhà thơ: Lữ Giang với “Tiếng đàn bầu”, “Người gánh gạo”, Lê Đình Cánh với “Mẹ
ra Hà Nội”, “Lời trai lái đò sông Mã”, Văn Đắc với “Dòng sông trong đêm”, “Làng
ơi”, Lê Quang Sinh với “Tạ lỗi”, “Dâng hương”, Trần Sĩ Tuấn với “Đêm nhớ Bác”,
“Không đề cuối thu”, Huy Trụ với “Cây rau ấy”, “Sông Mã”... và các nhà văn như:
Kiều Vượng có “Người rừng”, Phạm Hoa có “Chuyện quê ta”, Từ Nguyên Tĩnh có “Một...Hai...Ba...Bốn”,
Xuân Ba có “Nam mô a di đà”, Hà Thị Cẩm Anh với “Giải vía”, Nguyễn Văn Đệ có “Khúc
sông chảy xiết”...
Tuy nhiên trong bộ sách này có những tác phẩm xuất
hiện chưa lâu nhưng đã gây được sự chú ý của dư luận. Đó là bài “Đêm nhớ Bác” của
nhà thơ Trần Sĩ Tuấn khi vừa mới xuất hiện lần đầu tiên trên báo Sức khỏe và Đời
sống, thực sự đã chạm đến trái tim của nhiều người, khiến họ không thể không có
những phản hồi tích cực. Chỉ trong một quãng thời gian ngắn mà đã có tới hàng
trăm phản hồi qua báo Sức khỏe và Đời sống cũng nhưng trên các trang cá nhân.
Độc giả Nguyễn Thị Thu Thủy ngay sau khi đọc đã viết
“Con đã lặng người đi khi đọc bài thơ này. Lâu lắm rồi con mới lại xúc động như
thế này... con xin kính cẩn gửi đến Người một nén tâm nhang”. Bạn Nguyễn
Bích Nga đã viết phản hồi và kèm theo lời hứa rất hồn nhiên, chân thật: “Xúc động
quá, đọc xong bài thơ mà nước mắt trào ra... Bác là tấm gương để cho mỗi chúng
ta soi vào và học tập. Mình cảm thấy có lỗi với Người, mình thầm hứa sẽ sống tốt
hơn”. Độc giả Trần Hoa thấy hình ảnh Bác trong bài thơ “hiện lên thật giản dị,
gần gũi” vì những câu thơ “rất chân thực và xúc động” và mong muốn mọi
người cũng “mơ thấy Bác như tác giả đã từng mơ... Nhất là các vị lãnh đạo, để họ
có thể “gần” dân hơn, lắng nghe, thông cảm và chia xẻ với dân nhiều hơn”. Cùng
chung tình cảm và suy nghĩ ấy, bạn Nguyễn Bá Lộc thẳng thắn viết “bài thơ rất
hay, hay đến từng câu chữ và hay đến nỗi không ít cán bộ của dân... không giám
đọc”. Bạn Hoàng Lai lại có một cách tiếp nhận bài thơ theo một hướng khác: “Bài
thơ thật sâu sắc đã thể hiện nỗi lòng trăn trở và sự khát khao”...
Có độc giả đã mạnh dạn đề xướng một ý tưởng khá độc
đáo và táo bạo sau khi đọc: “Bài thơ thật xúc động và nhiều ý nghĩa, nên đưa
bài thơ này vào chương trình môn văn THPT để dạy cho các em...”.
Theo tôi, việc tập hợp được nhiều tác phẩm văn
chương có giá trị và đi cùng năm tháng vào trong một bộ sách như vậy là một sự
thành công rất đáng ghi nhận của những người biên soạn.
Đỗ Ngọc Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét