Thế nào là "chơi chữ"?
Chơi chữ là một nghệ thuật độc đáo trong ngôn ngữ
nói chung và trong Tiếng Việt nói riêng. Có nhiều định nghĩa, khái niệm, … giải
thích vấn đề này, xin được nêu một số ý kiến như sau:
Tự điển Tiếng Việt giải thích: "Chơi chữ là
lợi dụng hiện tượng đồng âm, đa nghĩa, v.v, … trong ngôn ngữ nhằm gây một tác
dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm, hài hước, …) trong lời nói. (Hoàng
Phê (chủ biên) - Từ điển Tiếng Việt - Nhà xuất bản Giáo Dục. H. 1994).
Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng
ngữ" và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử
dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự
bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người
nghe". Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có: nói
lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ
khác nhau. (có thể xem đây là hình thức của nghệ thuật chơi chữ - người viết
chú thêm). Các tác giả trong quyển "từ điển" này cho rằng: nhìn
chung các lộng ngữ đều mang tính hài hước, thường được sử dụng trong văn thơ
trào phúng (có thể xem đây là tác dụng của nghệ thuật chơi chữ - người viết
chú thêm). (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi - Từ điển thuật ngữ văn
học – Nhà xuất bản Giáo Dục . H. 2007
Tác giả Hữu Đạt thì xem chơi chữ là một đặc
điểm độc đáo của ngôn ngữ thơ Việt Nam và nêu định nghĩa: "Chơi chữ
là một biện pháp tu từ nghệ thuật dựa vào những khả năng tiềm tàng của ngôn
ngữ, vận dụng linh hoạt đơn vị cơ bản của tu từ học (là chữ hoặc tiếng)
đặt nó trong mối quan hệ nhiều chiều, nhiều phía với các đơn vị cùng bậc và
khác bậc, nhằm khai thác tính chất nước đôi của các đơn vị ngôn ngữ dựa vào sự
hiện diện của văn cảnh". (Hữu Đạt - Ngôn ngữ thơ Việt Nam - Nxb Giáo dục. H. 1996).
Từ những cách lý giải trên soi rọi vào ca dao
chúng ta dễ dàng thấy được nghệ thuật độc đáo mà ngày xưa cha ông ta đã vận dụng.
Từ những từ láy lại đơn giản:
Trong chúng ta ai đó đã từng nghe câu hát của những
người làm "nghề " nói thơ dạo của những năm cuối thế kỷ trước:
Vân Tiền, Vân Tiễn, Vân Tiên
Ai cho đồng tiền tôi kể Vân Tiên.
Vân Tiên là tên nhân vật chính trong tác phẩm
"Lục Vân Tiên" của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả dân gian khi
hát đã láy lại thành câu lục "Vân Tiền, Vân Tiễn, Vân Tiên" trong cặp
lục bát dẫn trên cho đủ lượng chữ cần thiết của một dòng thơ. Giá trị của việc
chơi chữ ở đây chỉ có vậy.
Cũng tương tự như thế ta có thể dẫn chứng một trường
hợp khác: chơi chữ bằng việc sử dụng từ láy kiểu như trên:
Con mèo, con mẻo, con meo
Ai dạy mày trèo, mà chẳng dạy tao?
Từ "con mèo" được láy lại hai lần nhằm
tạo âm hưởng cho câu thơ!
Với cách chơi chữ lặp đi lặp lại như thế, nhiều
câu ca dao đã gợi nên cuộc sống quẩn quanh bế tắc không lối thoát của phận
cái kiến, con ong ở xã hội ngày trước:
Con kiến mà leo canh đa
Leo phải cành cụt leo ra, leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cảnh cụt leo vào, leo ra.
Hoặc như trong một tình cảnh khác, chơi chữ kiểu
láy này để thể hiện nét nghĩa gắn lết không muốn xa rời nhau của đôi nam nữ
"đá trót dan díu"…
Rau má là lá lan dây,
Đã trót dan díu, ở đây đừng về.
Rau má là lá lan thề
Đã trót dan díu đừng về ở đây.
Đó là cách chơi chữ bình thường vốn dĩ quen thuộc
trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của ng dân quanh năm "một nắng hai
sương" bên cánh đồng thửa ruộng. Trong thơ ca bình dân còn có nhiều kiểu
"chơi chữ" khác mà dụng ý của nó cũng rất uyên thâm.
Chơi chữ bằng cách dùng hiện tượng từ đồng âm
khác nghĩa giữa từ đơn tiết với tiếng trong từ đa tiết:
Xin dẫn bài ca dao quen thuộc sau đây để làm ví dụ:
Một trăm thứ dầu, dầu chi là dầu không
thắp?
Một trăm thứ bắp, bắp chi là bắp không
rang?
Một trăm thứ than, than chi là than
không quạt?
Một trăm thứ bạc, bạc chi là chẳng ai
mua?
Trai nam nhi anh đối đặng thì gái bốn mùa xin
theo.
Muốn biết nghĩa của các từ "dầu";
"bắp"; "than"; "bạc" trong các câu hát đố trên,
ta xem tiếp phần đáp lại thì hiểu được sự điêu luyện của nghệ thuật này.
Một trăm thứ dầu, dầu xoa không ai thắp. (Một dị
bản khác: Một trăm thứ dầu, dãi dầu thì không ai thắp)
Một trăm thứ bắp, bắp chuối thì chẳng ai rang. (Một
dị bản khác:
Một trăm thứ bắp lắp bắp mồm, lắp bắp miệng thì chẳng ai
rang)
Một trăm thứ than, than thân là than không ai quạt.
Một trăm thứ bạc, bạc tình bán chẳng ai mua
Chơi chữ là cách dùng các từ đơn tiết đồng âm
nhưng khác nghĩa:
Trời mưa, trời gió vác đó (1) ra đơm
Chạy vô ăn cơm chạy ra mất đó (2).
Kể từ ngày mất đó (3) đó (4) ơi
Răng đó (5) không phân qua nói lại đôi lời
cho đây hay?
Từ đó mà tác giả dân gian sử dụng trong bài ca
dao trên vừa là danh từ chỉ một dụng cụ đánh bắt, vừa là đại từ chỉ nơi chốn
được "mượn" làm đại từ nhân xưng chỉ người. Từ đó (2), đó (3),
đó (4) là thú vị và đa tầng nghĩa nhất vậy.
Gợi lên một ý nghĩa khác "tục" mà thanh
bởi từ "đẩy" đa nghĩa (cả nghĩa trong khẩu ngữ) của câu ca dao sau
đây:
Em ơi nên lấy thợ bào
Khom lưng ảnh đẩy cái nào cũng êm
Xét từ ngữ nghĩa tường minh của văn bản thì không
có gì hết, nó chỉ miêu tả một hành động bình thường của anh thợ mộc làm động
tác bào cây, gỗ, nhưng xét về nghĩa hàm ẩn của nó thì thật là "độc",
mà cái "độc" ấy là do nghệ thuật "chơi chữ' tạo ra.
Công dụng của nét chơi chữ ấy dùng để phê phán.
Phê phán thầy đồ đạo cao đức trọng, cố ý "thanh cao" nhưng không
tránh khỏi cái bản năng bình thường của con người, tác giả dân gian chơi chữ
"đồ" để mỉa mai hết sức thâm thuý trong bài ca dao sau đây:
Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ
Ra hồ sen xem ả hái hoa
Ả hớ hênh ả để đồ ra
Đồ trông thấy ngắm ngay tức khắc
Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp
Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia
"Đồ nọ" tưởng "đồ kia" là hai
từ đồng âm nhưng một từ với nghĩa là thầy đồ - một hạng người trong xã hội,
và một từ "đồ" cũng là danh từ nhưng để chỉ sinh thực khí của phụ nữ!
Nhiều khi cách chơi chữ đồng âm này tránh được
cái tục, một sự nói tránh hết sức tinh tế:
Sáng trăng em nghĩ tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời em bằng lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời.
Cái sự đời mà câu ca dao đề cập bằng việc dùng
nghĩa lấp lửng nước đôi như trên chắc chắn rằng ai cũng biết đó là cái gì rồi!
Phê phán "bà già" còn muốn
chồng được tác giả dân gian mỉa mai bằng cách chơi chữ "lợi" trong
một bài ca dao quen thuộc:
Bà già đi chợ Cầu Đông
Xem bói một quẻ lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không
còn
Lợi vừa là tính từ chỉ việc có ích, vừa chỉ một bộ
phận trong vòm họng con người: cái " nướu răng"!
Đôi khi kín đáo hơn, nhẹ nhàng, để nói đến thân
phận bấp bênh về thân phận của người phụ nữ trong xã hội ngày trước dân gian
có câu:
Thân em như cá rô mề
Lao xao giữa chợ biết về tay ai.
Ví "thân em" với cá rô mề, quả là khó
còn từ ngữ nào đắc hơn trong văn cảnh vừa dẫn, bởi nói vừa chỉ được nhiều điểu
mà người sáng tạo ra nó muốn nói.
Trái lại hiện tượng trên, là việc dùng từ đồng
nghĩa để chơi chữ với dụng ý phê phán rõ ràng:
Có cứt thì lúa mới xanh
Quần hồ áo cánh bởi anh cứt này
Thực ra những từ không được sạch sẽ trên đây có từ
"phân" đồng nghĩa với nó, nhưng dân gian không dùng
"phân" mà thay "phân" bằng …(!) để nhắc nhở những người gần
bùn mà vội "quên đi mùi bùn"(!)
Xong có lẽ hiện tượng dùng từ cùng trường nghĩa,
gần nghĩa để tạo nét liên tưởng thú vị là phổ biến nhất trong ca dao:
Con quạ nó ăn tầm bậy tầm bạ nó chết,
Con diều xúc nếp làm chay,
Tu hú đánh trống bảy ngày,
Con bịp nó dậy, nó bày mâm ra.
Con cuốc nó khóc u oa,
Mẹ nó đi chợ đàng xa chưa về.
Bài ca dao tập hợp những con chim sống trọng bụi quạ,
diều, tu hú, bìm bịp, cuốc, cho mỗi con đóng vai trò thích hợp với đặc
điểm của chúng: diều với quạ cùng loại nên đóng vai trò chính; tu hu đầu mùa
hè hay kêu; bìm bịp thường hay ở trong bụi rậm, ít bay đi đêm, như người nội
trợ; cuốc lủi trong bụi như tìm ai, tiếng kêu của nó sầu não như khóc như
than. Đây là cách chơi chữ dùng các từ cùng trường nghĩa để khắc hoạ lên những
bức tranh dân gian về một đám ma nghèo nhưng đầy đủ lễ thức. Vừa phản ảnh một
phong tục ngày trước với nhiều màu sắc độc đáo nhưng cũng không giấu tính
châm biếm sắc sảo.
Cùng kiểu như vậy ta còn có thể gặp trong các bài
ca dao tương tự:
Cò con mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri ríu rít bò ra chia phần
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cỡi trần vác mõ đi rao.
Hoặc:
Con cò mắc giò mà chết
Con quạ ở nhà mua nếp làm chay
Con cu đánh trống bằng tay
Chào mào đội mũ làm thầy tế văn
Chiền chiện vừa khóc vừa lăn
Một bầy chim sẻ bịt khăn khóc cò
Chọn những con vật cùng trường nghĩa khác, bài ca
sau đây cũng dùng cách chơi chữ ấy:
Cóc chết bỏ nhái mồ côi,
Chẫu ngồi chẫu khóc: " Chàng ơi
là chàng"
Ễnh ương đánh lệnh đã vang,
Tiền đâu mà trả nợ làng ngoé ơi!
Tác giả dân gian tập hợp trong bài ca dao này các
con vật cùng loài với cóc: nhái, chẫu chuộc, chầu chàng (chẫu chàng thân và
chi mảnh, dài; chẫu chuộc cũng giống như chẫu chàng nhưng lớn hơn); ễnh ương,
ngoé là giống nhái bén. "Chàng" trong câu câu ca trên vừa là con vật
(chẫu chàng) vừa là đại từ chỉ người trong cặp đại từ nhân xưng cổ: chàng –
nàng. Như vậy, bài ca dao vừa chơi chữ bằng cách dùng từ đồng âm, vừa chơi chữ
bằng cách dùng các từ cùng trường nghĩa.
Đôi lúc ghép những từ cùng trường nghĩa để chơi
chữ với tính chất "trào lộng":
Chị Xuân đi chợ mùa hè
Mua cá thu về chợ hãy còn đông
Những từ đồng âm khác nghĩa (Xuân, thu, đông) và
các kết hợp các từ cùng trường nghĩa với nhau tạo nên nét độc đáo: hoá ra đó
là bốn mùa trong năm!
Một bài khác:
Anh Hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua Bến Nghé ngôi nhai thịt bò
Vui đùa với chữ là dụng ý chính của những câu ca
dao này!
Hoặc để chỉ một cảnh sinh hoạt bình thường của một
gia đình làm nghề chài lưới:
Cha chài mẹ lưới con câu
Chàng rễ đóng đáy con dâu ngồi nò.
Hay như để chỉ các sản vật là lương thực mà con
người đổ không biết bao nhiêu giọt mồ hôi để tạo ra, tác giả dân gian gửi gắm:
Thấy nếp thì lại thèm xôi
Ngồi bên thúng gạo nhớ nồi cơm thơm
Hai tay xới xới đơm đơm
Công ai cày cấy sớm hôm đó mà.
Chiết tự ra từ một từ láy, hoặc một từ ghép để
"chơi chữ":
Cô giỏi cô giang, cô đang xúc tép
Cô thấy anh đẹp cô đổ tép đi
Từ "giỏi giang" được chiết tự ra làm
hai thành tố để rồi kết hợp lại nhằm nhấn mạnh tính cách của chủ thể
"cô" trong câu ca trên. Đó cũng là một dạng của nghệ thuật chơi chữ!
Việc dùng từ trái nghĩa trong cùng một câu thơ,
cũng là một hiện tượng chơi chữ của dân gian:
Bánh cả thúng sao gọi là bánh ít
Trầu cả khay sao dám gọi trầu không.
Hoặc như:
Lươn ngắn mà chê trạch dài
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.
Chạch là loại cá trông giống lươn cỡ nhỏ, thân ngắn.
Thờn bơn là loại cá thân dẹt, miệng và mắt lệch lên phía trên đầu. Trai là loại
động vật thân mềm, vỏ cứng, gồm hai mảnh, thường há ra như cái miệng. Với nghệ
thuật chơi chữ để giễu nhại giống như kiểu: "Chuột chù chê khỉ rằng hôi/
Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm" tác giả dân gian muốn châm biếm
những người đem chủ quan của mình gán ghép cho người khác mà không thấy được
mình cũng có khuyết điểm tương tự như thế, chả ai hơn ai, chả biết mèo
nào cắn mỉu nào!
Trong nhiều lời hát đối đáp cũng có hiện tượng
như vậy:
Giàn hoa bể cạn nước đầy
Cá vàng hoá bạc chàng rày đối chi?
Chơi chữ là dùng cách nói lái, tức là đảo vị trí
phần vần và thanh điệu của hai từ liền kề nhau:
Con cá đâu anh ngôi câu đó
Biết có không mà công khó anh
ơi
Và:
Con cá đối nằm trong cối đá
Con mèo đuôi cụt nó năm mục đuôi
kèo,…
Chơi chữ bàng cách dùng các từ thuần Việt đồng
nghĩa với nhau:
Đi tu Phật bắt ăn chay
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.
"Chó với cầy là những từ cùng nghĩa, gần
nghĩa được sử dụng "chơi" để phê phán một hiện tượng "ngược đời"
Hay:
Bạn vàng chơi với bạn vàng
Chớ chơi với Vện ra đàng cắn nhau.
Từ "bạn vàng" của "những con
chó" làm cho người nghe liên tưởng đến "bạn vàng của con người"
cũng là một dụng ý thật đắc mà nghệ thuật chơi chữ tạo ra.
Hoặc đôi lúc dùng một tiếng Việt đồng nghĩa với một
từ Hán Việt để chơi chữ:
Có răng nói thật đi nha
Lúc trăng đang tỏ thì hoa đang thì.
"Nha" là từ Hán Việt tương đương với từ
thuần Việt "răng"!
Hay như:
Rắn hổ đất leo cây thục địa
Ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên.
Rồi thì:
Cha con thầy thuốc về quê
Hồi hương phụ tử thì chàng đối chăng?
Cái độc đáo ở nghệ thuật chơi chữ trong câu thơ
này là vừa có hai từ tương đương nghĩa "cha con" (thuần Việt) với
"phụ tử" (Hán Việt); "về quê" (thuần Việt) với "hồi
hương" (Hán Việt). Rồi "thầy thuốc" để chỉ nghề nghiệp của hai
"cha con" mà "hồi hương", "rồi phụ tử" là những
vị thuốc nổi tiếng trong đông y!
Cuối cùng hết của các dạng chơi chữ trong ca dao
mà chúng tôi khảo sát được là việc đảo trật tự từ ngữ để tạo ra nghĩa
ngược với thực tế:
Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi
Nắm xôi nuốt bé lên mười,
Con gà mâm rượu nuốt người lao đao
Lươn nằm cho trúm bò vào
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô
Lúa mạ nhảy lên ăn bò,
Cỏ năn, có lác rình mò bắt trâu
Gà con đuổi bắt diều hâu,
Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông.
Tất cả các sự việc, các hành động và chủ thể tạo
nên hành động trong bài ca dao trên đều ngược nghĩa so với hiện thực cuộc sống.
Đều mà tác giả dân gian muốn gửi gắm ở đây có lẽ với hai dụng ý rõ rệt: vừa
mua vui với chữ nghĩa, vừa muốn nói lên một sự bất công ngang trái trong xã hội
ngày trước!
Như vậy, tuy khác nhau về lời lẽ song có thể thấy
mấy điểm chung trong các cách hiểu trên về chơi chữ.
- Chơi chữ là một biện pháp tu từ được dùng trong
ngôn ngữ nghệ thuật (ngôn ngữ văn thơ)
- Biện pháp chơi chữ được thực hiện dựa trên các
tiềm năng về chất liệu ngôn ngữ dân tộc. Các tiềm năng về âm thanh, chữ viết,
từ đồng âm, đồng nghĩa, v.v, ...càng phong phú thì càng tạo điều kiện cho
chơi chữ phát triển.
- Chơi chữ tạo nên những liên tưởng bất ngờ, thú
vị về nhận thức, đồng thời có tác dụng châm biếm, hài hước, thư giãn bằng chữ
nghĩa, v.v…
Riêng trong ca dao chơi chữ đã thể hiện nét phong
phú độc đáo trong tâm hồn của người nông dân "gần bùn mà chẳng hôi
tanh mùi bùn".
*Trong bài viết có tham khảo tài liệu chép tay
(chuyên đề dành cho thạc sĩ Ngữ văn): "Truyền thống ngữ văn của người Việt"
của T.S Trần Văn Minh, Trường Đại học Vinh.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét