CAM RANH QUA NHỮNG THỜI KỲ LỊCH SỬ
Từ năm 1653 - khi chúa Nguyễn Phúc Tần lập đơn vị
hành chính dinh Thái Khang trên vùng đất nay là tỉnh Khánh Hòa - đến
đầu thế kỷ XX, Cam Ranh là một phần đất của huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh
(sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép địa
giới của huyện Vĩnh Xương như sau: phía đông giáp biển, phía tây giáp động
Mán, phía nam giáp đạo Ninh Thuận, phía bắc giáp huyện Phước Điền).
Những phát hiện khảo cổ học gần đây đã khẳng định
vùng đất này từ hàng ngàn năm trước đã có con người sinh sống. Năm 1979, di
chỉ khảo cổ học Xóm Cồn bên bờ vịnh Cam Ranh (thuộc phường Cam Linh, thị
xã Cam Ranh) đã được phát hiện và sau đó được khai quật hai lần vào các năm
1980 và 1992. Hiện vật thu được trong các hố khai quật rất phong phú với các
công cụ đá (rìu, bôn, công cụ chặt, bàn mài, hòn kê, hòn ghè, mũi khoan), rất
nhiều đồ gốm, các loại xương thú, vỏ các loại nhuyễn thể biển ken dày giữa
các tầng văn hóa. Năm 1990, trên các địa điểm thuộc đảo Bình Ba và Bình Hưng
trong vịnh Cam Ranh, các nhà khoa học cũng đã tiến hành khai quật với quy mô
lớn, kết quả thu được gồm nhiều loại rìu đá, đồ gốm, đồ trang sức bằng lõi ốc…
Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã xác lập được một văn hóa khảo cổ mang tên
địa điểm đầu tiên được phát hiện: văn hóa Xóm Cồn, có niên đại 4140 ± 80
năm cách ngày nay. Văn hóa Xóm Cồn không thuộc hệ thống văn hóa Sa Huỳnh,
song chắc chắn có nhiều đóng góp vào sự hình thành văn hóa Sa Huỳnh sau này.
Di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm (xã Cam Thịnh
Đông, Cam Ranh) - cách di chỉ Xóm Cồn khoảng 5km về phía Nam - được khai quật
lần đầu tiên vào tháng 4-1998, và sau đó lần thứ hai vào tháng 4-2002. Hàng
chục mộ chum, hàng ngàn tiêu bản gốm cùng nhiều di vật bằng đá, đồng, sắt, thủy
tinh, mã não… có niên đại từ 2000 - 2500 năm cách ngày nay đã được tìm thấy.
Kết quả thu được tại Hòa Diêm cho thấy đây là một di chỉ cư trú xen lẫn mộ
táng. Những đặc điểm về di vật ở đây phản ánh sự tiếp nối văn hóa với một số
truyền thống từ Xóm Cồn trong sự phát triển lên giai đoạn Sa Huỳnh sau này ở
Khánh Hòa.
Di chỉ khảo cổ học Văn Tứ Đông (xã Cam Hòa,
Cam Ranh), cách Nha Trang 30km về phía Bắc và cách thị xã Cam Ranh 30km về
phía Nam, thuộc loại hình di tích cồn sò điệp hay “đống rác bếp”
(kjikkenmodding) lần đầu tiên được phát hiện và khai quật tại Khánh Hòa
(tháng 7-2006). Toàn bộ di chỉ được bao bọc bởi một khe suối cổ được gọi là
suối Bến Cọp. Địa tầng di chỉ Văn Tứ Đông có cấu trúc chủ yếu là vỏ sò điệp
ken dày do người cổ thải ra sau khi bắt về ăn. Trong 2 hố khai quật có địa tầng
sâu trung bình 120 cm với tổng diện tích 75m2 của đợt khảo sát này đã
thu được 261 hiện vật (gồm 151 đồ đá, 84 mũi tên bằng xương và 26 đồ gốm),
hàng vạn mảnh gốm, nhiều xương động vật, 4 vết tích bếp lửa và 1 hố đất đen.
Di tích Văn Tứ Đông là một làng chài cổ ven biển có niên đại vào khoảng 3.000
- 3.500 năm trước.
Trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, tập
bản đồ đường xá Việt Nam do nho sinh trúng thức họ Đỗ Bá tự Công Đạo soạn vào
khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, đã thấy có tên Cam Ranh môn (cửa biển
Cam Ranh). Trong một bản đồ khác cũng có niên đại cuối thế kỷ XVII mang tên Giáp
Ngọ niên bình Nam đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy chép địa
danh Cam Linh môn (cửa biển Cam Ranh) và còn ghi chú: Cam Linh
môn thâm đại (cửa biển Cam Ranh rất sâu). Đây có lẽ là những tài liệu sớm
nhất của người Việt ghi chép về địa danh này.
Về mặt ngôn ngữ, Cam Ranh (tên
Nôm) chắc chắn có trước Cam Linh (tên Hán-Việt). Dưới thời phong kiến,
khi hệ thống làng Việt đã hình thành và tương đối ổn định, các tên Nôm làng
xã đã được Hán hóa để tạo ra một lớp địa danh Hán-Việt tiện lợi cho việc khai
báo, ghi chép vào sổ bộ phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp.
Trong mối tương quan giữa các địa danh thuần Việt và địa danh Hán-Việt, ta
thường thấy có sự chuyển đổi giữa cặp phụ âm đầu r / l, chẳng
hạn: Nha Ru/ Nha Lỗ (tên cổ của huyện Ninh Hòa); Phan Rang / Phan Lang… Từ
đó có thể thấy tên Cam Linh là kết quả của sự Hán hóa Cam Ranh theo cách:
- Cam ---> Cam (một yếu tố của tên Nôm được
chuyển sang Hán-Việt bằng cách dùng một ký hiệu Hán đồng âm nhưng không đồng
nghĩa)
- Ranh ---> Linh (một yếu tố của tên Nôm được
phiên âm Hán-Việt bằng một ký hiệu Hán tương ứng).
Đến nay chúng ta vẫn chưa biết rõ nguồn gốc và ý
nghĩa của địa danh Cam Ranh hoặc Cam Linh, ngoại trừ những lý
giải mang tính “từ nguyên học dung tục” rất võ đoán và khó kiểm chứng, như
thuyết cho rằng tên Cam Linh là do chúa Nguyễn Ánh đặt cho vùng đất này với ý
nghĩa là “vùng đất ngọt linh thiêng” - từ sự việc thủy quân Nguyễn đổ bộ lên
bán đảo Cam Ranh tìm nước ngọt và phát hiện ra hồ nước trên núi Phượng Hoàng
(?).
Một tài liệu khác có thể cho ta biết tường tận xã
hội Đàng Trong vào đầu thế kỉ XVIII là sách Phủ biên tạp lục của Lê
Quý Đôn (viết năm 1776 khi ông trấn nhậm hai đạo Thuận - Quảng). Qua sự ghi
chép tỉ mỉ của tác giả, chúng ta biết được tuần Cam Ranh (thuộc phủ
Diên Khánh) tiền thuế là 105 quan 3 tiền, một mức thuế khá cao so với
nhiều cửa biển lân cận, cho thấy quy mô giao thông, buôn bán, khai thác thủy
sản ở cửa biển Cam Ranh vào thời đó đã khá tấp nập, sầm uất.
Trong các bài vè các lái kể lại thủy
trình của những người đi buôn hoặc chuyên chở hàng hóa bằng ghe bầu trên tuyến
đường biển Bắc-Nam vào các thế kỷ trước cũng thấy nhắc đến địa danh Cam
Ranh hoặc Cam Linh, chẳng hạn như đoạn sau đây:
“… Ngó mù mù Hòn Nồm chỗ đó
Qua Hòn Nồm mới tỏ Cam Ranh
Vũng Găng đá vách như thành
Vũng Găng đá vách xung quanh như buồm …”
“… Nhìn ra Nội, Ngoại sóng xao
Vát mũi chạy vào Bãi Dài, Con Nghê
Chụt đèn ngó xuống chỉnh ghê
Ngó về Hòn Tý dựa kề Cam Linh
Mò O, Dỏ Tó rất xinh
Lại thêm Đá Vách dựa kề Vũng Găng
Vũng Găng Đá Vách tựa thành
Hai bên núi tấn vây quanh như buồng…”
Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử
quán triều Nguyễn biên soạn (được xem là tài liệu địa dư quan trọng nhất của
nước ta ở thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX) cung cấp nhiều dữ kiện về địa lý tự
nhiên của vùng đất Cam Ranh:
1. Về núi non, có:
- Núi Yên Đỗ: ở phía nam huyện Vĩnh Xương 50
dặm, phía tây liền với thôn Diêm Nại, bắc tiếp trạm Hòa Du (ở thôn Thủy Triều,
huyện Vĩnh Xương, nay thuộc địa bàn xã Cam Hải Đông, thị xã Cam Ranh - NVT),
đông gối bờ biển, tả hữu có gò cát. Thế núi rộng lớn, đỉnh đồi trùng điệp, rất
nhiều hòn nhỏ, duy lấy ngọn núi này làm chủ.
- Núi Hòa Quân: ở phía nam huyện Vĩnh Xương
91 dặm, phía đông sông Tam Độc (Ba Ngòi), làm trấn cho cửa tấn Cam Ranh.
- Núi Lữ: ở phía nam huyện Vĩnh Xương 115 dặm.
Thế núi sừng sộ cao lớn, phía tây có các dẫy núi liên tiếp, đều là chỗ mán
lèo cư trú, phía đông gần đường trạm.
- Núi Hiệp Mỹ: ở phía tây nam huyện Vĩnh
Xương 111 dặm. Trước kia tên là núi An Mỹ, năm Tự Đức thứ 5 (1852) đổi lại
tên này, vì giới hạn của núi ở giữa 2 hộ Khánh Hiệp và Khánh Mỹ. Thế núi
quanh co, đi xuống đông chia làm núi Phong Lãnh và núi Hòa Quân, gối trên cửa
biển lớn Cam Ranh. Có bãi cát kéo dài vài mươi dặm.
- Núi Thạnh Đức (hiện nay có tên là núi
Phượng Hoàng - NVT): ở phía đông nam huyện Vĩnh Xương 88 dặm. Trước kia tên
là núi Đông An, năm Tự Đức thứ 15 (1862) đổi lại tên này. Mạch núi từ núi
Hoàng Ngưu (Đồng Bò) trải qua một dãy bãi cát, nối liền bờ biển rồi chạy xiên
về phía nam, đột khởi lên một ngọn núi cao che kín cửa biển Cam Ranh. Quanh
núi bày ra những động cát trùng điệp, có một cái hồ ở dưới chân núi, nước rất
trong mà phẳng lặng tục danh là Ao Tương (nay gọi là Ao Hồ - NVT). Phía tây
núi này nứt ra một núi nhỏ che cửa biển gọi là Hòn Lang, phia nam nứt
ra một núi nhỏ che cửa biển gọi là Hòn Tranh, ở đây có dân cư, phía đông nam
cũng nứt ra một núi gọi là Hòn Khô, ở phía bắc có Cửa Bé, ngoài cửa biển ấy
có các đảo nhỏ là Hòn Nội, Hòn Ngoại.
- Núi Phong Lãnh: ở phía đông nam huyện Vĩnh
Xương 163 dặm, giáp giới huyện An Phước đạo Ninh Thuận. Phía đông gối bãi
cát, có đầm Vũng Găng, phía nam tiếp giáp mỏ cát đảo Hòn Tai.
2. Về sông ngòi, có:
- Sông Tam Độc (tức Ba Ngòi): ở
phía nam huyện Vĩnh Xương 85 dặm. Phát nguyên từ trong các động Mán Bồng Lam,
Bạch Cân, chảy xuống đông nam chia làm 3 chi: một chi theo thôn Thượng
Nguyên chảy xuống đông nam 11 dặm; một chi theo thôn Diêm Nại chảy
xuống đông nam 4 dặm; một chi theo thôn Nhược Đỗ chảy xuống đông nam 4 dặm, rồi
có Khe Dầu từ thôn Hiệp Mỹ đến nhập lại, chảy ra đầm Thủy Triều, chuyển qua
hướng đông chảy đến thôn Thạnh Đức phóng ra cửa biển Cam Ranh.
3. Về đầm, vịnh, cửa biển, có:
- Đầm Thủy Triều: ở phía nam huyện Vĩnh
Xương 43 dặm, bốn phía là bãi cát, dồn nước sông Ba Ngòi chảy ra cửa biển Cam
Ranh.
- Đầm Vũng Găng: ở cực nam huyện Vĩnh Xương,
cách huyện 113 dặm, chu vi hơn 20 dặm.
- Vịnh Cam Ranh: ở phía đông nam huyện Vĩnh
Xương 88 dặm, chu vi 79 dặm. Trong vịnh có đá rạng.
- Cửa tấn Cam Ranh: ở phía đông huyện Vĩnh
Xương 88 dặm, rộng 400 trượng, sâu 50 trượng. Phía tả có Mũi hòn Lang, phía hữu
có Hòn Lang, ngoài có Hòn Tranh, chu vi dài 19 dặm, có dân cư thôn Bình Ba ở
đấy. Thuở xưa có đặt 1 chức Thủ ngự và 1 chức Hiệp thủ, sau bãi bỏ.
Đến đầu thế kỷ XIX, Cam Ranh - Ba Ngòi hầu như vẫn
còn là một vùng đất hoang vu, hẻo lánh, nơi triều đình đày các tù phạm bị tội
lưu đến khai khẩn, làm ruộng. Cho đến cả trăm năm sau đó, dân cư vùng này vẫn
còn khá thưa thớt. Rải rác vài thôn làng người Việt ở Hòa Tân, Lập Định, Thủy
Triều, Ba Ngòi, Cam Linh, Bình Ba… Ở vùng Ba Ngòi, Đá Bạc trở vào, cư dân chủ
yếu là đồng bào dân tộc Raglai vốn là dân bản địa lâu đời, sinh sống chủ yếu
dựa vào nương rẫy. Ở Cồn Sung (bán đảo Cam Ranh) và Bãi Lao (bán đảo Mũi Hời)
có độ vài nhóm người Đàng Hạ. Cả một vùng đất rộng lớn phía nam huyện Vĩnh
Xương thời đó mà Đại Nam nhất thống chí chỉ ghi nhận có một ngôi chợ
nhỏ là chợ Thủy Triều, ở thôn Thủy Triều ven biển.
Mãi đến đầu thế kỷ XX, năm 1901 một người Pháp là
hầu tước De Barthelemy đến lập nghiệp ở Cam Ranh. Nhìn thấy triển vọng rực rỡ
của vùng vịnh này, ông ta xin cấp nhượng mấy ngàn héc-ta đất để khai khẩn, lập
nhà cửa, mở ruộng muối, khuếch trương nghề cá, lại in hình ảnh, bản đồ cửa biển
Cam Ranh để quảng cáo ra nước ngoài. Tuy nhiên ý định mở mang Cam Ranh của
ông đã thất bại vì không được chính quyền thuộc địa và giới tư bản mẫu quốc ủng
hộ.
Tuy vậy, vùng đất Cam Ranh cũng đã có những bước
phát triển nhất định để trở thành một đơn vị hành chính độc lập. Dưới thời
Duy Tân (1907-1916), chính quyền thực dân cắt một phần đất huyện Vĩnh Xương lập
thành tổng Cam Ranh.
Ngày 8/ 6/ 1939 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị Định
lập Nha Đại lý hành chính Ba Ngòi trực thuộc tỉnh Khánh Hoà.
Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, vùng đất này
trải qua nhiều lần tách, nhập, đổi tên. Tháng 7/1951 huyện Cam Lâm gọi là Nha
kiêm ký Bang tá Cam Lâm, trực thuộc Tòa Tỉnh trưởng Khánh Hòa. Đến tháng
12/1954 Nha Bang tá Cam Lâm đổi là Nha Đại diện hành chánh Cam Lâm.
Ngày 17/5/1958 Nghị định số 216-BNV/NĐ giải thể
Nha Đại diện hành chánh Suối Dầu, sáp nhập vào địa hạt Cam Lâm lập thành một
quận mới gọi là quận Cam Lâm, gồm cả vùng bán đảo Cam Ranh và vịnh Cam
Ranh.
Ngày 6/ 4/ 1960 sắc lệnh số 84-BNV tách các xã
Cam Thọ, Cam Ly, 2 thôn Ma Dú và Sông Cạn (xã Cam Lục), thôn Trại Láng (xã
Cam Lương) và một phần đất thôn Hòa Diêm (xã Cam Lộc) thuộc quận Cam Lâm, tỉnh
Khánh Hòa sáp nhập vào quận Du Long thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Tháng 10/ 1965, theo sắc lệnh số 209-NV, lấy 8 xã
của quận Cam Lâm là Suối Vĩnh, Suối Hòa, Suối Hải, Cam Phúc, Cam Ranh, Cam
Bình, Cam Linh, Cam Lộc, thêm núi Hòn Rồng thuộc ấp Văn Thủy Hạ (xã Cam Phú)
giáp đường xe lửa xuyên Việt, cùng các phần đất đã sáp nhập vào quận Du Long
(tỉnh Ninh Thuận) trước đó là các thôn Hoà Diêm, Trại Láng, Ma Dú, Sông Cạn,
Mỹ Thạnh thành lập thị xã Cam Ranh. Quận lỵ Cam Lâm dời tới Suối Dầu.
Nghị định số 620 BNV/NC/NĐ ngày 6-7-1966 đổi các xã thuộc
thị xã Cam Ranh thành khu phố.
Sắc lệnh số 17-SL/NV ngày 20-2-1968 lấy thêm xã
Cam Sơn và một phần xã Cam Phú, Cam Thượng của quận Cam Lâm sáp nhập vào thị
xã Cam Ranh.
Đến Nghị định số 1048-NĐ/NV ngày 7-11-1970, thị
xã Cam Ranh chia thành 2 quận là quận Bắc và quận Nam. Quận Bắc gồm
các khu phố: Suối Hoà, Suối Vĩnh, Suối Hải, Suối Cam; quận Nam gồm các khu phố:
Cam Phúc, Cam Bình, Cam Ranh, Cam Phú, Cam Lộc, Cam Sơn, Cam Thịnh.
Dưới chính quyền cách mạng, địa giới hành chính
huyện Cam Ranh cũng nhiều lần thay đổi. Tháng 6/ 1946 ở đồng bằng Ninh Thuận
thành lập 6 khu hành chính, trong đó khu 6 là Ba Ngòi (Cam Ranh). Tháng 2/
1947 đổi khu 6 thành vùng 6. Tháng 8/ 1948 vùng 6 được bàn giao cho tỉnh
Khánh Hòa. Cuối năm 1949, nhập tổng Hòa Tân vào huyện Ba Ngòi. Đầu năm 1951
tách huyện Ba Ngòi thành hai khu: khu đặc biệt Cam Ranh và huyện miền núi
Khánh Sơn.
Ngày 29-10-1975, theo Quyết định của Chính phủ nước
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được hợp nhất thành
một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Phú Khánh, Cam Ranh là một huyện của tỉnh.
Quyết định số 49-CP ngày 10-3-1977 nhập 2 đơn vị
hành chính Cam Ranh và Khánh Sơn thành một huyện mới lấy tên là huyện Cam
Ranh. Đến quyết định số 268-CP ngày 23-10-1978 thành lập thị trấn Ba Ngòi.
Quyết định số 100-HĐBT ngày 30-9-1981 chia xã Cam
Thành thành 2 xã Cam Thành Bắc và Cam Thành Nam; chia xã Cam Phúc thành 2 xã
Cam Phúc Bắc và Cam Phúc Nam.
Đến Quyết định số 189-HĐBT ngày 27-6-1985 huyện
Cam Ranh lại tách thành 2 huyện: huyện Cam Ranh và huyện miền núi Khánh Sơn. Huyện
Cam Ranh gồm thị trấn Ba Ngòi và 16 xã có tên bắt đầu bằng chữ
Cam.
Ngày 1-7-1989, Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội
khóa 8 nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định chia tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh mới
là tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa. Huyện Cam ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 07-7-2000, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị Định
số 21/2000/NĐ-CP thành lập thị xã Cam Ranh và các phường thuộc thị
xã.
Địa giới hành chính thị xã Cam Ranh hiện nay:
phía bắc giáp huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang, phía tây giáp huyện miền
núi Khánh Sơn, phía nam giáp huyện Ninh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận, phía đông
giáp biển Đông và huyện đảo Trường Sa. Diện tích tự nhiên: 690 km2, dân số:
209.000 người (năm 2002), gồm 9 phường và 18 xã. 9 phường nội thị là: Ba
Ngòi, Cam Lộc, Cam Lợi, Cam Linh, Cam Thuận, Cam Phú, Cam Phúc Nam, Cam Phúc
Bắc, Cam Nghĩa. 18 xã ngoại thị là: Cam Tân, Sơn Tân, Cam Hòa, Cam Hải Đông,
Cam Hải Tây, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Thành Bắc,
Cam Thành Nam, Cam Phước Đông, Cam Phước Tây, Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây,
Cam Đức, Cam Bình, Cam Lập.
CAM RANH - NHỮNG SỰ KIỆN LỊCH SỬ
Cam Ranh gồm có hai phần: phần đất liền và phần
bán đảo. Bên ngoài bán đảo Cam Ranh là vịnh Cam Ranh sâu, rộng, từ
xa xưa đã nổi tiếng là nơi trú đậu an toàn, tránh gió bão cho các loại tàu
bè, một trong số rất ít cảng biển tự nhiên tốt nhất thế giới, đồng thời cũng
có vị trí rất quan trọng về mặt quân sự. Nhiều nhà chiến lược phương Tây đã
đánh giá Cam Ranh là một “pháo đài tự nhiên lý tưởng”, “một đồn phòng vệ của
Thái Bình Dương”...
Vì vậy, ngay sau khi đánh chiếm Khánh Hòa (1886),
thực dân Pháp đã chiếm đóng Cam Ranh và biến vùng đất này thành một đồn binh,
một căn cứ hải quân cho các lực lượng của họ ở Đông Dương.
Đầu thế kỷ XX, vịnh Cam Ranh nổi tiếng do sự kiện
hạm đội Baltic, tức hạm đội Thái Bình Dương II của Nga hoàng, gồm 45 chiến hạm
và nhiều tàu tiếp viện dưới quyền chỉ huy của đề đốc Rozhestvensky, đã ghé
vào tạm trú trước trận hải chiến ở eo biển Đối Mã (Tsushima) trong cuộc chiến
tranh Nga - Nhật. Trong thời gian hạm đội lưu lại Cam Ranh (tháng 4-1905), ba
nhà chí sĩ yêu nước đất Quảng Nam là Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh
Thúc Kháng, trên đường “Nam du” đi qua Khánh Hòa, đã ghé vào vịnh Cam Ranh
xem tàu chiến. Cuộc tham quan tận mắt hạm đội khổng lồ của người Nga - một cường
quốc Châu Âu thời đó - có thể đã gây những suy tư trong chí hướng cứu nước của
các cụ.
Trước cuộc đại chiến thế giới thứ nhất, năm 1911,
Pháp quyết định xây dựng Cam Ranh thành một quân cảng để củng cố sự hiện diện
của họ ở Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng Cam Ranh thành
một quân cảng chưa có gì đáng kể.
Cho đến giữa năm 1939, thực dân Pháp mới thực sự
xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ hải quân lớn trong kế hoạch “phòng thủ
chung” ở Đông Dương hòng đối phó trong cuộc đại chiến thứ hai sắp xảy ra.
Nhưng từ tháng 7-1940, Nhật đã ép Pháp để Nhật
cùng “phòng thủ Đông Dương” và ngày 15-9-1940, Nhật gửi tối hậu thư đòi kiểm
soát các căn cứ hải quân, trong đó có cảng và vịnh Cam Ranh. Trên thực tế, đến
năm 1942, phát xít Nhật đã độc chiếm cảng và vùng vịnh đồng thời xây dựng
thêm sân bay làm bàn đạp để tiến đánh các thuộc địa của Anh, Mỹ ở Thái Bình
Dương cho đến năm 1945.
Năm 1946 thực dân Pháp lại tiếp tục gây chiến
tranh xâm lược đất nước ta. Cao ủy Pháp lúc đó là D’Argenlieu, với cái nhìn
chiến lược của một đô đốc hải quân, sau khi chiếm được Sài Gòn đã nhanh chóng
cho quân ra chiếm Cam Ranh.
Ngày 18/10/1946, trên chiếc thiết giáp hạm
Suffren neo ngoài khơi vịnh Cam Ranh, đã diễn ra cuộc hội kiến giữa Chủ tịch
Hồ Chí Minh (đang trên đường từ Pháp trở về nước sau khi dự cuộc đàm phán
Fontainbleu) và Cao ủy Pháp D’Argenlieu, trở thành một cột mốc lịch sử trên
con đường thương thuyết hòa bình của Hồ Chủ tịch nhằm gìn giữ nền độc lập thống
nhất Tổ quốc. Về sự kiện lịch sử này, báo chí đương thời đã đưa
tin bằng những đầu đề lớn, như báo Le Monde (Thế giới) của Pháp số ra ngày
21/10/ 946 đăng bài có nhan đề “Sur l’entre vue de Cam Ranh” (Cuộc gặp gỡ Cam
Ranh).
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Cam
Ranh là một trong những vị trí bị quân đội Hoa Kỳ xâm chiếm đầu tiên. Từ năm
1965 đến 1972, Mỹ đã xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự được
bảo vệ “bất khả xâm phạm” để làm căn cứ tiếp liệu và khí tài quân sự cho chiến
tranh, đồng thời khống chế hành lang phía tây Thái Bình Dương. Ngày
10-6-1965, Lữ đoàn 106 gồm 4.000 công binh Mỹ đến Cam Ranh xây dựng căn cứ
quân sự. Tháng 8-1965, 4.000 lính Mỹ thuộc Lữ đoàn 1 Sư đoàn dù 101 đến Cam
Ranh. Tháng 10-1965, Trung đoàn 30 Sư đoàn Bạch Mã Nam Triều Tiên đến Cam
Ranh. Từ đó, quân Mỹ và chư hầu liên tiếp đổ quân vào Cam Ranh, năm cao nhất
(1968) có tới 2 vạn quân Mỹ và 1 vạn quân của các nước chư hầu. Cam Ranh thật
sự trở thành một căn cứ quân sự liên hợp hải, lục, không quân và khu hậu cần
lớn cho cả chiến trường Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tại đây chúng đã xây dựng
sân bay cấp 1 có thể sử dụng cho các loại máy bay hiện đại và hệ thống đường
sá với tổng chiều dài 260km. Vào lúc cao điểm, sân bay quân sự Cam Ranh có tần
suất hạ cánh và cất cánh cao nhất thế giới. Tháng 3-1967, Ngụy quyền Sài Gòn
đã ký hiệp định bán đứng cho Mỹ vùng bán đảo và vịnh Cam Ranh trong 99 năm và
Mỹ đã biến Cam Ranh thành căn cứ hải quân lớn nhất Đông Nam Á.
Tháng 12-1968, Tiểu đoàn Đặc công 407 của Liên
khu V đã được điều động về Cam Ranh, chuyên trách đánh căn cứ này. Mở đầu là
trận đánh đêm ngày 6 rạng ngày 7-8-1969 tại Lỗ Đất, ta đã tiêu diệt 550 tên,
hầu hết là sĩ quan và giặc lái Mỹ, phá hủy 9 kho chứa 350 tấn hàng quân sự, 2
kho xăng 1 triệu lít, 5 xe quân sự và 25 căn trại. Ngày 18-7-1971, ta tấn
công kho xăng Quảng Cơ, đốt cháy 45 triệu lít xăng, diệt 30 tên Mỹ. Ngày
21-9-1971, tấn công kho bom Núi Ké, diệt 55 tên Mỹ, phá hủy 32 kho đạn gồm 55
vạn tấn, trong đó có 1 kho bom loại 7 tấn, 1 hầm tên lửa, 12 xe quân sự, 55
dàn tên lửa bảo vệ căn cứ. Đêm 8-4-1972, tập kích kho Suối Mốc, phá hủy hơn
35.000 tấn bom đạn, diệt 300 quân Mỹ. Đêm 11-6-1972, đánh kho xăng Ô Vũ, thiêu
hủy 20 triệu lít xăng. Đêm 5-8-1972, diệt 200 quân ngụy, phá hủy 14 căn trại
lính… Trong chiến dịch mùa xuân 1975, ngày 3-4-1975, Sư đoàn 10 tiến vào giải
phóng Cam Ranh và tổ chức tiếp quản toàn bộ khu vực Cảng. Cam Ranh trở thành
một bàn đạp chiến lược, căn cứ hậu cần của ta phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí
Minh lịch sử.
Ngày 2-4-1975, quân dân ta giải phóng thành phố
Nha Trang, ngày 3-4-1975 giải phóng cảng Cam Ranh và ngày 29-4-1975 giải
phóng quần đảo Trường Sa.
Sau năm 1975, Cam Ranh được tổ chức lại là đơn vị
hành chính cấp huyện, đến năm 2000 thị xã Cam Ranh được thành lập
trên cơ sở thị trấn Ba Ngòi.
Năm 1978, Liên Xô thuê lại căn cứ Cam Ranh trong
vòng 25 năm (đến 2004) nhưng đã kết thúc hợp đồng trước 2 năm. Ngày 2-5-2002,
theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Cảng Cam Ranh đã được bàn
giao lại cho ta.
Cam Ranh như một bán đảo giàu tiềm năng đã ngủ
vùi khá lâu, từ sau thời điểm trở thành thị xã đã mở cửa để phát triển kinh tế,
đặc biệt là du lịch. Việc sử dụng sân bay Cam Ranh vào khai thác thương mại
(5-2004) cùng với việc nâng cấp hệ thống cảng biển, hệ thống giao thông đường
bộ (Đại lộ Nguyễn Tất Thành nối từ sân bay Cam Ranh đến TP. Nha Trang chỉ 30
km), sẽ là cầu nối giao thông quốc tế thuận lợi, góp phần tạo ưu thế trong việc
cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Xây dựng khu
vực Bắc bán đảo Cam Ranh (Bãi Dài) thành trung tâm du lịch dịch vụ, xây dựng
vịnh Cam Ranh thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành: thương mại, công nghiệp,
du lịch vv… Những chính sách mới được ban hành cho phép chúng ta tin vào một
tương lai phát triển tốt đẹp của Cam Ranh.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét