Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Công luận báo với nhà thơ Phạm Huy Thông và Dạ lan hương Thi xã

Công luận báo với nhà thơ 
Phạm Huy Thông 
và Dạ lan hương Thi xã
Năm nay nhà thơ Huy Thông, họ tên đầy đủ là Phạm Huy Thông (22/11/1916-21/6/1988) và cả tờ Công luận báo (29/8/1916-10/1939) đều tròn 100 tuổi (1916-2016). Công luận báo đặt tại Sài Gòn, tồn tại suốt 23 năm, ra được tới 9021 số. Nói riêng trên lĩnh vực văn học, Công luận báo cho in đủ kiểu sáng tác với các thể loại thơ, cả ngàn truyện ngắn, vài chục bộ tiểu thuyết và nhiều trang phê bình, dịch thuật; trong đó đặc biệt tập trung trao đổi, giới thiệu về thơ Huy Thông và Thi xã Dạ lan hương...
Thi sĩ Huy Thông được Công luận báo quan tâm bởi ông sớm có vị thế, sáng tác chủ yếu vào giai đoạn đầu phong trào thơ mới, in nhiều thơ trên các báo Phong hóa, Ngày nay, Đông Dương tạp chí, Tân thiếu niên, Hà Nội báo,… đồng thời đã in các tập Yêu đương (1934), Anh Nga (1934), Tiếng địch sông Ô (1935) và Tần Ngọc (1936)… Khởi đầu, bình giả Vân Hạc (Lê Văn Hòe) trong mục bài Thi thoại lại nghi ngại, cho rằng sự nổi danh của thi tài Huy Thông không chỉ nhờ cậy ở tài năng mà còn được lãi kép bởi sự xuất hiện đúng thời điểm và phương tiện truyền thông: “Tôi rất lấy làm lạ về sự nổi danh của con nhà làm văn, làm thơ, nếu tôi là một người tin ở thuyết số mạng thì tôi đã nói: sự nổi danh của nhà làm văn, làm thơ quá nửa thuộc về thời vận… Huy Thông cũng vậy, cũng nhờ tờ báo vui cười đó mà nổi danh hơn là nhờ ở tập thơ Yêu đương hay tập Tiếng địch sông Ô. Thật thế, cuốn Yêu đương hay Tiếng địch sông Ô chưa đủ lập cho Huy Thông cái thanh danh thi sĩ” (số 7260, ra ngày 24-10-1936, tr.5)… Tiếp theo có các bài Phê bình Tần Ngọc - Thơ mới của Huy Thông của Ngô Văn Đức (số 7339, ngày 30-1-1937, tr.5); Chớ viết thế! Huy Thông của Lê Văn Hòe (số 7531, ra ngày 9-10-1937, tr.5); Dưới tia lửa mắt: Nói hay đừng? của Linh Nhãn lên tiếng phê phán có người đạo thơ Huy Thông(số 7615, ra ngày 22-1-1938, tr.6); Những vần thơ hay dở của Vân Hạc tập trung bình điểm, phân tích bài thơ Tiếng sóng trong tập Yêu đương (số 7650, ra ngày 12-3-1938, tr.5)… Nhìn chung, cả năm bài viết trên đều có cả khen và chê, khẳng định và góp ý, lý giải và đúc kết, vừa nhiệt tình ngợi ca chân tài “những bài thơ tuyệt tác đầy giọng hùng tráng” và phong cách, giọng điệu “biệt lập” riêng có ở Huy Thông vừa chỉ ra những hạn chế, thậm chí bất bình với việc diễn đạt chéo ngoe, bản in quá nhiều lỗi chính tả…
Cho đến giữa mùa xuân năm 1938, vừa khi Huy Thông cùng hai bạn thơ Thái Can (1910-1998) và Lưu Trọng Lư (1912-1991) lập nên Thi xã Dạ lan hương ở Hà Nội thì ký giả Linh Nhãn (Lê Văn Hòe), người có đôi mắt xanh, đã trân trọng giới thiệu về thi xã - nhóm thơ - phái thơ - trường thơ này trong bài viết Một cơ quan mới lạ trong thi giới: Dạ lan hương (số 7644, ra ngày 5/3/1938, tr.5) như sau:
“Là tên một Thi xã mới thành lập ở Bắc Hà, do những nhà thi sĩ đã nổi tiếng gây dựng nên như: Huy Thông, tác giả của nhiều tập thơ có giá trị: Yêu đương, Tiếng địch Sông Ô, Anh Nga và Tần Ngọc. Thái Can, tác giả Những nét đan thanh và Lưu Trọng Lư, một nhà thơ văn mà chúng tôi không cần giới thiệu với độc giả đã thưởng thức văn tài của Lưu Trọng Lư từ lâu rồi, người đã sản xuất được nhiều quyển sách có giá trị, trước hết là Người sơn nhân, Khói lam chiều, và gần đây, Huyền không động, Con đười ươi...
Mục đích của Thi xã có cái tên “nên thơ” ấy - theo như lời của các người chủ trương, nó đã tuyên bố ở trong một bài mà chúng tôi trích đăng dưới đây - có rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp mà các nhà văn, nhà báo, những ai có thật tâm lo nghĩ đến nền thi ca, tiền đồ văn học nước nhà, muốn cho nghệ thuật được nâng lên cao, đều cần phải sốt sắng tưởng lệ và khuyến khích.
Chúng tôi rất hoan nghinh những người trong nhóm Dạ lan hương vì đã nảy ra cái sáng kiến mới lạ ấy, hơn nữa chúng tôi cũng muốn có một ý nghĩ như nhà đại thi hào Pháp Victor Hugo là: Mặc dầu việc nước thiệt là trầm trọng… (Quoique le moment politique est grave…) (nhưng cứ thật trạng mà xét thì đã làm gì quá như cách đây một thế kỷ, trong tháng Novembre 1831, giữa lúc kinh thành Paris đang sôi nổi về cuộc cách mạng (1830) mà Victor Hugo vẫn cứ điềm nhiên cho xuất bản tập thơ Les feuilles d’Automne).
Thi sĩ cũng đã nhận thấy như mọi người là: còn gì trái cựa bằng, đang giữa lúc như thế, mà bảo người ta vịnh phú, ngâm thơ? Thi sĩ vẫn bảo rằng: Chẳng phải đó là một cái cớ để ra không thể không có, trong một xó tối nào, một nhà thi sĩ (Ce n’est pas un héra son pour que nous n’ayons pas dans quelque coin obscure un poète). Ở đây chúng tôi muốn nói nhiều thi sĩ hờ (plusieurs poèsies) vì ở nước ta, số thi sĩ thật có chân tài vẫn còn hiếm hoi lắm.
Đây chúng tôi xin nhường lời cho ba nhà thơ vừa kể ở trên.
Lời lẽ ấy là sự giãi bày đủ cả một chương trình hành động của Dạ lan hương Thi xã. (Coi qua mục Mấy vần thơ - những sáng tác đầu tiên của Thi xã ấy)”…
Tiếp ngay sau đó là lời tuyên bố, tuyên ngôn, phi lộ nhấn mạnh tôn chỉ, mục đích của Thi xã ký tên chung ba người Phạm Huy Thông - Thái Can - Lưu Trọng Lư:
“Lòng người còn rung động, khi sao lấp lánh trong đêm thanh hay cành rủ ngọn bên đường, thì lời thơ còn réo rắt dưới ngòi bút thi sĩ.
Thơ không bao giờ tận, mặc dầu hiện đương trải qua một thời kỳ khủng hoảng đáng sợ. Trước cảnh tượng ấy, chúng tôi quên hết mọi sự thiếu thốn của mình, lập ra thi xã này, theo đuổi một mục đích có lẽ cao quá tài sức.
Thi xã - cái “khoái trá” của một thời đại đã qua - đã lâu lắm mới lại xuất hiện ở xứ này. Hơi muộn nhưng muộn chừng nào thì trách nhiệm nặng nề chừng ấy. Và thi sĩ ngày nay phải thay hình đổi dạng để ứng phó với những nhu cầu của thời mới.
Thi xã sẽ gây một chút mới lạ trong thi văn và nâng thi văn lên một khoảng trời cao rộng, thanh khiết hơn: nó sẽ thổi vào rừng thơ một khí lực mới.
Thi xã sẽ khai thác những cảm mới. Nó sẽ đưa thi văn đến những núi sông xa lạ, một thế giới có bóng trăng mềm mại hơn, có những bông hoa nồng nàn hơn, có những tiếng chim mà nhạc điệu đằm thắm hơn, và ở đây tâm hồn ta rung trong một bầu không khí cảm động như khi trái đất đang tắm gội trong thanh hương của những hoa cỏ mới đâm chồi…
Thi xã sẽ tìm tòi những thi tài mới. Vì có những thi tài thiếu sự săn sóc đành phải mai ẩn trong lặng lẽ. Và đó là một thứ hận mà nghìn năm sau không còn chuộc gỡ được nữa. Nếu làm thơ là một việc sáng tạo thì lập thi xã là một việc sáng tạo khác. Ở kia, người ta sáng tạo ra thơ; ở đây, người ta sáng tạo ra thi sĩ.
Thi xã sẽ tạo giữa sự rộn ràng của xã hội một vùng không khí cao nhã, trong sạch. Người làm thơ sẽ được hưởng sự đầm ấm như ở bên một lò sưởi thân mật, dưới mái gia đình. Trong lúc ấy, những cám dỗ tầm thường chỉ mất công gào thét bên ngoài cửa.
Nhưng chúng tôi cần phải nói rõ ràng, chúng tôi rất xa cái ý muốn chủ trương một văn phái. Chúng tôi chỉ là những người gần nhau bởi một sự mê say chung, sự mê say nghệ thuật. Những thi sĩ vì sự phát triển của tài nghệ riêng, có lẻ những quan niệm riêng. Nhưng có một điều này sẽ hòa giải các thi sĩ, ấy là sự tôn thờ vẻ đẹp.
Trong một gian nhà nhỏ, vài người đã hợp cùng nhau bình luận về văn thơ và đọc những tác phẩm của mình vừa làm ra (cũng như những sa-lông văn học của nước Pháp trước kia vậy - Linh Nhãn chú), còn mới mẻ, còn sáng láng như một buổi mai.
Nhưng chỉ có thế thôi thì có lẽ chúng tôi đã giam cầm thanh khí, giam cầm hạnh phúc. Cho nên chúng tôi phải có một cơ quan để thu lại trong gang tấc những cảm tình muôn dặm. Cho nên chúng tôi phải đưa ra ánh sáng những bài thơ đã đọc cho nhau nghe trong những đêm tịch mịch, vào giờ dưới trăng dạ lan hương nở”…
Phân tiếp nối sau dưới đề mục Mấy vần thơ (Những sáng tác đầu tiên của Dạ lan hương Thi xã) là minh chứng bằng ba bài thơ của ba tác giả theo thứ tự: Gởi người yêu - Đêm lặng - Một chút lửa…
Có thể nói tính danh của Thi xã Dạ lan hương mới chỉ thấy giới thiệu trên Công luận báo và hầu như chưa được nhắc lại trong các bộ lịch sử văn học và thi ca đầu thế kỷ XX… Hy vọng học giới sớm có kế hoạch đầu tư vào việc sưu tầm tư liệu, hệ thống hóa văn bản và đi sâu nghiên cứu phần văn chương trên Công luận báo - những đóng góp quan trọng vào tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
MẤY VẦN THƠ
Những sáng tác đầu tiên của Dạ Lan Hương Thi xã  
Phạm Huy Thông
GỞI NGƯỜI YÊU
Tặng Mỹ
Khi anh dám mong chờ ngày êm ái,
Sẽ nâng niu thân óng vẻ yêu kiều.
Như mọi gã si tình, anh toan hái,
Hồng ngát hương kết bó tặng người yêu.
Nhưng anh muốn những bông hồng anh tặng,
Còn lưu hương đắm đuối lúc xuân tàn.
Anh muốn bó hoa bền, bền đủ thắng,
Sức cánh tay tàn nhẫn của Thời gian.                      
Nên anh tới nơi xuân không buổi cỗi,
Tới vườn Tim đóa thắm lộng đài tươi.
Vườn hoang dại nức hương hồng từ tối,
Cầm tay anh em lặng hé môi cười…
Và anh ngắt những bông hồng trĩu nhị,
Từ xa xôi âu yếm gởi dần em.
Cho hoa tẩm hương say phòng ủy mị,
Nơi em mê anh đến gọi bên rèm.
Anh chắc em không bao giờ rời ngực,
Hồng du dương cánh tết bằng lời thơ.
Hồng du dương hái riêng cho bạn ngọc,
Ngàn đời sau chẳng cạn ánh hương mơ.
Thái Can
ĐÊM LẶNG
Thời khắc thầm tan dưới gối êm,
Bóng trăng sang dịu ngủ bên thềm.
Cành hoa sẽ hé trên cành lặng,
Một nụ cười im với bóng đêm.                            *
Ta đứng xem sao giữa bến trời,
Và tìm lặng lẽ dưới hoa rơi.
Bỗng nhiên trong ánh trăng im lặng,
Thấy bóng Hằng Nga ở tuyệt vời.
Mơ mộng tan dần với bóng xa,
Ta nhìn gió nhẹ cuốn cành hoa.
Âm thầm bên liễu trăng hôn lá,
Một cái hôn xanh dưới bóng mờ.
Và trên xanh thẫm mấy vần thơ,
Giữa khoảng không gian chẳng bến bờ.
Theo dõi hồn ta về dưới gối,
Đượm màu xanh thắm của đêm mơ.
Lưu Trọng Lư
MỘT CHÚT LỬA
Đêm đà buông lạnh
Chợ chiều đà hiu quạnh
Bên bụi lau cao
Cô em đã nhổ sào.
Ta vì cô, dừng cương ngựa:
Đừng hát nữa, cô lái ơi!
Cô hãy cho ta một chút lửa,
Đừng hát nữa, cô lái ơi!
Cô hãy cho ta một chút lửa,
Lòng ta giá lạnh đã bao lần.
Cô hãy cho ta một chút xuân,
Cho đượm những là qua úa vựa.
Hà Nội, tháng 12-2016
Nguyễn Hữu Sơn
Nguồn Công luận (Sài Gòn), 
số 7644, ra ngày 5-3-1938, tr.5.
 Theo http://vanhocquenha.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...