Thơ Đinh Thị Thu Vân thể hiện một nét cá tính đặc sắc, nhiều
bài thơ của chị, nhất là thơ tình được rất nhiều người yêu thích, tìm hiểu và
thuộc lòng. Vì họ tìm thấy ở đó sự đồng cảm, chân thực, giàu tính triết lý và
giàu giá trị nhân văn.
Không ai đợi tôi về sau cánh cửa
không nồng nàn không ấm áp bao dung
tôi như sống nửa đời đêm giấu lửa
một nửa dường đang khuất phía mông lung.
(Một nửa dường đang khuất)
Đọc thơ Đinh Thị Thu Vân người đọc thấy hầu như bài nào cũng
buồn, cũng trĩu nặng những tâm tư và nỗi niềm đau đáu của kiếp người, phận người;
của tình yêu và sự sống trong cõi nhân sinh rộng lớn này. Đọc qua các tập
thơ của chị, tôi nhận ra rằng: “Đinh Thị Thu Vân - Người ca thơ bằng giọng trầm
buồn và đắng chát”.
Có đôi lúc, nhà thơ cũng có những câu thơ hé mở nụ cười nhưng liền sau
đó cũng là nỗi buồn cô độc, buồn vì những sự thật trớ trêu cứ ập đến quanh
mình. Ngay trong khoảnh khắc hạnh phúc đã có mầm phôi pha, ly biệt. Cứ tưởng chừng
nhà thơ không vượt qua nổi, vì trái tim của một người phụ nữ chân yếu tay mềm
như chị bị tổn thương quá nhiều rồi.
Tôi chẳng muốn trôi đâu, phía sông xa mờ mịt quá
làm sao mà quay lại một ngày đau
đừng đẩy đưa thêm - nhỡ rồi bạc lòng nhau
nhỡ phai mất mong manh, nhỡ nhạt nhòa sương khói
đừng đưa đẩy tôi về một phía nào lốc xoáy
đừng sóng tràn đừng gió ngã mưa nghiêng
tôi chẳng muốn trôi đâu - nhỡ mai thuyền lạc bến
muôn nẻo đời xa khuất dấu chân quen
Sau những đau thương, trầy xước Đinh Thị Thu Vân vẫn đủ can đảm và tỉnh
táo để nhận ra rằng:
may mắn cho em, anh đã chẳng phũ phàng hơn. Thêm chút nữa, chắc gì em
sống được. Thêm chút nữa, chắc là bao nước mắt, không dễ gì em giấu giữa tim
khô. Thêm chút nữa thôi, em sẽ phải căm thù. Ta chẳng thể nhìn nhau, dù giá lạnh.
ta vẫn phải nhìn nhau, như gỗ đá. Em đã biết trơ lì, ngạo nghễ, ngông
nghênh. Em đã biết vô tâm trên chính đắng cay mình. Biết tàn nhẫn khinh mình,
dù day dứt. Em đã mất em rồi, sau nước mắt. Sỏi đá nặng tâm hồn, em lạc lõng mà
đi…
Và tất cả, phải chăng là may mắn?
(may mắn)
Nhà thơ luôn lo âu, trăn trở, không phút bình yên. Chị có một
khát khao cháy bỏng được sống trong hạnh phúc đời thường, hướng đến sự tinh khiết,
thanh cao:
chẳng phải yêu đâu - là em đang cạn máu/ đang khát đến tận cùng,
đang cháy đến tàn hơi/ đâu phải là yêu - em đốt đời em lần cuối/ phó
thác tàn tro quanh quẩn dưới chân người (em không thể cam lòng trôi nổi).
Khi đọc thơ của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, Trần Mạnh Hảo nhận định:
“Với Đinh Thị Thu Vân, nỗi cô đơn là bông hoa nở trong bóng tối, là ngọn đèn thắp
bằng đôi mắt biếc cuối trời, là sự chờ đợi cái không đâu, là trái tim ở ẩn
trong ngôi nhà đam mê thao thức đốm sao xanh, là nhớ thương xõa ra muôn nghìn sợi
tóc đêm, là im lặng của bờ môi trước bão”:
…tôi vẫn đứng một mình trong bóng tối/ buồn vui ơi xa hút tận
phương nào/ không tất cả không cả lời gian dối/ không nụ cười hờ hững
cuối vành môi…
(trong góc tối)
Nhận định ấy của Trần Mạnh Hảo rất đúng với con người và thơ của Đinh
Thị Thu Vân. Đinh Thị Thu Vân sống với thơ đến tận cùng gan ruột: “Những
câu thơ em viết mất linh hồn”. Chị sống chân thành, lặng lẽ, hồn hậu, ít
nói. Dù cho chị cố giấu nỗi đau vào trong nhưng nhìn gương mặt chị, cách chị
trò chuyện người đọc cũng có thể thấy sự đau khổ, khắc khoải hiện lên.
Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân
Ảnh Văn nghệ TP.HCM
Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, Đinh Thị Thu Vân thừa nhận: “Thơ
tôi ngày xưa là kiêu hãnh tự tin, sau hơn hai mươi năm, là trơ lì đơn độc, ngày
xưa là sàng lọc hiến dâng, bây giờ là chôn vùi vô vọng, ngay chính tôi, tôi
cũng thấy ngỡ ngàng”.
Đinh Thị Thu Vân sống thành thật với chính mình. Buồn vui một cõi. Chị
ý thức sâu sắc rằng cuộc đời con người là hữu hạn nhưng tình yêu thương, sự sẻ
chia tình cảm, tình yêu là bất tận. Dù không may mắn trên con đường đến với bến
đỗ của hạnh phúc nhưng chị vẫn luôn sống hết mình, yêu hết mình với thơ - với
người - với đời bằng cả nhiệt huyết và trái tim yêu thương.
Câu thơ nào em viết cho anh/ xin vĩnh viễn đi vào kỷ niệm/ dẫu
mai này lòng không còn nguyên vẹn/ những câu thơ em viết mất linh hồn!. (ru…)
Thơ Đinh Thị Thu Vân trùng điệp các hệ từ chỉ sự buồn đau, cô đơn, đắng
chát: ngậm ngùi, cô đơn, dại khờ, rơi rụng, tàn tạ, tủi hờn, xót, dối, bèo
bọt, u buồn, nhớ, quên, xa cách… Đó là kết quả của những thất bại, đổ vỡ, cay đắng
và xót xa đến tận đáy sâu tâm hồn.
Em xót đời em rơi rụng nhớ nhung thừa
không dành dụm, không vẹn toàn hương lửa
đã hoang phí đã dại khờ đã lỡ
đã hanh hao tàn tạ suốt bao mùa!
(Muộn)
Bằng cảm quan nhạy bén của người nghệ sĩ, bằng trái tim nhân hậu yêu
thương, với lòng vị tha, sự cảm thông, chị có những triết lý cảm động về hạnh
phúc và khổ đau.
có kiếp sau không anh, câu hỏi quạnh lòng/ chỉ có kiếp này thôi,
kiếp này thôi, không thể khác/ không có kiếp nào cho chúng mình chung nhau
lo lắng/ không có kiếp nào chung gối chung chăn (gió bụi chông chênh).
em là mây đành mãi kiếp mây trời/ là nước mắt, em về bên nước mắt/ là
cát bụi dưới chân người, thôi đành cát bụi… để anh vui (em là sóng em trở về với
sóng)
sống để thêm cho mình gia tài đày ải/ sống để sững sờ lặng điếng trước
phân ly… (đợi)
Đinh Thị Thu Vân thường hay nhấn mạnh đến cái tôi của mình. Đó là cách
chị dùng lớp từ ngữ xưng hô trong thơ tình của mình: “em”, “tôi”. Sự xuất hiện
đều đặn, có khi dày đặc các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong thơ tình của
chị, đã thể hiện sự khát khao cháy bỏng trong tình yêu với một cái tôi cá tính
đặc biệt. Bao giờ, lúc nào, ở đâu và làm gì, nhà thơ cũng muốn khẳng định mình,
chị cũng cố vươn lên trên mọi hoàn cảnh sống. Song hành cùng với: “em”, “tôi”
thì “anh” bao giờ cũng là đối tượng được Đinh Thị Thu Vân nói đến nhiều nhất.
Chính “anh” đã mang đến những dư vị tình yêu ngọt ngào, và cũng chính “anh” đã
làm cho trái tim của “em”, “tôi” rỉ máu. Để rồi “em”, “tôi” phải dằn vặt, đơn
chiếc và nếm trải những vị đắng chát của cuộc đời.
em kết lại những lời yêu đẫm mắt/ thương và thương và nhung nhớ
nhớ nhung đầy/ câu thơ lẻ của hôm nào quên mất/ em kết cùng phơ phất
dáng mưa bay/ em kết ấm… chỉ mong đừng rét tái/ những chiều qua biền
biệt, héo hon buồn/ em kết sóng… chỉ mong dù xa ngái/ anh chẳng đành
lạc bước phía trùng dương/ trăm chiều gió, trăm chiều mây lịm mướt/ em
gom về kết lại phút tràn yêu/ và sông suối, và lá hoa và trăng biếc/ có
một lần em đã kết trao theo… (trăm chiều gió em gom về kết lại)
Vẫn biết rằng hạnh phúc là vô vọng nhưng nhà thơ Đinh Thị Thu Vân vẫn
luôn ấp ủ những tia hi vọng và rồi tự an ủi chính mình: cuối con đường đơn
chiếc, em tin/ anh sẽ đợi chờ em, sâu đáy mắt/ anh sẽ đợi chờ em, trái tim non
biết khóc/ xao xác lá vàng/ em nhặt/ giữ riêng em… (cuối con đường đơn chiếc).
Điều dễ nhận thấy ở thơ Đinh Thị Thu Vân đó là ngôn ngữ thơ bình dị,
không cầu kỳ, không trau chuốt nhưng nó có ma lực và hấp dẫn người đọc ở sự
chân thành, đánh động lòng trắc ẩn không biết bao nhiêu con tim. Vì người
ta đã tìm thấy trong thơ chị những xúc cảm, tâm trạng, hình ảnh của chính cuộc
đời họ, người thân họ, bạn bè của họ…
Ngôn ngữ thơ chị bình dị, dễ hiểu, dễ cảm. Điều đó không có nghĩa là
chị dễ dãi trong cách viết mà chị rất có “nghề” trong việc diễn đạt, chuyển tải.
Viết được như vậy tôi cho là rất khó. Phải am tường chữ nghĩa, có vốn sống, vốn
văn hóa và có tài năng mới làm được. Vì thế, những bài thơ như: Bài thơ lục
bát của anh…, Rồi sẽ có một ngày ta ngoái lại, Sau cánh cửa, Trong góc tối, Cuối
con đường đơn chiếc… đã được bạn đọc yêu mến. Càng về sau, thơ Đinh Thị Thu Vân
hướng vào khám phá thế giới nội tâm của chính mình.
Khảo sát trong các sáng tác của Đinh Thị Thu Vân, người đọc nhận thấy
ngôn ngữ thơ tự nhiên nhưng giàu ý tưởng, hình ảnh thơ độc đáo và mang tính biểu
tượng cao. Những biểu tượng: dòng sông, lá, cỏ, gió, đêm, chiều, mây,
sóng… được nhà thơ sử dụng rất thành công tạo nên hiệu quả nghệ thuật rõ
nét.
Yếu tố thời gian, không gian nghệ thuật trong thơ chị cũng được xây dựng
dựa trên cảm quan của nhà thơ về con người, cuộc đời và thế giới xung quanh.
Đó là thời gian của quá khứ - hiện tại - tương lai (ngày xa,
bây giờ, ngày mai, mai sau, kiếp sau…) luôn đồng hiện trong những trang thơ của
chị.
Ngày mai… ngày mai… ôi giá như ngày mai
tôi có thể chia cho ai một chút lòng tan vỡ
một chút ngậm ngùi một chút cô đơn…
(Tàn đông)
Đọc bài Phù du ơi phù du buồn đến nỗi... người đọc cảm thấy
nghẹn ngào. Cơn mưa tháng sáu bất chợt gợi cho nhân vật trữ tình nhiều thứ xót
xa:
tháng sáu mưa, tôi ngồi nghe gió nhắc/ vạn dặm đường mây... tơ
tóc xa mù/ vạn dặm đường thương... tình yêu tàn tạ khuất/ tàn tạ niềm
hi vọng giữa phù du
tàn tạ gió... tôi ngồi nghe đêm nhắc/ đã phù du hương sắc của hồn
tôi!/ phù du ơi phù du buồn đến nỗi/ tôi thà đau thà chết một lần
thôi!
tháng sáu khóc giùm tôi ngàn tuyệt vọng/ những lời mưa chan chứa
nỗi chôn vùi/ tôi ngồi đếm phù du, tôi ngồi nhớ/ tôi ngồi thương người...
như lần cuối thương tôi!
chưa qua hết những cung đường trôi nổi/ tháng sáu mưa tôi dừng lại,
để quay về/ tháng sáu mưa, tôi ngồi nghe cô quạnh nhắc/ thôi hãy quay
về... mình yêu lấy mình thôi...
Không gian trong thơ Đinh Thị Thu Vân cũng đa dạng: bên cạnh không
gian thế sự còn có không gian đời tư. Nhưng không gian đời tư hiện hữu rõ nét
hơn. Đó là sự trở đi trở lại với nỗi buồn, tự mình gặm nhấm, tự mình sẻ chia và
tự mình thấu hiểu. Nhà thơ thảng thốt trong tiếng gọi tái tê: ôi hạnh phúc
ở phía nào xa thẳm/ cuối con đường tìm kiếm có còn anh? (cuối con đường đơn chiếc).
Đọc thơ Đinh Thị Thu Vân, tôi nghiệm ra rằng: Thơ chị chính là tiếng
lòng tha thiết của một trái tim phụ nữ có một cuộc sống không mấy bình yên. Chị
luôn khao khát, hi vọng để rồi thất vọng. Thất vọng rồi lại khổ đau. Khổ
đau chỉ biết giữ cho riêng mình. Rồi tìm đến thơ, coi thơ là người bạn tri âm,
tri kỷ để gửi trọn tấm lòng, tình cảm của mình vào đấy. Với chị, thơ chính là
chỗ nương náu, mà chị có thể cảm thấy bình yên nhất sau những bão giông của cuộc
đời.
Xin được mượn lời của Nguyễn Đông A để kết thúc bài viết này: “Đinh Thị
Thu Vân và nỗi buồn tay trắng- Thơ của cô làm đau xé lòng phụ nữ, giẫm nát tan
trái tim cứng rắn của đàn ông…”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét