Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Ký ức hoa đào

Ký ức hoa đào 
Chỉ biết rằng, mỗi độ xuân về, ta bỗng da diết nhớ những điều tốt đẹp đã qua với một niềm yêu trong sáng, mơ ước những điều tốt lành sẽ tới . Bởi mùa xuân và tình yêu luôn khơi dậy trong ta bao điều thánh thiện, chắp cho đôi cánh ước mơ một năng lượng nhiệm mầu, tiếp cho ta nguồn năng lượng diệu kỳ bất tận, cho ta đủ năng lực vượt lên những trở lực trong cuộc đời, phấn đấu vì một ngày mai tốt đẹp hơn. 
 Mỗi độ xuân về, khi những nụ đào e ấp tỏa hương xuân, như thì thầm cùng ta bao điều về tình yêu, hạnh phúc, ta mở lòng đón một năm mới với bao điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước mà lòng không khỏi bồi hồi xao xuyến. Bao kỷ niệm ùa về với những hẹn hò cùng nhớ thương, đợi chờ, hy vọng cùng khổ đau, hạnh phúc, để rồi lại da diết nhớ một tứ thơ: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông của thi nhân Thôi Hộ!
Đã hàng ngàn năm trôi qua, biết bao lần mùa xuân nhớ lời hẹn hò trở lại, mà sao bài thơ không hề cũ:
Khứ niên, kim nhật, thử môn trung
Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

(Đề đô thành Nam trang)
Cổng này ngày ấy năm nao
Mặt người rạng rỡ hoa đào hồng tươi
Giờ đây nào thấy mặt người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

(Phỏng dịch; TVH) 
Cái khoảng khắc diệu kỳ chỉ có mùa xuân và tình yêu mới có thể tạo nên ấy sao mà đẹp đến thế. Mùa xuân là nhịp cầu vô hình cho đôi trai tài, gái sắc gặp nhau, để rồi tiếng tơ lòng đang thanh thoát bay bổng trước sự đổi thay diệu kỳ của vạn vật, bỗng ngân lên khúc thánh ca về tình yêu bất tử. Quá khứ và hiện tại đan xen, chắp cánh cho ước mơ cao đẹp về tình yêu cuộc sống. Phần cao đẹp hướng thiện của con người được mùa xuân và tình yêu khơi mạch nước nguồn cảm xúc, tưới nhuần từng chữ, từng câu, làm cho cái đề tài muôn thuở của tình yêu thoát khỏi vòng khuôn sáo, để rồi mỗi người thấy dường như được thi nhân nói hộ điều sâu kín của lòng mình, vẹn nguyên, thanh cao và trinh trắng. 
Thi nhân được hoa đào và mùa xuân dẫn đường chỉ lối cặp bến bờ hạnh phúc với người đẹp. Cái “khứ niên”, khoảng thời gian đã qua ấy để lại trong lòng thi nhân bao kỷ niệm với người trong mộng. Mô típ ấy ta thường gặp trong cảm xúc của thi nhân bao thời đại. Nhưng khi gặp từ “nhân diện” được lặp lại hai lần, mỗi lần một cung bậc, mỗi lần một tâm trạng, chứa chất bao ám ảnh, day dứt, đớn đau cùng hy vọng khôn cùng ta lại thấy rõ hơn cái riêng của Thôi Hộ, không lẫn với bất cứ nhà thơ nào. Nếu ở lần đầu thi nhân rung động trước khuôn mặt tươi sắc hoa đào như của nàng xuân, rồi cảm mến người con gái tái sắc vẹn toàn. Thời khắc giao hòa của lòng người và mùa xuân dục hạt mầm hy vọng trong lòng người nẩy nụ đơm hoa, thì ở lần “nhân diện” sau sao day dứt khắc khoải đến nhường vậy. Hoa đào còn đây, sắc vẫn hồng tươi vô tư đến nao lòng, nhịp sống vẫn khoan thai đặt những bước đi trong hành trình nhân thế, mà người xưa biền biệt nơi nào.
Con tim như ứa máu trong cảm xúc dâng trào tới tột cùng đau khổ, dẫu lòng người vẫn khắc sâu những kỷ niệm cùng hy vọng tràn trề.
Mỗi chúng ta có bắt gặp cái khoảng khắc và tâm trạng “khứ niên” ấy chăng, để hối tiếc, để nuôi một khát khao, để phải day dứt với tâm trạng khắc khoải khổ đau, đợi chờ, hy vọng trước thềm xuân mới? Ôi! Giữa cái tức cảnh sinh tình của thi nhân và bao điều lớn lao của cuộc sống phải chăng có một sự đồng cảm tuyệt vời, ẩn trong cái mệnh đề muôn thuở của cuộc sống là tình yêu với những cung bậc huyền ảo và bất tận trong bài thơ “Đề đô thành nam trang”?
Chỉ biết rằng, mỗi độ xuân về, ta bỗng da diết nhớ những điều tốt đẹp đã qua với một niềm yêu trong sáng, mơ ước những điều tốt lành sẽ tới. Bởi mùa xuân và tình yêu luôn khơi dậy trong ta bao điều thánh thiện, chắp cho đôi cánh ước mơ một năng lượng nhiệm mầu, tiếp cho ta nguồn năng lượng diệu kỳ bất tận, cho ta đủ năng lực vượt lên những trở lực trong cuộc đời, phấn đấu vì một ngày mai tốt đẹp hơn.
Trần Vân Hạc
Theo http://chieulang.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...