Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Khoảng trời thung lũng

Khoảng trời thung lũng
Những câu chuyện giữa chúng tôi ngày một kéo dài hơn. Anh có kiến thức về văn học và các loại hình nghệ thuật khá sâu rộng. Có lần anh nói cho tôi nghe những quan niệm thú vị của một nhà vật lý nước ngoài về văn học nghệ thuật, tôi ngồi ngẩn ra nghe. Anh nói từ tốn, dí dỏm, sâu sắc, và tôi có cảm giác anh hình dung rất rõ những điều anh đang nói... 
Sách làm cho khắp trái đất, khắp thế giới tràn ngập nỗi buồn nhớ cái tốt đẹp hơn  (M. Gorki) 
Những ai từng quen sống ở miền núi thường ít chú ý đến điều này: vào độ cuối thu, khi mà cây cối rùng mình chuẩn bị đón những đợt sương muối khốc liệt nhất sẽ đến, chính khi đó quang cảnh của xứ sở thung lũng có một vẻ đẹp u buồn đến lạ lùng. Con suối rộng mùa khô lặng lờ chảy qua những hòn đá gan gà. Núi dựng trường thành, uy nghi và mệt mỏi, trải qua mùa xuân náo nức, mùa hè nóng bỏng và những đợt gió Lào nghiệt ngã điên cuồng, giờ đây nó như muốn câm lặng và phó mặc cho mọi sự trôi qua. Chỉ riêng có khoảng trời thung lũng, đằng sau cái vẻ chung phủ lên cảnh vật, vẫn chứa đựng một cái gì đó khác hẳn - không rạo rực, không nồng nàn, không nhức nhối, không day dứt, nhưng lại là tất cả những cái đó trộn lẫn. Chiều buông, cái màu xanh của nước biển trong suốt đến tận đáy treo lơ lửng trên đầu ta như muốn thoát khỏi những giới hạn của núi - cái màu xanh không làm ta nhức mắt nhưng lại làm lòng ta xốn xang, bồi hồi. Càng tới gần cái ranh giới giữa chiều tàn và đêm tối, khoảng trời càng cao hơn, trong hơn, bí ẩn hơn, còn ta bỗng trở nên nghẹn ngào…
Mọi khi vào giờ này tôi thường đi lang thang ra một con suối rộng, ngắm nhìn thung lũng chìm trong ánh hoàng hôn. Nhưng hôm nay, tôi lại ngồi trong một ngôi nhà lạ, nhìn một thung lũng còn mới mẻ đối với tôi qua cửa sổ, thầm so sánh nó với cái thung lũng phố huyện cách đây hơn trăm cây số mà tôi mới chia tay. Rồi tôi lại miên man trong những hồi ức về một quãng đời vừa trôi qua – cái quãng đời kỳ lạ, ở đó một con người đã bước vào cuộc sống của tôi, và có thể nói, đã cứu vớt tôi...
Tôi cũng không nhớ rõ anh đã thu hút toàn bộ sự chú ý của tôi tự lúc nào. Đôi lúc, qua những hàng giá sách, trong khi đọc một tờ báo hay ghi những tờ “phích” mới, tôi đã nhìn trộm anh, thầm đoán anh đang chọn cuốn gì bên những giá sách lặng lẽ kia, những giá sách mà tôi đã sắp xếp cẩn thận và gần như thuộc trong lòng bàn tay. Anh là độc giả chính thức hầu như là duy nhất của cái thư viện nhỏ bé nằm trong cái thung lũng phố huyện miền Tây xa xôi ấy.
Tôi làm việc ở đó gần hai năm. Lúc đầu, bao nhiêu mơ ước đẹp đẽ của tôi khi ngồi trên ghế trường trung học chuyên nghiệp dường như bị rơi tõm vào một vũng lầy không sao thoát nổi. Người thủ thư trước đã bàn giao lại những giá sách còm nhom thảm hại: những cuốn sách quý bị mất tiệt, nhiều cuốn bị xé trang, rất nhiều loại ấn phẩm chưa được xử lý kỹ thuật, những hộp “phích” lèo tèo những tờ giấy ố vàng ghi tên những cuốn sách vĩnh viễn không còn nằm trên giá. Những chồng sách bó chặt còn gài biên lai mua sách vất chỏng trơ ở các góc không biết tự năm nào. Những đống báo chí đủ loại ngổn ngang trên các bàn đọc, gầm tủ, nóc giá sách… Một kho chứa sách hỗn độn đúng hơn là một thư viện! Tôi đứng lặng hồi lâu, ứa nước mắt vì thương thân tủi phận. Nhưng rồi một sức mạnh nào đó đã thôi thúc tôi. Tôi bắt tay vào thu dọn. Báo chí vào một đống. Sách mới chưa được xử lý kỹ thuật vào một đống. Quét qua bụi và mạng nhện. Phát hiện hai ổ chuột còn đỏ hỏn. Giết vài chục con dán. Họ sặc sụa. Rồi đến tối lại mang suất cơm tập thể của đời cán bộ đến ăn tại kho sách, vừa ăn vừa ngắm nghía mọi thứ. Sự buồn rầu và tủi phận lúc đầu qua đi.
Đây là “cơ nghiệp” của tôi, là lẽ tồn tại của tôi. Rồi đây sẽ là một thư viện huyện xứng đáng với tên gọi của nó, sẽ hữu ích với nhiều loại người. Những điều tôi học được trong trường cùng tâm huyết nghề nghiệp nuôi dưỡng bấy lâu nay sẽ được đem ra kiểm nghiệm, triển khai. Tôi sẽ liên hệ với các thư viện lớn ở trung ương. Tôi sẽ có những người bạn mới yêu sách, quý trọng công việc của tôi và yêu mến tôi… Viễn cảnh đó động viên tôi rất nhiều. Tôi viết hàng mấy chục thư đòi sách, đòi hai ba lần, những cuốn sách quý thậm chí đòi tới năm lần. Không chỉ viết thư, còn nhắn lời, bắn tin, đe dọa bằng luật pháp và kinh tế, vận động những người lãnh đạo của các cơ quan huyện, ủy ban, các trường học lên tiếng đòi giúp. Tôi còn đòi bằng được chi kinh phí để mua sách báo mới. Nhưng cả năm trời tôi chỉ được đáp lại bằng lời giải thích đơn giản: kinh phí mua sách mới tạm hoãn để dành vào những sự nghiệp khác cần hơn. Việc đòi một ngôi nhà rộng rãi làm phòng chứa sách và phòng đọc cũng được một kết quả tương tự. Sau đó, khi ông trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện báo rằng: bên huyện dành cho thư viện một cái nhà cạnh nơi họp chợ thì tôi giãy nảy lên. Tôi đành cố cải tạo cái nơi vốn dĩ chỉ là nơi chứa sách ấy thành một thư viện hẳn hoi. Thế rồi nhiều cuốn sách giá trị đã trở về. Sau một thời gian đấu tranh căng thẳng, tôi đã được chi một ít kinh phí mua sách báo mới. Rồi cũng phải một thời gian nữa đấu tranh với hiệu sách -  vừa tình vừa lý, lại nhờ công ty phát hành sách tỉnh can thiệp, tôi mới được hiệu sách dành cho đủ sách và đủ số lượng cần thiết. Cô bán sách đỏng đảnh, hay “tình cảm cá nhân” với các tay mua sách riêng cũng dần dần tỏ ra có thiện cảm với tôi. Bây giờ “cơ ngơi” của tôi đã sáng sủa khang trang hơn. Tôi cho thuê đóng thêm hàng loạt giá để sách, hòm đựng “phích”, bàn độc giả, tôi phải trực tiếp vẽ mẫu mới nhất (theo kiểu của thư viện Quốc gia) và chỉ đạo việc đóng đồ này. Tôi đã có những độc giả đầu tiên, đó là những cô cậu học sinh cấp I, cấp II, cấp III ở các trường thị trấn những giờ trống trong tiết học ùa vào đọc báo và họa báo, mượn đọc tranh truyện, truyện Kim Đồng hay truyện tình báo. Tôi yêu chúng lắm nếu như sau đó không phát hiện ra một cậu cấp ba lấy trộm một tờ báo Khoa học và Đời sống và một cậu cấp hai thì xé trộm những tờ họa báo đẹp. Cậu cấp ba lấy tờ báo vì có bài viết về sinh vật, hóa học phục vụ cho việc ôn tập kiểm tra cuối chương, cậu cấp hai lấy các tờ họa báo để bọc vở cho đẹp. Chúng khai một cách thật thà khi tôi tra hỏi. Nhưng tôi không giận chúng lâu vì dù sao có chúng thỉnh thoảng ồn ào kéo đến vẫn hơn là không có ai - tuy rằng trong số đó cũng có một vài cậu lớn tuổi còn tập dượt lối tán tỉnh rất là “anh chị” đối với tôi. Sau một thời gian dài đơn độc chấn chỉnh lại thư viện, tôi đã chính thức mở cửa đón bạn đọc – nhờ bộ phận thông tin loan báo trên trên đài truyền thanh huyện. Nhưng suốt mấy tháng ròng sau đó chỉ có những đứa học trò nghịch ngợm và những người cùng phòng Thông tin Văn hóa hay ở các cơ quan xung quanh thỉnh thoảng ghé mượn sách truyện, những người mà tôi gọi đùa là “bạn đọc vệ tinh”.
Cứ thế, cho đến cái ngày anh xuất hiện trong đời tôi…
Hàng ngày, tôi đến thư viện đúng giờ, ngồi trang trọng giữa các ngăn phích, hộp thẻ xếp ngay ngắn. Thường thường tôi ngồi đọc miên man hết cuốn này đến cuốn khác. Có lúc lại ngồi thần ra như người mất hồn, lấy giấy viết thư, nhưng bôi và xóa một lúc rồi lại quăng bút đấy. Thỉnh thoảng lại có người đến, hay đúng hơn là tiện đường rẽ qua – vì thói quen tò mò, thói quen tán gẫu nhiều hơn là để mượn sách. Các bà thì bĩu môi: “Có cái việc giữ sách mà cũng phải đi học mất mấy năm giời?”
Tôi nhớ cái ngày ghi nguyện vọng thứ nhất trong hồ sơ là học thư viện, mẹ tôi càu nhàu: “Làm nghề gì chứ làm nghề hít bụi mọt ấy hử?”. Mấy đứa bạn gái mới quen ở các cơ quan xung quanh – các độc giả sốt sắng của những cuốn truyện gì có dính dáng đến tình yêu, thì tỏ ra ái ngại: “Chịu mày thôi! Thú vị gì mà lại có thể gắn bó suốt ngày với mấy cuốn sách bụi bặm nhỉ? Buồn chết đi được!” Còn mấy chàng trai tỉnh lẻ học đòi, bít-dít một cách đúng “mốt” và trịnh trọng nhưng khá rỗng tuếch thì hay lượn lờ quanh tôi với những “điệu hát” nhàm tai, đại loại: “Cô em xinh tươi thật phí đời với đống giấy mốc meo ở nơi khỉ ho cò gáy này”. Nhưng buồn hơn cả là chính người yêu của tôi đã phàn nàn: “Anh không hiểu vì sao mà em có thể ngày này qua ngày khác ngồi làm bạn với các chồng sách và những anh chàng vô vị chỉ quen với việc “gặm sách!” Người yêu tôi là một kỹ sư nông nghiệp mới ra trường đang ở Ủy ban Nông nghiệp tỉnh, vốn trước kia là bạn hàng xóm và học cùng trường cấp ba với tôi, nhưng học trên tôi một lớp. Những năm đi học chuyên nghiệp, chúng tôi hiểu nhau, yêu nhau, và tình yêu ít lời, đơn giản đó của anh lại được tôi chấp nhận bởi lòng độ lượng, bằng bản tính mơ mộng vô tư lự của tôi. Chúng tôi cùng ra trường một năm và xin quay trở lại Tây Bắc – nơi chúng tôi đã lớn lên và ra đi.
Tôi được phân về huyện này, anh ở trên tỉnh, tuy đều cách xa nhà gần trăm cây số nhưng chúng tôi lại có điều kiện gặp nhau thường xuyên hơn. Dần dần tôi nhận thấy: giờ đây, khi mỗi lần gặp nhau chúng tôi chỉ có thể tương đồng ngôn ngữ về những chuyện vải vóc, sự sắm sửa cho nay mai, về những người bạn trai và gái đã hay chưa lập gia đình v.v. Không bao giờ tôi có thể bàn chuyện cùng anh về bất kỳ cuốn sách nào – dù là văn học, nghệ thuật hay khoa học. Nhưng tôi được biết anh đang được sự tín nhiệm của toàn thể lãnh đạo, có dự kiến được bầu vào chân chánh văn phòng Ủy ban tỉnh. Không tự hào sao được! Còn về phương diện gia đình, anh sẽ là một người chồng “lý tưởng”: tỉ mẩn, chu đáo, lo toan vun vén cho vợ con. Nhưng tôi rất khổ tâm khi nhận thấy anh có một tính đa nghi và ghen tuông đến bệnh hoạn. Một lần anh đã mở va-li của tôi lúc vắng mặt, lấy toàn bộ thư từ của tôi từ trước tới nay ra kiểm duyệt. Những thư của anh hay của gia đình thì anh để lại, còn tất cả thư từ bạn trai, bạn gái anh đốt sạch (có lẽ vì một đứa bạn gái của tôi hay kể chuyện về một thầy giáo cũ ở trường chuyên nghiệp, nên anh cũng cảnh giác luôn với cả thư bạn gái của tôi). Hành động ghen tuông phi lý, tàn nhẫn và ngu ngốc đó của anh làm tôi tức giận điên người. Rồi, khi kiệt sức vì giận dữ và uất ức, tôi đã khóc. Thấy tôi khóc, anh mới tỏ ra hối hận: “Thôi mà, cũng chỉ vì anh quá yêu em. Từ nay, em đỡ phải bận tâm, vướng víu về quá khứ, về những điều không cần thiết. Từ nay, sẽ chỉ có anh và em thôi!” Tôi muốn thét vào mặt con người tự mãn ấy: “Này anh, kẻ độc tài trong tình yêu chỉ là một kẻ xuẩn ngốc, đáng thương hại và đáng khinh! Thật là ích kỷ quá quắt! Những thứ anh đốt đi chỉ là giấy tờ thôi. Nhưng còn những điều đã sống trong tim óc tôi thì sao?”. Rồi, khi tưởng tôi khóc là đã xuôi chiều, xuống thang, anh lạnh lùng nói thêm như dội một gáo nước lạnh vào tôi: “Thế đấy, em thật là sai lầm khi chọn vào cái nghề này. Thật đúng là sản phẩm của những thứ sách vở phù phiếm!” Lần này, tôi phải thét to bằng lời: “Anh im đi!” Anh quay đi một cách trịch thượng, có lẽ lòng chắc mẩm rằng đó chỉ là sự làm mình làm mẩy thông thường của đàn bà. Nhưng đó cũng chưa phải là lần tôi bị xúc phạm ghê gớm nhất. Và sự kiện cuối cùng đã chia rẽ chúng tôi hoàn toàn – như bản thân sự việc vốn dĩ phải thế, đã xảy ra. Một buổi tối, một người bạn cùng cơ quan của anh báo tin dữ cho tôi: “Anh bị tai nạn ô tô gãy chân”. Tôi bật khóc và suốt đêm ấy không sao ngủ được vì thương anh. Tôi sẵn lòng tha thứ hết cho anh và nguyện gắn bó suốt đời với anh, dù anh có bị thương tật nặng đến thế nào. Sớm hôm sau, tôi đóng cửa thư viện, xin phép ông trưởng phòng đi mấy ngày. Hôm đó lại đúng vào ngày cuối tháng, theo đúng lệ ô tô nội tỉnh không chạy. Tôi đành hộc tốc đạp xe mấy chục cây số đường núi, nhiều đèo dốc quanh co, vừa đạp vừa thầm mong tai nạn ấy không đến nỗi trầm trọng như tin báo, thầm mong chóng hết đoạn đường dài đầy bụi và nắng khủng khiếp để được ôm chầm lấy anh, xoa dịu nỗi đau cơ thể của anh. Nhưng, tới nơi, nhìn mọi người vẫn bình thản và chào tôi như người thân quen thường hay pha vài câu bông đùa, tôi lạ lùng quá đỗi.
Và khi nhìn thấy anh từ đằng xa với khuôn mặt nở nang, hớn hở, bước từ nhà ăn ra, tôi đã chợt vỡ lẽ tất cả… Tôi cố nén một cảm giác hầu như ghê tởm, sợ hãi; và tôi quay đi, đi thật nhanh, thật xa cái nơi đang có anh sống và cười cợt một cách tự đắc kia. Phải rồi, sao tôi không nghĩ ra ngay: một thủ đoạn thử thách tình yêu! Một cái tát ghê gớm vào lòng tin và lòng tự trọng. Trời ơi, tại sao trong suốt bốn năm trời tôi đã yêu một con người như vậy! Tôi đã sống qua non nớt và sách vở. Tôi đã được một bài học đích đáng về tình yêu cảm tính nông nổi, và… cả sự nhẫn nhục nô lệ trong tình  yêu nữa. Anh ta sẽ được toại nguyện nhiều thứ, sẽ được đứng trong cơ cấu lãnh đạo tỉnh để chi phối cuộc sống của hàng chục vạn người. Anh ta vẫn yêu tôi và chiều chuộng tôi. Cuộc sống vẫn cứ thế trôi đi. Không hề ai hay biết chuyện gì đã xảy ra… Hay là tôi vẫn còn viển vông quá? Tôi còn mê hay đã tỉnh? Tôi là một đứa con gái như thế nào?... Nước mắt tôi đầm đìa trong khi đạp những vòng xe nặng nhọc quay về cái thung lũng phố huyện hẻo lánh buồn tẻ kia, nơi mà tôi sẽ sống trong sự cô đơn đáng sợ. Tôi viết cho anh một lá thư ngắn ngủi như sau – giống như những bức thư báo tin quen thuộc của anh: “Nếu như hôm đó quả là anh có bị tai nạn thật, tôi sẽ ở bên cạnh anh và chăm sóc anh suốt đời. Còn bây giờ, anh vẫn lành lặn, tươi tỉnh, hạnh phúc, và chắc chắn sẽ được thăng quan tiến chức. Chúng ta đã trở nên thừa và vô ích đối với nhau. Xin vĩnh biệt”. Sau đó anh ta còn gặp tôi van vỉ nhiều lần, thậm chí cả khóc lóc xin lỗi nữa. Nhưng… trong đời không có gì tủi nhục hơn là phải xấu hổ thay cho kẻ khác. Tôi đã phải xấu hổ thay cho anh ta. Tôi hóa thành một người lạnh lùng, hoài nghi, cau có. Và nếu không có con người ấy xuất hiện kịp thời, tôi không hiểu lòng mình sẽ còn băng giá đến mức nào…
Con người ấy đang đứng sau những giá gỗ kia, chăm chú lục tìm trên từng hàng gáy sách. Còn tôi thì đã dần dần tìm thấy sự thanh thản của mình, nhất là khi anh đến trong sự cảm thông thầm lặng với công việc của tôi. Anh là một thầy giáo dạy Lý trường phổ thông cấp ba huyện, người Hà Nội. Anh lên Tây Bắc dạy học đã năm năm. Bề ngoài, anh có vẻ khô khan và khắc khổ, song nếu chú ý quan sát sẽ thấy những nét thanh lịch, điềm đạm, ưu ái toát ra từ cả con người anh. Theo cái nhìn của một người vừa thoát vỏ “cô bé học trò tỉnh lẻ” như tôi, anh là hình ảnh điển hình của những thanh niên trí thức Thủ đô thật sự ở vùng Tây Bắc này mà tôi được biết. Lũ học trò của anh thường tranh kể về anh cho tôi nghe. “Thầy chơi đàn ghi-ta rất hay, đệm đàn cho ai hát thì “hết ý”. Mà thầy giảng bài thì dễ hiểu và hấp dẫn còn phải nói”. Những đứa lớn hơn, thường ở năm cuối cấp thì lại có những nhận xét như: “Thầy ít khi nặng lời với chúng em. Nhưng cái nhìn của thầy bao giờ cũng có sức thuyết phục, cách nói của thầy bao giờ cũng làm chúng em thấm thía” - “Thầy Thế lúc vui thì vui ra trò, nhưng lúc nghiêm thì đừng có lơ mơ với thầy”. Một đứa bạn gái tôi mới quen, từng ở thị trấn này nhiều năm, đang là học sinh bổ túc văn hóa của anh đã đập tay vào vai tôi nói nửa đùa nửa thật: “Này, ông tướng ấy có lắm cô ở đây “lao đơn” để “xin chết” đấy nhé. Vậy mà cứ tỉnh bơ. Nhưng bây giờ thì anh chàng, xin lỗi, ông thầy đã định hướng tới ngọn đồi này rồi. Mày đừng có mà bắc bậc làm cao nhé, kẻo người Hà Nội thất vọng. Người ta là tế… nhị lắm đấy!”. Tôi đấm bùm bụp vào lưng nó, mặt đỏ rựng lên: “Bố láo nào! “Người ta” mà lại thèm để mắt đến tao cơ!”. Anh ít trò chuyện với tôi, và khi đến thư viện, theo như đã thỏa thuận – một sự thỏa thuận rất tự nhiên, anh không phải tìm sách trên “phích” mà tự động vào tìm sách trong kho. Mặc dù thế là sai nguyên tắc – những nguyên tắc nghề nghiệp mà tôi rất tôn trọng, nhưng không hiểu sao riêng đối với anh, điều đó lại làm tôi vui sướng. Rồi tới lúc, tôi cũng chẳng cần ghi phiếu mượn hay trả nữa, anh cứ tự động lấy mượn rồi đem trả đầy đủ - sự quan sát kiểu đàn bà của tôi đã nhận thấy thế, và chính điều đó lại có sức chinh phục tôi hơn bất kỳ một lời nói, một hành động nào khác của anh. Đôi khi anh bớt vẻ trầm ngâm và trò chuyện thân mật với tôi. Khi được biết tôi là con em đồng bào dưới xuôi lên Tây Bắc xây dựng quê hương mới, anh lộ vẻ hơi ngạc nhiên một chút, rồi anh hỏi tôi rất nhiều về cái làng khai hoang của tôi nằm ở một vùng thượng nguồn sông Mã.
Đó là một vùng trước kia mang tên “Phiêng ma lông”, có nghĩa là “Bãi chó lạc”, một vùng toàn lau, sậy, cây chó đẻ, sim, mua và các loại cây hoang dại, chó vào đấy cũng lạc đường ra. Thỉnh thoảng mới có một bản người Xá Puộc nghèo khổ sống lay lắt, vật vờ trong những cánh rừng hoang mênh mông. Giờ đây, theo dọc đường từ cửa suối Nậm Kông vào sâu bên trong có một làng khai hoang mọc lên, mang cái tên đẹp: “Hương Mai”. Những hàng nhãn đã mấy lần bói quả mọc hai bên đường rộng rãi, ngày mùa rải rơm phơi, giống như con đường làng dưới quê tôi. Đường đến làng khai hoang của tôi phải vượt qua hơn hai chục khúc suối, đèo núi quanh co, hiểm trở, lại phải đi phà qua dòng sông Mã. Tôi cũng kể cho anh nghe về những thầy cô giáo cũ của tôi – nhất là những thầy cô giáo cấp ba sống tập thể ở nơi xa xôi gian khổ ấy đã truyền cho tôi lòng yêu văn học, yêu sách vở, đã mở cho tôi những chân trời mơ ước… Là một con bé ngây ngô vốn chỉ quen cầm cuốc và băm rau lợn, tôi đã dần dần say mê đọc sách báo, đọc truyện, tôi đã trở thành một học trò “cưng” của các thầy cô giáo vì quen thuộc với những giá sách nằm trong những gian buồng tập thể sơ sài. Thì ra các thầy cô giáo cũ của tôi đều là bạn đồng nghiệp quen của anh qua những lần coi thi, chấm thi, họp hành ở tỉnh. Khi tôi nói: “Đúng lý em phải gọi anh bằng thầy mới phải”, anh cười rất hiền: “Thôi miễn lễ, có ý thức tôn sư trọng đạo như thế là tốt. Nhưng nếu em không cẩn thận, tôi sẽ mách các thầy cô giáo cũ cho đấy”. Cả hai chúng tôi đều cười. Anh bảo rằng anh sẽ có dịp xin đi coi thi trên đó và đến thăm làng khai hoang của tôi bên kia dòng sông thượng nguồn… Những câu chuyện giữa chúng tôi ngày một kéo dài hơn. Anh có kiến thức về văn học và các loại hình nghệ thuật khá sâu rộng. Có lần anh nói cho tôi nghe những quan niệm thú vị của một nhà vật lý nước ngoài về văn học nghệ thuật, tôi ngồi ngẩn ra nghe. Anh nói từ tốn, dí dỏm, sâu sắc, và tôi có cảm giác anh hình dung rất rõ những điều anh đang nói. Dần dà, tôi đã tới lúc tâm sự cho anh nghe hết về câu chuyện tình “xấu số” của mình. Anh im lặng một lúc thật lâu sau khi nghe tôi kể xong, anh nhìn xuống đất và di di mũi dép, rồi chợt ngẩng nhìn tôi, nói bằng một giọng hơi lạ:
- Theo anh, chuyện đó cũng thường tình thôi. Và thậm chí là tốt nữa. Bởi vì… tất cả đối với em mới chỉ là bắt đầu.
Anh vẫn nhìn tôi, cái nhìn thẳng thắn, hơi đượm buồn và có chút gì ái ngại.
Một lần anh đem đến cho tôi một cuốn sách dịch truyện ngắn của Mắcxim Gorki. Sao lại có in dấu của thư viện huyện thế này? Tôi chưa hề nhìn thấy cuốn sách này trong kho sách. Anh cười:
- Đáng lẽ anh không trả đâu. Lấy sách thì không có tội - Rồi không cười nữa - Anh đã tìm thấy nó trên giá sách của một anh bạn dạy toán. Một người nào đó đã cho anh ấy sau khi đã lạc qua tay nhiều chủ. Anh đã thương lượng với anh ấy là trao trả nó lại thư viện. Anh ấy đồng ý ngay, một là cũng nể anh, hai là cũng không cần đến nó lắm, ba là, vì đã từng quen với các thư viện nên thấm thía nỗi khổ tâm của những người muốn mượn sách mà sách không còn nữa!
Tôi đáo để:
- Thế bốn là gì? Còn anh, sao anh lại trả?
Tôi tưởng anh sẽ tìm được một câu trả lời hóm hỉnh, thông minh, đâu ngờ anh lại đỏ mặt lên và lúng túng. Anh lắc đầu với một vẻ chất phác, rồi cười hiền.
- Anh cũng không biết nữa…
Nhưng chính vì thế mà tôi đã rung động lạ thường. Tôi nhìn anh bằng con mắt biết ơn. Trước anh, tôi cảm thấy mình như một cô bé bạo dạn, tự tin, lần đầu được hiểu ra biết bao điều sâu sắc, tốt đẹp ở mọi người xung quanh mình.
Dĩ nhiên là họ đã không thể bảo vệ được cho anh, bởi vì, cũng như anh, khi mà tri thức không được coi trọng thì thân phận của những người dù có ít hay nhiều tri thức mà không cho phép mình biến thành công cụ mù quáng của thứ quyền lực bất chấp mọi quy luật khách quan - thân phận của tất cả những người như vậy đều bị thả nổi theo sự rủi may, theo sự đột hứng của những kẻ có quyền ban ơn hay trừng trị… Nhưng anh vẫn hy vọng và có cớ để hy vọng. Những trang sách lớn bao giờ cũng đến kịp thời để trợ giúp cho anh… 
Ở huyện tôi có một số máy phục vụ nông nghiệp nhập khẩu còn mới nguyên, nhưng mấy năm nay cứ phải nằm một xó chịu mưa, nắng, gió Lào và sương muối cùng cây cỏ, không hề được xử dụng, chúng còn dần dần bị mất cắp các phụ tùng. Khi được biết huyện có quyết định cho thanh lý và đem đổi cho tỉnh bạn ở phía Nam số máy này lấy hàng tiêu dùng xa xỉ, anh Thế và một kỹ sư nông nghiệp đã lên tiếng phản đối kịch liệt. Qua tìm hiểu thực tế, các anh đều thống nhất rằng: những máy móc này đang rất cần đầu tư sửa chữa, bảo quản, và sẽ sử dụng được lâu dài. Nhưng tiếng nói của các anh như muối bỏ bể, vì làm sao mà khoa học kỹ thuật có thể làm nhạt nổi men rượu trong buổi liên hoan linh đình (năm lợn, hai bò) tiễn đưa máy móc ra đi, và cũng không thể làm giảm chất lượng của những súc vải ngoại cực sang sau đó được đem bán phân phối ưu tiên giá nội bộ cho các đồng chí cán bộ đầu ngành. Trong một hội nghị khoa học kỹ thuật hiếm hoi tổ chức ở tỉnh, anh Thế cũng được mời với tư cách là cộng tác viên. Ở hội nghị này, mặc dù không có “suất nói”, anh đã bày tỏ thái độ bất bình về chuyện kể trên. Giờ giải lao, một đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tới vỗ vai anh khen vài câu chiếu lệ và hỏi han. Vốn ngây thơ như bất kỳ một người có những niềm say mê tinh thần nào, anh không thể hiểu ngay được: như vậy là tên tuổi và “lý lịch chống đối” của anh đã được ghi thêm dòng nữa trong sổ đen của cánh những kẻ “đưa ma” máy móc quý một cách “hợp pháp” đó!
Là một thầy giáo dạy khoa học tự nhiên có kiến thức lý thuyết vững vàng và uyên bác, tính tình lại dễ chịu, anh được nhiều kỹ sư, cán bộ trung sơ cấp các ngành tìm đến kết bạn, nhờ giúp đỡ. Thỉnh thoảng họ cũng tìm đến thư viện để nhờ lục gấp cho một tài liệu nào đó có liên quan trực tiếp đến công việc họ đang làm, nếu bí không tìm thấy tài liệu thì họ lập tức đến cầu cứu anh Thế. Và trong trường hợp chưa có sự quen biết, tôi là người trung gian bắc cầu. Khi nhìn vẻ thất vọng của họ sau cả giờ tôi xáo trộn cả kho sách báo, tôi bèn bảo họ một cách tự tin: “Có lẽ anh (hay chú) tìm đến trường cấp ba hỏi thầy Thế xem. Vấn đề này, hình như thầy Thế có tài liệu bằng tiếng Nga đấy!”. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều trưởng phó phòng các ngành cảm thấy uy tín cá nhân bị giảm sụt đi chăng? (Tôi đoán vậy, vì qua dò hỏi tôi biết các vị này đều không ưa anh, tỏ vẻ coi thường anh, mặc dù theo tôi, họ có ngồi làm học trò của anh cũng chưa xứng đáng!) Nhưng điều tai hại hơn cả, chính là có một vài lá thư giấu tên tố cáo về sự tham nhũng, làm ăn bất chính, lơi dụng chức quyền làm bậy của một số cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã. Dư luận cho rằng anh Thế là người “giật dây”, là người “trên cơ sở tư liệu được cung cấp chính xác đã đưa ra những phân tích sáng tỏ và những kết luận “giáng chết tươi đối phương” (một ông đại tá về hưu, nguyên là hiệu trưởng trường quân chính đặt tại huyện, đã bình luận một cách khoái chá như thế). Có lần tôi hỏi anh về chuyện này, anh hơi nhếch mép cười ruồi, sau đó trở lại nghiêm nghị (thậm chí hơi buồn nữa). Anh bảo “Em chỉ cần biết một điều là: anh chỉ làm những gì mà bản thân anh thấy là cần thiết, là có ích”.
Đối với một số giáo viên trong trường, chắc chắn anh Thế phải là một cái gai nhức nhối, vì anh không cần móc ngoặc với các cơ quan như thương nghiệp, lâm nghiệp để được mua hàng phân phối hay gỗ lát. Nếu họ cần phải xin xỏ điểm môn Lý cuối năm cho con em các vị như trưởng phòng bách hóa hay trưởng phòng lâm nghiệp chẳng hạn, anh chỉ nhún vai và nói: “Tiếc quá! Nhưng nếu đấy là con em cán bộ bình thường hay con em lao động nghèo, thì cũng nên chiếu cố, nâng đỡ. Chứ còn với mấy cô cậu “quý tử” này thì cái điểm rẻ mạt của chúng ta có nghĩa lý gì! Chẳng cần điểm, chúng cũng sẽ được lên lớp, được đi học chuyên nghiệp, có thể còn lên ngồi ghế lãnh đạo có quyền sinh quyền sát chúng ta ấy chứ! Bố mẹ chúng đang chắc mẩm rằng: có tiền, có chức thì sẽ mua được mọi thứ, có quyền làm mọi điều. Không lẽ anh lại giúp họ khẳng định thêm lòng tin ấy! Tôi bảo thật nhé, nếu anh cứ “túm cổ” cho thằng bé ấy lên lớp bằng được, thì thứ nhất là ô nhục cho nghề giáo ta quá; hai là thằng bé ấy cũng ngoan, nhưng nó dốt quá, lại lười, cứ cho nó lên lớp thì là đẩy nó xuống thêm một bậc hư hỏng đấy!” Cứ nhẹ nhàng kiểu như thế mà nói, có tức nổ ruột cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”! Phụ huynh học sinh có người quý anh hết lòng, có người ghét anh đến xương tủy. Có thể phân loại dễ dàng đối tượng yêu ghét đó thuốc về tầng lớp nào, nghề nghiệp nào… Lắm lúc tôi cũng bực: “Thôi, anh bớt gàn đi cho chúng em được nhờ! Mình anh đơn thương độc mã thì thay đổi mọi chuyện thế nào được”. “Em nghĩ thế thật à”… Rồi anh ngồi hút thuốc, hết điếu này sang điếu khác.
Có một lần, vào buổi chiều anh sang chỗ tôi với vẻ mệt mỏi và chán nản khiến tôi kinh ngạc. Đôi mắt anh đã hơi cận vì chuyên đọc sách trong ánh đèn dầu lại càng như lồi hơn. Bàn tay hơi run run khi gạt tàn thuốc lá. Anh im lặng giở hết tờ báo này sang tờ báo khác, đôi lúc kín đáo thở dài. Tôi gặng hỏi, anh hơi sẵng giọng:
- Xin lỗi cô Liên… Tôi đang mệt.
Mọi khi anh vẫn xưng “anh” gọi tôi là “em” thân mật, chữ “cô” thật đáng sợ! Thấy tôi lặng người đi, phụng phịu sắp dỗi như một cô bé, anh ngước cặp mắt buồn buồn nhìn tôi.
- Em cần biết chuyện của anh làm gì… Với lại, chuyện nội bộ trường anh thôi mà!
Chỉ đợi có thế, tôi liền nằng nặc bắt anh kể và còn dọa sẽ không cho anh mượn sách nữa, nếu như anh coi tôi là một đứa trẻ không biết gì! Anh bật cười khan, nhưng sau đó bớt đáng sợ hơn trong vẻ lầm lì. Thế là tôi được biết mọi chuyện (sau tôi còn dò hỏi thêm qua một số học trò của anh). Trong một vài cuộc họp Hội đồng giáo viên, anh đã lên tiếng phê bình Ban giám hiệu lơ là việc bảo quản những đồ dùng giảng dạy vật lý, hóa học và sinh học, không tạo điều kiện để giáo viên được xử dụng những thứ đó trong giờ giảng. Kho chứa là ngôi nhà dột nát, đầu hồi toang hoác, mưa xối xả vào; trong khi đó học sinh phải lao động làm trường sở rất nhiều. Các loại đồ dùng quang học bị mốc xanh, nhiều đồ dùng viện trợ giá bạc triệu đã bị mất các phụ kiện, các lọ hóa chất long nhãn nằm chỏng trơ. Mọi cố gắng, mọi lời kêu gọi của anh về kho đồ dùng này cuối cùng đều vô hiệu, và anh còn bị thuốc thêm cái tiếng “nhiễu sự”, “đòi hỏi phi thực tế”. Khi anh tình nguyện xin được giữ cái kho này thì có dư luận tung ra rằng anh có ý đồ chiếm một số đồ quý làm của riêng!
Anh đã cảm hóa được nhiều cậu học sinh nổi tiếng “ba gai” của trường, không phải bằng những hành động phiêu lưu, nghĩa hiệp thường được sùng mộ ở chốn tỉnh lẻ, mà bằng thái độ thẳng thắn, sự công bằng và chính trực nhưng đượm cảm thông và tình thương mến của một ông thầy. Anh luôn luôn phản bác những kỷ luật khắt khe thiên về lý của nhà trường. “Không có những học sinh hư đốn, mất dạy, tiếc thay chúng lại được dùng vô tội vạ trong các cuộc họp giáo viên và họp lớp! Chỉ có những học sinh chưa được giáo dục đầy đủ. Sự tôn trọng nhân cách học sinh hiện giờ có lẽ chỉ còn trên lời nói và văn bản!... Và cũng nên bàn lại thế nào là học sinh hư, học sinh ngoan. Nếu quan niệm rằng ngoan ngoãn là bảo gì làm nấy, tròn trịa như quả bóng, mọi sắc thái riêng của tính cách và bản lĩnh không còn nữa ngoài ý chí áp đặt của ông thầy – ngược lại thế là hư, nếu quan niệm như vậy thì hết sức nguy hại, phản giáo dục”. Anh đã thẳng thừng nói vậy trong một cuộc họp bàn về kỷ luật học trò, có đại diện của thanh tra Ty. Anh biết đâu trong khi đấu tranh với những quan điểm giáo dục thô thiển, anh đã chuốc thêm, mỗi ngày một ít, lòng căm ghét của những người vốn không phải xấu, song từ lâu đã là nô lệ đớn hèn của những giáo điều chỉ vì u tối, chỉ vì muốn yên ổn với quyền lợi và chức vị đã có. Và trong cuộc họp hội đồng giáo viên gần đây nhất, anh đã bị Ban giám hiệu và Chi bộ nhà trường “chần” một mẻ đến nơi đến chốn. Là một cảm tình Đảng trong nhiều năm, giờ anh bị quy chụp là giảng dạy sai quan điểm giáo dục, gieo rắc sự bi quan hoang mang, thậm chí kích động những tư tưởng chống đối cho học sinh. Tôi được biết anh thường phản đối ra mặt việc bắt học sinh lao động gây quỹ khá nhiều lần trong tuần, đặc biệt là cái việc sai học sinh đi làm nương sắn, vườn rau cho một số giáo viên. Anh vẫn kể cho tôi nghe, anh đã xót xa như thế nào khi nhìn những em học sinh phờ phạc trong giờ học: chúng đã quá vất vả làm lụng ở gia đình, lại gánh thêm cái nặng nhọc lao động trường sở và phục vụ riêng cho một số thầy cô giáo hay đòi hỏi học sinh một cách quá đáng (tiêu biểu là hai vị hiệu trưởng và hiệu phó). Đã học kém vì kiến thức vốn rỗng, vì thời gian và điều kiện học tập quá thiếu thốn, chúng lại càng sợ thầy cô giáo, lại càng ra sức “lập công chuộc tội” bằng mồ hôi nước mắt của tuổi đang lớn, cái tuổi rất dễ bị tổn thương và cũng dễ bị chai sạn trước bất công và đau khổ… 
Nhưng nguyên nhân trực tiếp của những sự “chụp mũ” kia là sự "tâu lại" mẫn cán của một cậu học trò lớp anh chủ nhiệm với Ban giám hiệu… Buổi tổng kết tuần hôm đó, sau khi khiển trách một số em lười học, bị nhiều điểm kém, anh đã để cả giờ tâm sự với toàn lớp. Anh kể lại một lần đi chơi xa, vào một bản người Xá Khao, nhìn những gầm sàn ngập ngụa phân trâu ngựa, nhìn những nương lúa khô cằn, những em bé cởi trần bụng ỏng da cháy đen, những người phụ nữ tiều tụy, anh đã không cầm được nước mắt. “Nhiều bạn ở tuổi các em chưa học hết cấp một, có em còn mù chữ, vậy mà các em dù sao cũng học đến cấp ba, cũng có một mái trường hẳn hoi, lại phí phạm thời gian, tiền của và lòng tự trọng đến thế? Đất nước này cứ nghèo mãi, khổ cực mãi, chừng nào các em cứ cam chịu thân phận dốt nát, dửng dưng với những tri thức khoa học”… Với kinh nghiệm của riêng tôi, những điều đó đã vượt quá xa một giờ tổng kết tuần với những điều giáo huấn, khuyên bảo, đe nẹt thông thường đã trở thành nhàm tẻ. Anh đã để lại một vết hằn cảm xúc khó phai trong tâm trí phần đông học trò. Nhưng với một số người trong Ban giám hiệu và Chi bộ, thì đấy lại là một sự báo động đáng nguy hiểm. “Đồng chí Thế đã lợi dụng bục giảng để tuyên truyền những điều trái ngược với quan điểm giáo dục của chúng ta. Tại sao lại toàn là đói nghèo và khổ cực? Tại sao đồng chí không cho các em thấy, ít nhất là những đổi thay mà ai cũng biết ở vùng này trong mấy chục năm qua? Còn những đói nghèo, gian nan của chúng ta phải chăng không phải chủ yếu là do chiến tranh, giặc giã, thổ phỉ, thiên nhiên khắc nghiệt?
Với một tư tưởng bi quan hắc ám như vậy, đồng chí làm công tác giáo dục cho thế hệ trẻ làm sao được!” Cũng ngay hôm đó, khoảng chín giờ tối, anh lẻn sang nhờ tôi giữ hộ một ôm sách về triết học, nghệ thuật phương Tây hiện đại, sách học tiếng Anh-Mỹ - những thứ anh đã vác lên sau nửa tháng lang thang trên các vỉa hè Sài gòn kỳ nghỉ hè năm 76. “Biết có mấy cuốn sách tai hại này, họ sẽ còn vu cho anh tàng trữ và lưu truyền sách báo khiêu dâm, phản động nữa kia! Họ mà cho công an đến lục thì…“được vạ má đã xưng”. Tôi bảo: "Anh hãy tạm ngừng sang thư viện một thời gian đã. Vì thấy anh đến đây, người ta dễ có điều kiện hiểu lầm và xuyên tạc". Và cũng có kẻ xuyên tạc rồi, mà nhục nhã thay, lại chính là ông chánh văn phòng Ủy ban tỉnh tương lai - người yêu cũ của tôi. Sau khi van xin tôi quay trở lại không được, lại biết có anh giáo viên dạy lý thường hay sang thư viện, anh ta đã mở một chiến dịch vu cáo ầm ĩ. Nào là “tình yêu lãng mạn xấu xa, bạc tình, không chung thủy, thèm hưởng thụ vật chất Thủ đô”, nào là “phóng đãng, đồi trụy, kẻ quyến rũ”, v.v (không hiểu anh ta lấy đâu ra lắm chữ nghĩa thế, chắc là do một tay quân sư mạt hạng nào đó mớm lời cho). Đó cũng là cách anh ta gỡ lại thể diện cho mình. Điều làm tôi đau xót hơn cả không phải là quan hệ giữa tôi và anh ta trở nên thù địch, không phải là danh dự của tôi bị bôi nhọ, mà là vô tình tôi đã để một con người đáng yêu đáng kính trọng bị nhấn thêm lần nữa vào sự vu khống nhơ bẩn! Sau cái tai tiếng ấy, anh Thế đã bị hội đồng giáo viên đưa ra kiểm điểm theo chỉ thị của Huyện ủy. Cùng với những “bản án” đã có sẵn, anh bị kỷ luật tạm đình chỉ giảng dạy, Ty và Phòng giáo dục điều anh đi làm phong trào bổ túc văn hóa ở một xã vùng cao cách huyện lỵ ba mươi cây số. Nếu tôi đã không bị phát điên lên thì chính là nhờ có anh, hay đúng hơn là nhờ có niềm tin rằng: ngay trong lúc này, khi anh bị cô đơn, bị choáng váng bởi từ phía hằn học tấn công, tôi cần phải là người hỗ trợ anh, an ủi anh. Lúc này, sự “liên minh ma quỷ” đã có thể tạm thời đắc thắng: vốn nhạy cảm, con người trung thực và yếu đuối như anh không có gì bảo vệ rất dễ bị đẩy tới những phát ngôn, những hành động mà sự quy tội sẽ còn có sức nặng hơn nữa! Anh không hề thanh minh với ai. Có ích gì khi mà anh đã bị gạt ra khỏi hệ thống những quan điểm “chính thống” của những kẻ có sẵn lý lẽ đã được thừa nhận từ lâu, được cả một cơ chế ủng hộ! 
Hôm anh đến tạm biệt tôi, trước cái nhìn u uất, ảm đạm và trước cái xiết tay quyến luyến của anh mà chỉ một người đàn bà đang yêu mới hiểu nổi, tôi đã chỉ khóc nức nở, như chưa bao giờ từng được khóc. Bất ngờ, anh kéo tôi sát lại gần, vuốt tay lên mái tóc tôi. “Sao lại thế. Có gì đáng buồn đâu nào! Công việc sắp tới của anh cũng cần thiết chứ sao? Và chắc anh cũng làm được. Em cứ yên tâm!” Anh cố dứt ra khỏi những ngón tay bấu chặt tuyệt vọng của tôi rồi khoác ba lô lên vai. Anh trang bị như tất cả những cán bộ đi vùng cao: giầy ba-ta bộ đội, bi-đông nước ngang hông, mũ lá có quai, chiếc ba lô con cóc nặng chịch (đến quá nửa là toàn sách), với chiếc ghi-ta của anh. Một cậu học trò xin nghỉ học hai ngày, giấu nhà trường để đi cùng anh bằng được, đợi anh ở một chiếc cầu treo xa thị trấn. Hai người đi bộ chắc phải mất hơn nửa ngày. Anh đi, tôi ngẩn ngẩn ngơ ngơ suốt mấy ngày liền. Rồi tôi cặm cụi viết hàng loạt thư khiếu nại cho anh gửi lên Ty giáo dục, Tỉnh ủy, tới một số tờ báo (địa chỉ các tờ báo thì tôi có một đống trong kho!), song đều biệt vô âm tín. Không hiểu vì tôi chỉ là một con bé vô danh tiểu tốt, hay sinh mệnh chính trị của một con người chân chính nhưng bé nhỏ như anh chỉ là một thứ không đáng đếm xỉa đến, hay vì một lý do nào khác mà trí óc non nớt của tôi không sao biết được?
Cứ cách vài ba hôm tôi lại nhận được thư của anh, có khi cả tuần liền anh không viết, sau tôi được biết anh bị ốm. Nhưng thư từ của anh gửi tôi bỗng thưa thớt hẳn, có khi biệt hàng tháng ròng. Một người bạn gái của tôi làm văn thư ở Huyện ủy hớt hải chạy đến nhỏ tai tôi: “Có lệnh kiểm duyệt thư của ông Thế gửi đi các nơi”. Tôi rùng mình lạnh xương sống. Trời ơi, thế là những kẻ thù ghét anh lại có thêm những bằng chứng nguy hiểm để kết thêm tội cho anh! Tôi lập tức đi tìm ngay một cậu học sinh khá thân thiết của anh, cho cậu ta mượn xe đạp và vét túi được mấy chục bạc đưa cả, nhờ cậu ta bí mật đến ngay chỗ thầy Thế để báo tin này.
Và nỗi lo lắng của tôi không phải là vu vơ: Thường vụ Huyện ủy đã họp kín để mổ xẻ những bức thư anh gửi tôi (dĩ nhiên những bức thư này không đến tay tôi), cùng một số thư anh gửi cho gia đình và bè bạn khắp nơi. Chuyện này cũng do cô bạn đánh máy nghe lỏm được kể lại. Cô ta là học trò bổ túc văn hóa cấp ba của anh và đặc biệt quý anh. “Tội thầy Thế quá mày ạ, thư viết cho mày và mọi người, họ soi mói từng câu từng chữ, nghe đâu đang giao cho tay thư ký Ủy ban tổng hợp lại từng điểm một”. Tôi lúc thì mồ hôi hột đổ ra, lúc thì tái mét mặt lại, khiến cô bạn kêu lên: “Mày làm sao thế hở, cảm nặng rồi”. Chợt đoán ra nguyên nhân, cô ta ái ngại nhìn tôi và an ủi: “Chẳng làm gì được thầy Thế của mày đâu mà sợ. Thầy ấy có phải là phản động đâu cơ chứ! Ngậm máu phun người thì cũng sẽ tới ngày phải đền tội!” Nói đến đó, cô ta chợt im bặt, mắt lấm lét nhìn quanh. Còn tôi, ngay lúc đó chợt liên tưởng đến việc ông người yêu cũ từng “kiểm duyệt” thư từ của tôi. Có cái gì giống nhau đến kỳ lạ trong hành động của những kẻ tâm hồn cằn cỗi nhưng lại đói khát tình cảm riêng tư của người khác để làm vật “hiến tế” cho lòng ích kỷ và thói thiển cận được khoác cái vỏ mỹ miều “nhân danh sự trong sạch của tư tưởng”! Và tôi lo sợ đến bồn chồn, đến cháy ruột gan. Tôi lo sợ không phải vô căn cứ. Ở địa phương này chưa ai quên câu chuyện về một dược sĩ cao cấp… Anh ta đã lăn lộn khắp núi rừng Tây Bắc hơn hai chục năm, tích lũy được những hiểu biết phong phú về các loại cây thuốc vị thuốc nam quý giá mà y học lúc đó chưa biết rõ, đang bắt tay viết một cuốn sách lớn về các nguồn dược liệu quý vùng Tây Bắc. Song chỉ vì mất lòng trưởng phòng, những kẻ đố kỵ và một số cán bộ lãnh đạo tỉnh dẫn tới những mâu thuẫn căng thẳng, anh ta đã mắc phải bẫy của một sự vu cáo khốn nạn nhất. (Anh được giao phụ trách trông coi nấu một mẻ cao hổ cốt, nửa đêm công an ập đến, vớt lên được từ dưới đáy nối một quả trứng vịt: hầu như toàn bộ tinh túy của mẻ cốt sẽ nằm trong quả trứng này – đó là một cách ăn cắp cực kỳ tinh vi và kẻ vu họa cũng cực kỳ xảo quyệt). Anh chỉ còn biết ngớ người ra kêu oan ức, nhưng rồi không thoát khỏi bị kết an ba năm tù giam. Trong ba năm ròng ấy, anh chỉ có mỗi yêu cầu là được mang và cho gửi sách vở vào trong trại giam, để tiếp tục viết cuốn sách. Nhưng sự ngược đãi đã vượt quá sức chịu đựng của cơ thể và tinh thần, anh đã chết trước khi phải hoàn thành một công trình thuộc về thế kỷ… Nghe kể lại câu chuyện đó từ một nguồn đáng tin cậy của chính người ngành y dược, tôi đã bàng hoàng suốt mấy tuần liền, và sau đó cứ mỗi lần nhớ lại, tôi buồn đến tê tái. Giờ đây, nỗi lo sợ lại thắt chặt tim tôi.
Tôi quyết tâm đi thăm anh. Tôi biết việc làm này là liều lĩnh, vì những kẻ thù ghét anh Thế và tôi chỉ mong có thêm dịp để dìm chúng tôi xuống sâu hơn nữa vũng bùn của công luận. Nhưng chính sự liều lĩnh bất ngờ đó đã giúp tôi có thêm lòng dũng cảm, giúp tôi thấy mình xứng đáng hơn với anh. Làm gì được nhau? Thử xem! Lòng kiêu hãnh bị thương tổn trong tôi được đánh thức dậy. Tôi rủ một vài học sinh lớp anh chủ nhiệm cũ đi thăm anh vào ngày chủ nhật. Tôi và các em cố tình đạp xe đi ngang nhiên giữa thị trấn, và tôi biết rằng ngay lập tức đã có những ánh mắt nhìn và những lời thì thầm ác độc sau các góc nhà, khe cửa. Nhưng tôi không còn sợ hãi nữa. Vả lại, tôi và anh có còn gì nữa để mà mất ở nơi này!
Đi khoảng hơn chục cây số đường quốc lộ lổn nhổn đất đá vì mưa sụt lở, chúng tôi rẽ vào một lối độc đạo hút trong rừng thẳm. Từ đây, hầu như ngược dốc, hoàn toàn phải dắt xe, đùn xe. Chúng tôi có mang theo một số thực phẩm như mỡ nước, thịt rang, xu hào. Tôi biết rõ anh vốn kém cỏi trong chuyện xoay xở ăn uống. Phải vất vả đến nửa ngày ròng, chúng tôi mới đến được chỗ anh ở: một căn buồng chật vách nứa tồi tàn thuộc một gian nhà được gọi là “nhà khách Ủy ban xã”. Qua ánh mắt và cử chỉ của anh, rõ ràng là tôi và các em học sinh đã giống như một thứ ánh sáng quý báu ùa vào căn phòng sơ sài. Một giường cá nhân lộn xộn nhiều thứ trên đó: sách, quần áo mới giặt chưa gập, cây đàn ghi-ta… Cái bàn làm việc chất đầy sách, tạp chí, tài liệu chép tay, com-pa, thước kẻ, thước đo độ… Ở góc nhà có một chiếc nồi nhôm cũ, một niêu đất- cả hai đều ngâm nước, bát đũa bẩn vứt chỏng chơ trong đó. Một quả bí đỏ mới cắt một góc.
Một cái bếp kê bởi mấy hòn đá, tro than nguội lạnh. Trên chiếc ghế con cạnh bếp có cuốn từ điển tiếng Nga của Ôzêgốp đang mở. Trên vách liếp chỉ treo bức tranh “Người đàn bà xa lạ” của họa sĩ Nga Cramxcôi (trong căn phòng tập thể ở trường cấp ba anh cũng chỉ treo mỗi bức tranh này). Cửa sổ đung đưa một cây phong lan đuôi chồn. Anh lóng ngóng dọn dẹp, bắc ấm nước, thu xếp ấm chén. Tôi bắt tay làm giúp anh, như chính mình là chủ nhân vậy. Để anh ngồi tiếp học trò, tôi mang ấm chén bẩn chạy ra suối và để nước mắt lặng lẽ chảy… Tôi không biết mình đã yêu anh hay chưa, nhưng cứ nghĩ về anh là một niềm thương xót lại dấy lên. Người ta vẫn nói, ở tuổi tôi, tình thương đối với một người con trai thì thật là nguy hiểm. Suốt buổi thăm anh, hầu như tôi chỉ ngồi ở một góc, lắng nghe anh và lũ học trò nói chuyện. Anh hỏi từng đứa một trong lớp anh đang chủ nhiệm dở. Anh và bọn trẻ say sưa tâm đầu ý hợp đến nỗi tôi phải ân hận vì đã rủ chúng đi cùng, nên tôi không được ngồi một mình với anh để chuyện trò cho thỏa. Nhưng rồi chính tôi cũng bị cuốn hút vào câu chuyện của anh. “Các em có nhớ lần thầy đưa các em đi thăm quan xa không? Lúc trở về, chuyến xe đầu chỉ mua được nửa số vé, còn nửa lớp phải đi chuyến sau. Tất cả các em đều xô đến tranh vé đòi đi trước. Lúc ấy, thầy buồn quá. Lẽ ra, những em gái phải đứng yên một chỗ, còn các em trai thì đề nghị cho các bạn gái và thầy được đi chuyến đầu – dĩ nhiên là thầy sẽ tình nguyện đi chuyến sau thôi! Thầy chú ý khi đó chỉ có mỗi một người, cậu này đây (anh chỉ tay vào một cậu học sinh), bạn ấy ngồi cách xa các bạn đang vây lấy thầy giơ tay đòi vé đi trước với vẻ mặt buồn buồn và xấu hổ thay cho các bạn mình. Hôm đó cậu ta làm thầy chợt nhớ câu chuyện: nhà vua của một vương quốc nọ nghe theo lời khuyên của một anh chàng thông minh trong việc chọn một người thủ khố liêm khiết, đã tổ chức một cuộc vũ hội. Những chàng trai đến dự vũ hội phải đi qua một “hành lang quyến rũ” rải đầy vàng bạc châu báu… Và trong cuộc khiêu vũ, bên cạnh những con người nặng nề đến ô nhục thì có một chàng trai nhảy một cách thanh thoát: nấp ở một chỗ kín nhìn ra, nhà vua đã hiểu rõ đây chính là người thủ khố liêm khiết mà mình ao ước bấy lâu nay". Lũ học trò, đứa xuýt xoa trầm trồ, đứa cúi đầu ngượng ngùng. Anh mỉm cười. “Thôi, nghe đàn nhé”. Nhìn vẻ mặt của lũ học trò anh lúc đó, tôi chợt hiểu rằng, cũng như tôi, chúng đã bất ngờ được thấm hiểu thế nào là hạnh phúc khi được sống vì người khác, khi làm được một điều gì đó giúp cuộc sống tốt đẹp hơn lên dù chỉ một ít… Nếu như tôi là một trong những cậu con trai kia, tôi sẽ ôm chầm lấy anh, vùi đầu vào lòng anh để khóc trước những lẽ đời giản dị, sâu xa mà trong cuộc sống hàng ngày chúng thường bị vùi lấp đi, hay nếu có nghĩ đến thì cũng chỉ lờ nhờ, chứ không hiển nhiên và có sức thuyết phục đến thế. Những cảm nghĩ này cộng hưởng với tiếng đàn đưa chúng tôi vào khoảng trời âm thanh dịu buồn và cao thượng của bản nhạc cổ điển… Đến lúc chia tay, anh nhìn rất lâu vào mắt tôi và nói khẽ: “Cảm ơn Liên… Anh biết là thế nào Liên cũng đến. Nhưng vẫn không ngờ... Nguy hiểm cho Liên quá”. Tôi chỉ đủ sức ngắm nhìn lần nữa khuôn mặt xanh xao hốc hác của anh và dặn một câu: “Anh cố sinh hoạt điều độ… cố giữ mình cẩn thận", rồi vội vàng chào tạm biệt, dắt xe đi nhanh như để chạy trốn những giọt nước mắt không cầm được khiến anh phải đau lòng thêm.
Sau lần chúng tôi đến thăm anh, cả thung lũng phố huyện đã đồn ầm lên cùng những lời thêu dệt gớm ghiếc. Và chỉ một tuần sau đó, một thời gian phải nói là khá “tốc độ” ở một nơi vốn trì trệ mọi thứ, tôi nhận được quyết định của tỉnh điều đi một huyện khác, huyện biên giới cách huyện cũ hơn trăm cây số. Giờ đây, ở một thư viện mới (cũng được gọi là “thư viện”!) tôi bắt tay làm lại tất cả từ đầu… Sau cả ngày túi bụi làm việc trong căn phòng sách bừa bộn và ngập bụi để đến hàng chục năm nay không ai động tới, tôi ngồi thần một mình. Tôi lại giở thư cũ của anh ra đọc– những dòng thư tôi đã thuộc làu, nhưng bao giờ tôi cũng muốn được nhìn thấy những hàng chữ nhỏ li ti và chân phương của anh. Trước mặt tôi là những lá thư chưa bị “kiểm duyệt”, với những dòng có đường kẻ bút chì bên cạnh của tôi – đó sẽ là những luận cứ tốt mà tôi sẽ xử dụng trong việc bảo vệ anh, minh oan và phục hồi danh dự cho anh.
Mưa cả ngày rồi, đêm lại mưa… Anh bỗng nhớ lũ học trò quá. Nỗi nhớ làm anh không sao ngủ được. Anh đã yêu những em gái và trai trong quãng đời làm thầy ngắn ngủi của mình. Các em học sinh yêu quý anh, tin anh, mặc dù anh có cái vẻ ngoài lạnh lùng và nghiêm nghị - nhưng cũng chính khi phát hiện ra điều đó, bản năng yêu thương hồn hậu và tinh nghịch của chúng lại càng được kích thích, lắm khi chúng ta ùa vào phòng anh, quấy rầy và làm nũng, trêu trọc anh đến khổ. Nhưng khi thiếu vắng những cái đó, anh thấy trống trải, cô đơn…
…Ở đây công việc cũng khá bận rộn, vất vả, nhất là khi người ta làm việc một cách thật sự chứ không phải là lấy lệ, cho qua ngày đoạn tháng. Bận và mệt nhưng vui em ạ, vui nhất là khi anh đã có được lòng tin cậy của những người lao động chất phác, những người cán bộ lương thiện, chính họ là nguồn trợ lực đáng kể cho niềm tin và lòng yêu đời đang bị đe dọa của anh. Cùng với một số giáo viên cấp I ở đây, anh đang cố gắng gây dựng lại phong trào bổ túc văn hóa đang tàn lụi. Có hiện tượng mù chữ trở lại sau rất nhiều năm đã thanh toán nạn mù chữ… Anh đã làm thân được với ông chủ nhiệm hợp tác xã người dân tộc sau những tối chuyện trò uống rượu bên bếp lửa, và đặc biệt sau khi sửa lại được cái máy xay xát đã bị hỏng gần năm nay (Em thấy, về khoản thực hành anh cũng không đến nỗi nào đấy chứ?) Qua ông ta, anh sẽ vận động được thêm nhiều người học bổ túc văn hóa – nhất là thanh niên. Anh đang học tiếng dân tộc đấy, nghe thì tạm được, nhưng nói còn ngượng…Thực thế, anh không có thời gian để buồn và nghĩ ngợi linh tinh. Khi rảnh việc, anh có sách vở và cây đàn làm bạn. Tuy thế, nhiều lúc anh vẫn ngẩn ngơ cả người khi nghĩ về cái mơ ước của đời anh, nó vẫn còn xa lắc! Chưa bao giờ anh thèm được học, được đi sâu vào khoa học như bây giờ! Chính những năm giảng dạy ở Tây Bắc đã đánh thức trong anh tất cả nỗi khát khao ấy. Thế mà tuổi trẻ của anh cũng chẳng còn nhiều nữa! Sau tất cả những chuyện vừa qua, họ làm sao cho anh chuyển vùng ngay được! Anh hình dung những người “miệng nam mô bụng một bồ dao găm” sẽ tỏ vẻ thông cảm và động viên: “công việc được giao cậu làm khá lắm, sẽ có giấy khen”, nhưng thật ra là đắc chí bảo ngầm: “hãy cứ ở đó mà tu nhân tích đức độ dăm mười năm nữa!”
…Nghe nói giáo viên Lý mới đến thay anh thì bỏ bễ giảng dạy vì đang trong giai đoạn chạy xin chuyển vùng, Ty giáo dục trên này làm khó dễ, Ty giáo dục dưới quê cũng gây phiền hà, mặc dù anh ta đã xa vợ con và cắn răng chịu đựng gian khổ hơn mười năm rồi, và đi đi lại lại để chạy chọt tốn kém không kể xiết! Cái chế độ chính sách hiện hành làm sao mà khuyến khích nổi người ta đi và an tâm công tác ở những miền xa xôi của Tổ quốc! Khi người ta đi thì trống dong cờ mở, diễn văn ồn ào, khi người ta về thì kẻ bưng tai bịt mắt, kẻ quay lưng phó mặc cho người ta tự xoay sở lấy sau khi đã vắt kiệt sức lực và tuổi trẻ ở những nơi heo hút! Cuối cùng khổ nhất vẫn là đám học trò, học buổi đực buổi cái, còn đồng bào miền núi thì cũng chẳng trông mong được gì nhiều ở những cán bộ miền xuôi bị đối xử chẳng ra gì nên lẽ dĩ nhiên chỉ tấp tểnh ra đi…
…Anh biết rằng: chỉ cần anh có một chút khôn khéo của thứ chủ nghĩa cơ hội đê tiện mà lâu nay hầu như ngày nào anh cũng được chứng kiến, chỉ cần biết sống như một con lắc, có thể anh đã gặp nhiều may mắn và thành công, hay ít ra cũng được sống một cách bình thản và lặng lẽ tích lũy cho công việc anh yêu thích: đi sâu vào khoa học. Đúng là, chỉ cần một chút cơ hội, thì ngay trong những năm học đại học anh đã tìm được con đường thuận lợi để tiến thân. Nhưng anh đã và sẽ không bao giờ làm được điều đó… Có lẽ thời xưa, biết bao nhà khoa học phải lên dàn hỏa thiêu cũng chỉ vì không biết dung hòa giữa lòng trung thực tuyệt đối với sự thỏa hiệp và sự giả dối hèn hạ. Họ quá nguyên chất, không thể pha loãng mình, quá trong sạch và không biết quỳ gối, vì có lẽ họ cũng nghĩ như một con người lỗi lạc của thế kỷ Ánh sáng: “nếu như anh cứ đứng thẳng lưng lên thì anh cũng đã gần mặt đất lắm rồi!
…Có những buổi chiều trong thung lũng hẹp vang động những âm thanh kỳ dị bởi gió Lào, sau một ngày làm việc mệt nhọc, anh ngồi hàng giờ nhìn những nương lúa khô cằn vàng cháy và buồn ngơ ngác… Vài tháng lúa nương, mấy chõ cơm nếp, rồi lại đào củ mài, thái bẹ chuối rừng, lại đốt nương, lại cháy rừng, đất trơ ra thành hoang mạc, cái vòng luẩn quẩn ấy không biết còn tiếp diễn đến bao giờ, lại đói và đói triền miên… Lắm khi anh nghĩ liệu những kiến thức khoa học của mình có ích gì không đối với những người mẹ và những em bé nghèo khổ rách rưới kia đang nhìn anh như nhìn một con thú lạ… Mắt anh đã cay sè rồi đây em ạ…
…Em có thể tưởng tượng được không, ở cái xã vùng cao này vẫn còn có hợp tác xã tính công điểm bằng hạt ngô bỏ ống, có khi chuột bọ đã ăn sạch những hạt ngô đó. Trong thời đại văn minh điện tử, đồng bào ở đây vẫn còn dùng gậy nhọn chọc lỗ tra hạt như hàng nghìn năm trước. Có vùng dân tộc, đồng bào vẫn có người bị chết đói, còn chết bệnh thì rất nhiều. Thật đau lòng! Không hiểu trong những báo cáo của xã, của huyện, của tỉnh, người ta có dám kể một phần trăm những sự thật này không. Cho đến giờ này, người ta vẫn sợ sự thật, lẩn tránh sự thật như một thứ bệnh hủi, còn để cho bản thân mình luôn luôn sạch sẽ và bóng bẩy…
…Nhiều năm anh đã cố gắng đem tới cho các lớp học trò của mình chút ít kiến thức trong biển tri thức mênh mông, mong giúp các em có được lòng ngưỡng mộ và say mê đối với những lâu đài tri thức. Nhưng buồn quá, cái môi trường xung quanh đã không giúp anh và đồng nghiệp có lương tâm của anh có thể thổi bùng lên được lòng say mê “thần thánh” ấy cho bọn trẻ - cái môi trường chao đảo đến chóng mặt quanh việc kiếm lời, kiếm miếng ăn hàng ngày, lo đấu đá kiện cáo để tranh giành chức vụ, lo đút lót và lo ăn hối lộ, lo ghìm chân những người khác, cái môi trường có nguy cơ sẽ giết chết tất cả những cái gì là thiện, giết chết tất cả những mầm mống tài năng khoa học và nghệ thuật… Anh không thể hiểu nổi vì sao, trong những giờ giảng rất có trách nhiệm của mình, anh thường kể cho học sinh nghe cuộc đời và sự nghiệp của những nhà khoa học trên thế giới thì lại có ai đó ở cấp trên đưa ý kiến xuống ban giám hiệu nhà trường: “Đồng chí Thế không nên đi xa chương trình đã quy định”. Anh hiểu là họ muốn tự đề cao vai trò của họ bằng cách phòng ngừa: đừng có giảng dạy sai quan điểm mà họ là đại diện và tự cho là “chính thống.
…Nơi đây anh đã gặp được em và không ít những người có tâm huyết và lòng nhân hậu. Đó là những người bạn đồng nghiệp, những người bạn kỹ sư và cán bộ các ngành, những phụ huynh học sinh, và có cả một số đồng chí lãnh đạo huyện nữa. Dĩ nhiên là họ đã không thể bảo vệ được cho anh, bởi vì, cũng như anh, khi mà tri thức không được coi trọng thì thân phận của những người dù có ít hay nhiều tri thức mà không cho phép mình biến thành công cụ mù quáng của thứ quyền lực bất chấp mọi quy luật khách quan – thân phận của tất cả những người như vậy đều bị thả nổi theo sự rủi may, theo sự đột hứng của những kẻ có quyền ban ơn hay trừng trị… Nhưng anh vẫn hy vọng và có cớ để hy vọng. Những trang sách lớn bao giờ cũng đến kịp thời để trợ giúp cho anh…
Đọc tới những dòng này, tôi bất giác ngước nhìn khắp gian phòng sách báo mới được sơ dọn. Mặc dù còn ngổn ngang bề bộn, dán và bụi mọt vẫn lẩn quất khá nhiều trong các kẽ sách, các ngăn tủ, song sách vẫn được gọi là sách. Đối với tôi, những ngăn sách câm lặng vô tri vô giác cũng có tâm hồn – cái tâm hồn của biết bao con người ở nhiều dân tộc, nhiều thời đại đã sống, đã đau khổ và đấu tranh. Chính anh, một bạn đọc chung thủy, và là một trong những cội nguồn của những cuốn sách chân chính đã giúp tôi thật sự yêu mến và yên tâm với một nghề nghiệp tôi sẽ gắn bó trọn đời.
Sực nhớ, tôi vội mở va-li lấy ra cuốn sách mà anh đã trao trả thư viện (đó là cuốn sách duy nhất mà tôi lấy từ thư viện ấy). Tôi giở ra và dừng lại trước những dòng anh yêu thích:
Sách làm cho khắp trái đất, khắp thế giới tràn ngập nỗi buồn nhớ cái tốt đẹp hơn.
Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Nắng còn lại chan hòa trên những dải núi mờ mờ hư ảo đằng xa tắp. Bầu trời miền Tây vào cuối thu chớm đông không một gợn mây, trong vắt như chưa có gì trong đến thế. Bao nhiêu khí lạnh, sương mù, bụi bẩn, những đám mây ảm đạm dường như trút cả xuống mặt đất, để lại một khoảng trời thung lũng sâu hun hút và khoáng đạt vô cùng. Tôi bỗng cồn cào nhớ anh. Rồi nỗi nhớ anh lan thành nỗi nhớ cái thung lũng phố huyện mà tôi vừa tạm biệt – nơi tôi đã gặp anh và sống cùng những nỗi đau lòng của anh. Và nhớ về cái làng khai hoang của tôi với mái trường cấp ba thân yêu ven bờ sông Mã. Anh đã hứa là tới thăm bạn bè đồng nghiệp nơi đó, thăm gia đình tôi, và "thăm cái thung lũng có thời thơ ấu bình lặng của em" như anh nói. Tôi tin anh sẽ thực hiện lời hứa. Nhưng biết đến bao giờ, hở anh?... Chính vào giây phút đó, tôi nảy ra cái quyết định kể lại về anh, về số phận bình thường của một nhà giáo giàu tâm huyết, một người thanh niên ôm ấp nhiều hoài bão cao quý, hiện đang phải chịu nhiều nỗi bất công, đang phải sống và làm việc trong cảnh bị trù dập, bị đe dọa bốn bề. Nếu có chuyện gì bất trắc nữa xảy ra với anh, tôi sẽ mang theo những lá thư này đi tới cùng trời cuối đất, bằng mọi cách, bằng cả tính mệnh của tôi nữa, để góp phần làm sáng tỏ sự thật. Giờ đây, lòng tôi tràn đầy niềm tin tưởng rằng, nhất định sẽ tới lúc danh dự của anh được hồi phục, lòng kính trọng của toàn thể xã hội sẽ đến được với anh, còn những dòng này sẽ được nhiều người biết đến để coi chúng như một trong những nấm mồ chôn cất những buồn đau, phi lý của một thời…
 Mai An Nguyễn Anh Tuấn 
Theo http://chieulang.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...