Nuôi cò để bắt ruồi
Cò là loài chim hoang dã, sống
thành đàn, có khi mỗi đàn Cò lên đến bảy trăm con. Ở nước ta vùng miền nào cũng
có những đàn Cò sinh sống, nhất là vùng ruộng đồng, sông nước hoặc những vùng đầm
lầy nước lợ. Chúng là vua của loài săn bắt tôm tép và những loại cá nhỏ thường
trú ngụ ở những nơi nước đọng.
Làng Hà Liên quê tôi, nằm ở
vùng đầm Nha Phu, nơi cuối nguồn con sông Dinh đổ ra đầm, thế nên vùng đầm
quanh năm là nước chè hai – làng tôi gọi là nước lợ. Quanh làng biết cơ man nào
là cồn cát, những con lạch ăn sâu vào đất liền tạo nên những cồn cát tách rời
nhau. Làng tôi đặt cho mỗi cồn một tên riêng như : cồn Ngao, cồn Giữa, cồn Định,
cồn Ong, cồn Mắm, cồn Bần, cồn Bơi, cồn Cỏ, cồn Thiều, bực Mẹo, bến Giá, vũng
Già… chỉ cần nói đến cái tên cồn sát nào, thì người dân quê tôi sẽ biết địa điểm
nó ở đâu ngay. Có một thời những cồn trên là sân chim, đầy những đàn Cò. Những
năm sau đó, cồn cát quanh làng bị phá hoại trầm trọng, đàn Cò bỗng dưng bỏ đi hết! Gần đây rừng đước, mắm, bần, sú, giá, vẹc quanh làng được trồng lại dần thì
đàn Cò cũng tìm về. Nhìn đàn Cò đến vài trăm con nhởn nhơ tìm mồi trên cồn vừa
cạn, lòng người ở quê ai cũng thấy nôn nao!
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống
ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo
măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng
cò con…”
(Ca dao)
Câu ca dao ấy, dân quê ta
làng nào cũng thuộc, ấy là thân phận của mỗi cuộc đời riêng, họ mượn hình tượng
con Cò để mà giải tỏa nỗi lòng trong những giây phút đắng cay. Đó là nghĩa
bóng, chứ còn nghĩa đen thì nhiều vùng, người ta ăn thịt Cò không phải là ít.
Chẳng cứ chỉ phải xáo măng thôi đâu, họ còn làm nhiều món mà mới chỉ nghe tên
thôi thì cũng đã phát thèm !
Dân làng tôi không bao giờ
ăn thịt Cò, vì cho rằng thịt Cò tanh, khó ăn lắm ! Thật ra ngoài chuyện thịt Cò
tanh, người dân lang tôi vốn xem con Cò là loài chim thân thiết với con người. Ở
quê tôi, người ta nuôi Cò trong nhà, nuôi Cò chỉ để bắt ruồi.
Để có được một con Cò thuần
tính chịu sống chung với con người, cũng kỳ công không phải là ít. Đầu tiên là
đi bắt Cò, rồi chọn loại Cò để nuôi. Bắt Cò làm sao cho Cò không bị thương tật
và cũng đừng làm cho Cò sợ hãi thái quá thì mới dễ thuần hóa. Thông thường, cứ
buổi chiều vào lúc chạng vạng, đàn Cò tìm nơi để ngủ. Cò chỉ thích tìm những
cây cao, có tán rộng để ngủ, nhất là loại cây Mắm, gốc to bằng thân mình người
lớn, tán rộng đến vài mươi mét.
Dân làng tôi có cách bắt Cò
riêng của mình. Ban ngày, người đi bắt Cò phải quan sát trước cho kỹ, đợi đến tối
mịt thì mới ra tay hành sự. Trước hết, người đi bắt Cò phải mặc quần áo màu tối
sẫm, tốt nhất là màu đen để hòa vào cùng đêm tối, trên tay cầm theo một cái bao
gai và thế là lên xuồng, nhẹ nhàng bơi đến nơi cây có đàn Cò đang ngủ... Cặp xuồng
vào gốc cây, nhẹ nhàng buộc dây xuồng vào gốc, rồi từ từ trèo dần lên tới gần
ngọn, và người bắt Cò phải quan sát thật kỹ, sau đó nhè nhẹ đưa tay lên tóm gọn
đôi chân chú Cò, kéo xuống cho vào bao gai, túm đầu bao lại, cứ thế bắt hết con
này, đến con khác…
Đâu phải con Cò nào cũng thuần
dưỡng được. Những loại Cò chân chì, mỏ chì, là giống chim chiếm số lượng lớn nhất
trong mỗi đàn Cò, nhưng loại này thì lại không thể thuần hóa được, nên mỗi lần
đi bắt Cò mà tìm cho được một chú Cò chân vàng, mỏ vàng thì cũng thỏa rồi… Bởi
trời tối như bưng, ai mà chọn lựa cho được!
Cò chân vàng, mỏ vàng là giống
Cò dễ thuần dưỡng, chỉ cần thời gian một tuần lễ là thuần được nó. Để bắt đầu
thuần hóa, người ta cắt ngắn mấy sợi lông dài nơi đầu cánh, chỉ cắt một bên
thôi để nó mất cân bằng không thể bay được. Lấy sợi dây dài cột vào một chân của
Cò, còn đầu dây kia thì buộc vào chân bàn, hoặc nơi cột nhà, thế là suốt ngày
chú Cò chỉ lẩn quẩn ở một chỗ. Ở trong nhà như thế vài ngày là chú Cò quen dần
với con người. Lúc này người nuôi Cò lại lấy chiếc vỉ tre đập chết ruồi để “làm
quà” cho Cò. Mới đầu Cò còn nhút nhát, nhưng đói quá thì cũng phải ăn, ăn vài
ba ngày nữa thì bỗng đâm ra ghiền… Khi Cò đã ghiền “mồi ruồi” rồi thì người
nuôi phải xiết bớt khẩu phần ăn của chúng lại. Khẩu phần ăn không đủ thì Cò lại
phải tự tìm lấy mà ăn, thế là Cò phải đi săn ruồi ! Phải nói, Cò mà bắt ruồi là
số một, cứ mỗi nhát mổ của nó là một con ruồi, không trật vào đâu.
Khoảng một tuần lễ là Cò đã
luyện xong nghề bắt ruồi. Bây giờ người ta không buộc Cò vào một chỗ nữa mà thả
nó ra tự do. Nhưng Cò quả là con vật tình nghĩa, nó không bay đi mà vẫn sống với
con người. Lâu lâu Cò lại nhớ ruộng đồng, đầm vịnh, bay đi kiếm mồi, xong thì lại
tìm về.
Dân làng tôi rất quí loài
Cò, không một ai săn bắt hay làm tổn hại đến nó.Vì vậy mà đàn Cò cũng trở nên
thân thiện, gần gũi với con người. Cánh Cò đã đi vào ca dao, đi vào âm nhạc, đi
vào hội họa, đi vào văn học từ ngàn xưa cho đến tận hôm nay. Với tôi, cánh Cò
còn là những kỷ niệm khó quên về vùng Hà Liên yêu dấu, trong đó những kỷ niệm về
nuôi Cò để…bắt ruồi …
Hình Phước Long
Theo http://www.ninhhoatoday.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét