Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Suy ngẫm về tiến trình văn minh nhân loại

Suy ngẫm về tiến trình văn minh nhân loại
Từng có thời thịnh hành quan niệm châu Âu là trung tâm của thế giới.
Văn minh châu Âu từ Hy Lạp, La Mã lan tỏa ra khai hóa các dân tộc lạc hậu phương Đông. Nhưng từ giữa thế kỷ XX, nhờ những phát hiện khảo cổ học ở Viễn Đông, quan niệm trên bị xét lại. Có những ý kiến cho rằng, phương Đông là cái nôi của văn minh nhân loại. Từ đây, những đồ Đá Mới tinh xảo rồi cây trồng, vật nuôi cùng tư tưởng nông nghiệp được truyền sang phương Tây. Bài viết Ánh sáng mới từ thế giới bị quên lãng (The New Light on the Fogotten Past) của tiến sĩ G. W. Solheim II thể hiện cách nhìn mới mẻ mang tính cách mạng này. Nhưng công trình có tầm bao quát hơn là Địa đàng ở phương Đông (Eden in the East) của tiến sĩ Stephen Oppenheimer. Bằng kinh nghiệm nhiều năm của thày thuốc khoa nhi sống gắn bó với nhiều đất nước Viễn Đông, ông đã kết hợp những khảo cứu về dân tộc học, ngôn ngữ học, folklor và di truyền học để đưa ra phát hiện lịch sử về vai trò của phương Đông trong văn minh nhân loại. Ông cho rằng, người tiền sử đã tới Đông Nam Á, chiếm lĩnh lục địa Sundaland. Nhờ môi trường thuận lợi nơi đây, họ đã sinh sản nhanh và khoảng 20.000 năm trước đã sáng tạo ra văn minh nông nghiệp. Khoảng 7500 năm trước, do Đại hồng thủy, người từ Viễn Đông di tản bằng thuyền, mang vật nuôi và hạt giống cây trồng cùng tư tưởng về nông nghiệp tới Trung Đông, tạo nên bước phát triển của văn minh phương Tây…
Những tư tưởng của S. Oppenheimer thật mới mẻ và khó phản bác. Nhưng do chưa đủ chứng cứ thuyết phục nên chúng chưa chiếm được lòng tin của giới khoa học.
Mới đây, với bài viết Rời khỏi địa đàng (Out of Eden Peopling of the World*) nói về cuộc hành trình của con người ra khỏi châu Phi và chiếm lĩnh thế giới, ông cung cấp những bằng chứng xác thực về tiến trình văn minh nhân loại.
Theo tác giả, hành trình của loài người chiếm lĩnh Trái đất gồm 18 bước như sau:
1. Khoảng 160.000 năm trước, người hiện đại Homo sapiens đã sinh sống ở châu Phi. Bằng chứng khảo cổ học sớm nhất được biết đến là mtDNA và Y- chomosome của người cổ được tìm thấy ở Đông Phi.
2. Từ 160.000 đến 135.000 năm trước
Bốn nhóm người săn bắt-hái lượm đi về phía nam tới Mũi Hảo Vọng, tây nam tới Congo Basin, phía tây tới Côte d’Ivoire, mang theo thế hệ thứ nhất của gen mtDNA típ “L 1”
3. Từ 135.000 tới 115.000 năm
Vào khoảng 125.000 năm trước một nhóm tiến về Sahara xanh, đi qua cổng phía bắc, tới sông Nile tại Cận Đông.
4. Từ 115.000 đến 90.000 năm trước
Nhánh đi tới Cận Đông bị tiêu diệt vào 90.000 năm trước. Một đợt băng giá khốc liệt xảy ra ở vùng này và Bắc Phi. Khu vực này sau đó bị người Neanderthal chiếm.
5.Từ 90.000 tới 85.000 năm trước.
Khoảng 85.000 năm trước, một nhóm băng qua mũi của Biển Đỏ rồi men theo bờ phía nam bán đảo A Rập tới Ấn Độ. Tất cả những người sống ngoài châu Phi đều thuộc nhóm này.
6. Từ 85.000 tới 75.000 năm trước.
Từ Sri Lanka họ tiếp tục men bờ Ấn Độ Dương tới phía tây Indonesia, sau đó tiến vào châu Á. Những người còn ở lại thì đi vòng Borneo tới nam Trung Hoa.
7. Từ 74.000 năm trước tại vùng Toba, Indonesia
Núi lửa Toba của Sumatra phun mãnh liệt tạo ra ‘mùa đông nguyên tử” kéo dài 6 năm và tiếp đó là 1000 năm băng hà cùng sự tàn phá đầy bi kịch, tiêu diệt không dưới 10.000 người. Tro núi lửa phủ dầy 5 m trên Ấn Độ và Pakistan
8. Từ 74.000 đến 65.000 năm trước.
Theo sau sự hủy diệt của tiểu lục địa Ấn Độ, con người tới tái dịnh cư tại đây. Những nhóm vượt biển bằng thuyền từ Timor tới châu Úc và từ Borneo tới New Guinea. Lúc này ở những vĩ độ thấp phương Bắc trở nên mát mẻ hơn.
9. Từ 65.000 đến 52.000 năm trước.
Khí hậu ấm lên vào 52.000 năm trước khiến cho những nhóm người từ bán đảo A Rập tiến lên phía bắc, tới vùng Lưỡi Liềm màu mỡ và trở lại Cận Đông. Từ đây họ tiến vào châu Âu qua eo Bosporus vào khoảng 50.000 năm trước.
10. Từ 52.000 tới 45.000 năm trước
Một đợt băng hà ngắn. Người Aurignacian với văn hóa Đá cũ muộn di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Bulgaria châu Âu. Đồ đá kiểu mới xuất hiện tại Danube của Hungary sau đó ở Áo.
11. Từ 45.000 tới 40.000 năm trước.
Nhóm từ Đông Á di cư về phía tây qua Trung Á rồi lên Bắc Á. Từ Pakistan họ đi tới Trung Á và từ Đông Dương qua vùng Tebet tiến tới cao nguyên Qinh-hai
12. Từ 40.000 tới 25.000 năm trước
Những người từ Trung Á đi về hướng tây tới Đông Âu, phía bắc tới Vòng Bắc cực và sang Đông Á để bắt đầu tiến về đông bắc lục địa Á – Âu. Thời kỳ này xuất hiện những đồ mỹ thuật, như là Chauvet cave ở Pháp.
13. Từ 25.000 tới 22.000 năm trước
Tổ tiên của thổ dân Mỹ từ Siberia băng qua eo Bering tới Alaska, theo hành lang băng tuyết tới Meadowcroft trước kỳ băng giá cuối cùng….
14. Từ 22.000 tới 19.000 năm trước
Trong suốt thời kỳ Băng hà cuối cùng, phía bắc châu Âu, Á và Bắc Mỹ trở nên hoang vắng, chỉ có từng nhóm người trú tại những nơi ẩn náu. Tại Bắc Mỹ, hành lang băng bị đóng lại và con đường ven biển bị đóng băng.
15. Từ 19.000 tới 15.000 năm
Thời kỳ băng giá cuối cùng 18.000 năm trước. Tại Bắc Mỹ, phía nam vùng băng, những nhóm người tiếp tục phát triển đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và gen. Họ đi xuống Nam Mỹ. Xuất hiện nghệ thuật đá của thổ dân Úc.
16. Từ 15.000 tới 12.500 năm trước
Khí hậu trái đất tiếp tục được cải thiện. Con đường ven biển được mở lại. Con người tới sống ở Monte Verde, Chile khoảng 11.790 đến 13.555 năm trước tính theo C 14. Những công cụ đơn giản bằng đá, đá cuội được phát hiện
17. Từ 12.500 đến 10.000 năm trước.
Khoảng 12.500 năm trước, Bắc Mỹ được chiếm lĩnh lại bởi những người từ phía nam lên và những người sống sót tại chỗ. Tại vùng Cận Bắc cực, 11.500 năm trước, những người sống sót tại khu vực eo Bering trở thành người Eskimo, Aleuts và người nói tiếng Na-Dene
18. Từ 10.000 đến 8.000 năm trước.
Chấm dứt thời băng hà cuối cùng, mở ra sự phát triển nông nghiệp. Sahara trở thành đồng cỏ xanh. Hươu cao cổ xuất hiện ở Niger. Con người tái chiến đất Anh và bán đảo Scandinavia
Nhìn vào con đường khúc khuỷu, quanh co bước trồi bước hụt chinh phục Trái đất của tổ tiên, ta thấy đó là con đường vạn dặm đầy khổ ải và hy sinh.
Hy sinh đầu tiên là những người từ châu Phi tới Cận Đông rồi bị băng tuyết chôn vùi 90.000 năm trước. Những Homo sapiens này là những người tiên phong đi ra khỏi cái nôi châu Phi. Chính do chọn lầm phương hướng, thay vì đi theo hướng mặt trời mọc, họ lại tiến về phía mặt trời lặn trong kỳ ấm áp tạm thời giữa kỷ băng hà nên bị băng tuyết hủy diệt.
Chứng kiến tai họa của những người tiên phong cùng sức ép dân số tăng, một nhóm khác, đã theo con đường ngược lại, vượt qua Hồng Hải, men bờ nam bán đảo A Rập rồi theo hướng mặt trời mọc tiến vế phía Ấn Độ. Là người đi sau nhưng những nhóm người này đã thực hiện được sứ mệnh của mình, trở thành những người đầu tiên ra khỏi châu Phi và là tổ tiên của toàn bộ những tộc người sống ngoài châu Phi.
Được kích thích bởi thời tiết ngày một dễ chịu hơn, nhóm người này hướng theo bờ biển Ấn Độ rồi chiếm lĩnh những hòn đảo lớn ngoài khơi Đông Nam Á, Đông Dương và nam Trung Hoa.
Nhưng thử thách mới đã đến: khoảng 74.000 năm trước, núi lửa Toba vùng Sumatra phun lửa. Nham thạch bao phủ toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ, chôn vùi khoảng 10.000 người và dìm vùng này trong “mùa đông nguyên tử” hàng nghìn năm.
Tai biến thứ ba xảy ra vào thời băng hà cuối cùng 22.000 – 19.000 năm trước. Thời tiết lạnh đột ngột tiêu diệt đại bộ phận những người đã sống ở phía cực bắc lục địa Âu – Á và bắc Mỹ. Chỉ còn từng nhóm nhỏ chống chịu được thì sống vô vàn khó khăn tại những nơi ấn nấp.
Giai đoạn chót của cuộc hành trình diễn ra vào 10.000 đến 8000 năm trước: thời băng hà cuối cùng chấm dứt. Sahara trở thành đồng cỏ xanh. Con người từ Trung Đông tiến vào châu Âu…  mở ra sự phát triển nông nghiệp.
Nhìn bao quát hành trình của nhân loại, ta thấy rằng, có lẽ may mắn nhất là những người tới được Đông Nam Á. Trước hết, đây là vùng đồng bằng ven biển rộng mênh mông, khí hậu ấm áp nên rừng rậm, nhiều sông suối, sản sinh nhiều thú rừng, tôm cá, sò ốc… là nguồn thức ăn phong phú. Do địa bàn bằng phẳng, không quá vất vả kiếm sống nên con người sớm định cư thành quần thể lớn. Từ đây sự phân công lao động xuất hiện. Những sáng kiến cá nhân nảy sinh. Người Đông Nam Á sớm từ bỏ đồ Đá Cũ, bước sang đồ Đá Mới với những công cụ cuội mài bén mà đỉnh cao là loại rìu có vai. S. Oppenheimer cho rằng, khoảng 24.000 năm trước, trên địa bàn Đông Nam Á, việc trồng lúa và thuần hóa gia súc được thực hiện. Ý tưởng của ông tuy không được chứng minh bằng những vật chứng cụ thể nhưng có thể tin được nhờ việc phát hiện hạt lúa 13.000 năm trước bên sông Dương Tử. Ông có lý khi cho rằng, lúc đầu con người sống ở đồng bằng Sundaland sau đó đi dần lên vùng đất cao phía tây, phía bắc, nhất là khi nước biển dâng vào 18.000 năm trước. Văn hóa Hòa Bình là kết quả của cuộc di cư này. Khi biển dâng thì địa bàn cư trú tập trung nhất của người tiền sử bị nhấn chìm vì vậy ngày nay chúng ta không tìm được vết tích cuộc sống của họ. Văn hóa Hòa Bình chỉ là rìa của Sundaland đã bị hủy diệt.
Để củng cố ý tưởng của mình, S. Oppenheimer đã dẫn ra khá thuyết phục những truyền thuyết về Đại hồng thủy với việc những “nhà thông thái phương Đông” tới Lưỡng Hà trên những thuyền Noar mang theo con giống cùng những tư tưởng về nông nghiệp. Chính cuộc di tản của thuyền nhân Đông Nam Á tiếp sức cho nền văn minh nông nghiệp Lưỡng Hà mới manh nha. Như vậy, có cơ sở để tin rằng, nông nghiệp xuất hiện ở Đông Nam Á trước phương Tây khoảng 10.000 năm.
Nhận thấy mối quan hệ giữa sự cư trú và trình độ văn minh của người tiền sử, nhà địa lý kiêm toán học người Anh Fuller Buckminster đã xác lập Bản đồ động thái người (Human Dimaxion Maps), cho thấy, vào thiên niên kỷ IV TCN, vùng duyên hải Đông Á chỉ chiếm 5% diện tích thế giới nhưng có tới 54% nhân loại sinh sống. Nhìn sự phân bố dân cư suốt chiều dài lịch sử nhân loại, ta có cơ sở để tin vào tính toán trên. Không phải bỗng dưng mà có hiện tượng đó. Đất lành chim đậu là quy luật của muôn đời!
Có lý do để nghĩ tới lẽ huyền vi của tạo hóa. Trong khi bộ phận khác của nhân loại phải phiêu lưu trên những con đường gian nan và chết chóc, thì số mệnh đã dành cho những người tới Đông Nam Á một địa đàng.
Trong lúc còn đang “suy ngẫm” thì tôi đọc trên PNAS (Biên bản Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ) thông tin đáng chú ý. Khi phân tích DNA 5.000 chiếc răng hóa thạch của dân cư châu Âu cổ từ 1,8 triệu tới 250.000 năm trước, các nhà khoa học Tây Ban Nha, Giorgia phát hiện dân cư châu Âu thời gian này là từ châu Phi lên và châu Á sang, trong đó gene châu Á chiếm ưu thế. Lịch sử lặp lại: Hàng triệu năm trước, châu Á đã là cái nôi thứ hai của loài người!
Văn hóa nông nghiệp không sản sinh ra những vị vua thần và nô lệ nên không xây dựng được những công trình đồ sộ như kim tự tháp. Nhưng văn hóa vật thể mà dân nông nghiệp để lại là những công trình trị thủy vĩ đại, bắt đầu từ trước cả thời vua Hạ Vũ, đời đời nối dài mãi, bối đắp mãi thành những con đê. Kỳ quan của dân nông nghiệp còn là những cánh đông mênh mông và hàng ngàn giống cây trồng cùng vật nuôi… Nhưng văn hóa phi vật thể mà dân nông nghiệp cống hiến cho nhân loại mới là to lớn. Trước hết đó là kinh Dịch, cuốn kỳ thư phản ánh bản thể cùng sự vận hành của vũ trụ. Một cuốn kinh vô tự xưa nhất của loài người nhưng luôn luôn mới mẻ, sáng suốt như người thầy thông thái dẫn đường cho nhân loại khám phá vũ trụ và bản thân mình. Về nhân sinh đó là Việt Nho với Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh. Đấy là triết học của mọi dân tộc, của mọi thời đại, cho rằng, trong tam tài thiên, địa, nhân thì con người là chủ, giữ vị trí tôn quý nhất. Với vai trò như vậy, con người sống thái hòa với xã hội và tự nhiên. Con người không chỉ là cơ thể vật chất mà còn là tâm linh. Là Đạo Việt An Vi: không vô vi cũng không hữu vi mà con người sống vì sự an nhiên, an hòa, an bình…
Ba trăm năm qua, trên nền tảng của văn minh du mục, triết học duy lý phương Tây đẩy nhân loại tới bước phát triển thần kỳ. Hơn bao giờ, con người được thụ hưởng những tiện nghi vật chất tưởng như chỉ có trong chuyện thần tiên… Nhưng oái oăm thay, chính trên đỉnh cao phát triển này, con người lại đứng trước sự hủy diệt, mà nguy cơ lớn nhất là sự nóng lên của Trái đất. Giữa nhu cầu phát triển và bảo vệ môi sinh là cuộc mặc cả của những chính trị gia thiển cận. Phải chăng không còn con đường nào cứu vãn Trái đát? Phải chăng con người đui mù đang dấn thân vào cõi chết?
Không hoàn toàn là tuyệt vọng! Những trí tuệ sáng suốt nhất của nhân loại đã hướng về phương Đông và tìm ra trong trầm tích văn hóa nơi cựu lục địa cái cẩm nang quý giá. Đó là Việt Nho với Nhân chủ, Thái Hòa, Tâm linh với Đạo Việt An Vi.
Kippling, nhà tư tưởng xuất sắc của chủ nghĩa tư bản đã nông nổi khi nói “Đông là Đông, Tây là Tây…” Là con người, không có gì thuộc con người lại xa lạ với con người. Phương Đông chính là nơi tích tụ năng lượng văn hóa, tâm linh vĩ đại của nhân loại. Chả có gì phải tự ti hay quá tự hào về chuyện này. Đấy chính là sứ mệnh của phương Đông. Và đây là lần thứ ba tư tưởng phương Đông cứu nhân loại.
 Hà Văn Thùy
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/
Theo http://4phuong.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...