Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Nhạc ngoại lời Việt thời vang bóng: "Bài tây theo điệu ta"

Nhạc ngoại lời Việt thời vang bóng: 
"Bài tây theo điệu ta"
Thời kỳ thịnh hành của nhạc nước ngoài lời Việt là vào những năm cuối thập niên 1960 vì chúng luôn được phát qua làn sóng điện, đĩa hát, băng nhạc; được biểu diễn ở phòng trà, chương trình truyền hình với những giọng ca nổi tiếng.
Bìa tờ nhạc gấp bản 'Dạ khúc' (Sérénade) 
và 'Chiều tà' (Serenata) do Phạm Duy soạn lời Việt
Hiện nay, trình độ ngoại ngữ của ca sĩ và khán giả ngày càng được nâng lên cùng với những khó khăn về bản quyền nên việc chuyển ngữ phần lời ca khúc quốc tế sang tiếng Việt không còn nhiều. Tuy nhiên, hàng trăm ca khúc nhạc Anh, Pháp, Hoa, Nhật... được viết lời Việt từ những thập niên trước theo từng trào lưu vẫn còn in đậm trong ký ức người nghe.
“Đồng xanh là chốn đây thiên đàng cỏ cây, là nơi bầy thú hoang đang vui đùa trong nắng say... Đây những bờ suối vắng im phơi mình bên lùm cây, đây những dòng nước mát khẽ vươn tay về thung lũng, và những đôi nhân tình đang thả hồn dưới mây chiều...”. Ai từng nghe ban Brother Four hát Green Field rồi thả hồn theo tiếng hát ban Phượng Hoàng trong bản Đồng xanh mới thấy hết sự tài tình của nhạc sĩ Lê Hựu Hà khi đặt lời Việt cho bài hát này.
Nhạc nước ngoài lời Việt có từ khi nào?
Thật bất ngờ khi biết việc đặt lời Việt cho nhạc nước ngoài đã có từ đầu thế kỷ 20, thời kỳ chưa có “nhạc cải cách”, cụ thể hơn là chưa có nhạc Việt được viết theo ký âm Tây phương. Theo Lịch sử tân nhạc Việt Nam của Giáo sư Trần Quang Hải, lúc ấy các bài hát châu Âu, Mỹ được phổ biến mạnh mẽ ở VN với các đĩa hát 78 vòng và qua những bộ phim.
Ngạc nhiên nhất là việc đặt lời Việt cho nhạc Tây, thường được gọi là "bài Tây theo điệu ta" lại bắt nguồn từ một số nhạc sĩ cổ nhạc. Soạn giả cải lương Tư Chơi - Huỳnh Thủ Trung trong một vài vở cải lương đã cho hát nhạc Tây được đặt lời Việt như: Marinella trong vở Phũ phàng, Pouet Pouet trong Tiếng nói trái tim, Tango mystérieux trong Đóa hoa rừng, La Madelon trong Giọt lệ chung tình...
Cũng theo Lịch sử tân nhạc Việt Nam, trong giới thanh niên yêu nhạc cũng có phong trào chuyển ngữ các bài hát của Tino Rossi, Rina Ketty, Albert Préjean, Georges Milton... mà họ yêu thích. Những nghệ sĩ sân khấu như Ái Liên, Kim Thoa đã được các hãng đĩa của người Pháp như Odéon, Béka thu âm các bài ta theo điệu Tây. Khoảng thời gian từ 1935 tới 1938, rất nhiều bài hát của Pháp như Marinella, C'est à Capri, Tant qu'il y aura des étoiles, Un jour loin de toi, Celle que j'aime éperdument... mà phần lớn là sáng tác của nhạc sĩ người Pháp Vincent Scotto và của Mỹ như Goodbye Hawaii, South of The Border... đã được phổ biến mạnh mẽ với lời ca tiếng Việt, soạn bởi một nhà báo trẻ tên là Mai Lâm và bởi những tác giả vô danh khác.
Rất tiếc thời ấy chưa xuất hiện những tờ nhạc gấp nên những bản nhạc nước ngoài đặt lời Việt đã thất truyền và không chắc có người còn nhớ lại những bài nhạc ấy.
Dấu xưa trên tờ nhạc gấp
Thời kỳ thịnh hành của nhạc nước ngoài lời Việt là vào những năm cuối thập niên 1960 vì chúng luôn được phát qua làn sóng điện, đĩa hát, băng nhạc; được biểu diễn ở phòng trà, chương trình truyền hình với những giọng ca nổi tiếng. Tuy nhiên ngay từ đầu những năm 1950, nhạc nước ngoài lời Việt đã sôi động và để lại dấu tích trên những tờ nhạc gấp. Những tờ nhạc gấp được xem là phát kiến của ông Tăng Duyệt, Giám đốc NXB Tinh Hoa (sáng lập năm 1943).
Không biết tờ gấp nhạc nước ngoài lời Việt đầu tiên ra đời vào năm nào. Trong những tờ gấp nhạc nước ngoài lời Việt mà tôi còn lưu giữ thì bài Le Beau Danube Bleu mà Phạm Duy đặt là Dòng sông xanh của Johann Strauss được NXB Đón Gió ấn hành năm 1952. Một bản nhạc được viết lời Việt tuyệt hay, và đi vào lòng bao người yêu nhạc qua giọng ca Thái Thanh: “Một dòng tràn mông mênh. Một dòng nồng ý biếc. Một dòng sâu mấy kiếp…”. Năm sau, NXB Đón Gió còn in của nhạc sĩ Phạm Duy một loạt ca khúc nhạc nước ngoài lời Việt: Dạ khúc (Sérénade), Mối tình xa xưa (Celebre Valse), Chiều tà (Serenata), Trở về mái nhà xưa (Come back to Sorrento)... Đáng chú ý là trong thời gian này, tờ gấp in nhạc chỉ với lời Việt chứ không có lời bản gốc.
Không để cho NXB Đón Gió một mình một chợ, các NXB khác cũng đua nhau ấn hành tờ gấp nhạc nước ngoài lời Việt với các bài hát Mỹ, Pháp, Nhật, Ý, Trung Quốc, Cuba, Nga nổi tiếng lúc đó. Phải kể đến NXB Hoa Thủy Tiên với các tác giả Huỳnh Anh, Huyền Vân, Anh Hoa, Huyền Xuân... đã cho ra đời Vũ khúc mambo (Mambo Italiano), Bông hồng Trung Quốc (Rose de Chine),
Cánh buồm lướt gió (Voyage à Cuba), Tàn nhịp liên hoan (Tabou), Tình xưa (Comédi), Cánh buồm xa xưa (La Ploma), Mối tình đầu (Bambino)... với các tác giả đặt lời việt như Thương Hoài, Tô Huyền Vân, Mộng Tiên, Vương Huyền...
Có những tác giả đặt lời Việt bám theo nội dung chính của lời gốc và cũng có những tác giả đặt theo cảm xúc của mình chứ chẳng cần theo nguyên tác. Một tác giả là Quỳnh Sơn đã dùng ý của bài thơ Hai sắc hoa ti gôn để đặt lời Việt cho bài Histoire D’un Amour với tựa đề là Một chuyện tình Hai sắc hoa ti gôn (năm 1960): “... Nhớ hôm nào khi người ấy về thăm, vuốt tóc em như bao lần. Khẽ thở dài trông em rồi bảo: Dáng hoa như tim vỡ tàn, anh e tình ta cũng sẽ vỡ tan...”.
Và thú vị là chính nhà thơ Thế Lữ đã đặt lời Việt cho bài nhạc bằng tiếng Hoa do nhạc sĩ La Hối viết nhạc (phần lời tiếng Hoa do Diệp Truyền Hoa soạn) Xuân và Tuổi trẻ (NXB Đón Gió - 1954): “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng. Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…”. Đến nay, bài hát với giai điệu rộn rã và ca từ tươi sáng này vẫn luôn vang lên mỗi dịp xuân về.
Lê Văn Nghĩa 
Nguồn: http://thanhnien.vn
Theo http://www.hoiamnhachanoi.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...