Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Đoan chính được phúc đức, tham sắc bị tai họa

Đoan chính được phúc đức, 
tham sắc bị tai họa 
Tiết nghĩa đạo đức luôn là thiện tâm vốn có của mỗi con người. Từ xưa những bậc nhân sĩ có đạo đức, có hàm dưỡng đều lấy thanh tịnh làm gốc, luôn giữ tâm thành kính, dùng đức hạnh trong sạch để bồi dưỡng bản thân và dùng tâm chính khí hạo nhiên để kiềm chế ác dục. Vì “háo sắc tham dục” là việc làm trái với thiên lý nhân luân, họa loạn thường đạo, Trời đất không dung, Thần Phật phẫn nộ. Nếu người quân tử coi đó là tai họa mà biết tránh thì sẽ được phúc tinh soi chiếu, Thiên thượng bảo hộ đắc phúc; kẻ tiểu nhân coi đó là vui thú mà lao vào thì sẽ chuốc lấy tai ương, ác báo vào thân. Phúc họa không tự nhiên đến, tất cả đều là do con người tự chiêu mời.
Văn Xương Đế có câu: “Thiên đạo họa dâm, kỳ báo thậm tốc. Nhân chi bất úy, mộng mộng vô tri. Cẩu hành kiểm chi bất tu, tức tai ương chi lập chí. Ta nhĩ hữu chúng, thính dữ huấn ngôn. Duy huệ địch cát, tự cổ vân nhiên. Bất thiện giáng ương, thác nhân minh giới.” Ý nghĩa là: Thiên thượng thường giáng họa vào những kẻ háo sắc tham dâm, hơn nữa báo ứng đến rất nhanh. Có một số kẻ ngốc coi đó như giấc mộng mà điên đảo vô tri, không biết sợ hãi, nếu phóng túng hành vi bản thân, không biết kiểm điểm thì sẽ tự chuốc lấy tai ương. Các bậc sĩ tử hãy nghe lời khuyên của ta: Từ xưa đến nay thuận trời thì mới đạt được cát khánh; trái ý trời chính là tội ác, tất sẽ gặp tai họa, đây cũng là lời răn dạy của các bậc thánh hiền xưa nay.
Cổ nhân có câu “vạn ác dâm vi thủ”, vì suy nghĩ tà dâm vừa nảy ra thì cũng kéo theo các loại suy nghĩ xấu xa và tội nghiệp; các suy nghĩ tốt vì thế mà mất đi. Suy nghĩ tà dâm đến từ sắc dục, khởi tâm sắc dục đã là có tội, huống hồ là kẻ phạm tội tà dâm thì ác nghiệp càng nặng, không thể chạy thoát khỏi báo ứng. Kẻ đó không chỉ gặp tai họa vào thân mà còn ảnh hưởng đến con cháu; quả báo không chỉ ở đời này mà còn bao nhiêu kiếp về sau. Nếu hiểu được luật nhân quả này thì nhất định sẽ thấy hối hận, còn dám phóng túng bản thân nữa không? Trong sách xưa có rất nhiều câu chuyện về phương diện này nhằm cảnh tỉnh người đời không nên phóng túng dục vọng, phục hồi lương tri đạo đức, tu xuất tâm thanh tịnh vô vi, loại bỏ điều ác để bước đi trên con đường chính đạo.
1. Cự tuyệt sắc dục được kéo dài tuổi thọ, tăng thêm phúc lộc
Vào thời nhà Minh ở Ninh Ba có một thư sinh tên là Tôn Hậu, vì gia đình nghèo túng nên phải qua sông để dạy học, kiếm kế sinh nhai. Về sau ngay cả công việc này cũng bị mất, nên đành đến nhà Trương Thị ở Đường Tây để giúp việc ghi chép, đổi lấy cái ăn cái mặc.
Một hôm đêm khuya thanh vắng, một người tỳ nữ nhà họ Trương lén lút chạy đến phòng của Tôn Hậu, anh biết ý liền lớn tiếng quở trách từ chối rằng: “Thái thượng cảm ứng biên” có nói, các vị thần Tam Đài, Bắc Đẩu, Tam Hộ luôn đi theo để giám sát lỗi lầm của mỗi người, lẽ nào đêm khuya thanh vắng thì thiên thượng không biết hay sao?” Nhưng ông thầy trong nhà họ Trương chứng kiến cảnh này liền tư thông với tỳ nữ kia. Đến Tết Đoan Ngọ, thì ông thầy này phát bệnh không thể chữa khỏi, lúc này chủ nhà liền mời Tôn Hậu lên làm thầy giáo.
Một hôm, Tôn Hậu khi đang ở cửa sông thì gặp chú của người thầy kia, ông chú kinh ngạc nói: “Ta vì bệnh của con trai mà đã đến cầu xin ở miếu thành hoàng, đêm đó liền nằm mơ thấy rằng, Thành hoàng ngồi trong điện, gọi thuộc hạ đem đổi tên của người sẽ bị định là chết đói ra sửa, từng cái tên được đọc lên, đọc đến khoảng mười mấy người thì tôi nghe thấy tên anh. Tôi liền khẽ hỏi vị quan kia, tại sao Tôn Hậu lại có thể được thay đổi mệnh chết đói? Vị quan đó nói: “Bản mệnh của người này vốn chỉ là đến năm 46 tuổi sẽ bị tha hương chết đói. Nhưng vì vào đêm khuya ngày mười tám tháng tư năm nay, anh ta kiên quyết từ chối người tỳ nữ tham dâm nên được chuyển từ sổ chết đói sang sổ lộc.”
Về sau, Tôn Hậu ngày càng có nhiều học sinh theo học, mỗi năm học sinh đóng hơn trăm lạng vàng tiền học phí. Đến năm Vạn Lịch ba mươi sáu nhà Minh, Tôn Hậu 46 tuổi, cũng chính là năm mà ông lẽ ra phải bị chết đói, quả nhiên năm đó mất mùa, giá gạo tăng cao, người nghèo không có tiền mua nên có rất nhiều người bị chết đói. Nhưng Tôn Hậu không những qua được kiếp nạn này mà còn rất sung túc, đến những năm cuối đời, Tôn phủ đã trở thành một gia tộc giàu có. Khi ông bảy mươi tuổi thì qua đời mà không có bệnh tật gì.
Người xưa kính trời kính thần, người quân tử thận trọng, biết rằng: Trên đầu ba tấc có trời đất thần linh đang giám sát. Mặc dù ở trong phòng tối cũng không dám phóng túng dục niệm của bản thân mà nghiêm khắc ước chế. Cao Phan Long triều Minh đã nói: “Nếu con người có một niệm thành tâm thì thiên thượng sẽ ban phúc cho người đó. Tôn Hậu cự tuyệt sắc dục là xuất phát từ sự thành tâm, nên tự nhiên sẽ nhận được phúc báo.”
2. Sửa chữa sai lầm, chuyển họa thành phúc
Yên Huệ An, người ở Trấn Giang phủ huyện Đơn Dương. Yên Huệ An là con đầu của một gia đình giàu có nên được chiều chuộng hết mức, hy vọng có được công danh hiển đạt. Thời trẻ anh thường tụ tập với bạn bè đồng trang lứa, đem chuyện nam nữ ra để bàn luận cười đùa. Cạnh nhà có một người thiếu nữ, lúc đầu anh thường đục tường nhìn trộm, về sau liền trèo tường sang để đùa cợt, cả ngày chỉ nghĩ đến chuyện dâm dục, bỏ bê đèn sách, đến ngày thi cử thì trong đầu không có lấy một chữ.
Hai năm sau đó, anh lấy cớ là ôn thi để lên kinh thành sống, thường xuyên ra vào các tửu lầu, chơi bời, cờ bạc, lại thích đọc sách tà dâm.
Đến năm thứ ba, khi đang đi trên phố anh gặp một người phát sách thiện, liền cầm lấy thì thấy đó là cuốn “Cảm ứng biên” và “Âm chất văn”. Vì tò mò anh mở ra đọc, đọc xong anh kinh tâm động phách nghĩ: “Những hành vi miêu tả trong cuốn sách này giống hệt mình, dường như là đang viết cho mình vậy, sao ta lại ngu xuẩn đến vậy? Người xưa khuyên răn tránh chuyện tà dâm, ta lại đam mê luyến ái, không biết kiềm chế bản thân, thế là ta đã tự hại mình rồi!”
Ngay hôm đó anh liền thắp hương quỳ trước trời đất thề rằng sẽ không phạm tà dâm nữa và quyết chí thức tỉnh. Trong thời gian học tập sẽ không mê luyến sắc dục; và phát nguyện sẽ in và tặng hàng nghìn cuốn sách thiện này, để chuộc lại những tội lỗi trước đây. Sau đó anh thực hiện đúng như lời hứa, đến năm thứ hai, anh đi thi được đứng đầu thi huyện. Từ đó anh càng cố gắng khuyến thiện cho mọi người, in một lượng sách thiện lớn để phát, và đã thức tỉnh được rất nhiều người.
Tuy nhiên có một người bạn không nghe lời anh mà sửa đổi, vì gian dâm bị người ta phát hiện vây đánh nên đành phải nhận bồi thường tiền bạc và bị ghi nợ. Sau đó người bạn này lại sợ cha biết được sẽ không tha cho mình nên trong lúc cùng quẫn đã nhảy xuống sông tự tử. Sớm biết thế này thì sao không nghe lời khuyên của Yên Huệ An? Yên Huệ An nhờ biết hối cải kịp thời, cố gắng khuyến thiện cho mọi người, nên anh không chỉ được hưởng thọ lớn mà con cái cũng đều phú quý.
Biết sửa chữa sai lầm, và làm việc tốt để bù đắp là vô cùng quan trọng; kiên trì khuyên răn mọi người hướng thiện càng là một việc tốt to lớn, được tiêu tội đắc phú, đó là bởi “Thiên đạo họa dâm, bất gia hối tội chi nhân.” (Trời phạt tội tà dâm, nhưng sẽ tha cho những người biết hối cải)
3. Viết sách tà dâm gặp ác báo, liên lụy đến gia đình
Vào năm Vạn Lịch nhà Minh, có một vị tiến sỹ tên là Trương Mỗ, rất có tài văn chương, nhưng ông không dùng cái tài của mình vào việc chính đạo mà lại thích viết những sách tà dâm và đưa ra xã hội. Anh cho rằng mượn những câu chuyện trong xã hội để viết thì sẽ không ảnh hưởng đến âm đức của mình.
Một đêm nọ, Trương Mỗ mơ thấy cha mình về quở trách: “Con viết sách tà dâm khiến cho thế nhân hỗn loạn, tưởng giả thành thật, rất nhiều người vì đọc sách của con mà thất đức không biết kiểm điểm. Dưới âm phủ trừng phạt tội tà dâm là nặng nhất. Con vốn có tiền đồ rộng mở, phúc trường lộc thọ, nay vì viết sách tà dâm nên đã bị hủy hết rồi. Phúc đức tổ tông mấy đời để lại cũng bị con hủy hoại trong chốc lát, phải làm thế nào đây?!”
Trương Mỗ sợ hãi tỉnh giấc, trong lòng vô cùng lo lắng. Một thời gian sau, trên đường đi nhậm chức ở Phúc Kiến thuyền của gia đình ông bị gió thổi mạnh khiến cho cả gia đình đều bị chết đuối.
Đáng tiếc thay cho người có tài văn phú, huệ căn được bồi dưỡng từ đời này sang đời khác lại không nghĩ xem làm thế nào để tích lũy phúc đức cho xã hội, tạo phúc cho mọi người, từ đó tích phúc đức cho bản thân. Ngược lại lại gây ra tội ác khiến thiên thượng phẫn nộ, cắt đứt phúc đức của tổ tiên mấy đời và phúc đức của con cháu. Đây đúng là tự nhảy vào lửa, thà rằng không màng đến danh tiết bản thân, cũng không trân trọng bản thân, nhưng lẽ nào lại không yêu thương con cháu, không kính trọng tổ tiên? Thật quá đáng thương. Sách tà dâm làm bại hoại luân lý, mê hoặc bản chất thanh khiết của con người, khiến cho người ta gây ra biết bao nhiêu tội ác, đúng là một mối nguy hại lớn cho con người.
4. Đọc sách sửa chữa lỗi lầm, công danh thăng lên gấp đôi
Thời còn trẻ Tôn Hồng có một người bạn thân, hai người hẹn ước với nhau rằng có thư gia đình gửi đến thì đều không giấu giếm.
Một hôm, bạn học nhận được thư nhà liền giấu đi, không cho Tôn Hồng xem, thấy thế Tôn Hồng liền hỏi bạn, bạn trả lời rằng: “Trong thư có lời sợ sẽ làm phật ý anh.” Tôn Hồng nhất định muốn xem, bạn học đành phải lấy thư của cha ra, trong thư viết: “Hôm qua cha mơ thấy Thần nhân báo cho cha biết những cái tên sẽ đăng khoa. Ông ấy đưa cha đến một quan phủ, cha nhìn thấy rõ ràng bảng những thí sinh thi đỗ, con và Tôn Hồng đều có tên trong đó, nhưng phía dưới tên của Tôn Hồng lại có một dòng chữ đỏ ghi rằng, vào ngày nọ tháng nọ năm nọ, đã viết thay cho ai đó giấy ly hôn, Thiên thượng trách phạt nên bị gạch tên. Công danh của cậu ấy cũng bị xóa bỏ.”
Tôn Hồng nghe xong vô cùng kinh ngạc, bạn học hỏi có đúng là anh đã từng làm việc này không, anh trả lời: “Đây là một việc xảy ra gần đây! Tôi đi qua châu nọ thì gặp một đôi vợ chồng già cãi nhau đòi ly hôn, nhưng không ai viết giấy ly hôn nên đã nhờ tôi viết. Tôi thực sự không có ý gì cả. Nhưng đúng là tôi đã làm việc này, không ngờ lại bị Thiên thượng trách phạt nặng nề đến vậy!” Người bạn nói: “Giấc mộng vốn mơ hồ, anh không cần phải quá để ý. Người có tài như anh sao lại không thi đỗ được?” Đến khi thi xong, quả nhiên người bạn thì đỗ còn Tôn Hồng thì trượt, lúc này hai người mới tin rằng những gì xảy ra trong giấc mơ không phải là giả.
Tôn Hồng vì thế mà buồn bã, người bạn liền khuyên nhủ: “Anh cũng không nên quá buồn, tôi đi về sẽ thay anh khuyên đôi vợ chồng già ấy quay trở lại với nhau, thế nào?” Thế là anh liền hỏi chỗ ở và tên tuổi của đôi vợ chồng. Người bạn tìm đến nơi, thấy hai người họ vẫn chưa lấy ai, liền đem chuyện Tôn Hồng ra kể, chuẩn bị yến tiệc để hai người hòa giải, khuyên họ trở về với nhau. Sau khi xong việc, anh viết thư cho Tôn Hồng. Tôn Hồng vô cùng hạnh phúc và cảm kích người bạn.
Về sau Tôn Hồng nhờ danh nghĩa Thái học sinh nội trú được miễn thi cử, lên làm quan đến chức thị lang. Trong thời gian tại nhiệm, mỗi lần gặp phải việc ly hôn anh đều tìm cách hòa giải, giúp cho rất nhiều gia đình êm ấm, hạnh phúc, giữ được nhân duyên vợ chồng trời định.
Vợ chồng là quan hệ nhân duyên, hai người cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với nhau, cần trân quý ân nghĩa đạo nghĩa, sao có thể dễ dàng phá hủy được? Những người phá hoại nhân duyên vợ chồng thì sẽ phải hứng chịu tai họa không hề nhỏ, còn người vun đắp cho vợ chồng sẽ đắc được phúc báo.
5. Một niệm hành ác khiến cho tiền đồ bị xóa bỏ
Triều nhà Thanh ở Sơn Đông có một thí sinh nọ, vào đêm trước khi đi thi, người hầu của anh đột nhiên chết, anh đành phải để cho người hầu tạm thời nằm trong phòng.
Khi thí sinh này thi xong môn thi đầu tiên trở ra thì thấy người hầu đã tỉnh lại, và kể cho anh rằng: “Hôm qua con đã mơ màng bước vào cống viện, nghe thấy tên của cậu chủ đứng thứ mấy gì đấy, khi nhìn vào thì thấy dưới tên của mỗi thí sinh trúng tuyển đều được dán một chiếc cờ đỏ nho nhỏ, dưới tên của cậu chủ cũng có.” Chàng thư sinh nghe thấy vậy thì vui mừng khôn tả xiết. Thế là người hầu liền tranh thủ cơ hội nói: “Nếu cậu chủ thực sự trúng tuyển thì hãy cưới cho con một người vợ được không?” Anh chàng trả lời: “Cô gái ở nhà đối diện có được không?” Người hầu nghe xong thì hơi e ngại. Anh nói tiếp: “Có gì mà không dám? Đợi ta thi đỗ xong thì người ta chả phải dâng con gái đến tận cửa nhà ấy chứ.”
Đến ngày thi thứ hai, người hầu này lại chết, đến khi tỉnh dậy nhẹ nhàng nói với chàng thư sinh: “Cậu chủ thi không đỗ rồi.” Chàng trai kinh ngạc, vội vã hỏi rõ căn nguyên, người hầu nói: “Con ở cống viện thấy quan chấm thi điểm tên, điểm đến tên cậu chủ thì đột nhiên nói: ‘Người này chưa thi đỗ mà đã có ý định làm việc xấu.” Sau đó liền ra lệnh đổi thành người nào đó họ Triệu. Tên của cậu chủ đã không có cờ đỏ nữa rồi.”
Chàng thư sinh nghe xong thì bán tín bán nghi, đợi đến khi công bố kết quả thì đúng là có một người họ Triệu trúng tuyển, còn tên của anh là Lạc Tôn Sơn. Hóa ra là, các bài thi của anh đều rất xuất sắc, giám khảo chấm bài chuẩn bị trình lên để cho anh trúng cử. Nhưng không ngờ trong lúc thu bài, một bài thi của anh vô tình rơi vào ngọn đèn và bị cháy mất nửa trang, nên không thể trình lên được nữa, đành lấy tạm một bài thi khác thế vào. Chàng thư sinh này đã vô cùng hối hận.
Con người nếu vô tình có suy nghĩ xấu thì cần phải chấn chỉnh ngay lập tức, không được thuận theo đó mà tạo thành nghiệp quả, dẫn đến bị Thần Phật trách phạt. Trong cuốn sách của Vương Dương Minh có viết: Có một người bạn than phiền rằng khi mình khởi lên suy nghĩ bất chính thì trong lòng biết rất rõ, nhưng không thể nào loại bỏ nó ngay lập tức. Vương Dương Minh trả lời: “Lương tri này chính là cái rễ sinh mệnh của anh. Khi anh loại bỏ suy nghĩ bất hảo ngay lập tức thì đó cũng là nỗ lực để an thân lập mệnh!”
6. Hủy hoại danh tiết của người khác, trời đất không thể dung thứ
Lý Thúc Khanh là một vị quan thanh liêm cẩn thận, nhưng lại bị một đồng sự là Tôn Nham ganh ghét đố kỵ. Nhằm mục đích hủy hoại danh tiết của Lý Thúc Khanh, Tôn Nham đã tung tin đồn rằng: “Lý Thúc Khanh bề ngoài thì đức cao vọng trọng, nhưng tôi thấy ông ta thật không bằng súc vật.” Mọi người hỏi tại sao ông lại có những lời này, thì ông ta ngang nhiên vu khống rằng: “Lý Thúc Khanh và em vợ có quan hệ bất chính với nhau, thử hỏi ông ta có còn là con người không?” Thế là lời nói vu khống đó được lan truyền đi khắp nơi. Sau khi Lý Thúc Khanh nghe được, ông muốn hỏi em vợ và biện minh rõ ràng nhưng lại không dám nói ra chuyện này, không hiểu tại sao mình lại bị dèm pha như vậy, cuối cùng ông đã chết vì quá uất ức. Về phần người em vợ, khi nghe được lời đồn đại cũng thống khổ khôn xiết, không thể nào giải được nỗi oan cho mình nên đã thắt cổ tự vẫn.
Chỉ vài ngày sau khi hai người mất, trời bỗng nhiên mưa to dữ dội, sấm chớp đùng đùng một cách lạ thường. Tôn Nham đã bị sấm chớp trói đến trước cửa nhà Lý Thúc Khanh và bị sét đánh chết. Ngay cả sau khi được mai táng Tôn Nham vẫn tiếp tục bị sét đánh, mộ phần và quan tài bị sét đánh bật tung ra, phần mộ bị xéo nát, thi thể lộ ra ngoài.
Chỉ vì một niệm ganh ghét đã hủy hoại thanh danh và danh tiết của người khác, làm hại đến sinh mệnh con người là một tội ác tày trời. Tôn Nham buông lời xấu xa đã làm tổn hại đến danh tiết và sinh mệnh của hai người nên báo ứng chồng chất như núi, bị Thiên thượng trách phạt, vì thế nên Tôn Nham bị sét đánh những hai lần, đó cũng là ác giả ác báo. Thế nhân hãy lấy đây làm tấm gương cảnh tỉnh bản thân, không được có tâm ganh ghét tung tin đồn mê hoặc lòng người, hủy hoại người khác.
Từ xưa đến nay, người có thể giới sắc thì tất sẽ đắc được phúc báo; còn tham sắc tham dục, thì sẽ bị mất âm đức, hủy hoại tiền đồ bản thân. Mọi người đều hy vọng mình được phúc trường lộc thọ, cát tường bình an. Muốn có được điều này thì chỉ có thể phá bỏ chướng ngại của ma sắc, vứt bỏ triệt để sắc dục, tăng cường chính niệm thì tà niệm tự nhiên sẽ mất đi, không đắc tội với Trời đất Thần minh thì mới có được căn cơ hưởng phúc. Nếu con người biết tuân theo Thiên lý mà hướng thiện, giữ gìn tâm tính trong sáng như ngọc thì sẽ được Trời bảo hộ và đắc phúc báo.
Vũ Tường
Theo http://vn.minghui.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...