Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Gió biển cuối trời

Gió biển cuối trời 
Đến với Sông Đốc vào một chiều nơi thị tứ cuối trời tổ quốc, chàng trai 24 tuổi - cái tuổi chưa đủ chuẩn chạc nhưng cũng không còn nhiều dại dột - ngồi trên phiến đá trắng ánh mắt đâm chiêu gửi về biển thẳm…
Anh ta vừa nhận được sự phân công về dạy học ở trường Trung học phổ thông Sông Đốc, đúng là chuyện mừng nhưng sao nhìn anh ấy có vẻ gì bâng khuâng rười rượi vậy? Và dường như không phải, nét mặt này, nước da rạm nắng này đâu phải là nét của giáo viên hay thư sinh? À… đúng rồi, chính nó rồi, đây là làn da của người chạy xe ôm, người lao động chân tay cơ mà! Ra là vậy, là anh xe ôm, phụ hồ, bốc vác và… thầy Trần Đức Tín!
Thầy Tín dạy môn Ngữ văn về trường Sông Đốc hồi năm 2013, trẻ, khỏe và vô cùng nhiệt tình. Nhưng sao lại có đoạn chạy xe và bốc vác thế? Ngồi mà nghe các thầy cô khác kể chuyện về thầy Tín y chang như một bộ phim, như một tuồng cải lương lâm li bi đát.
Quê thầy ấy ở huyện U Minh, sinh ra trong một gia đình bề thế, giàu sang đứng nhất nhì trong mảnh đất rừng tràm, từ nhỏ được nuông chiều, nắng không đến đầu, mưa không đến chân. Cậu nhóc ấy là một con ngoan trò giỏi, liên tục 11 năm là học sinh khá giỏi, hầu như buổi chào cờ nào cũng nằm trong danh sách học sinh được tuyên dương.
Những tưởng cuộc đời đẹp đến thế, nhưng không. Cậu học trò Tín ấy học đến năm 11 thì bỗng nhiên tất cả trở thành giấc mộng! Cha mẹ cậu ấy li hôn. Tán gia bại sản…
Chàng trai 17 tuổi ấy theo mẹ, từ giàu sang phút chốc trở thành nghèo khó, hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống dưới căn phòng trọ ọp ẹp, bữa rau bữa cháo. Nhưng cậu ấy nuôi giấc mơ trở thành giáo viên nên vẫn không bỏ học, ngày buổi sáng đến trường, chiều về chạy xe ôm nuôi mẹ. Vậy nên tình hình học tập sa sút, học lực chỉ đạt được trung bình, đôi khi cậu chán đời có lần tụ tập bè bạn đi chơi, bỏ bê việc học. Mẹ thầy ấy buồn bực đến đổ bệnh, có lần phải đưa vào nhập viện, thầy Tín thức nhiều đêm trong bệnh viện để chăm mẹ, trong những đêm trắng ấy cậu ta suy nghĩ nhiều điều về mẹ, về tương lai, về lẽ sống,… Chập chờn với những câu hỏi tự dày vò bản thân: “Ước mơ cao đẹp trở thành giáo viên của mình đâu rồi? Mình đã đánh mất rồi sao? Mình đang sống vì điều gì vậy?”... Thế rồi đôi tay úp vào mặt, rưng rức khóc!
Từ đó, cậu học sinh Trần Đức Tín quyết tâm học tập, cuối năm 12 cậu đỗ cao trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, và cũng đến ngày cậu mong đợi bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ đại học, khăn gói lên Cần Thơ “lai kinh ứng thí”. Ngày mai, cậu ấy sẽ đi lên Cân Thơ để ôn luyện chuẩn bị cho kì thi đại học, đêm nay là đêm cuối ở nhà cùng mẹ, vài bộ quần áo cũ cậu đã xếp gọn gàng bỏ vào ba lô từ chiều rồi, ngồi nhìn chiếc ba lô trong góc phòng và nét mặt hớn hở của con trai mình, mẹ cậu ấy bỗng rớt nước mắt, dường như có điều gì muốn nói với con nhưng khó nói ra lắm sao mà nhìn người mẹ ấy có vẻ day dứt.
- Có gì thế mẹ?
- Mẹ…
- Mai con đi rồi, mẹ đừng lo quá! Lần này con nhất định lấy tấm bằng đại học về cho mẹ xem! Con của mẹ sẽ làm giáo viên đó mẹ!
- Nhưng con à… mẹ… xin lỗi… nhà mình nghèo, không có tiền để học đại học đâu con…
Chỉ nói được vài lời thế, rồi người mẹ khốn khổ ấy nức nở khóc, người con ngồi trong lặng im, cúi mặt. Cứ ngồi thế cho đến hết đêm. Sáng hôm sau, người thanh niên ấy nói với mẹ mình: “mẹ cho con đi nhé, con không đi Cần Thơ nữa, con đi Sài Gòn, giờ nhà mình không có tiền, con xin mẹ cho con đi làm 1 năm, dành dụm tiền, năm sau con về Cần Thơ thi tiếp. Mẹ yên tâm, con của mẹ lớn rồi, mẹ đừng lo lắng quá!”
Chuyến xe ngày hôm đó sao quá chậm, tất cả những kí ức về gia đình, về quê hương, về những chuyện mà cậu ấy đã trải qua bỗng ùa về cùng những cơn gió thốc làm lòng người thắt lại…
Giờ ở nơi đất khách, chốn Sài Gòn xa hoa, không người thân, không bè bạn, Trần Đức Tín là một công nhân. Cậu làm không thấy mặt trời, ngày nào cũng tăng ca, từ sáng đến mãi 9 giờ tối mới về đến phòng trọ. Cơm nước qua loa cậu ấy lại mở tập vở ra tự học, đều đặn hằng đêm, rồi tháng 7 lại đến, chớp mắt đã hết năm, 12 tháng dành dụm cậu cũng đủ tiền để thi đại học. Tạm biệt Sài Gòn!
Tín về Cần Thơ, tham gia thi đại học. Và với những phấn đấu không ngừng nghỉ, lòng quyết tâm cao độ, đúng là “trời không phụ lòng người”. Ngày Tín về lại quê hương, chạy về với mẹ, cậu vừa cười vừa khóc, cậu sà vào lòng mẹ với tờ giấy báo trúng tuyển đại học trên tay! Hai mẹ con, một già một trẻ chỉ biết khóc…
Lại vác ba lô lên vai và đi, miền đất hứa là Cần Thơ, hết đại học năm thứ nhất, người mẹ khốn khổ của cậu đã rời chốn phù du đời tục, xuất gia quy y Phật pháp, là sư cô. Từ đó, Tín chỉ còn một mình, hai từ “gia đình” giờ là xa xỉ với cậu. Bốn năm đại học, sáng chiều lên giảng đường, tối lại đạp xe đi làm thêm, tự học, tự sống. Tín làm đủ thứ nghề, khi thì phụ quán nước, lúc thì quán cơm, xe ôm, bảo vệ, bốc vác,… rồi ngày tháng khó khăn cũng qua, cậu tốt nghiệp sư phạm với thành tích nổi trội. Tín quay về Cà Mau, muốn cống hiến những gì mình có cho mảnh đất quê hương này!.
À! hay đấy, phải thế chứ! giờ người ngồi kia, trên phiến đá trắng ấy là thầy Trần Đức Tín!
Mỗi khi nhắc về thầy giáo trẻ này, các đồng nghiệp đều tươi cười hớn hở, vì thầy Tín vui vẻ, nhiệt tình, đặc biệt là rất ham học hỏi và tinh thần phấn đấu cao độ. Tuy mới về trường được bốn năm nhưng thầy Tín đã đạt nhiều thành tích trong công tác của mình, 2 năm liền thầy Tín đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi vòng trường, thi đua dạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, thầy còn là công đoàn viên xuất sắc của trường. Năm học vừa rồi 2016 – 2017, thầy ấy còn được khen tặng đặc biệt vì hướng dẫn học sinh thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn, đạt giải nhất vòng tỉnh và giải nhì cấp quốc gia!
Còn hỏi học sinh về thầy Tín thì ngắn gọn học sinh nói là: “yêu mến”. Thầy ấy trẻ, hòa đồng và yêu thương học sinh vô cùng! Mà cũng lạ, lớp thầy ấy chủ nhiệm đại đa số là học sinh cá biệt nhưng khi chúng gặp thầy Tín lúc nào cũng cúi đầu chào thầy rất lễ phép.
Về trường đến giờ thầy Trần Đức Tín vẫn ở trọ, lương giáo chỉ đủ sống qua ngày, chúng ta ai cũng nghĩ với số tiền hằng tháng ấy thì chi tiêu còn phải dè dặt, chỉ mang hình thức chống đói thôi. Nhưng tôi cũng vô cùng kinh ngạc về những chuyện thầy làm. Thầy không chỉ dạy trên lớp không và còn cưu mang học trò nghèo nữa. Như thế nào à? Chắc chỉ có tấm lòng yêu thương mới biết được. Những cậu học trò nghèo, nhà xa, cái ăn còn khó khăn nói chi tới chuyện học, thầy ấy vận động không cho nghỉ học, thầy gom về nhà trọ của mình có năm tới 4, 5 cậu học trò nhà nghèo. Sáng chiều lên lớp dạy xong, về nhà thầy đi chợ, nấu cơm, nhiều hôm nhìn mâm cơm của mấy thầy trò muốn rớt nước mắt, con cá kho khô. Chỉ có vậy! Tối thầy chăm học trò như chăm con, bắt học bài, chỉ dạy những chỗ các em chưa hiểu, tụi nhỏ nhiều khi vô ý, học mệt rồi nằm ngủ quên, thầy đi giăng mùng, đắp mền cho chúng,… chỉ sống giản đơn thế thôi mà bọn nhóc lại thành công, có nhiều đứa đang học đại học. Đi xa chúng lại nhớ thầy da diết.
Lại một chuyện lạ, nhiều năm gần đến kì thi học kì, nhiều phụ huynh đến tìm thầy Tín và năn nỉ: “Thầy ơi! Thầy cho tôi gửi con qua ở nhà thầy nghe, thầy gắng kèm cháu cho nó học bài để nó thi, chứ ở nhà, tôi bảo nó học nó không nghe!”. Đúng là chuyện lạ, học sinh phổ thông rồi chứ có phải mẫu giáo đâu mà lại… ờ, thì gửi chăn dùm ấy mà, vì học sinh. Nhận vậy!
Đúng là thầy Tín làm được những việc tưởng chừng không làm được, hỏi thầy ấy có ước muốn gì không? Thầy nói: “Nếu có điều kiện, sẽ dựng một khu riêng, thật nhiều căn nhà nhỏ để… nuôi học trò nghèo!”.
Giờ người ngồi trên phiến đá trắng nhìn ra biển ấy là Tôi, vâng! Tôi là Trần Đức Tín, khi nhận viết bài thi này tôi đã rất băn khoăn, chẳng lẽ lại tự viết về mình? tự khen mình? – không! Bài viết này chỉ như một việc trải lòng, tất cả những chuyện tôi đã từng trải qua trong cuộc đời mình, có lúc tưởng chừng gục ngã vì giông bão cuộc đời, nhưng điều tôi muốn khẳng định là nếu chúng ta có đủ niềm tin thì không khó khăn ta không thể vượt qua! Tôi muốn các em học sinh nhìn vào đời tôi mà cố gắng, phát huy hơn nữa những điều mà tôi đã làm được và khắc phục những việc mà thầy chúng từng va vấp. Tôi muốn các đồng nghiệp đang công tác trong ngành giáo dục hãy cống hiến nhiều hơn nữa cho nghĩa vụ “trồng người” thiêng liêng của chúng ta! Nào chúng ta cùng bước, bên cạnh các thầy cô là những mầm hoa của đất nước, sẽ sớm thôi, ngoài kia nắng đang lên, hoa sẽ nở rực rỡ khắp non sông Tiên Rồng!.
Trần Đức Tín
Theo http://phamngochien.com/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...